Tối 30.4.1975, trời Sài Gòn bỗng được chiếu sáng rực rỡ bởi màn pháo sáng liên tục bắn lên từ phía cảng Khánh Hội. Nhiều người ngỡ ngàng: Sao Quân giải phóng chuẩn bị nhanh thế?
Mới giải phóng buổi trưa mà giờ đã có pháo hoa chào mừng. Nhưng không phải vậy! Đó là một màn pháo hoa ngoài kế hoạch. Và có một bí mật không phải ai cũng biết: Tác giả màn pháo hoa ấy chính là cán bộ, chiến sĩ Đại đội xe tăng 4 của Lữ đoàn 203 – những người đã húc cổng, cắm cờ tại Dinh Độc Lập buổi trưa hôm đó.
14 giờ ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau khi tình hình ở Dinh Độc Lập đã trở lại bình thường, Đại đội xe tăng 4 được giao nhiệm vụ chiếm giữ cảng Sài Gòn và kiểm soát tình hình đi lại trên sông. Ngay sau khi nhận lệnh, đại đội trưởng Bùi Quang Thận lập tức tập hợp đội hình, phổ biến nhiệm vụ và tổ chức cho đại đội cơ động về phía cảng.
Lúc này quảng trường trước cửa Dinh Độc Lập và các con đường xung quanh đều đông nghẹt người. Có thể nói gần như tất cả nam, phụ, lão, ấu của thành phố đã đổ về đây để chứng kiến giờ phút trọng đại của dân tộc.
Từ trong sân dinh đi ra, những chiếc xe tăng còn lấm đỏ bụi đường phải bò từng tí một vì bà con cứ xúm xít xung quanh vẫy chào, chụp ảnh, tặng hoa… Phải mất một lúc lâu chúng mới qua khỏi đám đông và nhanh chóng tăng tốc độ.
Chừng hai mươi phút sau, toàn đại đội đã đến con đường trước cổng cảng. Ngay sau khi vào cảng, đại đội trưởng Thận cho tất cả các xe tiến sát ra mép cầu cảng. Những khẩu pháo 100 mm hướng xuống mặt sông đầy đe dọa. Trên cầu cảng rải rác vài chiếc xe du lịch các màu đỗ ngổn ngang, cửa và nắp cốp xe vẫn mở toang hoác.
Chắc là của những người giàu hay quan chức di tản bỏ lại. Dưới sông chỉ có một tàu vận tải loại nhỏ đang neo tại cầu tàu. Các chiến sĩ yêu cầu những người còn đang ở trong cảng ra ngoài hết rồi đóng cổng lại. Chỉ mất khoảng mười phút, Đại đội xe tăng 4 đã hoàn toàn làm chủ cảng Sài Gòn.
Ít phút sau, hai chiếc tàu kiểu sà lan tự hành chạy từ phía hạ lưu lên. Các chiến sĩ cảnh giới vẫy nhẹ tay, hai chiếc tàu đã lập tức bẻ lái cặp sát vào cầu cảng. Những người chủ tàu lên bờ trình báo: “Tàu của họ là tàu dân sự nhưng bị chính quyền Sài Gòn trưng dụng đi phục vụ chuyển quân.
Tuy nhiên, trưa nay lính tráng đã bỏ chạy hết nên bây giờ họ đang trên đường về nhà”. Khi hỏi: “Tại sao trên tàu nhiều súng như vậy?” họ cho biết: “Lính Việt Nam cộng hòa khi tan rã đã bỏ lại tất cả súng ống, đạn dược và cả quần áo nữa”.
Sau khi kiểm tra các loại giấy tờ thấy đúng như họ nói, các chiến sĩ đồng ý sẽ cho họ về nhà nhưng yêu cầu họ phải đưa tất cả các loại vũ khí, trang bị quân sự dưới tàu lên bờ.
Đợi một lúc nữa không có tàu nào qua lại, đại đội trưởng Thận phân công các lái xe ở lại cảnh giới, còn lại đi nấu cơm và thu dọn khu vực kho. Cả một dãy mười cái kho rộng mênh mông cửa mở toang. Hàng hóa thì đủ thứ thượng vàng, hạ cám, có những kiện hàng to như cả gian nhà, nhỏ thì cái bát, đôi đũa đều có nhưng có lẽ nhiều nhất là vải vóc.
Màn pháo sáng để đời
Cơm nước xong, cả đại đội kéo nhau ra sát mép cầu cảng ngồi. Ở đó có khoảng chục súc gỗ lớn vứt ngổn ngang. Gần hai chục anh em kẻ đứng, người ngồi trên mấy súc gỗ điểm lại tên những người ngã xuống suốt chặng đường từ ngoài Bắc vào tới đây, nhắc chuyện quê hương và nhớ những người thân ở quê đang ngóng đợi. Ai cũng nghĩ chỉ ít ngày nữa là mình sẽ được về quê.
Chiều ngày hoà bình đầu tiên trên bến cảng thật bình yên. Dưới sông, những dề lục bình trôi lững lờ. Gió thổi mát rượi xua tan hết những mệt nhọc của hơn một tháng trời ròng rã chiến đấu từ Huế vào đến Sài Gòn. Những người lính ngồi hóng gió thật thảnh thơi như những nông dân sau một buổi cày. Cứ như một giấc mơ vậy- nhiều người bảo thế!
Chiều xuống dần. Mặt trời đã lặn hẳn. Hoàng hôn Sài Gòn tím thẫm trông thật lạ. Một cậu lính trẻ trông khá thư sinh, láu lỉnh bỗng đề xuất với đại đội trưởng xin bắn pháo sáng mừng chiến thắng. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ngạc nhiên khi biết cậu ta đã thu gom được những 3 thùng pháo sáng. Mỗi thùng có 40 quả, vị chi là có những 120 quả.
Nhìn chung, đồ quân dụng của quân đội Mỹ đều thuộc loại rất tốt và bền, trong đó có pháo sáng. Những quả pháo sáng có vỏ là một ống nhôm gần bằng cổ chân, một đầu là hạt nổ, một đầu là nắp đậy được dán kín bởi băng keo.
Với kết cấu như vậy dù có ngâm nước cả tháng nó vẫn không hề hấn gì. Khi sử dụng chỉ việc bóc băng keo ra, lồng cái nắp vào đáy ống và dập mạnh xuống đất.
Thế là một quả pháo sáng sẽ vọt lên. Nhờ có dù nên pháo sáng sẽ lơ lửng trên không chừng vài ba phút, soi tỏ một diện tích khá rộng. Sau khi bắn xong cái vỏ có thể làm thành cái ống điếu cày rất tuyệt, không sợ dập vỡ bao giờ.
Nghe vậy, Thận thích chí cười: “Bắn đi! Mấy chục năm chiến tranh giờ mới có hòa bình. Phải chào mừng mới đúng chứ!”.
Thế là cả đại đội ngồi quây lại thành một vòng tròn. Lúc đầu họ đập đồng loạt. Khi gần hai chục cánh tay cùng dập mạnh xuống chỉ nghe thấy những tiếng “vút”, “vút” vang lên rồi gần hai chục quả pháo sáng nở bừng trên bầu trời tím thẫm.
Một góc Sài Gòn bừng sáng, mặt nước sông lung linh phản chiếu lên càng làm cho chùm ánh sáng thêm huyền ảo, kỳ bí. Cả đại đội sung sướng ngước nhìn và reo hò đến vỡ họng. Ngoài phố phía đối diện với cổng cảng cũng vang lên tiếng hò reo hưởng ứng của nhân dân và những người chứng kiến.
Tiếp đó, họ bắn theo nhóm rồi bắn lần lượt nối tiếp nhau. Trên bầu trời đêm đen kịt những quả pháo sáng lần lượt bừng nở, quả này vừa tắt đã có quả khác bắn lên. Cả một góc Sài Gòn bừng sáng, những gương mặt trẻ tươi rói cùng reo hò đến khản cổ. Đó đây một vài quả pháo sáng được bắn lên như phụ họa cùng bữa tiệc pháo sáng nơi đây.
Buổi bắn pháo sáng của Đại đội xe tăng 4 kéo dài đến gần ba mươi phút. Bầu trời khu vực cảng Sài Gòn liên tục rực sáng và ngập trong tiếng reo hò của mấy chục lồng ngực trẻ và của bà con xung quanh.
Đã hơn 40 năm trôi qua, đã được chứng kiến hàng chục cuộc bắn pháo hoa trong những dịp lễ, Tết hay kỷ niệm gì đó song với cán bộ- chiến sĩ Đại đội xe tăng 4 thì màn pháo sáng mừng hòa bình thống nhất trên cầu cảng Sài Gòn đêm 30.4.1975 vẫn là màn pháo hoa đẹp nhất trong đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét