Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

BÃO THÉP Tập1- CƠN LỐC ĐẦU MÙA- Kỳ 2


Đang ngồi trầm ngâm trước tập tài liệu thấy cái bóng thấp đậm của quyền tư lệnh Đào trước sân, chính ủy Ngọc đã vội đứng lên tươi cười:
- Anh Đào đấy à? Mời anh vào uống nước!
Chỉ định sang thông báo mình xuống đơn vị kiểm tra, nhưng thấy chính ủy Ngọc đã rời bàn làm việc ra bộ bàn ghế tiếp khách ông Đào đành nán lại. Vừa ghé ngồi vào chiếc ghế ba nan ông đã nói luôn:
- Không biết anh Dương sẽ xoay xở thế nào đây hả anh Ngọc?.
Vừa từ tốn rót nước ra chén ông Ngọc nhẹ nhàng:
- Anh cứ yên tâm! Tôi tin rằng với sự chuẩn bị kỹ càng của ta thế nào anh Dương cũng sẽ thuyết phục được các thủ trưởng thôi!
Đẩy chén nước về phía quyền tư lệnh Đào, ông tiếp:
- Anh uống nước đi!
Ông Đào nâng chén nước lên ngắm nghía, màu vàng chanh của nước chè xanh hãm khéo sóng sánh trên nền chiếc chén sứ Hải Dương trông thật ngon mắt. Ông từ tốn nhấp một ngụm nhỏ rồi nói:
- Từ ngày về sơ tán ở đây tôi đâm ra nghiện món chè xanh này rồi anh ạ!
Ông Ngọc cười:
- Tôi cũng thế! Mỗi ngày cứ đều đặn hai ấm. Mà cậu Lưu công vụ nó biết hãm chè nên uống thấy càng ngon.
Quả thật ở vùng chân dãy núi Tam Đảo này chè xanh có vị ngon đặc biệt. Tuy nhiên nếu không biết hãm mà cứ vặt bỏ vào nồi nấu thì uống chán phèo. Lưu là người vùng này, từ bé đã lớn lên cùng với những đồi chè nên biết rất rõ điều đó. Vì vậy khi sơ tán về đây Lưu đề nghị ngay với bên hành chính mua cho hai bộ ấm tích chuyên để hãm chè. Cậu ta bảo: “Chè xanh phải hãm bằng ấm tích mới ngon”. Sáng sớm hái nắm chè về, rửa sạch, để ráo nước rồi đun nước, tráng ấm. Chuẩn bị cho chè vào thì vò nhẹ nắm chè cho hơi dập dập lá. Sau khi rót nước sôi thì cho ngay vào dành để ủ. Chè được hãm đúng cách lúc rót ra màu vàng hơi phơn phớt xanh, lại sóng sánh như mật, uống vào cảm được ngay cái vị chát chát, ngọt ngọt và cái mùi hăng hăng của nhựa cây như còn đọng lại.
Liếc qua tập tài liệu trên bàn ông Đào hỏi:
- Anh cũng đang đọc lại bản báo cáo đấy à?
Ông Ngọc cười bối rối:
- Đọc thì đọc đấy nhưng đầu óc nó cứ ở đâu đâu ấy!
- Cũng y như tôi, nhìn vào trang sách mà cứ như nhìn vào ma trận ấy! Đúng là “đồng bệnh tương liên”!- Ông Đào bật cười ha hả, một kiểu cười cực kỳ hiếm thấy ở ông.  
Thấy ông Đào cười ông Ngọc cũng bật cười theo và thú thật:
- Cầm tài liệu đọc nhưng rồi cái đầu lại chỉ tưởng tượng ra anh Dương đang bị “các cụ” quay thế nào thôi.
Nhìn bề ngoài ông Ngọc có vẻ già dặn hơn cái tuổi 45 của mình. Có lẽ vì cái dáng vẻ đạo mạo và phong thái từ tốn của một cán bộ chính trị lâu năm. Tuy nhiên, đằng sau cái vẻ bề ngoài đó là một con người của hành động mạnh mẽ và quyết đoán. Không giống như ông Đào được đào tạo bài bản từ nước ngoài về tăng thiết giáp, ông Ngọc chỉ mới được điều về làm chính ủy khi thành lập binh chủng năm kia. Ngay khi vừa về nhận nhiệm vụ ông đề nghị Thường vụ đảng ủy và Bộ Tư lệnh dành cho ông một tháng học về kỹ chiến thuật binh chủng. Ông nói: “Muốn làm tốt công tác Đảng, công tác chính trị ở một đơn vị mà mình chẳng hiểu gì về nó thì chỉ có ăn ốc nói mò thôi”. Thế là một mình ông xuống tiểu đoàn huấn luyện, cũng lái, cũng bắn, cũng bảo dưỡng kỹ thuật, quai búa, bơm dầu... y như một người lính. Khi về cơ quan người ông sắt lại và đen hẳn đi nhưng hể hả lắm: “Có đi như thế mới hiểu lính xe tăng vất vả như thế nào và máu chiến đến mức nào”. Ông còn dí dỏm: “Ở đâu đó phải lo làm công tác tư tưởng cho bộ đội đi chiến trường chứ ở binh chủng này lo làm công tác cho bộ đội ở lại ngoài Bắc lại vất vả hơn”. Quả thật, từ ngày thành lập đến nay đã gần chục năm, bộ đội được huấn luyện cơ bản, kỹ càng, lại được hưởng tiêu chuẩn cao hơn bộ binh và các binh chủng bạn mà cứ án binh bất động, quanh đi quẩn lại lúc nào cũng huấn luyện rồi bảo dưỡng kỹ thuật nên anh em ai cũng nóng ruột. Vì vậy khi được dịp gần gũi chính ủy ai cũng bày tỏ nguyện vọng được đi chiến trường. Ông lại phải trổ tài cán bộ chính trị để động viên, an ủi nhưng rồi chính ông cũng bị “lây” cái khí thế đó và trong đầu ông cũng nhanh chóng hình thành một suy nghĩ cháy bỏng: “Xe tăng thiết giáp là loại vũ khí hiện đại và có hiệu suất chiến đấu cao, phải làm sao nhanh chóng đưa được vào chiến trường để trong đó bớt đổ xương, đổ máu, để cho ngày toàn thắng đến sớm hơn”. Và cũng vì thế ông đã hòa nhập rất nhanh với tập thể thường vụ đảng ủy và Bộ Tư lệnh. Với quyền tư lệnh Đào ông cũng có mối quan hệ cộng tác rất chân tình và cởi mở. Hai ông trọng nhau về nhân cách, tri thức và quý nhau bởi lối sống giản dị, trọng tình nghĩa. Ngay như lúc này cả hai cùng có suy nghĩ giống nhau và cùng lo lắng như nhau.
Thấy quyền tư lệnh Đào vẫn trầm ngâm nâng chén nước chè lên mà hồn vía vãn như đang để tận đâu đâu chính ủy Ngọc láy lại:
- Anh đừng lo lắng nữa! Theo tôi tình thế lúc này cũng đã chín muồi, cộng với sự chuẩn bị kỹ càng của ta thế nào cũng trót lọt thôi!
- Thì vẫn biết vậy nhưng tâm tưởng nó cứ làm sao ấy.- Cúi nhìn đồng hồ quyền tư lệnh Đào nói với chính ủy Ngọc- Anh ở nhà trực, có việc gì giải quyết giúp tôi nhé! Tôi xuống chỗ H03 một lát, hôm trước nghe anh em báo cáo tình trạng kỹ thuật xe máy ở chỗ sơ tán không được tốt lắm. Đến trưa tôi sẽ về.
- Được! Anh cứ đi đi!- Ông Ngọc tỏ ra thông cảm với tâm trạng của người đồng nhiệm, ông hiểu rằng có ngồi ở nhà ông Đào cũng sẽ không làm được việc gì.
Hai người bắt tay nhau, ông Đào rảo bước về phía chiếc xe Bắc Kinh đã đợi sẵn trước nhà mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét