Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

BÃO THÉP 1- CƠN LỐC ĐẦU MÙA- Kỳ 11


Dư âm của buổi mít tinh, của bữa liên hoan mặn, của trận bóng đá và tối liên hoan văn nghệ vẫn còn âm ỉ cho đến tận khuya. Căn nhà 6 gian của đại đội 9 được thắp sáng bằng hai bó đuốc đi- ê- zen khói mù mịt nhưng râm ran tiếng cười nói, tiếng bình luận. Chắc là do chiếu cố ngày lễ nên đại đội trưởng Nghi không nhắc nhở gì, mọi ngày giờ này mà còn ỏm tỏi lên thế này thì “ăn quát” là cái chắc. Như mọi khi Hòa đen vẫn là trung tâm của mọi cuộc hội nghị bàn tròn:
- Này, các cậu thấy xe tớ có “oách” không? Chiều nay thằng Thắng ghi hai bàn vào lưới của đại đội 3 nhé! Còn tối nay lúc cậu Cân độc tấu bài “Xe tăng ra trận” tớ thấy khối thằng rưng rưng nước mắt đấy! Lại còn ông Nhã nữa chứ, nhà quê thế mà hát quan họ hay ra phết. Mỗi tội khi hắn há mồm ra hát anh em lại phải nhắm mắt, tớ chỉ ti hý mỗi tý mà chói không thể nào chịu được.
Căn nhà rộ lên tiếng cười. Biết Hòa đang bôi bác cái răng vàng của mình nhưng Nhã vẫn nằm yên như đã ngủ. Tính anh vẫn thế, kệ nó trêu chọc chán thì thôi. Có tiếng ai châm chọc:
- Cả xe đều lập công, còn mỗi Hòa đen là vô tích sự thôi.
Hòa phản công ngay:
- Vô tích sự thế nào? Nếu không có tớ chỉ đạo sát sao đố cậu Thắng đá được như thế! Còn Cân ấy à, tớ cũng phải đạo diễn từng ly từng tý đấy chứ!.
Mặc cho Hòa thao thao bất tuyệt, Cân và Thắng vẫn rủ rỉ nói chuyện. Thắng thì phục Cân sát đất rồi: vừa là tay lái giỏi, vừa có hoa tay, lại biết làm thơ và độc tấu thì hay tuyệt. Cân thì quý Thắng ở cái tính hồn nhiên, ham học, làm cái gì cũng nhiệt tình và đá bóng rất cừ. Qua một tuần về xe làm kỹ thuật hai anh em đã rất hợp nhau, đi đâu cũng cặp kè như hình với bóng.
Thấy cả Nhã, Cân và Thắng không hưởng ứng Hòa đành chuyển hướng:
- Này! Không ngờ “cụ” Tân mà cũng biết đá bóng nhỉ! Trông “cụ” to uỳnh uỵch thế mà chạy nhanh ra phết.
- Cậu không biết chứ ngày xưa tiểu đoàn trưởng của mình đã là cầu thủ đội Sao Đỏ của trung đoàn H02 đi thi đấu toàn quân rồi đấy!- Ai đó ra vẻ hiểu biết.
- Ngày xưa thế nào không biết nhưng quả thật “cụ” đá rất bài bản, công thủ toàn diện, mà sút cũng mạnh ghê cơ.
Một số đã mắc xong màn chui vào. Thấy mọi người không mặn chuyện nữa Hòa cũng chán nên mò về chỗ ngủ. Vì Thắng về sau không có giường nên bốn anh em phải chen nhau trên ba cái phản ghép lại. Nhã chiếm chỗ trong cùng, Cân và Thắng ngủ chung màn, Hòa nằm ngoài cùng. Mắc xong màn hắn chui vào, miệng lùng bùng:
- Chán mấy bố này! Gà vừa mới lên chuồng đã đi ngủ.
Cũng chẳng có ai lên tiếng. Cân và Thắng thì đã ngủ thật. Riêng Nhã thì chưa ngủ nhưng anh không muốn “dây” với cái thằng cha lắm mồm này. Anh đang có chuyện phải suy nghĩ. Từ hôm nhận lệnh chuẩn bị đi chiến đấu phấn khởi thì có phấn khởi nhưng trong lòng anh cũng có chuyện băn khoăn. Chả là anh với Hiền yêu nhau đã lâu, hồi anh nhập ngũ đã dự định hết nghĩa vụ rồi sẽ cưới. Thế rồi đùng một cái Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, chế độ nghĩa vụ quân sự không còn  thực hiện nữa đành phải lùi lại. Ở quê hai nhà đã đi lại rất thân mật. Gia đình anh cũng đã coi Hiền như dâu con trong nhà. Tuy nhiên mấy lần định cưới đều phải hoãn vì  lần thì bà nội Hiền mất, lần thì nhà anh có việc... nên cứ lần lữa mãi thành ra Hiền cũng đã lớn tuổi rồi. Ở quê anh tuổi như Hiền đã con bồng, con mang. Mấy đứa bạn Hiền đều đã vợ chồng con cái đề huề khiến anh càng nóng ruột. Anh cũng định cuối năm nay sẽ xin nghỉ phép để dứt điểm nhưng bây giờ lại đột xuất phải đi chiến đấu chẳng biết khi nào mới về. Đi chiến đấu anh chẳng lo gì cho mình mà chỉ lo cho Hiền. Con gái có thì, đã trót nặng lòng với nhau rồi để cô ấy mòn mỏi đợi chờ thì tội lắm. Lại còn gia cảnh nhà anh nữa chứ: bố mất sớm, có hai anh em trai thì anh cả đã đi “B” khi chưa kịp xây dựng gia đình. Cả nhà mong anh sớm cưới vợ, sinh con để nếu có bề gì thì cũng còn có chỗ trông cậy. Thế mà... Bây giờ chỉ còn biết trông đợi vào vận may, biết đâu từ nay đến khi lên đường cấp trên sẽ giải quyết cho tranh thủ mấy ngày. Anh thiếp đi trong niềm hy vọng mong manh ấy.
Đầu phản bên kia Hòa cũng chưa ngủ được. Là người vô tư lự, tếu táo trong sinh hoạt nên bình thường ra đặt mình xuống chỉ vài phút là Hòa đã ngủ ngon lành. Nhưng hôm nay anh cũng trằn trọc không sao ngủ được. Như vậy là rõ rồi, chỉ ít ngày nữa tiểu đoàn anh sẽ vào chiến trường chiến đấu, anh sẽ giải quyết như thế nào đây với mối tình vừa chớm nở giữa anh và Thu. Hôm báo động chuyển vị trí sang đây tất cả công tác chuẩn bị chỉ trong mấy tiếng đồng hồ nhưng được sự giúp đỡ “ngầm” của kíp xe Hòa vẫn dành được gần nửa tiếng để gặp Thu, người con gái xóm Mới mà anh đã đem lòng quý mến. Trong ba mươi phút ngắn ngủi đêm hôm ấy hai người đã kịp trao cho nhau những nụ hôn thắm thiết cùng những lời yêu thương nồng cháy. Thực ra, ngay từ lần đầu gặp mặt Thu đã có cảm tình với anh bộ đội xe tăng đẹp trai, hào hiệp, lại ăn nói rất có duyên này. Hôm ấy Thu đi chợ huyện về giữa đường thì xe đạp bị đứt xích, không biết làm sao cô đành vắt cái xích đứt lên ghi đông xe và dắt bộ giữa trời nắng chang chang. Đang đứng gác ở lán xe thấy cô gái thất thểu dắt xe qua, máu hiệp sĩ nổi lên Hòa gọi cô vào rồi lấy dụng cụ trong xe ra nối xích cho xe. Với bàn tay khéo léo của người lính kỹ thuật công việc chỉ vài phút là xong, Hòa lại còn lấy dầu nhờn ra tra vào xích và các ổ trục nữa. Xong việc, thấy cô gái mướt mát mồ hôi anh lấy bi đông nước mời cô uống. Khi cô bỏ cái khăn đen vẫn che gần kín khuôn mặt ra thì Hòa bị “choáng” vì vẻ đẹp hồn nhiên và khỏe mạnh của cô thôn nữ. Thấy Hòa cứ đứng ngẩn ra nhìn mình Thu e lệ cảm ơn anh rồi lên xe phóng mất để lại Hòa đang tiếc ngẩn tiếc ngơ vì chưa kịp hỏi tên. Phải mất mấy gói kẹo “dân vận” lũ trẻ vẫn chăn trâu quanh khu vực lán xe Hòa mới biết tên cô gái là Thu và nhà cô gái. Thế là ngay chủ nhật ấy Hòa xung phong nhận đi xin tre về sửa lán xe. Khi đi cậu ta thủ sẵn mấy cái cờ- lê, mỏ- lết cùng tuýp dầu, gói mỡ. Đến nhà Thu thật may chỉ có mình cô ở nhà. Hòa bảo: “Hôm trước thấy cái xe bị khô dầu quá nên hôm nay vào để lau dầu hộ”. Biết thừa là Hòa tìm “lý do, lý trấu” nên Thu cũng trêu lại: “Cảm ơn anh! Nhưng bố em lại có việc đạp xe đi mất rồi”. Hòa chưng hửng, cái miệng dẻo như kẹo kéo hàng ngày bỗng trở lên cứng nhắc không cất lên lời. Nhìn anh bộ đội đứng như trời trồng trước sân Thu phì cười: “Xe ở trong nhà kia kìa. Nhưng em không có tiền trả đâu nhé!”. Như chết đuối vớ được cọc Hòa lại liến láu được ngay: “Tiền nong gì! Quân với dân như cá với nước mà em!”.Hôm ấy  Sau hôm ấy hai người đã nhiều lần hẹn hò nhưng cũng phải đến vài tháng sau Hòa mới được cầm tay cô ở sau lán xe thì lại bị Nhã phát hiện được. Ở cái xóm Mới này Thu là cô gái đẹp người, đẹp nết nên được nhiều chàng trai để ý nhất nhưng lòng cô đã nghiêng về phía Hòa. Đến hôm báo động chuyển quân, khi được Hòa cho biết sẽ phải xa xóm Mới cô đã không cầm lòng được, chính cô đã chủ động ôm chặt lấy Hòa và thủ thỉ vào tai anh: “Anh cứ đi đi! Em sẽ đợi!”. Điều làm Hòa trăn trở là Thu còn trẻ quá, lại xinh đẹp thế mà mình thì ra đi biết đến bao giờ mới trở về, mà biết đâu sẽ mãi mãi không về nữa. Nghĩ đến viễn cảnh ấy Hòa thấy nôn nao không chịu được. Không! Nhất định mình không được để viễn cảnh ấy đến với Thu, phải làm sao để Thu không phải đau khổ, phải làm sao để Thu được hạnh phúc... Có cách nào nữa đâu ngoài cách “giải phóng” cho cô ấy. Hòa đi đến quyết định khi nào chính thức lên đường sẽ viết thư để chia tay Thu, để Thu có thể tìm người khác xứng đáng hơn xây hạnh phúc trăm năm. Quyết định như vậy lòng Hòa thấy nhẹ nhõm hơn và anh nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

***

          Đêm hôm ấy không chỉ có Nhã và Hòa khó ngủ. Mãi khuya rồi mà trên nhà chỉ huy tiểu đoàn những ngọn đèn dầu vẫn leo lét sáng. Tiểu đoàn trưởng Tân đang dí ngọn đèn dầu đi- ê- zen tù mù vào từng dòng chữ của “bản kế hoạch công tác” và “kế hoạch huấn luyện bổ sung” do tiểu đoàn phó quân sự và trợ lý tham mưu tiểu đoàn vừa đưa anh lúc chập tối. Trưởng thành từ một sĩ quan lục quân khóa 4 rồi được biệt phái vào tận cực Nam để tổ chức huấn luyện cán bộ cho khu 9 những năm đầu kháng chiến. Hòa bình lập lại được chọn đi học xe tăng ở Liên Xô hơn ai hết “Tân Râu” hiểu vai trò, vị trí của công tác huấn luyện đối với những người lính sắp ra trận. Anh nhớ như in nguyên tắc thứ hai trong giáo trình phương pháp huấn luyện của bạn: “Phải huấn luyện cho bộ đội những gì cần thiết cho chiến đấu”. Đó cũng chính là trải nghiệm thực tiễn của anh suốt mấy chục năm quân ngũ. Vì vậy Tân chưa thật hài lòng với bản kế hoạch huấn luyện bổ sung, có cái gì đó dàn trải quá. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn này trừ số dự bị mới bổ sung về, còn lại tuổi quân nhìn chung đã khá cao, đã được tham gia huấn luyện nâng cao và diễn tập nhiều lần. Những kiến thức và kỹ năng cơ bản anh em đều đã nắm vững. Với quỹ thời gian có hạn như bây giờ chỉ nên tập trung vào những nội dung trọng yếu nhất, thiết thực nhất cho cuộc hành quân và chiến đấu sắp tới. Đã thế còn rất nhiều nội dung quan trọng như ngụy trang, nghi binh, như đào bếp không khói v.v... lại chưa có. Với cây bút chì đỏ bên cạnh anh thẳng tay gạch đi những nội dung không thật cần thiết và ghi ra bên ngoài mấy nội dung cần phải bổ sung. Quay sang bản kế hoạch công tác anh khá hài lòng thấy kế hoạch được lập chi tiết đến từng ngày, có phân công phụ trách cụ thể. Chợt anh dừng lại bấm đốt ngón tay tính nhẩm một lúc rồi ghi ra bên cạnh: “Nghiên cứu bố trí để 1 tuần cho anh em” nhưng vội xóa ba chữ “cho anh em” đi và sửa thành “cơ động”. Chuyện này anh đã bàn với chính trị viên Tuấn và cả hai đã nhất trí với nhau sẽ đề nghị lên trên cho anh em đi tranh thủ vài ngày trước khi đi chiến trường. Vì chưa có kết quả nên vẫn phải giữ bí mật. Xem xong hai bản kế hoạch đã gần một giờ sáng. Thấy nhơm nhớp mồ hôi Tân Râu với chiếc khăn lau mặt, ngoáy hai lỗ mũi anh giật mình thấy cái khăn đen kịt muội đèn.
          Đầu nhà bên kia chính trị viên Tuấn cũng đang ngồi trầm ngâm trước ngọn đèn dầu leo lét. Trên mặt bàn là bản “kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị trong hành quân chiến đấu” đã được trung đoàn phê chuẩn và gửi lại sáng nay. Anh biết đơn vị mình đã được nhận một nhiệm vụ rất vinh quang nhưng đi cùng với nó là một trách nhiệm rất nặng nề và vì vậy cũng đang đứng trước những thử thách hết sức gay go, ác liệt. Thử thách đó đòi hỏi rất cao ở mỗi cán bộ, chiến sĩ về ý chí quyết tâm, về tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh cũng như về trình độ, năng lực chuyên môn. Đã đành đây là những cán bộ, chiến sỹ đã được chọn lọc và trải qua nhiều thử thách nhưng ai mà biết được khi đứng trước hòn tên, mũi đạn, khi đứng trước những khốc liệt của chiến tranh diễn biến tư tưởng của mỗi người sẽ như thế nào. Trách nhiệm của anh và đội ngũ cán bộ chính trị là phải nắm bắt được những diễn biến đó và định hướng cho nó trở thành động lực giúp mỗi người vượt qua những thử thách đang chờ đợi họ. Xem qua chương trình giáo dục chính trị do Phòng chính trị binh chủng gửi xuống anh thấy về mặt lý luận thế là đủ nhưng có lẽ cũng cần bồi dưỡng thêm cho các chính trị viên đại đội về phương pháp tiến hành.
          Ở cách đó 60 ki- lô- mét theo đường chim bay, trong một xóm nhỏ nép mình dưới chân dãy Tam Đảo đen sẫm trên nền trời đêm cũng có một người đang thức rất khuya- đó là quyền tư lệnh Đào. Sáng hôm nay ông đã nhận được văn bản chính thức của Bộ đồng ý cho binh chủng đưa tiểu đoàn 198 gồm hai đại đội xe tăng PT76 vào phía Nam tham chiến. Bộ cũng quy định rõ khu vực tập kết của từng đại đội và thành phần cán bộ Bộ tư lệnh đi theo để chỉ đạo đơn vị. Đúng như chính ủy Ngọc dự đoán Bộ đã không cho ông đi đợt này. Kể ra ông cũng chưa thật thông suốt lắm nhưng mệnh lệnh vẫn là mệnh lệnh. Mặt khác các “cụ” cũng có lý vì dù sao ông cũng là người đứng đầu binh chủng, sự vắng mặt quá lâu ở sở chỉ huy sẽ không có lợi. Chiều nay ông đã chỉ thị cho phòng tham mưu điều chỉnh lại kế hoạch hành quân cho phù hợp với chỉ thị của Bộ. Có một điều ông hơi băn khoăn là vị trí tập kết của hai đại đội Bộ chỉ định quá xa nhau. Theo như đề nghị của binh chủng thì hai đại đội này sẽ tập kết ở hai bên trục đường 9, cách nhau khoảng 15 đến 20 ki- lô- mét là cùng. Với khoảng cách như vậy các đơn vị sẽ tiện hỗ trợ cho nhau khi cần thiết và cũng thuận lợi hơn cho công tác chỉ huy của tiểu đoàn. Thế nhưng không hiểu thâm ý của Bộ như thế nào mà đưa một đại đội xuống phía nam đường 9 đến 60 ki- lô- mét và cách vị trí của đại đội kia đến trên 70 ki- lô- mét. Trong điều kiện ở chiến trường với khoảng cách này công tác chỉ huy của tiểu đoàn sẽ hết sức khó khăn. Có lẽ đây cũng là một điểm hạn chế trong hiểu biết về tăng thiết giáp của những người làm công tác chỉ đạo ở tầm chiến lược, chiến dịch.
          Ngay sau khi nhận được chỉ thị của Bộ ông đã cho triệu tập một cuộc hội ý nhanh giữa thủ trưởng Bộ tư lệnh và các cơ quan. Hội nghị đã thống nhất sẽ cử đại đội 3 và đại đội 9 đi trước, còn đại đội 6 sẽ xuất phát khi tình hình phát triển thuận lợi. Hội nghị cũng đã thống nhất về thành phần thủ trưởng và các cơ quan Bộ tư lệnh đi theo chỉ đạo đơn vị gồm: chính ủy Lê Quang Ngọc, tham mưu trưởng Đỗ Đằng Dương, trưởng ban tác huấn Nguyễn Văn Phúc cùng hai cán bộ của phòng chính trị và phòng hậu cần- kỹ thuật. Bộ phận này sẽ hình thành sở chỉ huy nhẹ của binh chủng để quan hệ với Bộ tư lệnh mặt trận và các đơn vị có liên quan. Ngoài ra trung đoàn H03 cũng sẽ hình thành một bộ phận do đồng chí trung đoàn phó chỉ huy để trực tiếp giúp đỡ tiểu đoàn 198 cả trong quá trình hành quân cũng như chiến đấu. Đối với trung đoàn H02 có thể cử 1- 2 cán bộ đi theo để rút kinh nghiệm. Tại hội nghị ông cũng đã chỉ thị cho phòng tham mưu và phòng hậu cần- kỹ thuật có những điều chỉnh cần thiết để đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh theo chỉ thị của Bộ.
Chiều nay lúc vừa kết thúc hội ý thì ông nhận được thư bà Hạnh- vợ ông. Nhiều việc quá nên ông vẫn đút túi, bây giờ sau khi xem xong các văn kiện do Phòng tham mưu và Phòng hậu cần- kỹ thuật gửi lên ông mới bóc thư ra đọc. Thư viết rất ngắn gọn, bà thông báo tình hình ở nhà mọi việc bình thường, các con khỏe, ngoan, chăm học, đi học đều có mũ rơm chống mảnh bom. Đến đoạn cuối bà mới đề nghị ông thu xếp về nhà lấy một, hai ngày để bên nhà trai sang ăn hỏi Hường- con gái lớn của ông, tháng sau sẽ xin cưới. Lúc đầu ông cũng hơi bực mình: “đang bận tối mắt, tối mũi lại còn cưới với xin”. Mà cái con Hường này cũng tệ, việc lớn cả đời như thế cũng chẳng viết cho bố được vài dòng. Nhưng bình tâm lại ông thấy mình bực bõ thật vô lý, con cái đã lớn, cũng đến lúc phải dựng vợ gả chồng. Thực ra Hường cũng đã một vài lần nói chuyện với ông, cậu con rể tương lai ông cũng đã biết mặt. Khi biết đó cũng là một sĩ quan xe tăng lúc đầu ông cũng không ưng ý lắm vì sợ nó là thằng cơ hội, cưới con chẳng qua vì muốn cưới bố. Nhưng tìm hiểu ra thì mới biết đó là một cán bộ tốt, có chí tiến thủ và thường xuyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chẳng biết chúng nó quen biết nhau lúc nào, chắc là từ hồi ở doanh trại 92 vì ngày đó Hường có lên thăm ông mấy lần. Nhiều lúc ông cũng tự trách mình có phần xao lãng trách nhiệm với gia đình, con cái. Thực ra trong tâm ông không phải thế. Với bà Hạnh ông không chỉ yêu thương mà còn thực lòng biết ơn. Cưới nhau xong ngay năm đầu bà đã sinh cho ông mụn con đầu lòng là cái Hường. Con chưa đầy năm cách mạng tháng Tám nổ ra là ông đi biệt. Cả một thời tuổi trẻ ông hết Nam tiến, Tây tiến đến Thượng Lào, Điện Biên một mình bà ở nhà xoay xỏa lo toan mọi việc. Từ chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy con Hường đến tham gia các công việc đoàn thể ở địa phương... việc nào cũng chu toàn. Hòa bình lập lại ông về thăm nhà ít ngày, để lại cho bà một cái bụng bầu rồi đi học ở Trung Quốc liền một mạch hơn ba năm, lúc trở về đứa thứ hai đã bi bô nhưng chẳng chịu theo bố. Được mấy năm hòa bình tháng nào ông cũng tranh thủ về nhà một lần, chẳng giúp được gì nhiều mà chỉ làm bà vất vả thêm vì lại “gửi gắm” cho bà hai đứa con nữa. Còn từ ngày chiến tranh phá hoại đến nay thì mặc dù nhà không xa lắm nhưng cũng phải vài tháng ông mới đảo về được một lát rồi lại tất bật đi ngay. Thấm thía công lao người vợ tảo tần bao nhiêu lương cùng phụ cấp ông chỉ để lại một phần mua sách và tiêu vặt, còn lại gửi về cho bà cả. Có lẽ vì cả đời biền biệt xa nhà như thế cộng với vẻ mặt lúc nào cũng  nghiêm nghiêm nên các con ông cũng không đứa nào gần gụi ông, chúng giữ thái độ “kính nhi viễn chi” là chính. Bố về có muốn hỏi chuyện thì hỏi câu nào chúng trả lời câu ấy rồi mắt trước mắt sau tìm cớ lỉnh mất. Ông cũng thấy đó là điều khổ tâm nhưng không sao sửa được. Có lẽ cái nghiêm khắc đã ngấm vào máu ông rồi: mới chưa đầy hai mươi tuổi đã được bổ làm hương sư, dẫu còn trẻ tuổi nhưng mỗi khi gặp ông từ các bậc hương lý đến các cụ cao tuổi trong làng đều chắp tay chào “ông giáo” rất lễ độ. Bạn bè cùng trang lứa chúng tha hồ nghịch ngợm, hát hò, rồi ghẹo gái... nhưng ông cứ phải lập nghiêm cho xứng với cương vị của mình mặc dù trong lòng cũng rất thèm được như chúng nó. Thế rồi từ khi đi bộ đội đến nay lúc nào cũng “phải” làm chỉ huy, từ anh tiểu đội trưởng “đầu binh, cuối cán” hồi đầu kháng chiến đến giờ mới hơn bốn mươi tuổi đã là người đứng đầu một binh chủng vào loại hiện đại nhất của quân đội đâm ra không nghiêm không được.  Nào ai biết đằng sau vẻ mặt lạnh lùng, nghiêm khắc ấy là một tấm lòng bao dung, nhân hậu. Trong suốt cuộc đời chinh chiến dài dằng dặc của mình đã bao lần ông phải nuốt nước mắt vào trong khi tiễn đưa những người đồng đội của mình về với đất, còn bên ngoài vẫn phải tỏ ra sắt đá để làm chỗ dựa tinh thần cho bao đồng chí khác. Chỉ duy nhất một lần ông không kiềm chế được đã bật khóc thành tiếng khi chứng kiến cái chết của hai vợ chồng người em kết nghĩa trong trận chống càn ở vùng địch hậu Thái Bình. Hai người đã nặng lòng yêu nhau từ khi còn ở quê nhà, chàng trai thì vào du kích, còn cô gái cũng tham gia canh gác, đưa tin. Nhưng gia đình cô gái thì ngăn cấm và định gả cô cho người khác. Thuyết phục mãi không được đến sát ngày cưới cả hai quyết định trốn nhà lên chiến khu theo bộ đội nhưng lại đòi phải được ở cùng nhau. Ai cũng buồn cười vì cái điều kiện hết sức trẻ con của họ nhưng ông thì không thế, ông đã quyết định nhận cả hai về đơn vị của mình. Chàng trai ở bộ phận xung kích, còn cô gái ở bộ phận hậu cần kiêm cả cấp dưỡng, giao thông và y tá, tải thương... Thật lạ kỳ là sức mạnh của tình yêu. Đạn bom, đói rét, gian khổ, khó khăn không thể chia lìa họ và hình như chỉ làm cho tình yêu của họ ngày càng thêm bền chặt. Họ như đôi chim tung cánh trên bầu trời tự do vời vợi bất chấp tất cả mọi thử thách của cuộc chiến tranh. Sau chiến dịch Biên Giới tình hình chiến trường tạm lắng ông đã đứng ra tác thành cho họ nên vợ nên chồng, cũng từ đó họ nhận ông làm anh kết nghĩa. Một năm sau một bé trai đã ra đời trong niềm hân hoan của toàn đơn vị. Nhưng thật là oan nghiệt, một quả đạn pháo vô tình đã cướp đi cuộc sống của họ. Lúc này chàng trai đã là trung đội trưởng, anh chỉ huy trung đội của mình yểm hộ cho bộ phận hậu cần rút ra khỏi vùng địch càn quét. Trong lúc chờ thuyền vượt sông pháo địch bắn như mưa vào đội hình. Lúc ông đến cả hai vợ chồng đã chết, lật hai cái thân mình nát bấy vì mảnh pháo của họ lên thằng bé con vẫn nằm im thin thít trong vòng tay mẹ, nó giương đôi mắt tròn xoe lên nhìn thẳng vào ánh đèn pin như muốn hỏi ai đến quấy rầy mình. Nhìn cảnh tượng ấy ông không cầm lòng được bật khóc lên thành tiếng. Nhưng chỉ vài giây thôi, đúng chỉ vài giây thôi ông lại phải lấy lại bộ mặt lạnh lùng để chỉ huy bộ đội vượt sông. Sang được vùng tự do ông phải nhờ một người đặc biệt tin cậy đưa thằng bé về tận tay cho bà Hạnh nuôi nấng và dặn bà phải coi nó như con đẻ. Bây giờ nó cũng đã hơn mười tuổi và cũng chưa khi nào ông bà cho nó biết về gốc gác của mình. Với đứa con nuôi này ông bà dành cho nó một tình thương đặc biệt. Tuy vậy, cũng như chị em nó, chẳng khi nào ông ngồi nói chuyện được với nó quá mười phút.
Nghĩ lan man mãi ông mới rút một tờ giấy mới để viết thư cho vợ:
“Bà và các con yêu quý!
Dạo này tôi vẫn khỏe nhưng công việc bận quá thành ra ít về nhà. Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng thu xếp để có mặt hôm ăn hỏi con Hường. Theo tôi nếu nhà trai có sang bàn bạc trước mình cũng không nên đòi hỏi lễ lạt gì. Cả lễ cưới sau này của các con cũng vậy, chỉ nên làm tiết kiệm và đơn giản thôi, đang chiến tranh mà. Tôi đã để dành được mấy tút thuốc tiêu chuẩn rồi, hôm ấy chỉ mua thêm một ít bánh kẹo nữa là đủ. Chúc bà và các con luôn mạnh khỏe, các con chăm ngoan, học giỏi. Đào”.
Rút ngăn kéo bàn lấy cái phong bì mới đã dán sẵn tem ông đề tên vợ và lồng lá thư vào. Nghĩ thế nào ông lại rút ra viết thêm mấy dòng:
“TB: Hôm người ta sang ăn hỏi bà cho mời các bác, các chú hai họ đến cho đông đủ. Tiết kiệm nhưng không được để lúi xùi quá”.

Dán mép phong bì xong ông mới rời bàn làm việc vươn vai cho dãn xương cốt rồi lên giường nằm. Chỉ một lát sau ông đã chìm vào giấc ngủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét