Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

GIẢI MẬT VỀ BÀI HÁT "NĂM ANH EM TRÊN MỘT CHIẾC XE TĂNG"

Có một bài hát về lính được rất nhiều người yêu thích. Nó không chỉ vang lên trên sân khấu mà còn vang lên ở mọi lúc, mọi nơi: từ các buổi sinh hoạt đơn vị tới các buổi tụ tập bạn bè, trong các phòng karaoke và ngay cả bên bàn tiệc nữa,.
Và, không chỉ lính xe tăng mà lính các quân binh chủng khác, cả dân chúng nữa- đặc biệt là giới trẻ cũng hát bài hát này một cách say sưa, thích thú... Đó chính là bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" - bài hát được mệnh danh là "Binh chủng ca" của Bộ đội Tăng Thiết giáp (TTG).
Tuy nhiên, hiện vẫn có một số bạn còn thắc mắc: "Tại sao xe tăng chỉ có 3, 4 thành viên mà bài hát lại là 5?". Tất nhiên, cái gì cũng có lý do của nó!
Giải mật chi tiết bí ẩn trong bài hát 5 anh em trên một chiếc xe tăng - Ảnh 1.
Xe tăng T-34 của Bộ đội Tăng thiết giáp
Từ bài thơ viết vội giữa chiến trường
Cuối năm 1970, nhận được tin tình báo cho biết phía VNCH đang chuẩn bị tổ chức cuộc hành quân Lam Sơn 719 nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch tiếp vận từ Bắc vào Nam, đồng thời phá hủy hệ thống kho tàng của ta ở dọc theo đường 9 - Bộ Tổng Tham mưu đã cho thành lập Mặt trận B70 và tiến hành mọi mặt công tác chuẩn bị để sẵn sàng đánh địch.
Để tăng cường lực lượng cho B70, trên quyết định điều động 3 tiểu đoàn xe tăng vào khu vực đường 9. Đó là Tiểu đoàn 198 trang bị xe tăng PT-76, Tiểu đoàn 297 trang bị xe tăng T-54, T-59 và Tiểu đoàn 397 trang bị xe T-34.
Các đơn vị này được lệnh ém quân ở nam và bắc đường 9 sẵn sàng đánh địch với yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật để bảo toàn lực lượng.
Trung úy Nguyễn Hữu Thỉnh lúc đó là trợ lý của Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị thuộc Binh chủng Tăng-Thiết giáp. Ông được giao nhiệm vụ vào chiến trường thâm nhập thực tế để viết bài, tin cho tờ báo Thiết Giáp của binh chủng cũng như các báo khác.
Ngoài ra, ông còn có nhiệm vụ nói chuyện thơ đồng thời chỉ huy kiêm "thuyết minh" cho đội chiếu phim lưu động của binh chủng vào phục vụ bộ đội tại chiến trường.
Đoàn công tác của ông lên đường vào chiến trường trong một buổi sớm mùa đông năm 1970. Hành trang đoàn công tác mang theo gồm 2 bộ phim, trong đó có bộ phim "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn" và một số thư cùng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ.
Ngoài ra, qua thư anh em gửi về biết trong chiến trường rất thiếu rau nên trên đường đi Hữu Thỉnh đã cho anh em mua 2 sọt bắp cải to vào để làm quà.
Lúc này, chấp hành mệnh lệnh cấp trên tất cả các xe tăng đều được đào hầm và ngụy trang rất kỹ để tránh sự phát hiện của máy bay trinh sát OV-10, L-19 cũng như lực lượng biệt kích, thám báo của địch.
Các kíp xe đào hầm ngủ dưới bụng xe, còn mỗi đại đội cũng đều có hầm sinh hoạt chung và cũng được ngụy trang, che chắn rất kỹ. Các buổi chiếu phim thường được tiến hành vào ban ngày và chiếu trong hầm. Mặc dù khá chật chội, nóng bức song bộ đội rất hào hứng, phấn khởi.
Vào một buổi chiều, Hữu Thỉnh đến Đại đội 6 thuộc Tiểu đoàn 397 để chuẩn bị cho buổi bình thơ vào buổi tối. Ở đây ông có người bạn thân là Lê Đức Tuân đang phụ trách một trung đội xe T-34. Tuân kéo ông về trung đội ăn cơm chiều. Hãy nghe nhà thơ Hữu Thỉnh kể:
"Tôi ăn thong thả, vừa ăn vừa nhìn mọi người. Và tôi ngắm chiếc T-34 nằm trong hầm, vươn chiếc nòng pháo ngạo ngễ qua đầu chúng tôi. Tôi nhớ đến hình ảnh sau lúc Tuân hô "ai còn thịt hộp mang tất cả xuống đây" cả 5 người nhảy phắt lên thành xe.
Hình ảnh ấy đập mạnh vào tâm trí tôi. Một chiếc xe tăng mà có 5 người, chiếc xe tăng khi còn ở hậu phương nhìn ngắm mãi, quen thuộc rồi, nhưng sao vào đây nó uy nghiêm quá, oai vệ quá và thiêng liêng làm sao.
Suốt bữa ăn tôi nghĩ lan man những ý tưởng xuất hiện dồn dập, những hình ảnh cứ tới tấp bay đến. Mấy anh em ngồi ăn bữa cơm đạm bạc với mình đây, ngày mai sẽ làm ra bao điều sấm sét xuống đầu giặc, có người còn, có người mất.
Cuộc đời chiến đấu còn dài làm sao đoán được mọi sự bất ngờ. Tôi nghĩ vậy, và tự đáy tâm hồn, lòng yêu thương kính trọng cứ trào lên không ghìm lại được.
Tôi buông đũa trước tiên, vội vã lục chiếc túi vải, lấy giấy ra ghi vội lấy cảm xúc của mình "Năm anh em trên một chiếc xe tăng", câu mở đầu rất thật, cứ thế câu trên gọi câu dưới, đoạn trước mở đoạn sau, tôi làm xong bài thơ.
Vào chiến dịch tôi được phân công đi thâm nhập thực tế ở Đại đội 9 Đoàn 198 vừa chiến thắng giòn giã trên điểm cao 543. Đồng chí Thịnh và Tề đưa xe phim ra ngoài. Trên chiếc xe ấy có bản thảo của bài thơ "Trên một chiếc xe tăng" của tôi gửi ra cho đồng chí Lê Lộng trưởng ban Tuyên huấn của Binh chủng lúc ấy.
Khi chiến dịch kết thúc tôi được đọc lại bài thơ in trên báo Nhân dân với bút danh thứ hai của tôi là Vũ Hữu, và được biết cả hai anh là Doãn Nho và Huy Thục đều phổ nhạc bài thơ này. Bài của anh Doãn Nho gửi đến Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị trước nên được dựng trước".
Thật là kỳ diệu! Có lẽ những cảm xúc đó chỉ đến một lần trong đời và vào giây phút đó đã cho ra đời bài thơ đầy nhạc tính này. Và đọc đến đây chắc các bạn hết thắc mắc tại sao xe tăng bây giờ chỉ có 3- 4 thành viên mà bài hát lại là 5! Đơn giản thôi, xe tăng T-54, T-55 với kíp xe có 4 thành viên, còn T-34 mà tác giả bài hát lấy làm nguồn cảm hứng sáng tác thì có tới 5 thành viên.
Giải mật chi tiết bí ẩn trong bài hát 5 anh em trên một chiếc xe tăng - Ảnh 2.
Nhà thơ Hữu Thỉnh.
Đến sự đồng cảm của người nhạc sĩ
Người ta có câu: "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Một bài thơ hay nếu không được một tâm hồn đồng cảm thổi hồn vào để trở nên phổ biến và cuốn hút chắc cũng sẽ chẳng mấy mà bị lãng quên. Trong trường hợp này, giữa nhạc sĩ Doãn Nho và nhà thơ Hữu Thỉnh đã có sự đồng cảm sâu sắc và đó chính là nguyên nhân ra đời của bài hát này.
Nhạc sĩ Doãn Nho sinh ra ở làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội trong một gia đình trọng tiết nghĩa và văn hóa. Cha mẹ Doãn Nho sớm định hướng một đời sống văn hóa thẩm mỹ cho các con.nên ngay từ khi anh chị em ông còn nhỏ cũng đã được học nhạc.
Mới 12 tuổi Doãn Nho đã tham gia Đội thiếu niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, dạy hát các bài ca cách mạng, tham gia Đội tuyên truyền lưu động Bắc Giang, đội Tuyên truyền xung phong Vĩnh Yên và sau đó nhập ngũ vào Trường Lục quân VN... Từ năm 1954 ông đã công tác ở đoàn văn công Tổng cục chính trị...
Khi ông mới ngoài hai mươi tuổi, hợp xướng Sóng Cửa Tùng đã ra đời, tác phẩm lập tức ghi ấn tượng mạnh trong lòng người ở cả hai miền Nam Bắc (giai đoạn nước ta chưa thống nhất). Cùng với Tiến bước dưới quân kỳ, Sóng Cửa Tùng đã làm nên tên tuổi, phong cách Doãn Nho ngay từ những ngày còn rất trẻ đó.
Về sự ra đời của bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" hãy nghe ông kể: "Mình hay đọc lắm, ngay cả thời bom đạn việc đọc mình cũng không sao nhãng. Một lần đọc bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng thấy ý tứ của nó hay quá, hợp lòng mình quá thế là mình đặt bút ngay, hy vọng thêm cho nó một sức phổ biến nữa ngoài ngôn ngữ thơ.
Lúc đó tác giả bài thơ đâu đã ký tên Hữu Thỉnh. Sau này, bài hát vang tới tai nhà thơ trẻ lính tăng ấy, và mãi rồi mình và Hữu Thỉnh mới gặp nhau... Không chỉ trong chiến trận, trong cuộc sống, sự đồng lòng đồng chí là rất quan trọng, rất thú vị, thơ Hữu Thỉnh đã nói lên điều đó.
Bạn hát đi, sẽ thấy một triết lý sống đáng trân trọng, sẽ thấy các từ năm và một (chung/ riêng; cá nhân/ tập thể...) được nhắc đi nhắc lại hết sức có duyên và đầy cảm động...".
Năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội. Như năm ngón tay trên một bàn tay... đã lên xe cả năm người như một... Năm quả tim đập cùng một nhịp... Năm anh em mỗi đứa một quê nhưng đã lên xe là cùng một hướng..."
Thơ hay, và nhận ra thơ hay đã là việc không dễ. Đưa âm nhạc vào thơ hoặc đưa thơ vào âm nhạc và làm cho cái hay cái đẹp thăng hoa lên một tầm mới, mở ra một hướng tiếp cận mới cho đông đảo người nghe là một việc càng khó.
Doãn Nho đã làm được việc đó và một trong những thành công của ông chính là bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng".
Giải mật chi tiết bí ẩn trong bài hát 5 anh em trên một chiếc xe tăng - Ảnh 3.
Nhạc sĩ Doãn Nho.
Nguyên văn bài thơ "Trên một chiếc xe tăng" của Hữu Thỉnh (có một số câu và từ đã được nhạc sĩ Doãn Nho sửa cho hợp với tiết tấu và giai điệu bài hát):
Năm anh em trên một chiếc xe tăng
Như năm bông hoa xoè cùng một cội
Như năm ngón tay trên một bàn tay
Năm anh em chung một ngọn đèn.
Vào lính xe tăng anh trước, anh sau
Nết ăn, ở người thì lạnh, nóng
Khi đã hát hoà cùng một giọng
Một đứa đau tất cả quên ăn.
Năm anh em mỗi đứa một quê
Đã lên xe là cùng một hướng
Đã lên xe là chung khổ sướng
Trước quân thù nhất loạt xông lên.
Năm anh em mang năm cái tên
Đã lên xe không còn tên riêng nữa
Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa
Năm trái tim một nhịp đập dồn
Một con đường đất đỏ như son
Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng
Một ý chí bay ra đầu ngọn súng
Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù.
Hữu Thỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét