Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

BÃO THÉP 1- CƠN LỐC ĐẦU MÙA- Kỳ 4


Lúc tham mưu trưởng Dương bắt đầu báo cáo cũng là lúc quyền tư lệnh Đào đang trên đường xuống khu vực sơ tán của Trung đoàn H03. Đây là trung đoàn xe tăng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng mới được thành lập năm 1965 nhằm chuẩn bị lực lượng để đối phó với chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Tuy vậy, từ khi thành lập đến nay trung đoàn vẫn án binh bất động ở đây. Bộ đội chủ yếu được sử dụng tham gia các phân đội cao xạ tự hành để bảo vệ sân bay Đa Phúc, sân bay Bạch Mai và một số mục tiêu quan trọng khác. Số còn lại tập trung làm công tác bảo quản, bảo dưỡng xe. Ở nơi sơ tán, lán trại không đảm bảo, phải để xe dưới hầm âm nên công tác bảo quản khá vất vả mà vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lớn làm trang bị xuống cấp nhanh chóng. Đã nghe cán bộ cơ quan kỹ thuật báo cáo lên nhưng chưa có lúc nào đến “mục sở thị” nên hôm nay ông Đào muốn xuống kiểm tra trực tiếp xem thế nào.
Từ khu vực sơ tán của cơ quan Bộ tư lệnh đi khoảng hai ki- lô- mét đường đất thì chiếc xe con ra đến con đường nhựa lên Tam Đảo. Thoát khỏi những rặng tre làng tầm mắt rộng hẳn ra. Từ đây đã nhìn thấy ngọn núi Đinh sừng sững phía trước, trên sườn núi là dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ” đầy ngạo nghễ và thách thức. Ông Đào nhìn như dán mắt vào dòng chữ mà lòng dạ nao nao. Đây chính là công trình lao động xã hội chủ nghĩa của đoàn viên thanh niên trung đoàn H02 năm xưa. Chả là sau khi Mỹ ném bom miền Bắc, tinh thần chống Mỹ trong bộ đội, nhân dân lên cao chưa từng thấy. Để khích lệ tinh thần đó ông Thu hồi ấy còn là chính ủy trung đoàn đã có sáng kiến làm một khẩu hiệu lớn trên sườn núi Đinh. Và thế là chỉ sau một chủ nhật lao động xã hội chủ nghĩa câu khẩu hiệu mà mỗi chữ cái cao tới 10 mét, rộng 3 mét đã hình thành. Đi từ phía Tam Đảo xuống cách xa 5, 6 ki- lô- mét đã nhìn thấy. Anh em ai cũng thích và bảo nhau: “thằng phi công nào bay qua đây chắc phải sởn tóc gáy khi đọc dòng chữ này”. Từ bấy đến nay đã mấy năm, mưa gió bào mòn khắc nghiệt như vậy nhưng câu khẩu hiệu vẫn còn sắc nét như ngày nào, cũng như quyết tâm chiến đấu của những người lính xe tăng không hề phai nhạt.  
Ngồi trên xe nhưng tâm trí ông Đào vẫn vẩn vơ nghĩ về buổi báo cáo của tham mưu trưởng Dương trước thủ trưởng Bộ đang diễn ra cách đó vài chục cây số. Dẫu biết rằng công tác chuẩn bị đã rất kỹ càng, đã tính đến mọi tình huống và khả năng được chấp nhận rất cao nhưng ông vẫn thấy lo lo. Nhớ lại những lần làm việc trước với thủ trưởng Bộ ông cảm thấy hơi buồn buồn vì hình như những người lính xe tăng chưa chiếm được lòng tin của cấp trên. Cũng phải thôi. Ra đời đã gần chục năm mà chưa được đi chiến đấu, chưa lập được chiến công nào. Bất chợt ông nhớ tới bài báo tường của anh em chiến sĩ đại đội 9 hồi Tết năm ngoái: “Tiếng súng Đông Xuân đã nổ rồi, Ông Đào cùng lính vẫn ngồi chơi, Ngày ngày vác búa đi gõ mối, Tủi lính xe tăng thủ trưởng ơi!”. Bài thơ ngắn này không hiểu bằng cách nào lan truyền rất nhanh trong binh chủng và trở thành đề tài bàn luận của mọi người. Khi bài thơ đến tai ông lúc đầu ông cũng hơi bực mình vì nghe nó như một lời than thở, lại lôi cả tên ông vào đó. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại ông thấy anh em có cái lý của nó và chính ông cũng đồng cảm với họ. Đến lượt ông trong một lần báo cáo tình hình với thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, nhân lúc mọi người vui vẻ đã đọc nguyên văn bài thơ trên. Đồng chí Tổng tham mưu phó lúc đó đã rất cảm động ôm chặt vai ông và thốt lên: “Có những người lính thiết tha ra chiến trường như vậy chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng. Vấn đề là chúng ta còn phải đợi thời cơ thích hợp mà thôi”. Có thể thời cơ ấy đã đến và hôm nay Bộ lại muốn nghe Binh chủng báo cáo tình hình một lần nữa. Ông quyết định sẽ đến đại đội Chín, nơi ra đời của bài thơ nói trên.
Gần đến doanh trại cũ của trung đoàn H02 ông bảo lái xe rẽ vào rồi từ đó sẽ đi tắt sang nơi sơ tán của đại đội Chín. Từ ngày sơ tán chống chiến tranh phá hoại khu doanh trại chính quy của trung đoàn chỉ để lại một tiểu đội để trông nom, bảo quản. Xe vừa đến trước cổng chính người chiến sĩ vệ binh đã nhận ra xe của tư lệnh nên nhanh chóng ròi chòi gác mở rộng hai cánh cửa và bồng súng đứng nghiêm. Ông Đào tỏ vẻ hài lòng trước ý thức kỷ luật của người chiến sĩ.
Xe vào đến khu trung tâm doanh trại ông bảo dừng xe rồi mở cửa bước xuống trầm tư ngắm nhìn bốn phía. So với ngày mới bắt đầu xây dựng khu vực doanh trại nay đã xanh tốt hơn nhiều. Hồi đó, nơi đây chỉ là một dãy đồi trọc lưa thưa vài bụi sim mua và cây dại. Những ngày hè nắng như đổ lửa xuống sườn đồi, ngồi trong nhà nhìn ra thấy không khí cũng rung rinh như đang nhảy múa. Chính ông đã bàn với ban chỉ huy trung đoàn: “muốn sống được ở đất này không có con đường nào khác ngoài phát động trồng cây”. Thế là, ngoài vườn cây chung do từng đơn vị phụ trách trung đoàn quy định mỗi cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm trồng và chăm sóc một cây, nếu bị chết phải trồng lại kỳ cho đến sống mới thôi. Giống cây được chọn chủ yếu là xà cừ. Ngoảnh đi ngoảnh lại mới có mấy năm mà cây đã tốt um, nhiều cây đã bằng bắp đùi, cây nào cây ấy lá cứ xanh mơn mởn. Giá như không có chiến tranh phá hoại thì đây có thể là một trong những doanh trại chính quy nhất và đẹp nhất trong toàn quân chứ chẳng chơi. Hàng dãy nhà ở bộ đội hai tầng được thiết kế thống nhất, giống nhau tăm tắp. Tất cả cửa đều trong kính, ngoài chớp, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Khu nhà làm việc của các cơ quan được đặt ở đỉnh đồi trông thật bề thế, uy nghiêm. Khu nhà giảng đường huấn luyện rộng rãi, thoáng mát, có đủ mô hình các cụm máy và đồ dùng học tập. Còn khu xe thì khỏi nói. Từng dãy nhà xe cao ráo, nền đổ bê tông, phía trước có cửa sắt chắc chắn. Từng khoang có biển số xe đóng ngay ngắn, nghiêm cẩn. Bãi thử xe và toàn bộ đường cơ động cũng được đổ bê tông dày tới 40 phân, xe tăng chạy thoải mái không hề hấn gì. Tất cả đã được xây dựng để hồ hởi chờ đón những người lính xe tăng đầu tiên của đất nước. Có thể nói sự quan tâm và kỳ vọng của Đảng, của nhà nước đối với ông và đồng đội lớn biết bao. Thế mà gần chục năm qua ông và đồng đội chẳng làm được bao nhiêu để đền đáp lại.
Đang vẩn vơ suy nghĩ thì đồng chí tiểu đội trưởng vệ binh chạy đến. Không biết từ đâu chạy về nhưng khi đã đứng trước mặt ông người tiểu đội trưởng vệ binh vẫn còn hổn hển:
- Báo... cáo... thủ trưởng! Tôi, tiểu đội trưởng canh gác doanh trại có mặt!
- Được! Đồng chí nghỉ!- Ông cười hiền từ và đùa- Cứ thở đi đã nào.

Sau khi hỏi han vài câu về tình hình bảo quản doanh trại ông lên xe và bảo lái xe đi tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét