Vừa tròn một tháng sau khi công bố quyết định thành
lập tiểu đoàn 198. Trời đã vào thu, cái nắng không còn gay gắt nữa mà dịu đi
nhiều, đã bắt đầu thấy những cơn gió heo may thổi mỗi khi chiều về. Trời khô
ráo nên việc thực hiện kế hoạch huấn luyện bổ sung của tiểu đoàn 198 khá thuận
lợi. Cho đến hôm nay các khoa mục chủ yếu đã hoàn thành. Công việc còn lại chủ
yếu là tiếp nhận lương thực, thực phẩm, khí tài dự trữ và huấn luyện tiếp một
số khoa mục bổ trợ.
Sau hơn một tháng quần nhau ngoài bãi xe và trên các
thao trường tiểu đoàn trưởng Tân đã giảm được vài cân trọng lượng, khuôn mặt
hồng hào hôm nào nay đen sạm và tọp đi trông thấy. Hàm râu quai nón vốn rất đẹp
nay cứ tua tủa cái dài, cái ngắn mặc dù ngày nào cũng cạo. Nước da học trò của
chính trị viên Tuấn cũng đã được thay bằng nước da rám nắng đầy vẻ phong trần.
Đại đội trưởng đại đội 3 cũng đen không thể đen hơn. Đại đội trưởng đại đội 6
cũng gày không thể gày hơn. Còn đại đội trưởng đại đội 9 vốn dĩ được mệnh danh
là “cây sào” thì nay trông lại càng khẳng khiu hơn bao giờ hết. Không chỉ cán
bộ mà toàn tiểu đoàn anh nào anh nấy trông cứ sắt cả lại. Nhưng được cái không
khí trong đơn vị lúc nào cũng vui như Tết. Niềm vui sắp được đi chiến đấu và
cái vinh dự được làm người lính tiên phong làm người ta quên đi tất cả.
Sáng nay trung đoàn thông báo: “theo đề nghị của tiểu
đoàn, Bộ tư lệnh đã đồng ý cho bộ đội đi phép từ 1 tuần đến 10 ngày, thời gian
do đơn vị tự quyết định nhưng phải thu quân trước 30 tháng 9. Tuy nhiên sẽ cho
đại đội 3 và đại đội 9 đi trước; đại đội 6 ở lại trông nom, bảo quản trang bị
và sẽ giải quyết sau”. Chính trị viên Tuấn phấn khởi lắm, anh cho tìm ngay tiểu
đoàn trưởng Tân về để hội ý. Vừa trông thấy Tân về đến nhà Tuấn đã hồ hởi:
- Anh Tân ạ! Tôi vừa nhận được thông báo của trung
đoàn: Bộ tư lệnh đã đồng ý cho anh em ta đi phép.
Tân Râu cười hề hề:
- Các “cụ” nhà ta cũng tâm lý thật đấy! Ông thấy tôi
“đoán mò” có chính xác không? Hoàn thành kế hoạch huấn luyện bổ sung rồi mà ta
vẫn còn một tuần cơ động.
Chính trị viên Tuấn cũng phấn khởi:
- May đấy! Bây giờ ta hoàn toàn có thể chủ động được
kế hoạch rồi. Trên cho hai đại đội 3 và 9 đi trước, đại đội 6 ở lại trông doanh
trại và xe pháo. Thời gian nghỉ trên cho từ một tuần đến 10 ngày, thời gian đi
do ta quyết định nhưng phải thu đủ quân trước 30 tháng 9. Vậy anh thấy giải
quyết lúc nào là thích hợp nhất, hôm nay đã là ngày 19 rồi!
Tân Râu nheo mắt cười ý nhị:
- Chắc “bố cu” cũng nóng máy lắm rồi hả? Đùa tý thôi,
nếu trên đã cho phép như thế thì ta cũng nên tận dụng tối đa thời gian cho anh
em nghỉ. Rất may là các nội dung huấn luyện chủ yếu đã xong nên theo tôi ngày
mai cho anh em chuẩn bị, bàn giao trang bị cho đại đội 6, ngày kia cho anh em
đi.
Chính trị viên Tuấn hơi ngần ngừ một lát rồi mới nói:
- Dưới các đơn vị thì thế là được rồi nhưng...
Tân Râu cướp lời:
- Còn chỉ huy tiểu đoàn chứ gì? Các anh ở xa cứ đi
trước đi, tôi ở Hà Nội đây về cũng gần, khi nào các anh lên tôi tranh thủ vù về
vài ngày là được.
- Vậy thì tôi cho triệu tập các đơn vị lên phổ biến kế
hoạch ngay anh nhé!- Chính trị viên Tuấn hăm hở.
- Nhất trí! Nhưng liệu ta có đảm bảo được 100% quân số
có mặt đúng ngày quy định không anh?- Tiểu đoàn trưởng Tân đặt câu hỏi.
Chính trị viên Tuấn trả lời rất tự tin:
- Tất nhiên mọi việc đều có thể xảy ra nhưng tôi tin ở
anh em mình. Anh thấy đấy, hàng tháng trời nay quần quật không nghỉ mà không ai
kêu ca, phàn nàn. Không khí đơn vị lúc nào cũng hừng hực, hừng hực. Tất nhiên
tôi cũng sẽ nhắc nhở các đơn vị có biện pháp giáo dục, động viên anh em trước
khi đi phép nhưng tôi luôn tin vào bản lĩnh của anh em mình.
Tiểu đoàn trưởng Tân gật đầu:
- Tôi thì tôi cũng tin nhưng ở đời ai học được chữ ngờ
nên ta vẫn cứ phải thận trọng là hơn.
***
Cái tin được đi phép đã được phổ biến đến tất cả cán
bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn vào cuối buổi sinh hoạt tối hôm ấy. Ngay lập tức
không khí buổi sinh hoạt sôi động hẳn lên. Tiếng xuýt xoa, tiếng xì xào trêu
chọc lẫn nhau cứ râm ran hết chỗ này đến chỗ khác. Ở đại đội 9 chính trị viên
Vũ Anh Tú phải đứng hẳn dậy vỗ hai tay vào nhau và cao giọng:
- Đề nghị các đồng chí trật tự!
Thấy chính trị viên có vẻ bực mình trật tự lập tức
được vãn hồi. Đợi cho tiếng ồn dứt hẳn Tú mới trở lại giọng nói khoan thai, mềm
mỏng thường ngày:
- Thưa các đồng chí! Có thể nói đây là sự quan tâm rất
sâu sắc của các thủ trưởng cấp trên đối với anh em chúng ta. Giữa lúc nước sôi
lửa bỏng như thế này mà cấp trên vẫn cho chúng ta đi phép về thăm gia đình. Vì
vậy chúng ta cũng cần phải suy nghĩ và hành động thế nào để đền đáp lại sự quan
tâm ấy. Tôi nghĩ rằng thiết thực nhất là chúng ta phải đảm bảo trả phép đúng
hạn, ngoài ra khi đi đường và ở nhà phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, chấp hành
đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương.
Tiếng ồn ào lại nổi lên, từ chỗ của mình Tú cũng nghe
thấy ai đó xì xào: “đã được về thì dại gì mà chậm phép”, “tớ là cứ đi trước một
ngày cho chắc”, chỗ kíp xe 567 ngồi nghe rõ tiếng Hòa: “phen này chỉ có lão Nhã
là sướng thôi”... Vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau và chờ cho tiếng ồn ào lắng xuống
chính trị viên Tú mới hơi cao giọng:
- Về phía cấp trên cũng như chúng tôi rất tin tưởng
vào các đồng chí. Các đồng chí đều là những người được lựa chọn mới vinh dự có
mặt ở đơn vị xe tăng đầu tiên vào chiến trường. Chúng tôi rất mong toàn thể các
đồng chí xứng đáng với lòng tin ấy- Đột nhiên anh cao giọng hẳn lên- Thế nào,
có đảm bảo trả phép đúng hạn không?.
- Có!- Mấy chục cái họng cùng gào lên hết cỡ.
Chính trị viên Tú cười hiền lành:
- Các đồng chí đã hứa như vậy thì chúng tôi tin. Còn
bây giờ mời đồng chí đại đội trưởng phổ biến kế hoạch công tác.
Từ chỗ ngồi đại đội trưởng Nghi đứng dạy, bóng anh
được ngọn đèn bão hắt thành một vệt dài lên vách. Đợi cho tiếng xì xào ngừng
hẳn Nghi mới từ tốn:
- Báo cáo toàn thể các đồng chí! Về thời gian đi phép
cấp trên quy định tất cả chúng ta được đi phép từ ngày kia, tức là 20 tháng 9
cho đến 21 giờ ngày 29 tháng 9 phải có mặt. Những trường hợp các đồng chí quê ở
Cao Bằng, Bắc Cạn chúng tôi đã đề nghị cấp trên giải quyết thêm một vài ngày
nhưng chưa được trả lời cụ thể. Vì vậy kế hoạch công tác ngày mai như sau: sáng
mai chúng ta bàn giao trang bị cho đại đội 6. Chiều mai nhận giấy phép, thanh
toán tiêu chuẩn với nhà bếp và làm công tác chuẩn bị cá nhân. Sáng ngày kia các
đồng chí sẽ bắt đầu được nghỉ. Ban chỉ huy chỉ có một yêu cầu như đồng chí
chính trị viên đã nhắc: tất cả chúng ta phải trả phép đúng thời gian quy định,
đi đường và ở nhà phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Ngoài ra, những trang bị đã
được cấp phát để đi chiến đấu các đồng chí phải đảm bảo 100%, sau khi lên đơn
vị đại đội sẽ tổ chức kiểm tra, nếu đồng chí nào thiếu sẽ bị kỷ luật. Các đồng
chí còn hỏi gì nữa không?
- Hết!- Tiếng trả lời đồng thanh như một tiếng reo.
- Các đồng chí nghỉ!- Đại đội trưởng Nghi kết thúc
buổi sinh hoạt.
Chỉ đợi có thế căn nhà đã ồn lên như chợ vỡ. Từng
toán, từng toán xúm lại bàn tán, cãi cọ, trêu chọc nhau chí chóe. Kíp xe 567
như thường lệ rút về góc của mình, Nhã vẫn trầm lặng như mọi ngày nhưng trong
đầu anh đang cố trấn tĩnh để tính toán đến một lô những công việc cần làm trong
nội nhật ngày mai: cái cần thiết nhất là giấy giới thiệu của đơn vị về địa
phương chứng nhận chưa xây dựng gia đình và đề nghị cho phép đăng ký kết hôn. Cũng
may anh đã nộp lý lịch của Hiền cho chi bộ và đơn xin xây dựng gia đình cho thủ
trưởng đơn vị từ mấy tháng trước. Một cái may nữa là đã kịp viết thư về nhà báo
trước nên nếu thuận buồm, xuôi gió thì trong 10 ngày phép tới việc cưới vợ của
anh sẽ xong. Hòa đen hôm nay khác hẳn mọi ngày, cái mồm liến láu như bị dính
nhựa mít, cậu ta ngồi ỉu xìu nhìn mọi người bàn tán, tất bật mà chẳng thèm tham
gia lấy một câu, chắc cu cậu đang có những toan tính gì đấy rất hệ trọng. Cân
và Thắng thì đang xuýt xoa trước mấy tấm ảnh mà chiều nay họ mới tranh thủ đi
lấy về. Gí từng tấm ảnh vào sát ngọn đèn dầu Thắng hí hửng:
- Anh Nhã, anh Hòa lại mà xem này! Trông anh Cân đẹp
trai chưa?.
Cân xấu hổ lúng búng:
- Đẹp gì mà đẹp!
Nhã ghé mắt nhìn sang cũng xuýt xoa:
- Hiệu ảnh này chụp đẹp đấy! Trông cái là biết ngay
thằng nào ra thằng nào.
Hòa ngó vào một tý rồi buông thõng:
- Bọn cám hấp! Đội mũ xe tăng mà lại đứng ở công viên
Thống Nhất chụp ảnh. Thằng nào xui bọn mày thế?
Thắng xịu mặt:
- Mình là lính xe tăng, đội mũ xe tăng đứng ở đâu mà
chả được.
Cân gật đầu công nhận:
- Cậu Hòa nói đúng! Nhưng tại thằng Thắng này nó say
sưa quá, chỗ nào cũng đội mũ tớ cản chả được.
Nhã dàn hòa:
- Thế là đẹp rồi! Có bức ảnh như thế này đem về nhà
tặng gia đình, tặng bạn gái là quý rồi còn gì.
Hòa quay sang Nhã:
- Thế còn ông? Lần này về sẽ dứt điểm chứ?
Nhã xác nhận:
- Nếu không có gì đặc biệt tớ sẽ giải quyết dứt điểm
lần này. Mà không! Dù kiểu gì cũng phải dứt điểm. Các cậu cố gắng về dự với tớ
nhớ!
Cả bọn lặng đi, mãi sau Cân mới nhỏ nhẹ:
- Bọn tớ sẽ cố gắng nhưng cậu cũng phải thông cảm, mỗi
thằng một tỉnh mà bây giờ đi lại khó khăn quá.
Suy nghĩ một lát Thắng hăng hái:
- Để em về cho. Hồi học xong lái xe bọn em đã được
tranh thủ mấy ngày, lần đó em cũng đã xác định với gia đình là sẽ đi chiến
trường ngay. Em đang định không đi phép đợt này để ở lại học thêm một ít về
chuyên môn nhưng nếu không có ai về dự đám cưới anh Nhã thì em sẽ về.
Nhã cảm động:
- Thế thì tốt quá nhưng theo tớ cậu cũng nên về qua
nhà một tý, bọn mình đi thế này chưa biết bao giờ mới được ra...
Cân và Hòa cũng hùa theo:
- Ý định của cậu thế cũng tốt nhưng nên về nhà động
viên các cụ một chút.
Thắng vẫn khăng khăng:
- Không! Em đã quyết rồi. Bố mẹ em còn trẻ khỏe, người
yêu thì chưa có, về nữa mẹ em lại khóc lóc sợ mình đi không được. Mà lần vừa
rồi em đã tuyên bố chia tay tất cả, khi nào chiến thắng mới trở về nên bây giờ
lại về nữa thì cũng ngại. Còn một lẽ nữa là dạo trước ở đoàn huấn luyện em chỉ
được học xe T34, xe này mới chỉ được giới thiệu sơ qua. Từ hồi về đây cũng tìm
hiểu chưa được nhiều lắm nên em định trong mấy ngày phép ở đây sẽ tập trung học
hỏi để có thể làm chủ được nó.
Đúng lúc đó cậu công vụ đại đội xuống gọi Nhã lên ngay
phòng chính trị viên. Hòa phỏng đoán:
- Chắc trên đồng ý cho cậu lấy “rợ buộc chân” rồi.
Quả như vậy, chỉ mấy phút sau Nhã đã trở về vội đến
nỗi suýt vấp vào bậu cửa. Dưới ánh sáng bập bùng của ngọn đèn dầu cả khuôn mặt
đen kịt chỉ thấy hai con mắt và chiếc răng vàng sáng lấp lánh. Cả bọn xúm lại
xem mấy tờ giấy Nhã cầm trên tay: nào là giấy chứng nhận chưa kết hôn lần nào,
nào là giấy giới thiệu kính gửi ủy ban nhân dân xã đề nghị cho đăng ký kết hôn
v.v... Thắng ngẩn mặt ra:
- Sao lấy vợ mà cũng nhiêu khê thế nhỉ? Phải bao nhiêu
loại giấy tờ thế này cơ à? Phiền phức thế thì em chả lấy vợ nữa!
Cân và Hòa ôm nhau cười:
- Cứ đợi đấy! Rồi đến lúc được cưới vợ lại khóc rống
lên: “biết sướng thế này thì em lấy vợ từ lúc lên mười”.
Nhã đút mớ giấy tờ vào cái túi giấy
bóng rồi cho vào túi áo ngực, cài nút áo cẩn thận rồi mới quay sang Hòa:
- Thế nào? Cậu có định về xóm Mới
không đấy?
Hòa đáp không cần suy nghĩ:
- Tớ đã nói với cậu rồi. Không về là không
về!
Cân nhỏ nhẹ:
- Sao cậu cố chấp thế? Nếu đã định thế
thì yêu người ta làm gì cho khổ?
Hòa vẫn khăng khăng:
- Chính vì tớ không muốn để người ta
khổ nên mới dứt khoát thế này. Thực ra mình hoàn toàn nghiêm túc, nếu ở ngoài
này thêm một thời gian nữa sẽ tính chuyện cưới Thu. Nhưng bây giờ đi như thế
này tốt nhất là chia tay khi chưa có gì thật là sâu nặng.
Nhã vẫn kiên trì:
- Thế cậu tưởng chia tay thế người ta
không đau khổ sao?
Hòa gắt:
- Đã bảo thôi đi mà! Tớ đi ngủ đây!
Hòa chui ngay vào màn kéo cái vỏ chăn trùm đầu. Cả xe
không ai nói thêm gì nữa và cũng chuẩn bị đi ngủ.
***
Công việc bàn giao doanh trại, xe pháo chỉ trong vòng
hai tiếng đã xong. Đã lường trước tình huống này nên tiểu đoàn đã đề nghị và
được trung đoàn đồng ý cho anh em đi phép ngay từ buổi chiều. Sau bữa liên hoan
nhẹ buổi trưa bộ đội đã í ới chia tay nhau ra đón xe ngoài quốc lộ. Cả khu
doanh trại mọi ngày lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp giờ trở nên vắng hoe.
Đi kiểm tra sơ bộ một vòng về tiểu đoàn trưởng Tân mới
giở tấm bản đồ và bản kế hoạch hành quân từ Bộ tư lệnh gửi xuống để nghiên cứu.
Đúng ra cấp nào hành quân thì cấp đó phải làm kế hoạch nhưng đây là trường hợp
đặc biệt: là đơn vị xe tăng đầu tiên vào chiến trường, trong khi hệ thống đường
sá và mọi vấn đề bảo đảm cho cuộc hành quân ... chỉ huy tiểu đoàn đều chưa nắm
được nên Bộ tư lệnh chỉ thị cho phòng tham mưu binh chủng xây dựng kế hoạch
hành quân cho tiểu đoàn. Mặc dù đã nhận được gần một tuần nay nhưng búi xùi xùi
vì chạy theo kế hoạch huấn luyện bổ sung và trăm thứ công việc khác nên Tân cũng
chưa kịp xem. Chỉ đến hôm nay khi đã hoàn thành nội dung huấn luyện, bộ đội đã
đi phép anh mới có thời gian “sờ” đến nó.
Giở tấm bản đồ ra bàn, đặt tập kế hoạch xuống bên cạnh
nhưng đầu óc Tân chưa tập trung để nghiên cứu ngay được. Mặc dù chưa đọc dòng
nào nhưng anh biết chắc chắn rằng đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và còn
tiềm ẩn nhiều bất ngờ mà những người lập kế hoạch chẳng bao giờ nghĩ tới. Thực
ra trong cuộc đời chinh chiến hơn hai chục năm qua đây không phải là lần đầu
Tân phải hành quân đường dài. Hồi năm 1949 sau khi tốt nghiệp khóa 4 Trường Lục
quân anh đã cùng hơn hai mươi đồng đội làm một hành trình xuyên Việt. Đoàn của
anh xuất phát từ Thái Nguyên, sáu tháng sau mới đến đích tận mũi Cà Mau. Phương
tiện hành quân chủ yếu là đôi chân đi bộ, cũng có đoạn đi nhờ được ô tô, thuyền
đánh cá và cả... xe goòng. Hồi ấy quân Pháp đã giăng kín khắp nơi nên đường
hành quân cứ phải luồn lách hết lên rừng lại xuống đồng bằng, có khi phải ra cả
biển. Mọi sự chỉ biết trông cậy vào sự thông thạo của người dẫn đường. Có lần ở
Quảng Trị đoàn của anh được người dẫn đường cho ngủ lại ở một ngôi làng đã bị
bỏ trống. Mệt quá nên đặt lưng xuống là anh em ngủ ngay. Sáng ra mới thất kinh
khi thấy chỗ mình ngủ chỉ cách đồn địch chưa đầy cây số, đứng ở đó còn nhìn rõ
thằng lính bồng súng đứng gác trên tháp canh đang phì phèo hút thuốc. Thế là
thày trò cùng nhau lẳng lặng rút cho xa rồi tìm đường khác để vòng tránh. Bảo
đảm ăn uống, sinh hoạt cũng đơn giản, mỗi anh đã có túi gạo vắt vai để dự phòng
còn chủ yếu là dựa vào dân. Đoàn cũng được phát một ít tiền nhưng chủ yếu là
mua hàng dự trữ. Kể ra đó cũng là một chuyến đi dài nhưng nhớ lại thấy mọi cái
thật nhẹ nhàng, đơn giản. Nó khác hẳn với cuộc hành quân sắp tới của anh và đơn
vị của anh. Đúng là lần này các anh được hành quân bằng cơ giới nhưng chắc
chẳng nhẹ nhàng, đơn giản như lần trước.
Chú mục vào đường chì đỏ trên tấm bản đồ Tân hiểu rằng
đơn vị của anh lúc đầu sẽ hành quân theo những con đường chiến lược trục Bắc-
Nam. Khi đến Quảng Bình sẽ vượt Trường Sơn sang Lào để tiếp tục đi xuống phía
Nam và sẽ tập kết ở khu vực đường Chín. Quãng đường hành quân khoảng trên dưới
1.000 ki- lô- mét. Đã từng được đào tạo về chỉ huy xe tăng ở Liên Xô Tân hiểu
rằng đây là một giải pháp “bất đắc dĩ” mà cấp trên của anh phải lựa chọn. Thời
gian học ở nhà trường được tìm hiểu nhiều về lịch sử quân sự anh đã biết trong
tất cả các cuộc chiến tranh có dùng đến xe tăng thì chưa ở đâu và chưa bao giờ
người ta cho xe tăng hành quân bằng xích một khoảng cách lớn như vậy! Nhưng
không làm như vậy thì xe tăng sẽ không thể có mặt ở chiến trường miền Nam . Và
đơn vị của anh sẽ là đơn vị được lựa chọn để làm cái điều mà người ta chưa bao
giờ làm ấy. Nghĩ đến đây anh càng thấy trọng trách đặt lên vai anh cùng đồng
đội thật là nặng nề. Nếu hành quân thắng lợi và chiến thắng trong trận đầu ra
quân sẽ mở ra một trang mới cho sự trưởng thành của lực lượng tăng thiết giáp
cũng như việc sử dụng tăng thiết giáp ở chiến trường miền Nam . Còn nếu
trục trặc... anh chẳng dám nghĩ đến nữa. Chả thế mà chỉ một tiểu đoàn đi chiến
đấu mà cả binh chủng phải tập trung chuẩn bị.
Lần giở tập kế hoạch Tân thấy giật mình vì khối lượng
vật tư, khí tài sẽ được huy động bảo đảm cho tiểu đoàn anh- những hơn 50 tấn.
Kể cũng phải thôi, 22 chiếc xe tăng với tổng trọng lượng hơn 300 tấn hành quân
hàng nghìn ki- lô- mét thì lượng khí tài ấy chưa chắc đã đủ. Nhưng bản thân các
anh phải tự “cõng” hơn 20 tấn, như vậy mỗi xe sẽ phải mang hơn 1 tấn khí tài,
lại còn 2 phuy dầu dự trữ, lại còn lương thực, thực phẩm và bao nhiêu thứ quân
trang, quân dụng khác nữa. Vậy liệu có bơi được không? Tân vội giở sổ tay ghi
mấy chữ: “Một số việc phải làm tiếp” rồi xuống dòng gạch một gạch đầu dòng: “Phải
chất tải lên xe và bơi thử”. Chợt nhớ ý kiến của tư lệnh hôm ông đi kiểm tra
tập lái anh gạch tiếp một cái gạch đầu dòng và ghi thêm: “Hàn giá ngụy trang
ống xả”.
Giở tiếp bản kế hoạch và đối chiếu với bản đồ Tân nhận
thấy việc phân chia cung, chặng hành quân nhìn chung là hợp lý, anh nghĩ bụng:
“chắc phòng tham mưu đã có kinh nghiệm tổ chức hành quân cho tiểu đoàn M77 hồi
năm ngoái rồi”. Tuy nhiên, năm nay địch đánh phá mạnh hơn nên không biết có
thực hiện được đúng kế hoạch không. Lật trang tiếp theo anh đọc kỹ phần “Dự
kiến một số tình huống có thể xảy ra và cách xử trí”. Đúng là đã có một số kinh
nghiệm nên phần này được chuẩn bị khá kỹ càng: từ trục trặc kỹ thuật đến cứu
kéo xe khi bị lầy, bị đổ. Từ địch đánh vào đội hình hành quân, trú quân đến
việc bị chia cắt đội hình, rồi lái qua sông bị trôi, rồi có người bị hy sinh,
bị thương... thì xử trí ra làm sao v.v... Tân lật sổ gạch đầu dòng thứ ba: “Cho
nghiên cứu kỹ phần cách xử trí các tình huống xảy ra trên đường hành quân”.
Xem đến phần tổ chức đội hình hành quân Tân chợt phát
hiện ra một vấn đề: như vậy, thực chất có thể coi đây là cuộc hành quân của hai
đại đội độc lập. Mọi vấn đề về tổ chức chỉ huy đều do đại đội tiến hành, còn
cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn chỉ giữ vai trò cố vấn, chỉ đạo vì vậy sẽ đòi hỏi
cao hơn rất nhiều đối với đội ngũ cán bộ đại đội. Tân lại lật sổ tay ghi thêm
dòng chữ: “hội ý cán bộ, thảo luận kỹ về kế hoạch hành quân”.
Đã nghe tiếng bóng nảy bình bịch cùng tiếng hò reo í
ới ngoài sân. Tân liếc nhìn đồng hồ: đã gần 5 giờ chiều, anh cẩn thận gấp tấm
bản đồ và tập tài liệu cho vào cặp rồi cởi nhanh bộ quần áo ngoài lao về phía
sân bóng.
***
Phải gần trưa hôm sau Nhã và Thắng mới về đến nhà.
Quãng đường có hơn 100 ki- lô- mét mà phải đi mất ba chặng xe. Ba lần phải chen
chúc thục mạng để mua vé, lên xe toàn đứng lò cò một chân. Nhã bảo: “Thế là may
đấy! Nếu không có hai cái giấy phép của bộ đội được ưu tiên thì có khi đến tối
mới về được”. Thấy Nhã về lại có cả một anh bộ đội “đại diện cho đơn vị” cùng
về mẹ Nhã vui lắm, bà bảo:
- Ở nhà đã sang nói chuyện sơ sơ với bên kia rồi. Bên
ấy cũng đã đồng ý, chỉ đợi anh về là tiến hành thôi. Bây giờ anh em cứ tắm rửa
đi rồi ăn cơm. Trưa nay sẽ mời các ông bà trong họ sang để bàn bạc. Thế anh
được nghỉ mấy ngày?
Nhã vội thưa:
- Dạ, con được nghỉ 10 ngày. Nhưng nếu trừ ngày đi thì
chỉ còn 9 ngày thôi.
Mẹ Nhã cười rõ tươi:
- Thời chiến được như thế là quý lắm rồi.
Cả nhà vừa ăn cơm xong thì mấy ông bác, ông chú Nhã đã
đến. Sau khi nghe Nhã báo cáo tình hình ông trưởng họ đứng lên trịnh trọng:
- Về việc này khi anh có thư về mẹ anh đã có nhời với
chúng tôi. Trong họ cũng đã bàn bạc và cũng đã sang trao đổi với bên kia. Cả
hai bên đã sơ bộ trao đổi với nhau là thông cảm với hoàn cảnh bộ đội thời chiến
nên có thể bỏ qua một số thủ tục. Vậy ta có thể thống nhất thế này: ngay chiều
nay anh Nhã phải tranh thủ đến ủy ban trình giấy và báo cáo để người ta cho
phép đăng ký kết hôn, sau đó sang báo cáo với ông bà bên ấy ý định của mình. Bên
ấy mà đồng ý thì ngày mai sẽ tiến hành lễ ăn hỏi ngay, sau đó hai ba ngày sẽ
tiến hành lễ cưới. Nếu làm được như thế thì anh chị cũng được ở với nhau được
gần một tuần. Anh thấy như thế có được không?
Nhã vội đứng dạy:
- Dạ, nếu được như thế thì tốt quá!
Quay sang mẹ Nhã ông hỏi:
- Thế việc chuẩn bị của nhà mình đến đâu rồi?
Mẹ Nhã lẩm nhẩm tính toán một lát rồi mới khẽ khàng:
- Thưa các ông, các bác! Nhờ cháu có đánh thư về trước
nên nhà cũng đã chuẩn bị được một số thứ rồi. Lợn đã sẵn trong chuồng một con
gần 40 cân. Gạo tẻ gạo nếp, chè Thái đã chuẩn bị đủ cả. Trầu cau thì đã dặn
trước nhà Mãi xóm trên. Chỉ phải cái bánh kẹo và thuốc lá khó mua quá nên chưa
chuẩn bị được bao nhiêu.
Nhã hồ hởi:
- May quá! Khi biết con về đợt này sẽ xây dựng gia
đình đơn vị con có giải quyết cho một “tút” thuốc lá và hai cân kẹo.
Mẹ Nhã lườm con một cái:
- Thế thì thấm vào đâu!
Ông trưởng họ ngắt lời:
- Thôi! Thế là quý lắm rồi, chỉ có bộ đội người ta mới
chu đáo thế thôi bà ạ. Đang thời chiến mà người ta còn quan tâm cho cả người về
đại diện đơn vị, lại còn có cả quà nữa. Mà bây giờ thực hiện “đời sống mới”, có
muốn làm to xã người ta cũng không cho làm đâu. Vậy trước hết ta tập trung lo
cho lễ hỏi đã, còn chuẩn bị cho lễ cưới thì tính sau, thiếu đâu vay mượn tạm để
cho xong việc đã.
Có tiếng kẻng vang lên ngoài đầu ngõ, ông trưởng họ
đứng dạy:
- Đã đến giờ đi làm đồng buổi chiều rồi đấy. Bây giờ
anh Nhã ra ủy ban và sang bên ấy đi, chúng tôi đi làm đã. Kết quả thế nào tối
nay anh báo cáo lại để tôi còn cắt đặt mọi việc. Còn thím lên bảo nhà Mãi nó hạ
cho buồng cau và hái trầu đi là vừa. Nào các ông, ta đi làm đi chứ không ông
đội trưởng lại trừ điểm đấy.
Dứt lời ông kéo mấy người cùng đi. Đợi mọi người đi
khỏi mẹ Nhã mới bảo con:
- Con sang bên ấy nói kheo khéo vào nhé! Người ta có
con gái lớn gả chồng thế nào cũng muốn làm cho đàng hoàng. Mà hoàn cảnh nhà
mình thế này nếu bên ấy thách cao quá sợ rằng không lo nổi.
Nhã cười rất tự tin:
- Mẹ cứ yên tâm đi! Bọn con yêu nhau đã lâu và bên ấy
cũng rất thông cảm rồi. Thắng đi với tớ nhé!
Lần đầu tiên được tham dự vào chuyện này cái gì cũng
làm Thắng bỡ ngỡ, lại còn được phong là đại diện đơn vị cu cậu chẳng biết ăn
nói ra làm sao đành lặng thinh từ đầu đến cuối. Đến lúc nghe Nhã rủ đi Thắng
mới rụt dè lên tiếng:
- Được! Em đi với anh nhưng anh phải “đính chính” đi
chứ: em làm sao đại diện cho đơn vị được.
Nhã bật cười:
- Thì cứ nói thế cho oai, có mất gì đâu?
Thắng lo lắng:
- Nhưng hôm cưới người ta bắt phát biểu ý kiến thì em
biết ăn nói thế nào?.
Nhã lại cười:
- Cứ yên tâm đi! Hôm nọ anh Tú chính trị viên đã hứa
với tớ là sẽ có mặt trong lễ cưới rồi. Khi nào định được ngày cưới tớ chỉ cần
điện báo về nhà anh ấy là anh ấy sẽ lên ngay.
Hai anh em mượn chiếc xe đạp của bà chị họ đèo nhau
lên xã. Con đường làng gập ghềnh đầy vết chân trâu và bánh xe cải tiến nên Nhã
cứ loạng choạng suýt ngã mấy lần. Bọn trẻ con trong làng cứ chỉ trỏ hai anh em
mà xì xào: “anh Nhã lái xe tăng mà lại không biết đi xe đạp” làm Thắng bật
cười. Công việc ở xã hóa ra rất đơn giản. Sau khi xem xong giấy tờ ông chủ tịch
đồng ý ngay: “lúc nào cậu đến đăng ký cũng được, nếu ban ngày bận thì tối vào
nhà tớ”. Nhưng khi Nhã đứng lên định ra về thì ông giữ lại và dặn: “bây giờ địa
phương đang phát động xây dựng đời sống mới, cậu là bộ đội, lại là đảng viên
nên phải gương mẫu, làm vừa vừa thôi nhá!”. Cảm ơn ông chủ tịch dễ tính hai anh
em lại lên xe về nhà Hiền.
Không biết có phải có “thần giao cách cảm” hay không
mà khi mới vào đến đầu ngõ đã thấy Hiền đứng đợi. Chắc vì có Thắng nên hai anh
chị chào hỏi nhau như người dưng:
- Anh mới về à?
Nhã dựng chân chống xe đạp xong mới trả lời:
- Ừ! Anh về lúc gần trưa. Đây là Thắng, cùng xe với
anh.
Hiền thẹn thùng, mắt nhìn xuống đất:
- Em chào anh ạ!
Thắng thật thà:
- Không! Em còn ít tuổi lắm, chị cứ coi em như em của
anh Nhã thôi.
Nhã gật đầu:
- Đúng đấy! Thắng mới nhập ngũ đầu năm nay mà. Thày có
nhà không em?
Hiền vẫn nhìn xuống đất:
- Thày đang đợi anh đấy! Anh vào đi!
Nhã đợi Hiền đi trước rồi dắt xe đạp đi theo. Vừa đến
sân Hiền chạy tọt ngay vào bếp. Nhã nhẹ nhàng dựng chân chống xe đạp rồi rón
rén bước lên thềm. Trong nhà bố Hiền đang ngồi trầm ngâm trên bộ tràng kỷ,
trước mặt là bộ ấm chén tuy đã cũ nhưng sạch bong. Trông ông có vẻ hơi đạo mạo
như kiểu ông đồ. Nhã rụt dè:
- Con chào thày ạ!
Ông cụ ngẩng lên, nét mặt vẫn không hề thay đổi:
- Anh Nhã về đấy à? Vào uống nước!
Nhã kéo Thắng cùng vào, anh lúng túng giới thiệu:
- Thưa thày, đây là Thắng cùng đơn vị với con ạ!
Nét mặt bố Hiền đã hơi tươi lên:
- Thế à? Anh về thăm quê chúng tôi thật quý hóa quá.
Hai anh em ngồi chơi xơi nước.
Bố Hiền cẩn thận lật hai chiếc chén lên, tráng chén
bằng nước sôi rồi mới rót nước ra, hương
chè Thái nhẹ nhàng lan tỏa. Thấy ông cứ trầm trầm Nhã càng lúng túng. Sau khi
khép nép ngồi xuống ghế anh đưa hai tay bưng chén nước lên rồi lại đặt xuống
mấy lần mới cất được tiếng:
- Hôm nay thày không đi làm ạ?
Vừa dứt lời Nhã đã biết ngay là mình hớ. Hiền chả cho
anh biết hôm nay bố ở nhà đợi mình là gì. Câu hỏi của Nhã làm cho bố Hiền đâm
lúng túng:
- À...! Hôm nay nhà có tý việc nên tôi nghỉ buổi
chiều.
Không biết có chủ định không nhưng Thắng “tồ” lại là
người giải nguy cho cả hai ông con. Cầm chén nước lên vừa nhấp một ngụm cậu ta
đã nức nở:
- Ôi! Chè của bố ngon quá, quê con là quê chè mà ít
khi con thấy loại chè ngon thế này. Vừa được nước, vừa được hương, chát mà lại
ngọt, uống thật có hậu.
Mặt bố Hiền tươi hẳn lên:
- Thế anh quê ở đâu ta mà sành chè vậy?
Thắng vẫn bô bô:
- Con quê Phú Thọ rừng cọ, đồi chè mà bố. Từ bé con đã
phải hái chè, sao chè nên cũng biết một ít về chè.
Ông bố Hiền vui vẻ:
- Thảo nào anh sành vậy. Nói thật, nhiều người uống
chè thì uống đấy nhưng có biết chè ngon hay dở thế nào đâu. Đây là chè Thái đấy,
tôi phải nhờ người quen công tác ở trên ấy mua cho mới được thế này chứ nếu mua
ngay ở đây thì cũng chỉ hơn chè “chín hào ba” một tý thôi.
Câu chuyện về chè giữa bố Hiền và Thắng càng sôi nổi
thì Nhã lại đâm lo lo, anh vốn chẳng biết gì về chè cháo cả. Không biết ông cụ
chê ai hay là chê khéo mình đây. Nhưng có vẻ không phải thế, chắc là chả mấy
khi gặp được người hiểu biết về chè như Thắng nên tự nhiên dốc bầu tâm sự mà
thôi. Cũng may nhờ có chuyện chè cháo nên không khí cuộc gặp trở nên thân mật,
tự nhiên hơn. Hiền có vẻ sốt ruột nên cứ đứng sau cánh cửa ra hiệu cho Nhã “đặt
vấn đề” đi. Đợi cho hai đệ tử của môn “chè học” bớt say sưa Nhã mới ngập ngừng
chuyển chủ đề:
- Thưa thày! Đợt này con được về phép để chuẩn bị đi
chiến đấu, con định...
Bố Hiền có vẻ đã dễ dãi hơn:
- Tôi biết rồi! Hôm trước bên nhà cũng đã sang đây
thưa chuyện. Thế anh được nghỉ mấy ngày?.
Nhã mừng rỡ vì thấy cụ chủ động đặt vấn đề, anh vội
trả lời ngay:
- Dạ! Con được nghỉ mười ngày, trừ ngày đi còn chín
thôi ạ.
Bố Hiền lẩm nhẩm tính toán một lúc rồi mới hỏi:
- Thế ý anh định thế nào?
Bây giờ Nhã đã bình tĩnh hơn:
- Vì thời gian nghỉ phép có hạn nên con định trong đợt
này nếu thày mẹ cho phép thì chúng con sẽ xây dựng gia đình với nhau. Vừa rồi
bên nhà con cũng đã hội ý, nếu thày mẹ đồng ý thì ngày mai nhà con sẽ sang ăn
hỏi em Hiền, sau đó hai ba ngày thì sẽ tiến hành lễ cưới.
Vẻ trầm ngâm ông đồ lại trở lại trên khuôn mặt bố
Hiền, ông từ tốn:
- Mặc dù rất thông cảm với điều kiện thời chiến của
các anh nhưng “đất có lề, quê có thói” có nhiều cái ta không thể bỏ được. Họ
nhà tôi lại to, bên ngoại thì ở xa, Hiền lại là con gái lớn nên đám cưới cũng
phải đàng hoàng không thể úi xùi được. Còn về phía anh nữa, là cán bộ đảng viên
mà một thân, một mình về cưới vợ thế thôi ư?
Lại còn địa phương nữa, liệu người ta có đồng ý cho không?.
Càng nghe ông nói mặt Nhã càng tái đi, anh lúng túng
như gà mắc tóc chưa biết làm sao thì thật may Thắng lại gỡ bí:
- Bố ạ! Đơn vị con biết anh Nhã về cưới vợ trong đợt
này đã có giấy giới thiệu về ủy ban xã đề nghị họ giúp đỡ tạo điều kiện cho anh
ấy và chị Hiền đăng ký kết hôn, lại còn có cả giấy chứng nhận anh Nhã chưa xây
dựng gia đình lần nào. Các thủ trưởng đơn vị còn hứa sẽ về dự đám cưới và còn
cử con về trước để giúp anh Nhã đấy chứ ạ.
Bố Hiền bật cười:
- Thế anh giúp được gì nào?
Thắng vẫn bô bô:
- Cái gì con cũng làm được, cứ cái gì anh Nhã bảo con
làm là con làm thôi.
Được đà Nhã lúng búng:
- Thôi thì thày thương chúng con. Chúng con yêu nhau
đã lâu mà đợt này con đi chắc cũng lâu mới ra nên thày mẹ thông cảm.
Bố Hiền lại lẩm nhẩm bấm đốt ngón tay tính toán rồi
tuyên bố một cách dứt khoát:
- Thôi được rồi! Thông cảm cho hoàn cảnh bộ đội thời
chiến nên tôi đồng ý. Anh về thông báo với bên ấy thế này: đúng 12 giờ trưa
ngày mai mang lễ hỏi sang đây. Lễ lạt thế nào tùy tâm nhưng cũng phải để cho
tôi có cái gì đó báo cáo với họ hàng. Còn ngày cưới cả tuần này chỉ mỗi ngày 23
là tạm được- ông rướn người lật mấy tờ lịch lên xem rồi tiếp- Ngày 23 tức là
thứ ba 26 tháng 9 dương ấy. Mà tôi cũng
phải có thời gian đi mời mọc bà con, họ hàng chứ.
Như người sắp chết đuối vớ được cọc Nhã mừng rỡ:
- Con xin cảm ơn thày mẹ ạ!
Thắng vô tư góp chuyện:
- Bố ạ! Con thấy thế này: anh Nhã chỉ được nghỉ đến 29
mà bố bắt phải đợi đến tận 26 mới được cưới thì gay quá. Bố xem thế nào chứ con
thấy cưới vào chủ nhật này là hay nhất đấy ạ! Họ hàng hai bên, bạn bè anh Nhã,
chị Hiền chắc sẽ đông đủ hơn.
Bố Hiền hơi gay gắt:
- Anh thì biết cái gì mà tham gia. Ngày chủ nhật là 21
tháng Tám, đó là ngày Minh Đường hoàng đạo, chỉ tốt cho cầu tài, cầu lộc thôi
chứ hôn nhân thì rất xấu.
Thắng vẫn bô bô:
- Ôi! Thế thì tuyệt vời! Anh Nhã, chị Hiền mà cưới
nhau vào ngày ấy thì cứ gọi là giàu nứt đố đổ vách, sang năm nhất định có cháu
cho ông bà bế rồi.
Ông bố Hiền bật cười:
- Thôi, cứ thống nhất như vậy đã. Ngày mai hai gia
đình sẽ bàn bạc cụ thể thêm.
Nhã thấy thế là đã đạt được mục tiêu rồi nên cáo từ:
- Thế thì con xin phép thày con về bên nhà bây giờ ạ!
Hai anh em vừa ra khỏi nhà đã thấy Hiền đứng đợi. Chắc
cô đã nghe thấy hết mọi chuyện nên trách Nhã:
- Anh thì “rằm cũng ư, mười tư cũng gật”. May mà có
anh Thắng đây chứ không thì hỏng hết.
Thắng cười vô tư:
- Em thì có biết gì đâu. Cứ nghĩ gì thì nói thế thôi.
Chả thế các anh ấy toàn chê em là Thắng “tồ”. Nhưng mà chị Hiền này, chị phải đả
thông cho hai cụ đi, cưới vào chủ nhật này là hay nhất đấy.
Hiền gật đầu:
- Được rồi! Cái đó em sẽ lo. Còn bây giờ hai anh em cứ
về đi đã.
Thắng ý tứ dắt xe đi vượt hẳn lên, Nhã và Hiền còn rủ
rỉ gì đó một lúc lâu mới dứt ra được.
Chẳng biết Hiền đã làm công tác tư tưởng với bố mẹ như
thế nào mà rồi ông cụ cũng đồng ý cho đám cưới tiến hành vào ngày chủ nhật. Thế
là ngay từ sau khi đi ăn hỏi về mọi việc cứ rối tung cả lên. Cũng may ông
trưởng họ của Nhã là người thạo việc nên cắt đặt mọi thứ đâu ra đấy. Hôm chủ
nhật chính trị viên Tú đã có mặt từ sáng sớm, thấy anh bảo phải đạp xe gần suốt
đêm cho kịp giờ. Có sự góp mặt của đại diện ủy ban, đại diện đơn vị và sự nhiệt
tình của chi đoàn thanh niên đám cưới Nhã Hiền được bà con khen là vui nhất từ
trước đến nay ở cái làng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét