Tổ chức đưa hàng trăm xe tăng vượt hàng nghìn ki-lô-mét vào các chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu có thể coi là một kỳ tích của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam.
Xe tăng là loại phương tiện chiến đấu có tự trọng lớn, tuổi thọ động cơ cũng như nhiều chi tiết trên xe thấp... nên khi phải cơ động đường dài người ta thường sử dụng các phương tiện chuyên chở thiết kế đặc biệt.
Điển hình của những phương tiện này như: xe chở tăng chuyên dụng, xe lửa, tàu thủy v.v... để đưa xe tăng đến gần khu vực tác chiến.
Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, việc đưa xe tăng vào chiến trường - kể cả những chiến trường xa nhất với khoảng cách lên đến 2000 km, chủ yếu là hành quân bằng xích.
Đây cũng là nét đặc thù riêng có trong sử dụng xe tăng, thiết giáp (TTG) ở Việt Nam.
Những thách thức dọc đường hành quân
Có nhiều phương án để đưa xe tăng từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trong đó phương án tối ưu là:
Chở xe tăng bằng tàu hỏa vào đến Vinh Chở xe tăng bằng tàu thủy từ Vinh vào Đồng Hới hoặc Long Đại (Quảng Bình) Từ Đồng Hới (hoặc Long Đại) xe tăng bắt đầu hành quân bằng xích.
Từ đây, xe tăng sẽ phải hành quân theo đường mòn Hồ Chí Minh. Để vào các chiến trường xa, sau khi vượt Trường Sơn sang đất Lào xe tăng sẽ hành quân dọc cao nguyên Nam Lào.
Nếu muốn vào chiến trường B4 sẽ theo đường B45 vượt dốc Con Mèo về A Lưới. Nếu muốn vào B3 phải hành quân đến vùng Ba biên giới rồi vượt biên giới về Bắc Kon Tum.
Nếu muốn vào B1 thì lộ trình tương tự B3, sau khi quay về đất Việt sẽ theo đường 14 cũ đi ngược trở ra Quảng Nam (vì dãy Trường Sơn ở đoạn qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai rất hiểm trở).
Còn nếu muốn vào B2 thì vượt qua Ngã ba biên giới sang hành quân trên đất Căm-pu-chia tới căn cứ địa của Miền ở khu vực Bù Đốp, Lộc Ninh.
Với phương án này sẽ tiết kiệm được khoảng 600 km hành quân xích.
Trường hợp xấu nhất - khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt các tuyến vận chuyển thì xe tăng sẽ phải hành quân bằng xích từ vị trí tập kết (thường là vùng Vĩnh Phú hoặc Hòa Bình) vào thẳng chiến trường.
Quãng đường hành quân đến chiến trường xa nhất (B2) lên đến gần 2000 ki- lô- mét. Trên đường hành quân, đội hình xe tăng thường phải đối mặt với những thách thức chủ yếu sau:
Chất lượng đường sá: Đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngoài những đoạn tận dụng được các quốc lộ, tỉnh lộ cũ còn lại nhìn chung đều là đường quân sự làm gấp.
Vì vậy mặt đường thường hẹp, chất lượng mặt đường xấu - thường chỉ là chất liệu đất đá tự nhiên; hệ thống cầu cống tạm bợ, trọng tải kém; nhiều sông lớn không có cầu thì chỉ có phà dã chiến với trọng tải không lớn...
Chính vì vậy, khi lựa chọn đơn vị xe tăng đầu tiên đưa vào chiến trường, Binh chủng TTG đã chọn loại xe tăng bơi PT-76 vì khả năng tự bơi vượt sông của nó. Chất lượng mặt đường ảnh hưởng nhiều nhất đến hệ thống vận hành của TTG - nhất là đối với xe tăng bơi.
Chẳng hạn như Đại đội 9, Tiểu đoàn XT198 sau khi hành quân bộ 1073 km vào nam Đường 9 đã phải thay thế 95% bánh chịu nặng và 80% mảnh xích. Mặt khác, chất lượng đường sá ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ hành quân, nhất là vào mùa mưa.
Có trường hợp đường bị sạt lở, xe tăng phải nằm chờ hàng tuần mới đi được. Thậm chí có xe bị lăn xuống vực phải hủy...
Sự ngăn trở quyết liệt của không quân Mỹ: Đây là một trở ngại không nhỏ đối với nhiệm vụ đưa xe tăng nói riêng cũng như tiếp vận hàng hóa nói chung từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Người Mỹ đã dùng tất cả những phương tiện tối tân nhất mà nền khoa học QS hùng mạnh của họ có thể làm ra để ngăn chặn QĐNDVN làm điều đó như máy bay chiến lược B-52 đến máy bay chiến thuật; từ trực thăng đến “kẻ săn đêm” AC130;
Ngoài ra là từ trinh sát không người lái đến trinh sát OV10; từ thiết bị trinh sát hồng ngoại đến “cây nhiệt đới” thu tiếng động; từ bom thông thường đến bom thông minh; từ chất “làm rụng lá cây” đến chất “gây mưa”... đã được đưa vào sử dụng với mục đích trên.
Với một động cơ công suất lớn, nguồn nhiệt tỏa ra cao, tiếng động cũng lớn... việc che mắt được không quân Mỹ đối với xe tăng không hề dễ dàng. Chỉ cần sơ suất một chút sẽ bị chúng phát hiện và tập trung ném bom hủy diệt ngay.
Tháng 5.1972, khi Đại đội xe tăng 4 vừa hành quân vào đến A Lưới đã bị B-52 đánh trúng đội hình, xe 388 bị bom đánh lật ngửa, 4 chiến sĩ hy sinh.
Trước đó, Đại đội xe tăng 8 hành quân trên đường 18 (bên đất Lào) bị phát hiện, KQ Mỹ tập trung đánh phá cháy cả đại đội...
Công tác bảo đảm kỹ thuật: Mặc dù khi tổ chức hành quân thường có bộ phận sửa chữa đi cùng song do ở dã ngoại, phương tiện, khí tài thay thế... thiếu thốn nên việc bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng của xe máy, vũ khí gặp nhiều khó khăn.
Với những đơn vị đi độc lập với quy mô cấp đại đội lại càng khó khăn hơn vì không có công trình xa đi theo.
Chính vì vậy, khi chỉ hỏng 1 bơm cao áp (heo dầu) mà Đại đội xe tăng 3 phải bỏ lại dọc đường xe tăng bơi số 700 (tất nhiên có báo cáo vị trí để cấp trên cho người vào sửa chữa).
Cứ đi khắc đến
Bất chấp những khó khăn, thử thách như đã kể trên, bộ đội TTG Việt Nam đã đưa được hàng trăm xe tăng, xe tiết giáp vượt hàng nghìn km vào tất cả các chiến trường ở miền Nam. Tỷ lệ người và xe đến đích trung bình đạt 85- 90%.
Nhiều đơn vị vừa vào đến nơi đã tham gia chiến đấu được ngay như Tiểu đoàn 171 (khi vào đến B2 đổi tên là Tiểu đoàn 20), sau khi vượt gần 2.000 km vào đến căn cứ Miền ngày 02.4.1972 thì chỉ 5 ngày sau đã tham gia đánh cứ điểm Lộc Ninh và giành thắng lợi vang dội.
Có được kết quả ấy trước hết phải nói đến quyết tâm chính trị rất cao từ Bộ thống soái tối cao đến từng người lính, từ cơ quan chỉ đạo các cấp đến đơn vị cơ sở... Một số bài học lớn rút ra từ những cuộc hành quân đường dài là:
Trước khi hành quân phải nắm chắc tình hình đường sá, tình hình địch và các bộ phận liên quan (công binh, kỹ thuật, hậu cần...).
Trên cơ sở đó kết hợp với rút kinh nghiệm từ các cuộc hành quân trước đây để xây dựng kế hoạch hành quân thật khoa học, thật hợp lý làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Đồng thời phải tổ chức huấn luyện bổ sung các nội dung cần thiết cho đội ngũ thành viên kíp xe như: lái đêm, lái qua địa hình phức tạp, sử dụng súng cao xạ 12,7 mm bắn máy bay, cách ngụy trang - giữ bí mật v.v...
Trong quá trình hành quân phải tổ chức đội hình hợp lý, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên tuyến như công binh, phòng không, hậu cần... để bảo đảm tốt mọi mặt cho đội hình hành quân.
Cố gắng bám sát kế hoạch hành quân song cũng phải linh hoạt xử lý các tình huống bất thường. Đặc biệt, phải hết sức chú trọng công tác phòng gian giữ bí mật - nhất là tại các điểm dừng chân.
Hết sức chú trọng đến công tác bảo đảm kỹ thuật, có kế hoạch mang theo tối đa những khí tài dự bị cần thiết cùng lực lượng thợ sửa chữa hợp lý để có thể khắc phục được những hư hỏng thông thường của xe máy, trang bị.
Thực tế cho thấy, tất cả các đơn vị TTG khi hành quân đều tổ chức bộ phận “tiền trạm” đi trước để nắm đường, liên hệ với công binh, chọn vị trí nghỉ các chặng....
Do đó, kế hoạch hành quân nhìn chung được thực hiện tương đối suôn sẻ, các khó khăn vướng mắc được giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, đơn vị nào thường xuyên nêu cao cảnh giác, giữ bí mật; nâng công tác ngụy trang của CB- CS lên thành “kỹ năng”, bố trí đội hình trú quân có cự ly hợp lý... thì tỷ lệ thương vong do không quân địch gây ra rất thấp.
Điển hình như Tiểu đoàn 171 kể trên đã đưa được 97% xe đến đích an toàn. Tổ chức đưa hàng trăm TTG hành quân bằng xích vào chiến trường xa hàng nghìn km trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước xứng đáng được coi là một kỳ tích của bộ đội TTG Việt Nam.
Những kinh nghiệm đúc rút ra từ các cuộc hành quân đường dài đó mãi mãi vẫn sẽ là những bài học quý báu cho lực lượng TTG hiện tại và tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét