Câu trả lời là chưa! Không chỉ đối với những ngước nghèo như Việt Nam mà cả ở những nước có nền kinh tế phát triển cũng vậy. Xe tăng T-54 và T-55 vẫn chưa hết thời.
Quá khứ hào hùng, tương lai vẫn không kém phần... sáng sủa
Xe tăng T54 được hoàn chỉnh thiết kế năm 1946 và ra đời năm 1947. Còn chiếc T-55 đầu tiên được sản xuất năm 1958. Tổng số lượng xe tăng họ nhà T-54, T-55 được sản xuất tại Liên Xô và 12 nước khác đã lên tới con số kỷ lục 100.000 chiếc.
Mấy thập kỷ liền, xe tăng T-54, T-55 đóng vai trò xe tăng chủ lực trong quân đội nhiều nước và đã tham chiến ở nhiều mặt trận khác nhau từ Châu Âu tới Trung Đông, từ châu Á tới châu Phi.
Ở VN, T-54 và các phiên bản của nó xuất trận lần đầu trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, lập đại công trong cuộc Tổng tiến công năm 1975, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Biên giới Tây Nam năm 1979.
Và cho đến giờ T-54, T-55 vẫn là thành phần chính trong lực lượng Tăng thiết giáp Việt Nam.
Tính từ khi ra đời đến nay, đã gần 7 thập kỷ họ nhà T-54, T-55 tung hoành trên nhiều chiến trường khác nhau, nhiều người cho rằng đã đến lúc phải cho chúng về hưu hoặc cho vào lò nấu thép để tái chế. Song thực tế không phải như vậy!
Những chiếc xe tăng T-54, T-55 vẫn còn trong trang bị của quân đội nhiều nước và người ta đang kéo dài niên hạn phục vụ của chúng bằng nhiều phương án nâng cấp, cải tiến khác nhau.
Nhờ vậy, người ta vẫn có được những chiếc xe tăng gần tương đương với những xe tăng đời mới với một chi phí có thể chấp nhận.
Cải tiến những gì và làm như thế nào?
Như chúng ta đã biết, sức mạnh của xe tăng tập trung ở ba yếu tố: hỏa lực mạnh, sức cơ động việt dã cao và khả năng phòng hộ tốt.
Khi cải tiến người ta đều nhắm đến nâng cao chất lượng cả ba yếu tố này. Tuy nhiên, tùy theo quan điểm của giới lãnh đạo quốc phòng của từng nước mà người ta có những ưu tiên khác nhau.
Nâng cao sức mạnh hỏa lực:
Để nâng cao sức mạnh hỏa lực cho T-54, T-55 người ta tập trung vào 2 nhóm: cải tiến vũ khí và nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực nhằm ngắm bắn được chính xác hơn trong các điều kiện khác nhau.
Về vũ khí chính là khẩu pháo một số phương án vẫn giữ nguyên pháo 100mm kiểu Đ10T2S, còn một số phương án hướng tới là nâng cỡ pháo lên và thường có 3 lựa chọn:
- Nhóm các nước thuộc Liên Xô cũ: đề xuất sử dụng pháo nòng trơn 125mm 2A46.
- Nhóm các nước Đông Âu đã gia nhập NATO: đề xuất sử dụng pháo nòng trơn 120mm tiêu chuẩn NATO.
- Israel và một số nước khác: đề xuất sử dụng pháo nòng rãnh cỡ 105mm kiểu M68/L7.
Ngoài pháo ra các vũ khí kèm theo về cơ bản không có gì thay đổi lớn. Một số phương án đề xuất bổ sung tên lửa chống tăng và súng cối 60mm vào hệ thống vũ khí.
Về hệ thống điều khiển hỏa lực hầu hết các phương án cải tiến đều hiện đại hóa một bước rất quan trọng so với nguyên bản như đề xuất trang bị máy tính đường đạn, máy đo xa laser, thay thế kính ngắm cả ban ngày và ban đêm.
Hệ thống ổn định 2 mặt phẳng cũng được nâng cấp để hoạt động tin cậy hơn.
Nâng cao sức cơ động việt dã
Để thực hiện yêu cầu này người ta tập trung vào các nhóm công việc sau:
- Nâng cao trọng tải riêng bằng cách thay thế động cơ V54, V55 bằng các động cơ có công suất cao hơn, thường từ 800 đến 1000 mã lực.
- Cải tiến cơ cấu treo xe như thay thế trục xoắn, giảm chấn thủy lực... để nâng cao gầm xe và tăng độ nhún khi qua các vật cản.
- Lắp đặt các hệ thống trợ lực lái xe và thay thế kính nhìn đêm cho lái xe.
Nâng cao khả năng phòng hộ của xe
Điểm yếu của T-54, T-55 về mặt phòng hộ chủ yếu do giáp được làm bằng thép đồng chất, một số vị trí khá mỏng như trên nóc tháp pháo, sườn xe và tháp pháo, bụng xe...
Kể cả ở phía trước xe và tháp pháo nếu không được bảo vệ cũng không chống được các loại đạn xuyên với đầu nổ lõm, nhất là của pháo cỡ lớn và tên lửa chống tăng các loại. Vì vậy, hầu hết các phương án đều tập trung vào các nội dung sau:
- Lắp giáp phản ứng nổ (ERA) vào các vị trí cần thiết.
- Nâng cao chất lượng hệ thống chữa cháy và chống vũ khí hủy diệt lớn.
Một số phương án đề xuất lắp đặt thêm thiết bị bảo vệ chủ động, bảo vệ chống mìn, hệ thống ngụy trang giảm phát xạ...
Ngoài ra, một trong những nội dung cũng được quan tâm là thay thế các thiết bị thông tin liên lạc đảm bảo tin cậy hơn.
Tất nhiên, độ phức tạp và mức độ hiện đại hóa càng cao sẽ kéo theo giá thành càng cao.
Lựa chọn của Việt Nam
Như đã nói, T-54 và T-55 vẫn là lực lượng nòng cốt của Binh chủng Tăng Thiết giáp Việt Nam. Với điều kiện kinh tế hiện nay và trong tương lai gần, Việt Nam chắc chắn chưa thể ngay một lúc thay thế chúng bằng các dòng tăng chủ lực mới.
Mặt khác, qua thực tế chiến đấu, dòng tăng T-54, T-55 tỏ ra khá thích hợp với điều kiện địa hình “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” của Việt Nam.
Vì vậy, việc tính toán nâng cấp, cải tiến chúng chắc chắn là phương án tối ưu của Việt Nam để có một lực lượng xe tăng tương đối tiên tiến với một chi phí thấp nhất.
Nắm bắt được nhu cầu này, những năm gần đây đã có rất nhiều lời chào mời từ các tập đoàn công nghiệp quốc phòng khác nhau gửi đến Việt Nam. Tuy nhiên, việc cân nhắc chọn phương án nâng cấp nào cần phải đáp ứng được các tiêu chí sau:
- Phương án cải tiến phải linh hoạt, cho phép chủ nhà có thể lựa chọn từng “gói nhỏ”, từng bộ phận trong “gói” cải tiến.
- Các thiết bị cải tiến hoặc trang bị thêm đều có kích thước nhỏ, gọn, dễ dàng lắp đặt lên xe mà ít phải gia công thân xe, tháp pháo.
- Sẵn sàng chuyển giao công nghệ và giúp phía chủ nhà làm chủ công nghệ các gói cải tiến sau khi hý hợp đồng và đã thành công ở một số nước.
- Giá thành khá rẻ so với các cơ sở khác.
Trong điều kiện có đơn vị trong nước đã chế tạo được một số thiết bị tương tự trong gói cải tiến như: giáp phản ứng nổ, thiết bị trợ lực lái xe v.v... thì sự linh hoạt trong các gói giải pháp cũng là một tiêu chí quan trọng để Việt Nam lựa chọn.
Hy vọng, trong tương lai gần chúng ta sẽ lại được thấy những chiếc T-54 và T-55 gần tương đương với những xe tăng đời mới.
Nguồn: http://soha.vn/quan-su/viet-nam-khong-the-de-xe-tang-t-54-va-t-55-nghi-huu-ngay-luc-nay-20160216182029693.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét