Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

BÃO THÉP TẬP1- CƠN LỐC ĐẦU MÙA- Kỳ 1


Đã hơn hai năm, kể từ ngày Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cơ quan Bộ Tư lệnh Thiết giáp sơ tán về sát chân dãy núi Tam Đảo. Những căn nhà cấp 4 lợp ngói, lợp lá cọ áp lưng vào núi, quay mặt xuống chân ruộng trũng nằm thấp thoáng sau những tán cây rậm rạp và những nương sắn, nương ngô của dân. Trên sườn đồi rải rác vài cây cọ già vươn những tấm lá rộng xòe như nan quạt lên nền trời, thỉnh thoảng lại rung lên phành phạch khi có cơn gió mạnh thổi qua. Quanh nhà bộ đội đã tranh thủ vỡ đất trồng được mấy đám rau. Đất mới lại được tưới tắm đầy đủ nên lúc nào cũng xanh mươn mướt. Nhìn thoáng qua cả khu vực trông không khác mấy một xóm của người dân địa phương. Hai ngôi nhà dành cho Tư lệnh và Chính ủy binh chủng cũng không khác gì những ngôi nhà xung quanh. Cũng mái ngói, tường trát “tooc-xi”, chỉ khá hơn là có trần bằng cót.
Đối với quyền Tư lệnh Đào chuyện ăn ở không có gì quá quan trọng, cốt sao bảo đảm sức khỏe để làm việc là được. Đồ đạc cá nhân của ông cũng lèo tèo vài thứ để không hết một ngăn cái tủ đứng hai buồng, chỉ có sách là nhiều. Sách đầy trên hai giá áp lưng vào bức tường hồi, sách la liệt trên bàn làm việc, vài cuốn để đầu giường ngủ... Số sách này phần lớn là do ông sưu tầm, cóp nhặt suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là trong các cuộc đi học nước ngoài và những lần làm việc với chuyên gia bạn. Ngoài ra là sách mua, sách xin bạn bè, đồng đội và sách mượn từ thư viện. Xuất thân từ một hương sư trước cách mạng tháng Tám ông hiểu sâu sắc giá trị của những con chữ, những cuốn sách đối với cuộc đời mỗi con người. Sau này ông lại càng tâm đắc với câu nói của Lê- nin: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa cộng sản”. Vì vậy khi có điều kiện ông hay la cà ở các hiệu sách, thấy quyển nào hay là dốc túi mua luôn. Khi được đi học nước ngoài có bao nhiêu phụ cấp mọi người dành mua đồ dùng cá nhân, riêng  ông chủ yếu để dành mua sách. Còn mấy nhân viên thư viện cơ quan Bộ Tư lệnh thì phục ông “sát đất”, ông không chỉ đọc nhiều mà còn thuộc cả vị trí các đầu sách về nghệ thuật quân sự trên giá. Khi họ còn loay hoay tra cứu trong số mục lục thì ông đã bảo “vào chỗ này, chỗ kia mà lấy”. Với ông sách không chỉ là phương tiện giúp ông làm phong phú thêm vốn tri thức của mình mà còn là một người bạn tri âm lặng lẽ và sâu sắc. Và chẳng biết từ bao giờ sưu tầm sách và đọc sách đã trở thành một thú vui và gần như là thú vui duy nhất của ông. Cũng nhờ thế mà vốn tri thức của ông ngày càng được mở rộng. Vốn Hán tự từ ngày còn đi “gõ đầu trẻ” ở trường làng khi sang Trung Quốc học được bổ sung một cách rất bài bản nên ông có thể đọc sách và nói chuyện thoải mái với các đồng chí Trung Quốc về mọi chủ đề. Từ khi về nước thấy xe tăng chủ yếu là do Liên Xô viện trợ, tài liệu tiếng Nga rất nhiều nên ông đã đề ra cho mình một kế hoạch học tiếng Nga rất khoa học. Sau mấy năm mày mò tự học giờ đây ông đã có thể đọc, hiểu được các tài liệu kỹ, chiến thuật tăng thiết giáp từ nguyên bản tiếng Nga.
Thế mà hôm nay, từ sáng đến giờ ông chẳng đọc được chữ nào mặc dù cuốn “Binh pháp Tôn Tử” bằng chữ Hán vẫn mở ngay trước mặt. Đây là cuốn sách của thày chủ nhiệm khoa chiến thuật Học viện xe tăng số 1 tặng ông vì quý mến người học viên vừa thông minh vừa sắc xảo lại vừa giỏi tiếng Hán, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa Trung Hoa và cũng là người có những câu hỏi thật hóc búa không dễ trả lời thấu đáo. Từ khi có nó mỗi khi rảnh rỗi ông lại đem ra nghiền ngẫm và suy nghĩ đến việc vận dụng vào chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên hôm nay sách mở đấy mà đầu óc ông vẫn để tận đâu đâu. Lúc thì nó phiêu du đến những trận đánh xe tăng nổi tiếng trên chiến trường châu Âu trong Thế chiến Hai, lúc lại đột nhiên nhớ lại bài giảng về sử dụng xe tăng trong tiến công ở Học viện, có lúc lại là những tình huống xảy ra trong lần diễn tập hiệp đồng quân binh chủng cùng sư đoàn Quân tiên phong hồi cuối năm ngoái... Và cái hình ảnh trở đi trở lại nhiều nhất trong tâm trí ông là những tưởng tượng về buổi báo cáo tình hình binh chủng của tham mưu trưởng Dương trước Quân ủy trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh hôm nay.
Tất nhiên đây không phải lần đầu tiên cấp trên gọi binh chủng lên báo cáo tình hình nhưng rõ ràng buổi báo cáo hôm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng: xe tăng, thiết giáp có được sử dụng ở chiến trường miền Nam hay không? sử dụng với quy mô nào? dưới hình thức nào? v.v... sẽ được quyết định sau buổi báo cáo tình hình hôm nay.
Hiểu rõ tầm quan trọng của buổi làm việc này ngay từ khi nhận được thông báo của trên Thường vụ đảng ủy binh chủng đã dành ra gần một tuần làm việc với các cơ quan liên quan, sau đó là hai ngày họp bàn cật lực để thống nhất đến từng chi tiết của bản báo cáo, ngoài ra còn phải dự kiến những câu hỏi và phương án trả lời. Đến cả việc cử người đi báo cáo cũng phải bàn bạc rất kỹ. Ông chính là người đề cử tham mưu trưởng Dương thay mặt Bộ tư lệnh làm việc này. Với những lý lẽ rất chắc chắn của mình ông đã thuyết phục được tập thể thường vụ đảng ủy đồng ý với mình. Không phải vì ông không nắm chắc nội dung để truyền tải những vấn đề cốt lõi đến cấp trên nhưng ông cho rằng tham mưu trưởng Dương đi báo cáo sẽ tốt hơn. Bản thân ông tự nhận mình là người nóng nảy, bộc trực, dễ phản ứng tức thì và có phần gay gắt khi xảy ra bất đồng chính kiến. Còn tham mưu trưởng Dương là người nhũn nhặn, chín chắn và cẩn trọng, có vấn đề gì không lọt tai vẫn nhẹ nhàng tìm cách giải thích có đầu có đuôi nên khả năng thuyết phục cao hơn. Cái khó khăn lớn nhất cần phải vượt qua trong buổi báo cáo này là phải chứng minh cho cấp trên thấy hoàn toàn có thể sử dụng và sử dụng một cách có hiệu quả xe tăng thiết giáp ở miền Nam bằng những luận cứ sắc bén và thuyết phục nhất. Ông nhớ lại những lần làm việc trước mà thấy lo lo: ngay trong Quân ủy trung ương và lãnh đạo Bộ vẫn còn không ít người phản đối việc sử dụng xe tăng ở Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng. Thậm chí có vị cán bộ cao cấp còn nửa đùa nửa thật nói với ông khi đến thăm binh chủng ngày mới từ nước ngoài về: “Xe tăng các cậu về chủ yếu là để duyệt binh thôi!”. Lý lẽ của các “cụ” đưa ra cũng rất thực tế, khó phủ nhận: “Địa hình Việt Nam ba phần tư là đồi núi, chủ yếu là đèo cao dốc đứng; phần còn lại là đồng bằng lúa nước, nền đất yếu, nhiều sông ngòi,... Với trọng lượng lớn của tăng thiết giáp thì làm sao có thể cơ động và phát huy sức mạnh được (?)”. Có vị chỉ huy cấp chiến dịch còn tuyên bố: “Nếu cho tôi lựa chọn giữa một đại đội xe tăng và một đại đội đặc công thì tôi sẽ chọn đại đội đặc công!!!”. Ngay cả các chuyên gia bạn cũng có chung quan điểm như vậy, các đồng chí đó cho rằng với đặc điểm địa lý quân sự phức tạp như ở Việt Nam thì chỉ nên xây dựng lực lượng xe tăng để đề phòng địch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc mà thôi.
Quả thật, từ khi ra đời được đưa vào sử dụng ở Thế chiến Một và phát huy cao độ tác dụng trong Thế chiến Hai xe tăng thiết giáp chủ yếu được sử dụng ở châu Âu với những bình nguyên rộng lớn tương đối bằng phẳng và ít bị chia cắt. Trong điều kiện đó xe tăng thiết giáp đã phát huy được những ưu việt không thể phủ nhận là tính cơ động cao, sức đột kích dũng mãnh, hỏa lực mạnh và khả năng tự bảo vệ bằng vỏ thép dày. Còn ở Việt Nam từ quân đội Pháp trước đây đến quân đội Mỹ hiện nay cũng chỉ mới đưa vào sử dụng một số loại xe tăng thiết giáp hạng nhẹ như M18, M24, M113 và cũng chỉ sử dụng ở một mức độ rất hạn chế. Chính vì vậy ngay khi còn đang ngồi ghế Học viện xe tăng ở nước ngoài ông đã nung nấu một suy nghĩ: tác chiến xe tăng ở chiến trường Việt Nam không thể giống châu Âu, Trung Quốc; không thể có chuyện hàng tập đoàn quân xe tăng dàn hàng ngang đấu nhau như ở Kursc hay hàng sư đoàn xe tăng dàn trận công phá Béc- lin v.v... Ông đã đem ý nghĩ này trao đổi với các đồng đội và tất cả đều trăn trở cùng ông: “Phải tìm ra một cách đánh riêng cho xe tăng thiết giáp Việt Nam”. Điều trăn trở này ngày càng nung nấu khi ông được giao nhiệm vụ làm trung đoàn trưởng trung đoàn xe tăng đầu tiên và sau đó là quyền Tư lệnh binh chủng Thiết giáp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và thế là ngoài công việc hàng ngày của một người chỉ huy ông dành phần lớn thời gian còn lại cho công việc nghiên cứu định hình nên một cách đánh riêng của xe tăng thiết giáp phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Để làm được điều này ông đề ra một phương pháp nghiên cứu rất khoa học và có trình tự: trước hết là phải nghiên cứu kỹ về lịch sử quân sự, trong đó đặc biệt lưu ý các trận đánh bằng xe tăng. Thứ hai là phải nghiên cứu về tình hình địa hình, phân loại địa hình và đánh giá về khả năng sử dụng xe tăng ở từng khu vực. Sau nữa là nghiên cứu về địch, đặc biệt chú ý cách thức bố phòng, hệ thống công sự vật cản và vũ khí chống tăng. Ngoài ba vấn đề chủ yếu trên cũng cần nghiên cứu đến khả năng bảo đảm của ta như bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm cơ động, bảo đảm phòng không v.v... Ông cũng chỉ đạo Phòng Tham mưu hình thành một Tổ nghiên cứu khoa học quân sự do đích thân tham mưu trưởng phụ trách để cùng ông giải bài toán hóc búa này.
Sau nhiều đêm trăn trở bên những trang sách, sau vài lần đi nghiên cứu địa hình ông chỉ đạo phòng tham mưu xây dựng phương án tham gia diễn tập cùng với bộ binh trên những địa bàn khác nhau. Từ kết quả các cuộc diễn tập đó đã định hình nên những vấn đề lý luận cơ bản về sử dụng xe tăng thiết giáp trong điều kiện Việt Nam. Mặc dù chưa được kiểm chứng trong thực tế chiến đấu song cũng đã có những cơ sở khá chắc chắn và tất cả đã được đưa vào nội dung bản báo cáo mà tham mưu trưởng Dương sẽ trình bày trước Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng hôm nay.
Biết rằng có ở nhà cũng chẳng làm được việc gì ra hồn ông bảo công vụ gọi xe và rảo bước về phía ngôi nhà của chính ủy Lê Quang Ngọc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét