42 NGÀY Ở MỘT ĐẠI ĐỘI
Không
biết có phải do số phận ưu ái hay không mà chỉ trong vòng 42 ngày- có một đại
đội đã vinh dự được tham gia chiến đấu
giải phóng cả 3 thành phố lớn của miền Nam là Huế, Đà nẵng, Sài gòn; vết xích
của họ đã lăn qua cả nghìn cây số, và vào những giờ khắc quyết định- chính họ
là những người đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, kéo lá cờ bách chiến bách
thắng của cách mạng lên nóc Dinh báo hiệu giờ toàn thắng của toàn dân tộc. Đó
chính là đại đội 4 xe tăng thuộc Lữ đoàn 203 anh hùng.
Ngày thứ Nhất- 20.3.1975
Đại
đội 4 chúng tôi nhận lệnh rời hậu cứ ở Tây Bắc sân bay A-lưới đi đánh Huế. Với
bản lĩnh của một đơn vị sẵn sàng chiến đấu chỉ sau vài giờ chuẩn bị chúng tôi
đã lên đường với một tâm trạng hết sức vui mừng, phấn khởi. Nói như vậy bởi vì
Thành Huế có một ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi chúng tôi- cách đây đúng 3 năm-
khi cuộc tiến công chiến lược năm 1972 bắt đầu thì đại đội tôi đã được lệnh
hành quân vào Tây Huế để hình thành mũi vu hồi tiến công giải phóng Huế theo
đường 12 (ta gọi là đường 72). Tách ra khỏi đội hình của lữ đoàn 203 chúng tôi
lặng lẽ vượt Trường sơn nhằm hướng Nam thẳng tiến. Sau gần một tháng hành quân-
đêm đi, ngày làm công tác kỹ thuật- dưới là đèo cao, dốc đứng, đường lầy; trên
là máy bay lùng sục, đánh phá, thaỉnh thoảng lại một đợt "toạ độ
B52" chúng tôi đã đến vị trí tập
kết quy định trên đường 12 cách Huế chừng hơn 30 cây số vào cuối tháng 4 năm
1972. Cuộc hành quân cấp tốc đã thành công nhưng chúng tôi cũng đã gánh chịu
những tổn thất đầu tiên: xe 388 cùng với 4 thành viên kíp xe đã hứng trọn một
quả bom B52 giữa sân bay A-lưới.
Tuy
nhiên, do chiến dịch phát triển không thuận lợi, "xê 4" chúng tôi
được lệnh "án binh bất động" để chờ thời cơ. Không ai có thể ngờ sự
chờ đợi đó đã kéo dài suýt soát 3 năm - cho đến tận Mùa Xuân 1975 này. Suốt 3
năm chờ đợi lúc nào cũng đau đáu một niềm mong mỏi về giải phóng Huế nên khi
đựoc lệnh đi chiến đấu- mỗi chúng tôi như được chắp cánh bay.
Theo
con đường 74 mới mở bắt vào đường 14 đến
chiều 22.3 chúng tôi tập kết ở đỉnh Động Truồi. Đến lúc này cả đại đội chỉ còn
5 xe vì 1 xe bị hỏng, 1 xe đi sau bị tắc
đường không đến được vị trí tập kết.
Sẩm
tối 22.3 chúng tôi nhận lệnh đi đánh cứ điểm Núi Bông, Núi Nghệ với một nghiêm
lệnh "Từ đỉnh Động Truồi đi xuống tuyệt đối không được bật đèn" vì từ
dưới dốc nhìn lên thì một que diêm cũng rõ và ngay lập tức sẽ bị pháo binh địch
dập xuống ngay.
Động
Truồi là một con đèo khá dài vì nó là con dốc từ Trường sơn xuống đồng bằng,
đường cũng rất quanh co, hiểm trở; một bên là ta-luy dựng đứng, một bên là vực
sâu thăm thẳm- thế mà chúng tôi lại phải lái mò mới gay chứ. Có thể nói đây là
một thử thách lớn lao không chỉ với riêng tôi. Chắc bạn đọc sẽ không tin khi
tôi nói rằng đêm đó cánh lái xe "xê 4"chúng tôi chủ yếu là nhìn lên
trời để lái chứ không nhìn xuống mặt đường- song đó là sự thật: hai bên đường
là hai bờ lau sậy cao vút nên chúng tôi
cứ nhìn lên khoảng sáng mờ mờ của bầu trời giữa 2 bờ lau để điều khiển xe;
chính vì thế nên có chuyện xe tôi đã đâm uỵch vào đầu một cái Zil 3 cầu đi
ngược chiều đang nép mình bên đường cho chúng tôi qua, may mà tốc độ chậm nên
chỉ bị méo cái ba- dờ- xốc.
Ngày thứ tư- 23.3.1975.
Mò
mẫm đến 5 giờ sáng chúng tôi cũng đã tới được vị trí "điều chỉnh cuối
cùng" cách chân Núi Bông chừng 3 km. Đúng lúc đó bầu trời như bị xé nát
bởi hàng trăm quả đạn pháo, hoả tiễn H12 và cả cao xạ 37 ly hạ nòng bắn vào cứ
điểm. Ngay lập tức chúng tôi được lệnh tăng tốc độ lên chiếm tuyển triển khai.
Do không có thời gian đi trinh sát đường nên chúng tôi phải đi theo những vạch
dấu của đơn vị trinh sát bộ binh để lại. Thành một hàng dọc- xe 386 của đại đội
trưởng Thận dẫn đầu, xe 381 của b trưởng b1 Mai Hồng Trị chạy thứ hai, xe 380
của tôi chạy thứ ba, xe 387 của bê trưởng bê 2 Phạm Xuân Tráng chạy thứ tư và
xe 390 của chính trị viên Vũ Đăng Toàn chạy sau cùng. Trời đã sáng rõ nên chúng
tôi chạy với tốc độ cao nhất có thể và chỉ khoảng 15 phút đã đến "tuyến
triển khai".
Tuyến
triển khai của xe tăng là nơi mà phân đội xe tăng chuyển từ đội hình hàng dọc
thành đội hình hàng ngang để dùng hoả lực tiêu diệt các mục tiêu tiền duyên,
sau đó sẽ xuất kích dẫn dắt bộ binh đánh chiếm mục tiêu bên trong. Hôm đó
"tuyến triển khai" của đại đội tôi là một sườn đồi đối diện với Núi
Bông, cách chân Núi Bông một dải đồi thấp chừng hơn 1 km. Ngay khi thấy 2 xe
trước dàn đội hình, pháo thủ Thọ nhắc
tôi: "Đi chân dầu to vào để mở ổn định". Tôi về số 2 tăng chân dầu.
Ngay sau đó thấy Trưởng xe Luông hỏi Thọ: "Có nhìn thấy mục tiêu
không?". Thọ trả lời: "Nhìn rõ". Luông bảo: "Thế thì bắn
đi. Trực liên tục nạp đạn nổ nhé".
Thực ra chỉ huy hoả lực như thế không thật bài bản cho lắm- nhưng đây là
đánh nhau chứ có phải trên bãi tập đâu. Mấy giây sau tôi thấy "Uỳnh"
một phát, tiếng vỏ đạn rơi loảng xoảng trong xe, chiếc xe của tôi hơi sựng lại
một lát lại chồm lên; cứ vài chục mét lại bắn một phát.
Mọi
diễn biến của trận đánh đang diễn ra rất thuận lợi. Tôi tiếp tục tăng tốc độ để
vượt một cái khe; đột nhiên tôi thấy gốc một bụi le chờm lên mũi xe và nằm
chình ình ngay trước kính lái. Kinh nghiệm cho tôi hay xe đã đi vào một nơi nền
đất yếu làm mũi xe xục xuống đội gốc le trượt lên, nếu tiếp tục đi tới sẽ lầy
là cái chắc. Tôi vội dừng xe cấp tốc rồi vào số "lùi" và từ từ tăng
ga vì biết rằng nếu ga to, xích guồng nhanh cũng có thể bị lầy ngay tại chỗ.
Lùi hơn chục mét tôi nhích đầu xe sang trái tìm đường khác vượt qua thì nghe
Trưởng xe Luông hét vào máy: "Dừng lại! Xuống là chết đấy! Cả 386, 381 bị
lầy rồi". Tôi hé cửa nhìn sang phải thấy xe 381 đã bị ngập gần hết băng
xích, còn xe 386 của đại đội trưởng Thận thì chỉ hở cái tháp pháo. Thật hú vía, nếu cứ dấn ga
mạnh lên thì xe tôi chắc cũng đang vùng vẫy giữa đống bùn như hai xe kia.
Lúc
này xe 390 cũng đã đến, tôi nghe Luông hạ lệnh: "Tại chỗ diệt mục tiêu để
yểm hộ xe 390 cứu kéo!". Tôi chọn chỗ đất trũng dừng xe, Thọ tiếp tục bắn
từng phát chắc nịch. Lúc này tôi mới biết địch cũng đang bắn trả bọn tôi những
không biết vì sao chúng toàn dùng pháo "chơm", loại đạn này với xe
tăng thì chỉ như gãi ghẻ song rất nguy
hiểm với bộ binh và sinh lực lộ. Loay hoay mất một lúc xe 390 mới kéo được 381
lên, sau đó cả 2 xe đấu vào mới kéo được 386 ra khỏi vũng lầy. Sau khi báo cáo
lên cấp trên đại đội tôi được lệnh dừng tại chỗ dùng hoả lực chi viện bộ binh
đánh chiếm cứ điểm. Đây là dịp để các pháo thủ trổ tài vì với khoảng cách như
thế này, xe lại dừng tại chỗ thì có thể nói pháo xe tăng sẽ bắn "bách phát
bách trúng". Làm lính xe tăng đã mấy năm nhưng quả thực đến hôm đó tôi mới
có dịp thấy hết sức mạnh hoả lực của xe tăng. Cứ mỗi phát đạn pháo thì một công
sự chiến đấu của địch trong cứ điểm lại tung lên; cánh lính BB nhiều anh khoái
chí cứ nhảy lên reo hò. Thực ra bộ binh ta đã bắt đầu tiến công Núi Bông từ hôm
20 tháng 3; nhưng do đây là một cứ điểm án ngữ phía Tây Nam Huế nên địch đã tổ
chức phòng ngự rất chắc chắn và hiểm hóc nên trầy trật mấy ngày ta vẫn chưa
chiếm được; nay thấy có xe tăng đến tham gia tiến công, lại bắn phát nào trúng
phát ấy họ sướng là phải. Đến lúc này chúng tôi cũng mới biết xe 387 của
"bê trưởng bê 2" đã dính mìn bị hư hỏng nặng. Thế là "bê 2"
coi như xoá sổ, cả đại đội còn có 4 xe!
Đến
gần trưa thì quân dịch trong cứ điểm không thể chịu đựng nổi và bắt đầu rút
chạy. Chúng tôi muốn truy kích nhưng trên không cho và thông báo cho biết đoạn
đường 14 dưới chân Núi Bông rất nhiều mìn.
Chiều
hôm đó và cả ngày 24 chúng tôi phải nằm chờ công binh dò gỡ mìn. Tranh thủ thời
gian chúng tôi bổ sung đạn dược, bảo dưõng xe máy và ra "xem" gỡ mìn!
Thật chưa bao giờ tôi thấy nhiều mìn chống tăng đến vậy, không chỉ có mìn địch
mà có cả mìn ta chất thành đống nhìn cứ rùng cả mình. Anh em công binh cho
biết- sở dĩ có tình trạng như vậy vì trong chiến dịch K18 năm 1974 ta đã chiếm
được vùng này; để chống địch nống ra ta đã gài thêm hàng loạt mìn chống tăng.
Tuy nhiên, sau đó bị địch chiếm lại và chúng lại bố trí thêm một lượt mìn nữa.
Thảo nào mà xe 387 của chúng tôi dính đến 2 quả mìn, khi lái xe Thanh đang loay
hoay tiến, lùi khắc phục thì dính tiếp quả thứ ba đành phải huỷ xe vì không thể
khắc phục nổi. Nhưng cũng lạ một điều: cùng trên con đường độc đạo đó, 3 xe
chúng tôi chạy trước thì không sao, còn 387 chạy thứ tư lại bị?.
Ngày thứ sáu- 25.3.1975
Cuộc
dò gỡ mìn kéo dài đến quá nửa đêm 24.3. Ngay sau khi thông đường chúng tôi được
lệnh chở theo bộ binh đi đánh La sơn. Tiểu khu La sơn nằm trên quốc lộ 1 và chỉ
cách Huế hơn 20 km. Thực ra lúc đó chúng tôi không nắm được lực lượng địch ở đó
như thế nào nên tiến rất thận trọng. Trời tang tảng sáng đại đội tôi đã đến sát
La- sơn; một không khí vắng lặng hiện ra trước kính quan sát của chúng tôi:
dường như không có một bóng người ở đó, những cái lô- cốt cũng im phăng phắc.
Đoán là địch đã bỏ chạy chúng tôi ào lên chiếm La sơn rồi thẳng tiến theo quốc
lộ 1 đánh chiếm Phú bài. Huế đã gần lắm rồi.
Nhưng
những con chiến mã đang say máu của chúng tôi bỗng bị khựng lại- cầu Phú bài đã
bị địch phá khi rút chạy trước đó chưa lâu- một vài thanh gỗ mặt cầu còn đang
nghi ngút khói. Con sông này không lớn nhưng rất sâu buộc chúng tôi phải tìm
đường vòng tránh mãi đến trưa mới quay trở lại được đường 1.
Tăng
tốc độ chúng tôi bù lại thời gian đã mất. Dọc đường đã thấy ngổn ngang súng
ống, quần áo rằn ri, có cả một cái xe tăng M48 đang nổ máy ình ình ngay cổng
sân bay Phú bài. Thêm ít phút những căn nhà lúp xúp ngoại ô phía Nam thành Huế
đã hiện ra trong kính ngắm; vẫn một không khí vắng lặng, bí ẩn bao trùm. Chúng
tôi tiếp tục vượt cầu Phú Xuân vào chiếm thành Mang Cá. Đến đây chúng tôi mới
biết cờ Giải phóng đã được treo trên Cột cờ bên Thành Nội từ trưa. Thật tiếc,
nếu cầu Phú bài không bị địch phá chúng tôi đã giải phóng Huế sớm được mấy
tiếng đồng hồ. Ôi Cố đô! Thành phố mà chúng tôi đã nghe tên từ thời còn cắp
sách tới trường; thành phố mà suốt gần 3 năm qua chúng tôi từng ngày, từng giờ
mong ngày hội ngộ! Giờ đây tôi và đồng đội tôi đã thoả niềm mong; một cảm giác
lâng lâng vui sướng, tự hào lan toả trong tôi.
Nằm
ở thành Mang Cá chừng non một tiếng chúng tôi được lệnh đi diễu quanh một số
đường phố. Tôi đoán chắc cấp trên muốn biểu dương sức mạnh của Quân giải phóng
nhằm làm yên lòng đồng bào và trấn áp những tên địch còn sót lại. Lần đầu tiên
được thấy xe tăng Quân giải phóng đồng bào phấn khởi lắm- nhất là giới thanh
niên, học sinh- xe đang chạy mà họ cứ sán vào vẫy cờ, vẫy tay; lúc xe dừng
trước cửa Chợ Đông ba có một thanh niên dúi vào tay tôi một tập sách, liếc nhìn
qua thấy toàn là chuyện "chưởng" tôi lắc đầu không nhận. Đến 4 giờ
chiều chúng tôi nhận lệnh truy kích địch ra cửa Thuận an.
Lực
lượng tham gia truy kích địch ra cửa Thuận an gồm "xê 4" xe tăng của
chúng tôi và một "xê" bộ binh. Nói là vậy nhưng thực ra chỉ có khoảng
20 tay súng lên ngồi sau xe tăng của chúng tôi. Qua cầu Tràng tiền chúng tôi
hướng về phía Thuận an tăng tốc độ. Những làng quê ven đô đã lác đác có cờ giải
phóng nên chúng tôi khá yên tâm. Nhưng càng đi thì đường càng vắng vẻ; chỉ thấy
ven đường rải rác quần áo, súng ống của quân nguỵ trút lại. Gần đến Thuận an-
một quang cảnh hỗn độn hiện ra trước mắt chúng tôi- cả một bãi đất rộng như một
cái sân bóng đá chất đầy các loại phương tiện chiến tranh: từ xe tăng, xe bọc
thép, xe kéo pháo, cho đến xe tải, xe JEP, xe du lịch, xe Hon- đa..., có cái
vẫn còn đang nổ máy ình ình nhưng tuyệt nhiên không có một bóng người.
Do
không có phương tiện vượt sông chúng tôi dừng lại ngay đầu bến phà Thuận an và
triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu. Thực ra, với 4 chiếc xe tăng và 20 tay
súng bộ binh- lực lượng chúng tôi quá là mỏng yếu nếu so với lực lượng địch
đang tập trung cao độ ở quanh đó nên chúng tôi hết sức cảnh giác. Sau khi ổn
định đội hình xe 386 hướng pháo ra phía biển bắn 1 phát pháo và 1 tràng đại liên
12 ly 7. Trong chạng vạng hoàng hôn đang tĩnh lặng đến nghẹt thở, tiếng nổ của
pháo 100 như trầm vang hơn; còn tràng đạn 12 ly 7 nghe cũng chát chúa hơn. Nhưng tất cả vẫn yên lặng như tờ!.
Biết
rằng lính địch vẫn đang ẩn nấp đâu đây, đại đội trưởng Thận cuộn một miếng bìa
làm loa gọi họ ra hàng. Sau ba bốn lần gọi lác đác những bóng người từ phí bờ
sông đi lên, hai tay giơ cao lên đầu. Một người, hai người... rồi hàng đoàn lũ
lượt từ nơi trú ẩn kéo ra, hầu hết đều cởi trần, chân đất; có người còn kéo theo
cả bầu doàn thê tử, nhếch nhác và rệu rã đến tột cùng. Lúc đầu chúng tôi còn
đếm, còn bắt tập trung thành từng nhóm rồi cho xe chở về Huế; sau đông quá nên
chỉ biết phát cho mỗi người một dải băng trắng, bảo họ buộc lên cánh tay trái
rồi cứ về quê đợi hôm sau ra trình diện với cách mạng. Chúng tôi không nhớ được
hôm ấy đã tiếp nhận bao nhiêu người lính nguỵ ra hàng mà chỉ biết là nhiều,
nhiều lắm. Đến khoảng 9 giờ đêm lính chỉ còn lác đác, còn đại bộ phận là dân
Huế bắt đầu cuộc "di tản ngược" về thành phố. Cuộc "di tản
ngược" của dân Huế kéo dài suốt mấy ngày hôm sau. Chúng tôi được biết có
đến 2 phần 3 dân Huế đã rời thành phố "dạt" về đây. Qua trò chuyện
với họ chúng tôi được biết họ chạy khỏi thành phố không phải vì "sợ"
Việt cộng mà do họ sợ sẽ bị Mỹ đánh phá như hồi Mậu Thân 68 mà thôi. Đã nghe
nhiều về người Huế nên những ngày này
cũng là dịp để cánh lính trẻ
chúng tôi để ý xem giữa tiếng đồn và sự thật có giống nhau không?. Quả
thật, đằng sau những bộ quần áo tồi tàn,
đằng sau cái vẻ lam lũ của những ngày ăn ở tạm bợ và nỗi vất vả lo toan- cái
"chất Huế" dịu dàng, sâu lắng vẫn hiện ra trong từng câu nói, từng
dáng vẻ.
Mấy
ngày ở đó chúng tôi tranh thủ kiểm kê số phương tiện chiến tranh địch bỏ lại
trên đầu bến phà. Thật không thể tưởng tượng nổi- chỉ riêng xe tăng, xe bọc
thép đã 54 cái; ngoài ra còn hàng chục xe kéo pháo, xe tải, xe con các loại.
Lực lượng này mà quyết tâm chống trả thì 4 cái xe T59 và 20 tay súng bộ binh
kia có "bõ bèn" gì.
Với
máu mê con nhà kỹ thuật, những ngày ở Thuận an chúng tôi rất chịu khó tìm hiểu
về xe tăng Mỹ. Quả thật xe của chúng có rất nhiều ưu điểm so với xe tăng ta-
nhất là về hệ thống điều khiển. Cái xe M48 nặng đến gần 50 tấn nhưng được điều
khiển bằng vô- lăng nhẹ nhàng như lái ô- tô; chả bù cho cần lái của chúng tôi
lúc nào cũng 40, 50 cân kéo rã cả cánh tay. Tuy nhiên sức mạnh hoả lực của nó
lại kém- to xác như vậy nhưng chỉ lắp pháo 90 ly, thua hẳn anh pháo 100 ly của
bọn tôi về mọi mặt. Mấy ngày đó không
chỉ cánh lái xe mà cả chỉ huy, trưởng xe, pháo thủ, pháo hai đều thi nhau luyện
tay lái trên các loại xe của địch.
Ngày thứ mười- 29.3.1975.
Một
giờ sáng chúng tôi được lệnh đi đánh Đà nẵng. Đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu
nên chỉ ít phút sau chúng tôi đã lên đường. Thừa Thiên Huế đã giải phóng hoàn
toàn nên chúng tôi rất yên tâm không phải vừa đi vừa nghe ngóng; đường sá lại
tốt nên chúng tôi cơ động với tốc độ rất cao. Phải công nhận đường nhựa do Mỹ
làm cực tốt, xe chạy hết tốc độ mà không hề hấn gì, chỉ để lại trên mặt đường hai vệt trắng do
một tý bột đá bị xích xe cào lên.
Tuy
nhiên không phải cứ đường tốt là không có vấn đề gì! Ngay sau khi đổ hết đèo
Phước Tường tôi không nhìn thấy xe 386 đi đầu đâu nữa. Nghĩ thầm trong bụng
"Sao hôm nay tay Hoả (Lữ VănHoả- lái xe 386) chạy ghê thế; mới thoáng cái
đã mất hút!" và tăng tốc độ đuổi theo. Nhưng vừa hết đèo hơn trăm mét đã
thấy đại đội trưởng Thận đứng bên đường, quần áo ướt lướt thướt vẫy tay ra hiệu
cho bọn tôi dừng lại. Lúc đó bọn tôi mới nhìn thấy cái xe 386 đang chúc đầu
xuống cống chỉ còn hở tý đuôi xe. Ngay lập tức công tác cứu kéo được triển khai
và chỉ mười lăm phút sau xe 386 đã được kéo lên. Té ra do chạy tốc độ cao, không
làm chủ được tay lái xe bị "phản chuyển hướng" và lao xuống cống.
Thật hú vía- nếu dưới cống không có nước thì không biết kết cục thế nào. Thế là
cánh lái xe chúng tôi lại có thêm một bài học.
Tiếp
tục lên đường- khoảng 9 giờ sáng chúng tôi đã đến Lăng Cô. Mặc dù phải tập
trung sức lực và trí tuệ vào điều khiển xe tôi vẫn cảm nhận được vẻ đẹp đến nao
lòng của một vùng quê mới lạ. Bên là núi biếc, bên là biển xanh, phía trước là
Hải Vân cao vời vợi. Tôi tự nhủ: "Hoà bình rồi nhất định mình sẽ phải quay
lại nơi đây ".
Nhưng
niềm phấn khích của chúng tôi bỗng bị "dội một gáo nước lạnh": cầu
Lăng Cô đã bị phá. Tôi nhớ lại hôm đánh Huế mà lòng ngao ngán- cũng chỉ vì cây
cầu An Nông bị phá mà chúng tôi đã mất 3-4 tiếng đồng hồ vòng tránh. Đại trưởng
Thận ra lệnh :"Trong lúc chờ công binh khắc phục, toàn đại đội tranh thủ
nấu ăn trưa và kiểm tra kỹ thuật!".
Đúng
lúc đó- đại đội 3- người anh em cùng tiểu đoàn 4 từ phía sau vượt lên. Vì đó là
đại đội xe tăng bơi nên họ nhanh chóng vượt sông làm chúng tôi càng sốt ruột.
Ăn
trưa xong, xe pháo cũng đã kiểm tra ngon lành nhưng công binh vẫn chưa làm xong
ngầm, những sọt đất đá đổ xuống sông cứ chìm nghỉm đi chẳng để lại đấu tích gì.
Bỗng ai đó kêu lên: "Hay là cho xe đi qua cầu đường sắt". Nhìn về
phía thượng nguồn quả nhiên có một cây cầu đường sắt nằm cách đó vài chục mét
còn nguyên vẹn. Đại đội trưởng Thận dẫn chúng tôi lên xem; sau khi nghiền ngẫm
một lúc anh quả quyết: "Cứ liều một cái xem sao chứ chờ công binh làm ngầm
thì không biết đến bao giờ!".
Quả
thật đây là một quyết định khá liều lĩnh và có lẽ trong lịch sử sử dụng xe tăng
chưa hề có tiền lệ. Nhưng cũng chính quyết định này đã cho phép chúng tôi vượt
được sang bờ Nam để tiếp tục hành trình.
Quá
trưa chúng tôi đến chân đèo Hải Vân. Đã nghe nói khá nhiều về con đèo này nhưng
cánh lái xe "xê 4" chúng tôi không hề "ngán" bởi những tay
lái đã vượt Trường sơn thì sự hiểm trở của Hải Vân không nghĩa lý gì. Chỉ mỗi
tội đèo dài quá nên những chiếc xe tăng hạng nặng của bọn tôi vượt qua khá vất
vả. Do động cơ luôn làm việc quá tải nên hầu như lúc nào nhiệt độ dầu nhờn,
nhiệt độ nước làm mát cũng trên 100 độ C; thỉnh thoảng lại phải dừng lại để xử
lý. Lên gần đến đỉnh đèo thỉnh thoảng lại thấy một đám mây tràn xuống mặt đường
làm tầm nhìn chỉ còn vài mét; ở những khúc cua biển hiện ra dưới sâu hun hút
xanh ngắt một màu- thật không hổ danh
"Đệ nhất hùng quan". Cho đến khoảng nửa chiều chúng tôi lên tới đỉnh đèo.
Trên
đỉnh đèo mấy cái lô cốt còn đang nghi ngút cháy, chúng tôi biết đó chính là
chiến tích của đại đội 3 nên lập tức đổ đèo. Biết rằng đã có lực lượng ta ở
phía trước nên chúng tôi hành quân với tốc độ cao nhất. Khoảng 5 giờ chiều
chúng tôi đã có mặt ở ngoại ô Đà nẵng; lúc này chúng tôi được tin quân ta đã
đánh chiếm được một số mục tiêu ở Đà nẵng, song đây là một thành phố rất lớn
lại tập trung một lực lượng quân sự đông đảo của quân lực Sài gòn nên tình hình
còn rất lộn xộn và chưa ổn định; cấp trên giao cho đại đội tôi chiếm Thương
cảng Bạch đằng và bảo vệ khu trung tâm thành phố.
Được
bộ đội địa phương dẫn đường chúng tôi nhanh chóng đi sâu vào thành phố và sau
gần một giờ đã đến đúng vị trí quy định. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là so với
Huế- Đà nẵng lớn hơn rất nhiều và cũng lạ lẫm hơn nhiều; những ánh mắt nhìn
chúng tôi có cái gì đó như dò hỏi, như nửa tin nửa ngờ. Nhưng bao trùm lên tất
cả là niềm vui, niềm tự hào khi được đặt chân lên một địa danh lịch sử, một căn
cứ quân sự khổng lồ mà Mỹ- nguỵ đã đổ bao tiền của để dựng lên. Cơm nước xong,
được ưu tiên không phải gác- tôi hạ ghế, quay cánh cửa lái xe vào che sương rồi
thiếp đi trong làn gió Sông Hàn mát rượi.
Ngày thứ mười một- 30.3
Vừa
sáng ra chúng tôi được lệnh đi diễu qua một số đường phố ở trung tâm thành phố
để quay phim chụp ảnh. Nói là vậy nhưng chúng tôi hiểu đó là một cuộc biểu
dương lực lượng; một mặt làm yên lòng đồng bào, một mặt trấn áp những lực lượng
của địch còn lại trong thành phố. Sau khi diễu binh xong chúng tôi về nằm rải
rác xung quanh khu vực Bảo tàng Cổ vật Chàm vẫn với nhiệm vụ sẵn sàng xử trí
mọi tình huống để bảo vệ khu trung tâm thành phố.
Đà
nẵng- như chúng tôi được biết- là thành phố lớn nhất miền Trung, đặc biệt từ năm 1858- khi thực dân Pháp nổ súng đánh
chiếm thành phố đến nay thì Đà nẵng chỉ có chưa đầy một tháng nằm dưới chính
quyền cách mạng hồi Tổng khởi nghĩa năm 1945. Dưới thời Mỹ nguỵ- Đà nẵng cũng
là nơi đế quốc Mỹ đưa những phân đội chiến đấu đầu tiên tới. Vì vị trí chiến
lược quan trọng thành phố dược xây dựng thành một liên hợp quân sự khổng lồ có
cả sân bay, quân cảng và một lực lượng lớn các quân binh chủng khác. Sống dưới
ách thống trị ngoại bang hàng trăm năm đại đa số người dân Đà nẵng còn hết sức
xa lạ với cách mạng, điều đó lý giải cho chúng tôi về những ánh mắt thăm dò,
nghi ngại khi chúng tôi mới vào thành phố.
Theo
tôi được biết thì "xê 4" chúng tôi là đơn vị xe tăng duy nhất nằm ở
giữa thành phố. Không giống như các đơn vị bộ binh có thể giấu quân dễ dàng-
những chiếc xe tăng của "xê 4" chúng tôi nằm chình ình giữa phố nên
là tâm điểm để nhân dân kéo đến. Họ đến để xem, để hỏi, để tìm hiểu và chắc cũng
để suy ngẫm về những gì đã đến và sẽ đến với họ. Trừ những anh em phải đứng gác
trên xe còn mỗi chúng tôi trở thành một "tuyên truyền viên bất đắc
dĩ". Họ hỏi chúng tôi đủ thứ: nào là cuộc sống ở miền Bắc thế nào?; hợp
tác xã là cái gì?; cộng sản là làm sao?;... Họ xúm lại xem chúng tôi nấu cơm và
ăn cơm; xem rồi bà con xì xào với nhau: "Giải phóng cũng ăn cơm như
mình"!!.. Quả thật đến giờ tôi mới thấy hết sức mạnh tuyên truyền của kẻ
địch. Trước đây nghe nói địch tuyên truyền :"7 Việt cộng đu không gãy cọng
đu đủ" tôi cho rằng ta nói quá lên nhưng khi một bà má vịn vào vai tôi lay
lay mấy cái rồi nói: "Tổ cha chúng nó! Người như ri mà hắn bảo 7 người đu
không gãy cọng đu đủ" thì tôi tin đó là sự thật. Cũng tại đây tôi đã phải
vi phạm quy định khi cho mấy thanh niên lên xe để họ xem chúng tôi có bị xích ở
ghế ngồi không ?.
Mặc
dù không được chuẩn bị thật kỹ từ trước cho tình huống này song thật may- với
những kiến thức đã tích luỹ được, với những kinh nghiệm tiếp xúc với nhân dân
thành Huế mấy ngày trước chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người
lính cách mạng. Và tôi tin rằng những gì chúng tôi làm, chúng tôi nói trong 3
ngày sống giữa nội thành Đà nẵng những ngày đầu Giải phóng đã góp một phần
không nhỏ làm cho tình hình ở đây trở nên ổn định và bà con đã nhìn chúng tôi
với con mắt tin tưởng, thân thiện hơn nhiều; trong đó có cả những ánh mắt nồng
nàn của một vài thiếu nữ giành cho những chàng "lính Bắc" trắng trẻo,
đẹp trai và ăn nói rất có duyên. Có điều, do phải nói nhiều quá nên hầu hết anh
em trong đại đội đều bị khản cổ!
Ba
ngày sau, khi tình hình đã ổn định chúng tôi sang bán đảo Sơn trà và sau đó tập
kết về căn cứ sư đoàn 3 của nguỵ tại Khánh sơn để chuẩn bị cho cuộc hành quân
Nam tiến sắp tới. Tại đây, "xê 4" chúng tôi phải chia tay người anh
em "xê 3" đã từng gắn bó với nhau mấy năm ở A sầu, A lưới để về đội
hình Tiểu đoàn 1- Tiểu đoàn xe tăng chủ lực của Lữ đoàn 203. Chúng tôi gấp rút
làm công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân chiến đấu gần nghìn cây số phía trước.
Ngày thứ hai mươi sáu- 14.4.
Nằm
trong đội hình chính của lữ đoàn xe tăng 203 từ Khánh sơn- chúng tôi bắt đầu
hành trình Nam tiến. Thực ra 2 tiểu đoàn 4 và 5 của lữ đoàn đã lên đường từ mấy
ngày trước. Đó là những đơn vị xe tăng và xe bọc thép bơi nước được phái đi
trước vì không phải chờ khắc phục cầu đường; họ có nhiệm vụ tiến công mở đường
cho cả Binh đoàn Hương giang hành tiến theo đường 1; còn các đơn vị xe tăng chủ
lực của chúng tôi đến hôm nay mới lên đường. Mấy ngày trước chúng tôi đã được
thông báo về bức điện của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị và tất cả
chúng tôi đều kẻ hai chữ "Thần
tốc" lên tháp pháo xe tăng.
Những
tưởng những ngày vừa rồi cầu đường đã được khắc phục xong nên chúng tôi lên
đường trong lòng vui như Tết. Nhưng không phải vậy! Vừa mới đi được mấy chục
cây số chúng tôi đã phải dừng chân trước cầu Câu Lâu. Cây cầu Câu Lâu bắc qua
sông Thu Bồn bị địch phá mất 3 nhịp; tuy đã được nối bằng "cầu Mỹ" -
loại cầu dã chiến gồm những khung thép
hình chữ nhật được ghép nối với nhau bởi những chốt thép- song không đủ trọng
tải cho xe tăng đi qua. Một phương án vòng tránh được đưa ra là đi qua một cây
cầu ở phía thượng lưu chừng 10 cây số cũng phá sản vì khi chiếc xe tăng đầu
tiên bò ra đến giữa cầu thì cầu sập. Cuối cùng chúng tôi đành kiên nhẫn đợi qua
phà dã chiến với tốc độ 2 tiếng đồng hồ một xe. Bực thì bực vậy song con sông
Thu Bồn đẹp như tranh vẫn làm tôi ngơ ngẩn.
Qua
được cầu Câu Lâu lại đến cầu Mộ Đức- cũng lại một cây cầu bị địch phá và nối
tạm bằng cầu Mỹ. Chúng tôi lại nằm dài chờ đợi công binh làm ngầm. Sau gần một
ngày chờ đợi chiếc xe đầu tiên qua đến giữa ngầm thì chết máy, nước tràn vào
động cơ. Đã khó khăn lại càng thêm khó khăn vì không thể kéo được xe lên để
tiếp tục thi công. Đúng lúc đó lữ đoàn phó về kỹ thuật Dương Xuân Tụ quyết định:
"Cho thằng 389 qua thử xem sao!". Đây cũng là một quyết định táo bạo
và liều lĩnh vì theo thiết kế cầu Mỹ chỉ chịu được trọng tải 8 tấn, nếu nhân
với hệ số an toàn là 3 thì nó cũng chỉ chịu được tối đa là 24 tấn; trong khi đó
xe tăng của bọn tôi nặng những gần 40 tấn thì quyết định cho đi thử qua là cực
kỳ liều lĩnh. Còn tại sao lại chọn 389 đi qua đầu tiên là bởi nòng pháo của xe
này đã bị một mảnh bom B52 chém vào sâu
gần đốt ngón tay, trong điều kiện chiến trường chưa thay được nhưng cứ cho đi
cùng với mục đích hỏng đâu sẽ "thịt" đấy lấy khí tài cho xe khác. Thế
là toàn bộ thành viên 389 xuống xe, chỉ còn mình lái xe Trần Hữu Nghị điều
khiển xe qua cầu.
Tất
cả lái xe của đại đội tôi đứng tập trung ở đầu cầu theo dõi; thực ra nếu cầu
sập thì cũng chỉ một mình 389 nằm lại nhưng nguy cơ lớn hơn là toàn bộ mạch máu
giao thông trên đường 1 qua đây sẽ bị ngừng trệ. Quả thật đây là những giây
phút cực kỳ căng thẳng đối với chúng tôi nên tất cả nín thở nhìn vào từng mắt
xích xe 389. Và kia rồi- 389 đang lăn những mắt xích đầu tiên vào phần cầu Mỹ;
cả nhịp cầu oằn xuống, lắc lư như đưa võng nhưng không sao cả. Vâng! Không sao
cả. Chúng tôi ôm lấy nhau nhảy tưng tưng lên mừng rơi nước mắt. Tuy vậy lữ phó
Tụ vẫn tập trung cánh lái xe chúng tôi lại và nhắc nhở: " Xe tăng của ta
có thể vượt qua được các nhịp cầu tạm lắp bằng cầu Mỹ; song cần phải đi thật
nhẹ nhàng, ổn định chân dầu và toàn bộ kíp xe phải xuống xe!". Từ đó trở
đi, cứ gặp "cầu Mỹ" là bọn tôi xem xét qua loa rồi vượt. Phải công nhận
bọn Mỹ tính toán kết cấu thật "siêu", trọng tải vượt gấp rưỡi giới
hạn an toàn mà vẫn gánh ngon.
Với
kinh nghiệm này, cuộc hành quân của chúng tôi từ đó trở đi suôn sẻ, thuận lợi
hơn; không còn cảnh ăn đợi nằm chờ mấy ngày chỉ vì một con sông nho nhỏ như
trước. Vì vậy ngày cao điểm chúng tôi chạy được 230 cây số- có thể coi đó là kỷ
lục trong hành quân xích của xe tăng trên thế giới. Mỗi một giờ, một phút trôi
qua chúng tôi lại được gặp những miền đất mới- đó có thể là những địa danh đã
quen thuộc với chúng tôi từ ngày còn cắp sách tới trường như Bồng sơn, Nha
trang, Phan thiết...; và cũng có nhiều địa danh lần đầu chúng tôi biết đến như:
Ba Ngòi, Mũi Né, Cam Ranh... Tôi đã tận thấy những rừng dừa Tam quan bát ngát;
tận thấy những Tháp Chàm trầm mặc, cô liêu...
Tuy quen mà lạ, tuy lạ mà quen; ở đâu chúng tôi cũng gặp những ánh mắt
tin yêu, những tấm lòng thơm thảo và tôi chợt thấy thấm thía hơn câu hát
"Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc".
Ngày thứ 36- 24.4
Sau
hơn chục ngày hành quân chúng tôi đã có mặt ở Rừng Lá- phía bắc Xuân Lộc vài
chục cây số. Từ đây chúng tôi rời đường 1 để di chuyển xuống phía Đông. Nếu bây
giờ có có ai hỏi hồi ấy đi theo con
đường nào thì tôi cũng chịu: chỉ biết rằng từ Rừng Lá trở đi chúng tôi toàn
hành quân theo những con đường đất đỏ giữa những cánh rừng cao su tưởng như
không bao giờ hết. Những cánh rừng cao su bất tận lại như đại ngàn Trường sơn
che chở chúng tôi năm nào. Tôi tin rằng kẻ địch sẽ không thể ngờ có cả một binh
đoàn đã bí mật cơ động và rồi sẽ thọc một mũi dao vào sườn chúng từ hướng Đông.
Có điều buồn là xe 386 của đại đội trưởng Thận đã phải nằm lại vì hỏng không
khắc phục được; nhưng cũng may lữ đoàn đã bổ sung cho anh một chiếc T54B- xe
843 để thay thế.
Ngày thứ 38- 26.4
Xuyên
rừng cao su đi trong gần 2 ngày chúng tôi đã tới đồn điền Ông Quế- vị trí tập
kết chiến dịch chỉ cách Sài gòn khoảng 50 cây số. Tại đây chúng tôi biết chiến
dịch cuối cùng tiến công giải phóng Sài gòn đã được mang tên Chiến dịch Hồ Chí
Minh và nhiệm vụ của "xê 4" chúng tôi là nằm trong lực lượng thọc sâu
của binh đoàn đánh vào Dinh Độc Lập. Chỉ với những tấm bản đồ du lịch chúng tôi
cũng đã xác định được đường đi đến mục tiêu và thuộc lòng câu: "Qua cầu
Sài gòn đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái". Đây đã là đất Đồng nai, từ đây
đến Sài gòn chỉ chưa đầy 50 cây số; chúng tôi biết rằng những ngày sắp tới sẽ
vô cùng ác liệt vì kẻ địch sẽ không dễ dàng buông súng nên xe nào cũng nhận
thêm hàng chục viên đạn pháo ngoài cơ số.
Ngay
chiều hôm đó- những trận đánh mở màn cho chiến dịch Hồ chí Minh bắt đầu. Tiểu
đoàn 2 được giao nhiệm vụ phối thuộc với bộ binh đánh chiếm Trường Thiết giáp
Long thành, thị xã Bà rịa và thành phố Vũng Tàu; còn chúng tôi vẫn án binh bất
động.
Ngày thứ 39- 27.4
Những
trận đánh mở màn chiến dịch lúc đầu khá thuận lợi: trên hướng chủ yếu Trường
Thiết giáp Long thành nhanh chóng bị đánh chiếm. Tuy nhiên khi phát triển ra
hướng đường 51 thì quân ta bị chặn lại một cách quyết liệt. Tàn quân địch từ Bà
rịa, Vũng Tàu kéo về kết hợp với lực lượng địch ở Trường biệt kích Yên thế,
Trường Thiết giáp Long thành... thiết lập một tuyến phòng ngự khá cứng tại khu
vực Nước Trong và gây nhiều tổn thất cho ta. Riêng về xe tăng- "xê 5"
đã bị cháy một số xe và đến lúc đó chỉ còn 3 xe có thể tham gia chiến đấu. Để
tăng cường lực lượng cho "xê 5"chọc thủng Nước Trong lữ đoàn yêu cầu
"xê 4" điều 1 xe lên bổ sung.
Ban
chỉ huy đại đội bàn nhau: cả đại đội vào đến đây còn có 6 xe thì 4 là xe cán bộ- 843 xe đại đội trưởng, 390 xe
chính trị viên, 381 xe "bê trưởng bê 1", 382 xe "bê trưởng bê
2", xe 389 pháo không bảo đảm nên chỉ còn mỗi 380 của Trưởng xe Luông đi
là phù hợp hơn cả; được cái 4 thành viên của 380 cũng khá già dặn và có kinh
nghiệm chiến đấu.
Chiều
hôm đó xe 380 rời khỏi đội hình đại đội để lên vị trí tập kết chiến đấu của
"xê 5" ở rừng cao su An Viễn.
Ngày thứ 40- 28.4
Toàn
đại đội vẫn án binh bất động hướng về phía Nước Trong chờ tin tức. Tuy nhiên
chẳng thấy tin gì mà chỉ thấy những tiếng ì ầm của đạn pháo các loại. Đến chiều
tối thì biết tin Nước Trong vẫn chưa bị chọc thủng; xe 380 đã bị thương, pháo
hai hy sinh, trưởng xe bị thương nặng, hiện chỉ còn hai thành viên.
Ngày thứ 41- 29.4
Có
lẽ không thể chờ đợi các đơn vị của tiểu đoàn 2 hoàn thành nhiệm vụ "bóc
vỏ" như kế hoạch- Ban chỉ huy lữ đoàn đã quyết định tung thêm lực lượng
vào để chọc thủng căn cứ Nước Trong- nhiệm vụ đó được giao cho "xê 4"
chúng tôi. Ngay sáng hôm đó toàn đại đội cơ động lên vị trí tập kết chiến đấu
tại khu vực An Viễn; tại đây lữ đoàn sáp nhập 3 xe còn lại của "xê 5"
vào đội hình chiến đấu của "xê 4"; xe 380 mặc dù chỉ còn 2 thành viên
vẫn đòi đi đánh tiếp nhưng không được chấp thuận- như vậy- lực lượng tiến công
Nước Trong có tổng cộng 8 xe.
Sáng
sớm hôm đó chúng tôi bắt đầu nổ súng tiến công. Đã có kinh nghiệm những trận
đánh trước các xe dùng đạn nổ bắn vào bìa rừng cao su để phát quang làm lộ ra
những chiếc xe tăng đang ẩn nấp ở bìa rừng để tiêu diệt. Sau khi 2 chiếc M48 và
1 chiếc M41 bị bắn cháy bọn địch bắt đầu rút chạy- tuyến phòng thủ Nước Trong
đã bị phá vỡ.
Thừa
thắng xông lên, "xê 4" đẫn đầu đội hình cả lữ đoàn tiến theo quốc lộ 51
về hướng Sài gòn. Tuy nhiên, toàn bộ đội hình phải dừng lại vì khi vừa rút qua
địch đã đánh sập cầu Sông Buông.
Ngày thứ 42- 30.4
Công
binh khắc phục xong cầu Sông Buông thì đã quá nửa đêm, toàn lữ đoàn tiếp tục
hành tiến. Đội hình chiến đấu của lữ đoàn đã được chấn chỉnh lại: dẫn đầu đội
hình là tiểu đoàn xe tăng chủ lực gồm 3 đại đội 1, 3 và 4; tiếp theo là lực
lượng dự bị gồm tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 và các lực lượng bảo đảm; chúng tôi
được lệnh bỏ qua những mục tiêu không quan trọng mà thọc sâu vào nội đô với
thời gian nhanh nhất.
Mờ
sáng 30.4 các đơn vị đi đầu đã đến Ngã ba Vũng Tàu- nơi đường 51 gặp Xa lộ Biên
hoà. Không thấy địch chống cự gì nhưng trên cầu Đồng nai có 3 chiếc M113 dàn
hàng ngang gần hết mặt cầu. Mấy xe đi đầu lập tức nổ súng, cả 3 chiếc bốc cháy
dữ dội. Chúng tôi lách qua phần đưòng còn lại tiếp tục tiến theo xa lộ về hướng
Sài gòn. Tôi lẩm nhẩm :"Đồng nai đấy ư? Thế là mình cũng thoả chí trai rồi
!".
Vốn
chỉ quen với những con đường nhỏ hẹp lúc đầu chúng tôi hơi "choáng"
vì sự rộng rãi đến thênh thang của cái gọi là "xa lộ"; nhưng thật là
tuyệt vời khi được nhấn ga không hạn chế trên cả 2 làn đường vắng teo; chúng
tôi cán nát dưới hai băng xích quần áo, súng ống, giày mũ nhà binh rải rác trên
đường.
Qua
Tăng Nhơn Phú nhiều loạt đạn từ phía Trường Võ bị Thủ Đức bắn vào sườn trái đội
hình. Mặc! Theo mệnh lệnh của trên chúng tôi tiếp tục nhấn ga lướt qua. Sau này
theo tôi được biết- xe 707 của tiểu đoàn 5 đã tách ra khỏi đội hình đánh vào
Trường võ bị Thủ đức; bọn địch trong trường phần bị diệt, phần sợ hãi tháo chạy
nhưng xe 707 cũng đã hy sinh anh dũng ở ngay cổng trường.
Thật
may là cầu Rạch Chiếc còn nguyên vẹn nên tốc độ tiến công của chúng tôi vẫn bảo
đảm. Lúc đó thì chỉ biết thế là may- sau này chúng tôi mới biết để giữ cho cây
cầu Rạch Chiếc được nguyên lành như vậy- hàng trăm chiến sĩ đặc công của ta đã
anh dũng chiến đấu ở đó từ hôm trước và rất nhiều người trong số đó đã hy sinh.
Và
thế là cầu Sài gòn đã ở ngay trước mặt! Tuy nhiên việc vượt qua nó không hề dễ
dàng. Ngay ở chân cầu những chiếc thùng phuy và bao cát được dựng lên theo hình
zíc- zắc chỉ để lọt 1 thân xe qua, phía sau những vật cản đó là những chiếc xe
tăng mai phục; ngoài ra lợi dụng mặt cầu cong một số xe tăng địch mai phục ở
phía sau, ở vị trí này chúng vừa giấu được mình vừa quan sát và phát huy hoả
lực rất thuận lợi. Vì vậy chỉ sau mấy phút giao chiến 2 xe tăng ta đã bị bắn
cháy, tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ hy sinh.
Với
kinh nghiệm của những trận đánh trước- đại đội trưởng Thận lệnh cho các xe
trong đại đội lợi dụng địa hình tại chỗ tiêu diệt các xe tăng dưới chân cầu và
trên cầu. Vì tại chỗ bắn lại tập trung hoả lực nên xác xuất trúng rất cao, chỉ
sau mấy phút hai chiếc M48 nấp sau vật cản đã bị bắn cháy, đạn trong xe nổ dữ
dội, khói lửa mù trời; bọn trên cầu thấy vậy cũng bỏ chạy luôn. Chớp thời cơ
toàn đại đội tăng tốc độ qua cầu dẫn đầu đội hình lữ đoàn nhằm hướng Dinh Độc
lập. Và như bạn đọc đã biết- xe 843 và xe 390 của "xê 4" chúng tôi đã
húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập; đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã thay mặt tất cả
chúng tôi kéo lá cờ Giải phóng lên nóc dinh báo hiệu giờ toàn thắng của dân
tộc.
Song
có điều này chắc bạn đọc chưa biết- 14 giờ ngày 30.4- khi các đơn vị khác đang
được nghỉ ngơi tận hưởng niềm vui chiến thắng thì "xê 4" chúng tôi
lại được giao nhiệm vụ: "chiếm cảng Sài gòn và khống chế mọi sự đi lại
trên sông".
Rời
dinh Độc lập chúng tôi đi về phía Cảng. Lúc này đường phố Sài gòn đã trở nên
đông vui, nhộn nhịp vô cùng; bà con đứng kín hai bên đường vẫy cờ, vẫy hoa đón
mừng chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn mải miết đi. Khi gần đến cảng- một khung
cảnh hỗn độn diễn ra trước mắt chúng tôi- hàng đoàn người, cả dân, cả cảnh sát,
cả lính nguỵ... cởi trần trùng trục đang khuân hàng từ trong kho cảng ùn ùn kéo
ra. Biết đây là bọn hôi của lúc tranh tối tranh sáng anh em bộ binh ngồi trên
xe giương súng lên trơì bắn từng loạt để dẹp song không ăn thua, họ vẫn nhơn
nhơn không sợ; một ông già ôm một thùng rượu trong tay còn hớn hở cười tung lên
xe tôi một chai rượu ngoại... Chỉ đến khi xe 390 vào được cổng cảng và bắn một
phát pháo thì tình hình mới được cải thiện. Giữa những ngôi nhà cao tầng, tiếng
nổ của trọng pháo 100 ly như dữ dội hơn, tác động của sóng xung kích cũng mạnh
hơn thì phải nên hết thảy bọn hôi của quẳng hàng nằm rạp xuống đất rồi lẳng lặng
tản đi- toàn bộ khu vực cảng yên tĩnh trở lại.
Khi
tất cả các xe của đại đội đã vào bến cảng, đại đội trưởng Thận cho dàn đội hình
hướng pháo ra sông và cắt cử người canh gác các kho hàng. Mấy chiếc xe tăng
pháo đánh thấp gườm gườm chúc xuống lòng sông có tác dụng ngay tức khắc: chúng
tôi chỉ cần khẽ vẫy tay một cái là mọi con tàu đang đi trên sông ngay lập tức
tấp vào cầu cảng để chúng tôi kiểm tra. Còn mười cái kho trong cảng thì thật là
hỗn độn, hàng hoá bị bọn hôi của bới lộn lung tung nhưng còn bạt ngàn, vô thiên
lủng. Chúng tôi nhặt mỗi xe một ít vải để bảo dưỡng xe và một ít thực phẩm, còn
lại sắp xếp đâu vào đấy.
Chiều
xuống dần. Bình yên quá đỗi. Anh Thận gọi chúng tôi ra ngồi sát mép cầu cảng
hóng gió và tuyên bố: "Hoà bình rồi! Giờ chúng ta ăn mừng thắng
lợi!". Một chai rượu được mở ra,
chúng tôi chuyền tay nhau uống. Hai thùng pháo sáng thu được từ trước cũng được
khui ra, chúng tôi thi nhau bắn lên trời. Những chùm pháo sáng lung linh trên
bầu trời Sài gòn tím thẫm như đêm hội hoa đăng mừng chiến thắng. Chai rượu tiếp
tục được chuyền tay. Khổ! Lính trẻ- vừa lớn lên là vào chiến trường đã biết bia
rượu thế nào đâu, uống vào chỉ thấy nóng ran trong cổ, trong bụng nhưng thật là
ngây ngất; cái ngây ngất chắc không phải chỉ vì men rượu mà vì tất cả những gì
chúng tôi cảm nhận được trong ngày hôm nay, trong 42 ngày qua.
Vâng!
Tuy 42 ngày đó chỉ là một quãng thời gian vô cũng nhỏ trong hành trình của lịch
sử; song với tôi- đó là quãng thời gian đáng sống và cũng đáng nhớ nhất trong
cuộc đời.
Còn
đại đội 4 xe tăng của tôi cũng thật vô cũng nhỏ trong điệp điệp trùng trùng
những đoàn quân tiến về giải phóng Sài gòn; song với tôi- những gì mà nó làm
được không hề nhỏ bé. Để đến được cái đích cuối cùng vinh quang đó- 10 đồng đội
tôi đã mãi mãi không về, nhiều người còn mang trong mình những dấu tích của
chiến tranh; có người trở nên nổi tiếng và rất nhiều người dường như đã chìm
vào quên lãng. Với riêng tôi- mãi mãi đó là những người đồng đội thân thương
không thể nào quên. Và nếu được ước một điều- tôi chỉ xin thời gian trở lại cho
chúng tôi lại được bên nhau một lần vục khuôn mặt lấm lem vào bồn nước giữa sân
Dinh Thống nhất, rồi tới bên bờ sông Sài gòn lộng gió để uống rượu, để bắn pháo
hoa, để cùng ôm nhau cười và khóc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét