Trong lúc đó tham mưu trưởng Dương đã vào đến Thành
Nội và đang ngồi chờ ở phòng thường trực khu A. Cùng đi với ông hôm nay có
trưởng ban tác chiến Phúc và chủ nhiệm hậu cần- kỹ thuật Nhật. Hai người thấy
tham mưu trưởng có vẻ căng thẳng nên cũng ngồi im lặng trái hẳn với thường
ngày.
Chiếc máy điện thoại trên bàn đổ một hồi chuông dài.
Người sĩ quan trực ban nhấc ống nghe rồi quay sang ba thày trò:
- Mời các đồng chí đi theo tôi!
Cả ba lặng lẽ theo người trực ban đi về phía sở chỉ huy.
Thực tình khi được thông báo là sẽ đi báo cáo cấp trên tình hình binh chủng ông
Dương vẫn nghĩ sẽ là ở một địa điểm sơ tán nào đó. Vì vậy mà ông thấy bất ngờ
khi biết nơi mình đến báo cáo lại nằm ngay trong Thành Cổ Hà Nội. Trong lòng
ông dấy lên niềm cảm phục, như vậy Bác Hồ, Trung ương Đảng và các đồng chí lãnh
đạo Bộ Quốc phòng vẫn bám trụ Hà Nội để lãnh đạo kháng chiến mặc dù không
quân Mỹ đánh phá miền Bắc ngày càng ác
liệt.
Lần đầu tiên được vào chốn thâm nghiêm này ông Dương
nhìn quanh với một vẻ tò mò không giấu diếm. Ngôi nhà sở chỉ huy nằm trên một
thềm ca, có vẻ như nền cũ một cung điện nào đó thì phải vì hai bên bậc thềm còn
nguyên hai con rồng đá uy nghiêm nằm trầm mặc thi gan cùng tuế nguyệt. Bước
xuống cuối một cầu thang sâu hút, người trực ban đưa tay ngăn ba thày trò đứng
lại chờ rồi đẩy cửa bước vào trong phòng. Một lát sau anh ta quay lại nói nhỏ:
- Mời các đồng chí vào!.
Ông Dương bước lên trước rồi cả ba người thành một
hàng dọc đi vào phòng họp. Chưa kịp định thần nhìn rõ từng người song ông cũng
dừng lại và hơi cúi người về phía trước:
- Chào các thủ trưởng!
- Mời các đồng chí vào!- Một người đầm đậm ngồi chính
giữa hai dãy bàn kê thành hình chữ U lên tiếng.
Cả ba anh em hơi ngỡ ngàng vì đó chính là Đại tướng
Tổng Tư lệnh, phó bí thư Quân ủy trung ương. Một sĩ quan trong phòng đứng dạy
hướng dẫn ba người ngồi vào vị trí. Đến lúc này ông Dương mới nhận thấy phần
lớn những người có mặt trong phòng họp ông đều đã biết, đã gặp trong một số
buổi làm việc trước đây. Đó là những sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Tổng tham mưu và
Tổng cục hậu cần, kỹ thuật. Có vài người ông chưa biết, trong đó có một đồng
chí ngồi ngay cạnh Tổng tư lệnh cứ nhìn ông chăm chú và cười rất tươi.
Thấy sự có mặt của Đại tướng Tổng tư lệnh ông Dương
hiểu thêm tầm quan trọng của buổi bảo cáo này và nhẩm lại rất nhanh những gì
cần nói. Đúng lúc đó tiếng người sĩ quan trực vang lên:
- Báo cáo Tổng tư lệnh! Thành phần dự họp đã đầy đủ!
- Được! Đồng chí ngồi xuống!- Tiếng Tổng tư lệnh trầm
và ấm- Hôm nay chúng ta có mặt ở đây để nghe báo cáo của Bộ tư lệnh thiết giáp,
trên cơ sở đó Bộ sẽ hạ quyết tâm về sử dụng xe tăng tại chiến trường miền Nam.
Đây là một công việc rất hệ trọng, vì vậy trong phần thảo luận đề nghị các đồng
chí cứ nói thẳng, nói thật quan điểm của mình, không việc gì phải né tránh cả.
Bây giờ mời các đồng chí xe tăng lên báo cáo.
- Rõ!- Ông Dương đứng bật dậy đáp.
- Cứ bình tĩnh!- Tổng tư lệnh nhỏ nhẹ và nở một nụ
cười thật hiền hậu.
Đã được phân công từ trước nên trưởng ban tác huấn
Phúc đem mấy bản báo cáo đặt trước mặt Tổng tư lệnh và mấy đồng chí ngồi xung
quanh, anh có vẻ hơi bối rối vì số báo cáo không đủ cho mỗi người một bản. Rất
tinh ý Tổng tư lệnh vẫy tay:
- Không sao! Nào xe tăng, đột phá đi chứ!
Cả phòng họp cùng cười trước câu đùa rất ý nhị của
Tổng tư lệnh, không khí trong phòng họp cũng dịu đi phần nào, ông Dương thấy
mình đỡ hồi hộp hơn.
Dựa vào sườn bản báo cáo, có lúc dừng lại để nhấn mạnh
và lấy ví dụ minh họa, trong gần ba mươi phút tham mưu trưởng Dương đã trình
bày đầy đủ những luận cứ cơ bản về vấn đề sử dụng xe tăng thiết giáp ở Việt
Nam. Cả phòng họp im phăng phắc lắng nghe, có vẻ như ai đó đều đang suy nghĩ về
những chủ kiến riêng của mình. Mặc dù trong phòng rất mát nhưng ông Dương vẫn
cảm thấy mồ hôi đang chảy thành dòng dọc sống lưng mình. Cuối cùng ông đặt bản
báo cáo xuống và cao giọng:
- Trên cơ sở những luận cứ trên chúng tôi đề nghị với
cấp trên một số điểm sau. Một là, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng được và sử
dụng một cách có hiệu quả xe tăng thiết giáp ở chiến trường miền Nam .
Hai là, để xe tăng thiết giáp chiến đấu một cách hiệu quả cần thiết phải làm
tốt công tác bảo đảm các mặt, trong đó đặc biệt chú trọng là bảo đảm kỹ thuật,
bảo đảm cơ động và bảo đảm phòng không. Ba là, để kiểm chứng cho những kết luận
trên đề nghị cấp trên cho phép chúng tôi đưa một phân đội xe tăng vào tác chiến
ở chiến trường. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và tăng dần quy mô lực lượng. Báo
cáo hết!
Phòng họp ắng lại một lát. Tổng tư lệnh quay sang
người ngồi bên cạnh:
- Trước hết chúng ta nghe ý kiến của đại diện Quân
giải phóng miền Nam .
Đến lúc đó ông Dương mới biết người cứ nhìn ông chăm
chú và tươi cười lúc ông mới bước vào phòng họp chính là Tư lệnh quân giải
phóng miền Nam .
Vị tướng chiến trường lừng danh mà sao trông thật hiền, thật dễ gần. Ngay lúc
này đồng chí đứng lên cũng vẫn với một nụ cười thường trực trên môi:
- Thay mặt anh em Quân giải phóng tôi xin nhiệt liệt
chờ đón sự có mặt của xe tăng ta trên chiến trường miền Nam.- Ông ngừng lại một
chút nhìn về phía ba cán bộ xe tăng và mỉm cười thật tươi- Cho đến thời điểm
này, với sự có mặt của quân Mỹ ngày càng đông trên chiến trường cộng với viện
trợ quân sự tăng đột biến nên tương quan lực lượng có phần nghiêng về phía
địch. Hệ thống phòng thủ của chúng cũng ngày càng được củng cố vững chắc hơn.
Để đánh thắng địch chúng ta cần có một lực lượng đột kích mạnh và chúng tôi
nghĩ rằng không có gì tốt hơn là xe tăng thiết giáp. Còn về những khó khăn khi
sử dụng xe tăng thiết giáp thì cũng như bản báo cáo của binh chủng đã nêu,
chúng ta đều có cách khắc phục cả. Vì vậy tôi hoàn toàn nhất trí với đề nghị
của đồng chí đại diện xe tăng. Cứ phải làm tới đi mới biết hay dở thế nào chứ! Có
phải thế không các đồng chí?- Ông hất đầu một cái rồi đột ngột dừng lại và ngồi
xuống.
Tổng tư lệnh nheo mắt cười:
- Hay lắm! Chiến trường rất là mong ngóng. Thế thì
chúng ta cũng phải nghiên cứu thực hiện nguyện vọng của anh em thôi- Ông giơ
tay khoát một vòng- Nào! Bây giờ mời các đồng chí phát biểu! Tôi đề nghị chúng
ta cứ mạnh dạn, nói thẳng, nói thật, nói hết suy nghĩ của mình vì đây là một
vấn đề rất hệ trọng.
Phòng họp lặng đi chừng vài phút. Rồi đột ngột một
cánh tay giơ lên, ông Dương nhận ra đó là một sĩ quan cao cấp ở văn phòng Bộ
tổng tham mưu mà hôm đến tham quan diễn tập đã tranh luận rất sôi nổi với ông. Trong
cuộc diễn tập đó vị sĩ quan này đã bày tỏ quan điểm rất cực đoan của mình trước
cách tổ chức sử dụng lực lượng xe tăng của binh chủng Thiết giáp. Thấy Tổng tư
lệnh gật đầu anh ta đứng dạy và vào đề ngay khá gay gắt:
- Theo tôi chúng ta cần phân biệt nguyện vọng chủ quan
và thực tế khách quan. Về chủ quan ai chẳng mong muốn đưa xe tăng vào chiến
đấu, đưa được sớm ngày nào thì bớt đổ xương đổ máu ngày ấy. Nhưng đấy là ý muốn
chủ quan. Còn thực tế khách quan thì sao: với địa hình Việt Nam này, với khả năng bảo đảm của
ta hiện nay... liệu đưa xe tăng vào có sử dụng được không hay chỉ làm mồi cho
vũ khí chống tăng và máy bay, phi pháo của Mỹ. Ngay như cuộc diễn tập gần đây
nhất của binh chủng thiết giáp với sư đoàn Quân tiên phong, khi đưa tình huống
cầu bị đánh sập cả đoàn xe tăng ùn lại, vòng tránh không có đường, vượt sông
không có phương tiện, xe tăng bơi thì không có bến lên... như thế làm sao mà
đánh nhau được. Vì vậy tôi đề nghị cấp trên cần tiếp tục nghiên cứu, nếu có thì
cũng chỉ nên sử dụng hạn chế trên một số địa bàn chọn lọc mà thôi.
Không khí trong phòng họp bỗng lặng hẳn đi. Một cánh
tay nữa giơ lên. Tham mưu trưởng Dương nhận ra đó là một đại diện của Tổng cục
kỹ thuật. Sau cái khoát tay của Tổng tư lệnh vị sĩ quan này đứng lên với vẻ rất
trịnh trọng:
- Kính thưa đồng chí Tổng tư lệnh! Kính thưa toàn thể
các đồng chí! Về cơ bản tôi đồng ý với báo cáo của binh chủng Thiết giáp. Tuy
nhiên tôi có một băn khoăn thế này, theo như chúng tôi được biết do trọng lượng
lớn nên giờ bảo hiểm động cơ cũng như thân xe của tăng thiết giáp rất hạn chế.
Ở các nước khác khi sử dụng xe tăng người ta thường có các phương tiện chuyên
dùng hoặc xe lửa, tàu thủy... chở xe tăng gần đến khu vực tác chiến mới cho xe
tăng chạy bộ bằng xích. Còn ở ta hiện nay các phương tiện này hầu như không có.
Nếu ta cho xe tăng hành quân bằng xích từ đây vào đến chiến trường thì liệu còn
sử dụng được nữa hay không. Vì vậy đề nghị binh chủng thiết giáp nghiên cứu kỹ
vấn đề này. Báo cáo hết!
Một người nữa giơ tay. Ông Dương nhận ra đó là vị sĩ
quan thuộc Cục khoa học quân sự cũng đã từng có mặt trong hầu hết các cuộc diễn
tập có xe tăng tham gia. Được sự đồng ý của Tổng tư lệnh ông đứng lên từ tốn:
- Thưa toàn thể các đồng chí! Chúng tôi đã có nhiều
nghiên cứu về sử dụng xe tăng trên thế giới, của quân đội viễn chinh Pháp tại
chiến trường Việt Nam trước đây và của quân đội Mỹ tại miền Nam hiện nay, chúng
tôi cũng đã theo dõi đầy đủ các cuộc diễn tập của binh chủng thiết giáp trong
những năm vừa qua và cũng đã theo dõi rất kỹ báo cáo của binh chủng thiết giáp
hôm nay. Qua đó chúng tôi thấy rằng cách sử dụng xe tăng do binh chủng thiết
giáp đề xuất là rất mới chưa từng có trong bất kỳ tài liệu nào cũng như trong
thực tế sử dụng xe tăng ở bất kỳ nước nào. Đề nghị đại diện xe tăng nói rõ thêm
về những cơ sở của cách đánh này, các đồng chí dựa vào đâu để đề xuất như vậy.
Ngoài ra cũng còn một vấn đề cần lưu ý: truyền thống đánh giặc của dân tộc ta,
của quân đội ta từ xưa đến nay là “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”. Để
đạt được điều đó trong nghệ thuật quân sự của chúng ta luôn coi trọng yếu tố bí
mật, bất ngờ, đánh địch trên nhiều hướng. Mà xe tăng thiết giáp thì như các
đồng chí đều biết: mục tiêu thì to, tiếng ồn thì lớn.v.v... liệu có phù hợp với
cách đánh truyền thống không? Hết!
Từ phía cuối dãy bàn một người nữa nhấp nhổm. Tổng tư
lệnh mỉm cười hỏi:
- “Ông nhìn đâu cũng thấy địch” có ý kiến gì?
Thì ra đó là một sĩ quan của Cục 2. Vị này đứng dạy
nói ngay:
- Trong cách đánh mà binh chủng thiết giáp nêu ra có
một vấn đề tôi thấy cần phải nghiên cứu kỹ thêm. Theo chúng tôi nắm được hiện
nay các phương tiện trinh sát điện tử cả trên không và dưới đất của Mỹ đã và
đang sử dụng ở miền Nam là rất hiện đại và khá phổ biến. Vậy việc các đồng chí
có ý định đưa xe tăng bí mật đến gần mục tiêu liệu có thực hiện được không? Ngoài
ra còn một vấn đề nữa các đồng chí cũng cần phải nghiên cứu: đó là đánh giá
tương quan lực lượng tăng thiết giáp giữa ta và địch. Theo chúng tôi được biết,
sau khi đưa quân vào miền Nam, Mỹ đã đưa theo rất nhiều trang bị kỹ thuật hiện
đại. Cụ thể về xe tăng Mỹ đã đưa vào miền Nam một số lượng khá lớn xe tăng
M48. Theo tài liệu nước ngoài đây là loại xe tăng hiện đại vào loại nhất hiện
nay. Xin hỏi các đồng chí đã nắm được tính năng kỹ chiến thuật của chúng chưa
và so sánh tương quan lực lượng của ta với địch về tăng thiết giáp như thế nào?
Bên cạnh đó các loại vũ khí chống tăng của Mỹ cũng rất hiện đại và tinh xảo,
ngoài M72 tương đương với B41 của ta chúng còn đưa vào trang bị rất nhiều pháo
chống tăng, đặc biệt là tên lửa chống tăng TOW. Đây cũng là loại tên lửa chống
tăng hiện đại vào loại nhất thế giới hiện nay. Để đổi phó với chúng các đồng
chí có phương sách nào?.
Ông Dương cảm thấy hơi buồn vì toàn thấy những ý kiến
phản đối, chẳng có ai có ý kiến ủng hộ xe tăng mình cả. Trong những buổi làm
việc trước đây số người ủng hộ việc sử dụng xe tăng ở miền Nam không phải là ít, tại sao hôm
nay chẳng thấy ai lên tiếng. Ông tự nhủ: “Hay là họ đợi giải thích của binh
chủng trước rồi mới có ý kiến sau”. Rất may tất cả những vấn đề này đã được
tính đến từ ở nhà và đã thống nhất phương án trả lời nên ông cũng không thấy
quá lo lắng.
Nhìn lướt về phía đoàn cán bộ xe tăng Tổng tư lệnh
cười:
- Xe tăng bị pháo kích dữ dội quá nhỉ? Có run không?
Cả phòng họp cùng cười. Tham mưu trưởng Dương cũng mỉm
cười:
- Thưa đại tướng, cũng hơi run ạ!
Nói như vậy nhưng thực ra ông Dương cảm thấy rất bình
tĩnh. Ông tự nhủ: nếu chỉ có những ý kiến như thế này thì mình sẽ qua được.
Tổng tư lệnh khoát tay:
- Thôi! Hãy tạm dừng đặt câu hỏi để xe tăng giải đáp
đã. Nào! Mời các đồng chí! Cứ bình tĩnh trả lời từng vấn đề một.
Như được tiếp thêm sức mạnh bởi vẻ ân cần và thiện cảm
của Tổng tư lệnh, ông Dương đứng lên và bắt đầu một cách rất nhỏ nhẹ:
- Thưa toàn thể các đồng chí! Tất cả những vấn đề các
đồng chí nêu đều đúng và cũng đã được chúng tôi tính toán đến. Trước hết xin
trả lời câu hỏi của đồng chí đại diện Tổng cục kỹ thuật. Vấn đề tiết kiệm tuổi
thọ động cơ xe tăng là vấn đề được chúng tôi hết sức quan tâm và đã có tính
toán cụ thể và bước đầu đã có những thực nghiệm cần thiết. Cụ thể như sau:
Trong trường hợp xấu nhất chúng ta phải tổ chức hành quân bằng xích từ ngoài
này vào chiến trường thì cự ly hành quân dài nhất cũng chỉ khoảng hai nghìn cây
số, với tốc độ bình quân 10 cây số trên giờ thì cũng chỉ mất khoảng 200 giờ.
Như vậy số giờ bảo hiểm còn lại vẫn khá cao và có thể chấp nhận được. Còn nếu
chúng ta tận dụng được đường xe lửa tới Vinh, đường thủy tới Đồng Hới thì cự ly
hành quân bộ sẽ rút ngắn được 500 đến 700 cây số và sẽ tiết kiệm thêm khoảng 50
đến 70 giờ máy nổ nữa. Đó là tính toán, còn thực tế chúng tôi đã kiểm nghiệm qua
cuộc hành quân của Tiểu đoàn M77 từ Vĩnh Yên vào Nam quân khu 4 năm ngoái. Cụ
thể như sau: Tổng chiều dài đường hành quân 896 cây số, có 150 cây số bằng
đường sắt, còn lại 746 cây số hành quân bằng xích theo đường 15, đường 22 rất
khó đi song đơn vị đã đưa được 100% trang bị đến đích an toàn. Tốc độ hành quân
đạt trung bình 10 cây số trên giờ. Số khí tài hư hỏng không lớn, chủ yếu là
xích và bánh đỡ nặng. Trên cơ sở đó chúng tôi kết luận: hoàn toàn có thể đưa
được xe tăng vào chiến trường miền Nam , kể cả những chiến trường xa
nhất mà khi vào đến nơi vẫn còn dủ khả năng chiến đấu.
Mấy cái đầu gật gù. Tổng tư lệnh quay sang vị đại diện Tổng cục kỹ thuật:
- Thế nào? Có thể chấp nhận được không?
Vị sĩ quan của Tổng cục kỹ thuật vội đứng lên:
- Thưa thủ trưởng! Nếu duy trì được tốc độ bình quân
như vậy thì có thể chấp nhận được.
Quay về phía ông Dương, Tổng tư lệnh lại mỉm cười:
- Nào! Xe tăng tiếp tục nổ đi!
Đã bình tĩnh hơn nên tham mưu trưởng Dương tỏ ra rất
tự tin:
- Về những khó khăn của địa hình miền Nam đối
với việc sử dụng xe tăng chúng tôi cũng đã có nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Thông
qua việc nghiên cứu trên bản đồ, thông qua kết quả khảo sát thực tế và tổng hợp
báo cáo của các đoàn cán bộ xe tăng được cử đi các chiến trường từ năm 1964 đến
nay chúng tôi thấy rằng: mặc dù chúng ta không có những bình nguyên, sa mạc
rộng lớn, bằng phẳng như ở châu Âu nhưng cũng có những vùng có thể tác chiến xe
tăng với quy mô lớn khá thuận lợi như vùng Tây Quảng Trị, Nam Tây Nguyên và
Miền Đông Nam Bộ. Ở đây địa hình chủ yếu là đồi thấp, nền đất cứng chắc nên có
thể sử dụng tất cả các loại tăng thiết giáp kể cả xe hạng nặng. Còn ở địa hình
đồng bằng ven biển chúng ta có thể sử dụng các loại xe tăng hạng nhẹ, xe tăng
bơi mà trong trang bị hiện tại chúng ta đã có. Những cuộc diễn tập ở đồng bằng
mấy năm vừa rồi cũng chứng tỏ điều đó. Còn tình huống như đồng chí cục phó cục
Tác chiến nêu ra là do chúng tôi muốn rèn anh em cho sát thực tế hơn. Mặt khác,
trong thực tế ở miền Nam
chiến thuật “thiết xa vận” của Mỹ với các loại xe M113, M41 cũng chứng tỏ có
thể sử dụng được xe tăng ở đồng nước. Từ những cơ sở trên chúng tôi cho rằng:
nếu sử dụng đúng chủng loại, đúng tính năng ta hoàn toàn có thể khắc phục được
những khó khăn về địa hình để sử dụng có hiệu quả xe tăng thiết giáp ở miền Nam .
Tư lệnh quân giải phóng miền Nam nãy giờ vẫn ngồi im lặng chợt
chen vào:
- Sử dụng được quá đi chớ! Bọn thiết giáp Mỹ nó vẫn
băng qua đồng nước rượt chúng tôi chạy thấy mồ mấy phen rồi đấy!
Tổng tư lệnh gật đầu tỏ vẻ hài lòng nhìn về phía nhóm
cán bộ xe tăng đầy khích lệ:
- Được đấy! Tiếp tục đi!
Như được tiếp thêm sức mạnh tham mưu trưởng Dương thêm
hùng hồn:
- Còn về cách đánh như chúng tôi đã đề xuất thì cũng
xin báo cáo với các đồng chí đây là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu của
tập thể binh chủng thiết giáp chúng tôi. Quả thật nó chưa hề có trong các tài
liệu giáo khoa chiến thuật xe tăng nước ngoài, nó cũng chưa hề có tiền lệ trong
các cuộc chiến tranh trước đây. Cơ sở để xây dựng nên cách đánh này là do những
đặc điểm riêng có của Việt Nam
về địa hình, về địch, về ta và cũng xuất phát từ cách đánh truyền thống của dân
tộc, của quân đội ta.
Dừng lại một chút theo dõi phản ứng của cử tọa, thấy
tất cả mọi người đều lắng nghe rất chăm chú ông Dương tiếp:
- Trước hết xin nói về địa hình. Ở nước ngoài do địa
hình cho phép nên người ta thường sử dụng xe tăng với quy mô lớn và thường áp
dụng chiến thuật tiến công từ hành tiến. Nghĩa là xe tăng được tập kết ở một khoảng
cách khá xa, có thể là 20 đến 30 cây số hoặc hơn rồi dùng tốc độ cao để xung phong
đột phá tuyến phòng ngự của địch. Còn ở ta nhìn chung địa hình bị chia cắt
nhiều, nếu để xe tăng ở xa như vậy quá trình cơ động vào sẽ hết sức khó khăn,
thậm chí không thể đến được mục tiêu do đường sá không bảo đảm hoặc bị địch
ngăn chặn. Vì vậy, có thể đến một lúc nào đó điều kiện cho phép chúng ta có thể
áp dụng hình thức này, còn trước mắt phải có một hình thức chiến thuật khác.
Vấn đề thứ hai là về địch: có một đặc điểm đáng lưu ý là hệ thống phòng thủ của
Mỹ- ngụy tại miền Nam hiện nay là một hệ thống các cứ điểm, cụm cứ điểm phòng
ngự với các loại công sự kiên cố và vật cản đa dạng như rào thép gai, mìn các
loại v.v... Như vậy có thể nói chúng phòng ngự theo điểm và chúng ta phải tiến
công điểm chứ không phải tiến công theo diện. Vấn đề thứ ba là về phía ta cũng
còn nhiều khó khăn như: lực lượng còn mỏng, công tác bảo đảm chưa đồng bộ
v.v... Xuất phát từ những cơ sở trên chúng tôi đề xuất một cách đánh mới như đã
báo cáo ở trên. Có thể tóm tắt cách đánh đó là: “bí mật đến gần, bất ngờ xung
phong, phát huy tối đa hỏa lực, xung lực chi viện bộ binh nhanh chóng làm chủ
trận địa”. Nghĩa là bằng mọi cách bí mật đưa xe tăng đến cách mục tiêu 6 đến 7
cây số hoặc gần hơn nữa. Đợi đến khi bắt đầu hỏa lực chuẩn bị thì tăng tốc độ
đến cách mục tiêu trên dưới 1000 mét sẽ triển khai đội hình và phát huy hỏa
lực, vừa chạy vừa bắn xung phong vượt qua cửa mở. Nếu địa hình cho phép thì dẫn
dắt bộ binh, nếu địa hình khó khăn thì ở phía sau dùng hỏa lực chi viện bộ binh
làm chủ trận địa. Có thể nói đây là cách đánh riêng của xe tăng Việt Nam và
cũng rất phù hợp với cách đánh truyền thống của quân đội ta. Một khác biệt nữa
là ở nước ngoài xe tăng thường được sử dụng độc lập, còn quan điểm của chúng
tôi về sử dụng xe tăng ở Việt Nam là xe tăng phải nằm trong đội hình chiến đấu
của binh chủng hợp thành, phải gắn chặt với bộ binh và hỗ trợ lẫn nhau trong
chiến đấu. Xe tăng dẫn dắt, chi viện bộ binh; còn bộ binh thì yểm hộ, bảo vệ xe
tăng. Như thế sẽ nâng cao được khả năng sống còn của cả hai và đạt hiệu suất
chiến đấu cao hơn. Còn về quy mô sử dụng chúng tôi đã đề nghị chỉ nên sử dụng
phân đội nhỏ từ trung đội đến tiểu đoàn, khi có thời cơ mới sử dụng ở quy mô
lớn hơn.
Vị sĩ quan đại diện Cục 2 nhấp nhổm:
- Công nhận là cách đánh này hay nhưng có bí mật đến
gần được không mới quan trọng chứ?
Liếc về phía Tổng tư lệnh không thấy có biểu hiện gì
ông Dương tiếp tục:
- Vấn đề này chúng tôi cũng đã tính toán đến. Thực
nghiệm trong diễn tập cho thấy với các phương tiện quan sát, trinh sát thông
thường xe tăng có thể đến cách tiền duyên địch 1500 mét, thậm chí gần hơn mà
địch vẫn không phát hiện ra. Còn đối với các loại phương tiện trinh sát điện tử
tất nhiên sẽ khó khăn hơn song không phải thế là chúng ta chịu bó tay. Thực tế
đã chứng tỏ lực lượng công binh trên đường Trường Sơn đã vô hiệu hóa rất nhiều
phương tiện trinh sát hiện đại cả trên không và dưới mặt đất bằng những biện
pháp hết sức đơn giản như nghi binh, đánh lừa v.v... Vì vậy chúng tôi cho rằng
chúng ta cũng có thể vận dụng các biện pháp đó để bịt mắt địch trong thời điểm đưa
xe tăng đến gần. Về phía chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp như: huấn luyện
đội ngũ lái xe điêu luyện hơn, sử dụng chân dầu thuần thục hơn để giảm đến mức
tối thiểu tiếng ồn và nhiệt phát ra từ động cơ. Ngoài ra các biện pháp về ngụy
trang cũng sẽ được huấn luyện kỹ hơn. Chúng tôi tin rằng với các giải pháp đó
nhất định chúng ta sẽ thực hiện được thủ đoạn “bí mật đến gần” trong cách đánh
của xe tăng.
Dừng lại một chút theo dõi động tĩnh ông Dương nhận
thấy rất nhiều cái gật đầu như đang ngầm khích lệ mình nên càng phấn khích:
- Còn về lực lượng tăng thiết giáp của địch thì chúng
tôi cũng đã có một số tài liệu do chuyên gia Liên Xô cung cấp. Qua nghiên cứu
chúng tôi thấy rằng M48 quả thật là một loại xe tăng hiện đại, có nhiều điểm ưu
việt hơn so với xe tăng ta, nhất là về hệ thống điều khiển. Tuy nhiên chúng
cũng có những nhược điểm chết người như: trọng lượng quá nặng nề, xe M48 nặng gần
50 tấn nên phạm vi sử dụng sẽ rất hạn chế. Trong khi đó pháo lại chỉ có 90 ly
thua hẳn T54 của ta về uy lực cũng như tầm bắn. Ngoài ra xung quanh vấn đề này
thì chúng ta cũng đều đã biết: vũ khí dù có hiện đại đến đâu cũng chỉ giữ vai
trò quan trọng, còn quyết định là ở con người sử dụng vũ khí đó. Thực tế cho
thấy các đồng chí quân giải phóng miền Nam của chúng ta chỉ với vũ khí thô
sơ mà đã làm nên nhiều chiến thắng vang dội. Ngay ở miền Bắc đây thôi, có những
trung đội dân quân đã bắn rơi phản lực Mỹ bằng súng trường. Vì vậy chúng tôi
tin rằng với những trang bị hiện có trong tay chúng tôi hoàn toàn có thể đương
đầu và giành thắng lợi trước tăng thiết giáp của Mỹ. Báo cáo hết!
Phòng họp ắng đi một lát. Tổng tư lệnh nhìn quanh rồi
hỏi:
- Còn ai có ý kiến gì nữa không nào?- Chờ một lát
không thấy cánh tay nào giơ lên ông tiếp- Tôi cho rằng báo cáo của binh chủng
Thiết giáp và những giải thích của đồng chí tham mưu trưởng binh chủng như thế
là đã rất rõ ràng. Tôi xin biểu dương các đồng chí binh chủng Thiết giáp đã có
sự chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc và rất kỹ càng cho buổi làm việc hôm nay.
Các đồng chí cho một tràng vỗ tay đi chứ!
Phòng họp ran lên tiếng vỗ tay. Quay sang hai người
bên cạnh trao đổi nhỏ vài câu ông tiếp:
- Ta dừng cuộc họp hôm nay ở đây. Văn phòng Bộ sẽ có
văn bản chính thức gửi binh chủng Thiết giáp sau nhưng tôi sơ bộ kết luận thế
này: Bộ đồng ý cho binh chủng Thiết giáp tổ chức đưa một phân đội, có thể từ
một đại đội đến một tiểu đoàn vào chiến trường miền Nam chiến đấu để rút kinh nghiệm. Việc
xác định địa bàn, mục tiêu tác chiến và các vấn đề khác các đồng chí Cục tác
chiến sẽ cử người xuống làm việc trực tiếp với binh chủng. Ngay sau đây các
đồng chí về tiến hành công tác chuẩn bị.
Nói xong ông chủ động đứng dạy tiến lại phía đoàn cán
bộ xe tăng và đưa tay bắt tay từng người một. Cảm động quá tham mưu trưởng
Dương cứ líu cả lưỡi mãi mới nói được câu:
- Cảm ơn thủ trưởng!
Vị Tư lệnh quân giải phóng cũng bước đến bắt tay ông
Dương và hai đồng chí cùng đi, ông cười rất tươi:
- Nhanh lên nhé! Chúng tôi đang chờ các đồng chí!
- Vâng! Bất cứ lúc nào cấp trên có lệnh bộ đội xe tăng
sẽ ngay lập tức lên đường.
Vừa ra khỏi phòng họp tham mưu trưởng Dương đã rảo
bước ra khỏi cổng hướng về phía chiếc xe con đi như chạy. Trời đã gần trưa, mặt
trời đã lên cao nhưng khu vực sở chỉ huy vẫn mát rượi dưới tán lá những cây cổ
thụ. Vừa thấy thủ trưởng lên xe cậu lái xe hỏi ngay:
- Có về qua nhà một tý không thủ trưởng?
Không trả lời, tham mưu trưởng Dương quay sang Phúc và
Nhật:
- Sáng nay đi có cắt cơm không đấy?
- Dạ, không ạ!
- Thế thì về cơ quan ngay! Càng nhanh càng tốt!- Ông
mường tượng đến sự mong ngóng của các thủ trưởng Bộ Tư lệnh và thực lòng chỉ
muốn bay ngay về báo tin vui cho các anh ấy.
Chiếc xe nổ máy nhằm hướng phà Chèm lao vụt đi. Tham
mưu trưởng Dương ngả người trên ghế mắt lim dim như ngủ. Chủ nhiệm kỹ thuật
Nhật và trưởng ban tác huấn Phúc ngồi ghế sau thì thầm nói chuyện như sợ làm
ảnh hưởng đến giấc ngủ của tham mưu trưởng. Thực ra ông Dương không ngủ. Trong
đầu ông là bộn bề những toan tính, ông đang thầm gọi ra hàng núi công việc sẽ
phải làm để đưa một đơn vị xe tăng đi chiến đấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét