Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

BÍ ẨN LÀNG VÂY

"Bí ẩn" và "bất ngờ" về xe tăng mãnh hổ của Việt Nam!

Trận Làng Vây thắng lợi giòn giã, làm nên truyền thống “Đã ra quân là chiến thắng” của Bộ đội Tăng-Thiết giáp Việt Nam. Tuy nhiên, xung quanh trận đánh này còn nhiều điều “bí ẩn”.

Tại sao lại là Làng Vây?
Mùa Xuân Mậu Thân 1968, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh để phối hợp với cuộc Tổng tiến công chiến lược nổ ra ở hầu khắp các đô thị miền Nam. Lúc này, Tiểu đoàn xe tăng 198 đã có mặt tại nam, bắc Đường 9 sẵn sàng chiến đấu.
Khu vực đóng quân của đơn vị nằm quanh khu vực Bản Đông. Vấn đề đặt ra lúc đó là chọn mục tiêu nào để thực hành trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia. Cuối cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận đã quyết định chọn Làng Vây với mấy lý do sau:
Làng Vây là căn cứ tiền tiêu phía tây của căn cứ Khe Sanh - Cồn Tiên, nằm án ngữ QL9, nên nếu diệt được nó sẽ có ý nghĩa chiến thuật rất lớn.
Địa hình, hệ thống công sự vật cản... cũng như lực lượng địch ở Làng Vây cho phép thử nghiệm được cách đánh và rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết. Tiện cơ động “tiếp cận” mục tiêu cũng như “rời khỏi” sau trận đánh.
Kết quả trận đánh cho thấy đây là một lựa chọn hoàn toàn chính xác.
Xe tăng PT-76 số hiệu 268 tại Đài tưởng niệm Chiến thắng Làng Vây.
Bất ngờ lớn nhất
Cứ điểm Làng Vây nằm trên 2 điểm cao 230 và 320, trông xa như một con voi nằm phủ phục án ngữ QL9. Sở chỉ huy cứ điểm ở trên đỉnh điểm cao 320.
Phía Bắc và phía Đông có địa hình là sườn núi rất dốc, phía nam được con sông Sê Pôn bao bọc hình thành nên một vật cản thiên nhiên lợi hại.
Chỉ có phía Tây - hướng QL9 chạy từ Lao Bảo về là khá bằng phẳng và dốc không cao. Với đại đa số mọi người, chắc rằng cả các cố vấn Mỹ và chỉ huy cứ điểm - đều cho rằng nhất định Quân Giải phóng sẽ tiến công từ hướng Tây lại.
Nhưng thật không ngờ, quân ta lại chọn hướng Nam làm hướng tiến công chủ yếu, còn hướng Tây chỉ là thứ yếu. Đây là một bất ngờ lớn dành cho đối phương và là một trong những nhân tố quyết định, giúp trận đánh thắng lợi giòn giã.
Chướng ngại thiên nhiên thành đường cơ động
Bao bọc phía Nam cứ điểm Làng Vây là sông Sê Pôn. Từ thượng nguồn đến đây con sông chảy dọc theo biên giới Việt - Lào, đến chân điểm cao 320 (làng Troài) thì quặt về phía tây và đổ vào sông Sê Băng Hiêng.
Sông rộng trung bình 40- 50 mét, độ sâu không đều, nhiều chỗ có đá ngầm, mùa mưa nước chảy xiết, còn mùa khô nước chảy chậm. Có thể coi đây là một chướng ngại thiên nhiên bảo vệ mặt nam cho Làng Vây.
Khi chọn hướng tiến công chủ yếu từ phía Nam, Chỉ huy trận đánh đã quyết định lợi dụng dòng sông làm đường cơ động cho xe tăng (Tiểu đoàn 198 trang bị xe tăng bơi PT-76). Tuy nhiên, để thực hiện ý định này, bộ đội công binh đã phải làm việc rất vất vả, nguy hiểm.
Họ đã phải trinh sát kỹ lòng sông để xác định đường cơ động, lợi dụng lúc địch thả bom, bắn pháo để phá các ghềnh đá...  Ngày diễn ra trận đánh chính các chiến sĩ công binh phải ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt, cầm lộ tiêu chỉ đường cho xe đi.
Nhờ lao động sáng tạo và dũng cảm của bộ đội công binh và xe tăng, con sông chướng ngại thiên nhiên đã trở thành đường cơ động của xe tăng đánh vào nơi hiểm yếu nhất của địch.
Đặc biệt, trong trận Làng Vây, xe tăng PT-76 số hiệu 555 của Tiểu đoàn 198 đã 2 lần “đơn thương độc mã” tung hoành trong cứ điểm địch, lập nên những chiến công chói lọi đi vào Lịch sử Bộ đội TTG Việt Nam.
Chính vì vậy, các phóng viên chiến trường đã tặng cho xe 555 biệt danh “Mãnh hổ Đường số 9” bởi những chiến tích huy hoàng của nó.
Giấu mình gần 2 tuần cách địch chỉ 6 km
Theo kế hoạch ban đầu, ta sẽ nổ súng vào ngày 26 tháng 1, nên Đại đội xe tăng 9 đã phải cơ động vào vị trí tập kết chiến đầu tại đồi Pê Sai từ đêm 24.01.1968. Đó là một đồi cỏ tranh chỉ có ít lùm cây bụi và chỉ cách Làng Vây 6 km về phía nam.
Tuy nhiên, do kế hoạch thay đổi, Đại đội 9 phải ém quân tại đó 12 ngày đêm trong điều kiện máy bay trinh sát và thám báo địch ngày đêm lùng sục. Cán bộ, chiến sĩ trong đại đội phải đan sọt rồi đánh từng bè cỏ tranh đặt lên thân xe để ngụy trang.
Đồng thời, mọi hoạt động khác được tiến hành hết sức bí mật, cảnh giác. Do vậy, địch đã không phát hiện ra và sau đó chúng hoàn toàn bị bất ngờ.
“Gùi xe tăng vào trận”?
Thời gian nằm chờ ở Pê Sai, Đại đội 9 phải tiến hành nhiều nội dung công tác kỹ thuật cho xe tăng. Một trong những khó khăn của đơn vị là xích bị hỏng nhiều, bình điện cũng yếu phải nạp bổ sung...
Do vậy, cần phải vận chuyển một khối lượng lớn xích, đạn pháo... từ Ha Sin - Ta Sinh cách đó khoảng 30 km về bổ sung, đồng thời đưa bình điện về đó đổi.  Đơn vị xe tăng lại ít người, nên đã phải nhờ bà con Vân Kiều ở địa phương giúp đỡ.
Với những chiếc gùi thô sơ, những cây đòn khiêng vốn dùng trong lao động sản xuất, bà con Vân Kiều đã vận chuyển cho bộ đội hàng trăm mắt xích, hàng trăm viên đạn pháo và hàng chục bình điện.
Từ câu chuyện này, một số báo đã giật tít “Gùi xe tăng vào trận” và làm cho nhiều bạn đọc hiểu lầm là “để đưa xe tăng vào chiến trường, quân ta đã tháo rời từng bộ phận ra gùi vào đó rồi lắp lại”. Âu cũng là một sự hiểu lầm rất đáng yêu!
Một lính Mỹ được trang bị tiểu liên và súng chống tăng LAW (M-72) trên chiến trường Việt Nam năm 1968.
May mắn ngẫu nhiên?
Theo những tài liệu thu thập được từ phía bên kia cho biết: “Sau khi thấy xe tăng ta xuất hiện tại Tà Mây, các chỉ huy thủy quân lục chiến tại Khe Sanh đã cung cấp khoảng 100 súng chống tăng LAW (M-72) cho Trại Làng Vây để đề phòng”.
Tuy vậy, không hiểu vì những nguyên nhân gì mà “toán diệt chiến xa do Trung Tá Schungel đích thân thành lập, đã bắn nhiều rất nhiều đạn, nhưng một tỷ lệ rất cao (đến 90%) đã không nổ, số còn lại tuy bắn trúng chiến xa nhưng không gây thiệt hại.
Ðây là điều rất đáng ngạc nhiên, vì LAW được chế tạo để bắn hạ chiến xa hạng trung như T-54 có vỏ thép dầy hơn PT-76 nhiều. Sau này, có dư luận cho rằng vì LAW được thả bằng đường hàng không nên không hữu hiệu”.
Phải chăng đây cũng là một may mắn ngẫu nhiên trong chiến tranh? Và đó cũng là một điều “bí ẩn” của trận Làng Vây oanh liệt!
http://soha.vn/quan-su/bi-an-va-bat-ngo-ve-xe-tang-manh-ho-cua-viet-nam-2015082511093808rf20151016180512131.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét