Chương Hai
Sau buổi làm việc với cục tác chiến công tác chuẩn bị
của binh chủng được đẩy lên với tốc độ cao nhất. Phòng tham mưu thì chuẩn bị công
văn đề nghị Bộ ra quyết định thành lập đơn vị mới, điều động bổ sung thành viên
kíp xe và các phân đội trực thuộc, làm kế hoạch huấn luyện bổ sung và hoàn
chỉnh kế hoạch hành quân... Phòng chính trị làm quyết định điều động cán bộ,
xây dựng chương trình giáo dục ý chí quyết tâm và chuẩn bị tổ chức lễ xuất
quân... Bên kỹ thuật thì túi bụi tính toán khối lượng khí tài, vật tư dự trữ,
tổ chức hàn giá và bắn thử 12 ly 7 trên xe... Các cơ quan còn cử cán bộ xuống giúp
đỡ H03 làm công tác chuẩn bị. Chỗ nào cũng tất bật, túi bụi... nhưng vui như
Tết. Nhưng có lẽ không khí sôi nổi nhất là ở trung đoàn H03.
Ngay từ sau cuộc họp đảng ủy mở rộng của binh chủng về
ban chỉ huy trung đoàn đã phổ biên tinh thần nghị quyết đảng ủy cho cán bộ,
chiến sĩ toàn đơn vị và bắt đầu công tác chuẩn bị. Một bầu không khí mới tràn
ngập trung đoàn, đi đến đâu cũng chỉ thấy câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất
là sắp được đi chiến đấu, là “ai đi, ai ở”. Chỉ sau có một ngày phát động mà
trung đoàn đã nhận được hàng trăm “quyết tâm thư” xin đi chiến đấu, có cả đơn
viết bằng máu. Mặc dù chưa có quyết định chính thức nhưng cánh các đại đội xe
tăng bơi được dịp “vênh váo” tợn, cứ như là đã lập được công lớn rồi.
Ba đại đội xe tăng bơi PT76 từ ba tiểu đoàn của trung
đoàn H03 được rút ra để thành lập một tiểu đoàn mới. Mặc dù chưa công bố quyết
định thành lập nhưng tiểu đoàn này đã được tập trung về một địa điểm mới ở
Lương Sơn, Hòa Bình. Nơi trú quân của tiểu đoàn là một doanh trại cũ nằm sâu
trong một thung lũng cách đường quốc lộ 6 chừng hai ki- lô- mét. Đây là một vị
trí khá lý tưởng cho công tác huấn luyện bổ sung vì địa hình ở đây có những nét
tương đồng với vùng Tây Quảng Trị, những dãy đồi thấp trải dài dọc đường 21 lên
đến tận sân bay Hòa Lạc là thao trường lý tưởng cho nội dung huấn luyện “tiến
công địch phòng ngự vững chắc trên các điểm cao có lợi thế về chiến thuật”.
Ngoài ra, từ đây khi có lệnh đơn vị sẽ nhanh chóng cơ động theo trục đường
chiến lược 21 để bắt vào đường 15 đi vào phía Nam . Còn một lý do nữa là ở đây khá
an toàn, từ ngày chuyển về đây chưa lúc nào thấy máy bay phản lực Mỹ hỏi thăm,
thảng hoặc chỉ thấy tiếng bom nổ vọng về từ mạn Hà Đông, Hà Nội.
Ngay sau khi tập trung về vị trí mới và ổn định chỗ ăn
chỗ ở ban chỉ huy tiểu đoàn đã xác định nội dung công tác quan trọng nhất lúc
này là tập trung bảo dưỡng, sửa chữa trang bị vũ khí. Tiểu đoàn trưởng “Tân
Râu” bảo: “lính binh chủng kỹ thuật mà không chăm lo trang bị vũ khí thì khác
nào người nông dân không quan tâm đến con trâu, cái cày; người công nhân không
quan tâm đến máy móc, dụng cụ... Nhiệm vụ lâu dài chưa biết thế nào, còn trước
mắt xe pháo phải tốt cái đã”. Chính vì vậy tiểu đoàn phó kỹ thuật Thiên là
người tất bật nhất. Xe pháo tuổi thọ đã cao, mấy năm vừa qua toàn ở chỗ sơ tán
điều kiện chăm sóc, bảo dưỡng không được thường xuyên... nên một số cụm máy,
chi tiết đã bị xuống cấp rất cần sửa chữa, thay thế. Vì vậy ngay từ khi anh em
trong đơn vị còn đang tập trung ổn định chỗ ăn, ở thì Thiên đã triệu tập các
đại đội phó kỹ thuật và kỹ thuật viên toàn tiểu đoàn tới phòng họp. Chẳng rào
đón gì anh vào đề luôn:
- Chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc hành quân hàng
nghìn cây số và làm nhiệm vụ chiến đấu tiếp theo. Vì vậy xe pháo phải thật tốt.
Thế mà xe của tiểu đoàn ta như các anh đã biết cũng đã xuống cấp nhiều. Nhiệm
vụ của chúng ta là phải khôi phục, củng cố và nâng cấp đến mức tốt nhất theo
khả năng. Bộ tư lệnh và trung đoàn sẽ hỗ trợ tối đa về thợ và vật tư kỹ thuật.
Tuy nhiên, để có cơ sở đề nghị cấp trên chúng ta phải tổ chức khảo sát thật cụ
thể tình trạng từng xe, trên cơ sở đó xác định nội dung công việc cần làm và
khối lượng vật tư, khí tài cần thiết. Các anh có ý kiến gì không?.
Các đại đội phó kỹ thuật nhìn nhau rồi đều gật đầu:
- Nhất trí thôi!
Thiên mở sổ tay ghi chép mấy dòng rồi nói:
- Thế thì ngay từ bây giờ chúng ta sẽ lập thành một tổ
kỹ thuật đi đến khảo sát ở từng xe. Hôm nay ta làm ở đại đội 3, ngày mai ở đại
đội 6 và ngày kia ở đại đội 9. Tôi phân công thế này: tôi phụ trách chung, các
kỹ thuật viên phụ trách phần xe, các đại đội phó và quân khí viên phụ trách
phần vũ khí, đồng chí trợ lý thông tin phụ trách mảng điện đài, tổng hợp ghi
chép kết quả do đồng chí trợ lý kỹ thuật chịu trách nhiệm. Các anh thấy thế có
được không?
Đại phó kỹ thuật đại đội 3 có ý kiến:
- Theo tôi tiểu đoàn nên đề nghị cơ quan kỹ thuật
trung đoàn tăng cường thêm lực lượng. Tôi biết ở trên đó có một số đồng chí rất
giỏi về kỹ thuật.
Tiểu đoàn phó Thiên gật đầu:
- Đồng ý! Báo cáo các đồng chí! Tôi đã đề nghị trung
đoàn rồi, các đồng chí đã đồng ý tăng cường cho tiểu đoàn ta ba chuyên gia giỏi
về xe máy, về vũ khí và về điện đài; ngoài ra còn tăng cường ba công trình xa
về sửa chữa, bảo dưỡng và một tổ thợ. Các anh ấy hẹn hôm nay sẽ xuống để cùng
làm việc nhưng không hiểu sao giờ này vẫn chưa tới. Theo tôi ta cứ đi làm
trước, các anh ấy xuống lúc nào thì sẽ nhập vào luôn. Bây giờ “xê Ba” về cho
lái xe ra trực sẵn ở xe đi. Còn các anh có cần thay quần áo công tác thì thay
đi, 5 phút nữa có mặt tại đây.
Cả mấy anh em nhìn nhau phá ra cười: tất cả đều trong
bộ quần áo công tác nhem nhuốc dầu mỡ rồi. Đại phó kỹ thuật đại đội 9 chỉ vào
Thiên:
- Có anh cần thay thì thay chứ bọn tôi lúc nào chả
quần áo công tác!
Đúng lúc ấy có tiếng xe rì rì ngoài cổng. Mọi người
ngoảnh cả ra: một chiếc xe công trình to kềnh càng đang lừ lừ bò vào sân. Xe
vừa dừng đã thấy mấy cán bộ kỹ thuật của trung đoàn nhảy xuống. Tiểu đoàn phó
Thiên mừng rỡ:
- Các “bố” này đúng hẹn ghê!- Quay lại chỗ các cán bộ
của mình anh bảo- Thôi, các anh ra lán xe “xê Ba” trước đi, lát nữa tôi sẽ ra.
Nói xong anh hồ hởi chạy ra đón ba cán bộ kỹ thuật
trung đoàn, chẳng phải ai xa lạ- đó toàn là những người bạn học với anh từ nước
ngoài về.
***
Mấy hôm sau tiểu đoàn nhận được thông báo: “Ngày 19
tháng 8 năm 1967 binh chủng sẽ xuống công bố quyết định thành lập tiểu đoàn”. Chính
trị viên Tuấn bàn với tiểu đoàn trưởng Tân:
- Tôi nghĩ rằng đây là một dịp rất có ý nghĩa. Lại rất
may ngày đó trùng vào ngày kỷ niệm cách mạng Tháng Tám nên theo tôi ta nên tổ
chức thật trọng thể, vừa công bố quyết định vừa kỷ niệm cách mạng Tháng Tám
luôn.
“Tân Râu” hào hứng gật đầu:
- Tôi hoàn toàn nhất trí! Để tôi bảo hậu cần chuẩn bị,
hôm ấy ta cho anh em liên hoan một bữa luôn.
Ngồi lặng đi một lát như nhẩm tính điều gì đó chính
trị viên Tuấn tiếp:
- Tôi định thế này: ngày hôm đó ta cho anh em nghỉ và
hoạt động vui chơi giải trí. Cụ thể: buổi sáng mít tinh, buổi trưa liên hoan
mặn, chiều ta cho bộ đội thi đấu thể thao, buổi tối liên hoan văn nghệ. Anh xem
thế có được không?.
- Tốt quá đi chứ! Chỉ sợ gấp quá chuẩn bị không kịp
thôi.
- Nếu anh đồng ý chiều nay trong giao ban ta sẽ thông
báo luôn để các đơn vị tập trung làm công tác chuẩn bị. Tôi biết các đại đội
này đều có phong trào văn thể sôi nổi từ lâu rồi.
- Được! Ta thống nhất thế nhé! Cũng phải cho anh em
“nó” nghỉ ngơi một hôm. Từ hôm về đây anh em đã vất vả quá rồi, còn mấy ngày
tới tập trung làm công tác kỹ thuật chắc sẽ còn vất vả hơn.
Quả thật, đó là những ngày hết sức vất vả của cán bộ,
chiến sĩ toàn tiểu đoàn. Quang cảnh khu xe của đơn vị lúc này như một đại công
trường. Tất cả các xe truyền động mở tung, ba công trình xa được huy động đến
phục vụ sửa chữa, toàn bộ cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn cộng với lực lượng tăng
cường của cơ quan kỹ thuật cấp trên và
đại đội 11 của trung đoàn đang cật lực chạy đua với thời gian để đảm bảo đơn vị
sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Theo kết quả khảo sát của tổ kỹ
thuật có 3 xe phải thay động cơ, 4 xe phải sửa chữa ly hợp chuyển hướng, 6 xe
phải sửa chữa ly hợp chính, 1 xe phải sửa hộp số bơi; ngoài ra 100% xe phải bảo
dưỡng cấp 3, hàn giá súng cao xạ, hàn giá thùng dầu phụ và kiểm tra dầu hơi của
bộ phận hãm lùi đẩy lên. Căn cứ vào kết quả đó tiểu đoàn phó kỹ thuật Thiên đã
lên một kế hoạch rất chi tiết, anh cho thành lập các tổ thợ chuyên trách cho từng nhiệm vụ một,
riêng công việc bảo dưỡng theo nội dung cấp 3, bổ sung nhiên liệu, dầu, mỡ và
đưa đạn vào xe thì do thành viên các xe tự đảm nhiệm. Kế hoạch của anh là hoàn
thành mọi công tác chuẩn bị về kỹ thuật sẽ xong trước ngày công bố quyết định
thành lập tiểu đoàn.
Thật may cho kíp xe 567 là xe không có hỏng hóc gì lớn.
Khối lượng công việc bảo dưỡng cấp 3 tuy nhiều nhưng vừa rồi xe lại được bổ
sung thêm Thắng- một lái xe dự bị vừa mới ra trường nên theo như lời trưởng xe
Nhã là “không vấn đề gì!”. Ngay ngày đầu tiên Nhã đã phân công:
- Cân chịu trách nhiệm kiểm tra thiết bị động lực và
truyền động. Thắng kiểm tra bộ phận hành động, nhớ là phải xem từng mắt xích
một, mảnh nào nứt vỡ phải đánh dấu lại để thay. Sau đó bơm mỡ bánh chịu nặng và
các điểm làm nhờn khác. Tớ và Hòa chịu trách nhiệm phần vũ khí, điện đài. Những
công việc nặng như thay xích, thông nòng pháo, xếp đạn vào xe... thì cả xe xúm
vào làm. Thế được chưa?.
Hòa lẩm bẩm:
- Vẽ chuyện! Chức trách thằng nào thì cứ thế mà làm.
- Đã đành là thế nhưng cũng phải phân công cho rõ ràng
để nâng cao trách nhiệm chứ!- Nhã phân trần.
Thực ra công việc bảo dưỡng kỹ thuật đã trở thành nề
nếp ở binh chủng này từ ngày thành lập đến nay, chẳng cần cán bộ phải nói nhiều
anh em tùy theo chức trách đều hiểu rõ nội dung công việc của mình và tự giác
làm. Vì vậy ngay sau khi được phân công ai đã vào việc nấy. Cân cầm mấy cái cờ-
lê chui vào buồng truyền động, miệng vui vẻ huýt sáo bài “Anh vẫn hành quân”.
Thắng cầm búa đi gõ gõ xem xét từng mảnh xích. Nhã chui vào buồng chiến đấu
tháo khóa nòng pháo để chuẩn bị niêm. Hòa thì vác khẩu đại liên K53 đưa lên đầu
xe và tháo tung ra. Vừa tỷ mỷ lau chùi từng bộ phận Hòa vừa tỷ tê nói chuyện
với Thắng:
- Này Thắng! Sao cậu có bộ quần áo công tác mới thế?.
Mắt vẫn không ngừng săm soi từng mảnh xích Thắng vui
vẻ trả lời:
- Ôi trời! Mới mẻ gì! Sau hôm thi đạt cấp xong em đem
ngâm một ngày dưới ao, rồi giặt mất hẳn nửa bánh xà phòng mới được như thế này
đấy! Hôm nay mặc vào thấy sướng cả người.
- Thế đã bị hắc lào chưa?- Hòa hạ giọng.
Thắng nhìn trước nhìn sau rồi mới trả lời vẻ bí mật:
- Sao anh biết? Đúng là em bị rồi, một mảng to ở bụng
đây này, giờ vẫn chưa khỏi.
- Được rồi, để tớ chữa cho- Hướng về xe bên cạnh Hòa
cao giọng- Này, bên ấy có cồn i- ốt không đấy...
Thắng vội đứng thẳng lên:
- Chết! Anh nói nho nhỏ chứ!
Hòa nhăn răng cười:
- Có quái gì mà xấu hổ. Lính xe tăng không bị hắc lào
mới là lạ chứ bị là chuyện bình thường. Cậu cứ đi hỏi mà xem, một trăm thằng
thì bị cả trăm.
Thắng gật đầu công nhận:
- Đúng thật! Hồi học lái xe tiểu đội em có mười thằng
thì cả mười đều bị. Thế các anh chữa bằng cách nào?
Hòa cười cợt:
- Có gì đâu, cứ lấy nước điếu bôi vào là khỏi hết.
Vẫn lắng tai nghe câu chuyện của hai thành viên Nhã
tủm tỉm cười một mình. Đúng là cái “ải hắc lào” thì gần như trăm phần trăm lính
xe tăng phải trải qua. Hồi mới nhập ngũ anh cũng đã khốn khổ vì nó. Có gì đâu,
mỗi năm được phát một bộ quần áo công tác. Chỉ sau vài lần rúc buồng truyền
động bảo dưỡng xe đã ngấm đầy dầu mỡ, rồi mồ hôi, rồi bắt bụi... nên mới vài tuần
đã dày cộp như mo nang và tỏa đủ các thứ mùi. Chả thế chị em phụ nữ quanh doanh
trại 92 có câu ca: “Hoài đời mà lấy lính
tăng, Đi ba cây số còn hăng mùi dầu”. Quần áo như thế mà ngày nào cũng phải
khoác vào thì đúng như Hòa nói: “không hắc lào mới là lạ”. Biết như vậy nên các
thủ trưởng binh chủng rất quan tâm đến căn bệnh này. Bộ tư lệnh đã chỉ đạo cho
ban quân y nghiên cứu kết hợp cả đông tây y để điều trị nên kết quả rất tốt.
Tuy nhiên đối với số lính mới, da thịt còn non tơ, cường độ huấn luyện lại cao
nên thường vẫn mắc. Anh em lại xấu hổ nên hay giấu, bệnh vì thế càng dai dẳng.
Nhưng đến khi nghe Hòa xui Thắng bôi nước điếu thì anh phải nhô đầu ra can
thiệp:
- Thôi! Cậu Hòa đừng trêu nó nữa! Còn Thắng cứ yên
tâm, tớ đảm bảo sẽ chữa khỏi cho cậu trong vòng một tuần.
Thắng phấn khởi ra mặt:
- Thật không anh? Nhiều lúc ngứa ngáy em tưởng không
thể chịu được nữa.
- Tớ đảm bảo mà. Nhưng cậu cũng phải chú ý giữ gìn
không lại để lây sang các anh em khác đấy.
- Vâng ạ!- Thắng nhanh nhảu trả lời.
Đúng lúc ấy chiếc xe chở đạn rì rì chạy đến. Nhã hô:
- Tất cả bỏ đấy! Ra chuyển đạn vào xe đã!
Mọi người dừng công việc đang dở đến tập trung sau
chiếc xe tải. Từng hòm đạn được cánh vận tải cùng kíp xe chuyển xuống xếp bên
cạnh xe. Một loáng đã xong, chiếc xe đạn lại tiếp tục lăn bánh. Nhã bảo:
- Bây giờ tập trung lau đạn, lắp ngòi nổ xong rồi mới
xếp vào xe. Cân đem hết giẻ sạch ra đây! Tớ với Cân một nhóm, còn Hòa với Thắng
một nhóm. Bắt đầu đi!
Cân chui vào trong xe vơ vét đem gia được một nhúm giẻ
sạch. Nhã nhăn nhó:
- Sao chỉ được một dúm thế kia?.
Cân trề môi:
- Đấy là toàn bộ giẻ đại đội chia cho đấy! Cậu tưởng
nhiều lắm à?
- Thôi, có bao nhiêu dùng bấy nhiêu vậy- Nhã tặc lưỡi.
Vừa mở nắp hòm đạn ra Thắng đã xuýt xoa:
- Ôi! Đẹp thế!- Vừa nói Thắng vừa đưa tay xoa xoa lên
cái vỏ đồng thau vàng ươm của viên đạn pháo.
Hòa đen giật giọng:
- Cẩn thận! Nó nổ bây giờ thì chết tất!
Thắng rụt tay lại như phải bỏng, mặt tái mét. Nhã lại
phải nhắc Hòa:
- Thôi! Đừng trêu nó nữa!- Quay sang Thắng anh bảo-
Đừng sợ, nó không nổ đâu! Cầm lấy giẻ, lau hết mỡ đi như thế này này!- Vừa nói
anh vừa làm mẫu cho Thắng.
Thắng vừa nhìn vừa rón rén làm theo. Hòa cười:
- Thử thần kinh cậu tý thôi. Mà nhát gan thế đi đánh
nhau thế nào được?.
- Thì tại bây giờ em mới được sờ vào viên đạn pháo đấy
chứ! Từ hồi vào đoàn 10 chỉ được học lái xe thôi, có biết gì đến súng đạn đâu-
Thắng phân trần.
Nhã an ủi:
- Cậu cứ yên tâm! Rồi dần dần sẽ tìm hiểu thêm.
Bốn anh em mất gần một tiếng mới lau và lắp ngòi nổ
xong cho đống đạn pháo. Nhã phân công Thắng ở dưới đất đưa đạn lên thành xe,
Cân chuyển vào cửa tháp pháo, còn anh và Hòa ở trong buồng chiến đấu cố định
đạn vào giá. Những viên đạn vàng chóe, sáng bóng trông thật sướng mắt. Các xe
bên cạnh cũng đang túi bụi, tuy vậy lúc nào cũng râm ran tiếng nói cười như nhà
có cỗ.
***
Buổi lễ mít tinh kỷ niệm cách mạng tháng Tám và công
bố quyết định thành lập tiểu đoàn được tổ chức giản dị nhưng trang nghiêm ngay
tại sân bóng của đơn vị. Trước cửa nhà chỉ huy tiểu đoàn là tấm bạt xe tăng
được căng lên, trên đó nổi bật hàng chữ đỏ: “Lễ
kỷ niệm 32 năm ngày cách mạng tháng Tám và công bố quyết định thành lập tiểu
đoàn 198”. Chếch về bên trái là tấm ảnh Bác Hồ được đóng khung trang trọng.
Phía trước tấm bạt là một dãy bàn được phủ bằng vải nhựa đi mưa, trên đó có mấy
bát hoa rừng đủ loại sặc sỡ sắc mầu. Cách dãy bàn mấy bước là cột cờ làm bằng
một cây luồng cao vút, trên đỉnh cột lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trong
nắng sớm. Chếch về bên phải là bục diễn giả được làm bằng một cái tủ cá nhân và
cũng được phủ vải nhựa. Tuy giản dị nhưng cũng khá tươm tất. Đây chính là tác
phẩm của lái xe Cân. Ngoài tài làm thơ “cậu tú” Cân còn có đôi tay khá tài hoa và
rất đắc dụng trong các dịp lễ, tết của đơn vị. Buổi chiều hôm qua Cân đã được
tiểu đoàn trưng dụng lên cắt khẩu hiệu và trang trí cho buổi lễ. Lúc được nghe
chính trị viên Tuấn giao nhiệm vụ Cân sửng sốt:
- Tiểu đoàn mình có tên là 198 à chính trị viên?.
Tuấn cười đắc ý:
- Cậu thấy cái tên đó thế nào? Có ý nghĩa không?.
- Ý nghĩa quá đi chứ! Chắc các thủ trưởng lấy ngày kỷ
niệm cách mạng tháng Tám để đặt tên cho tiểu đoàn mình. Lên đường ra chiến
trường giữa mùa Thu lịch sử lại được mang cái tên này thì còn gì bằng.
- Cậu cố gắng làm một bài thơ về đề tài này để động
viên sĩ khí anh em nhé!
- Vâng! Em sẽ cố gắng!- Cân gật gù ra vẻ tâm đắc lắm.
Thực ra khi chuẩn bị công văn đề nghị Bộ ra quyết định
thành lập tiểu đoàn trình lên thủ trưởng bộ tư lệnh ban quân lực đã lựa chọn
phiên hiệu của đơn vị này là tiểu đoàn 4. Nhưng dường như đã có sự trao đổi,
bàn bạc trước nên vừa đọc qua bản dự thảo quyết định quyền tư lệnh Đào đã hỏi
độp một câu:
- Thế các anh không nghĩ ra một cái tên nào cho nó có
ý nghĩa một chút à?.
Bị hỏi đột ngột trưởng ban quân lực Hạ lâm vào thế bí:
- Dạ! Chúng tôi nghĩ dù sao tiểu đoàn này cũng thuộc
H03. Mà “nó” đã có 3 tiểu đoàn 1, 2, 3 rồi nên thêm một tiểu đoàn nữa thì cứ
đặt là tiểu đoàn 4 thôi ạ!
- Kể cũng không sao nhưng đây là một đơn vị đặc biệt
đi làm một nhiệm vụ cũng rất đặc biệt nên có lẽ nên chọn một cái tên khác cho
có ý nghĩa hơn- Dừng lại một chút thấy vẻ mặt trưởng ban Hạ vẫn có vẻ chưa hiểu
ông gợi ý- Anh có biết trong tháng Tám này có ngày kỷ niệm nào không?.
Không cần nghĩ ngợi nhiều Hạ trả lời ngay:
- Tháng Tám là tháng của mùa Thu cách mạng, ngày 19 là
ngày thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945. Hay là ta đặt tên cho “nó” là
198.
Quyền tư lệnh Đào thản nhiên:
- Anh cũng thông minh đấy! Về làm lại công văn đi rồi
đưa ngay lên cho tôi ký.
Và thế là tiểu đoàn này được mang tên là tiểu đoàn
198.
***
Về dự lễ mít tinh và công bố quyết định thành lập tiểu
đoàn hôm nay có khá đông khách. Ban chỉ huy Trung đoàn H03 gần như đủ mặt.
Ngoài ra còn có đại biểu các đơn vị bạn và đại biểu địa phương. Mọi người đang
ngồi trong nhà ban chỉ huy đợi đại biểu bộ tư lệnh. Công vụ tiểu đoàn phải chạy
xuống nhà ăn lấy thêm ghế băng mới đủ cho đại biểu ngồi.
Lúc này bộ đội đã tề tựu quanh sân bóng và túm năm,
tụm ba nói chuyện rào rào. Cánh cán bộ thì chuyện trò nho nhỏ, mặt mũi anh nào
cũng tỏ ra quan trọng. Còn đám lính trẻ thì đùa cợt, trêu chọc nhau chí chóe,
có chỗ còn đuổi nhau như trẻ con chơi trốn tìm. Có điều giống nhau là anh nào
anh ấy trông thật bảnh bao trong những bộ quân phục mới còn nguyên nếp gấp. Chả
bù cho suốt một tuần qua ngày nào cũng bộ quần áo công tác hôi mù. Dưới nhà bếp
một con lợn tạ đang được đám anh nuôi vật ra chọc tiết. Tiếng lợn kêu “eng éc”
làm cánh lính trẻ thêm phấn khích. To mồm nhất vẫn là Hòa đen:
- Hôm nay nhà có cỗ nhé! Cánh ta lại được vần “bánh
chịu nặng”(Lính xe tăng hay gọi
đùa món lòng lợn bằng cái tên “bánh chịu nặng”)
rồi. Tay nào có thuốc lá cho tớ một điếu chốc
tớ nhường cho hẳn hai cái.
Tiếng ai đó trêu:
- Hôm nay thịt hẳn con lợn hơn tạ, việc quái gì phải
đổi thuốc lấy “bánh chịu nặng” của cậu.
Hòa vẫn nhăn nhở:
- Nhớ lấy nhé! Tớ vừa hỏi cậu quản lý rồi. Hôm nay chỉ
được ăn cỗ lòng thôi, còn thịt đem muối để ăn dần đấy!
Mấy cái mặt đang hớn hở xịu cả xuống:
- Tưởng được bữa tươi, ai ngờ...
Đang nói chuyện cùng cánh cán bộ Nhã vẫn phải quay ra
nhắc Hòa:
- Cái cậu này! Lúc nào cũng tếu được- Anh hơi cao
giọng hướng về phía mấy khuôn mặt ỉu xìu- Cứ yên tâm! Hôm nay tiểu đoàn cho
liên hoan to đấy.
Hòa tức:
- Cái bố này! Chỉ phá đám, sắp có thuốc hút rồi thì bị
lão quấy.
Đúng lúc đó một chiếc xe com- măng- ca chạy thẳng vào
cổng rồi dừng trước sân. Từ trong nhà các cán bộ trung đoàn H03 và tiểu đoàn
cùng bước ra đón khách. Từ trên xe bước xuống là tham mưu trưởng Dương, chủ
nhiệm chính trị Thu và chủ nhiệm hậu cần- kỹ thuật Nhật. Chính ủy Kim vồn vã:
- Chắc các thủ trưởng phải đi sớm lắm?.
Chủ nhiệm chính trị Thu cười:
- Đến với tiểu đoàn này thì dù có đi cả đêm bọn tớ
cũng phải đi- Ngó quanh một lượt ông vui vẻ- cũng hoành tráng ra phết đấy chứ
nhỉ?
Chính trị viên Tuấn xởi lởi:
- Ngày hôm nay đối với anh em trong tiểu đoàn là một
ngày rất có ý nghĩa nên chúng tôi cũng bàn nhau phải làm cho thật trọng thể.
Tiểu đoàn trưởng Tân lên tiếng:
- Mời các thủ trưởng vào trong nhà uống chén nước đã!
Ta cứ từ từ, không đi đâu mà vội cả.
Anh giơ tay mời cả đoàn về phía nhà ban chỉ huy. Vẫn
đi nhưng chủ nhiệm hậu cần- kỹ thuật Nhật nôn nóng:
- Anh Tân! Tình hình củng cố, bảo dưỡng xe máy thế nào
rồi?
- Thủ trưởng cứ yên tâm! Đến chiều hôm qua chúng tôi
đã hoàn thành kế hoạch công tác kỹ thuật. Chốc nữa mời các thủ trưởng đi kiểm
tra.
- Các cậu làm nhanh thế cơ à?- Tham mưu trưởng Dương
góp chuyện.
- Báo cáo thủ trưởng! Nhờ có sự chi viện đắc lực của
bộ tư lệnh và trung đoàn nên chúng tôi mới hoàn thành được kế hoạch đấy ạ!
***
Tầm chín giờ, nắng thu rực rỡ rải vàng khắp khu doanh
trại. Gió từ khe núi phía trước thổi qua mặt hồ từng cơn phóng khoáng làm lá cờ
trên đỉnh cột cao tung bay phần phật. Toàn tiểu đoàn đã hàng ngũ chỉnh tề đón
chủ tịch đoàn ra vị trí bằng một tràng vỗ tay dài.
Buổi mít tinh được bắt đầu bằng lễ chào cờ. Sau khẩu
lệnh “Nghiêm! Chào cờ! Chào!” của tiểu đoàn trưởng Tân tất cả mọi người đứng
nghiêm hướng lên lá quốc kỳ đang bay phấp phới trên nền trời thu xanh ngắt. Giai
điệu trầm hùng của bài “Tiến quân ca” vang lên từ hơn một trăm lồng ngực trẻ
lúc đầu còn nho nhỏ, đến đoạn “...Tiến
mau ra sa trường...” bỗng thành cao trào như đã được dồn nén từ lâu lắm.
Sau lời giới thiệu của trợ lý chính trị tiểu đoàn
chính trị viên Tuấn lên đọc diễn văn chào mừng kỷ niệm cách mạng tháng Tám.
Bằng những lời lẽ rất ngắn gọn anh tóm tắt diễn biến và ý nghĩa to lớn của cuộc
cách mạng vĩ đại 32 năm về trước. Anh cũng nêu rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ
ngày nay là phải đem hết sức mình bảo vệ những giá trị cao đẹp mà cách mạng
tháng Tám đã mang lại.
Tiếp theo phần mít tinh tham mưu trưởng Dương lên công
bố quyết định thành lập tiểu đoàn. Theo quyết định này tiểu đoàn 198 sẽ có 3
đại đội là đại đội 3, đại đội 6 và đại đội 9. Ông cũng công bố luôn quyết định
bổ nhiệm cán bộ tiểu đoàn và các đại đội. Theo đó, tiểu đoàn trưởng là Hà Tiến
Tân, chính trị viên là Bùi Ngọc Tuấn, các tiểu đoàn phó là Phụng, Thiên, Triệu,
Dự; đại đội trưởng đại đội 3 là Phan Văn Hải, đại đội trưởng đại đội 6 là Bùi
Đức Tịnh, đại đội trưởng đại đội 9 là Ngô Xuân Nghi. Sau khi đọc xong quyết định ông nói thêm:
- Thưa toàn thể các đồng chí! Cách đây 32 năm dân tộc
ta đã tiến hành một cuộc cách mạng long trời lở đất. Cuộc cách mạng đó đã đem
lại độc lập cho đất nước ta, tự do cho nhân dân ta và ngày 19 tháng 8 đã đi vào
lịch sử như một dấu son không bao giờ
phai mờ. Bộ tư lệnh đã quyết định chọn ngày đó làm phiên hiệu cho tiểu đoàn các
đồng chí. Được mang cái tên này là một vinh dự to lớn đối với mỗi cán bộ chiến
sĩ trong tiểu đoàn. Nhân dịp này, thay mặt thủ trưởng Bộ tư lệnh tôi xin chúc
toàn thể các đồng chí luôn mạnh khỏe, đoàn kết, phát huy cao độ tinh thần cách mạng
tháng Tám để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Toàn tiểu đoàn vỗ tay như sấm dạy sau lời chúc của
tham mưu trưởng.
Đợi cho ông Dương về đến chỗ ngồi chính trị viên Tuấn
mới đứng dạy mời chủ nhiệm chính trị lên động viên bộ đội. Chủ nhiệm chính trị
Thu khoan thai tiến lại bục diễn đàn, dáng ông vốn đạo mạo hôm nay lại càng
trang trọng. Là chính ủy trung đoàn xe tăng đầu tiên và bây giờ là chủ nhiệm
chính trị binh chủng ông đã nếm trải những thăng trầm của bộ đội tăng thiết
giáp suốt từ ngày thành lập đến nay, ông cũng là người thấu hiểu và thông cảm
sâu sắc với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, khi được mời lên
động viên cán bộ chiến sĩ đơn vị xe tăng đầu tiên có vinh dự lên đường vào Nam
chiến đấu ông xúc động đến nghẹn lời:
- Thưa toàn thể các đồng chí! Ngay sau khi kháng chiến
chống Pháp thắng lợi Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trường xây dựng một quân đội
chính quy, từng bước tiến lên hiện đại đủ sức cùng toàn dân thực hiện thắng lợi
hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng miền
Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Với chủ trương
đó nhiều cán bộ, chiến sĩ ưu tú đã được chọn lọc cử đi học ở nước ngoài để làm
nòng cốt cho việc thành lập các quân, binh chủng mới trong đó có binh chủng
thiết giáp chúng ta. Được đánh giá là lực lượng đột kích quan trọng của lục
quân chúng ta hy vọng sẽ sớm có mặt tại chiến trường để góp sức cùng đồng bào
miền Nam
nhanh chóng đánh đuổi giặc Mỹ giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Đó là
nguyện vọng cháy bỏng của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nguyện vọng
đó chưa trở thành hiện thực...
Nói đến đây giọng ông như nghẹn lại, ông phải đằng
hắng mấy cái rồi mới tiếp tục được. Ông nhắc đến những khó khăn trở ngại của
việc đưa xe tăng vào sử dụng ở chiến trường; ông nhắc đến việc binh chủng phải
cử nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ tay không vào Nam để “lấy xe địch đánh địch”;
ông nhắc đến những đơn vị phải niêm xe tăng nhận pháo cao xạ đi bắn máy bay,
đến những đơn vị bảo vệ bờ biển và địa đầu giới tuyến. Cuối cùng ông kết luận:
- Và bây giờ nguyện vọng cháy bỏng của chúng ta đã trở
thành hiện thực: tiểu đoàn của các đồng chí là đơn vị đầu tiên lãnh nhận nhiệm
vụ vào chiến trường tham gia chiến đấu. Đây là một vinh dự lớn lao song cũng là
một trách nhiệm hết sức nặng nề đặt lên vai các đồng chí. Các đồng chí mà ra
quân đánh thắng trận đầu giòn giã sẽ khẳng định được vai trò, vị trí của xe
tăng trong chiến đấu, sẽ mở đường cho những đơn vị tiếp theo lên đường ra chiến
trường và nhất là sẽ tạo đà phát triển cho binh chủng chúng ta trong tương lai-
Bất chợt ông ngẩng đầu lên hỏi rõ to- Các đồng chí có hiểu trách nhiệm của mình
không?
Cả tiểu đoàn hô muốn vỡ cổ họng:
- Có!
- Vậy thì tốt! Bây giờ tôi xin phép sửa lại bài thơ
trên báo tường của đại đội 9 hồi Tết năm ngoái nhé: “Tiếng súng Đông Xuân sắp nổ rồi; Binh đoàn thiết giáp chẳng ngồi chơi;
Sông Hồng, núi Tản đang vẫy gọi, Xốc tới lập công thiết giáp ơi”. Thế có
được không?.
Một tràng pháo tay lại nổi lên như sấm dạy, chủ nhiệm
chính trị Thu cúi đầu chào rồi khoan thai rời khỏi diễn đàn. Khi ông về gần đến
chỗ ngồi thì chính trị viên Tuấn bước tới đưa hai tay bắt tay người thủ trưởng
thật chặt, sau đó anh bước tới bục diễn giả:
- Kính thưa các thủ trưởng! Kính thưa các đồng chí đại
biểu! Thưa toàn thể các đồng chí! Thay mặt cán bộ chiến sĩ toàn tiểu đoàn tôi
xin cảm ơn sự có mặt và những lời động viên, khuyến khích của thủ trưởng và các
đồng chí đại biểu. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 198 chúng tôi xin hứa sẽ đem hết
sức mình chiến đấu, công tác để không phụ lòng tin của các thủ trưởng Bộ tư lệnh,
của binh chủng; để xứng đáng với cái tên vinh quang của mình. Các đồng chí có
quyết tâm không?.
- Quyết tâm!- Hơn một trăm con người đồng thanh hô,
tiếng hô vọng vào vách núi rồi dội lại như có cả một đoàn người đông đảo đứng ở
đâu đó hô theo.
Cuối cùng tiểu đoàn trưởng Tân đứng dạy, anh không lên
bục mà đứng tại chỗ, cái giọng vốn đã khàn nay lại càng khàn không biết vì xúc
động hay vì mấy ngày vừa rồi hò hét nhiều quá:
- Kính thưa các thủ trưởng và các đồng chí đại biểu!
Thưa toàn thể các đồng chí! Thật vinh dự cho tiểu đoàn chúng ta được mang phiên
hiệu 198, và cũng thật vinh dự khi chúng ta được là đơn vị xe tăng đầu tiên đi
làm nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam . Toàn tiểu đoàn chúng ta cũng
đã bày tỏ quyết tâm sẽ phấn đấu hết mình để xứng đáng với vinh dự đó. Tuy
nhiên, để đạt được điều đó chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Vừa qua chúng
ta đã làm được một việc rất lớn là khôi phục kỹ thuật xe pháo. Tới đây chúng ta
còn phải tiếp tục thực hiện một khối lượng công việc rất lớn nữa là: hoàn thành
các nội dung huấn luyện bổ sung, tiếp nhận các loại vật tư, khí tài và lương
thực thực phẩm v.v... Tiểu đoàn sẽ lập kế hoạch chi tiết để các đại đội và
trung đội tổ chức thực hiện. Bộ tư lệnh quy định toàn bộ công tác chuẩn bị của
chúng ta phải hoàn thành trong tháng 9 để sẵn sàng lên đường trong tháng 10.
Như vậy thời gian chuẩn bị chỉ còn hơn một tháng. Thời gian thì gấp gáp, công
việc thì nhiều, điều kiện sinh hoạt còn rất khó khăn... nên chúng tôi đề nghị
mỗi tập thể, mỗi cá nhân trong tiểu đoàn hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm,
đoàn kết hiệp đồng giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Còn trưa nay toàn
tiểu đoàn sẽ liên hoan mặn- Đến đây Tân phải dừng lại chờ cho tiếng ồn hoan hỷ
dưới hàng quân lắng đi rồi tiếp- Chiều nay sẽ tổ chức thi đấu bóng đá, tối nay
liên hoan văn nghệ.
Chẳng đợi tiểu đoàn trưởng nói hết câu tiếng vỗ tay đã
dạy lên như sấm. Từ phía nhà bếp của tiểu đoàn bộ mùi xào nấu đã bay lên thơm
lừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét