Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 28


1.     Mãnh hổ chờ thời


Khu vực trú quân mới của tiểu đoàn xe tăng 408 nằm ở phía Bắc sân bay A Lưới, cách sân bay chừng 5 cây số. Đó là một dãy đồi thấp tựa lưng vào dãy  Trường Sơn hùng vĩ, cách đường 14 khoảng 40 phút đi bộ. Từ đường 14 đi vào gặp trước hết là đại đội Ba. Đi sâu chừng nửa cây nữa có một ngã ba, đi thẳng thì lên tiểu đoàn bộ, rẽ trái là về đại đội Bốn. Toàn tiểu đoàn hình thành thế chân vạc, mỗi đại đội cách nhau chừng cây rưỡi, hai cây số. Tiểu đoàn bộ và đại đội Ba dùng chung nước của một con suối lớn bắt nguồn từ dãy A Bia, còn đại đội Bốn dùng nước của một con suối nhỏ phía sau quả đồi. Con đường vào tiểu đoàn lúc đầu chỉ là đường mòn của bà con dân tộc Pa Ko, hai bên là bạt ngàn lau lách. Xe tăng cứ bám theo đường mòn đi đi lại lại mấy lần thành một con đường khá rộng rãi.
Về đến vị trí trú quân mới công việc đầu tiên vẫn là làm hầm người, hầm xe- cái điệp khúc muôn thuở của lính chiến trường khi đến một nơi ở mới. Tuy nhiên các yêu cầu lần này cũng khác trước: hầm hào phải được xây dựng cơ bản, vững chắc hơn. Đối với hầm xe còn phải làm lán che mưa nắng. Ngoài ra yêu cầu về mặt thời gian cũng đỡ căng thẳng hơn. Dẫu sao cũng đã có hòa bình rồi, khả năng không quân ngụy với tới đây hầu như không có. Vì vậy Ban chỉ huy đại đội quyết định để từng trung đội tập trung làm xong cho xe này mới làm đến xe khác. Cũng may, đã sang mùa khô, lính tráng mắc võng ở đâu cũng ngủ được.
Để thực hiện công việc đúng tiến độ thời gian mỗi trung đội được chia làm ba tổ: một tổ đào hầm, một tổ đi lấy gỗ dựng lán và một tổ cắt tranh. Kể ra thì công việc cũng không khó khăn gì lắm: gỗ ngay sau nhà, tranh thì phải đi xa hơn một chút mới dài và đẹp. Đến lúc này tay nghề của Phong “dại gái” mới được thể hiện rõ nhất. Cậu được cử làm tổ trưởng tổ mộc của trung đội Hai. Gỗ chặt về cứ để đấy. Một mình cậu đo đo, đạc đạc, cắt mộng, khoét ngoàm, cây to làm cột, cây nhỏ làm kèo, đòn tay, đống nào xếp ra đống ấy đến lúc lắp vào cứ vừa như in. Bên trung đội Một tình hình có vẻ khó khăn hơn vì không có thợ cả, tổ thợ mộc cứ cãi nhau ỏm tỏi cả lên nhưng đến lúc lắp vào lại không khớp, cứ phải chỉnh đi chỉnh lại mãi.
Thế rồi đâu cũng vào đấy cả, quãng nửa tháng sau thì bảy cái xe tăng đã nằm gọn trong lán, Đề còn bắt các xe xuống suối khuân đá về để lát hai băng xích nữa chứ. Nhìn hệ thống lán xe của đại đội ai cũng phải khen: “có kém gì khu xe hồi còn ngoài Bắc đâu!”.
Đang túi bụi với hầm với lán thì biên chế của đại đội có những thay đổi rất quan trọng: chính trị viên Quản Đức Đán và đại đội phó kỹ thuật Nguyễn Văn Đề có lệnh trở về trung đoàn nhận nhiệm vụ khác. Chính trị viên phó Vũ Đăng Toàn và trợ lý kỹ thuật tiểu đoàn Lê Phượng lên thay. Trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Nam được bổ nhiệm chính trị viên phó. Lê Xuân Tự thay anh làm trung đội trưởng trung đội Hai. Vị trí trung đội phó trung đội Một do Mai Hồng Trị đảm nhiệm. Lái xe Nguyễn Văn Thái được điều về làm trợ lý kỹ thuật tiểu đoàn. Kỹ thuật viên Lê Văn Tuyết và pháo thủ Lê Tiến Hùng cũng được điều về trung đoàn nhận nhiệm vụ khác. Người lên thay Tuyết làm kỹ thuật viên là Phùng Đình Liên. Lái xe 380 thay Liên là Trang. Pháo thủ Độ “híp” và pháo hai Đạt do sức khoẻ yếu được đưa ra Bắc điều trị. Để thay thế các vị trí bị “khuyết” đại đội Bốn được bổ sung một số thành viên kíp xe từ đại đội Ba sang. Đó là lái xe Lê Tiến Thọ, pháo thủ Nguyễn Văn Bùi, pháo hai Phạm Văn Chỉnh.
Buổi chia tay số anh em chuyển đi diễn ra thật cảm động. Dẫu sao họ cũng đã gắn bó với nhau hơn một năm trời, đã chia sẻ cùng nhau mọi thứ, kể cả cái sống và cái chết. Bữa liên hoan chia tay chỉ khá hơn bữa cơm thường hàng ngày một chút, chẳng có rượu cũng chẳng có hoa nhưng đậm đà tình cảm. Khô khan như chính trị viên Đán, rắn rỏi như đại đội phó Đề cũng rơm rớm nước mắt, còn Đạt thì khóc thật sự. Thay mặt cho số anh em được điều động đi, Đán phát biểu:
- Bản thân tôi đã có hơn chục tuổi quân, đã qua nhiều đơn vị nhưng những ngày tháng sống ở “xê Bốn” là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Chắc là tôi sẽ không sống và hoàn thành nhiệm vụ được nếu không có sự yêu thương đùm bọc, sự giúp đỡ nhiệt tình của anh em toàn đại đội ta. Trước lúc ra đi không biết nói gì hơn, chỉ biết thay mặt toàn thể số anh em phải xa đơn vị đợt này chúc các đồng chí ở lại luôn mạnh khoẻ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Còn tất cả những gì không phải xin anh em bỏ quá cho!
Tất cả mọi người lặng đi, có gì mà không phải. Tính từ ngày rời miền Bắc mới có một năm mà ai cũng tưởng đã sống với nhau hàng thế kỷ, chỉ thầm chúc các anh ra ngoài ấy có cuộc sống tốt đẹp, dễ dàng hơn so với những ngày qua.

Công việc tiếp theo sau khi hoàn thành hầm xe, lán xe là xây dựng doanh trại. Họp chi bộ chính trị viên Vũ Đăng Toàn nêu vấn đề:
- Hòa bình rồi cũng phải cho bộ đội ăn ở đàng hoàng hơn, chứ ngủ võng ngủ hầm mãi thì khổ quá. Rồi phải tăng gia sản xuất lấy rau, lấy thịt bổ sung vào tiêu chuẩn ăn. Lính xe tăng mà 5,6 lạng gạo một ngày thì đánh nhau sao nổi. Rồi còn hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng nề nếp chính quy và huấn luyện nâng cao trình độ bộ đội cũng bắt đầu phải tính đến.
Hội nghị chi bộ hoàn toàn nhất trí sẽ tiến hành xây dựng doanh trại trước, đồng thời cho tranh thủ phát một ít rẫy để kịp mùa vụ và bàn biện pháp thực hiện thật cụ thể để đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và thời gian.
Ban chỉ huy đại đội kéo nhau đi xác định cụ thể vị trí từng ngôi nhà: nhà ban chỉ huy đại đội ở trung tâm thẳng cổng ra vào, hai bên là nhà ở của hai trung đội, phía bên trong gần nguồn nước là nhà bộ phận “xê bộ”, nhà ăn và nhà bếp, một cơ số đạn mới nhận về được chia làm hai kho để khuất trong rừng.
Để đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật đại đội thành lập một tổ kỹ thuật do Phong “dại gái” làm tổ trưởng chịu trách nhiệm thiết kế, đục đẽo và dựng nhà. Các lực lượng khai thác vật liệu do các trung đội tự đảm nhiệm theo yêu cầu của tổ kỹ thuật. Được phụ trách tổ kỹ thuật Phong hãnh diện lắm, nhưng phải công nhận tay nghề cậu ta rất khá. Mọi người ai cũng bảo: “tay nghề thế ở ngoài Bắc có thể đi kiếm cơm thiên hạ được rồi”. Khác với hồi làm lán xe chủ yếu là chặt ngoàm và buộc, lần này Phong yêu cầu: “nhà phải làm tám mái, trên thì dốc mới thoát nước được nhanh và đỡ hỏng tranh; hai bên hiên thì làm mái vẩy vừa đẹp vừa sáng nhà; vách thì ken bằng sặt đảm bảo vừa đẹp vừa bền vừa thoáng”.
Căn nhà đầu tiên được dựng lên là nhà bếp và nhà ăn, đại đội trưởng Thận bảo:
- Cứ phải lo cho chắc cái bụng đã.
Căn nhà bốn gian, gian đầu làm bếp, còn ba gian làm nhà ăn được dựng ngay bên con suối bốn mùa róc rách. Thôi thì cũng đủ cả cột cái, cột quân, cột hiên, kèo chính, kèo vẩy, khung cửa chính, cửa sổ… Tất cả đã đục đẽo sẵn nên chỉ một buổi là dựng xong. Tranh đã được bộ phận phụ trách về cái lợp cắt về phơi và đã đánh thành từng phên xếp ngay bên cạnh. Lợp xong nhà đến làm vách. Cây sặt đã được bộ phận khai thác mang về, mấy anh em đang còn sốt không làm được việc nặng chỉ việc chẻ ra và ken vào các khuôn đã được lắp sẵn. Lúc này bộ phận dựng nhà lại chuyển sang nhà khác.
Cứ thế, nhà đại đội, nhà hai trung đội, nhà “xê bộ” lần lượt được dựng lên. Nhà đại đội ba gian, hai gian đầu được ngăn ra thành bốn phòng riêng cho các thủ trưởng, ở giữa có một gian làm phòng họp. Nhà các trung đội làm bốn gian, gian đầu ngăn ra cho hai cán bộ trung đội, ba gian còn lại là nơi nghỉ của bộ đội gồm mấy chiếc giường được ghép bằng tre.
Ròng rã gần một tháng thì cơ ngơi của đại đội đã hoàn chỉnh, ban chỉ huy đại đội thở phào nhẹ nhõm, chính trị viên Toàn hỉ hả:
- Công nhận bộ đội mình cũng tài thật, cái gì làm cũng được. Chả trách người ta gọi quân đội là trường đại học tổng hợp.
Còn đại đội trưởng Thận chỉ im lặng, không biết anh đang tính toán những gì trong đầu.

Nhà dựng xong thì mấy cái rẫy đã phát dạo trước cũng đã khô. Mấy chuyên gia về nương rẫy như Định, Phong, Thành đều cho rằng đã đến lúc đốt. Ban chỉ huy đại đội nhất trí và giao việc này cho Định phụ trách, riêng Phượng vẫn băn khoăn:
- Các ông đốt thế nào thì đốt đừng để nó lan vào lán xe là được.
Ngày đốt rẫy, sau khi xem hướng gió Định bắt mọi người phải bắt đầu châm lửa từ phía cuối gió. Mấy tướng người đồng bằng cự thì hắn nhăn răng cười:
- Các cậu không biết, nếu đốt xuôi gió thì trời đất này, cây khô thế này lửa chỉ cháy ào ào bên trên thôi, mai đi phát lại ốm xác. Còn nếu đốt ngược gió lửa mới cháy âm ỉ, đảm bảo mai ra chỉ có tro và tro thôi.
Quả đúng như vậy, giữa thời tiết mùa khô oi ả mà ngọn lửa cháy rất từ tốn, cháy đến đâu sạch đến đấy, ngay cả những chỗ phát rối cây còn tươi hoặc mầm lau lách mới nhú lên cũng cháy bằng hết. Sau một ngày lúc âm ỉ, lúc bùng lên réo ù ù, nổ đôm đốp hai cái rẫy đã hình thành. Chỉ thấy một lớp tro dày phủ trên mặt đất, xắn nhẹ xẻng xuống là một lớp đất đỏ ba dan tơi vụn ra như đã được đổ ải. Đó đây những thân cây lớn không cháy hết nằm rải rác được quân ta khiêng ra xếp thành hàng rào chắn thú rừng quanh rẫy. Ban chỉ huy đại đội quyết định cái rẫy ngoài cổng vào rộng hơn một mẫu sẽ để trồng sắn, trồng ngô. Còn cái rẫy nằm ở phía sau nhà ăn, cạnh con suối nhỏ hơn thì để trồng rau.
Nhìn cái rẫy trồng sắn rộng mênh mông mấy tay nhà nông chính hiệu như Tập, Thanh, Nghị đều phàn nàn:
- Rộng thế này thì cuốc bao giờ cho hết!
Lại vẫn Định phải giải thích:
- Không phải cày cuốc gì hết! Cứ như cách của đồng bào mà làm chứ cày cuốc lên rồi đánh luống như các ông thì chỉ một mùa mưa là trôi hết màu.
Thế là lại phải tập huấn về phương pháp trồng sắn: cứ hai người một lối, người đi trước cầm cuốc cuốc một nhát lật đất lên thành hốc, người đi sau bê một rổ hom sắn thả hom vào hốc rồi dùng chân lấp lại. Còn trồng ngô thì bỏ túi một ít hạt giống, tay cầm cái cọc nhọn đầu, chọc một nhát lại bỏ một hai hạt ngô xuống lỗ rồi lấy chân lấp lại. Bán tín bán nghi chẳng biết rồi nó có sống được hay không nhưng cứ làm. Mấy tên còn chép miệng: “cứ làm đi, không lên được thì trồng lại, nước sông công lính mà”.
Bên rẫy rau thì buộc phải làm cẩn thận hơn. Các gốc cây được đánh đi hết. Đất được cuốc lên rồi đánh luống cẩn thận. Trên quân khu đã cấp về mấy túi hạt rau muống và rau cải trắng Trung Quốc. Rẫy được chia làm ba phần cho hai trung đội và “xê bộ”. Từ nay sẽ quy định chỉ tiêu tăng gia rau hàng tháng đối với từng bộ phận. Ai cũng hí hửng vì từ nay sẽ đỡ cái đận luồn rừng đi cải thiện, mà thực ra mấy tháng nay rau rừng ở xung quanh đơn vị cũng đã cạn cả rồi.
Thế rồi như có một phép màu. Chỉ sau một tuần trong những cái hốc vẫn sạm màu tro bụi ấy đã lấm tấm những chấm xanh của mầm sắn, mầm ngô. Những cái mầm thật mập, thật khoẻ trông sướng con mắt. Chẳng chăm bón, chẳng nước tưới mà nó lớn nhanh như thổi, vừa hôm trước hôm sau ra đã thấy khác rồi. Đến lúc này mọi người mới công nhận đất rẫy mới tốt thật, chả trách gì đồng bào các dân tộc rẻo cao lại thích du canh du cư.
Bên rẫy rau những hạt rau muống, rau cải cũng đã nẩy mầm. Các vỏ thùng lương khô nay được cải tiến thành ô doa tưới rau khá tiện. Chỉ cần đục thủng cái nắp thùng làm gương sen, lấy đầy nước vào rồi đậy nắp chặt dốc ngược lên là sẽ có mưa nhân tạo ngay. Đất rẫy mới đầy màu mỡ, người tích cực chăm chút lại gặp thời tiết thuận lợi cả rẫy rau lớn nhanh như thổi.
Một số thứ quân trang không dùng đến cũng được anh em đem đi dân vận để đổi lấy mấy mái gà. Lúc đầu quân ta không biết cứ thật thà đòi “đổi”, bà con dân tộc Pa Kô, Tà Ôi nhất quyết không chịu đành phải về không. Mãi sau mới biết phải nói là: “bộ đội giúp đồng bào cái áo, còn đồng bào giúp bộ đội cái gì đó” mới được việc. Hay thật! Thế là cạnh nhà mỗi trung đội có thêm cái chuồng gà, những chú gà của đồng bào trước nay chỉ chuyên tự kiếm ăn nay được chăm chút trông màu mỡ hơn hẳn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét