Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 23


Lải rải mỗi xe một hai người sốt, người này cắt thì người khác bị, mới chỉ gần hai tháng mùa mưa mà ký sinh trùng sốt rét đã “hỏi thăm” gần hết đại đội. Nhưng cũng lạ, trong khi nhiều người sốt đến rụng cả tóc đầu, sốt đến sợ cả nước cả gió, sốt đến vàng da, vàng mắt, cháo đưa lên miệng không muốn ăn, ruồi đậu vào mép không buồn đuổi. Có người như Bùi Định sốt đến cả tháng trời, lúc cắt tóc còn phát hiện đầy đầu chấy… thì có những người vẫn khoẻ như vâm, hình như ký sinh trùng sốt rét không chạm vào được hay sao ấy. Cái xe 380 tất cả nằm liệt, riêng Chính vẫn nhởn nhơ như thường, da vẫn trắng như trứng gà bóc, môi vẫn đỏ như son, mọi việc trong xe hay trung đội phân công một mình cậu làm tất. Nội việc chăm sóc ba ông tướng sốt rét cũng bở hơi tai rồi mà Chính cứ làm băng băng lại còn véo von “anh vẫn còn chân, chưa bị cưa chân nào”.
Rồi cũng đến lúc ba anh em bình phục dần, sau sốt “ăn trả bữa” lúc nào cũng thấy đói, Chính lần mò vào tận căn cứ Hai xin được ít sắn về “bồi dưỡng” cho ba anh. Luộc sắn xong ngồi nhìn ba ông anh vừa thổi vừa ăn cậu ta mãn nguyện lắm.
Cứ tưởng như Chính thì “voi vật không chết”, ai ngờ cậu ta đổ bệnh nhanh thế. Chiều hôm ấy sau khi khiêng bình điện lên trạm nạp về Chính kêu nhức đầu rồi đi nằm sớm, lúc Trung lấy cơm về cho cũng không ăn, sờ trán thấy nóng Trị vội bảo Trung đi gọi y tá. Tảo chưa sang đến nơi thì Chính đã lên cơn co giật, người cậu ta lúc co dúm vào, lúc lại bung ra như một cái lò xo, hai mép thì sùi bọt, mắt trợn trừng toàn lòng trắng. Trị và Liên một giữ đầu, một giữ chân nhưng mỗi khi Chính giật thì văng ra cả. Vừa sang đến nơi Tảo đã hốt hoảng:
- Cậu ấy bị sốt rét ác tính rồi, các anh chuẩn bị đưa đi viện ngay.
Trị bảo Trung đi báo cho trung đội trưởng rồi cùng Liên cố sức giữ Chính để Tảo tiêm cho cậu ta. Trung đội trưởng Tiến có mặt ngay lập tức, anh phân công người chuẩn bị võng cáng để đưa Chính đi. Nằm trên võng rồi người Chính vẫn vặn vẹo không ngừng, Tảo giục:
- Phải chạy nhanh lên không thì không kịp.
Cả bốn anh em cùng rảo bước. Đứng nhìn theo cái võng đang đi xa dần Tiến lẩm bẩm:
- Cứ tưởng người như nó thì không bao giờ bị sốt chứ.
Linh cảm sẽ có chuyện không hay đến với Chính nên suốt đêm ấy Trị gần như không ngủ. Nằm mãi mỏi lưng anh lại ra cửa hầm ngồi dõi về phía căn cứ Hai, lòng anh bồn chồn như lửa đốt.
Sáng bảnh ra năm anh em đưa Chính đi viện mới về. Nhìn mấy cái mặt bơ phờ méo xẹo Trị biết linh cảm của anh đã đúng, anh hỏi nhỏ Tảo:
- Thế nào? Có kịp không?
- Không kịp. Cậu ấy co giật suốt dọc đường, vào đến quân y vẫn còn co giật hàng tiếng nữa rồi mới chết. Ở đấy người ta bảo những “ca” bị như thế này hầu như đều không cứu được.
Trị lặng đi, anh cảm thấy như vừa mất đi người em ruột của mình. Vậy là người thứ tám của đại đội đã ra đi.

Từ dạo đầu mùa mưa thằng OV10 ít ra hơn nhưng “tọa độ” lại nhiều hơn. Chẳng biết chúng trinh sát thế nào nhưng nửa đêm chỉ thấy phản lực “rẹt” một cái hay B57 ì ì một lúc rồi dội  lên “ùng, oàng” mấy tiếng. Thận thầm nghĩ: “cũng may chưa có loạt nào trúng vào khu trú quân của đại đội, chắc là vì chỗ này khá bất ngờ với chúng và cũng vì công tác phòng gian giữ bí mật của anh em đã khá hơn rất nhiều”. Bảy cái xe tăng nằm ngay bên đường nhưng đi qua nếu không để ý thì chẳng ai biết. Ở “bê Một” những cụm le đánh lên trồng trên xe và thành hầm xe đã bén rễ, được nước mưa tưới thường xuyên nay đã tốt um. Còn bên  “bê Hai” thì khỏi nói, cái giống giang càng mưa càng mọc khoẻ, dưới gốc thì măng đâm lên tua tủa, trên đầu thì lá cứ ken khít lại với nhau nên càng kín.
Mọi cái rồi dần cũng quen, bây giờ cái đáng lo nhất đối với Thận là tình hình sạt lở đường sá ngày càng nghiêm trọng, cả phía trước và phía sau của đại đội đường đều sạt đến mức không thể cơ động được, anh nghĩ bụng: “bây giờ nó mà nống ra thì chỉ còn nước bỏ xe đánh bộ”.
Nỗi lo của Thận quả thật là có cơ sở.
Ngay chiều hôm ấy trời hửng lên một chút đã thấy hai cái A37 quần đảo ngay trên đầu rồi lao xuống ném bom ở mạn dưới. Trèo lên đỉnh đồi quan sát Thận thấy nó đang đánh Tà Lương, đây là một điểm cao có ý nghĩa khống chế đối với đường 12 cách chỗ đại đội anh giấu quân chừng bốn cây số và bấy lâu nay vẫn do quân ta kiểm soát. Bọn A37 vốn đánh dai như đỉa, mỗi lần nó lao xuống chỉ cắt một quả bom. Ở đây ta không có lực lượng phòng không nên chúng nhởn nhơ lắm, cứ nhẩn nha đánh từng quả một đến lúc hết bom lại gọi hai cái khác đến đánh. Cuộc ném bom kéo dài gần một giờ đồng hồ mới kết thúc.
Đang suy nghĩ không hiểu chúng định làm gì thì một lúc sau thấy khoảng một trung đội bộ binh lốc nhốc cáng nhau qua, Thận ra chặn đường hỏi:
- Tình hình trên ấy thế nào?
Một người dáng chừng là chỉ huy mệt mỏi trả lời:
- Còn thế nào nữa? Nó chiếm Tà Lương rồi!
Thận thất kinh, từ đây lên đấy có vài cây số, không biết bao giờ thì nó lấn ra đến đây, anh chạy theo gặng:
- Quân mình còn bộ phận nào trên ấy không?
- Còn một ít đang chốt ở cây số 20 nhưng cũng chẳng biết có giữ được không?- Vẫn anh cán bộ trả lời, nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Thận anh nói thêm- Mùa mưa năm nào chả thế, có năm nó còn ra tận Bốt Đỏ cơ mà.
Bụng nghĩ: “không khéo nó lấn ra tận đây thật”, Thận lập tức quay về cho gọi ban chỉ huy và hai trung đội trưởng lên hội ý gấp.
Nghe Thận thông báo tình hình ai cũng lo lắng ra mặt. Quả thật đây là một thời điểm hết sức khó khăn của đại đội, đúng là “tiến thoái lưỡng nan”. Vốn thẳng tính Đề bực bội phát luôn:
 - Đúng là “đem con bỏ chợ”, biết là mùa mưa sẽ khó cơ động lại không cho người ta rút ra, cứ bảo nằm đấy đợi thời cơ. Bây giờ thì nằm đây mà chờ chết ấy!
- Thôi! Đừng có kêu ca phàn nàn gì nữa, kêu cũng chẳng ích gì. Bây giờ chẳng còn cách nào khác ngoài tăng cường sẵn sàng chiến đấu. Tôi đã lên kế hoạch tác chiến tại chỗ rồi, mời các đồng chí xem và đóng góp ý kiến.
Thận mở rộng cuốn sổ tay anh vừa mới phác mấy đường xanh xanh đỏ đỏ lúc chờ mọi người tới, cái vốn kiến thức sĩ quan lục quân bây giờ lại tỏ ra đắc dụng nên không ai có ý kiến gì. Cuối cùng Thận kết luận:
- Các đồng chí đã nhất trí với phương án tác chiến tại chỗ rồi thì cứ thế mà triển khai. Còn bây giờ ta phải thống nhất với nhau mấy vấn đề thế này: một là phải tiếp tục làm tốt công tác phòng gian giữ bí mật như thời gian vừa qua chúng ta đã làm. Có nổ máy chống rỉ cũng nổ nhỏ thôi. Máy nạp điện của anh Đề giảm âm thanh đi chút nữa. Hai là phải tăng cường sẵn sàng chiến đấu hơn nữa, tất cả các xe phải dỡ cố định và chuẩn bị phương án sao cho khi cần quay được pháo ngay. Ba là phải chuẩn bị đầy đủ vũ khí bộ binh cho anh em, lúc nào súng đạn cũng phải bên mình và cuối cùng là tăng thêm một vọng cảnh giới phía trước của “bê Một”. Các anh xem có ý kiến gì nữa không?
Chính trị viên phó Toàn vẫn giữ vẻ điềm đạm thường ngày, ngay ở giữa chiến trường nhưng quần áo lúc nào cũng phẳng phiu, đầu tóc chải gọn gàng chả bù cho Đán với Đề lúc nào cũng luộm thuộm, được chăng hay chớ. Trong các cuộc họp anh cũng ít nói nhưng đã nói là chắc như đinh đóng cột. Hôm nay cũng vậy, cho đến khi Thận hỏi anh mới nhỏ nhẹ:
- Tôi xin có ý kiến! Từ hôm vào đường 12 đến nay đại đội ta đã hy sinh bốn, bị thương mất sức chiến đấu một, số anh em sốt rét cũng rất nhiều nên nếu có tình huống xảy ra sẽ không đảm bảo sức chiến đấu. Vì vậy tôi đề nghị chúng ta cần nghiên cứu xin tiểu đoàn điều cho một số thành viên kíp xe từ “xê Ba” sang. Dù sao bên 108 cũng đỡ “căng” hơn bên ta. 
Mấy anh em đều gật gù đồng ý, Thận cũng nhất trí ngay:
- Tôi cũng đã có ý định ấy rồi. Đợi một vài hôm nữa ta sẽ cử người sang 108.
Những vấn đề đã nêu trong cuộc họp được triển khai thực hiện ngay, Tiến cho đào hầm và đặt một vọng cảnh giới ngay trên đỉnh đồi trung đội mình đang trú quân. Từ đây có thể quan sát suốt dọc đường từ “bê Hai” đến Tà Lương và các khu vực xung quanh. Các xe cũng củng cố thêm một bước ngụy trang, các loại cố định trên tháp pháo được dỡ xuống để quay pháo được khi cần. Khi đi đâu ra khỏi khu vực trú quân bắt buộc phải từ hai người trở lên và nhất thiết phải mang theo súng AK. Về kỹ thuật “đại phó” Đề cũng đề ra một số quy tắc mới cho nổ máy chống rỉ và nạp điện .v.v… Không khí toàn đơn vị “nóng” hẳn lên, ai cũng hiểu một cách sâu sắc những nguy cơ đang treo lơ lửng trên đầu họ.
Ngoài những biện pháp trên bộ đội cũng được quán triệt hạn chế tiếp xúc với người lạ, cấm tiệt việc đưa người ngoài vào xe để xin thuốc lào như bấy lâu nay. Mà cũng không hiểu vì sao vào trong này đội quân “nghiện ngập” lại tăng lên đông thế. Hồi còn ở Quảng Bình chỉ có chính trị viên Đán là nghiện thuốc lào nặng, còn lại cả đại đội chỉ có vài anh lớn tuổi phập phèo thuốc lá. Thế mà đến nay con số đệ tử của khói thuốc đã lên đến hơn hai chục người, số nghiện thuốc lá xưa giờ cũng đã “vượt Trường Sơn sang Lào” cả. Người thì bảo tại hồi hành quân đêm phải hút cho đỡ buồn ngủ. Người lại bảo rằng vào đây buồn chỉ biết lấy điếu thuốc làm vui. Nhưng có lẽ tác động mạnh mẽ nhất chính là mùa mưa ở đây. Trong cái màn mưa tưởng như không bao giờ dứt, trong tiếng mưa rơi lúc nhặt lúc khoan, trong cái không khí sực mùi ẩm mốc, trong cái đói triền miên lúc nào cũng thèm cơm… con người như bã ra vì buồn. Những lúc ấy được kéo một hơi thuốc dài rồi nằm lơ mơ nhả khói thì sướng biết bao(!). Có lẽ vậy mà đội quân “nghiện ngập” ngày càng tăng gấp bội. Nhưng thuốc lá, thuốc lào lại không nằm trong danh mục các “nhu yếu phẩm” nên nguồn cung cấp chủ yếu là do đổi chác hay xin xỏ mà có, nay nguồn cung cấp đó bỗng nhiên bị cấm thì thật là tai hại.

Nhưng không có thuốc hút thì thèm chứ không chết, có thể nhịn được. Còn không có gạo, không có xăng mới gay go. Số gạo đi lĩnh hồi trước đến nay cũng đã gần cạn, còn cái máy nạp điện cũng đã ngốn gần hết số xăng dự trữ ban đầu. Đối với đại đội phó kỹ thuật Đề thì đây là một nguy cơ nhãn tiền vì số bình điện theo xe đã lác đác hỏng, đã phải dùng đến bộ bình điện khô dự trữ để thay dần. Nguyên nhân cũng không có gì khó hiểu: đây là số xe đã cũ, hầu hết bình điện theo xe đã quá niên hạn sử dụng, nếu như ở ngoài Bắc thì đã phải thay mới. Ngoài ra do đặc điểm hành quân đường dài và thay đổi chỗ trú quân luôn luôn nên chế độ nạp bổ sung định kỳ không bảo đảm. Vì vậy khi nằm tương đối ổn định ở đây anh đã có kế hoạch nạp điện bổ sung rất chặt chẽ hòng kéo dài tuổi thọ cho chúng. Nhưng kế hoạch đó có nguy cơ phá sản vì máy nổ đã hết xăng, vào căn cứ Hai xin cũng không có nên phải đề nghị tiểu đoàn chi viện.
Mấy ngày sau tiểu đoàn thông báo sang là cử người đi lĩnh gạo và 50 lít xăng ở kho K70 lần trước, đồng thời bổ sung cho đại đội ba thành viên là lái xe Hạnh, pháo thủ Độ “híp” và pháo hai Thọ “điếc”. Mai Hồng Trị lại được tín nhiệm cử làm đoàn trưởng đi lấy gạo. Tuy nhiên khi nói đến đoạn nhận xăng thì anh hơi phân vân:
- Gạo thì gùi đã đành, nhưng xăng thì làm sao mà mang về được?
- Thì đem can đi mà khiêng hay đóng vào bao mà gùi về chứ sao!- Thận gắt.
Câu nói gắt gỏng của Thận đã gợi ý cho Trị một ý hay: đường rừng nếu mang can khiêng thì rất nhũng nhẵng khó đi, nhưng nếu đóng được vào bao mà gùi thì thuận lợi hơn nhiều, mà túi ni lon vỏ bao gạo Trung Quốc thì không thiếu.
Đoàn đi lấy gạo và xăng lần này vẫn là mười người, đã dẻo chân đi bộ và gùi nặng nên mọi việc suôn sẻ và tốc độ cũng nhanh hơn, nhiều tay tỏ ra còn thích được đi lấy gạo vì thế nào cũng “cải thiện” được tý tỉnh và sẽ được ăn no hơn. Tuy nhiên với hai người gùi xăng thì không đơn giản.
Trị đã chọn hai người to khoẻ nhất trong đoàn là Tráng và Cát để đảm nhiệm phần việc gùi xăng. Lúc nhận xong ở kho đem đóng vào bao ni lon rồi cho vào ba lô hai tên có vẻ phởn chí lắm vì 25 lít xăng có 20 cân, nhẹ hơn so với bọn gùi gạo những 5 cân cơ mà. Nhưng mới đi được độ một tiếng thì hai tên đã tỏ ra bức bối lắm. Không như đeo ba lô gạo, cái ba lô xăng cứ dán chặt vào lưng, mỗi bước chân lại óc a óc ách như sóng vỗ bờ, mồ hôi đổ ra không thoát đi đâu được khó chịu vô cùng. Mà cái thứ chất lỏng này cũng lạ, đã đựng vào hai lần túi ni lon rồi nhưng không hiểu sao nó vẫn thấm ra ngoài được, nó ngấm vào lưng áo và trộn với mồ hôi thành một thứ hỗn hợp nhớp nháp, loang lổ trông phát khiếp. Về đến trạm trung chuyển lúc Tráng và Cát cởi áo ra ai trông cũng lắc đầu: hai tấm lưng đỏ ửng, nhiều chỗ bợt bạt như sắp bong ra, cái áo thì đem hơ mãi mà vẫn chẳng chịu khô. Trị quyết định cho họ nghỉ một ngày rồi hôm sau sẽ gùi xăng về trước.

Khi đưa được hai gùi xăng về đơn vị lưng Tráng và Cát đã chuyển sang màu đỏ sậm, mấy hôm sau chuyển thành màu đen và bong ra hàng mảng. Y tá Tảo bảo: “hai anh bị nhiễm độc chì từ xăng ngấm vào”. Nhìn hai tấm lưng chỗ trắng chỗ đen như rắn lột dở ai cũng lắc đầu lè lưỡi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét