Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

ĐIỆN CAO THẾ BẢO VỆ DINH ĐỘC LẬP- SỰ THẬT HAY TIN ĐỒN?

Điện cao thế bảo vệ cổng dinh Độc Lập: Sự thật hay là tin đồn?

Đã hơn 40 năm trôi qua, song lúc nào Ngô Sĩ Nguyên - pháo thủ xe tăng số 390 vẫn mong mỏi tìm ra người đã "ngắt cầu dao điện" bảo vệ cổng dinh Độc Lập trưa 30.4.1975.

Anh đã nói điều đó trên đài, trên báo, trên vô tuyến truyền hình nhiều lần nhưng người ấy vẫn như "bóng chim, tăm cá".
Tâm sự người pháo thủ xe 390
10 giờ 45 phút ngày 30.4.1975, chiếc xe tăng T-54 số hiệu 843 do Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội xe tăng 4 tiếp cận dinh Độc Lập và lao vào cổng phụ bên trái rồi dừng lại vì cổng chật không thể lọt qua.
Đúng lúc đó, xe 390 do trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên Đại đội lao tới húc sập cổng chính dinh Độc Lập và tiến vào trong dinh.
Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lên nóc dinh cắm cờ. Còn chính trị viên Vũ Đăng Toàn và pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên bắt giữ nội các Dương Văn Minh tại lầu 2 của dinh.
Theo lời Ngô Sĩ Nguyên, sau khi Dương Văn Minh được đưa sang Đài phát thanh, anh trở lại xe thì một người mặc bộ quần áo trắng tiến lại gần và nói: "Nếu  trước khi các ông tới tôi không ngắt cầu dao điện bảo vệ thì xe các ông sẽ bị cháy tức thì!".
Ngẩn ra một lát Nguyên mới hiểu người đó cho biết cổng dinh Độc Lập có điện cao thế bảo vệ, và chính người này đã ngắt cầu dao trước khi xe tăng của các anh đâm vào. Nguyên kể, khi ấy, chẳng biết nói gì hơn, Nguyên chỉ biết bắt tay người đó và nói: "Cảm ơn anh!" rồi ai đi làm việc của người ấy.
Mãi về sau này, Ngô Sĩ Nguyên vẫn ân hận là mình đã vô tình không hỏi han tên tuổi, quê quán... của người đó và anh vẫn luôn đau đáu một niềm mong mỏi tìm biết và gặp lại người đã làm việc đó.
Anh đã kể lại chuyện này trên đài, trên báo, trên truyền hình nhiều lần cũng với mục đích để người đó nắm được thông tin rồi sẽ liên hệ với anh nhưng tất cả vẫn bặt vô âm tín.
Điện cao thế bảo vệ cổng dinh Độc Lập: Sự thật hay là tin đồn? - Ảnh 1.
Xe tăng Quân Giải phóng húc đổ công Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu.
Câu chuyện trên của pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên cũng đã được bàn tán khá sôi nổi trong xã hội. Người thì xuýt xoa: "May cho các anh quá! Nếu không các anh đã hy sinh cả rồi". Người thì góp ý: "Phải cố gắng mà tìm kiếm bằng được người đã làm cái việc ngắt cầu dao đó và tưởng thưởng xứng đáng cho người ta!".
Nhưng cũng có một luồng ý kiến khác nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện trên.
Điện cao thế bảo vệ cổng dinh - Sự thật hay chỉ là tin đồn?
Lý do chính mà những người nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện do pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên kể lại là bởi họ cho rằng cổng dinh Độc Lập được bảo vệ bằng điện cao thế chỉ là tin đồn. Vậy thực hư ra sao?
Cả về mặt lý thuyết cũng như thực tế người ta hoàn toàn có thể dùng điện cao thế để bảo vệ các mục tiêu quan trọng. Với tính chất vật lý của mình, khi người và động vật chạm vào lưới điện bảo vệ sẽ bị giật và thậm chí thương vong nặng tùy theo điện thế của lưới điện.
Tuy nhiên, có một yêu cầu rất nghiêm ngặt đặt ra đối với lưới điện này là phải cách điện với "đất". Nếu không cách điện với "đất" sẽ xảy ra hiện tượng "rò" điện và có thể gây nguy hiểm đối với người và vật vô tình ở gần.
Vì lý do trên, khi cần bảo vệ các mục tiêu bằng điện cao thế thì thường là trên đỉnh tường bao hoặc hàng rào xung quanh mục tiêu người ta sẽ chăng 3- 4 sợi dây điện trần. Những sợi dây này được cách điện với tường bao (hàng rào) bằng các cọc sứ cách điện cao áp.
Tình trạng cách điện phải được kiểm tra thường xuyên và phải có các bộ ngắt tự động khi có hiện tượng "rò" điện xảy ra. Cách bảo vệ này rất dễ nhận thấy và đó cũng chính là một lời cảnh báo đối với các đối tượng muốn xâm phạm mục tiêu.
Điện cao thế bảo vệ cổng dinh Độc Lập: Sự thật hay là tin đồn? - Ảnh 2.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập. Ảnh tư liệu.
Còn đối với dinh Độc Lập thì sao?
Dinh Độc Lập nằm trong một khuôn viên rộng 12 ha. Bao quanh khuôn viên đó là một hàng rào bằng sắt gắn vào các trụ bê tông. Tổng chiều dài hàng rào này lên tới hàng nghìn mét. Để vào dinh thì ngoài cổng chính ở phía trước còn một cổng sau nằm trên đường Nguyễn Du.
Quan sát bằng mắt thường thì thấy hàng rào này rất bình thường như các công trình dân dụng khác, không thấy hệ thống sứ cách điện cũng như các sợi dây điện trần căng bên trên - dấu hiệu nhận biết các mục tiêu được bảo vệ bằng điện cao áp.
Đối với các cổng ra vào cũng có cấu trúc hết sức đơn giản, cánh cổng bằng sắt hàn và lắp đặt vào trụ cổng cũng bằng các bản lề sắt. Các cột trụ cổng thì đều được chôn trực tiếp xuống đất và hàn trực tiếp với hàng rào xung quanh. Đến ngay cả hệ thống đóng mở bằng điện ở đây cũng không có.
Với cấu trúc như vậy, điện cao áp bảo vệ nếu có sẽ đấu vào đâu? Nếu đấu trực tiếp vào hàng rào hoặc cánh cổng thì coi như đã "đấu tắt" điện xuống đất và chắc chắn sẽ xảy ra đoản mạch làm sập hệ thống điện ngay lập tức.
Mặt khác, điều đó hết sức nguy hiểm cho người dân cũng như đội lính gác bởi cái hàng rào dài hàng nghìn mét này chạy theo những con phố rất đông đúc của thành phố. Xét về mọi mặt, các chuyên gia về điện đều nhận định: "Dinh Độc Lập không có hệ thống điện bảo vệ ở bờ rào và cổng!".
Có người còn kỳ công tìm tòi bản thiết kế hệ thống điện dinh Độc Lập. Trên bản vẽ hoàn toàn không thấy thể hiện đường điện bảo vệ ở cổng. Có chăng đó là hệ thống điện của các đèn chiếu sáng gắn trên trụ cổng và cột trụ hàng rào mà thôi.
Họ cũng tìm đến những người làm công việc quản lý điện - nước của dinh để tìm hiểu. Câu trả lời chỉ là một nụ  cười mỉm và cái lắc đầu: "Ở đâu thì không biết chứ ở đây thì không có chuyện đó đâu!".
Một số chuyên gia còn khẳng định: "Dẫu cho có điện cao thế ở cánh cổng thì kíp xe cũng không hề hấn gì nhờ hiệu ứng 'lồng Faraday'". Vậy "lồng Faraday" là cái gì mà có tác dụng như vậy?
Lồng Faraday là thuật ngữ dùng để chỉ một hộp hoặc lưới kim loại tạo thành khoảng trống ở giữa. Lồng này hoạt động dựa trên nguyên lý: tổng trường điện từ trong lồng bằng "0". Nghĩa là, khi chịu tác động của điện từ trường từ bên ngoài thì sẽ sản sinh một dòng điện chạy trên bề mặt của lồng. Còn bên trong lồng thì hoàn toàn không có điện.
Thực tế cũng cho thấy nhiều trường hợp sét đánh vào máy bay hoặc ô tô song người ngồi bên trong không hề hấn gì cả.
Trong trường hợp xe tăng đâm vào lưới điện cao thế bảo vệ, bản thân chiếc xe tăng như một chiếc "lồng Faraday". Khi tiếp xúc với điện áp cao, dòng điện sẽ chạy theo bề mặt ngoài của xe xuống đất và những người bên trong sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Những nhà chuyên môn về điện chắc chắn sẽ hiểu nguyên lý này cho nên họ sẽ không đưa điện bảo vệ vào thiết kế cổng và hàng rào dinh Độc Lập. Như thế, nhiều khả năng cổng dinh Độc Lập không có điện cao áp bảo vệ".
Vậy thì nhân vật áo trắng kể trên đã bịa chuyện à? Nhiều người đã đặt câu hỏi như vậy.
Ở đây, có thể có một cách lý giải.
Rất có thể câu chuyện về "điện cao thế bảo vệ Dinh Độc Lập" xuất phát từ một tin đồn có chủ ý.
Thông thường, khi muốn bảo vệ một khu vực, một mục tiêu nào đó, một trong những biện pháp mà lực lượng có trách nhiệm bảo vệ thường áp dụng là tung ra những tin đồn khuyếch đại về khả năng "bất khả xâm phạm" của khu vực đó, mục tiêu nhằm làm nản chí đối phương khi họ muốn xâm phạm.
Do vậy, rất có thể những người có trách nhiệm bảo vệ Dinh Độc Lập đã phao ra một số tin đồn về khả năng tự bảo vệ của dinh nhằm hù dọa những người yếu bóng vía muốn đến gần- trong đó có tin đồn về dòng điện cao thế bảo vệ xung quanh.
Tất nhiên, khi tung tin đồn thì họ phải giấu mặt. Tin đồn đó cứ loang ra ngày một rộng, nửa thực nửa hư, gây ra tình trạng bán tín, bán nghi cho những người biết đến nó và không có gì để kiểm chứng. 
Vì vậy, ngay cả trong đám lính bảo vệ dinh cũng không biết có phải thật hay không? Vì không phải ai cũng là chuyên gia về điện nên rất nhiều người sẽ tin đó là chuyện thật.
Trên đây là nhận định của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng 380, cùng đơn vị với các xe tăng 843 và 390, Lữ đoàn xe tăng 203, đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975. Chúng tôi mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các nhân chứng, nhà nghiên cứu... để làm sáng tỏ vấn đề này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét