Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 5


Trong khi Hòa đang vất vả chống lại kế hoạch lấy vợ cho anh của ông chú thì Cân nhận được lá thư chia tay đầy nước mắt của Thư. Cô hoa khôi trường huyện ngày nào viết không dài, chỉ một mực mong Cân tha lỗi “đã không chờ đợi được anh cho đến ngày chiến thắng như lời nguyện ước”. Thư của Tường, một thằng bạn thân thì cho biết cụ thể hơn: “Tuấn voi đã trở về từ Liên Xô và trước sức tấn công mãnh liệt của hắn Thư đã không đứng vững được”. Cân buồn nhưng không trách Thư. Có lẽ những năm tháng lăn lộn ở chiến trường đã làm cho anh trở nên vị tha hơn, dễ thông cảm với mọi người hơn thì phải. Đời người con gái như hoa nở một lần, mà chiến tranh thì chưa biết bao giờ mới kết thúc. Và kể cả khi ngày đó đến liệu anh có còn được trở về ? Thực ra, anh biết Tuấn voi đã theo đuổi Thư ngay từ hồi còn học phổ thông. Ngày đó, trên bầu trời cái trường cấp 3 Tản Viên đó Cân và Tuấn nổi lên như hai ngôi sao sáng. Cả hai đều đẹp trai, học giỏi nhưng cũng có nhiều cái trái ngược nhau. Tuấn thì to cao nhưng có phần ngờ nghệch, trong khi đó Cân thì tầm thước nhưng sâu sắc hơn. Tuấn học giỏi về tự nhiên, còn Cân lại thiên về xã hội. Cả hai đều có cảm tình với Thư, cô hoa khôi của nhà trường. Sau khi tốt nghiệp phổ thông Tuấn được chọn đi học nước ngoài, còn Cân thì vào bộ đội nhưng cả hai vẫn tiếp tục theo đuổi Thư. Và có lẽ tâm hồn đầy lãng mạn của một cô giáo trẻ đã bị cái vẻ hào hoa nhuốm bụi chiến trường cùng những vần thơ da diết của Cân chinh phục. Cô đã chính thức nhận lời yêu Cân lần cô đến Trường sĩ quan Thiết giáp thăm anh. Buổi sáng hè trên triền núi Tam Đảo hôm đó đã trở thành một kỷ niệm đẹp trong tâm hồn hai người. Nhưng có lẽ tình yêu đó chưa đủ lớn để vượt qua những thử thách của cuộc sống. Cân nhớ có ai đó đã từng nói đại ý: “tình yêu thì như ngọn lửa, còn sự xa cách thì như ngọn gió. Nếu đó là một tình yêu lớn thì ngọn gió xa cách chỉ làm cho nó bùng cháy to hơn. Còn nếu đó chỉ là ngọn lửa rơm thì chắc chắn nó sẽ bị ngọn gió xa cách làm cho lụi tắt”. “Có lẽ chuyện của mình và Thư là như vậy”- Cân nghĩ thế.
Tuy nhiên, Cân cũng chẳng có nhiều thời gian để gặm nhấm nỗi buồn. Anh vừa mới được bổ nhiệm chức vụ chính trị viên đại đội. Trước mắt anh còn hàng đống công việc phải làm mà gay go nhất là chống đói.
Có lẽ không ai ngờ Hiệp định Pa- ri ký kết đã được hơn năm, cuộc sống nơi hậu cứ có vẻ đã yên hàn trở lại mà bộ đội lại bị đói quay, đói quắt. Cũng chẳng biết nguyên nhân cụ thể vì sao nhưng có lẽ con đường tiếp vận lương thực cho chiến trường này từ trước đến nay chủ yếu qua một cảng của nước bạn nay gặp trở ngại gì đó. Trong khi đó hình như lượng viện trợ từ các nước anh em cũng giảm nhiều nên hàng hóa từ phía bắc chuyển vào cũng rất nhỏ giọt. Tiêu chuẩn ăn từ sáu lạng rút xuống còn bốn lạng một ngày. Thôi thì chẳng còn cách nào hơn là tự mình cứu mình. Thế là mọi công việc xây dựng doanh trại, củng cố trang bị và huấn luyện bổ sung tạm gác lại. Cả mặt trận, từ lính đến quan cứ trần lưng ra mà phát rẫy và trồng trỉa. Thôi thì đủ thứ: lúa, ngô, sắn, bí,… cứ cái gì chống đói được là trồng tất. Khổ cái đang là cao điểm mùa khô nên cây nào cây nấy cứ còi rí còi rị. Lính tráng còng lưng gánh nước tưới mà trông vào những cái rẫy vẫn chẳng thấy cái màu xanh mát mắt như trong mùa mưa. Chỉ được mấy cái rẫy ngô là tương đối tốt có lẽ vì chúng là loại chịu được hạn. Đúng là  “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Chỉ mấy tháng sau công sức lao động của bộ đội đã được đền bù. Bữa ăn hàng ngày được cải thiện trông thấy.
Bị cuốn vào những công việc bộn bề của một người “anh cả” trong đơn vị, Cân dường như quên hẳn đi nỗi buồn riêng của mình. Ngoài cái đó ra, từ ngày được trở về trực tiếp chỉ huy một chiếc xe tăng Cân thật sự vui. Là một người lính xe tăng “nòi”, từ lúc vào bộ đội đã gắn bó với chiếc xe tăng. Vì vậy từ ngày lên làm chính trị viên phó, mặc dù cũng rất nhiều việc nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy mình như người thừa trong đơn vị. Khi đơn vị hành quân, anh em phải đánh vật với những cung đường phức tạp, với máy bay địch ngăn chặn suốt ngày đêm thì phải tách ra đi tiền trạm. Lúc ở hậu cứ thì loanh quanh với công tác hậu cần, tăng gia sản xuất và vài hoạt động bề nổi của đơn vị. Khi anh em đi đánh nhau thì lại rúc ở phía sau. Xong trận đánh rồi mới đi làm công tác thương binh, tử sỹ. Tất nhiên là cũng ác liệt, gian khổ như mọi người nhưng dù sao được trực tiếp ngồi trên một chiếc xe tăng mà lao vào đồn thù vẫn sướng hơn, vẫn vẻ vang hơn chứ. Với ai không biết chứ với Cân thì được về sống với kíp xe, được cùng ăn, cùng ở với anh em, được khoác bộ quần áo công tác lấm lem dầu mỡ, được hít cái mùi hăng hắc của khói dầu anh như được tiếp thêm sức mạnh.
Đại đội mà Cân về làm chính trị viên là đơn vị mới hành quân vào hồi cuối năm 1972. Vừa vào đến chiến trường thì đã ký hiệp định Pa- ri nên họ chưa có dịp thử sức trong chiến đấu. Bộ đội thì khỏe mạnh, trang bị đủ theo biên chế và còn khá tốt, ý chí quyết tâm thì luôn sôi sùng sục. Tuy nhiên, Cân biết cái họ thiếu chính là kinh nghiệm chiến đấu. Cân hy vọng rằng những gì mình thu lượm được qua các trận đánh của chiến dịch Nguyễn Huệ sẽ giúp ích được phần nào cho anh em. Điều phấn khởi nhất đối với Cân là không khí đoàn kết trong đơn vị. Ngay từ những ngày đầu về đơn vị Cân đã nhanh chóng hòa đồng vào tập thể và được tất cả anh em từ ban chỉ huy đến từng chiến sĩ trong đại đội quý mến. Đại đội trưởng Sáu Thanh, vốn dân 18 thôn Vườn Trầu theo cha ra Bắc tập kết. Hồi học “trường Trỗi” đã từng nổi tiếng khắp vùng Chí Linh, Đông Triều về những trò nghịch ngợm, quậy phá. Nhưng khi nhập ngũ thì đánh nhau cũng ra trò nên được chọn đi học sĩ quan. Sau khi tốt nghiệp sĩ quan Lục quân thì được điều về binh chủng Thiết giáp. Học xong chương trình chuyển binh chủng Thanh được giữ lại làm giáo viên nhưng anh nằng nặc đòi về đơn vị chiến đấu. Thấy nhà trường không giải quyết anh lần mò ra tận Bộ Tư lệnh đòi gặp thủ trưởng. Cuối cùng nguyện vọng của anh đã được đáp ứng. Thanh sống tình cảm, phóng khoáng đúng phong cách “anh Hai” nên luôn được anh em yêu mến, nể vì. Hôm Cân về đơn vị, vừa hạ ba lô xuống đã thấy một mâm cơm khá thịnh soạn được dọn ra. Nói là thịnh soạn vì ngoài những món ăn nhà bếp còn có thêm một đĩa thịt gà và một chai rượu đế. Thanh thì hồ hởi: “May quá! Tôi đang bí rì rì. Ông về đây với tôi là tốt lắm rồi. Còn bây giờ, ngồi xuống đây nhậu đã”.  Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày về đơn vị Cân nhận thấy rằng để xây dựng một đơn vị chính quy, nề nếp thì như thế vẫn chưa đủ. Nhưng anh cũng tin rằng mình sẽ giúp Thanh nhanh chóng khắc phục được những điểm yếu đó.
Về sống với anh em kíp xe 475 Cân có cảm giác như mình được sống lại ở kíp xe 567 ngày nào. Pháo thủ Quang, nguyên sinh viên Đại học Tổng hợp Toán năm thứ hai, tuổi chưa phải là nhiều nhưng đã có cái chín chắn của một người biết nhiều, hiểu rộng. Đặc biệt Quang bắn rất giỏi nên có uy tín khá cao với anh em trong kíp xe cũng như trong đại đội. Cũng cái dáng cao lêu nghêu, lòng khòng nên giá như có cái răng vàng thì Quang giống hệt với trưởng xe Nhã của anh. Pháo hai Đạt trẻ nhất trong kíp xe, vừa huấn luyện được hai tháng là hành quân vào trong này. Đạt hồn nhiên, tồ tệch y như Thắng ngày nào. Còn lái xe Đoàn thì Cân lại thấy bóng dáng Hòa trong đó. Đoàn lém lỉnh, tháo vát, làm cái gì cũng nhanh, mỗi tội không đen như Hòa. Ở với nhau đã lâu, luyện tập cùng nhau đã nhiều nên họ ăn ý với nhau lắm, kể cả trong sinh hoạt cũng như trong huấn luyện. Hôm vừa rồi đoàn kiểm tra của Bộ tư lệnh Thiết giáp vào nắm tình hình, thành tích bắn của kíp xe 475 lại cao nhất đại đội. Ba thằng, mỗi thằng một quê nhưng cứ một điều “quê”, hai điều  “quê” ngọt lịm.
Lại nói về từ “quê”. Cân nghe thấy cái từ này lần đầu tiên khi đến thăm mấy đơn vị hành quân vào hồi cuối năm 1972. Lúc đầu, anh cứ ngỡ cả đơn vị này cùng quê hay sao ấy. Nhưng rồi dần dần anh hiểu ra đấy chỉ là một cách gọi thân mật của anh em. Chẳng biết xuất xứ của nó từ đâu nhưng dần dần nó lan ra toàn đoàn và trở thành món “đặc sản” của lính xe tăng. Chỉ cần nghe gọi “Quê ơi” là biết ngay đấy là lính M26. Với ai không biết chứ với Cân thì cái từ “quê” ấy thật thân thương, gần gũi. Chỉ một từ thôi những nó bao hàm trong đó tất cả tình đồng chí, đồng đội, đồng hương, tình anh em ruột thịt. Vì vậy, anh cũng dùng nó thường xuyên để gọi anh em, đồng đội của mình. Hôm về với kíp xe, khi thấy anh em còn đang ngần ngừ chưa biết xưng hô thế nào anh đã nháy mắt vui vẻ: “Cứ anh quê mà gọi”.
Sống trong tình thân ái của kíp xe, của anh em trong đơn vị Cân thật sự đã quên nỗi buồn riêng của mình. Anh thấy mình như trẻ lại vài tuổi. Trái tim tưởng như đã chai sạn vì mối tình đầu bị lỡ dở lại rung lên. Cuốn sổ thơ đã bị bỏ bẵng mấy tháng nay lại có dịp mở ra. Đêm hôm qua, sau khi ngồi tán gẫu với kíp xe về hầm, Cân không ngủ được. Anh nằm miên man nghĩ về những tình cảm mà người lính xe tăng dành cho nhau. Cái từ “quê” cứ trở đi, trở lại trong óc anh. Một tứ thơ vụt đến, Cân bật dậy ghi liền một mạch những ý nghĩ đang tuôn trào trong đầu mình:
Chúng tôi sinh mỗi đứa một quê
                   Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng, Vĩnh Phú …
                   Đi đánh giặc tất cả thành đồng chí
                   Tất cả gọi nhau bằng một tiếng “QUÊ”

                   Nghe bâng khuâng như ngọn gió trưa Hè
                   Nghe ngọt ngào như vườn đày trái chín
                   Nghe thân thương như đồng quê lúa mượt
                   Đã thương rồi, nghe gọi thấy thương hơn.

                   Thức chung nhau bao đêm dài Trường Sơn
                   Hứng chung nhau bao trận bom rải thảm.
                   Đêm mưa rừng nằm ôm nhau thấy ấm
                   Như ngày nào cuộn giữa ổ rơm

                   Quê ơi Quê! Còn gì thương hơn
                   Một điếu thuốc lào chia nhau chồng sái
                   Cơn sốt rét rừng đang lên tê tái
                   Bỗng ấm lòng: “Dậy ăn cháo đi Quê!”

                   Bốn thằng Quê chung nhau một xe
                   Người ta bảo chúng nó yêu nhau lắm
                   Gắn bó với nhau nên ngày xuất trận
                   Bốn đứa mình lại chung một chiến công

                   Chúng tôi sinh mỗi đứa một phương
                   Đi đánh giặc tất cả thành đồng chí
                   Tất cả gọi nhau bằng tiếng “QUÊ” giản dị
          Có phải vì- ĐẤT VIỆT- MỘT QUÊ CHUNG
Sáng nay dậy, đang định khoe với Sáu Thanh và mấy anh em trong ban chỉ huy thì chuông điện thoại trong hầm “xê bộ” đổ một hồi dài. Thanh cầm máy à, ừ một chập rồi quay ra, mặt tươi hơn hớn:
- Có việc rồi đây. Tiểu đoàn gọi tôi với hai “bê” trưởng đi chuẩn bị chiến trường. Các ông ở nhà cho bộ đội củng cố xe cộ, huấn luyện bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng nhé.
Cân hơi bất ngờ vì mấy hôm trước đã được nghe phổ biến tình hình trên đoàn bộ. Các thủ trưởng cho biết sẽ hết sức hạn chế sử dụng xe tăng và pháo lớn trong những trận đánh nhỏ lẻ mở rộng vùng giải phóng. Như thế này chắc là sắp đánh lớn đây. Anh cố vớt vát:
- Anh có hỏi đi chuẩn bị chiến trường ở đâu không?
Thanh cười lớn:
- Mấy ổng kín như bưng ấy. Hỏi mãi chỉ bảo cứ lên đây rồi biết. Nhưng cứ được đi đánh nhau là sướng rồi. Nằm mãi ở đây nẫu cả người rồi đây nè- Anh hồ hởi gọi cậu liên lạc- Xuống báo cho hai trung đội trưởng chuẩn bị tư trang đi công tác nửa tháng. Nhớ bảo mang theo AK và lương thực. Đúng 15 phút nữa có mặt tại đây. Nghe rõ chưa?
Cậu chiến sĩ liên lạc chạy vụt đi. Thanh quày quả chui vào hầm chuẩn bị. Cân ngồi đấy mường tượng về cuộc chiến đấu sắp tới. Chắc chắn đó sẽ là những trận đánh cuối cùng của cuộc chiến này.

*

Đối với Thắng, ngày hôm nay là một ngày hết sức quan trọng. Hôm nay, các anh sẽ tổ chức bắn thử cho chiếc 923. Nếu thành công, trong đội hình sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn H73 sẽ có thêm một con voi thép. Còn nếu thất bại thì chỉ còn cách “thịt” nó ra để lấy khí tài sửa chữa cho các xe khác.
Không đến nỗi khó khăn như ở chỗ Hòa và Cân, đối với trung đoàn H73 của Thắng thì việc làm nhà ở, lán xe và tăng gia sản xuất cải thiện đời sống tương đối thuận lợi. Đứng chân trong vùng rừng già Bắc Tây Nguyên nên rừng còn khá dày. Rừng ở ngay cạnh. Gỗ đấy, lồ ô đấy, tranh đấy, song mây đấy… cần bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Mà cũng lạ cho cái giống lồ ô. Bom đạn, chất độc hóa học tàn phá, đến lượt lính ta cây chặt đằng cây, măng đào đằng măng thế mà nó vẫn cứ lên tầng tầng, lớp lớp dường như bên dưới gốc của nó là một sức sống đến vô tận. Về tập kết ở đây chỉ mấy tháng toàn bộ hệ thống nhà ở, nhà ăn, hội trường, lán xe của trung đoàn đã được xây dựng xong. Hình như có một cuộc thi đua ngầm giữa các đơn vị thì phải nên những ngôi nhà làm sau thế nào cũng phải có nét gì đó độc đáo, đẹp hơn những cái làm trước. Không chỉ có thế, trung đoàn còn cho tổ chức xây dựng được một thao trường khá chính quy, có thể huấn luyện được cả kỹ thuật và chiến thuật. Đất đai Tây Nguyên mênh mông, không quân ngụy đã hết thời nên chẳng có gì phải quá giữ gìn như trước. Nề nếp sinh hoạt trong đơn vị đã ít nhiều mang dáng dấp thời bình. Sáng dậy tập thể dục hô váng cả rừng. Đi ăn cơm, đi huấn luyện cũng xếp hàng đi đều. Chiều về chơi thể thao. Đại đội nào cũng có sân bóng chuyền và mấy bộ xà đơn, xà kép. Số còn lại thì tăng gia. Mà đất Tây Nguyên tốt thật, cây gì cắm xuống cũng lớn như thổi. Thôi thì đủ cả: sắn, khoai, lúa nếp, bầu bí, rau dưa… Bà con dân tộc Ba Na mấy bản quanh đó cứ tấm tắc khen bộ đội xe tăng “trồng cây gì cũng lớn như thổi”. Ấy thế nhưng khi vào tham quan thì họ chịu không học theo được bởi các chú bộ đội “bón cái phân gì mà thúi quá vậy”. Cái ăn, cái ở không còn là nỗi ám ảnh dai dẳng lính xe tăng B3 như mấy năm trước nữa. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất đối với H73 là công tác bảo đảm kỹ thuật.
Mặc dù không phải là chiến trường xa nhất song số xe bị hư hỏng trên đường hành quân cũng như trong quá trình chiến đấu khá cao, trong khi đó lượng khí tài dự bị bổ sung vào cũng không được dồi dào cho lắm. Đại đội sửa chữa đã được thành lập nhưng chưa thật đồng bộ vì toàn là thợ đi cùng các tiểu đoàn trước đây ghép lại. Dụng cụ thì cũng chỉ dựa vào mấy cái xe công trình nên gặp những hư hỏng lớn cứ lúng túng như gà mắc tóc. Ban kỹ thuật trung đoàn cũng đã được thành lập nhưng thực ra chỉ có hai người. Trưởng ban được điều từ Phòng kỹ thuật mặt trận xuống, là kỹ sư nhưng không chuyên về tăng thiết giáp nên hầu như mọi việc đều đổ lên đầu trợ lý kỹ thuật Thắng. Cũng may cho anh là một lái xe lâu năm, lại chịu khó học hỏi và đặc biệt là khối kinh nghiệm đã tích lũy được sau mấy năm làm kỹ thuật viên nên mọi việc vẫn chạy đều. Tiếng là trợ lý cơ quan nhưng Thắng hầu như chỉ có mặt ở đại đội sửa chữa. Trong cái khó ló ra cái khôn, rất nhiều sáng kiến được đưa ra và sau hơn một năm phấn đấu hầu hết số xe bị hư hỏng trên đường hành quân cũng như trong các trận đánh năm 72, 73 đã được kéo về và khôi phục đưa vào danh sách xe sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, nói cho công bằng thì số xe đó cũng mới chỉ là “tương đối”. Trung đoàn cũng mới chỉ khắc phục được những hư hỏng chính về phần xe máy và vũ khí chính để có thể chiến đấu được, còn những hư hỏng phức tạp hơn như điện đài, máy ổn định, khí tài quan sát… thì cũng đành bó tay vì lực lượng thợ cũng như dụng cụ chưa đủ. Những khó khăn ấy Thắng đã báo cáo hết với đoàn kiểm tra của binh chủng vừa mới vào và đã được ghi nhận. Cho đến lúc ấy Thắng chỉ còn đau đầu với cái xe 923. Nếu giải quyết xong cái này có thể nói 100 phần trăm xe của trung đoàn có tình trạng kỹ thuật khá, có thể tham gia chiến đấu được.
Sở dĩ Thắng phải mất nhiều thời gian suy nghĩ về chiếc 923 này vì nó bị hỏng pháo nhưng máy móc và các bộ phận khác thì vẫn còn tốt. Trong trận đánh vào thị xã Công Tum năm 1972, khi xung phong qua một con suối nòng pháo của nó bị thúc vào bờ suối. Chắc là có một ít đất cát bị lọt vào nòng pháo mà anh em không biết nên khi bắn nòng pháo bị chẻ ra như hoa muống. Ngay sau đó kíp xe vẫn tham gia chiến đấu bằng cao xạ 12 ly 7 và đại liên. Tuy nhiên, trận đánh đó không thành công, ta phải rút ra. Xe 923 bị trúng đạn, lái xe hy sinh, số còn lại đều bị thương nên phải thoát ly xe đưa nhau về. Chính Thắng đã đánh chiếc xe dắt của mình vào kéo và chật vật lắm mới đưa được nó về hậu cứ. Tuy nhiên, từ đó nó bị coi như mất sức chiến đấu vì có mỗi thứ vũ khí chính là khẩu pháo 100 ly lại không dùng được.
Vì việc thay nòng pháo đòi hỏi những thiết bị hạng nặng ngoài khả năng của đơn vị nên trung đoàn đã báo cáo ra Bộ tư lệnh xin giúp đỡ. Nhưng chắc vì quá xa, lại chỉ có một khẩu pháo hỏng không bõ đưa thiết bị vào nên ở ngoài ấy đã điện vào tùy trung đoàn xử lý. Trưởng ban kỹ thuật thì đề xuất: “thịt nó lấy khí tài bổ sung cho các xe khác”. Ban chỉ huy trung đoàn thì phân vân, khí tài thì cần thật đấy nhưng phải “thịt” nó thì cũng xót. Đúng là “bỏ thì thương, vương thì tội”. Thắng thì không đồng ý như vậy. Anh nhớ lại hôm vào kéo xe này phải gỡ mãi mới đưa được lái xe Thưởng ra khỏi buồng lái. Anh chết rồi mà hai tay vẫn ghì chặt cần lái. Đưa được Thưởng ra rồi, anh và cả tổ thợ đã phải rất vất vả mới đưa được xe về hậu cứ nên Thắng phản đối quyết liệt. Thắng gân cổ: “Đưa được một cái xe tăng vào đây đâu phải chuyện dễ dàng, cứ động một tý lại “thịt” thì lấy đâu ra xe mà chiến đấu”. Tuy nhiên khi mọi người hỏi phải làm thế nào thì anh lại bí và khất lần. Cảm tính thì phát biểu thế thôi chứ đã nghĩ ra cách gì đâu. Thành ra cái nòng pháo chẻ hoa muống đó vẫn chình ình ra đó. Bây giờ hầu hết xe cộ trong trung đoàn đã tương đối ngon lành rồi anh mới có dịp toàn tâm, toàn ý suy nghĩ về nó.
Trong số những người ủng hộ Thắng thì nhiệt thành nhất là Độ thợ cơ. Cậu ta cũng để tâm suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Vốn dân miền rừng Tuyên Quang, từ bé đã theo cha săn bắn trong rừng cậu ta bảo: “cái khẩu súng kíp của người dân tộc người ta tự làm lấy còn bắn được, huống gì khẩu pháo này. Cứ cắt mẹ nó cái chỗ tỏe hoa muống đi là lại bắn được thôi mà”. Thắng nghe cũng thấy có lý. Anh xuống xem xét lại thật kỹ và báo cáo với ban chỉ huy trung đoàn. May cho Thắng, trung đoàn trưởng Lê Ngộ vốn là một cán bộ có kiến thức về xạ kích khá sâu sắc. Nghe Thắng báo cáo xong hai thày trò xuống tận nơi nghiên cứu, đo đạc rồi Ngộ gật gù: “Chắc chắn là bắn được tuy không chính xác như trước vì tầm bắn sẽ giảm đi”. Suy nghĩ thêm một lúc anh bảo: “Nhưng cũng sẽ có cách giải quyết. Lẽ ra khoảng cách 1000 thì lắp thước ngắm 10, bây giờ hụt tầm ta lắp thước ngắm 12, 13 thì bắn vẫn trúng”. Ngay hôm đó trung đoàn đồng ý cho Thắng cưa nòng pháo nhưng sau đó phải tổ chức bắn thử để xây dựng quy tắc bắn riêng cho xe này. Được lời như cởi tấm lòng, Thắng cho anh em thợ cưa phần nòng pháo vỡ đi. Như vậy nòng pháo sẽ ngắn hơn trước khoảng gần một mét. Quay pháo thấy nặng hơn vì mất đi một đoạn nòng, Thắng cho hàn vào đó một cái mắt xích. Thế là pháo được cân bằng, quay lên quay xuống lại êm như ru. Vậy là khá ổn. Chỉ còn buổi bắn thử hôm nay nữa mà trúng được mục tiêu là xong.
Mặc dù suốt đêm cứ thao thức hoài nhưng ngay từ sáng sớm Thắng đã có mặt tại thao trường của trung đoàn. Buổi sáng cao nguyên se se lạnh, những đám sương mù mỏng mảnh đang bảng lảng bay. Đây vốn là một đồi cỏ tranh xen lẫn với những bụi cây lúp xúp đã được trung đoàn cải tạo thành một thao trường huấn luyện tổng hợp sau ngày ký Hiệp định Pa- ri. Tuy không thật chính quy như ở Rừng Cam nhưng cũng đủ để huấn luyện các khoa mục bắn súng, lái xe và tập chiến thuật đến cấp trung đội.
Xe 923 đã được kíp xe đưa ra đấy từ trước. Khẩu pháo bị cưa ngắn nòng mất gần một mét làm giảm mất phần nào cái dáng đường bệ của chiếc T54, trông hơi buồn cười. Kíp xe đang hiệu chỉnh sơ bộ và hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng. Ai cũng phấn khởi nhưng vẻ mặt vẫn có một cái gì đó rất căng thẳng. Để đánh giá thật chính xác kết quả bắn Thắng đã cho dựng tại khoảng cách đúng 1000 mét ở đầu kia của thao trường một tấm bia hình chữ nhật bằng khung tre, trên đó căng mấy mét vải xô chuyên dùng lau nòng pháo. Anh dự định sẽ cho bắn thử mấy phát bằng cả đạn xuyên lẫn đạn nổ theo những thước ngắm khác nhau. Tuy chưa biết thế nào nhưng trong thâm tâm anh tin rằng kết quả sẽ tốt đẹp.
Công việc chuẩn bị gần xong thì cả ban chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn có mặt. Vừa ở trên xe nhảy xuống chưa kịp chào hỏi gì trung đoàn trưởng Lê Ngộ đã bước tới bắt chặt tay Thắng và niềm nở:
- Tình hình chuẩn bị đến đâu rồi?
Thắng chào hết lượt mọi người rồi mới trả lời:
- Báo cáo các thủ trưởng, mọi việc chuẩn bị đã xong.
Trung đoàn trưởng Ngộ nhìn quanh một lượt, anh gật gù ra vẻ hài lòng và hỏi:
- Cậu báo cáo kế hoạch bắn thử xem nào.
Có vẻ như chuyện thuyết minh kế hoạch không phải là sở trường của Thắng nên anh  gãi đầu một lát rồi mới ấp úng:
- Dạ! Tôi định cho bắn thử đạn xuyên trước rồi mới bắn đạn nổ sau. Phát đầu tiên sẽ cho bắn theo thước ngắm 10 để xem nó sai lệch thế nào rồi mới quyết định thước ngắm phát sau. Đại khái là như vậy!
Trưởng ban kỹ thuật gắt nhẹ:
- Thế cái kế hoạch bắn thử tôi ký hôm trước đâu sao không đem ra mà báo cáo. Cứ ấp a, ấp úng như gà mắc tóc thế thì ai hiểu được.
Trung đoàn trưởng Ngộ dàn hòa:
- Thôi, không cần đâu. Bọn tớ hiểu rồi- Anh khoát mạnh tay- Nếu chuẩn bị xong rồi thì cho bắn đi!
Thắng mời các thủ trưởng lên đài chỉ huy. Gọi thế cho oai chứ thực ra đó chỉ là một mô đất được đắp cao ở ngay sau xe 923, còn anh trèo lên đứng ngay sau tháp pháo để chỉ huy. Ngó vào trong xe thấy ai đã vào chỗ nấy ở tư thế sẵn sàng, Thắng hô nhỏ:
- Đạn xuyên đầu nhọn, thước ngắm 1000, ngắm chính giữa bia. Chuẩn bị!
Pháo hai Thành nhanh chóng gỡ quả đạn xuyên trên giá xuống và lao vào buồng nòng. Khóa nòng pháo đóng nghe đánh “phập. Pháo thủ Hiên loay hoay lấy thước ngắm thật cẩn thận rồi quay tầm hướng đưa pháo vào mục tiêu. Trưởng xe Hào ngẩng lên:
- Báo cáo, xong!
Thắng quay sang phía đài chỉ huy cao giọng:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi bắn đây ạ!
Trung đoàn trưởng Ngộ đưa ống nhòm lên mắt và phẩy tay:
- Bắn đi!
Thắng cúi xuống cửa trưởng xe:
- Chú ý quan sát kết quả nhé. Bắn!
Một chớp lửa sáng lòa bùng lên phía đầu nòng. Một tiếng nổ trầm đục vang lên. Chiếc xe giật mạnh một cái làm  Thắng suýt ngã. Anh vội đứng thẳng dậy và vẫn kịp nhìn thấy cái chấm sáng đỏ rực lao vút vào sát mép dưới chân bia. Khói trong buồng chiến đấu mù mịt. Tiếng trưởng xe Hào vang lên:
- Đạn thấp một thân. Mà sao khói thế này?- Vừa nói Hào vừa đưa tay bật quạt gió.
Thấy khói bốc lên nghi ngút từ cửa xe mấy cán bộ chỉ huy trung đoàn nhốn nháo hỏi:
- Sao thế? Sao lại khói mù mịt thế kia?
Trung đoàn trưởng Ngộ vẫn bình thản:
- Các cậu cưa mất cái bọng hút khói của nó thì khói bị dồn vào buồng chiến đấu nhiều hơn chứ sao. Không việc gì đâu, bật quạt gió lên một tý lại thoáng ngay đấy mà- Anh đưa ống nhòm lên quan sát thêm giây lát rồi gật đầu- Đúng như dự đoán, đạn bị hụt tầm khoảng 200 mét. Bây giờ bắn thế nào?
Thấy tình hình có vẻ ổn, Thắng nhanh nhảu:
- Báo cáo thủ trưởng, giờ chúng tôi sẽ tăng lên thước ngắm 12 ạ.
Trung đoàn trưởng Ngộ vẫy tay:
- Thế thì bắn đi!
Sau tiếng nổ thứ hai, quả đạn xuyên vạch đường đỏ lừ trúng giữa mục tiêu. Tất cả những người có mặt vỗ tay rào rào. Thắng định cho bắn đạn nổ thì Ngộ bảo:
- Cậu cho anh em bắn một phát đạn xuyên nữa theo đúng phần tử phát vừa rồi- Quay sang mấy cán bộ cùng đi anh nói như giải thích- Để kiểm tra xem độ tản mát của nó thế nào.
Phát đạn thứ ba cũng trúng gần như vào giữa bia. Ngộ gật đầu:
- Tốt lắm! Độ tản mát không đáng kể- Anh cao giọng- Thắng, cho anh em chuyển sang bắn đạn nổ đi. Nhớ nhắc để ở nổ chậm và không tháo “chóp gió” nhé!
Đến bây giờ thì Thắng đã thấy tự tin hẳn lên, anh nhắc kíp xe:
- Đạn nổ liều nguyên, chế độ nổ chậm, không tháo chóp gió. Thước ngắm 10, chuẩn bị!
Trung đoàn trưởng Ngộ đang nói chuyện gì với mấy người đứng cạnh vội hét lớn:
- Sao lại bắn thước ngắm 10?
Thắng vội quay sang trả lời:
- Vừa nãy mình vẫn bắn thế mà, thủ trưởng.
Trung đoàn trưởng Ngộ vội xua tay:
- Không được! Nếu bắn thước ngắm 10, đạn gần nổ trước bia thì nó bay mất luôn còn thử sao được nữa. Cho lấy thước ngắm 12 đi.
Thắng cười bẽn lẽn:
- Vâng ạ! Có thế mà em cũng không nghĩ ra- Anh cúi người nhắc kíp xe- Thước ngắm 12 nhé! Chuẩn bị! Bắn!
Phát đạn trúng ngay giữa bia. Phát tiếp theo cũng vậy. Trung đoàn trưởng Ngộ tươi cười bắt tay Thắng và kíp xe:
- Thế là được rồi. Từ nay các cậu cứ tăng thước ngắm lên 200 cho tôi. Ngoài ra còn phải căn cứ vào quan sát kết quả bắn mà chỉnh cho chính xác- Anh quay lại phía mấy cán bộ cùng đi- Thôi, ta về để anh em họ còn thu dọn.
Chờ đoàn cán bộ đi khỏi Thắng phân công anh em thu dọn đồ nghề. Anh lần lại phía đầu xe, vỗ vỗ vào cái nòng pháo cụt ngủn giọng đầy âu yếm như đang nói với một người bạn:

- Thế mà suýt nữa mày bị người ta “thịt” mất đấy nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét