Dường như mùa mưa năm nay đến sớm hơn mọi năm. Nghe
phong phanh đâu đó rằng Mỹ đã nghiên cứu ra một loại chất gây mưa và đã đem
sang rải ở miền Nam Việt Nam .
Chẳng viết thực hư thế nào nhưng quả thật mùa mưa năm nay chẳng những đến sớm
mà còn dữ dội hơn những năm trước rất nhiều.
Ngồi trong căn hầm thùng nhìn ra màn mưa dày đặc Nhã
thấy ruột nóng như lửa đốt. Đã ở chiến trường này mấy năm nhưng chưa bao giờ
Nhã thấy mùa mưa nào ác liệt như năm nay. Con sông Ái Tử dưới chân ngọn đồi mà
các anh đang trú ngụ thường ngày chỉ như một con suối hiền hòa chảy nay đã trở
thành một con giao long dữ tợn. Dòng nước đục ngầu tràn cả hai bờ lao băng băng
về phía hạ lưu cuốn theo đủ các thứ từ trên thượng nguồn đổ xuống. May mà đang
ở sườn đồi nên việc đào rãnh thoát nước hầm xe, hầm người cũng khá thuận lợi.
Tuy nhiên công việc sửa chữa, bảo dưỡng xe thì đều phải tạm dừng vì không thể
mở được máy móc ra dưới trời đất thế này.
Sau khi đánh Ái Tử xong đại đội Nhã còn 4 xe. Tất cả
đạn dược đều đã sử dụng gần như hết. Dầu thì cũng đã sử dụng quá nửa cơ số.
Gạo, thịt còn được một tuần. Về kỹ thuật thì xe nào cũng có trục trặc nhỏ. Bình
điện cũng đã hai tháng nay chưa được nạp bổ sung… Định xin trở về đội hình
trung đoàn thì đơn vị bộ binh mà các anh đến phối thuộc không chịu. Họ bảo:
“chưa hết nhiệm vụ” và chỉ định các anh về trú quân tại ngọn đồi Tân Vĩnh này.
Từ hôm đó cũng xuất xe đánh mấy trận cò con nhưng kết quả chẳng đâu vào đâu.
Công tác tiếp tế thì vẫn hết sức “phọt phẹt”. Kêu mãi rồi nhưng trên chỉ bảo
đảm cho đủ cơ số đạn và một ít gạo, thịt hộp. Còn nhiên liệu, khí tài thay thế
cùng với thợ sửa chữa thì chỉ có câu trả lời là: “hãy đợi đấy!”. Thế rồi mưa ập
xuống, mọi con sông nước cứ dềnh lên ăm ắp nhấn chìm hầu hết những con đường
quanh đó. Mà sao cái vùng này lắm sông đến thế. Nhìn về phía nào cũng thấy
sông. Như cái ngọn núi Tân Vĩnh này cũng vậy. Nó bị hai con sông Vĩnh Phước và
sông Ái Tử ôm gần như trọn, chỉ có một lối thoát là đi lên phía tây nhưng lại chẳng
có đường. Nhã nghĩ bụng: “kiểu này thì tự mình phải khắc phục lấy thôi”. Anh
thầm phác thảo ra một lịch làm việc và phương pháp tiến hành trong thời gian
tới. Lại thêm nỗi lo về sức khỏe bộ đội. Theo kinh nghiệm của Nhã, mùa mưa nếu
cứ ăn ở thế này thì sốt rét sẽ hỏi thăm gần hết đại đội cho mà xem. Đã thế, còn
phải đối phó với nạn “tọa độ” nữa chứ. Trời xấu, bọn phản lực ít hoạt động
nhưng B52 và pháo biển thì lại dày hơn. Khốn nạn nhất là bọn này nó dội không
có quy luật nào cả. Khi thì nửa đêm. Lúc thì sáng sớm. Có hôm giữa trưa. Vì vậy
lúc nào cũng nơm nớp, cứ phải bám chặt lấy hầm, lấy xe.
***
Bên cánh đông của Hòa cũng chẳng khá hơn. Từ hôm bắt
đầu mùa mưa các anh đã chuyển vào ở trong làng. Tuy bộ đội có cái mái nhà che
được mưa gió nhưng hầm hố thì lúc nào cũng ngập đầy nước. Ấy, ngập thế nhưng động
một tý vẫn phải nhảy xuống. Thành ra cứ suốt ngày ở trần mặc độc chiếc quần
lót, lúc có động nhảy xuống hầm cho tiện. Hôm qua cậu Nhật lại có sáng kiến làm
cái hầm nổi Hòa thấy cũng hay hay. Chặt mấy cây gỗ làm khung, nhặt đâu đó về
mấy tấm cánh cửa hoặc tấm tôn rách áp vào thành hai cái mái, sau đó thì đổ đất
trùm lên, bên ngoài xếp thêm một lớp bao cát thế là được một cái hầm kèo khá
vững chắc và khô ráo. Hòa định bụng sẽ kéo các xe khác đến tham quan để làm
theo. Nhìn Nhật đang đắc chí với công trình của mình Hòa lại buồn cười nhớ lại
cái đêm chạy mưa hôm nào.
Đêm ấy, trong lúc anh và Nhật đang ôm nhau ngủ trong
căn hầm chữ A chật hẹp trên cồn cát thì mưa đổ xuống. Đang ngủ say hai anh em
cứ nằm rốn. Thế rồi, chỉ một lúc sau nước đã xâm xấp mặt sạp hầm. Thấy lạnh
lưng hai anh em mới bật dậy ôm chăn chiếu chạy lên xe. Lát sau cả kíp xe và
tiểu đội bộ binh cũng lên chen chúc nhau trong khoang chở bộ binh. Chỉ có Toản
từ khi xe về đây đã chiếm chiếc ghế lái xe để ngủ là vẫn dàng hoàng. Thấy mấy
anh em co ro chen vai thích cánh ngủ ngồi hắn còn toe toét cười trêu chọc:
- Sướng chưa? Cứ bảo ngủ trên xe độc mùi dầu sao lại
còn chen lên đây cho khổ?
Thế mà nào đã xong. Ngủ thêm được một lúc nữa thì mấy
cậu bó gối ngủ ngồi dưới sàn xe kêu toáng cả lên vì ướt quần. Toản với tay bật
cái đèn cấp bị mọi người giật mình thấy nước đã lênh láng trong xe. Trên mặt
nước là lớp dầu cặn nhầy nhụa, váng vất. Mà cái xe lại như hơi tròng trành nữa
chứ. Hòa ngạc nhiên không hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao, anh hơi gắt:
- Mấy cậu lúc nãy che bạt thế nào mà để nước vào thế
này?
Toản soi cái đèn công tác lên tấm bạt nhưng không thấy
giọt nước nào cả, cậu ta lắc đầu:
- Không phải dột! Có lẽ do nước ngấm từ ngoài vào, anh
ạ!
Hòa lầm bầm:
- Nước ở đâu mà ngấm vào được? Mà ngấm làm sao được,
đây là xe bơi nước cơ mà!
Nói vậy nhưng anh vẫn vén bạt nhìn ra. Dưới ánh chớp
vừa nháng lên Hòa giật mình thấy đám ruộng xung quanh nước trắng băng cả, còn
cái hầm của xe anh lúc này đã thành một cái ao đầy nước. Trong cái ao đó xe anh
tròng trành là phải. Nhật và Toản cũng đã ghé đầu nhìn ra, Toản phán đoán:
- Chắc là do gioăng, đệm của mình cũ rồi nên nước mới
ngấm vào được. Bình thường lúc bơi còn có máy bơm nước chạy đồng hành. Còn bây
giờ nằm đây một lúc nữa khéo nước vào đầy xe mất.
Đúng lúc ấy mấy trưởng xe trong đại đội lúp xúp chạy
đến. Cậu Hào trưởng xe 235 mếu máo:
- Đại trưởng ơi, nước vào đầy trong hầm, trong xe rồi.
Làm thế nào bây giờ?
Hòa nhìn quanh, mưa vẫn như trút nước. Biết rằng không
thể chần chừ được nữa Hòa bảo:
- Cứ đánh xe lên khỏi hầm đi đã!
Hào vẫn chưa chịu đi:
- Nhưng mà lên khỏi hầm rồi thì ngụy trang ra làm sao
đây? Sáng mai tạnh mưa nó mà mò ra thì chết cả lũ à?
Hòa gắt:
- Thì cứ về đưa xe lên đi đã! Mọi việc khác tính sau.
Khi mấy chiếc xe đánh lên khỏi hầm rồi Hòa mới thấy
Hào có lý. Trên trảng cát trống huếch, trống hoác lơ thơ vài đám cây bụi thì 4
chiếc xe thiết giáp đứng lồ lộ đúng là những mục tiêu ngon lành cho đám OV10
hay L19. Tuy nhiên, đây lại là vị trí mà trung đoàn quy định cho đại đội anh bố
trí để sẵn sàng tham gia đánh địch hỗ trợ cho các đơn vị phòng ngự trong Thành
Cổ và thị xã Quảng Trị. Bây giờ bỏ đi cũng chết mà ở lại cũng chết. Chui vào
xe xe mở đài liên lạc với trung đoàn
không được, Hòa quyết định:
- Cứ chạy vào làng cái đã! Mọi cái tính sau!
Mất gần một tiếng trầy trụa, lúc bơi, lúc lội, lúc đi
chế độ hỗn hợp đại đội Hòa mới mò được vào bìa làng Phương Lang. Bố trí xong
xuôi đâu đấy thì trời vừa sáng. Đúng lúc đó một trận bom tọa độ chụp xuống cồn
cát. Hòa thở phào:
- Đúng là trong cái rủi lại có cái may!
***
Đối với Thắng thì đó là những ngày khá vất vả, cực
nhọc. Sau khi đánh Kon Tum không thành công tiểu đoàn của anh được lệnh rút lên
phía Bắc để củng cố. Cả tiểu đoàn còn chưa đầy hai chục xe nhưng cái nào cũng
có vấn đề về kỹ thuật, không hỏng cái này thì hỏng cái khác. Ngoài ra các anh
còn tổ chức thu dung đưa về hậu cứ được hơn chục chiếc xe tăng của địch. Tiểu
đoàn giao nhiệm vụ cho nhóm kỹ thuật bao gồm các kỹ thuật viên và thợ sửa chữa
phải tổ chức khôi phục tình trạng kỹ thuật của cả xe ta lẫn số thu được của địch.
Đồng thời phải nghiên cứu tài liệu để tổ chức huấn luyện cho bộ đội về sử dụng số
xe thu được.
Công việc chưa đâu vào đâu thì mùa mưa ập đến. Con
sông Đăk Mỹ ngay cạnh chỗ trú quân của tiểu đoàn vừa hôm trước xắn quần lội qua
bỗng trở thành một đại trường giang sau đúng một đêm mưa. Thế rồi nước cứ như
có người nghiêng chĩnh rót từ trên trời xuống. Mọi công việc phải đình lại.
Tiểu đoàn quyết định làm lán cho xe. Cũng may rừng Ngok Linh vẫn còn nhiều cây
cối nên vật liệu làm lán xe không mấy khó khăn. Tuy nhiên, lính thì vất vả vô
cùng. Mưa như trút vẫn phải lội rừng chặt gỗ, cắt tranh. Phải mất hơn một tuần cật
lực lán xe mới hoàn thành. Xong được mấy cái lán xe thì lác đác vài chiến sĩ
lăn ra sốt. Thế rồi như một đại dịch tràn đến, cả tiểu đoàn lần lượt sốt rét
không sót một ai. Còn một điều may mắn nữa là vị trí trú quân ở khá sâu nên ít
bị máy bay các loại hỏi thăm.
Đêm hành quân qua Đắc Tô để về trên này khi ngang qua
chỗ mai táng bốn anh em xe 377 đại đội trưởng Độ cho đại đội dừng lại nghỉ
ngắn. Xe vừa dừng anh đã lớn tiếng:
- Xe nào cần kiểm tra kỹ thuật hoặc bổ sung nước thì
tranh thủ làm đi! Còn các đồng chí khác cùng tôi lên viếng mộ đồng chí Triệu và
các anh em xe 377.
Chẳng biết có xe nào cần phải làm gì không nhưng rồi
tất cả đều bỏ đấy leo lên lưng chừng đồi, nơi bốn anh em xe 377 nằm. Dưới ánh
trăng mười sáu vằng vặc bốn ngôi mộ nằm song song quay mặt về hướng Bắc trông
thật là cô quạnh. Sau thủ tục mặc niệm của đại đội Thắng ngồi sụp xuống cạnh mộ
Triệu. Anh móc trong túi ra bao thuốc lá “Quân tiếp vụ” đổi được của một tay bộ
binh hôm ở Kon Tum rồi bật lửa châm một điếu. Ngắt một cọng cỏ Thắng cắm điếu
thuốc vào rồi cắm lên mộ Triệu. Anh châm ba điếu nữa lần lượt cắm lên mộ Vinh,
Cao, Tiến rồi đưa bao thuốc mời mọi người hút. Những ngọn gió cao nguyên lồng
lộng thổi làm đầu những điếu thuốc đỏ rực lên như một hòn than.
Đợi cho mọi người hút hết điếu thuốc, mấy điếu thuốc
cắm trên mộ bốn liệt sĩ cũng đã tàn thì Độ đứng dạy, anh hô nhỏ nhưng dằn từng
tiếng:
- Toàn đại đội chú ý! Thành hai hàng ngang, tập hợp!
Chúng ta chia tay các liệt sĩ rồi còn tiếp tục hành quân. Một phút mặc niệm, bắt đầu!- Cả đại đội cúi
đầu, mỗi người dường như đều đang theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Một
lát sau Độ dằn giọng- Thôi! Các đồng chí đi vòng quanh một lượt chia tay các
liệt sĩ rồi về xe ngay. Năm phút nữa tiếp tục hành quân.
Mọi người đã về xe hết rồi Thắng vẫn nán lại bên mộ
Triệu, anh tần ngần một lát rồi vốc một nắm đất trên mộ Triệu bỏ vào túi quần.
Từ hôm ấy, nắm đất trên mộ Triệu cùng với nắm cơm cháy được anh giữ gìn như
những báu vật trong một chỗ kín đáo trong buồng thao tác của chiếc xe dắt.
***
Nhưng có lẽ không ở đâu cảm nhận hết cái cay cực của
mùa mưa bằng cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn xe tăng 408 của quân khu Trị Thiên. Cái
tiểu đoàn được hình thành với ý định làm một con dao đâm vào sườn thành Huế nay
đang chôn chân ở đường 12 và thung lũng A Sầu. Nằm ở cái rốn mưa của dải Trường
Sơn, lúc nào cũng thấy nước trên trời dội xuống mấy cậu lính trẻ cứ ngơ ngác
hỏi nhau: “không biết nước ở đâu ra mà lắm thế?”. Mà đúng thế thật! Những nơi
khác mưa vài ngày còn có ngày hửng nắng, ngay trong một ngày có lúc mưa nhưng
cũng có lúc ngừng. Còn ở đây mưa dường như bất tận. Mưa suốt ngày suốt đêm. Mưa
ngày này qua ngày khác. Không ào ào thì lại tý tách giọt ngắn, giọt dài. Mưa
biến suối thành sông, biến sông thành dòng thác lũ cuốn trôi mọi thứ nó gặp
trên đường. Chính trị viên phó đại đội 4 Vũ Đăng Toản đã từng ở vùng này hồi
năm 69 thì ngạc nhiên: “không hiểu mùa mưa năm nay sao ác liệt đến vậy?”. Đối
với đại đội 3 vào sau được nằm ở hậu cứ còn đỡ chứ đại đội 4 đang châng lâng ở
cây số 17 đường 12 thì “hết chỗ nói”.
Khi ở Quảng Trị bắt đầu đợt Một của chiến dịch thì đại
đội 4 được lệnh tiến theo đường 12 để xuống Huế. Trầy trật hai ngày, hai đêm
đại đội mới lết vào đến cây số 17 thì đành nằm lại vì đường không thể cơ động
được. Con đường độc đạo từ đỉnh Trường Sơn xuống đồng bằng một bên là ta- luy
dương cao vút, một bên là vực sâu thăm thẳm nhìn xuống chóng hết cả mặt. Đã thế
do là vùng tranh chấp, không được bảo dưỡng, duy tu thường xuyên nên sạt lở
từng đoạn dài. Mặt khác, sau mấy ngày đầu thuận lợi, cuối đợt Một chiến dịch
gặp nhiều khó khăn nên hướng tây này cũng không có hoạt động gì phối hợp được.
Cả thiên thời lẫn địa lợi không ủng hộ, đại đội 4 đành nằm lại hai bên bờ sông
Bồ chờ thời cơ khác.
Nhưng thời cơ đâu chẳng thấy, chỉ thấy mùa mưa chụp
xuống đầu một cách bất ngờ. Con sông Bồ chia đôi vị trí trú quân của đại đội
bây giờ thành một vật chướng ngại dường như bất khả xâm phạm. Nhưng điều đáng
sợ hơn là những mảng đường lại tiếp tục theo nhau sạt lở, nhiều chỗ lở gần hết
mặt đường, người đi bộ cũng phải nép sát vào ta- luy mới dám đi qua. Nhìn cái
cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của đơn vị, đại đội trưởng Thuận thật sự lo lắng.
Anh tự hỏi: “nếu lúc này mà địch nó nống ra thì đánh đấm thế nào?”.
Rồi cái lo ấy cũng trở thành hiện thực: quân địch đã
nống ra đến Tà Lương, cách chỗ đơn vị trú quân chỉ hơn 4 ki- lô- mét. Thuận một
mặt cho người cấp báo tình hình lên quân khu đề nghị hỗ trợ, một mặt anh triệu
tập cán bộ toàn đại đội đến hội ý để bàn phương án đánh địch tại chỗ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét