Trong lúc đó, tại một cánh rừng cao su sát biên giới
Việt Nam- Căm Pu Chia, Cân đang bận tíu tít với công việc chuẩn bị cho lễ ra
mắt của Đoàn thiết giáp M26. Đây được coi là một sự kiện trọng đại vì lần đầu
tiên xe tăng có mặt ở chiến trường này, lại còn ra quân đánh thắng trận đầu
thật giòn giã ở Lộc Ninh. Mới cách đây vài hôm hai tiểu đoàn xe tăng vừa được
bổ sung vào nâng tổng số đơn vị xe tăng ở đây lên đến bốn tiểu đoàn. Chính vì
nhận thấy vai trò của tăng thiết giáp ngày một lớn nên Bộ Tư lệnh Miền đã quyết
định thành lập đoàn thiết giáp M26. Có thể coi đây là một bước phát triển vượt
bậc của Quân giải phóng B2, hứa hẹn những trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô
lớn trong một tương lai gần.
Buổi lễ diễn ra giản dị nhưng trang trọng. Sau các thủ
tục công bố quyết định thành lập, ổn định về tổ chức biên chế là bài phát biểu
của chính ủy Miền và lời chào mừng của các binh chủng bạn. Cuối cùng đoàn
trưởng Mai, tư lệnh kiêm chính ủy đoàn đứng dậy, giọng đầy xúc động:
- Kính thưa đồng chí chính ủy! Thưa toàn thể các đồng
chí! Cách đây hơn tám năm, tôi và một số đồng đội nữa nhận lệnh rời binh chủng
đi tay không vào mặt trận với nhiệm vụ nghiên cứu chiến trường, chuẩn bị cho xe
tăng vào tham gia chiến đấu đồng thời tổ chức lấy xe địch đánh địch. Thật tình,
lúc đó đi thì cứ đi nhưng ít ai nghĩ có ngày những chiếc xe tăng lại có thể
vượt hàng nghìn cây số dưới mưa bom, bão đạn của quân thù để vào được đến đây.
Thế mà hôm nay, điều đó đã trở thành hiện thực. Với những nỗ lực cao nhất của
mình, với sự giúp đỡ của bộ đội Trường Sơn và các đơn vị bạn, những chiến sĩ xe
tăng Việt Nam đã làm được những việc chỉ có trong chuyện cổ tích ngày xưa. Đối
với chúng tôi, những cán bộ chiến sĩ từ binh chủng ra đi năm xưa thì ngày mà
chiếc xe tăng đầu tiên của ta lăn xích trên chiến trường B2 thật sự là ngày…
hạnh phúc nhất- Anh chợt dừng lại đưa tay lên quệt ngang mắt. Hội trường im
phăng phắc. Một vài người mắt cũng rưng rưng. Phải một lát sau Mai mới tiếp tục
bằng cái giọng khản đặc- Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin chân thành nhận khuyết
điểm là chưa đáp ứng được kỳ vọng của các thủ trưởng và của các đơn vị bạn,
nhất là trong trận đánh An Lộc vừa qua. Thay mặt cán bộ chiến sỹ tăng thiết
giáp miền chúng tôi xin hứa sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm để thời gian tới sẽ
hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc hơn. Một lần nữa xin cảm ơn các đồng chí!
Ngồi trong một góc hội trường Cân tỏ ra vô cảm với tất
cả những bài phát biểu đang được cất lên một cách trang trọng trên diễn đàn.
Trong lòng anh nhoi nhói một nỗi đau không thể nói lên lời. Cách đây chỉ hơn
một tháng chứ mấy, cứ sau mỗi trận đánh chính bản thân anh đã phải mò vào thị
xã An Lộc để hủy xe hỏng và lấy thi hài đồng đội ra. Xe thì dù sao cũng chỉ là
những vật vô tri vô giác, có cháy, có hỏng rồi sẽ được bổ sung vào. Nhưng còn
các đồng đội của anh, đó là những người con của một gia đình, là chồng của một
người vợ, là cha của những đứa con, là niềm thương nỗi nhớ của bao nàng thiếu
nữ thì đã mất đi sẽ không bao giờ sống lại được nữa. Mà nào có lấy về được bao
nhiêu đâu. Những xe không cháy anh em chạy ra ngoài thì chẳng biết đằng nào mà
tìm. Còn những xe bị cháy có khi cả bốn người chỉ còn một dúm. Những đêm đầu
Cân còn khóc được. Về sau, dường như nước mắt anh cũng đã cạn khô. Những cảm
xúc tưởng như chai lì đi giờ đây lại trỗi dậy. Anh cảm thấy giận những người
đang thao thao bất tuyệt kia: “sao họ nói hay vậy mà họ lại chẳng làm gì để bớt
đi những cái chết của đồng đội?”. Anh bỏ ra ngoài đi sâu vào trong rừng và ngồi
như hóa đá bên một con suối cạn mà không dự bữa liên hoan.
Nhưng có một người đã phát hiện ra sự vắng mặt của
Cân, đó là đoàn phó Hồng. Thực ra, từ hôm Cân lên đây giúp việc cho phòng chính
trị chuẩn bị cho lễ ra mắt Hồng đã đoán chắc trong lòng người cán bộ trẻ này
đang có điều gì đó vô cùng bức xúc giằng xé. Quen biết nhau từ hồi chuẩn bị
đánh Làng Vây anh biết đó là một thành niên tốt, một chiến sĩ giỏi, một con
người tận tụy với công việc và có trách nhiệm cao với mọi người. Trong những
lúc khó khăn, gian khổ nhất ở cậu ta vẫn toát lên sự lạc quan, yêu đời và có
phần lãng mạn. Có lẽ suốt đời anh sẽ không thể quên cái căn hầm dưới bụng xe
567 trong cái đêm giao thừa năm Mậu Thân ở đồi Pê Sai chỉ cách địch có 6 ki-
lô- mét. Từ hồi đó anh đã tự bảo mình: “với những chiến sĩ như thế này chắc
chắn chúng ta sẽ thắng”. Thế mà lần này cũng con người đó lại mang một bộ mặt
khác hẳn. Nhưng rồi công việc bận bịu đã không cho phép anh tìm hiểu sâu thêm.
Định bụng sau buổi lễ anh em sẽ ngồi tâm sự nhưng rồi trong bữa liên hoan chẳng
thấy cậu ta đâu nên Hồng quyết định đi tìm. Khi nhìn thấy Cân đang ngồi lặng
phắc bên con suối nhỏ trong rừng anh lặng lẽ lại gần và ngồi xuống.
Không niềm nở như mọi lần anh em gặp nhau, Cân lẳng
lặng nhìn như xoáy xuống dòng nước đang lặng lờ chảy dưới chân, đôi mắt ầng ậc
nước. Hồng là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng, anh nhẹ nhàng đặt tay lên vai
Cân:
- Có chuyện gì thế em? - Từ ngày gặp lại nhau ở chiến
trường này Hồng vẫn gọi Cân âu yếm như vậy.
Cân vẫn lặng im không nói nửa lời. Có vẻ như cậu ta
đang cố nuốt một cái gì đó đang mắc nghẹn ở cổ họng vào trong bụng. Lại một lần
nữa Hồng vỗ về:
- Thôi, có cái gì vướng mắc thì cứ nói hết ra mới nhẹ
lòng được em ạ!
Cân vùng vằng:
- Em chẳng có gì vướng mắc cả!
Hồng tỏ vẻ quan tâm:
- Thế thì vì sao? Từ hôm em lên đây anh đã thấy em
khang khác. Mệt mỏi quá à? Hay là vì…
Không để Hồng nói hết câu, Cân
bùng lên như một thùng thuốc súng:
- Vì sao à? Vì các anh đấy! Các
anh ở trên này làm cái gì mà để người ta xua anh em mình vào chỗ chết hết trận
này đến trận khác thế? Sao các anh không chịu rút kinh nghiệm với bộ binh? Sao
các anh không có ý kiến gì với cấp trên? Bốn, năm trận đều cùng một kết cục như
nhau, các anh không thấy xót à?
Hồng ngớ ra. Thì ra tâm tư của
người cán bộ trẻ này là như vậy. Cậu ta xót xa vì sự hy sinh liên tiếp của đồng
đội trong mấy trận đánh vừa qua. Thật tình anh cũng đau xót chẳng kém gì cậu ta
cả. Biết bao mong mỏi, biết bao gian nan mới đưa được một chiếc xe tăng vào
đây. Thế mà chỉ nguyên cái thị xã An Lộc bé con con này thôi đã xóa sổ ngót một
tiểu đoàn. Đau lắm chứ! Nhưng có phải ai cũng hiểu hết nỗi lòng các anh? Sự kỳ
vọng quá đáng của cấp trên? Đúng! Đã bao năm mong đợi mới có ngày này cơ mà. Sự
hối thúc, ỷ lại của bộ binh? Đúng! Từ xưa đến nay họ đã đơn độc chiến đấu, nay
có xe tăng tội gì mà không dùng. Tâm lý giành thắng lợi bằng mọi giá? Rất tiếc
là cũng đúng. Mà không phải chỉ có cấp trên, ngay cả trong số cán bộ xe tăng
mình cũng có. Nhưng cũng không thể không kể đến những yếu kém, sự thiếu kinh
nghiệm của anh em mình. Không chỉ có chiến sĩ mà cả cán bộ cũng vậy. Biết thế nhưng
cũng chẳng trách anh em được. Huấn luyện ngoài kia thì chủ yếu là tiến công
quân địch phòng ngự vững chắc trên điểm cao, vùng đồi núi. Có ai được huấn
luyện và thực hành chiến đấu ở thành phố, thị xã bao giờ? Bản thân anh anh cũng
phải tự nhận là mình đã có phần hữu khuynh, mặc dù cũng đã lờ mờ nhận ra những
bất cập sau một, hai trận đánh nhưng đã thiếu kiên quyết, thiếu mạnh dạn đề đạt
với cấp trên suy nghĩ của mình. Nhưng còn một vấn đề nữa mà bây giờ anh mới
nhận ra là tác động của những tổn thất ấy lớn đến mức nào. Ngay cả một cán bộ
trẻ đày tâm huyết như Cân mà còn lung lay thế này thì các chiến sĩ trẻ sẽ ra
sao? Có lẽ điều cần thiết nhất bây giờ là phải “vực” tư tưởng bộ đội dạy. Rồi
anh sẽ phải phản ánh vấn đề này với đảng ủy. Nhưng đó là việc về sau. Còn bây
giờ phải kéo chú em Cân ra khỏi trạng thái này càng nhanh càng tốt. Nghĩ vậy
Hồng hết sức mềm mỏng:
- Em đừng nghĩ thế mà oan các
anh. Thấy đồng đội hy sinh, thấy xe mình bị cháy nhiều như vậy bọn anh cũng xót
xa lắm chứ. Vừa rồi bọn anh trên này cũng đã rút kinh nghiệm rất sau sắc rồi.
Em cứ tin rằng từ nay những chuyện như vậy sẽ không xảy ra nữa.
Cân vẫn sụt sịt:
- Nhưng những người đã chết cũng
sẽ không bao giờ sống lại được nữa.
Mặc dù biết những lời mình sắp
nói đầy sáo rỗng song Hồng vẫn phải nói:
- Chiến tranh mà em. Thế nào mà
chả có tổn thất.
Hồng không ngờ câu nói ấy của anh
làm Cân bùng lên một lần nữa:
- Các anh đừng có dựa vào đấy mà
ngụy biện. Anh em chúng tôi đâu có sợ chết. Vấn đề là chết như thế nào mà thôi.
Nếu các anh xót xa sao không dừng lại mà rút kinh nghiệm ngay. Nếu các anh làm
được như thế biết bao người sẽ đỡ phải chết oan ức. Anh không biết chứ, nhiều
cái chết thảm lắm…- Vừa dứt lời Cân bật khóc tu tu.
Chẳng biết nói gì nữa Hồng chỉ
ngồi vỗ vỗ nhẹ vào vai Cân. Chừng như những giọt nước mắt đã làm lòng Cân nhẹ
bớt nên anh thủ thỉ:
- Em xin lỗi thủ trưởng! Chả là
cứ sau mỗi trận em đều phải vào thị xã làm công tác thương binh, tử sĩ. Em đã
tận mắt nhìn thấy đồng đội của mình hy sinh như thế nào nên đã không giữ được
bình tĩnh. Nhưng nói thật, em rất không bằng lòng với các cán bộ cấp trên của
mình. Biết rõ sẽ thất bại, sẽ bị tổn thất vô ích mà vẫn xua quân vào theo em đó
cũng là tội lỗi, thủ trưởng ạ.
Hồng đắng lòng, anh lặng im suy
nghĩ và tự nhủ: “Không! Cân ơi! Em đã đúng! Chính các anh mới là người có lỗi!”.
***
Những nỗ lực trong tuyệt vọng của
Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ và quân ngụy Sài Gòn được sự hậu thuẫn của mùa
mưa khác thường năm Nhâm Tý cũng đã đem lại một số kết quả nhất định. Trên các
địa bàn chiến lược chúng cũng đã chiếm lại được một số vị trí, tuy nhiên còn xa
mới đạt được mục tiêu “khôi phục nguyên trạng như trước ngày 29 tháng Ba năm
1972” mà chúng đề ra. Trên mặt trận Quảng Trị, sau 81 ngày đêm phát động chiến
dịch “Lam Sơn 72” và chấp nhận những tổn thất khá nặng nề chúng đã chiếm lại
được thị xã Quảng Trị. Nhưng những nỗ lực đó cũng đã làm cho quân ngụy Sài Gòn kiệt lực và
Oa- sinh- tơn mệt mỏi. Ngay cả chiến dịch “Lai- nơ- bếch- cơ” dùng máy bay
chiến lược B52 ném bom hủy diệt Hà Nội cũng không làm cho cái dân tộc nhỏ bé
nhưng đày kiêu hãnh này khuất phục, Mỹ buộc phải thúc ép chính quyền Sài Gòn
cùng ngồi vào bàn ký Hiệp định Pa- ri.
Cái tin Hiệp định Pa- ri đã được
cả bốn bên ngồi vào ký như một luồng gió mát lành lan đến mọi hang cũng ngõ hẻm
trên cái đất nước mà suốt mấy chục năm qua cứ liên miên hết cuộc chiến tranh
này đến cuộc chiến tranh khác. Đi đến đâu, ngồi ở đâu cũng thấy người ta bàn
tán về hiệp định, về hòa bình và trong ánh mắt những người mẹ, những người vợ
cùng sáng lên cái hy vọng con họ, chồng họ sẽ được trở về nay mai.
Ở nhà ông Đào, bà Hạnh phấn khởi
ra mặt: “thế là từ nay ông ấy thôi không phải ra chốn hòn tên, mũi đạn nữa
rồi”. Gớm, cái hồi ông ấy ở trong chiến trường Quảng Trị ra dạo tháng Sáu,
tháng Bảy năm ngoái trông mới khiếp làm sao. Tuy không bị thương thêm lần nào
nhưng trông ông ấy già đi đến hàng chục tuổi, người thì sút đi dễ đến hàng chục
cân. Tính khí thì lại trở nên bẳn gắt còn hơn trước khi bị thương. Hình như có
những điều gì đó ông ấy không được vừa ý thì phải. Hỏi câu gì thì trả lời câu
ấy, mà lại cộc lốc nữa chứ. Con cái vì vậy cứ “len lét như rắn mồng năm”. Mãi
sau này ông ấy mới lại người, tính nết cũng đỡ khó chịu. Thế nhưng nhân hôm chủ
nhật ông tranh thủ qua nhà, bà đem chuyện hiệp định Pa- ri ra nói với ông thì
mặt ông cứ khó đăm đăm:
-Bà thì biết cái gì mà nói! Thằng
thầy nó rút rồi nhưng còn thằng tớ nó ở đấy thì bà bảo yên sao được? Thế nào
rồi cũng vẫn phải giải quyết thôi!
Bà tỏ vẻ ngạc nhiên kèo nèo:
- Sao bảo sau khi Mỹ rút thì bên
nào ở nguyên bên ấy cơ mà?
Đến lúc này thì ông gắt um lên:
- Đã bảo bà không biết thì đừng
có nói rồi mà- Nhưng có lẽ thấy mình cáu gắt với vợ là vô lý nên ông dịu giọng-
Đó là sách lược của mình thôi bà ạ! Bác Hồ đã dạy “đánh cho Mỹ cút, đánh cho
ngụy nhào” rồi cơ mà. Nghĩa là ta phải làm từng bước, sau khi đuổi thằng Mỹ ra
khỏi đất nước ta rồi ta sẽ đánh đổ nốt thằng ngụy. Có làm như thế mới thống
nhất được nước nhà chứ.
Hôm qua ông cũng vừa mới gửi một
bức điện đến tất cả các đơn vị xe tăng yêu cầu bộ đội nêu cao tinh thần cảnh
giác, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm của kẻ địch. Thực tế mấy chục
năm cầm súng đã dạy cho ông bài học không bao giờ được đặt lòng tin vào kẻ thù.
Thì đấy, cuối tháng Mười hai chính phủ vừa mới thỏa thuận với nhau, tưởng rằng
mọi việc đã đâu vào đấy thì 18 tháng Mười Hai nó cho B52 hủy diệt mình. Thật
may, nếu không có những bộ óc thiên tài dự đoán được hành động phiêu lưu điên
rồ này của chúng thì thiệt hại còn lớn đến đâu. Đúng là đàn bà, nhẹ dạ cả tin
quá thể.
Bên nhà Nhã cũng vậy. Từ hôm
phong phanh nghe tin Mỹ đồng ý ký hiệp định bà cứ ở rịt bên ông trưởng tộc để
nghe ké tin tức từ cái đài bán dẫn cổ lỗ sỹ mà anh con cả mua biếu bố từ năm
ngoái. Nghe rồi về nhà bà lại thẽ thọt với con dâu từng câu, từng chữ y như
trên đài. Cuối cùng thế nào bà cũng chặc lưỡi:
- Con ạ! Thế là yên hàn rồi. Chắc
là thằng Nhã sắp được về. Con cũng phải tẩm bổ dần đi mới được. Lần này thế nào
cũng phải có cháu cho mẹ đấy!
Hôm nào cũng phải nghe cái điệp khúc
ấy của mẹ chồng nhưng Hiền vẫn phải tươi tỉnh:
- Mẹ cứ yên tâm! Lần này con đã
chuẩn bị rất tốt rồi. Thế nào cũng có cháu cho mẹ bế mỏi tay.
Nói thì nói vậy chứ cô cũng hơi
buồn. Quả thật cũng đã có đôi lời dị nghị từ bên phía họ nhà Nhã rằng cô “không
biết đẻ”. Nhưng cũng chẳng trách họ được. Hai vợ chồng đều khỏe mạnh, lấy nhau
cũng đã năm, sáu năm mà chẳng thấy chửa đẻ gì thì thế nào chẳng có lời ra,
tiếng vào. Nhất là trong hoàn cảnh gia đình như nhà Nhã hiện nay. Nhưng cô biết
thanh minh với ai được? Chỉ có Nhã mới biết mà thôi! Nhưng liệu có đúng như lời
mẹ nói không? Nếu đúng như vậy thì bao giờ anh mới về?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét