Về tới đoàn Kiệm không nói cho ai biết chuyện ở B2 đã
vào chiến dịch, anh chỉ nhắc ngắn gọn các lái xe thay nhau lái, anh em tranh
thủ ngủ để đến B2 càng nhanh càng tốt rồi đưa đồ đoàn lên xe. Chỉ ít phút sau đoàn
xe đã quay ra tới đường tuyến tiếp tục cuộc hành trình về phía nam.
Những cánh rừng khộp Tây Nguyên đã lùi dần lại phía
sau nhưng những đám bụi đỏ thì còn theo mãi đoàn xe. Cả đoàn, người nào người
nấy cuốn chặt cái khăn mặt dạ dày bò vào miệng chống bụi nên câu chuyện không
còn sôi nổi như trước nữa. Hay chuyện như Kiệm mà đến lúc này cũng chịu, chỉ
thỉnh thoảng pha trò vài câu nhưng cũng chẳng có ai hưởng ứng. Riêng đối với
Nguyễn Hữu thì anh lại thấy thích thú sự im lặng này hơn bởi có nhiều thời gian
để quan sát và suy ngẫm hơn. Nói cho công bằng, chuyến đi này đối với Hữu thật
sự bổ ích và thú vị. Đây là lần đầu tiên Hữu đi xa đến như thế vào chiến
trường. Anh đã vượt hàng nghìn cây số trên con đường Trường Sơn huyền thoại.
Anh đã được đi qua bao địa danh nổi tiếng một thời. Và điều quan trọng hơn là
anh đã gặp nhiều người, rất nhiều người- từ anh lính binh nhì vừa mới chân ướt,
chân ráo vào chiến trường cho đến những vị tư lệnh tiếng tăm lừng lẫy. Mỗi con
người có một hoàn cảnh riêng, một suy nghĩ riêng nhưng đều lung linh một vẻ đẹp
tâm hồn và đều có chung một niềm tin về ngày chiến thắng đang tới rất gần.
Những miền đất đã đi qua, những con người đã được gặp cho anh một cái nhìn đày
đủ hơn về tầm vóc cuộc kháng chiến này và cũng giúp anh lý giải cái câu hỏi vẫn
đau đáu trong lòng về cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Những cảm xúc, những tứ
thơ bất chợt nảy ra trong đầu được anh ghi kín hàng chục trang sổ tay. Một ý
định lúc đầu còn mơ hồ nhưng dần dần rõ nét hơn trong đầu Hữu. Nhất định, sau
chuyến đi này anh sẽ phải viết hẳn một trường ca về những người đồng đội của
mình. Đúng là chỉ có thể loại này mới chuyển tải hết những gì mà anh và đồng
đội anh đã trải qua để đến được ngày chiến thắng.
Còn một lẽ nữa làm Hữu thấy vô cùng hạnh phúc trong
chuyến đi này. Đó là bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” của anh sau khi được nhạc
sĩ Doãn Nho phổ nhạc đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Đi đến đơn vị nào cũng
thấy anh em hát. Trước giờ sinh hoạt, hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”.
Giải lao giữa giờ, lại “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Giao lưu văn nghệ
với địa phương “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” cũng là bài tủ. Còn hội diễn
văn nghệ cấp trung đoàn, như ở H73 vừa rồi cả 3 tiểu đoàn đều có tiết mục này.
Tất nhiên ở mỗi đơn vị nó được dàn dựng, biểu diễn theo một phong cách khác
nhau. Nói cho công bằng, Hữu rất cảm ơn người nhạc sĩ đã chắp cánh cho lời thơ
của anh bay xa và lan rộng đến thế. Cũng vẫn những lời thơ mộc mạc, giản dị như
tâm hồn người chiến sĩ giờ đây trở thành những ca từ mượt mà với giai điệu vừa
tha thiết, vừa hùng dũng. Ngay bản thân anh là tác giả bài thơ mà còn cảm thấy
như nó đã được lột xác. Và điều quan trọng nhất là bài hát được anh em bộ đội
rất thích. Không phải chỉ lính xe tăng mà anh còn thấy anh em ở các đơn vị khác
cũng hát. Phải chăng sự đồng cảm giữa anh và người nhạc sĩ đã tạo nên một sự
thăng hoa để bài hát đi được vào lòng người. Chính vì vậy trong đoàn công tác
mọi người cứ đùa “Cậu bây giờ là người nổi tiếng nhất Bộ tư lệnh đấy”. Thực sự
thì điều đó không sai.
Hữu bồi hồi nhớ lại hôm anh xuống sinh hoạt cùng tiểu
đoàn 1 của Nhã. Trước khi bước vào nội dung chính cả tiểu đoàn đồng ca bài “Năm
anh em trên một chiếc xe tăng”. Bài hát vừa dứt thì chính trị viên Cự đứng lên
dõng dạc: “Có đồng chí nào biết tác giả bài hát chúng ta vừa hát là ai không?”.
Hàng chục cánh tay giơ lên. Cự chỉ định một chiến sĩ trả lời. Cậu ta đứng dạy
rành giọt: “Báo cáo, bài hát này do nhạc sĩ Doãn Nho phổ thơ Nguyễn Hữu”. Cự
hỏi tiếp: “Thế đồng chí có biết Nguyễn Hữu là ai không?”. Cậu ta lúng túng:
“Dạ, chỉ nghe nói đó là một cán bộ của binh chủng ta thôi ạ!”. Hữu chưa biết Cự
định làm gì gì anh ta đã tới kéo anh đứng dậy và trịnh trọng: “Vậy thì xin giới
thiệu với các đồng chí, người đứng trước mặt các đồng chí đây chính là đồng chí
Nguyễn Hữu, trợ lý tuyên huấn của binh chủng ta, tác giả phần lời bài hát “Năm
anh em trên một chiếc xe tăng” mà chúng ta vừa hát”. Cự chưa dứt lời thì tiếng
vỗ tay đã đồng loạt nổi lên như sấm, có cả tiếng hò reo nữa. Hữu đứng như trời
trồng, rồi anh cũng vỗ tay theo như một phản xạ tự nhiên. Có lẽ đó là tràng
pháo tay dài nhất mà Hữu đã được chứng kiến.
Ngay khi buổi sinh hoạt kết thúc rất nhiều anh em đã
đến gặp anh. Chẳng để làm gì cả, chỉ để hỏi han vài câu hoặc bắt tay anh một
cái. Nhưng cũng có người muốn hỏi anh về kinh nghiệm làm thơ. Có chàng còn dúi
cho anh mấy bài thơ để xin ý kiến. Xúc động trước những dòng thơ chân chất của
những người lính mới quen, Hữu đã đề nghị với đoàn trưởng Kiệm cho anh tranh
thủ thời gian mở một lớp bồi dưỡng viết văn tại trung đoàn vào các buổi tối. Và
thế là trong gần một tuần liền, những kiến thức anh tiếp thu được hồi ở trường
viết văn Nguyễn Du, những kinh nghiệm tự anh chăt lọc được trong quá trình sáng
tác đã được dốc ra đến cạn. Nhìn những ánh mắt đầy tin yêu, ngưỡng mộ trong cái
lớp học tự phát ấy anh tin rằng những đồng đội của anh nếu không làm ra được
những tác phẩm lớn thì ít nhất cũng ghi lại được những cảm xúc chân thực nhất
trong cuộc đời mình. Phát huy thắng lợi, vào đến 273 một lớp học tương tự cũng
được tổ chức và thu được kết quả ngoài mong đợi. Tiếp xúc với những người lính
trẻ tràn đầy sức sống, yêu đời, yêu đất nước, sẵn sàng hiến mình cho Tổ quốc
Hữu càng thấy tự hào về đồng đội của mình, về binh chủng của mình. Những ngày
đó Hữu lại nhớ nhiều đến Cân, cậu chiến sĩ trẻ của đại đội 9 năm nào. Tập thơ
viết tay của Cân gửi anh mang ra Bắc hồi chiến dịch Đường Chín- Nam Lào anh đã
chọn được một số bài gửi đăng các báo trung ương và tờ tin của binh chủng. Cuốn
sổ đó hiện anh đang giữ và mang theo định bụng sẽ trả lại cho tác giả của nó
trong đợt này. Qua Nhã anh được biết hiện Cân đã trở thành chính trị viên một
đại đội ở B2. Hữu quyết định trong chuyến vào B2 lần này anh sẽ tìm gặp bằng
được người chính trị viên trẻ tuổi đó.
Trời đã sang chiều. Đã thấp thoáng thấy những rừng cao
su dăng hàng thẳng tắp của miền Đông. Anh em công binh trực ở một trạm ba- ri-
e cho biết chỉ còn chừng 2 tiếng nữa sẽ đến Bù Đốp, hậu cứ của đoàn thiết giáp
miền. Nghe được tin này, Hữu như mở cờ trong bụng. Thế là anh sắp được đặt chân
đến mảnh đất “miền Đông gian lao và anh dũng”, anh quyết định tối nay sẽ tìm
gặp bằng được Cân. Chắc chắn người cán bộ trẻ yêu văn thơ ấy sẽ giúp anh hiểu
sâu sắc hơn về những chiến sĩ xe tăng ở chiến trường này.
*
Hữu không ngờ rằng vào lúc đó Cân đang dán mắt vào
kính trưởng xe để chỉ huy cho pháo thủ bắn diệt từng hỏa điểm trong trung tâm
hành quân, mục tiêu cuối cùng của tiểu khu Phước Long còn đang ngoan cố chống
cự. Lưng áo anh ướt đẫm mồ hôi, còn bụng thì đói cồn cào vì từ sáng tới giờ chỉ
mới được lót dạ mấy thanh lương khô bé tẹo. Chiếc xe 475 của anh đang nép sát vào
một ngôi nhà hai tầng bên phải đường Trần Hưng Đạo, chốc chốc từ họng khẩu pháo
100 ly của nó lại khạc ra một bụm lửa sáng lòa. Phía sau xe 475 chừng ba chục
mét là xe 482, nó cũng đang liên tục bắn vào khu vực mục tiêu để chi viện cho
bộ binh mở cửa. Từ phía đó, súng các loại của địch vẫn bắn ra như vãi trấu. Đây
đã là trận thứ tư đại đội anh tiến công vào cái thị xã này. Sáng hôm nay, các
anh đã chi viện đắc lực cho bộ binh lần lượt đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, toà
hành chính, trận địa pháo của địch. Bọn tàn quân dồn hết về trung tâm hành quân
này và điên cuồng chống cự. Có lẽ chúng đã ở thế “chó cùng dứt giậu” rồi nên
ngoan cố đến cùng. Chỉ cần tiêu diệt nốt mục tiêu này nữa là ta đã làm chủ hoàn
toàn thị xã. Nhưng nếu không dứt điểm nhanh, để trời tối sập xuống thì chưa
biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Là tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long, cách Sài Gòn chỉ có chưa
đầy 100 ki- lô- mét theo đường chim bay nên Phước Long có một tầm quan trọng
đặc biệt trong hệ thống phòng thủ vòng ngoài của ngụy quân Sài Gòn. Diện tích thị
xã tuy không lớn nhưng địa thế của nó lại khá đặc biệt. Phía bắc và phía đông
của nó được dòng sông Bé với hai bờ gần như dựng đứng bao bọc. Chả biết ai là
người đầu tiên đã gọi nó là sông Bé nhưng nó chẳng hề nhỏ chút nào, chỗ hẹp
nhất cũng đến non trăm mét. Phía tây thì con suối Đắc Gion tuy không rộng nhưng
lại rất sâu, hai bên bờ là sình lầy, lau lách rậm như rừng. Thành ra, để tiến
công thị xã bằng xe tăng thiết giáp thì chỉ có theo đường liên tỉnh lộ số Hai
từ hướng nam và đường 311 từ hướng đông nam lên mà thôi.
Có lẽ địch cũng biết vậy nên chúng đã thiết lập ở đây
những vị trí tiền tiêu nhằm bảo vệ an toàn cho thị xã. Án ngữ con đường số Hai
là chi khu Phước Bình do một tiểu đoàn bảo an trấn giữ kết hợp với lực lượng
dân vệ ấp, xã chốt giữ vòng ngoài. Xác định đây là vị trí tiền tiêu nên hệ
thống vật cản, công sự ở chi khu Phước Bình được xây dựng tương đối kiên cố.
Ngay trong chi khu có một sân bay với đường băng đủ dài cho các loại máy bay
vận tải quân sự hạ cánh. Án ngữ đường 311 bên hướng đông nam là núi Bà Rá cao
736 mét. Giữa một vùng đồi thấp núi Bà Rá cao vọt lên như một đài quan sát
thiên nhiên nên có tầm khống chế rất rộng. Trên đỉnh núi có trạm truyền tin và
do một đại đội bảo an đóng giữ. Thị xã Phước Long rộng chừng hai ki- lô- mét
vuông với khoảng hơn ba vạn dân. Công sở, nhà dân đa số là nhà trệt và một
trệt, một lầu xây bằng gạch và xi măng vững chắc. Tiểu khu Phước Long được tổ
chức phòng ngự nhiều tầng, có trọng điểm. Vòng ngoài là hệ thống đồn, bốt của
bảo an, dân vệ. Bên trong có nhiều cứ điểm quân sự và cơ quan hành chính bố trí
xen kẽ nhau. Những mục tiêu quan trọng được bố phòng chu đáo, cẩn mật là trung
tâm hành quân, khu hành chính, dinh tỉnh trưởng, sân bay, trận địa pháo, trạm
tiếp liệu và trại cảnh sát. Tại cầu Đắc Gion, ngã ba Tư Hiền và các ngã tư
đường phố đều bố trí các lô- cốt, công sự chiến đấu. Trên đường liên tỉnh lộ số
Hai địch bố trí nhiều vật cản như dây thép gai bùng nhùng hoặc thùng phuy đổ
đất xếp ngang đường. Lực lượng địch phòng ngự tại thị xã Phước Long có một tiểu
đoàn thuộc trung đoàn 7, sư đoàn 5, bốn tiểu đoàn bảo an, hai đại đội trinh sát
và khoảng sáu mươi trung đội dân vệ. Đặc biệt, sau khi ta mở chiến dịch đường
14 tiêu diệt một số chi khu, cứ điểm như Đồng Xoài, Bù Đốp… thì bọn tàn quân
dồn cả về đây. Tiểu khu Phước Long, chi khu Phước Bình và cứ điểm Bà Rá tạo
thành “thế chân vạc” yểm hộ, hỗ trợ cho nhau rất đắc lực và tạo thành một hệ
thống phòng thủ tương đối vững chắc. Tuy nhiên, sau đợt một của chiến dịch
Phước Long đã bị cô lập gần như hoàn toàn nên tâm lý bọn ngụy quân, ngụy quyền
ở đây cũng hết sức hoang mang, lo sợ.
Rạng sáng 31 tháng Mười Hai chiến dịch bắt đầu nổ súng
tiến công chi khu Phước Bình. Địch phản kích quyết liệt đồng thời đưa một tiểu
đoàn từ tiểu khu Phước Long tới đánh vào sườn quân ta nên sau gần một ngày
chiến đấu nhưng bộ binh không giải quyết dứt điểm được. Đến 13 giờ, Bộ tư lệnh
chiến dịch quyết định đưa xe tăng vào chiến đấu. Đại đội Tăng 1 của Cân lúc đó đang nằm ở sở
cao su Phước Bình. Nhận được lệnh, đại đội trưởng Sáu Thanh chỉ huy thê đội Một
lập tức xuất phát. Chưa ra khỏi rừng cao su, một xe đã bị hỏng cơ cấu hướng vì
nòng pháo vướng vào cây. Sáu Thanh chửi bới ỏm tỏi lên nhưng rồi cũng đành để
xe này lại vì không thể quay pháo được. Vừa qua ngã ba chi khu, chiếc xe đi đầu
đội hình dính ngay một quả mìn, băng xích bên trái đứt tung, bánh dẫn xích cũng
bay mất. Thanh lệnh cho xe này tại chỗ dùng pháo bắn vào chi khu chi viện cho
phía trước, đồng thời anh chỉ huy hai xe còn lại vượt lên chạy dọc theo đường
sân bay, vừa chạy vừa bắn vào chi khu và đội hình tăng viện của địch. Thấy xe
tăng xuất hiện, bọn địch vô cùng hoảng loạn và nhanh chóng vỡ đội hình, chúng
hò nhau tháo chạy về phía cầu Đắc Gion. Bộ binh và xe tăng ta thừa thắng truy
kích địch đến đầu sân bay thì xe Thanh hết đạn. Anh vừa chỉ huy xe chạy ra
đường lớn định quay về lấy đạn thì lại dính luôn một quả mìn, xích cũng bay mất
gần chục mảnh. Thanh bỏ xe đấy lên chiếc xe còn lại tiếp tục cùng bộ binh truy
kích. Đến gần cầu Đắc Gion, một quả đạn chống tăng bắn trúng tháp pháo, pháo
thủ bị thương nặng, Thanh cũng bị thương nhưng không nặng lắm. Nhưng gay cấn
nhất là đường điện trên tháp pháo bị hỏng hoàn toàn. Chẳng còn cách nào hơn anh
đành đưa xe lui lại khu vực sân bay. Đến 16 giờ ta làm chủ hoàn toàn chi khu
nhưng cũng bị thiệt hại không nhỏ. Riêng đại đội xe tăng cả bốn chiếc đều bị
thương vong, nhưng thật may là không ai hy sinh cả. Ngay trong đêm hôm đó và
ngày hôm sau Cân đã chỉ huy các xe còn lại ra cứu kéo và khắc phục được mấy xe
bị mìn. Cho đến chiều ngày mồng Một tháng Giêng thì các anh đã khôi phục được
sức chiến đấu của đơn vị. Cũng trong ngày hôm đó, một đơn vị đặc công của ta đã
đột nhập cứ điểm địch trên núi Bà Rá và tiêu diệt gọn đại đội bảo an địch đóng
giữ tại đây. Mất Phước Bình, Bà Rá, thế chân vạc của địch bị lung lay dữ dội.
Bọn chỉ huy tiểu khu Phước Long một mặt đề nghị Sài Gòn tăng viện gấp, một mặt
chúng tăng cường hệ thống công sự, vật cản và huy động mọi lực lượng tham gia
phòng thủ thị xã.
Trận tiến công đầu tiên vào thị xã diễn ra chiều mồng
Hai tháng Giêng. Đại đội của Cân có nhiệm vụ phối thuộc cho trung đoàn bộ binh
12 tiến công trên hướng chủ yếu theo đường số Hai lên. Đại đội 3 thì chi viện
cho trung đoàn bộ binh 271 tiến công trên hướng thứ yếu. Còn đại đội 10 được sử
dụng làm dự bị của chiến dịch. Rút kinh nghiệm từ trận đánh An Lộc, Cân bàn với Sáu Thanh tổ chức đại đội
thành hai thê đội, hình thành hai tuyến trước, sau để chi viện và hỗ trợ lẫn
nhau. 16 giờ, Cân chỉ huy thê đội Một xuất kích từ Phước Bình. Sau khi đánh tan
chốt địch ở cầu Đắc Gion và chờ anh em công binh gỡ mìn dưới ngầm xong thì vượt
qua cầu và bắt liên lạc với bộ binh ở ngã ba Tư Hiền. Tại đây, Cân chỉ huy cho
các xe dùng hỏa lực bắn mạnh vào trận địa pháo ở phía tây đường và chi viện cho
bộ binh mở cửa, khắc phục vật cản. Cửa mở xong, Cân cho thê đội mình tăng tốc
độ xung phong. Phía sau là thê đội Hai do Sáu Thanh chỉ huy cũng đang bắn mạnh
vào các hỏa điểm của địch để chi viện cho thê đội Một. Có lẽ do quá hoảng sợ
nên bọn địch chạy dạt hết cả vào các ngõ ngách và gọi máy bay đến đánh. Hỏa lực
pháo binh từ trận địa phía bắc thị xã bắn về cộng với bom đạn từ mấy chiếc A37
dội xuống đã tạo nên một bức tường lửa cắt rời sự liên kết giữa bộ binh với xe
tăng. Chạy dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng đến gần một ki- lô- mét vào tới chợ
trung tâm thì Cân phát hiện ra xung quanh mình không có bóng dáng một chiến sĩ
bộ binh nào, chỉ trơ trọi độc có ba chiếc xe tăng giữa một thị xã trống vắng và
xa lại. Trời thì lại sắp tối. Sợ rơi vào bẫy của địch, anh điện về sở chỉ huy
xin chỉ thị. Chắc cũng chẳng thấy có cách nào hơn, sở chỉ huy đồng ý cho anh
rút ra ngã ba Tư Hiền. Thế là bài toán hiệp đồng giữa bộ binh và xe tăng vẫn
chưa có lời giải. Về đến ngã ba Tư Hiền, hai bên xe tăng và bộ binh gặp nhau để
hiệp đồng lại. Sáu Thanh thì bực lắm nhưng Cân thì hiểu, bom đạn bời bời như
thế, mình còn có cái vỏ thép che chắn chứ anh em bộ binh thì có cái gì? Vì vậy
phải thông cảm với người ta. Ngay trong đêm hôm ấy, đại đội của anh đã dùng
pháo chi viện cho bộ binh đánh chiếm được trận địa pháo ở tây nam thị xã và bãi
để xe cơ giới cạnh đó.
Sau một ngày nghỉ ngơi và tiến hành công tác chuẩn bị,
trận tiến công thứ hai vào thị xã bắt đầu lúc tang tảng sáng ngày mồng Bốn.
Dường như về phía địch cũng đã có những sự điều chỉnh lực lượng nhất định. Cái
trại Lê Lợi nằm ngay cửa ngõ thị xã hôm trước các anh chạy qua cấm có thấy nó
hó hé một phát súng nào, cứ tưởng địch đã bị bỏ chạy cả thì hôm nay đã trở
thành một vị trí phòng ngự tiền tiêu khá vững chắc. Vì vết thương của Sáu Thanh
sơ cứu không tốt, bị nhiễm trùng nên Cân vẫn phải chỉ huy thê đội Một hiệp đồng
với bộ binh đánh vào trại Lê Lợi. Vừa mới xuất kích qua khỏi ngã ba Tư Hiền
được một đoạn thì hai chiếc A37 xuất hiện và ném bom ngăn chặn đội hình. Mặc dù
đã dùng 12 ly 7 đánh trả nhưng rồi một xe vẫn bị trúng bom phải nằm lại. Cân
chỉ huy hai xe còn lại dùng pháo chi viện cho bộ binh mở cửa. Thế mà cũng mất
hơn một tiếng mới mở xong cửa. Đúng lúc ấy xe 477 báo cáo “hết đạn pháo, súng
máy kẹt. Xin phép quay ra tiếp đạn!”. Thời cơ xung phong đã đến, không thể bỏ
qua nên dẫu chỉ còn một xe mình Cân vẫn quyết định xung phong. Đồng thời anh
lên đài đề nghị thê đội Hai nhanh chóng lên tiếp viện. Thấy xe tăng xông vào,
bọn địch trong trại Lê Lợi bỏ chạy tán loạn về phía sau. Thừa thắng, Cân lệnh
cho lái xe tăng tốc độ truy kích. Thấy nguy cơ mất trại Lê Lợi, địch tăng cường
pháo binh và máy bay đánh phá ngay vào trong trại bất chấp lính của chúng còn
trong đó. Phát triển đến ngã ba sân bay, Cân quay cửa trưởng xe lại sau định
nhìn xem bộ binh thế nào, anh toát mồ hôi hột khi thấy bốn, năm bóng áo rằn ri
đang bám thành xe trèo lên. Phải công nhận bọn này cũng liều, chắc là chúng đã
ở thế cùng đường rồi nên liều chết đây. Không nói không rằng anh ấn nút chỉ mục
tiêu, tay kia thì ấn vào cò súng máy. Khẩu pháo 100 ly quay vèo về phía sau với
tốc độ cao nhất gạt luôn hai thằng bay xuống đất, những thằng còn lại thì bị
quật ngã ngay bởi loạt đạn đại liên căng như sợi chỉ. Pháo thủ Quang sau một
thoáng ngẩn người ra khi thấy mình không điều khiển được pháo nữa thì cũng hiểu
ra vấn đề khi quan sát thấy tình hình, cậu gạt tay Cân ra và tự mình giữ cò
súng máy. Đúng lúc ấy thê đội Hai lên đến nơi. Cân lệnh cho cả đại đội tiếp tục
cơ động lên đánh chiếm tòa hành chính. Tuy nhiên, lại vẫn là chuyện bộ binh
không theo kịp xe tăng nên 12 giờ trưa thì trên lệnh cho đại đội anh quay lại
ngã ba Tư Hiền. Về đến vị trí tập kết Sáu Thanh lại sôi sùng sục lên về chuyện
hiệp đồng giữa xe tăng và bộ binh, Cân phải can mãi anh mới thôi. Tuy nhiên,
anh cũng nhận thấy nếu cứ nhùng nhằng thế này thì không biết đến bao giờ mới
dứt điểm được.
Mà đúng thế thật. Ngay chiều hôm ấy, vượt qua lưới lửa
phòng không của ta, hơn chục chiếc trực thăng đã kịp đổ xuống hai đại đội biệt
kích dù để tăng viện cho bọn ngụy ở đây.
Ngày hôm sau, bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tung
một trung đội của đại đội 10 đang làm dự bị vào chiến đấu. Tuy nhiên, tình hình
vẫn chưa có gì chuyển biến. Gặp tham mưu phó Nghi xuống nắm tình hình đơn vị,
Cân và Thanh bộc bạch hết mọi suy nghĩ của mình. Nghi thừa nhận những vấn đề đó
là có thật. Anh đồng ý với hai anh em họ là sẽ đề nghị Bộ tư lệnh chiến dịch sử
dụng lực lượng tập trung để đánh một trận quyết định.
Ngày mồng Sáu, toàn bộ ba đại đội tăng được sử dụng
tăng cường cho trung đoàn bộ binh 2 tiến công các mục tiêu cuối cùng trong thị
xã. Nói là ba đại đội nhưng thực ra sau mấy ngày chiến đấu cũng chỉ còn hơn
chục xe. Bộ binh đang sung sức, xe tăng thì tập trung nên có hiệu quả tức thì.
Đến 9 giờ 50 phút ta đã chiếm được tòa hành chính và dinh tỉnh trưởng. Gần như
toàn bộ quân địch đã bị tiêu diệt và ra hàng, số còn lại rút vào cố thủ ở trung
tâm hành quân. Đây chính là sở chỉ huy của tiểu khu nên có hệ thống công sự và
vật cản vào loại kiên cố nhất. Và lúc này đây, Cân đang cùng anh em chi viện
cho bộ binh áp sát hàng rào để mở cửa mở.
Rút kinh nghiệm mấy trận đánh trước anh em ta bắn mạnh
tay quá nên chóng hết đạn, Cân bóp công tắc ngực về phát, anh rành giọt từng tiếng:
- 75 gọi 01! Chú ý tiết kiệm đạn!- Quay về nội bộ anh
nhắc Quang- Quan sát kỹ vào rồi hãy bắn, chỉ còn chục viên nữa thôi đấy.
Cựu sinh viên tổng hợp toán nhỏ nhẹ:
- Anh quê cứ yên tâm! Quang này đã bắn phát nào là
chắc phát đó.
Mà đúng thế thật, từ hôm tham chiến đến nay chưa hôm
nào xe Cân rơi vào tình trạng hết đạn phải quay ra tiếp.
Gần 5 giờ chiều thì các vật cản trước cổng tiểu khu đã
được dọn tương đối sạch. Nhận được tín hiệu cửa mở đã thông Cân lập tức bóp
công tắc phát:
- 75 gọi 01! Nhanh chóng xung phong qua cửa mở! 47!
Chẳng đợi anh giục, lái xe Đoàn tăng ga lao vọt lên. Ngay sau xe Cân là hai xe
nữa. Quang rê nhẹ tay hướng và giữ chặt cò súng máy. Những loạt đạn đại liên
thẳng căng tạo thành một cánh quạt lửa trước mũi xe. Ba chiếc xe tăng như ba
con mãnh hổ tung hoành trong trung tâm hành quân địch như trong chỗ không
người. Có lẽ không còn chút ý thức kháng cự nào nữa nên từ trong các tòa nhà,
các công sự những lá cờ trắng bằng đủ các loại khăn, áo lót mọc lên như nấm.
Cân cho xe dừng lại trước tòa nhà trung tâm. Bộ binh tỏa ra lùng sục bắt tù
binh. Qua khai thác nhanh các anh biết còn bọn chỉ huy đang trú trong hầm ngầm.
Các chiến sĩ bộ binh chất ngay mấy cân bộc phá vào cửa hầm. Sau một tiếng nổ
lộng óc, cửa hầm mở toang. Vài phút sau, mấy bóng người vật vờ trong làn khói
xuất hiện, hai tay giơ cao trên đầu. Thằng nào thằng ấy trông cứ như chuột phải
khói. Cho đến giờ phút đó, thị xã Phước Long đã hoàn toàn nằm trong tay ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét