Tiễn đoàn công tác của phó tư
lệnh Kiệm đi rồi, tư lệnh Đào quyết định sẽ dành thời gian vào thăm và làm việc
với Trường sĩ quan Thiết giáp. Nói cho công bằng, đây là mảng công tác mà ông
dành nhiều tâm sức nhất từ trước đến nay. Từ kinh nghiệm bản thân và qua tìm
hiểu các tác phẩm lý luận kinh điển ông hiểu vai trò của người cán bộ trong sự
nghiệp cách mạng nói chung cũng như sự nghiệp xây dựng binh chủng Thiết giáp
nói riêng quan trọng đến mức nào. Chưa nói đến đặc thù của binh chủng Thiết
giáp là một binh chủng kỹ thuật, được trang bị hiện đại nên ngoài cán bộ chỉ
huy lại còn phải có cán bộ kỹ thuật chuyên ngành đào tạo bài bản mới đảm đương
được nhiệm vụ. Vì vậy, ngay từ khi thành lập binh chủng ông và các đồng sự đã
nhiều lần đề nghị với cấp trên cho thành lập một trường đào tạo cán bộ xe tăng
thật chính quy, hiện đại. Tuy nhiên, không hiểu “tắc” ở khâu nào mà việc đó vẫn
không được chấp thuận trong một thời gian dài. Hậu quả nhãn tiền là binh chủng
đã rơi vào một thời kỳ khủng hoảng cán bộ trầm trọng. Ấy là quãng năm 1971-
1972. Khi lực lượng tăng thiết giáp phát triển mạnh, từ hai trung đoàn lên gần
một chục trung, lữ đoàn theo yêu cầu cuộc chiến thì binh chủng không đủ cán bộ.
Thế là phải cầu cứu Bộ và hàng trăm sĩ quan lục quân được điều động về và chỉ
được chuyển binh chủng vài ba tháng đã phải đưa ra nắm đơn vị. Cách đào tạo,
bồi dưỡng chắp vá đó cũng đã để lại những hậu quả không hề nhỏ về sau. Ấy thế
mà đề nghị của binh chủng về thành lập Trường sĩ quan vẫn chưa được trên đồng
ý. Hết công văn lại đến làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng mà câu trả
lời vẫn là “chưa đến lúc”, “chưa phù hợp”, “thủ trưởng Bộ còn nghiên cứu” v.v…
Thân phận cấp dưới, trên bảo thế nào thì biết thế đó. Tất cả chỉ biết kiên nhẫn
chờ đợi và không phải là không có lúc đã cảm thấy ngán ngẩm.
Thế rồi dịp may đã tới. Hồi đầu năm 1973, nhân dịp Binh
chủng tổ chức Hội nghị tổng kết các trận đánh năm 1972 của lực lượng tăng thiết
giáp. Rất quan tâm đến bộ đội xe tăng nên đích thân Bộ trưởng về dự. Mấy anh em
trong Bộ tư lệnh bàn nhau nhân dịp này phải trực tiếp báo cáo với Bộ trưởng may
ra mới làm chuyển biến được tình hình. Việc đó được giao cho phó chính ủy Thu
vì ngoài việc đã được gặp Bộ trưởng nhiều lần thì ông Thu cũng là người nói
năng kín kẽ và mềm mỏng nhất. Giờ giải lao hôm ấy, sau khi nghe ông Thu báo
cáo, Bộ trưởng thật sự ngạc nhiên. Ông gọi ngay cục trưởng Quân lực lại gặp và
dằn giọng hỏi: “Tôi nghe anh em người ta báo cáo đã nhiều lần đề nghị mà tại
sao đến giờ binh chủng Thiết giáp vẫn
chưa có trường sĩ quan là nghĩa làm sao?”. Viên đại tá cục trưởng Quân lực lúng
túng lắp bắp: “Dạ! Thưa Bộ trưởng! Đúng là binh chủng đã nhiều lần đề nghị
thành lập trường sĩ quan nhưng Hội đồng nhà trường toàn quân chưa thống nhất ý
kiến nên vẫn tạm gác vấn đề lại ạ”. Bộ trưởng nhíu mày: “Thế ý kiến của các anh
ấy thế nào?”. Cục trưởng Quân lực bắt đầu run: “Dạ! Một số đồng chí trong Hội
đồng có ý kiến rằng quy mô binh chủng còn nhỏ, vả lại có thể sử dụng sĩ quan
lục quân về nên chưa cần thiết phải thành lập trường”. Đến lúc này thì chắc Bộ
trưởng không kiềm chế được nữa, ông quắc mắt khác hẳn vẻ hiền hậu thường nhật:
“Nhỏ là nhỏ thế nào? Anh thừa biết quy mô của binh chủng này hai năm nay phát
triển thế nào và trong tương lai nó còn phát triển đến đâu. Thật là quan liêu,
tắc trách. Ngay ngày mai anh tập hợp tất cả tài liệu, công văn đề nghị của binh
chủng, biên bản các phiên họp Hội đồng nhà trường lên gặp tôi. Rõ chưa?”. Trời
đầu xuân đang còn lạnh mà Cục trưởng Quân lực toát mồ hôi đầy mặt, run rẩy:
“Vâng ạ!”. Và chưa đầy một tháng sau, ngày 10 tháng Tư năm đó Trường sĩ quan
Thiết giáp có quyết định thành lập. Sau này mấy anh em trong Bộ tư lệnh vẫn nói
vui với nhau: “Hôm ấy mà không gặp Bộ trưởng thì có khi đến bây giờ ta vẫn chỉ
có Đoàn 10 thôi”.
Chiếc xe con đã rời con đường nhựa rẽ vào con đường
đất đỏ bụi mù. Ông Đào ngồi lim dim mắt ngắm nhìn những cảnh vật quen thuộc và
đắm chìm trong kỷ niệm. Chả gì ông cũng đã gắn bó với mảnh đất này gần chục năm
trời. Tuy nhiên, đã gần hai năm nay ông lại mới có dịp quay trở lại đây. Gần
hai năm đã trôi qua nhưng dường như chưa có gì đổi thay ở những làng quê này.
Vẫn con đường đất đỏ bụi mù lên sau những bánh xe. Vẫn những lũy tre gai dày
đặc bao quanh những mảnh vườn cằn cỗi. Vẫn những mái rạ đã bạc màu vì mưa nắng.
Bà con ở đây vẫn nghèo lắm nhưng tấm lòng của họ thì thật rộng mở. Ngay cơ quan
Bộ tư lệnh về sơ tán ở đây cũng chỉ dựng lên mấy ngôi nhà cho các thủ trưởng và
phòng họp, phòng làm việc của các cơ quan, còn đại bộ phận đều tá túc ở nhà
dân. Ở dưới đoàn 10 cũng vậy. Ngoại trừ khu học tập và lán xe, còn lại từ cán
bộ đến học viên ở nhờ nhà dân hết. Mà nào nhà cửa của bà con có rộng rãi gì cho
cam. Thế là phải dồn dịch, phải cơi nới rồi nằm chung lại để nhường nhà cho bộ
đội. Mà cũng lạ, những ngôi làng nghèo khó nằm xen kẽ giữa những dải đồi trọc
cằn cỗi ven chân dãy Tam Đảo này lại mang những cái tên hết sức nên thơ: nào
làng Lan, làng Trầm rồi làng Quế, làng
Bông… . Gọi tên làng mà nghe cứ như sắp lạc vào nơi bồng lai, tiên cảnh
với đầy hoa thơm, cỏ lạ.
Chiếc xe con đã vào đến đầu làng Bông. Nó ì ạch leo
lên một cái dốc rồi tiến lại trước một cổng chào bằng gỗ. Ông Đào không khỏi
ngỡ ngàng khi thấy trên cổng chào là một tấm biển đỏ kẻ hai dòng chữ lớn màu
vàng “TRƯỜNG SĨ QUAN THIẾT GIÁP, KHU GIẢNG ĐƯỜNG”. Một cái gì đó trào lên trong
tâm hồn ông. Vậy là nhà trường đã có giảng đường rồi đây. Ông khẽ bảo lái xe
Năm dừng lại và đưa mắt nhìn sâu vào phía trong. Từ cổng vào là một con đường
thẳng tắp. Hai bên là những dãy nhà lợp ngói, tường trát tooc- xi đứng ngay
ngắn giữa rừng bạch đàn. Có vẻ như người sĩ quan trực ban đã được báo trước nên
anh chạy ra tận cửa xe đón và mời tư lệnh vào Phòng điều hành huấn luyện. Đó là
một ngôi nhà trông khá khang trang nằm phía trong cổng chừng vài chục mét. Ở
đó, đoàn cán bộ nhà trường đang chờ tư lệnh xuống làm việc. Ra đón tân tư lệnh
là hiệu trưởng Dương và toàn thể ban giám hiệu nhà trường. Cũng toàn anh em
quen biết cả. Đã gần hai năm về nhận nhiệm vụ ở nhà trường nhưng ông Dương vẫn
thế, chẳng béo lên mà cũng chẳng gầy đi. Ông Đào siết chặt tay từng người một
rồi lặng nhìn cảnh vật xung quanh. Hiệu trưởng Dương cười hồ hởi:
- Chắc tư lệnh thấy lạ phải không?
Ông Đào gật đầu:
- Đúng là lạ thật. Các cậu làm thế nào mà nhanh thế?
Hiệu trưởng Dương thành thật:
- Báo cáo tư lệnh! Công thức của chúng tôi là đầu tư
của cấp trên và công sức của bộ đội. Mà bộ đội mình tài thật, gì cũng làm được-
Ông giang rộng hai tay- Mời tư lệnh vào phòng điều hành huấn luyện, lát nữa sẽ
mời tư lệnh đi tham quan khu giảng đường sau.
Buổi làm việc với tư lệnh ngoài ban giám hiệu còn có
đủ mặt các trưởng phòng nghiệp vụ và các khoa của nhà trường. Ông Đào bồi hồi
nhìn những gương mặt thân quen. Đa số trong đó là những học viên xuất sắc khi
còn học ở nước ngoài và đã trưởng thành qua nhiều cương vị công tác. Có thể nói
họ là những tinh hoa của đội ngũ cán bộ xe tăng từ khi binh chủng thành lập đến
nay. Bây giờ họ về đây để xây nền móng cho một sự nghiệp rất cơ bản, rất chiến
lược lâu dài. Là người đã từng chỉ huy họ, đã từng biết rõ họ từ khi còn đi học
cho đến khi về nước ông tin những con người này sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của
mình ở đây. Nói gì thì nói, có thể yên tâm với đội ngũ những người thày này. Có
được đội ngũ thày giỏi sẽ là cơ sở để xây dựng một nhà trường mạnh. Thế là đã
ra dáng một nhà trường thật sự rồi.
Sau một bản báo cáo khá dài về tình hình xây dựng cơ
sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình đào tạo và kết
quả đào tạo từ khi thành lập nhà trường đến nay, hiệu trưởng Dương kết luận:
- Có thể nói, từ khi có quyết định thành lập đến nay
nhà trường đã có bước trưởng thành vượt bậc. Cơ cấu tổ chức của nhà trường đã
định hình, các phòng ban nghiệp vụ đã quen dần với công việc. Đội ngũ giáo viên
được tuyển chọn kỹ cơ bản đủ về số lượng, có trình độ đáp ứng nhu cầu giảng
dạy. Nhà trường đã tạo dựng được một hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồ sộ
phục vụ cho dạy và học. Đời sống cán bộ, giáo viên, học viên và các đối tượng
khác ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu xây dựng một nhà
trường chính quy, hiện đại thì còn một khoảng cách khá xa. Để làm được việc này
chúng tôi rất cần sự chỉ đạo thường xuyên của thủ trưởng Bộ tư lệnh và sự đầu
tư kinh phí nhiều hơn nữa của cấp trên. Báo cáo hết!
Ông Đào ngồi im lặng một lát như để “ngấm” bản báo
cáo, mãi sau ông mới chậm rãi:
- Đề nghị nhà trường báo cáo cụ thể hơn nữa về mục
tiêu đào tạo và phương hướng xây dựng nhà trường trong những năm tới thế nào?
Dường như những cái này đã thường trực trong đầu hiệu
trưởng Dương nên chẳng cần sổ sách gì mà ông tuôn liền một mạch:
- Báo cáo tư lệnh! Hiện nay chúng tôi đang đào tạo hai
đối tượng học viên chính là sĩ quan chỉ huy và sĩ quan kỹ thuật. Kế thừa những
thành tựu của đoàn 10, kết hợp với nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn của cấp
trên và kinh nghiệm tích lũy được chúng tôi xác định mục tiêu đào tạo như sau.
Cả hai đối tượng đều phải đạt được những yêu cầu về chính trị, sức khỏe theo
quy định của trên. Về mặt chuyên môn, đối với sĩ quan chỉ huy thì phải đạt tiêu
chuẩn pháo thủ cấp 1, lái xe cấp 1 và thông tin cấp 1. Nghĩa là phải sử dụng
thành thạo hai loại trang bị chính là T54 và PT76 và huấn luyện được bộ đội về
vũ khí, thông tin. Về mặt chiến thuật phải biết quản lý, chỉ huy bộ đội từ cấp
trung đội và có khả năng phát triển lên cấp tiểu đoàn. Còn đối với cán bộ kỹ
thuật thì phải đạt lái xe cấp 2, có khả năng huấn luyện lái xe. Đặc biệt là
phải biết tiến hành công tác bảo đảm kỹ thuật trong huấn luyện cũng như trong
chiến đấu và biết tổ chức sửa chữa khắc phục các hư hỏng nhỏ tại đơn vị- Ông
dừng lại một lát nhưng không thấy tư lệnh Đào tỏ ý kiến gì nên lại tiếp tục- Để
đạt được mục tiêu đó chúng tôi chủ trương xây dựng nhà trường như sau. Một là,
phải xây dựng ngày càng đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và
học, đảm bảo không còn hiện tượng “dạy chay, học chay”. Hai là phải tập trung
xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, hồng về phẩm chất và giỏi về chuyên
môn. Ba là, phải không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội. Đó là ba
nhân tố không thể thiếu để trường ra trường, lớp ra lớp.
Ông Đào gật gù tỏ vẻ đồng tình, lát sau ông hỏi nhỏ:
- Vậy bây giờ khó khăn nhất của nhà trường là gì?
Cũng chẳng cần sổ sách, hiệu trưởng Dương đứng dạy trả
lời luôn:
- Báo cáo tư lệnh! Khó khăn thì nhiều nhưng theo chúng
tôi, hiện nay cái cần giải quyết ngay là nhà ở học viên. Theo chúng tôi, chúng
ta đào tạo ở đây không chỉ đào tạo ra những cán bộ biết sử dụng trang bị kỹ
thuật để chiến đấu mà còn phải đào tạo họ thành những con người, thành những
cán bộ có kỷ luật, có khả năng quản lý bộ đội mọi lúc mọi nơi để xây dựng quân
đội chính quy. Thế mà bây giờ anh em còn đang phải ở nhờ trong nhà dân, vì vậy
môi trường chính quy để anh em được sống và rèn luyện hết sức khó khăn. Mà bản
thân người ta chưa được sống trong môi trường chính quy thì chúng ta không thể
đòi hỏi sau này người ta đưa bộ đội dưới quyền vào nề nếp chính quy được. Do
đó, đảng ủy và ban giám hiệu nhà trường quyết tâm trong thời gian tới sẽ phấn
đấu xây dựng xong nhà ở cho học viên. Dẫu là tranh tre, nứa lá cũng được nhưng phải
có. Vấn đề này cũng xin Bộ tư lệnh lưu ý giúp đỡ. Nói gì thì nói nhưng muốn làm
được thì cũng phải có kinh phí. Ngoài ra cũng còn nhiều việc phải làm nữa nhưng
chúng tôi phải “liệu cơm, gắp mắm”. Phải đặt ra thứ tự ưu tiên để giải quyết
từng việc một vậy.
Thêm vài ý kiến nữa của thủ trưởng các phòng nghiệp vụ
và các khoa giáo viên thì đã gần trưa. Khi thấy mọi người có vẻ như đã nói hết
những suy nghĩ, trăn trở của mình ông Đào gật đầu:
- Từ sáng đến giờ tôi đã được nghe nhiều rồi. Bây giờ
ta đi tham quan khu giảng đường một chút. Chiều nay tôi muốn đi một vòng các
bãi tập thực hành. Sau đó có vấn đề gì ta sẽ trao đổi thêm ở hiệu bộ.
Mọi người lục tục đứng dậy về nơi làm việc, chỉ có
hiệu trưởng Dương và trưởng phòng đào tạo Nguyễn Đức Việt tháp tùng tư lệnh Đào
đi thăm khu giảng đường. Không muốn ảnh hưởng đến anh em trong giờ học, ông Đào
bảo hai người hãy đưa ông đến những giảng đường đang trống giờ học trước đã.
Trưởng phòng Việt lật chồng Lịch huấn luyện, anh ghi vài con số vào sổ tay rồi
mời tư lệnh cùng đi.
Ba thày trò đi qua một loạt những giảng đường đang có
bộ đội học. Ông Đào cố không nhìn vào nhưng rồi cũng phải liếc mắt vào trong
đó. Không biết giáo viên, học viên trong ấy có biết ông là người chỉ huy cao
nhất của binh chủng không nhưng tất thảy dường như chẳng ai để ý đến ông. Trên
cái bục giảng đắp bằng đất một giáo viên còn khá trẻ đang say sưa giảng bài về
binh khí. Có vẻ như anh ta nắm rất chắc vấn đề nên chẳng thấy nhìn qua giáo án
mà miệng nói thao thao, chiếc que trong tay lúc chỉ vào tranh, lúc chỉ vào mô
hình thật là thành thục. Phía dưới là hơn hai chục cặp mắt mở to đầy háo hức
như nuốt lấy từng lời thày giảng. Những đôi mắt ấy cho ông biết quyết tâm học
tập để làm chủ trang bị kỹ thuật của họ cao đến mức nào.
Đã đến một giảng đường trống. Ông Đào bước vào ngẩn
ngơ đứng nhìn một dãy những mô hình các thiết bị được cắt bổ xếp dọc theo hai
bên tường. Phía trên là những tờ tranh in, tranh vẽ được bọc pô- ly ê- ty- len
và nẹp bằng tre treo ngay ngắn. Mặc dù nền nhà chỉ là đất nện nhưng những mô
hình trên giá vẫn sạch như li, như lau. Một cảm giác khó tả bất chợt dâng lên
trong ngực ông Đào. Đã bao lần đứng giữa những giảng đường thênh thang của Học
viện xe tăng số 1 Bắc Kinh hay những phòng học đày ắp thiết bị ở Học viện Ma-
li- nốp- xki ông đã mơ về một mái trường sĩ quan xe tăng của đất nước Việt Nam.
Giờ đây, nó đã thành hiện thực. Hiện thực đấy nhưng vẫn có một cái gì đó thật
là chua chát. Đất nước mình còn nghèo quá. Nhưng dù sao đây cũng là một sự khởi
đầu. Mà có sự khởi đầu nào dễ dàng đâu. Ông tự nhủ mình cần phải quan tâm hơn
nữa đến công tác nhà trường.
Buổi tham quan khu giảng đường và các bãi tập thực
hành kéo đến tận cuối giờ chiều. Suốt buổi tham quan ông Đào hầu như không nói
gì mà chỉ nghe là chính. Có vẻ như không mấy khi được giãi bày hết ý tưởng của
mình với cấp trên nên ông Dương say sưa giới thiệu về những cái mà nhà trường
đã làm được và cả những ý định đang nung nấu trong lòng mà chưa có điều kiện để
biến nó thành hiện thực. Đứng trên một điểm cao ngoài bãi tập ông Dương khoát
tay một vòng, giọng đầy hứng khởi:
- Báo cáo tư lệnh! Xung quanh đây là hệ thống bãi tập
thực hành của nhà trường. Đây là bãi tập chiến thuật tiến công địch phòng ngự.
Phía trước là bãi tập chiến thuật phòng ngự. Bên tay phải là bãi lái tổng hợp.
Ở chân ngọn đồi kia là bãi bắn giá rung- Ông chỉ tay về một ngọn đồi thấp nằm
cạnh khu giảng đường- Sau khi xây dựng nhà ở cho học viên chúng tôi xin phép
đưa hiệu bộ về dưới này. Hiện nay, địa bàn đóng quân của nhà trường quá rộng
nên rất khó cho việc xây dựng nề nếp chính quy. Đơn giản như muốn đưa điện về
cho cán bộ, giáo viên làm việc ban đêm cũng rất khó. Ngoài ra còn phải xây dựng
hệ thống các bãi tập thể lực. Nhà trường cũng phải có sân bóng đá, bóng chuyền
để bộ đội rèn luyện sức khỏe, có nơi để diễu duyệt đội ngũ trong những ngày lễ.
Nói tóm lại, còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Đào vẫn yên lặng lắng nghe. Trong lòng ông thật sự
cảm phục những nỗ lực của các đồng đội của mình. Họ đã đi lên gần như từ con số
không. Được một cơ ngơi như thế này là biết bao mồ hôi và trí lực. Một lần nữa
ông lại thấy quyết định đưa tham mưu trưởng Dương về làm hiệu trưởng là một
quyết định hết sức đúng đắn của thường vụ đảng ủy binh chủng. Ở trong con người
có bề ngoài gày gò, nhỏ yếu này không ngờ lại chứa đựng những hoài bão và khát
vọng to lớn đến vậy.
Mãi đến khi ngồi trên xe trở về hiệu bộ ông mới hỏi
nhỏ ông Dương:
- Này, nếu cho anh một điều ước thì anh ước cái gì?
Đã quá biết tính nết ông Đào nên ông Dương hơi ngỡ
ngàng trước câu hỏi có phần “lãng mạn” của cấp trên. Mãi một lúc sau ông mới
trả lời:
- Anh đã hỏi vậy tôi cũng xin nói thật, tôi chỉ ước
đưa được cái nhà trường này về công trường 92 mà thôi.
Đến lượt ông Đào ngớ ra:
- Nhà trường về 92 thì Bộ tư lệnh đi đâu?
Ông Dương trả lời ngay lập tức như đã suy nghĩ kỹ rồi:
- Bộ tư lệnh thì về Hà Nội chứ còn đi đâu nữa- Ngần
ngừ một lát ông thêm- Tôi đã suy nghĩ rất kỹ rồi. Đấy là phương án tối ưu anh
ạ. Cơ quan chỉ huy thì phải ở trung tâm, phải gần đại bản doanh. Vả lại, nếu Bộ
tư lệnh ở đây thì rất lãng phí, có những công trình gần như không sử dụng đến
như khu xe, nhà xưởng chẳng hạn. Còn nếu cứ để nhà trường ở đây thì biết đến
bao giờ mới có được cơ ngơi như thế.
Ông Đào thật sự ngỡ ngàng. Quả thật, ông chưa bao giờ
nghĩ đến điều này. Nhưng đó đúng là một ý tưởng hết sức táo bạo và hợp lý. Lại
thêm một phát hiện về người đồng sự gày yếu này. Tuy nhiên, đây là một việc quá
lớn mà một cá nhân không thể quyết định được, lại còn phải xem ý kiến trên Bộ
thế nào nữa chứ. Cuối cùng ông đành phải hoãn binh:
- Ờ! Công nhận ý anh rất hay. Tuy nhiên, còn phải xin
ý kiến Bộ và thảo luận trong lãnh đạo binh chủng đã.
Suốt cả phần tiếp theo của buổi làm việc ông Đào không
hề đả động đến vấn đề đó. Tuy nhiên, nó như một cái mầm cây đã bén rễ và chốc
chốc lại trở về trong ý nghĩ của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét