Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 6


Từ vị trí của trung đoàn H73 theo con đường 14 ngược lên phía bắc chừng 200 ki- lô- mét nữa là nơi đứng chân của trung đoàn N74 của quân khu Năm. So với các chiến trường khác thì B1 là nơi xe tăng có mặt muộn nhất. Mãi tới tháng 5 năm 1972 tiểu đoàn xe tăng đầu tiên mới có mặt ở đây. Vừa vào đến nơi tiểu đoàn này đã nhận nhiệm vụ tham gia chiến đấu giải phóng thung lũng Quế Sơn và huyện lỵ Tiên Phước. Mặc dù lực lượng xe tăng tham gia chưa nhiều nhưng đã đem lại sự khích lệ vô cùng to lớn đối với bộ binh và các binh chủng bạn trên địa bàn B1 đầy khó khăn, gian khổ này. Nhận thấy rõ vai trò lực lượng đột kích của xe tăng thiết giáp nên mặt trận liên tục đề nghị Bộ tăng cường lực lượng. Chừng như trên Bộ cũng thấy rõ điều đó nên chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm 1972 và đầu năm 1973 lực lượng xe tăng tại B1 đã có ba tiểu đoàn đủ để thành lập một trung đoàn. Đó chính là trung đoàn xe tăng N74.
Sau khi chia tay Hòa, hai anh em Nhật và Toản nhận một chiếc xe tăng K63-85 hành quân vào đến B1 cũng là lúc Hiệp định Pa- ri đang chuẩn bị được ký kết. Có vẻ như không quân Mỹ đã kiệt sức sau cuộc tập kích đường không vào Hà Nội hay sao ấy mà cuộc hành quân của họ tương đối thuận lợi. Ấy thế mà nó cũng kéo dài gần hai tháng bởi cái cảnh “gần nhà, xa ngõ”. Chẳng là đường 14 chưa thông nên họ phải hành quân bên đất Lào vào đến tận vùng Ngã ba biên giới rồi mới quay ra. Tính đường đất ra thì họ lại còn phải hành quân dài hơn so với những đơn vị vào B3 ấy chứ. Kỷ niệm sâu sắc nhất trên chặng đường hành quân ấy với Nhật là trận tấn công thị trấn Pắc Soòng, Pắc Xế. Chả là, theo yêu cầu của đoàn 559 và bạn Lào, đại đội của Nhật được điều đi tăng cường cho một tiểu đoàn bộ binh hỗn hợp đánh chiếm thị trấn Pắc Soòng và Pắc Xế để mở rộng hành lang vận chuyển của ta trên cao nguyên Bô- Lô- Ven. Theo đúng bài bản đã được huấn luyện, công tác chuẩn bị chiến đấu được tiến hành rất chu đáo, kỹ càng. Ấy thế mà vừa mới nghe tiếng động cơ xe tăng bọn ngụy Lào đã cuốn cờ chạy miết. Thành ra đại đội của Nhật chưa phải nổ phát súng nào đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, người “lãi” nhất trong trận này chắc là lái xe Toản. Sau trận đánh bạn giữ đại đội xe tăng lại để úy lạo. Trong khi mọi người còn đang mải mê với điệu “lăm- vông” thì Toản lỉnh đi đâu không biết, mãi sáng hôm sau mới thấy lò dò về xe, hai mắt thì đỏ kè nhưng vẻ mặt thì đầy thỏa mãn.
Sau trận đánh đó họ tăng tốc độ hành quân. Nghe cấp trên phổ biến là phải vào nhanh để đánh địch lấn chiếm và mở rộng vùng giải phóng trước khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, chỉ có một đại đội của tiểu đoàn 177B đã vào trước trong đó tham chiến. Và cũng chỉ cần có thế ta đã làm chủ được Ngã ba Đồng Tranh, một cứ điểm quan trọng khống chế cả một vùng đồng bằng rộng lớn ở Quế Sơn, Thăng Bình. Thành ra bọn Nhật vào đến đây rồi chỉ phải lao động là nhiều. Cũng chỉ là xây dựng doanh trại, lán xe, tăng gia sản xuất, xây dựng thao trường và huấn luyện mà thôi.
Đối với Nhật đó thật sự là những ngày bổ ích để nâng cao trình độ của mình và kíp xe. Hồi học ở ngoài Bắc Nhật và Toản học trên xe T34 nhưng cũng mới chỉ thực hiện được phần nửa chương trình. Còn pháo thủ Du và pháo hai Vinh thì mặc dù được đào tạo cơ bản ở H07 nhưng lại rất thiếu kinh nghiệm thực tế, mà cũng mới chỉ huấn luyện trên xe T34 và chưa kịp chuyển loại. Vì vậy, khi nhận cái xe tăng K63-85 này có nhiều cái làm Nhật và anh em trong kíp xe thật sự lúng túng. Và bây giờ chính là dịp để cậu tìm hiểu để làm chủ được nó. Thế là cứ lúc nào rỗi rãi Nhật lại hô anh em ra lán xe. Có lúc còn nhờ cả anh Thanh trung đội trưởng ra hướng dẫn thêm. Cũng vì thế nên chả mấy mà cái xe K63-85 số 707 đã trở nên hết sức quen thuộc đối với anh em cậu.
Tuy nhiên, thường là Nhật chỉ huy động được Du và Vinh, còn Toản thì lắm lý do để trốn lắm. Cứ hở chút thời gian nào là Toản lỉnh vào “ấp”, ấy là mấy cái xóm nhỏ của bà con dưới xuôi chạy giặc lên đây. Có lẽ vì vậy mà cậu ta có thêm cái phụ danh Toản “ấp”. Thế rồi không biết nghe hơi nồi chõ ở đâu về mà cứ thì thào với Nhật: “Quê biết không? Ở gần đây có một tiểu đoàn bộ đội toàn nữ nhé, gọi là tiểu đoàn bà Thảo”. Nhật biết tỏng bụng thằng quê nên nhát gừng: “Bộ đội nữ thì sao nào, ở đâu chả có?”. Thế là Toản đảo mắt nhìn quanh và hạ giọng đầy vẻ bí mật: “Không phải thế! Người ta bảo rằng lính tiểu đoàn này ghê lắm. Cứ thấy đàn ông đi qua là bắt về nhốt vào hầm, cho ăn uống đày đủ rồi thay phiên nhau vào ngủ”. Mắt hắn hấp ha hấp háy: “Sướng thật đấy, quê nhỉ”. Toản cứ thì thầm mãi cái điệp khúc ấy đến nỗi Nhật phát cáu: “Thế thì quê vào đó đi. Cứ giả vờ lượn đi, lượn lại xem họ có ra bắt không nào?”. Mạnh mồm thế thôi chứ thách hắn cũng chẳng dám đi, chỉ ăn quẩn cối xay ở mấy cái ấp của dân Quế Sơn chạy giặc này thôi. Tuy nhiên, về chuyên môn kỹ thuật thì Toản vẫn thuộc loại vững vàng. Chẳng gì hắn cũng đã có thâm niên mấy năm, lại đã được luyện tay lái hàng nghìn ki- lô- mét khi hành quân vào đây nên dẫu có trốn học thì trưởng xe Nhật cũng không lo cho lắm. Cậu chỉ bảo bạn: “Đi vừa vừa thôi! Đi đêm lắm sẽ có ngày gặp ma đấy
Đúng là “nhân bảo như thần bảo”. Cái ngày ấy đã đến và nó đến đúng vào hôm đơn vị Nhật phải di chuyển chuẩn bị chiến đấu mới chết chứ. Sáng sớm hôm nay, khi bình minh vẫn chưa ló rạng thì một hồi kẻng báo động vang lên. Tiếp đó là những hồi còi rúc lên từng chặp đầy gấp gáp. Nghe kẻng và còi Nhật biết là tín hiệu báo động di chuyển nên cậu bật ngay dậy. Cậu vừa gọi Du, Vinh vừa quờ tay sang bên cạnh xem Toản thế nào thì thấy bên dưới cái màn chỉ có cái vỏ chăn. Nhật vừa thu dọn đồ đạc vừa nghĩ bụng: “Không hiểu nó trốn đi lúc nào? Rõ ràng lúc đêm hôm qua còn nằm tán phét mãi mới ngủ cơ mà. Thế này thì chết là cái chắc”. Đúng lúc đó tiếng “b trưởng” Thanh dõng dạc: “Các đồng chí cứ bình tĩnh thu dọn đồ đạc. Hôm nay đại đội ta di chuyển thật chứ không phải báo động luyện tập. Thu dọn xong các đồng chí mang hết quân tư trang ra xe. Khi nào có lệnh thì về tập trung nhận nhiệm vụ!”. Một tia chớp lóe lên trong đầu Nhật: “Vẫn còn thời gian. Phải đi gọi nó về”. Nhật vơ quáng vơ quàng đồ của mình và của Toản tống vào hai cái ba- lô rồi bảo Du và Vinh: “Các quê mang luôn hai cái ba- lô này ra xe. Anh Thanh có hỏi thì bảo bọn tớ đi loanh quanh đâu đó nhé”. Vừa dứt lời là Nhật co giò phóng thẳng vào “ấp”. Cũng may, trong một lần đi cải thiện qua đây Toản đã chỉ cho Nhật biết nhà “bạn” của mình. Đó chỉ là một cái chòi bé tẹo lợp tranh, bốn phía quây bằng phên nứa. Thế mà cũng là nơi sinh sống của 5 con người. Nghe tiếng đập cửa và tiếng gọi gấp gáp của Nhật, cái đầu bù xù của Toản thò ra, mắt hấp háy: “Gì đấy?”. Tức mình Nhật tóm cổ Toản kéo ra thì nó hét lên như còi, thì ra lúc đó cậu ta còn trần như nhộng. Phải mất vài phút cho Toản chỉnh đốn trang phục hai thằng mới ba chân, bốn cẳng chạy về đơn vị. Lúc này cả đại đội đã tập trung nghe phổ biến nhiệm vụ. Du và Vinh chắc đã hết phép nói dối. Tuy nhiên, khi thấy hai tên khép nép báo cáo vào sau, đại trưởng Hoàng chỉ vẫy tay:
- Được! Các đồng chí vào hàng!- Nói rồi anh lại cắm cúi nhìn vào cuốn sổ tay- Tôi xin nhắc lại: Để mở rộng vùng giải phóng, đại đội ta có nhiệm vụ tăng cường cho một trung đoàn bộ binh tiến công quận lỵ Minh Long và chi khu quân sự Giá Vụt tại địa bàn Quảng Ngãi. Vì vậy, chúng ta sẽ phải tổ chức hành quân trên một quãng đường khoảng hơn 100 ki- lô- mét. Theo quy định của trên, chậm nhất chiều tối ngày kia chúng ta phải có mặt tại vị trí tập kết. Để đảm bảo có mặt đúng thời gian quy định yêu cầu chúng ta phải làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt. Vì vậy, ngay sau đây các đồng chí cho tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe cộ, vũ khí đồng thời bổ sung dầu mỡ, nhiên liệu. Đồng chí quản lý lên tiểu đoàn nhận lương thực, thực phẩm. Đồng chí kỹ thuật viên đi nhận khí tài. Sau khi nhận xong thì báo cho các xe lên mang về cố định chặt chẽ. Mọi công tác chuẩn bị phải xong trước 10 giờ sáng nay. 11 giờ ăn cơm trưa. 12 giờ tập trung nghe hạ đạt mệnh lệnh hành quân. Nhiệm vụ như thế các đồng chí rõ cả chưa?
Toàn đại đội đồng thanh:
- Rõ!
Hoàng vẫy tay:
- Các trung đội cho bộ đội về vị trí thực hiện nhiệm vụ.
Hàng quân tản ra. Toản thì thào:
- May quá! Thoát rồi!
Nhưng cậu ta chưa kịp mừng đã thấy đại trưởng Hoàng vẫy:
- Đồng chí Toản!- Toản lúc cúc chạy lại, đầu cúi gằm. Hoàng hất cằm- Vừa vừa thôi không thì có lúc bị người ta xẻo mất dái đấy! Thôi, về chuẩn bị xe đi!
Toản cúi gằm mặt chạy về xe. Từ lúc ấy cậu ta cứ cắm cúi làm, ai hỏi cũng không mở miệng.


Vào lúc đó, tại phía bắc sân bay A Lưới một chuyến xe cũng đang sắp sửa lên đường. Hôm nay, đoàn cán bộ của tiểu đoàn xe tăng 4 sẽ ra Quảng Trị tập huấn tại lữ đoàn H03 và một số sẽ kết hợp đi phép.
Chiếc xe Vọt Tiến cóc cáy mình cắm đầy lá ngụy trang đã đỗ sẵn trước cổng. Trên cái sân rộng trước nhà ban chỉ huy tiểu đoàn lố nhố người. Gương mặt ai cũng tươi roi rói, chuyện trò rôm rả. Họ vui là phải, phấn khởi là phải.
Hơn hai năm về trước, hai đại đội xe tăng hành quân độc lập vào đây với cùng một nhiệm vụ là hình thành mũi vu hồi, “làm con dao đâm vào sau lưng quân địch” ở thành phố Huế trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Đó quả thực là một ý tưởng rất hay và nếu thực hiện được chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả rất cao. Khi từ phía bắc quân ta mở đợt tổng tiến công chính diện, quân địch đang tối tăm mặt mũi lo chống đỡ mà từ A Lưới này thọc xuống Huế thì thằng nào mà chống đỡ nổi. Ấy thế nhưng những người đưa ra mệnh lệnh đó đã không tính đến những cái “nhưng” của chiến trường này. Con đường `12, con đường ngắn nhất từ A Lưới xuống Huế xe tăng không thể cơ động được. Vì vậy đại đội 4 đã phải nằm lại hai bên con sông Bồ ở ki- lô- mét 20 trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Đại đội 3 hành quân muộn nên bị những cơn mưa đầu mùa cản bước mãi đến đầu tháng 7 mới vào đến nơi cũng phải chui vào tận chân dãy núi A Bia để bảo toàn lực lượng. Thế rồi hai đại đội được ghép lại thành tiểu đoàn xe tăng 408 trực thuộc mặt trận B4. Tiếng là cùng tiểu đoàn nhưng hai đại đội đóng cách xa nhau đến hơn 40 ki- lô- mét, đến cán bộ đại đội cũng chẳng biết mặt nhau, nói gì đến lính.
Hơn hai năm đó có thể nói là quãng thời gian đầy thử thách đối với cái tiểu đoàn xe tăng đơn độc này. Họ phải đối mặt với đủ thứ. Trên trời là máy bay, “nắng thì bổ nhào, mưa rào thì tọa độ”. Dưới đất thì thám báo, biệt kích. Thường nhật là cái đói, là sốt rét, là mưa rừng, là lở núi, sạt đường, bom bi, mìn vướng và đủ thứ cạm bẫy của tử thần… Là những người lính được huấn luyện khá cơ bản ở hậu phương, lại được tôi luyện trong thực tế chiến trường họ đã vượt qua tất cả những thử thách đó một cách bình thản và lặng lẽ, không một lời kêu ca phàn nàn. Thế nhưng có lẽ trong sâu thẳm cõi lòng của mỗi cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn này vẫn trĩu nặng một nỗi niềm. Đó là nỗi cô đơn của một tiểu đoàn binh chủng độc lập giữa một mặt trận mà chủ yếu còn đánh nhỏ lẻ kiểu du kích. Đường sá thì sờ đến đâu cũng không cơ động được. Nhiều lúc họ cảm thấy dường như mình đã bị bỏ quên trên cõi đời này. Binh chủng thì quá xa, quân khu tuy ở gần nhưng cơ quan Bộ tư lệnh không có đại diện xe tăng, đến một trợ lý chuyên ngành cũng chẳng có. Họ đã cố đề nghị đưa xe tăng vào đây với những lý lẽ rất thuyết phục nhưng đưa được  vào đến đây rồi thì “tắc”. Có vẻ như những gì cần biết về tính năng kỹ chiến thuật và những yêu cầu bảo đảm đối với một đơn vị xe tăng đều có vẻ xa lạ với họ. Hai đại đội thì lại cách xa nhau đến hai ngày đường. Mãi đến khi hiệp định Pa- ri được ký kết mới được co về một mối và đã cùng nhau xây dựng nên một cơ ngơi tương đối đàng hoàng ở phía bắc cái sân bay A Lưới này. Đời sống đã được cải thiện nhiều nhưng cái mặc cảm “con nuôi” dường như vẫn hiển hiện đâu đó.
Thế rồi, đùng một cái, hơn một tháng trước đây tiểu đoàn nhận được một bức điện ngắn từ quân khu gửi xuống: “Bộ đã có quyết định điều chuyển tiểu đoàn 408 thuộc quân khu Trị- Thiên về lữ đoàn xe tăng H03. Tiểu đoàn khẩn trương tiến hành điểm nghiệm toàn diện để quân khu tổ chức bàn giao cho đơn vị mới trong tháng Tám”. Bức điện chỉ vẻn vẹn mấy dòng nhưng dường như đã mang lại một luồng sinh khí mới cho đơn vị. Như đứa con xa lạc mẹ nay tìm lại được gia đình. Họ không mong muốn những đột biến về chế độ, chính sách mà họ chỉ cần được cảm thông và chia sẻ từ những người đồng đội đã hiểu sâu sắc về mình. Mấy ngày sau, một đoàn cán bộ H03 vào tiểu đoàn. Một lễ bàn giao ngắn gọn diễn ra. Từ đó tiểu đoàn mang phiên hiệu mới là tiểu đoàn xe tăng 4 thuộc lữ đoàn H03. Vẫn đứng chân tại A Lưới. Vẫn cách xa lữ đoàn hàng trăm ki- lô- mét nhưng lòng họ đã ấm lên nhiều. Cái cảm giác bị “bỏ rơi” dường như đã tan biến. Và hôm nay, lần đầu tiên họ được gọi ra lữ đoàn tập huấn mà cứ như đứa con xa lần đầu được về thăm nhà cha mẹ.
Chừng như đã trao đổi xong những công việc cần thiết, từ trong nhà ban chỉ huy tiểu đoàn trưởng Phạm Ngọc Bản và chính trị viên Phạm Công Định sánh vai nhau bước ra sân. Nhìn quanh một lượt Bản oang oang:
- Chuẩn bị xong cả rồi chứ? Xong rồi thì lên xe đi!- Anh quay lại phía chính trị viên Định và chìa tay ra bắt- Mọi việc ta đã trao đổi với nhau, có gì ở nhà anh lo giúp nhé!
Chính trị viên Định tươi cười lộ hàm răng ám khói thuốc lào:
- Anh cứ yên tâm!
Tiểu đoàn trưởng Bản đã bước lên bậc ca- bin. Các cán bộ đi tập huấn cũng lục tục leo lên thùng xe. Bản đứng hẳn lên như điểm danh. Đợi mọi người ổn định chỗ ngồi xong anh mới vẫy tay:
- Đi nhé!
Tiếng máy nổ rộ lên. Chiếc xe rùng mình lăn bánh để lại đằng sau một làn bụi nhờ nhờ và những cái vẫy tay lưu luyến.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét