Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 34


Chương 15

Những thắng lợi trên toàn chiến trường miền Nam, mà đặc biệt là trên chiến trường Quảng Trị đã phả một làn hơi nóng sực lên bàn Hội nghị Pa- ri cũng như chính trường Oa- sinh- tơn và Sài Gòn.
Không muốn thất thế trên bàn Hội nghị, nhưng cũng không thể đưa lục quân quay lại miền Nam nên một mặt Mỹ đẩy mạnh đánh phá trở lại miền Bắc, một mặt hỗ trợ đắc lực cho Sài Gòn nhằm bảo vệ vững chắc những vùng đang chiếm giữ và lấy lại phần nào những vùng đã mất. Hàng trăm ngàn tấn vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh được vận chuyển cấp tốc tới miền Nam bằng cả đường biển lẫn đường không. Trong khi đó lại tổ chức phong tỏa chặt chẽ các cảng biển và đường giao thông ở miền Bắc. Các phi vụ oanh kích bằng cả không quân chiến thuật lẫn không quân chiến lược đều được tăng cường gấp 2 đến 3 lần. Ngoài khơi, hạm đội 7 hùng mạnh đã làm chủ Biển Đông. Bốn hàng không mẫu hạm cùng hơn 20 tuần dương hạm, khu trục hạm là nơi xuất kích của hàng trăm máy bay chiến thuật và cũng là nơi dội những trận bão lửa kinh thiên động địa xuống những vùng chiến sự theo yêu cầu của quân đội Sài Gòn.
Về phía mình Nguyễn n Thiệu cũng đã có những phản ứng quyết liệt và những điều chỉnh rất mạnh tay. Một mặt Thiệu cơ cấu lại hệ thống chỉ huy, sẵn sàng cách chức hoặc thay thế những viên tư lệnh cấp quân khu, quân đoàn và sư đoàn tỏ ra kém hiệu quả. Một mặt tung toàn bộ quân trù bị để ứng cứu cho các mặt trận đang nguy cấp.
Trên địa bàn quân khu Ba, Lộc Ninh đã bị mất, nhận thấy An Lộc nguy ngập Thiệu lập tức tung sư đoàn bộ binh 21 của chuẩn tướng Hồ Trung Hậu và lữ đoàn dù 1 của đại tá Lê Quang Lưỡng cùng một số đơn vị của sư đoàn 9, lữ đoàn biệt cách dù 81, liên đoàn biệt động quân số 3 lên cứu viện.
Tại quân khu Hai, ngay sau khi Đắc Tô- Tân Cảnh thất thủ, phần lớn diện tích tỉnh Kon Tum được giải phóng Thiệu lập tức cách chức tư lệnh quân khu của tướng Ngô Du. Thay vào đó là tướng Nguyễn n Toàn, một viên tướng trẻ và khét tiếng chống cộng. Đồng thời sư đoàn bộ binh 23 của tướng Lý Tòng Bá được cấp tốc đưa lên Tây Nguyên thay thế cho sư đoàn 22 vừa bị thiệt hại nặng nhằm giữ vững Kon Tum. Thiệu cũng rút từ lực lượng tổng trù bị ra tăng cường cho mặt trận này Lữ đoàn dù số 2. Lý Tòng Bá được giao đặc trách tư lệnh mặt trận Kon Tum.
Trên địa bàn quân khu Một, một ngày sau khi mất Quảng Trị tướng Hoàng Xuân Lãm và tướng n Giai bị triệu hồi về Sài Gòn. Ra thay Lãm làm tư lệnh quân khu Một kiêm tư lệnh quân đoàn Một là tướng Ngô Quang Trưởng. Tướng Giai vừa về đến Sài Gòn liền bị quân pháp tống vào nhà lao Chí Hòa chờ ngày xét xử vì tội làm tan rã sư đoàn 3 và mất Quảng Trị.
Xuất thân từ binh chủng nhảy dù sau khi tốt nghiệp Trường võ bị Đà Lạt, tướng Trưởng được giới quân sự Sài Gòn đánh giá là một trong những tướng “tuổi trẻ, tài cao”. Không biết những đánh giá đó chính xác đến mức nào nhưng những gì Trưởng làm được khi ra nhậm chức cho thấy đây là một viên tướng có tầm nhìn chiến lược khác xa so với tướng Hoàng Xuân Lãm trước đây.
Ngày đầu tiên ở cương vị Tư lệnh quân khu 1, Trưởng ban hành mệnh lệnh: “bắn bỏ tại chỗ những quân nhân gây hoang mang, rối loạn”. Quyết định này đã có tác dụng rõ rệt, thành phố Huế đang náo loạn đã được vãn hồi phần nào trật tự. Tiếp theo Trưởng quyết định phải tổ chức lại cơ cấu chỉ huy. Trong đó quan trọng nhất là thành lập Bộ tư lệnh tiền phương tại Huế và thành lập Ủy ban ấn định mục tiêu nhằm phân định rõ ràng hơn nhiệm vụ của các đơn vị thuộc quyền. Cụ thể giao cho sư đoàn 1 bộ binh của tướng Phạm n Phú đặc trách bảo vệ phía nam và tây- nam Huế. Sư đoàn thủy quân lục chiến chịu trách nhiệm phía bắc và tây- bắc Thừa Thiên, đặc biệt là phòng tuyến Mỹ Chánh. Bên cạnh đó bằng nhiều biện pháp tổ chức thu dung và tái huấn luyện lực lượng tàn quân của sư đoàn 3 và các đơn vị bị thiệt hại nặng ở Quảng Trị chạy về.
Để hỗ trợ cho những nỗ lực của Trưởng, Bộ Tổng Tham mưu Sài Gòn đã tăng phái cho quân khu Một một lữ đoàn Dù và một liên đoàn Biệt động quân. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên địa bàn quân khu Hai và quân khu Ba các lữ dù số 2 và số 3 đều được tăng phái cho quân khu Một. Ngoài ra các lữ đoàn thiết kỵ và pháo binh bị thiệt hại ở Quảng Trị đã được bổ sung đầy đủ trang bị. Tính đến trung tuần tháng Năm, quân số xung quanh thành phố Huế đã lên tới 35 nghìn. Với những nỗ lực này Sài Gòn hy vọng Huế sẽ đứng vững và có thể phản công tái chiếm lại Quảng Trị.

Những cố gắng của Sài Gòn, lại được công cuộc Mỹ hóa  trở lại của Mỹ hỗ trợ cộng với những khó khăn trong công tác tiếp vận bổ sung của ta đã làm chậm lại nhịp độ tiến công trên tất cả các mặt trận.
Tại B2, sau 5 lần tiến công thị xã An Lộc không thành công, Bộ Tư lệnh Miền quyết định bỏ mục tiêu này để tập trung vào các nhiệm vụ khác. Một sư đoàn và đại bộ phận binh chủng hợp thành chuyển địa bàn về khu Tám hỗ trợ cho chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, phá thế kềm kẹp của bình định. Lực lượng của miền đông chuyển sang làm nhiệm vụ bao vây  An Lộc và giữ vững hai huyện mới giải phóng là Lộc Ninh, Bù Đăng. Tuy vẫn giữ được An Lộc nhưng trên chiến trường miền Đông địch vẫn ở thế bị động đối phó, luôn lo sợ ta phát triển xuống vùng trung tuyến và vùng sâu. Bộ Tư lệnh Miền cũng ra quyết định thành lập Đoàn cơ giới M26 trực thuộc Miền nhằm thống nhất chỉ huy các đơn vị tăng thiết giáp trên chiến trường B2.
Tại B3, sau khi tiêu diệt Đắc Tô- Tân Cảnh ta tiếp tục tiến công một số cứ điểm như Plây Cần, K- Leng… để mở đường xuống đánh Kon Tum. Tuy nhiên, do địch đã kịp tăng viện và có thời gian chuẩn bị nên cuộc tiến công thị xã Kon Tum gặp nhiều khó khăn, ta bị tổn thất khá nhiều. Vì vậy Bộ Tư lệnh B3 quyết định tạm ngừng tiến công, tổ chức củng cố lực lượng và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Tiểu đoàn 297 rút về tập kết ở chân dãy Ngọc Linh, củng cố xe pháo và chờ tiếp viện từ Bắc vào.
Trên địa bàn Trị- Thiên ý định tiến sâu xuống phía nam giải phóng Thừa Thiên Huế trong đợt Ba chiến dịch đã không thể thực hiện được. Một mặt do tương quan lực lượng lúc này đã thay đổi. Do được tập trung hỗ trợ cao độ nên cả quân số cũng như hỏa lực của địch đều chiếm ưu thế trên chiến trường này. Lại thêm mùa mưa đến sớm, những con sông trên khắp đất Trị Thiên lũ ngập trắng bờ đã làm công tác tiếp vận của ta vốn đã khó khăn lại càng khó khăn. Được Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên đến tận nơi bàn bạc và chỉ đạo, ngày 28 tháng Sáu Ngô Quang Trưởng phát lệnh tổ chức cuộc hành quân “Lam Sơn 72”, thực chất đó là chiến dịch phản công quy mô lớn ra vùng giải phóng Quảng Trị. Hắn hy vọng chiếm lại được Quảng Trị trước ngày 13 tháng Bảy là ngày Hội nghị Pa- ri tái nhóm họp.
Như ngọn đèn bùng lên trước lúc sắp tắt hẳn, những cố gắng trong tuyệt vọng của thày trò Ních- xơn- Nguyễn Văn Thiệu cũng đem lại được một số kết quả. Giữ được An Lộc, Kon Tum, giành lại được thị xã Quảng Trị nhưng chúng cũng đã phải trả giá rất nhiều.

***

Đã về Bộ tư lệnh nhưng đầu óc ông Đào vẫn như còn đang để cả ở chiến trường. Ra ngoài này rồi ông mới có đầy đủ thông tin hơn về tình hình tác chiến của các đơn vị xe tăng ở các chiến trường khác. Cầm trên tay những báo cáo tình hình tổn thất của các đơn vị ở An Lộc, Kon Tum mà ông không khỏi xót xa. Như thế là hai tiểu đoàn xe tăng đầu tiên có mặt tại B2 gần như bị xóa sổ sau một chiến dịch. Điều dáng nói ở đây là dường như các trận đánh cứ diễn ra theo một kịch bản như nhau. Trận nào cũng nhanh chóng đột phá được trận địa vòng ngoài. Nhưng rồi cứ vào đến các mục tiêu trong trung tâm thị xã thì lại bị chặn đứng. Xe tăng đi đường xe tăng. Bộ binh đi đường bộ binh. Không có bộ binh đi cùng, bọn địch thả sức lợi dụng các nhà cao tầng hoặc nấp trong các ngõ hẻm để bắn M72 ở khoảng cách gần thì xe nào chịu nổi. Rồi thì không có phòng không bảo vệ, bọn địch hoàn toàn làm chủ bầu trời. Trực thăng vũ trang gần như tự do quần lượn trên đầu và phóng tên lửa xuống. Thế mà trận sau lại vẫn như trận trước? Có cái gì đó phi lô- gic ở đây! Có phải vì là chiến trường xa nhất, từ người chỉ huy đến anh chiến sĩ đều mong mỏi có xe tăng. Và khi xe tăng có mặt thì người ta lại đặt vào đó quá nhiều kỳ vọng. Sự kỳ vọng ấy lại được thổi bùng qua hai trận ra quân thắng lợi oanh liệt ở Xa Mát, Lộc Ninh. Có phải vì vậy mà họ đã có phần ỷ lại, phó mặc cho xe tăng xoay xở? Nhưng còn anh em mình đâu mà để xảy ra cơ sự này. Không thể nói những Nguyễn Phúc Mai, Phạm Hải Hà, Hồ Thái Hồng, Ngô Xuân Nghi… là những người thiếu kinh nghiệm và thiếu bản lĩnh. Các anh ấy đều là những người đã vào chiến trường lâu năm và cũng đã kinh qua chiến trận nhiều rồi. Vậy thì nguyên nhân là gì đây? Chắc chắn phải ở cả hai phía: một bên là người chỉ huy binh chủng hợp thành và các chiến sĩ bộ binh. Còn phía bên này là cán bộ, chiến sĩ xe tăng. Nhưng các cụ đã dạy: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nói gì thì nói nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở phía mình. Và chẳng còn cách nào khác ngoài việc nâng cao bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ của mình. Đó chính là cái “bất biến” để ứng phó với “vạn biến” trong thực tế muôn mặt ở chiến trường.
Đã thế, tình hình ở Bộ tư lệnh cũng không phải mọi cái đều thuận buồm xuôi gió. Ông cứ chắc mẩm khi mình về cơ quan thì chủ nhiệm chính trị Thu đã yên vị ở ghế chính ủy rồi. Nếu điều đó thành hiện thực thì tốt biết bao. Ông Thu là cán bộ chính trị nhưng được đào tạo rất bài bản về xe tăng, lại đã cùng công tác với ông từ ngày mới thành lập binh chủng. Ngay cả ông Ngọc trước khi chia tay ông ra ngoài này cũng đã hứa chắc như đinh đóng cột là sẽ giới thiệu ông Thu nếu được trên hỏi ý kiến. Vậy mà không phải. Lại cũng như năm nào, trên lại “dúi” về cho một chính ủy lạ hoắc, “một chữ bẻ đôi” về xe tăng cũng không biết. Ông cũng chẳng hiểu cấp trên nghĩ thế nào mà lại làm như vậy. Chình vì thế mà cuộc gặp mặt ban đầu của ông với vị chính ủy mới cũng nhạt nhẽo và toàn là những câu chào hỏi xã giao chẳng mấy tình cảm. Thậm chí đã thấy những câu bóng gió về tình hình sử dụng xe tăng ở Quảng Trị kém hiệu quả của ông.
Mặc dù không mấy phấn khởi nhưng ông Đào đã chuẩn bị bản báo cáo đánh giá về tình hình kết quả sử dụng xe tăng trên các chiến trường trong chiến dịch Xuân Hè 1972 rất công phu và tỷ mỷ. Trong đó ông đã kiểm điểm rất sâu sắc vai trò cá nhân mình trong quá trình trực tiếp chỉ đạo tại Quảng Trị. Bản báo cáo đưa ra trước Thường vụ đảng ủy binh chủng đã nhận được sự nhất trí cao độ. Các ủy viên còn đóng góp thêm rất nhiều ý kiến quý báu, đặc biệt là các biện pháp khắc phục. Trong đó, chủ trương quan trọng nhất là phải xúc tiến nhanh việc thành lập các trung tâm đào tạo cán bộ, chiến sĩ cho binh chủng. Có thể coi đây là khâu then chốt để nâng cao bản lĩnh chiến đấu cho lực lượng tăng thiết giáp cả trước mắt và lâu dài. Thực ra, vấn đề này đã được nêu trong kế hoạch phát triển lực lượng tăng thiết giáp giai đoạn 1971- 1975. Binh chủng cũng đã có công văn đề nghị Bộ nhiều lần nhưng không hiểu sao Bộ chưa chấp thuận. Vì vậy lần này thường vụ đảng ủy quyết nghị đích thân ông Đào sẽ phải gặp thủ trưởng Bộ phụ trách về tổ chức xây dựng lực lượng để báo cáo trực tiếp. Để cho “chắc ăn” tham mưu trưởng Dương sẽ đi cùng, ông sẽ là người hạ hỏa cho phó tư lệnh của mình khi cần thiết.
Vị thiếu tướng phụ trách công tác tổ chức lực lượng đón hai cán bộ xe tăng không được niềm nở cho lắm. Hai người vừa chào hỏi xong ông đã khó đăm đăm:
- Tôi đang rất bận. Hai cậu có trình bày gì thì nói cho nhanh. Mười lăm phút nữa tôi có cuộc họp với Nhà nước. Mà sao các cậu không gửi công văn nhỉ?
Thấy gò má bên trái của phó tư lệnh Đào giật liền mấy cái ông Dương vội túm lấy lưng áo cấp trên giật nhẹ rồi mềm mỏng:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đề nghị gặp thủ trưởng lần này vì có một việc hết sức quan trọng và cấp bách! Chúng tôi cũng xin thủ trưởng ít phút thôi ạ!
Vị tướng chỉ hai cái ghế trước mặt, hất hàm:
- Thôi, được rồi! Các cậu trình bày đi!
Biết là không có thời gian để trình bày dài dòng, ông Đào quyết định sẽ đi thẳng vào vấn đề:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi hôm nay đến đây với mục đích đề nghị thủ trưởng và các thủ trưởng trên Bộ cho phép chúng tôi thành lập các trung tâm đào tạo cán bộ, thành viên kíp xe và nhân viên kỹ thuật để đảm bảo cho việc phát triển lực lượng của binh chủng. Chắc thủ trưởng cũng biết rồi, chỉ từ cuối năm ngoái đến nay lực lượng của chúng tôi đã phát triển gấp hơn ba lần. Nếu không có các trung tâm này sẽ không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng cán bộ, chiến sĩ cho sự phát triển sắp tới ạ!
Vị thiếu tướng nhướng hai con mắt lên đày vẻ ngạc nhiên:
- Thế thì từ trước đến nay các cậu đào tạo ở đâu? Tớ thấy thành lập hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác mà các cậu vẫn đủ người cơ mà? Sao bây giờ lại giở giói ra đòi thành lập trung tâm làm cái gì?
Thấy phó tư lệnh Đào đã muốn bùng lên ông Dương lại phải giật nhẹ lưng áo cấp trên và cướp lời:
- Báo cáo thủ trưởng! Do yêu cầu phát triển lực lượng nên chúng tôi vẫn phải cố gắng đào tạo đủ cán bộ, thành viên kíp xe và nhân viên kỹ thuật mặc dù chưa có một cơ sở đào tạo nào thật chính quy. Cụ thể là chúng tôi đào tạo cán bộ tại Đoàn 10, đó là một tiểu đoàn huấn luyện mới được nâng cấp lên. Còn thành viên kíp xe và nhân viên kỹ thuật thì đào tạo ngay tại các trung đoàn chiến đấu. Vì vậy, có thể nói rất thật rằng những cơ sở đào tạo của chúng tôi hiện tại còn rất thô sơ, rất manh mún, chưa đảm bảo đào tạo cơ bản cho bộ đội và vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đào tạo.
Vị thiếu tướng lại tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Về cán bộ thì tôi đồng ý là chưa có trường sĩ quan cho binh chủng là hơi chậm. Nhưng còn chiến sĩ thì cứ đưa về các trung đoàn chiến đấu mà huấn luyện là được rồi còn gì? Bộ binh và các binh chủng khác cũng đều như vậy cả mà. Có thấy binh chủng nào đòi hỏi thành lập trung tâm đào tạo chiến sĩ như các cậu đâu nào?
Đến lúc này thì phó tư lệnh Đào không còn chịu ngồi im nữa, mặc cho “tín hiệu” của tham mưu trưởng ông vẫn cao giọng:
- Thủ trưởng mà nghĩ thế thì chết chúng tôi rồi. Thảo nào mà công văn chúng tôi gửi lên từ bao lâu mà đến giờ vẫn chưa thấy có hồi âm gì cả.
Vị thiếu tướng có vẻ bực, ông hậm hực:
- Anh Đào nói thế là có ý gì? Anh định bảo cơ quan Bộ quan liêu chứ gì?
Tham mưu trưởng Dương nhanh nhảu:
- Báo cáo thủ trưởng, anh Đào muốn nói đến sự khác biệt trong huấn luyện chiến sĩ xe tăng với chiến sĩ bộ binh và các binh chủng khác thôi chứ không có ý gì đâu ạ.
Thiếu tướng vẫn có vẻ không thoải mái, ông dửng dưng:
- Chiến sĩ nào mà chẳng là chiến sĩ! Xe tăng của các anh thì khác gì nào?
Thấy ông Đào định nhổm lên tham mưu trưởng Dương lại phải giật áo:
- Báo cáo thủ trưởng, đúng là huấn luyện chiến sĩ xe tăng có những đặc thù rất khác biệt so với bộ binh và các binh chúng khác đấy ạ! Vâng, khác biệt nhiều lắm ạ!
Đến đây thì vị thiếu tướng hơi có vẻ quan tâm, ông hất hàm:
- Được rồi, các cậu nói cụ thể xem nào?
Dường như đã bình tâm hơn ông Đào hạ giọng tuôn một mạch:
- Báo cáo thủ trưởng, trong quân đội ta cũng như quân đội các nước trên thế giới xe tăng vẫn là một loại trang bị chiến đấu tương đối hiện đại và có hiệu quả cao. Để sử dụng nó một cách hiệu quả thì cần phải có những kíp chiến đấu được đào tạo cơ bản, trong đó mỗi thành viên phải nắm vững và đủ khả năng hoàn thành chức trách của mình- Ông giơ bàn tay phải lên bấm từng ngón- Cụ thể là trưởng xe phải nắm được cấu tạo chung của xe, sử dụng được tất cả các loại vũ khí trên xe, đặc biệt là nắm vững cấu tạo, nguyên lý làm việc và cách sử dụng điện đài trên xe tăng, nắm được các nguyên tắc chiến thuật và chỉ huy xe tăng tham gia chiến đấu trong các hình thức khác nhau. Còn đối với lái xe thì phải hiểu biết về cấu tạo, tính năng và nguyên lý làm việc của động cơ, của các thiết bị truyền động, vận hành v.v.. Về thực hành thì phải đủ khả năng lái xe vượt qua những địa hình phức tạp, lại phải biết bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa đúng quy trình, quy phạm…
Đến đây thì thiếu tướng ngắt lời ông Đào:
- Rắc rối thế cơ à?
Được đà ông Đào tiếp tục thao thao:
- Báo cáo thủ trưởng, đúng thế ạ! Chả thế mà bên nước bạn đào tạo chiến sĩ xe tăng ở các trường đều phải mất một năm. Còn đào tạo sĩ quan thì phải mất ba đến bốn năm. Việc đào tạo này nhất thiết phải được tiến hành ở các nhà trường vì chỉ có ở đó mới đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên. Sau khi đào tạo xong ở các trường người ta mới phân về các đơn vị chiến đấu. Ở đó sẽ biên chế ghép các thành viên lại thành từng kíp xe và bắt đầu huấn luyện các nội dung chiến thuật. Nói như vậy để thủ trưởng hiểu là việc tổ chức đào tạo thành viên kíp xe tại các trung đoàn chiến đấu như ở ta vẫn làm chỉ là giải pháp tình thế thôi…
Một lần nữa thiếu tướng ngắt lời ông Đào:
- Nghĩa là các cậu đề nghị thành lập cả trường đào tạo sĩ quan lẫn trường đào tạo chiến sĩ chứ gì?
Phấn khởi như bắt được vàng, cả ông Đào lẫn ông Dương hý hửng:
- Dạ, đúng thế ạ!
Thiếu tướng nín lặng một lát rồi gật đầu:
- Thôi được, tôi sẽ báo cáo lại với các thủ trưởng Bộ về ý định của các cậu. Về thành lập trường sĩ quan chắc sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên trường đào tạo chiến sĩ thì có lẽ hơi khó đấy.
Tham mưu trưởng Dương cố nài:
- Báo cáo thủ trưởng, thì cũng như các trường đào tạo lái xe thôi mà.
Thiếu tướng hơi nhăn trán:
- Đã đành là như thế, nhưng một đằng là nhân viên chuyên môn kỹ thuật, một đằng là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu nói giống nhau sao được. Mà sao các cậu cứ đòi thành lập trường làm gì. Cứ thành lập một trung đoàn chuyên huấn luyện thành viên kíp xe, rồi các cậu muốn tổ chức nó như thế nào là do các cậu có hơn không?
Cả hai anh em ông Đào lại một lần nữa như vớ được vàng:
- Dạ, thế cũng được ạ!
Thiếu tướng đứng dậy xem đồng hồ:
- Vậy thì các cậu về làm đề án cụ thể mang lên ngay trong tuần này, tớ sẽ đề nghị Bộ xem xét sớm. Tới đây tăng thiết giáp còn phát triển nữa nên sẽ ưu tiên giải quyết nhanh. Còn bây giờ tớ phải đi họp đã!
Cả ông Đào và ông Dương cùng đứng dậy bắt tay thiếu tướng và cũng ra khỏi phòng. Lên xe rồi ông Dương mới nói nhỏ:
- Không trực tiếp đi mà cứ chờ các “cụ” nghiên cứu công văn thì chỉ có chết!

Cả hai ông cùng không ngờ chỉ hơn một tuần sau khi bản đề án gửi lên Bộ đã có quyết định thành lập Trung đoàn huấn luyện H07. Thật là một điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét