Không biết tại vì “gái phải hơi trai…” hay vì không
khí trong lành của miền ven biển, tư tưởng lại thoải mái, ăn uống thì khá đầy
đủ lại được sự chăm sóc hết lòng của mẹ Thảnh mà Hiền mỡ màng lên trông thấy.
Mới chỉ nửa tháng mà những vệt rám trên má mờ dần đi nhường cho sắc hồng trở
lại như có thuốc tiên. Những nếp nhăn ly ty nơi đuôi mắt hình như cũng giãn cả
ra. Suối tóc dài có phần xơ xác nay như được hồi sinh trở nên óng ả như hồi còn
con gái. Hôm cô lên thăm anh em ở chốt tiền tiêu, bọn ngụy bên kia ranh giới
trông thấy cứ gào lên như phát rồ: “Ui chao! Thiên nga Việt Cộng xinh quá! Hôm
nay có biểu diễn gì không em?”. Nhưng đúng là “tốt mái, hại sống”. Trong khi
Hiền cứ phây phây lên sau từng ngày thì Nhã lại có phần uể oải tợn, lúc nào
cũng như người thiếu ngủ.
Hôm chính ủy Văn xuống kiểm tra đơn vị, nhìn thấy Nhã
anh lắc đầu. Cuối buổi kiểm tra anh gọi Nhã ra riêng một chỗ ngồi nói chuyện.
Vỗ vai Nhã thân mật như với cậu em út, Văn ý nhị: “Cậu chỉ huy đánh trận mãi
rồi nhưng hình như quên mất nguyên tắc sử dụng lực lượng của binh chủng mình thì
phải. Tớ nhắc cho mà nhớ này: tập trung lực lượng trên hướng chủ yếu, vào mục
tiêu chủ yếu và vào thời cơ quyết định”. Lúi húi vẽ viết gì đó vào cuốn sổ tay
rồi xé ra một tờ đưa cho Nhã, anh hạ giọng: “Về bảo cô ấy xem cái này rồi tính
toán xem hôm nào là thời cơ quyết định. Tớ nhắc lại một lần nữa: hãy tập trung
lực lượng vào thời cơ quyết định mới thành công được”. Cầm tờ giấy có vẽ cái
vòng tròn và mấy con số Nhã chẳng hiểu gì nhưng cũng cứ đưa cho Hiền. Hiền cầm
tờ giấy xem xong mặt cứ đỏ lựng lên rồi mủm mỉm cười: “Tuần này anh cứ lên sở
chỉ huy mà trực, em ở nhà với mẹ Thảnh cũng được”. Nhã chẳng hiểu gì, tưởng vợ
giận nhưng gặng mãi cô chỉ cười. Thấy
anh bỏ lên điểm cao 12 ngủ, anh em ai cũng thắc mắc. Còn Nhã cứ im như thóc vì
cũng chẳng biết giải thích với mọi người thế nào. Ấy thế mà thành công thật. Tháng
tiếp theo thì Hiền bị “chậm”. Cô đợi mấy ngày cho chắc chắn mới âu yếm thông
báo với chồng: “Lần này có lẽ được rồi, anh ạ!”. Nhã lặng im ghì chặt vợ vào
lòng, mãi sau anh mới thốt ra được một câu: “Chúng ta mang ơn mảnh đất này,
mang ơn mẹ Thảnh, chính ủy Văn và tất cả mọi người nhiều quá. Sau này, dù là
con trai hay con gái em hãy đặt tên con là Việt nhé. Việt là Cửa Việt mà cũng
là đất nước Việt Nam
này”. Ngay sau hôm đó tiểu đoàn 397 được lệnh rút về khu vực tập trung của lữ
đoàn. Hiền quyết định ở lại thêm một tháng nữa cho chắc ăn và thế là cô trở
thành cư dân thứ sáu của cái “chiêu đãi sở” này hơn một tháng qua.
Màn chia tay trong nhà đã vãn vãn. Gớm, mới có một
tháng mà cứ như chị em ruột thịt trong nhà. Hiền đứng lên bịn rịn chào từ biệt
mọi người. Nhưng rồi tất cả cùng kéo nhau ra tận xe để tiễn chân cô. Đồ đạc
cũng chẳng có gì nhiều, ngoài cái túi du lịch đựng quần áo chỉ có thêm một bọc
cá khô để dành từ hồi còn ở Cửa Việt. Có lẽ những gì vợ chồng cần nói với nhau
đã nói hết nên bây giờ cả hai chỉ nói chuyện với mọi người. Chính trị viên phó
Cường cũng ra tiễn vợ bạn, anh thật sự vui mừng vì chuyến đi của Hiền đã có kết
quả. Nhớ lại ánh mắt mẹ Nhã hôm đưa Hiền lên nhà mình mà anh nôn nao. Chuyến
này chắc người vui mừng nhất chính là bà cụ.
Hiền đã ngồi lên chiếc ghế bên phải lái xe. Nhã đóng
cửa lại rồi đi vòng qua đầu xe sang bên cạnh đồng chí lái xe, anh đưa cậu ta
bao thuốc Điện Biên bao bạc:
- Cầm lấy hút cho tỉnh này. Cho tớ cảm ơn trước nhé!
Đồng chí lái xe tươi cười, nhỏ nhẹ:
- Có gì đâu mà, anh!- Anh hơi cao giọng- Thôi, xin
phép mọi người cho chúng tôi lên đường cho sớm.
Người lái xe nổ máy, Hiền vội giật giọng:
- Thỉnh thoảng anh phải xuống thăm mẹ Thảnh đấy! Nhớ
chưa?
Nhã cười hiền hậu:
- Nhớ rồi! Thôi, đi đi cho sớm.
Chiếc xe từ từ chuyển bánh. Những cánh tay rối rít vẫy
chào. Nhã đứng nhìn theo chiếc xe đang đi xa dần trong ánh ban mai bàng bạc,
mắt anh chứa chan niềm hy vọng.
*
Vào lúc đó, đoàn tàu liên vận quốc tế BT- Hà Nội đã qua
biên giới Trung- Việt. Trời đã sáng hẳn. Mới xa nhà có sáu tháng nhưng cả đoàn
cán bộ của binh chủng Thiết giáp ai cũng hào hứng xúm quanh cửa sổ để ngắm nhìn
cảnh vật và thi nhau bình phẩm. Đối với họ, tuyến đường sắt này chẳng có gì xa
lạ cho lắm. Hầu hết thành viên trong đoàn đã đi học nước ngoài bằng con đường
này. Chuyến tàu đầu tiên chở trung đoàn H02 về nước cũng trên con đường này.
Thế rồi, suốt những năm chống Mỹ nhiều người trong số họ đã xuôi ngược trên
chính con đường này để tiếp nhận hàng viện trợ. Tuy nhiên, có điều khác biệt là
hồi ấy chủ yếu đi đêm. Còn hôm nay, họ được đi giữa ban ngày. Không còn nơm nớp
lo những trận oanh tạc của máy bay Mỹ dội xuống đầu bất cứ lúc nào. Nhìn những
rặng núi trùng điệp trải dài xen lẫn những cánh ruộng bậc thang hai bên đường,
chủ nhiệm kỹ thuật Nhẫn cứ xuýt xoa:
- Đẹp quá, các anh nhỉ! Chả bù cho dạo xưa đi nhận xe
toàn đi đêm, chỉ thấy hai bên đen kịt.
Trưởng ban tác chiến Phùng thì trầm tư:
- Anh có nhớ hôm anh em mình lên nhận xe đợt đầu năm
67 không. Đúng cái hôm nó đánh sập cái cầu gì ấy. Hôm ấy mà lái tàu không phanh
nhanh thì cả đoàn tàu và mấy chục cái xe tăng lao hết xuống sông nhỉ.
Chủ nhiệm Nhẫn gật gù:
- À! Cầu Kỳ Lừa thì phải. May thật- Rồi anh tươi tỉnh-
Sắp đến cầu ấy rồi đấy. Mà sao tàu đi chậm thế nhỉ?
Tham mưu trưởng Kiệm vẫn chân co, chân duỗi trên ghế
tỏ ra bức xúc:
- Chẳng hiểu các ông đường sắt nhà mình làm ăn kiểu
gì? Hòa bình đã được mấy năm rồi mà chẳng chịu củng cố đường sá, nâng cấp toa
tàu. Tàu liên vận gì mà cứ như tàu chợ ấy!
Ông Đào hơi cau mặt:
- Các cậu đừng có nói quá lên như vậy. Gọi là hòa bình
thôi chứ thực ra đã phải là hòa bình thực sự đâu. Cả nước vẫn phải dồn sức cho
miền Nam
đấy chứ.
Nói vậy nhưng trong bụng ông cũng thấy bùi ngùi. Nhìn
dọc theo cái toa tàu ngổn ngang hàng hóa ông thấy Kiệm nói cũng đúng: tàu liên
vận quốc tế mà chẳng khác gì tàu chợ. Cũng hai hàng ghế ngang, tuy được bọc da
nhưng đầy vết bẩn và chữ viết linh tinh. Nào là “kỷ niệm xa quê”, nào là “H. yêu T.”. Cũng
cái giá hành lý trên đầu hẹp vanh vanh, chỉ để được cái cặp nhỏ. Buồng vệ sinh
thì phải đổi tên là buồng “mất vệ sinh” mới đúng. So với những đoàn tàu liên
vận quốc tế mà đoàn các ông vừa được đi thì đúng là “một trời, một vực”. Ông
chợt nhớ lại cái cảm giác hôm lần đầu tiên được xuống tàu điện ngầm ở Mát- xcơ-
va. Thật sự là hôm đó ông đã bị “ngợp”. Ngồi trên tàu suốt mấy tiếng đồng hồ
ông đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thật là kỳ vĩ. Thật là đẹp đẽ.
Thật là tiện lợi, văn minh. Ông cứ lẩn thẩn tự hỏi không biết có bao nhiêu
triệu khối đất đá đã được đào lên và mang đi? Không biết có bao nhiêu triệu mét
khối bê tông đã được đổ xuống? Hơn hai trăm ki- lô- mét đường tàu xuyên trong
lòng đất, chui qua cả đáy sông đâu phải chuyện nhỏ. Mà sao đẹp thế. Mỗi một ga
mê- trô thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang tính lịch
sử và cũng đậm nét văn hóa Nga. Những bức họa khổng lồ trên trần ga, các pho
tượng, biểu tượng, hoa văn… đầy tính mỹ thuật, đan xen giữa cổ kính với hiện
đại hết sức hài hòa. Đứng trong một ga mê- trô mà cứ có cảm tưởng đang đứng
trong một bảo tàng lịch sử hay bảo tàng nghệ thuật. Còn hệ thống cầu thang và
các chỉ dẫn cùng hết chỗ chê. Chỉ cần bập bẹ vài từ tiếng Nga là có thể tự mình
đi lại được mà không sợ lạc. Từ chỗ ngợp ông đã chuyển sang buồn thật sự với
câu hỏi: “Biết bao giờ dân mình mới được như vậy?”.
Tàu đang qua cầu Kỳ Lừa. Cây cầu
đã được sửa sang nhưng chắc là chưa thật vững chãi nên con tàu bò qua chậm như
sên. Con sông Kỳ Cùng mùa nước cạn trơ ra cái đáy lô nhô đá cuội. Hai bên bờ
sông những hố bom chưa kịp lấp vẫn nham nhở như những vết lở loét trên thân thể
một con bệnh nặng. Nhiều ngôi nhà đổ vẫn chưa được dựng lại. Đúng là đã có hơn
một năm yên hàn nhưng dường như miền Bắc vẫn chưa xây dựng được gì nhiều. Vẫn
còn đó một miền Nam đang kêu gọi giải
phóng. Tất cả vẫn phải dành cho tiền tuyến. Chỉ có thống nhất, độc lập rồi mới
có hòa bình thực sự, mới có thể nghĩ đến việc xây dựng và làm giàu. Ông lim dim
mắt thầm nhẩm lại lời kêu gọi ngày 17 tháng 7 năm 1966 của Hồ Chủ tịch.
Mấy anh em trong đoàn vẫn xúm
quanh cửa sổ nhìn ngắm đất trời. Chỉ những hố bom chi chít hai bên đầu cầu chủ
nhiệm kỹ thuật Nhẫn khẳng định:
- Này! Hồi xưa bọn Mỹ nó cũng tốn
khá nhiều bom đạn với cái cầu này đấy nhỉ.
Chưa ai kịp trả lời thì tham mưu
trưởng Kiệm đã lên tiếng:
- Tớ đố các cậu bây giờ mà đi
đánh nhau thì sướng nhất là cái gì?
Chủ nhiệm chính trị Bổn cười tít
mắt:
- Cái gì mà chả sướng hơn hồi
trước hả anh!
Chủ nhiệm kỹ thuật Nhẫn thì trầm
tư:
- Đúng là sướng hơn nhiều thật,
xe cộ chạy ban ngày, lương thực thực phẩm, vật tư khí tài đầy đủ.
Trưởng ban tác chiến Phùng thì
quả quyết:
- Theo tôi sướng nhất là không lo
bị máy bay nó “cù” cho nữa!
Ông Đào vẫn phóng tầm mắt ra
ngoài ngắm nhìn cảnh vật nhưng tai vẫn lắng nghe câu chuyện. Công nhận ý kiến
của cậu Phùng này chính xác. Cứ nhớ lại những trận đánh ở điểm cao 543, trận
vượt sông đánh Đông Hà của H02 rồi trận An Lộc ở B2 mà ông đắng cả lòng. Tham
mưu trưởng Kiệm thì vỗ tay đen đét:
- Đúng thế! Bây giờ thì thằng
thầy nó cút rồi, còn mỗi thằng tớ lấy đâu ra máy bay mà đánh nhau với mình như
trước nữa. Vì vậy đi đánh nhau bây giờ sướng nhất là không lo máy bay nó săn
nữa.
Ông Đào nhăn mặt: “đúng thì đúng
thật nhưng không được bốc đồng, chủ quan thế này”. Vẫn lim dim mắt ông nói nhỏ:
- Các cậu đừng vội mừng thế. Theo
đánh giá của giới quân sự nước ngoài thì thằng ngụy Sài Gòn có lực lượng không
quân chiến thuật mạnh thứ ba thế giới đấy.
Kiệm mạnh dạn:
- Thủ trưởng ơi! Nói về số lượng
thì đúng thế thật. Còn nếu nói về sức mạnh thì còn nhiều yếu tố khác chi phối
lắm. Tôi dám lấy đầu của mình ra mà “cá” là nhất định nó không thể làm chủ bầu
trời như trước kia nữa.
Chủ nhiệm chính trị Bổn quay lại
góp chuyện:
- Tôi cũng nghĩ vậy. Nhất là bây
giờ ta lại đang thành lập các binh đoàn chủ lực, trong đó có đủ các thành phần
của lục quân nên chắc chắn khả năng bảo đảm mọi mặt, trong đó có bảo đảm phòng
không cũng sẽ tốt hơn.
Chủ nhiệm kỹ thuật Nhẫn thì lo xa:
- Cũng chẳng biết có hơn gì
không? Quân đông, trang bị lắm mà chỉ huy không nắm chắc, hiệp đồng không chặt
chẽ, bảo đảm không đầy đủ, kịp thời… thì chắc gì đã hơn. Nhất là lại chuyện con
đẻ, con nuôi nữa. Người ta có quan tâm đến mình hay không chứ?
Ông Đào định tham gia vào câu
chuyện nhưng rồi lại nhắm mắt ngồi yên như đang tham thiền. Chủ trương thành
lập các binh đoàn chủ lực của trên ông đã biết từ lâu và cấp trên đã bắt đầu
thực hiện. Ngay sau khi các ông đi học chừng hai tháng thì Bộ đã ra quyết định
thành lập Binh đoàn Quyết Chiến. Tiếp đó là nâng cấp trung đoàn bộ binh cơ giới
H02 thành lữ đoàn tăng thiết giáp H02 và điều chuyển về trực thuộc binh đoàn
này. Rồi mới đây binh đoàn Sông Hương đã được thành lập, trong đó có lữ đoàn xe
tăng H03. Ngay tại chiến trường miền Đông đầy khó khăn, gian khổ binh đoàn Mê
Kông cũng đã ra đời. Tất nhiên, lúc ban đầu sẽ có những khó khăn như Nhẫn vừa
nói song có thể nói đó là một chủ trương đúng đắn và hết sức cấp bách trong
điều kiện hiện nay. Thế và lực của ta cũng như địch đều đã đổi khác. Để đi đến
thắng lợi cuối cùng cần có những đòn đánh quyết định với quy mô lớn, tiêu diệt
gọn từng mảng cỡ quân khu, quân đoàn, vùng chiến thuật của địch. Vì vậy sự ra
đời của các binh đoàn chủ lực là một tất yếu. Nhưng đúng là khối anh em các
binh chủng sẽ có tư tưởng không “thoải mái”. Họ cho rằng mình còn ở với binh
chủng thì là “con đẻ”, còn nhập vào với các binh đoàn thì kiểu gì cũng chỉ là
“con nuôi”. Mà thói thường, ai lại quan tâm đến “con nuôi” hơn “con đẻ” được.
Ông cho rằng một mặt cần đả thông tư tưởng cho anh em. Mặt khác cũng phải có cơ
chế làm việc thế nào đó để tình trạng “con nuôi”, “con đẻ” không xảy ra. Tốt
nhất là phải xây dựng cơ quan chủ nhiệm tăng thiết giáp tại đó đủ mạnh, đủ tầm.
Có như vậy họ mới đủ khả năng vừa làm tham mưu tốt cho thủ trưởng binh đoàn về
sử dụng xe tăng, vừa làm cầu nối liên kết giữa binh đoàn với binh chủng.
*
Cái chuyện “con đẻ, con nuôi” thì
chắc chỉ có các thủ trưởng cấp trên quan tâm, chứ như cánh cán bộ cấp đại đội
của mấy anh em Hòa đen thì họ chẳng để ý gì đến. Có chăng thì chỉ thấy vất vả
hơn mà thôi. Thì đấy! Từ Quảng Trị ra Kỳ Anh, tiếng là ra an dưỡng và củng cố
nhưng rồi thằng nào thằng nấy phải cày thật lực. Thôi thì đủ thứ việc: vừa sửa
chữa xe pháo, vừa xây dựng doanh trại, lại vừa phải tiếp nhận và huấn luyện
quân mới bổ sung… Doanh trại vừa đâu vào đấy, chưa kịp nằm thử cái nhà của mình
làm ra xem cảm giác thế nào thì nâng cấp lên lữ đoàn rồi được chuyển về binh
đoàn Quyết Chiến. Thày trò lại một phen cơ động ra Thanh Hóa cho gần với đội
hình binh đoàn. Thế là mọi thứ lại phải làm lại từ đầu. Mà sao cái xứ này nghèo
đến thế không biết, chỉ thấy cát là nhiều. Miền đất mà chính người dân ở đây đã
tự trào: “Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào, Bàn giao cho Lào thì Lào không nhận…”
là đây. Bên đông đường Một thì cát ngút ngát tầm mắt ra tận biển, chẳng thấy
trồng cấy được gì. Sang tây đường Một thì cũng lại cát nhưng còn có ít đất
trồng lúa, trồng khoai. Nhưng cũng chỉ leo pheo một tý đó thôi đã thấy vào đến
chân núi rồi. Mà núi thì cũng trọc lông lốc toàn đá là đá chứ cũng chẳng thấy
có cây cối gì. Giữa cái vùng toàn đá với cát ấy mà lại quy định trong vòng hai
tháng phải hoàn chỉnh doanh trại trong khi không có một đồng kinh phí rót xuống
thì có bằng đánh đố nhau. Ấy! Kêu thì cứ kêu nhưng rồi làm thì vẫn phải làm.
Lại vẫn là cách từ xưa truyền lại thôi: dựa vào dân. Nhưng khổ một nỗi là dân ở
đây nghèo quá nên có muốn dựa cũng khó.
Túng thì phải tính. Thôi thì đủ
kiểu. Cái lợp thì chịu khó đi bộ mãi sâu vào phía sau những dãy núi cũng cắt
được cỏ tranh. Cứ hai ngày cả đi lẫn về mỗi người được một gánh, dỡ ra tuốt lại
đánh cũng được dăm phên. Khó nhất là cái khoản cột, kèo rồi đòn tay các loại.
Gỗ thì chịu hẳn rồi vì trong bán kính mấy chục cây số chẳng thấy có rừng. Còn
tre thì cũng xơ xác lắm, hàng bao nhiêu đơn vị bộ đội đã “càn đi, quét lại” còn
gì. Thế là “võ” các loại được dở ra. Nào là cho bộ đội cắt gạo buổi trưa, đem
vào dân nấu nhờ rồi vừa làm giúp, vừa xin xỏ. Rồi thì chỉ đạo chi đoàn tổ chức
kết nghĩa với đoàn thanh niên địa phương. Rồi thì đơn vị kết nghĩa với các
trường học. Rồi thì ban chỉ huy đại đội trực tiếp làm việc với ban chủ nhiệm
hợp tác xã, đổi công lấy vật liệu v.v… Tất cả không nằm ngoài cái mục tiêu hoàn
thành doanh trại sau hai tháng.
Thế mà rồi cũng xong. Đẹp thì
không đẹp cho lắm nhưng cũng đủ cả kèo cột, vách nhứng … và vững chãi ra phết. Thế
mới biết lính mình tài thật! Bây giờ thì đã đến lúc tập trung cho việc huấn
luyện. Toàn trung đoàn lại vừa nhận một đợt lính mới nhập ngũ cuối năm 73. Nghe
nói ngoài việc thành lập Trường sĩ quan Thiết giáp thì Bộ cũng đã cho phép
chuyển trung đoàn H07 thành một trung tâm đào tạo thành viên kíp xe. Ai cũng hy
vọng từ nay chất lượng thành viên kíp xe sẽ tốt hơn.
Doanh trại xây dựng xong cũng là
lúc Hòa đen chính thức được bổ nhiệm chức vụ đại đội trưởng. Được lên chức Hòa
cũng chỉ cười nhẹ vì thực ra thì anh đã thực sự làm đại đội trưởng từ hàng năm
nay rồi. Kinh nghiệm huấn luyện đã có, bộ đội được đào tạo cơ bản ở nhà trường,
lại được một số anh em cũ như lái xe Thu, pháo thủ Dịp… làm nòng cốt nên công
tác huấn luyện cũng khá thuận lợi. Sau ba tháng tổ chức huấn luyện đại đội của
Hòa dẫn đầu lữ đoàn về tất cả các chỉ tiêu. Có vẻ như mọi cái đều rất khả quan.
Ấy thế mà khuôn mặt người đại đội trưởng trẻ tuổi này lúc nào cũng có vẻ suy tư,
buồn buồn trái hẳn với bản tính trẻ trung, sôi nổi của anh. Đã ở với nhau khá
lâu nên lái xe Thu rất hiểu tính nết người chỉ huy của mình nên cậu ta hỏi
thẳng:
- Em thấy mọi cái đều đâu vào đấy
mà sao “anh quê” cứ buồn buồn vậy?
Hòa định lảng, nhưng nhìn ánh mắt
thân thiết của Thu anh cười buồn:
- Chuyện riêng thôi- Anh nhìn
quanh không thấy ai mới hạ giọng- Ông chú mình mới gửi thư lên bắt mình về cưới
vợ.
Mấy năm trời ở với nhau, chả giấu
nhau chuyện gì nên Thu, Dịp đều đã biết về cái lời nguyền “không đến với bất kỳ
người phụ nữ nào trước khi chiến tranh kết thúc” của Hòa. Trong thâm tâm Thu
cũng ủng hộ cách nghĩ của đại đội trưởng nên thẳng băng:
- Kệ ông ấy, lấy hay không là do
mình chứ!
Hòa lắc đầu buồn bã:
- Chú mày không biết hoàn cảnh
nhà anh. Chi họ Mạc nhà anh ở quê hiếm người lắm. Đền đời ông nội anh cũng là
con một, được bố anh và ông chú. Bố anh thì chỉ được mình anh rồi hy sinh. Ông
chú thì cố mãi nhưng tòi ra toàn “thị mẹt”. Bây giờ cả họ có mỗi mình anh là
con trai thôi. Vì vậy ông chú anh viết thư lên hết lá này đến lá khác bắt anh
về lấy vợ để có con nối dõi tông đường. Mình thì cứ lần lữa mãi nên ông ấy dọa
sẽ lên tận đây bắt về. Mà chú thím thì nuôi mình từ nhỏ…
Đã đến nước này thì Thu cũng
chẳng biết an ủi người chỉ huy của mình thế nào. Đúng lúc ấy có tiếng pháo thủ
Dịp oang oang từ ngoài vọng vào:
- Đại trưởng có khách nhé!
Hai anh em vội đứng lên đã thấy
Dịp dẫn một ông già đầy vẻ khắc khổ đi vào. Thì ra ông chú Hòa viết thư mãi
không thấy cháu về hôm nay đã lặn lội lên tận đây. Hòa chưa kịp chào ông đã vỗ
mặt:
- Anh giỏi lắm! Anh đừng tưởng
anh là cán bộ rồi mà tôi bảo không nghe. Hôm nay tôi lên đây xem anh bận cái gì
mà không thu xếp về được mấy ngày?
Sợ tình hình căng thẳng Hòa tìm
cách hoãn binh:
- Thì chú cứ vào đây nghỉ ngơi,
uống nước cho đỡ mệt đi đã rồi từ từ cháu nói chuyện.
Ông chú vẫn đứng như trời trồng:
- Tôi không mệt! Tôi không cần
nước nôi gì cả. Tôi chỉ cần biết anh có chịu về không?
Hòa lúng túng chưa biết xử trí
thế nào. Thật may, chính trị viên Hiển nghe Dịp báo đã kịp thời chạy sang cứu
nguy:
- Xin chú cứ bình tĩnh. Quả thật
vừa rồi chúng con quá bận nên anh Hòa chưa thu xếp đi phép được- Hiển nhẹ nhàng
đến bên ông già và đưa cả hai tay ôm ngang lưng dìu ông già vào bộ bàn ghế tiếp
khách, anh ấn ông ngồi xuống rồi tiếp tục- Bọn con đã thống nhất với nhau rồi,
dăm bữa nửa tháng nữa mọi việc vãn vãn sẽ đề nghị lữ đoàn cho anh em thay nhau
đi phép. Chú cứ yên tâm đi mà.
Nhìn đôi quân hàm thiếu úy đỏ
chói trên ve áo và vẻ mặt nghiêm túc của người chính trị viên ông già có vẻ yên
tâm hơn nên dịu đi phần nào:
- Anh nói thế thì tôi tin. Nhưng
tôi cũng xin tuyên bố là tôi sẽ ở lại đây đợi đến khi nào anh Hòa đi phép thì
chú cháu tôi cùng về luôn.
Nhìn vẻ mặt của ông, nghe cách
nói của ông Hòa hiểu quyết tâm của chú mình cao đến thế nào. Anh đành nhờ Dịp
đưa ông vào nhà quen nghỉ tạm, còn mình và Hiển thì lên báo cáo tiểu đoàn. Biết
chuyện, chính ủy Phúc xuống tận nơi thăm ông chú, sau khi chuyện trò có vẻ rất
tâm đắc với ông anh động viên Hòa: “Hậu phương vững chắc là chỗ dựa tinh thần không
thể thiếu của mỗi người lính trên chiến trường. Thôi thì cậu chiều ông cụ một
tý cũng được”. Nhân thể, chương trình huấn luyện trong năm cũng đã gần kết
thúc, lữ đoàn quyết định cho Hòa về nghỉ phép nửa tháng để giải quyết chuyện
gia đình. Cầm giấy phép rồi Hòa vẫn nuôi ý định sẽ tìm mọi cách để giữ lời
nguyền của mình. Mấy hôm nay, qua trò chuyện chú Hòa cho biết đã nhắm cho anh một
cô ở gần nhà nhưng ông vẫn bí mật chưa cho biết tên. Hoà định bụng khi biết đó
là ai thì sẽ tìm gặp riêng và nói hết mọi chuyện của mình, động viên cô ta phản
đối thì chắc chắn kế hoạch của ông chú sẽ thất bại.
Vì vậy, khi mà đoàn tàu liên vận
chở đoàn cán bộ cơ quan binh chủng đi học về đang đi sâu vào nội địa thì chú
cháu Hòa cũng bước lên chuyến tàu chợ Vinh- Hà Nội để về quê. Thấy nguyện vọng
của mình được đáp ứng nhanh chóng ông chú phấn khởi lắm. Còn Hòa tin rằng kế
hoạch của mình sẽ thành công nên anh cũng tỏ ra rất vui khi được về phép. Vì
vậy, câu chuyện của hai chú cháu trên tàu cứ nổ như ngô rang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét