Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

XE TĂNG HIỆN ĐẠI- ĐÊM CŨNG NHƯ NGÀY

Đại tá xe tăng Việt Nam: Chạy đêm chẳng cần bật đèn
Một chiếc xe tăng T-90 hành quân tác chiến trong đêm. Ảnh minh họa.

Để xe tăng - thiết giáp làm được điều đó, lái xe phải được trang bị một thiết bị đặc biệt. Đó là khí tài quan sát ban đêm - hay ngắn gọn hơn là “kính lái đêm”.


Từ yêu cầu giữ bí mật khi hành quân...
Trong hầu hết hoạt động chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu thì việc giữ bí mật đều hết sức quan trọng.
Có giữ được bí mật mới bảo vệ được lực lượng của mình trước hỏa lực đối phương, mới giấu được ý định của mình để tạo ra những bất ngờ, đột xuất ngoài dự liệu của kẻ địch...
Vì vậy, khi hoạt động ban đêm có một yêu cầu đặt ra đối với các phương tiện chiến đấu nói chung và xe tăng, thiết giáp nói riêng là không được để lộ ánh sáng - đó là thứ dễ bị đối phương phát hiện nhất.
Đối với các xe tăng thế hệ đầu tiên thì yêu cầu này thường được đáp ứng bằng cách sử dụng “đèn gầm” - một thứ đèn bị che chắn chỉ chiếu sáng rất gần và với một diện tích rất hẹp ngay trước mũi xe.
Tuy nhiên, điều đó chưa làm hài lòng các nhà chỉ huy vì ít nhiều vẫn còn tạo ra ánh sáng.
Cùng với sự tiến bộ khoa học công nghệ, trên các xe tăng chế tạo từ thập niên 60 thế kỷ XX đã bắt đầu được trang bị kính lái đêm cho lái xe.
Nhờ có kính này, các lái xe sẽ điều khiển được xe mà không cần bật đèn pha (thực ra vẫn phải bật đèn pha nhưng là đèn pha hồng ngoại, kính của đèn pha này có màu đen nên ngăn ánh sáng nhìn thấy lại và chỉ cho ánh sáng hông ngoại đi qua).
Bình thường, kính lái đêm được bảo quản riêng trong một hộp kín ngay gần vị trí lái xe. Chỉ khi sử dụng mới đem ra lắp vào vị trí của kính tiềm vọng chính của lái xe.
Trường hợp lái hành quân hoặc công tác được mở cửa, thò đầu thì lắp vào một giá kính riêng rồi gá vào cửa lái xe. Kính lái đêm thế hệ này là loại khí tài hồng ngoại chủ động.

Một chiếc xe tăng của Ấn Độ hoạt động trong điều kiện ánh sáng hạn chế.
Một chiếc xe tăng của Ấn Độ hoạt động trong điều kiện ánh sáng hạn chế.
Nghĩa là, ánh sáng hồng ngoại từ đèn pha hồng ngoại sẽ được chiếu vào các vật thể xung quanh rồi phản xạ trở lại kính quan sát, sau đó được biến đổi thành ánh sáng nhìn thấy trong thị kính của lái xe giúp có thể quan sát được đường sá và cảnh vật xung quanh.
Bộ phận trung tâm của thiết bị này là “bộ biến đổi điện - quang” có tác dụng biến đổi ánh sáng hồng ngoại thành ánh sáng nhìn thấy.
Đó là một ống hình trụ, một đầu là ka-tốt được làm bằng vật liệu nhạy cảm với ánh sáng hồng ngoại, khi bị tia hồng ngoại chiếu vào thì sẽ làm bắn ra các electron. Đầu kia là a-nôt là một màn huỳnh quang và sẽ phát sáng khi bị các electron bắn vào.
Giữa ka-tốt và a-nốt là một điện áp cao khoảng 18- 20kV và bị ngăn bởi một màn chắn có một lỗ nhỏ ở tâm với mục đích hội tụ dòng electron.
Khi ánh sáng hồng ngoại phản xạ từ các vật thể chiếu vào ka-tốt sẽ làm các electron ở đây bị bứt ra, dưới tác dụng của điện trường mạnh các electron này sẽ lao về phía a-nôt với một vận tốc rất lớn.
Sự va đập này làm màn huỳnh quang phát sáng phát ra ảnh của vật thể đó bằng ánh sáng nhìn thấy.
Tất nhiên, so với hình ảnh quan sát trong điều kiện chiếu sáng bình thường thì không rõ nét và màu sắc cũng không rõ bằng song cũng đủ cho lái xe quan sát được địa hình và đường sá.

Một chiếc xe tăng T-72 qua kính nhìn đêm.
Một chiếc xe tăng T-72 qua kính nhìn đêm.
... đến trang bị ngày càng hiện đại
Cùng với thời gian, người ta tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng cho kính lái đêm của lái xe tăng - thiết giáp theo hướng hiện đại hơn, quan sát rõ nét hơn... như áp dụng công nghệ “khuyếch đại ánh sáng mờ” và mới nhất là “công nghệ ảnh nhiệt”.
Công nghệ “khuếch đại ánh sáng mờ” về cơ bản cũng có nguyên lý như công nghệ của thiết bị hồng ngoại nhưng là hồng ngoại “thụ động” - nghĩa là không cần nguồn phát ra tia hồng ngoại nữa.
Sử dụng những vật liệu rất nhạy chế tạo ka-tốt nên chỉ cần được chiếu sáng bởi ánh sáng rất yếu như ánh sáng sao, ánh nến, ánh pháo sáng ở xa... chúng cũng sẽ phát xạ electron và được biến đổi, khuếch đại thành sánh sáng trông thấy.
Với công nghệ này thì sẽ không cần các đèn pha hồng ngoại để chiếu sáng nữa.
Còn công nghệ ảnh nhiệt thì dựa vào nhiệt độ của các vật thể so với nền nhiệt độ môi trường để cung cấp một bức tranh tổng thể về địa hình, địa vật và đường sá cho người lái xe trên màn hình.
Nó giúp cho lái xe quan sát được rộng hơn, tổng quát hơn mà không phải luôn luôn áp sát mắt vào ống kính.
Tuy nhiên, so với thiết bị nhìn đêm hồng ngoại chủ động thì các thiết bị nhìn đêm theo công nghệ “khuếch đại ánh sáng mờ” và công nghệ “ảnh nhiệt” có giá thành cao hơn khá nhiều.
Ngoài ra, do yêu cầu quan sát ở khoảng cách không xa lắm - thường là vài chục mét trở lại nên mặc dù đã khá lạc hậu song các kính lái đêm hồng ngoại theo nguyên lý chủ động vẫn được sử dụng cho đến tận bây giờ.
Nhưng dù là theo công nghệ gì thì chất lượng hình ảnh của các thiết bị nhìn đêm kể trên so với hình ảnh nhìn bằng mắt thường vào ban ngày hoặc được chiếu sáng rõ đều có sự khác biệt lớn cả về độ rõ nét và màu sắc.
Vì vậy, trước khi sử dụng để thực hành lái xe ban đêm cần phải cho người học làm quen với khí tài, tập quan sát nhận dạng vật thể trên các loại địa hình khác nhau... nhiều lần.
Còn trong quá trình lái cần phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định bảo đảm an toàn, yêu cầu phải nhìn rõ đường mới đi. Trong trường hợp còn nghi ngờ phải dừng xe xuống kiểm tra, đảm bảo an toàn mới tiếp tục đi.
Nguồn: http://soha.vn/quan-su/dai-ta-xe-tang-viet-nam-chay-dem-chang-can-bat-den-20160314114351308.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét