Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 19


          Nhận được điện báo từ tiền phương về: “các đơn vị đã hành quân vào vị trí tập kết” quyền tư lệnh Đào cũng chuẩn bị khăn gói sẵn sàng lên đường. Hôm 23 tháng Chạp vừa rồi ông đã tranh thủ ghé qua nhà. Bà Hạnh thấy ông về thì mừng lắm vì chắc mẩm mới vừa ốm dậy ông sẽ được nghỉ ở nhà ăn Tết. Thấy thái độ vợ như vậy ông không nỡ thông báo ngay, chỉ bảo lái xe mang ít hàng Tết vào rồi đi đâu đó đến chiều quay lại đón. Buổi trưa ông bảo vợ sắm sửa mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo cẩn thận. Bà Hạnh vui lắm vì chưa khi nào ông để ý gì đến tết nhất ở cái nhà này cả. Đợi đến cuối giờ chiều ông mới bảo nhỏ bà:
          - Tôi về ăn Tết với bà và các con rồi phải đi công tác ngay.
          Bà Hạnh xịu ngay mặt xuống:
          - Công tác gì thì cũng phải nghỉ ngơi, tết nhất chứ!
          Ông nở một nụ cười hiếm hoi nhưng rồi nghiêm mặt lại ngay:
          - Cái bà này hay nhỉ! Còn thằng Mỹ thì đừng nói gì đến chuyện nghỉ ngơi, tết nhất được- Nhưng rồi nhìn nét mặt buồn bã của vợ ông dịu giọng- Thôi, bà ạ! Tôi cũng muốn nghỉ ngơi lắm chứ nhưng anh em ở trong kia đang cần mình vào.
          Bà cố giấu giọt nước mắt:
          - Thế ông lại đi chiến trường à?
          Ông gật đầu cười:
          - Bộ đội không ở chiến trường thì ở đâu?
          Nhưng rồi mọi công tác chuẩn bị của ông trở nên thừa. Bộ đã có một quyết định bất ngờ: “điều động đại tá Nguyễn Thế Lân, nguyên tư lệnh binh chủng Pháo binh về làm tư lệnh binh chủng Thiết giáp và sẽ vào Bộ tư lệnh tiền phương ngay sau Tết. Đồng chí Vũ Huy Đào tiếp tục giữ chức vụ phó tư lệnh binh chủng”.
          Đọc lướt qua tờ quyết định của Bộ gửi xuống quyền tư lệnh Đào bỗng thấy sây xẩm mặt mày, con mắt giả của ông giật giật liên hồi. Cái đầu ông từ ngày bị thương mỗi khi gặp chuyện bất ngờ lại trở chứng như vậy. Ngồi yên lặng mấy phút cho tĩnh tâm trở lại ông chợt thấy một nỗi buồn vô hạn đang từ từ dâng lên trong lòng. Ông không buồn vì từ nay ông không còn được là người đứng đầu binh chủng nữa. Chuyện đó đối với ông là quá bình thường. Kể cả Bộ có quyết định bổ nhiệm bất cứ ai trong số thủ trưởng phòng tham mưu binh chủng lên làm tư lệnh ông cũng không phản đối. Bởi vì ông biết tất cả họ đều được đào tạo chính quy, bài bản từ nước ngoài về xe tăng và đều đã trải qua trận mạc. Mấy năm qua ít nhiều họ cũng đã tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết đủ để hoàn thành nhiệm vụ. Đằng này lại đi đưa một người chẳng biết tý gì về chuyên môn tăng thiết giáp về làm người đứng đầu một binh chủng hiện đại và mới mẻ nhất của quân đội thì thật trớ trêu làm sao! Lại đúng vào lúc chiến dịch sắp bắt đầu. Ông ngao ngán than thầm: “thiết giáp hết người rồi sao mà phải làm thế các thủ trưởng ơi!”.
          Càng ngồi lâu nỗi buồn càng thấm thía, nó cứ từ từ ngấm dần vào tận từng tế bào trong cái đầu đang nhoi nhói đau của ông. Như thế có nghĩa là mình chưa được cấp trên hoàn toàn tin tưởng. Mà không phải chỉ có mình mình, các anh em khác hay nói rộng ra là cả cái binh chủng này vẫn chưa chiếm được lòng tin của cấp trên chăng? Mà có lẽ thế thật, mới đánh có một hai trận thì chưa nói lên điều gì cả. Chính vì vậy ông rất kỳ vọng vào Đông- Xuân này, đưa ba tiểu đoàn với gần trăm “voi thép” vào trận. Nếu thắng lợi giòn giã có thể sẽ là một cú “hích” để mọi người có dịp nhìn nhận cho chính xác sức mạnh của cái binh chủng còn mới mẻ này. Thế mà nay lại “thay ngựa giữa dòng”. Liệu rồi có nên cơm, nên cháo gì không?
          Trời đã ngả về chiều, những cơn gió mùa đông bắc dường như mạnh hơn làm lòng ông thêm tê tái. Cầm tờ quyết định ông cúi đầu bước từng bước dài sang nhà chính ủy Ngọc. Chẳng nói chẳng rằng ông đặt tờ quyết định xuống trước mặt chính ủy Ngọc rồi quay ra ngay mặc cho ông Ngọc nhiệt tình mời vào uống nước.
          Hơi ngạc nhiên trước thái độ của người đồng sự, chính ủy Ngọc vội cầm tờ giấy lên. Đọc qua một lần, như chưa tin vào mắt mình ông đọc lại thật chậm một lần nữa rồi buông tờ quyết định xuống. Một cơn gió mạnh ập vào thổi bay tờ giấy vào góc nhà ông cũng mặc mà cứ ngồi bần thần suy nghĩ. Ông đã hiểu ra nguyên nhân dẫn đến chuyện ông Đào có thái độ như vừa rồi: “đúng là anh ấy bị sốc, mà sốc là phải”. Mặc dù không được đào tạo bài bản, chuyên sâu về tăng thiết giáp nhưng về binh chủng này công tác đã bốn năm nay, ông hiểu những yêu cầu cần phải có đối với những cán bộ chỉ huy xe tăng, những cái đó không phải ngày một ngày hai mà có được. Vậy mà cấp trên lại quyết định như thế này! Giá như trên ấy tham khảo ý kiến binh chủng một chút thì tốt hơn biết bao.   
         
             ***

          Quyết định điều động này không chỉ bất ngờ đối với Bộ tư lệnh thiết giáp mà còn bất ngờ với cả đại tá Lân- người được điều động. Nói cho công bằng ông Lân cũng không muốn về Thiết giáp. Gì thì gì chứ đang là tư lệnh một binh chủng có bề dày truyền thống mấy chục năm, đã lập công ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp. Lực lượng thì bề thế với hàng chục trung, lữ đoàn rải khắp các mặt trận nay lại phải về nhận công tác ở một binh chủng bé tẹo teo độc có hai trung đoàn. Đã thế lại vừa mới được thành lập chưa được chục năm, kỳ cạch mãi mới tham gia chiến đấu được một hai trận thì chẳng ai muốn. Vì vậy khi được Bộ gọi lên hỏi ý kiến ông đã trả lời một cách khéo léo:
          - Báo cáo các đồng chí! Bản thân tôi luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ trên giao. Tuy nhiên cũng đề nghị các đồng chí nghiên cứu lại, giữa thiết giáp với pháo binh có rất nhiều điểm khác biệt. Bản thân tôi lại chưa từng được học tập, nghiên cứu về thiết giáp mà nay về đó công tác chắc sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy nếu có thể thì xin Bộ cho tôi tiếp tục công việc của mình. Hoặc nếu không thì có thể cho tôi đi bất cứ chiến trường nào cũng được- Ông nói vậy vì ai cũng biết trước khi về pháo binh ông đã từng là tư lệnh một mặt trận trong chiến trường.
          Tuy nhiên, tham khảo cũng chỉ để mà tham khảo. Vị đại diện Bộ Quốc phòng nhỏ nhẹ trả lời ông:
          - Chúng tôi cũng biết vậy nhưng đó cũng là điều bình thường. Có ai sinh ra đã biết tất cả mọi thứ đâu. Đồng chí cứ về đó rồi tìm hiểu dần dần. Mà hiện nay thiết giáp đang rất thiếu người. Đồng chí Đào thì bị thương chưa khỏi hẳn. Đồng chí Dương tham mưu trưởng cũng vừa mới ra viện sau khi cắt túi mật. Tiền phương trong kia phải giao cho chủ nhiệm chính trị và tham mưu phó cáng đáng. Vì vậy Bộ mới quyết định điều đồng chí về đấy chứ.
          Ông Lân hơi ngao ngán: chiến dịch nổ ra đến nơi rồi, chắc chắn về một cái là ông sẽ vào chiến trường ngay thì tìm hiểu với học hỏi cái nỗi gì. Nhưng phẩm chất người lính được tôi luyện suốt hơn hai chục năm đã giục ông trả lời rất cứng cỏi:
          - Nếu Bộ đã quyết định như vậy thì tôi xin chấp hành- Nhận thấy không khí có gì đó hơi căng thẳng ông pha trò- Cảm ơn các thủ trưởng đã cho tôi cái vinh dự này: ở đời mấy ai mà được làm tư lệnh hai binh chủng hiện đại của quân đội là pháo binh và thiết giáp như tôi.
          Câu pha trò có hiệu quả tức thì, một vị tướng đến gần ông vỗ vai vừa cười vừa nói:
          - Khá lắm! Mà xe tăng thì cũng là khẩu pháo đặt trên cái xe xích thôi chứ có gì đâu, phải không?
          Ông cũng đành phải cười trừ công nhận:
          - Vâng ạ!
          Nói thì nói vậy nhưng trong lòng ông cũng không thấy vui vẻ gì. Ngoài cái chuyện chuyên môn ông biết chắc chắn rằng việc mình về đấy sẽ làm mếch lòng những cán bộ chỉ huy đương nhiệm của thiết giáp. Dù sao người ta cũng đã đóng góp công lao xây dựng binh chủng từ ngày thành lập đến nay, giờ mình lại từ đâu đó “nhảy dù” về thì cũng khó coi thật. Nhưng mệnh lệnh vẫn là mệnh lệnh và dù muốn hay không ông vẫn phải về đó.

            ***

          Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa vị tư lệnh mới với các đồng sự cũ ở Bộ tư lệnh Thiết giáp mang nặng tính xã giao và thủ tục. Sau khi chính ủy Ngọc giới thiệu tư lệnh Nguyễn Thế Lân với đại diện các cơ quan và ngược lại ông Lân đứng lên trịnh trọng:
          - Thưa toàn thể các đồng chí! Mặc dù được cấp trên cử về đây công tác nhưng bản thân tôi chưa được đào tạo gì về chuyên môn tăng thiết giáp. Vì vậy rất mong các đồng chí tạo điều kiện giúp đỡ để tôi hoàn thành nhiệm vụ.
          Chính ủy Ngọc cũng đứng dạy điềm đạm:
          - Anh cứ yên tâm! Anh có hoàn thành nhiệm vụ thì binh chủng, trong đó có cả chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ- Ông cười cười thân mật- Thì cũng như tôi đây này, hồi mới về có biết gì đâu nhưng đến nay thì lái cũng được rồi, bắn cũng được rồi, sử dụng đài, chỉ huy xe cũng được. Còn bây giờ mời anh Dương tham mưu trưởng báo cáo sơ lược tình hình binh chủng cho đồng chí tư lệnh.
          Tham mưu trưởng Dương đứng dạy, sau khi lướt qua một lượt tình hình quân số, trang bị và vị trí đứng chân của các trung đoàn ông nhấn mạnh:
          - Điểm đáng chú ý nhất vào thời điểm hiện nay là binh chủng hiện có ba tiểu đoàn đang có mặt tại khu vực đường Chín. Đây là lần ra quân lớn nhất của binh chủng từ trước đến nay. Hiện nay binh chủng đã thành lập một Bộ tư lệnh tiền phương trong đó do đồng chí chủ nhiệm chính trị Đào Xuân Thu và đồng chí tham mưu phó Lê Xuân Kiệm phụ trách. Theo tin chúng tôi mới nhận được thì các đơn vị đã hành quân vào đến vị trí tập kết sẵn sàng đánh địch. Báo cáo hết!
          Đại tá Lân đứng dạy, ông tỏ rõ là người đứng đầu binh chủng:
          - Xin cảm ơn các đồng chí đã cho biết tình hình binh chủng. Theo tôi hiện nay điểm nóng nhất vẫn là ba đơn vị đang có mặt tại chiến trường. Vì vậy tôi quyết định thế này: ngay ngày mai tôi sẽ vào trong đó nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Mọi công việc ngoài này do đồng chí Ngọc và đồng chí Đào giải quyết. Đề nghị các cơ quan xem xét xem có cần đưa thêm người vào trong đó thì đi cùng với tôi.
          Có vẻ như không ai có ý kiến gì vì thông báo của Bộ cũng đã cho biết như vậy. Chính ủy Ngọc nói thêm:
          - Báo cáo anh Lân! Hiện tại các cơ quan Bộ tư lệnh đã cử đủ người vào trong ấy rồi. Ngoài ra còn sở chỉ huy nhẹ của hai trung đoàn nữa, mà thực ra lực lượng ngoài này cũng còn rất mỏng nên chắc sẽ chỉ có một sĩ quan tác huấn đi cùng anh mà thôi.
          Tư lệnh Nguyễn Thế Lân gật đầu:
          - Thế cũng được! Bây giờ mời các đồng chí nghỉ!
          Từ đầu đến cuối buổi gặp mặt phó tư lệnh Đào ngồi im như một pho tượng, gương mặt vừa nghiêm nghị, vừa lạnh băng không tỏ bất cứ thái độ gì.

              ***

          Người được cử đi cùng tư lệnh Nguyễn Thế Lân vào chiến trường là đại úy Phùng, trợ lý tác huấn của Phòng Tham mưu. Vốn được đào tạo từ nước ngoài về, lại đã trải qua các cương vị chỉ huy đơn vị rồi mới về cơ quan nên Phùng tỏ ra nắm khá vững về chuyên môn cũng như kinh nghiệm xử trí các tình huống trên đường. Không những thế hình như anh còn là người rất khéo nói chuyện.
          Xe ra khỏi cơ quan được vài cây số thì hai thày trò đã biết rõ gia cảnh của nhau và trở nên thân mật. Như là vô tình tư lệnh Lân hỏi Phùng:
          - Này, cậu có thấy ông Đào ông ấy có ác cảm với tớ không?
          Vẫn giữ vẻ mặt bình thản Phùng trả lời chậm rãi:
          - Báo cáo thủ trưởng! Tôi không biết thủ trưởng Đào và thủ trưởng đã nói chuyện gì với nhau và nói chuyện như thế nào nên cũng không dám có ý kiến. Còn nếu chỉ xét về bề ngoài lạnh nhạt thì cũng xin nói thực với thủ trưởng là với ai thủ trưởng Đào cũng thế mà thôi.
          Ông Lân tỏ ra không tin:
          - Tớ không tin với ai ông ấy cũng như vậy!
          Phùng mỉm cười:
          - Thủ trưởng tin hay không thì tùy. Còn anh em chúng tôi thì chỉ biết vậy. Ngay cả với chúng tôi là những người đã cùng đi học nước ngoài về, lại gắn bó với “cụ ấy” hàng chục năm nay mà lúc nào “cụ ấy” cũng khó đăm đăm và khô như ngói ấy, sơ xuất một tý là ăn “quạt” ngay.
          Ông Lân lắc đầu:
          - Chắc là với cấp dưới thì thế thôi.
          Phùng cười:
          - Không phải chỉ với cấp dưới đâu thủ trưởng ạ! Tôi đã từng chứng kiến có lần “cụ ấy” quay đi không bắt tay một thủ trưởng cấp trên vì đã nói không đúng sự thật về binh chủng đấy.
          Ông Lân ngồi lặng im hình dung lại khuôn mặt người có thể nói sẽ là cộng sự  gần gũi nhất với mình mà hơi ngần ngại, không hiểu rồi đây hai người làm việc thế nào. Dường như đoán được ý nghĩ của thủ trưởng Phùng nói thêm:
          - Báo cáo thủ trưởng! Nói cho công bằng thì thủ trưởng Đào là con người của công việc, lúc nào cũng chỉ công việc mà thôi. Vì vậy với bọn tôi thì cứ làm tốt công việc sẽ “dễ thở” ngay.
          Trầm ngâm một lúc tư lệnh Lân đột ngột chuyển đề tài câu chuyện:
          - Theo cậu xe tăng với pháo binh thì giống nhau cái gì và khác nhau cái gì?
          Phùng trả lời một cách cực kỳ nghiêm chỉnh:
          - Thủ trưởng hỏi thế thì hơi khó với tôi vì tôi có biết gì về pháo binh đâu mà trả lời.
          Ông Lân cười một cách độ lượng:
          - Chắc cậu cũng phải biết ít nhiều chứ? Thôi, biết thế nào thì trả lời thế vậy!
          Suy nghĩ một lúc Phùng mới thận trọng:
          - Thực ra đã đi học ở các nhà trường quân sự thì ai cũng biết ít nhiều về pháo binh vì đó là một bộ phận rất quan trọng và có thể nói là không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại. Nhưng đó chỉ là những kiến thức chung chung dành cho một sĩ quan binh chủng hợp thành mà thôi. Tuy nhiên bằng định tính cũng có thể thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa hai binh chủng này.
          Ông Lân gật đầu:
          - Cậu nói đi xem nó giống nhau và khác nhau thế nào!
          Biết rằng không trả lời không được Phùng đành dè dặt:
          - Tôi cho rằng nhìn bề ngoài thì hai binh chủng khá giống nhau vì vũ khí chính để tác chiến là khẩu pháo. Thậm chí tôi còn được nghe một thủ trưởng cấp trên nói: “xe tăng chẳng qua là khẩu pháo đặt trên cái xe xích mà thôi”. Nhưng thực ra không phải như vậy, đi sâu vào bên trong thì mới thấy sự khác nhau rất lớn cả về kỹ thuật và chiến thuật.
          Ông Lân trầm ngâm nhớ lại câu nói của vị tướng hôm Bộ giao nhiệm vụ cho mình, thì ra câu nói đó đã đến tai những người lính ở binh chủng này và hình như họ không đồng tình cho lắm thì phải. Có lẽ đây là cơ hội đầu tiên để ông tìm hiểu kỹ hơn về chuyên môn chăng. Nghĩ vậy ông khuyến khích:
          - Cậu nói cụ thể hơn đi!
          Đắn đo một lát Phùng mới trả lời:
          - Nếu nói về kỹ thuật theo tôi điểm khác nhau cơ bản là kiểu bắn chủ yếu của hai binh chủng. Nếu ở pháo binh chủ yếu là bắn gián tiếp thì ở xe tăng chủ yếu là bắn trực tiếp. Mục tiêu của pháo binh là mục tiêu diện, chỉ cần bắn trúng vào một diện tích nào đó là được. Còn mục tiêu của xe tăng là mục tiêu điểm, thậm chí còn phải ngắm vào chỗ hiểm yếu của chúng mà bắn. Về quyết định phần tử bắn cũng rất khác nhau, ở bên pháo binh có bộ phận kế toán tính toán sẵn phần tử, đến lượt khẩu đội chỉ việc thực hiện theo. Còn ở xe tăng việc quyết định phần tử bắn là do pháo thủ quyết định dựa trên những dữ liệu do trưởng xe cung cấp hoặc do anh ta đo đoán được, rồi chính anh ta sẽ lắp lên thước ngắm và điều khiển pháo vào mục tiêu, tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài giây. Chính vì vậy về cấu tạo của hệ thống điều khiển hỏa lực cũng khác nhau, bên pháo binh là vạch số hướng và bọt nước tầm, còn ở xe tăng bắt buộc phải có kính ngắm, cơ cấu tầm hướng cũng khác nhau, tất cả chỉ do một người điều khiển.
          Tư lệnh Lân ngắt lời Phùng:
          - Vậy xe tăng không bắn dược gián tiếp à?
          Phùng mỉm cười:
          - Có chứ ạ! Về mặt kỹ thuật xe tăng hoàn toàn có thể bắn gián tiếp như pháo binh vì trên xe cũng có vạch khấc hướng hoặc đồng hồ độ hướng và bọt nước tầm. Các cán bộ chỉ huy từ trung đội trưởng trở lên đều có thể tính toán phần tử bắn dựa vào tọa đội mục tiêu và bảng bắn. Tuy nhiên trong thực tế sử dụng xe tăng hầu như chưa có trận nào người ta sử dụng kiểu bắn này vì nó không thật chính xác và cũng không phù hợp với tính chất chiến đấu của xe tăng- Ngừng lại một lát như thăm dò không thấy ông Lân nói gì Phùng lại tiếp- Ngoài ra ở xe tăng còn một kiểu bắn nữa mà chắc là pháo binh không có là bắn nửa trực tiếp.
          Ông Lân hơi ngạc nhiên:
          - Nửa trực tiếp! Thế là thế nào?
          Phùng rành rẽ:
          - Nói một cách dễ hiểu thì như thế này: trên các xe tăng đều trang bị kính ngắm để ngắm bắn trực tiếp. Nhưng để bắn được trực tiếp thì phải có điều kiện. Điều kiện cần là phải nhìn thấy mục tiêu. Còn điều kiện đủ là khoảng cách đến mục tiêu phải nằm trong phạm vi thước ngắm đã lập sẵn trong kính. Nhưng có những trường hợp nhìn thấy được mục tiêu nhưng mục tiêu lại nằm ở khoảng cách lớn hơn thước ngắm thì chúng tôi vẫn có thể bắn được, bằng cách dùng kính ngắm vào mục tiêu, rồi tính toán phần tử bắn về tầm và sử dụng bọt nước tầm để bắn.
          Tư lệnh Lân gật gù:
          - Hay nhỉ! Thế ra cái sự bắn của xe tăng cũng phức tạp ra phết nhỉ!
          Phùng cười:
          - Dạ! Đúng thế! Ngay trong kiểu bắn trực tiếp cũng có đến bốn phương pháp bắn đấy thủ trưởng ạ!
          Ông Lân hơi ngơ ngác:
          - Bốn phương pháp? Cậu nói cụ thể hơn xem nào!
          Phùng chậm rãi:
          - Báo cáo thủ trưởng! Bốn phương pháp bắn đó là: tại chỗ bắn, dừng bắn, tạm dừng bắn và hành tiến bắn. Tùy theo tình hình cụ thể người chỉ huy sẽ lựa chọn một trong bốn phương pháp trên để diệt mục tiêu.
          Ông Lân sốt ruột:
          - Cậu giải thích cụ thể từng phương pháp bắn xem nào!
          Phùng dừng lại một lát như để sắp xếp lại các ý nghĩ rồi mới tiếp tục:
          - Vâng ạ! Tại chỗ bắn là phương pháp xe dừng tại chỗ bắn hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Phương pháp này có ưu điểm là xác suất trúng đích cao nhưng nhược điểm của nó là xe tăng nằm tại chỗ nên cũng dễ bị địch bắn trả. Dừng bắn thì cơ động hơn một chút, nghĩa là xe tăng đang chạy dừng lại bắn một số phát cho đến khi diệt một mục tiêu lại tiếp tục cơ động. Ưu nhược điểm của phương pháp này cũng tương tự như phương pháp trên nên thường sử dụng trong trường hợp phòng ngự hoặc nơi có địa hình phức tạp, có thể lợi dụng được sự che chắn của địa vật- Thấy ông Lân vẫn lắng nghe rất chăm chú Phùng tiếp- Còn tạm dừng bắn là phương pháp xe đang chạy, phát hiện được mục tiêu. Kíp xe tiến hành mọi công tác chuẩn bị bắn trong khi xe vẫn chạy, chỉ đến khi pháo thủ ngắm sơ bộ vào mục tiêu rồi mới lệnh cho lái xe dừng. Xe vừa dừng lại pháo thủ sẽ chỉnh đường ngắm cho chính xác rồi bóp cò. Khi đạn vừa nổ lái xe lập tức cho xe tiến. Mỗi lần tạm dừng như vậy không được quá 10 giây, sau vài lần tạm dừng có thể tiêu diệt một mục tiêu. Phương pháp thứ tư là hành tiến bắn, nghĩa là toàn bộ quá trình bắn được thực hiện khi xe đang chạy.
          Ông Lân lẩm bẩm:
          - Vừa chạy vừa bắn á? Thế thì có mà “bắn chim”!
          Phùng lắc đầu:
          - Không hẳn thế đâu ạ! Đúng là những loại xe cũ thì khi hành tiến bắn thường độ chính xác rất thấp. Tuy nhiên những loại xe mới có lắp hệ thống ổn định pháo thì xác suất trúng đích được nâng lên khá nhiều.
          Ông Lân nhướng mắt lên:
          - Ổn định pháo là cái gì?
          Phùng cười:
          - Báo cáo thủ trưởng! Bây giờ mà giải thích thật cặn kẽ thì hơi khó nhưng nói nôm na là thế này: đó là một hệ thống cho phép giữ cho nòng pháo luôn luôn song song với phương ban đầu. Nghĩa là thủ trưởng ngắm vào mục tiêu rồi thì dù xe chạy theo hướng nào, lên xuống ra sao pháo vẫn luôn hướng vào mục tiêu đó. Tất nhiên không được một trăm phần trăm nhưng cũng tương đối chính xác, pháo thủ chỉ phải chọn thời cơ thích hợp nhất để bóp cò thôi.
          Tư lệnh Lân gật gù:
          - Hay nhỉ! Thế loại xe nào thì có thiết bị này?
          Phùng tươi tỉnh:
          - Báo cáo thủ trưởng! Hiện ta mới có xe T54 là lắp thiết bị này- Liếc nhìn người chỉ huy của mình không thấy biểu hiện gì anh nói thêm- Trong số 3 tiểu đoàn đang ở chiến trường thì tiểu đoàn 297 là đơn vị trang bị toàn xe T54 thủ trưởng ạ!
          Tư lệnh Lân trở nên trầm ngâm, Phùng cũng im lặng. Mãi một lúc sau ông Lân mới lên tiếng:
          - Đó mới là sự khác nhau về kỹ thuật bắn. Bây giờ cậu nói thêm sự khác nhau về chiến thuật xem nào.
          Phùng ngẫm nghĩ một lát rồi dè dặt:
          - Tôi nghĩ rằng sự khác nhau về chiến thuật giữa pháo binh và xe tăng chủ yếu xuất phát từ nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Một bên có nhiệm vụ chi viện, yểm trợ. Một bên là tham gia vào lực lượng đột kích. Một bên đánh địch ở cách xa hàng chục cây số, một bên thì trực tiếp tiếp xúc với địch. Một bên thì mang tính độc lập cao, còn một bên thì gắn bó chặt chẽ với bộ binh và binh chủng hợp thành. Điều đó sẽ kéo theo hàng loạt sự khác nhau. Ví dụ như: khi trinh sát mục tiêu bên pháo binh chỉ quan tâm đến tọa độ của nó trên bản đồ thì xe tăng lại phải mắt thấy, tay sờ gần như bộ binh. Khi tác chiến thì một đằng bắn mà không hề nhìn thấy mục tiêu, còn một bên thì phải ngắm nghía chính xác. Về cơ động thì bên pháo binh không cần quan tâm đến đường đi lối lại trong cứ điểm địch còn xe tăng nếu không nắm được cái đó thì gay to.
          Ông Lân gật gù ra vẻ đồng ý:
          - Quả thật giữa hai binh chủng có rất nhiều điểm khác nhau, rồi tớ sẽ phải tiếp tục tìm hiểu- Ông quay lại nhìn thẳng vào mắt người trợ lý- Cậu cũng khá uyên bác đấy nhỉ!
          Phùng lắc đầu ngượng ngùng:
          - Báo cáo thủ trưởng! Có gì đâu ạ! Tôi cũng như các anh em khác thôi ạ!
          Ông Lân quay lên và nhắm nghiền hai mắt như người buồn ngủ. Thực ra không phải vậy. Ông đang ngẫm nghĩ và tự nhủ: “có lẽ mình sẽ phải học hỏi nhiều mới có thể làm chủ được những cái xe tăng và chỉ huy được những con người như thế này”.

           ***

          Mất gần ba ngày đêm hai thày trò đại tá Lân mới tới sở chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh thiết giáp. Lúc này chiến dịch đã bắt đầu, quân ngụy đã vượt biên giới tiến vào đất Lào được mấy ngày và đã chiếm được Bản Đông cùng một số căn cứ hỏa lực phía bắc và phía nam đường Chín. Mặc dù nằm khá xa khu vực chiến sự nhưng ở đây vẫn nghe thấy những loạt tiếng nổ ì ầm nối nhau không dứt. Trên trời những vệt khói B52 ngang dọc đan chéo nhau đang tan loãng ra theo gió chứng tỏ cường độ sử dụng của chúng rất cao. Về phía ta mới chỉ có một số đơn vị thực hiện nhiệm vụ đánh nhỏ, lẻ để ngăn chặn đà tiến quân của địch.Một số khác dùng hỏa lực phòng không để tiêu diệt máy bay lên thẳng, còn lại chủ yếu là cơ động lực lượng để đợi thời cơ phản công quân địch. Xe tăng vì vậy vẫn chưa được dùng đến.
          Vì tham mưu phó Kiệm đang đi nắm tình hình các đơn vị nên chủ nhiệm chính trị Thu thay mặt tiền phương báo cáo tình hình với tư lệnh mới:
          - Báo cáo đồng chí tư lệnh! Chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh 702, ba tiểu đoàn xe tăng của ta đã được cử đi phối thuộc cho ba sư đoàn bộ binh của B70 và hiện đã cơ động đến vị trí tập kết quy định. Cụ thể như sau- Ông dùng cái bút chỉ vào từng điểm trên tấm bản đồ đang treo trên vách hầm- Tiểu đoàn 198 và tiểu đoàn 297 tập kết ở khu vực bắc Bản Đông, còn tiểu đoàn 397 thì tập kết ở bắc Sê Pôn để “đón lõng” địch khi chúng tiến được đến đây. Do có thời gian nên anh em cũng đã trinh sát nắm tương đối vững địa hình khu vực tác chiến. Về tình hình tư tưởng bộ đội cũng như trang bị vũ khí đều tốt, sẵn sàng bước vào chiến đấu.
          Tư lệnh Lân ghé sát vào tấm bản đồ chăm chú nhìn vào các vị trí đã được đánh dấu của ba đơn vị, lát sau ông hỏi nhỏ:
          - Tôi muốn biết về tổ chức chỉ huy các đơn vị này bây giờ như thế nào?
          Chủ nhiệm chính trị Thu mở cuốn sổ tay ra, ông nheo nheo mắt trả lời:
          - Báo cáo anh! Về nguyên tắc bây giờ các tiểu đoàn xe tăng sẽ thuộc quyền chỉ huy của các sư đoàn bộ binh. Để tham mưu cho người chỉ huy binh chủng hợp thành về sử dụng xe tăng chúng tôi đã phái cử các trợ lý xuống từng đơn vị. Cụ thể như sau: ở Bộ tư lệnh B70 có các anh Phúc, anh Quang và anh Mạnh là cán bộ của Phòng tham mưu binh chủng. Còn ở các sư đoàn, trung đoàn bộ binh thì có cán bộ của các trung đoàn H02 và H03.
          Tư lệnh Lân nhướng cặp mắt lên:
          - Như vậy thì ở cơ quan này còn có mấy người thôi à?
          Chủ nhiệm chính trị Thu gật đầu xác nhận:
          - Dạ! Đúng vậy ạ!
          Tư lệnh Lân gật đầu ra vẻ đã nắm được tình hình, ông dõng dạc:
          - Theo tôi chiến dịch sắp đi vào giai đoạn quyết định nên sẽ diễn biến rất nhanh. Vì vậy để nắm tình hình nhanh hơn, chắc hơn và tham mưu cho cấp trên sát hơn tôi đề nghị sẽ chuyển tiền phương của ta vào như một bộ phận của 702. Việc đó hoàn tất trong ngày hôm nay. Còn ngày mai tôi muốn xuống thăm anh em, đồng thời cũng nắm tình hình chuẩn bị chiến đấu ở các đơn vị.
          Chủ nhiệm chính trị Thu hơi bất ngờ trước các quyết định của vị tư lệnh mới nhưng trong thâm tâm ông phải công nhận đó là những quyết định đúng, chứng tỏ người ra lệnh là một người rất thực tiễn và có kinh nghiệm chiến trường. Vì vậy ông vui vẻ:

          - Chúng tôi xin thực hiện ngay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét