Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 15


          Cái Tết năm nay của nhà bà Hạnh có phần vui vẻ hơn mọi năm. Sự vắng mặt của ông Đào trong những ngày Tết đã trở thành bình thường. Thì từ khi lấy nhau đến nay đã hơn hai chục năm nay ông cũng mới có hai lần ăn Tết ở nhà cùng vợ con, còn lại cứ biền biệt suốt. Hết chín năm kháng chiến chống Pháp đến ba năm đi học nước ngoài, về nước được hai năm thì lại xảy ra chiến tranh phá hoại. Tết này trước khi đi chiến trường ông cũng ghé về nhà được một buổi rồi thông báo ngắn gọn: “Tôi đi công tác xa, Tết này không về nhà được”. Nói Tết này nhà bà vui hơn là vì có đứa cháu ngoại con đầu lòng của Hường được mẹ đưa về ăn Tết với bà. Đứa bé đã được gần một tuổi trở thành trung tâm chú ý của cả nhà. Bận rộn hơn nhưng cũng vui vẻ, ấm cúng hơn. Vì vậy bà quyết định sẽ tổ chức bữa “hạ cây nêu” tươm tất hơn mọi năm. Thực ra từ lâu ở quê bà người ta đã thôi không trồng cây nêu vào dịp Tết nhưng vào mồng bảy Tết nhà nào nhà nấy vẫn sắm sửa cỗ bàn cúng các cụ, gọi là bữa “hạ cây nêu”.
          Cỗ bàn đã được bày biện đầy đủ trên bàn thờ, bà Hạnh sửa lại đầu tóc rồi đứng trước bàn thờ khấn vái. Bà không biết khấn bằng chữ Hán nên cứ nôm na nghĩ thế nào nói thế ấy, đại khái mong tổ tiên phù hộ độ trì cho cả nhà mạnh khỏe, may mắn, con cháu học hành tấn tới, phù hộ cho ông ấy giữa nơi hòn tên, mũi đạn được bình yên trở về với gia đình. Ngoài sân cậu Hưng và các dì đang tranh nhau bắt đứa cháu đầu tập đi, chúng hò hét động viên thằng bé váng cả nhà. Khấn vái xong bà quay ra nhìn các con và đứa cháu cười hiền hậu.
          Chợt một chiếc xe con đỗ xịch ngay trước ngõ. Thoáng nhìn qua bà biết ngay là xe cơ quan chồng. Từ trên xe trưởng ban cán bộ Hiệu bước xuống. Quái lạ, hôm 29 Tết chú ấy và bác Ngọc, bác Thu đã về chúc Tết gia đình rồi cơ mà! Bà chợt thấy một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng: “chắc ông ấy có việc gì?”.
          Linh cảm của bà đã đúng, sau một hồi vòng vo rồi Hiệu cũng phải nói thật:
          - Thưa chị! Vừa rồi đi công tác bên nước bạn anh Đào chẳng may bị ốm. Hiện anh đang nằm điều trị ở 108. Các thủ trưởng Bộ tư lệnh cho em về đón chị sang thăm và động viên anh ấy.
          Bà Hạnh nước mắt vòng quanh:
          - Anh ấy bị nặng lắm phải không chú?
          Hiệu nói tỉnh bơ như không:
          - Dạ! Cũng bình thường thôi, không nặng lắm đâu.
          Mấy chị em con Hường đã nghe thấy hết mọi chuyện, chúng xúm vào đứng sau lưng mẹ. Bà Hạnh lấy lại vẻ bình tĩnh cất tiếng dõng dạc:
          - Bố bị ốm, bây giờ Hưng và Hiển đi với mẹ sang thăm bố, còn chị Hường ở nhà cho các em ăn cơm. Chiều nay đứa nào vào việc ấy nhé!
          Thấy bà định gói ít thức ăn mang đi Hiệu nhỏ nhẹ:
          - Không cần đâu chị ạ. Bên ấy có đầy đủ các thứ rồi.
          Bà quày quả ra xe, anh con rể và cậu con nuôi lẳng lặng theo sau. Mọi người vừa lên xe chiếc xe đã nổ máy nhằm hướng phà Chèm chạy nhanh.
          Suốt dọc đường đi bà không hỏi thêm Hiệu câu nào vì bà biết rằng có hỏi cũng chỉ nhận được những câu trả lời như lúc nãy ở nhà nhưng bà biết chắc chắn là ông Đào không chỉ ốm xoàng. Lấy nhau giờ đã có bốn mặt con bà lạ gì cái tính gan lỳ, bảo thủ của ông ấy. Nếu ông ấy còn nói được chắc chắn không bao giờ cho đón mẹ con bà sang thăm. Như thế này có nghĩa là ông ấy đã “thập tử, nhất sinh” rồi.
          Bệnh viện 108 vắng hoe, có lẽ các khoa phòng đã đi sơ tán cả chỉ còn một số bộ phận ở lại. Chiếc xe con chưa dừng hẳn bà Hạnh đã thấy ông Ngọc, ông Dương và ông Thu bước lại đón. Vừa bước xuống xe bà hỏi ngay:
          - Ông ấy bị nặng lắm phải không? Cho tôi vào với ông ấy ngay!
          Chính ủy Ngọc vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh thường ngày:
          - Chị cứ bình tĩnh! Anh ấy bị cũng nặng nhưng nhờ được cấp cứu kịp thời, lại được máy bay chuyển về đây ngay nên đã qua cơn nguy kịch. Chị đợi một lát nữa để anh em người ta chăm sóc cho anh ấy xong rồi vào.
          Tham mưu trưởng Dương, chủ nhiệm chính trị Thu cũng mỗi người một câu an ủi bà. Thực ra để đi đến quyết định về đón bà Hạnh sang mấy anh em ông cũng phải bàn bạc mãi. Tham mưu trưởng Dương và trưởng ban cán bộ Hiệu thì cho rằng cứ để ông Đào tương đối bình phục rồi hãy cho gia đình biết. Chủ nhiệm chính trị Thu thì ngược lại, trong thâm tâm ông lo quyền tư lệnh Đào không qua khỏi được nên ông kiên quyết đề nghị đón bà Hạnh sang ngay. Cuối cùng chính ủy Ngọc đã ngả theo ý kiến của ông Thu.
          Các y tá đã đẩy chiếc xe chuyên dùng đi ra, chính ủy Ngọc chìa tay:
          - Chị vào đi!
          Bà Hạnh xăm xăm bước vào căn phòng trắng toát một màu lạnh lẽo. Trong phòng chỉ có mỗi một giường có người nằm lên bà đoán chắc đấy là chồng mình. Bà tiến lại gần. Hai chân bà bỗng rủn ra như muốn khụyu xuống. Hiển đi phía sau vội đưa tay đỡ và dìu mẹ vợ đến sát bên giường. Ngồi ghé xuống mép giường bà nhìn đăm đăm vào cái thân hình nhỏ nhoi như một đứa bé đang nằm bất động trước mặt: một vòng băng trắng cuốn gần kín cả đầu và mặt, một cái mặt nạ nhựa trong suốt chụp lên mũi, ló ra khỏi tấm chăn là một vòng băng từ bả vai trái xuống, một chai dịch truyền trong vắt treo ở đầu giường nối vào tay phải của ông bằng một ống nhựa đang rỉ rả từng giọt. Bà lay nhẹ vào bên vai còn lành lặn của ông:
          - Ông Đào! Ông Đào!
          Người bác sĩ trực nãy giờ vẫn đứng lặng im nay mới lên tiếng:
          - Bác đừng gọi bác ấy nữa. Hiện giờ bác ấy vẫn đang hôn mê nên chưa biết gì đâu.
          Bà Hạnh hỏi mà không quay đầu lại:
          - Nhà tôi bị có nặng lắm không?
          Người bác sĩ từ tốn:
          - Thưa bác! Bác ấy bị thương vào đầu, mặt và ngực. Nhìn chung vết thương cũng không nặng lắm và hiện tại đã qua cơn nguy kịch. Bây giờ thì bác ấy còn hôn mê, chắc một hai ngày nữa sẽ tỉnh lại.
          Bà Hạnh vẫn ngồi đăm đăm nhìn chồng. Hai mươi mấy năm lấy nhau thì hơn chục năm ông chinh chiến khắp các chiến trường, bị thương cũng đã mấy lần nhưng bà nào có biết. Thôi thì phận vợ bộ đội thời chiến chẳng biết thế nào mà nói trước được. Còn biết bao chị em khác đâu có được cái may mắn như bà. Nghĩ được như vậy bà đứng dạy cứng cỏi:
          - Bây giờ mẹ ở lại đây chăm sóc bố. Hai anh em nhờ các chú đưa về rồi còn đi làm, đi học. Nhớ nói với Hường và các em là bố bị nhẹ thôi.

           ***

          Đối với ông Đào thời gian nằm viện vừa dài lê thê vừa vô vị đến chán ngấy. Là con người của hành động lúc nào ông cũng phải có một việc gì đó để làm, để suy nghĩ, để học hỏi. Còn bây giờ nằm ở đây đã hơn tháng trời chẳng có việc gì mà làm, mà muốn làm gì cũng không được vì ngực và tay trái vẫn còn đau. Sách cũng không được đọc vì con mắt còn lại vẫn đau nhức và thị lực giảm khá nhiều. Bác sĩ bảo ông phải giữ gìn thật cẩn thận may ra mới hồi phục được. Chỉ còn mỗi cái đầu là không ai cấm được ông suy nghĩ thành ra chưa bao giờ ông có nhiều thời gian để nghĩ ngợi đến thế.
          Mặc dù tiêu chuẩn cán bộ cao cấp có người phục vụ riêng nhưng bà Hạnh vẫn thường xuyên ở lại chăm sóc ông từ ngày ấy đến giờ. Ông bắt bà về lo công việc ở nhà thì bà bảo: “các con lớn rồi, lại còn bà con cô bác nữa” nên vẫn ở lại. Lấy nhau hơn hai chục năm, có với nhau đã bốn mặt con nhưng lần đầu tiên ông và bà được ở với nhau lâu đến vậy. Cũng vì thế lần đầu tiên ông được hưởng sự chăm sóc từng ly, từng tý của người vợ hiền thục, đảm đang. Hàng ngày bà chỉ quanh quẩn bên ông, chăm chăm theo dõi xem ông có yêu cầu gì thì thực hiện. Đến giờ bà xuống nhà ăn lấy hai suất cơm về, bón cho ông xong rồi mới ăn. Nửa tháng trở lại đây thấy đã khá hơn ông bảo bà đọc sách cho ông nghe. Con Hường khi biết vậy đã gửi sang cho bố bộ “Con đường đau khổ” của A- lếch- xây Tôn- stôi mà nó mới mua. Người đàn bà nhà quê ít chữ mấy hôm đầu cứ như đánh vật với quyển sách, nhất là với những cái tên nước ngoài. Thấy thế ông bảo bà đừng đọc nữa nhưng bà không nghe. Mất vài hôm thì bà cũng đọc tương đối trôi chảy, có hôm bà đọc cho ông nghe đến bốn, năm tiếng đồng hồ. Cảm nhận được cái tình của người vợ hiền khô khan như ông cũng bật lên được câu đùa:
          - Tôi bị thương thế này đâm ra may bà nhỉ! Có bị thương mình mới được sống với nhau lâu thế chứ.
          Bà lườm ông:
          - Phải gió cái nhà ông này, chỉ nói gở!
          Nói như vậy nhưng trong sâu thẳm cõi lòng bà cảm thấy những ngày được ở bên chồng để chăm sóc, nâng giấc cho ông là chuỗi ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời hơn hai mươi năm làm vợ của bà.
          Tuy vậy bà không thể hiểu nổi những lúc không nghe bà đọc sách hay những đêm trằn trọc, cứ nhìn trừng trừng lên trần nhà thì ông nghĩ gì. Có nhắc ông đi ngủ cũng chỉ được nghe một câu quen thuộc: “tôi không ngủ được”. Thế mà xin thuốc ngủ cho lại không uống. Ông bảo: “uống vào rồi đâm quen, sau này không có thuốc thì ngủ làm sao?”.
          Bà không biết cũng phải thôi. Cuộc đời người phụ nữ nông thôn quanh năm chẳng mấy khi ra khỏi lũy tre làng, vừa mới đến tuổi trưởng thành thì đã đi làm dâu, làm vợ rồi làm mẹ, cái lo toan quanh quẩn chỉ là manh áo, miếng cơm rồi con đau, con ốm thì làm sao biết được ông nghĩ những gì! Còn ông, đúng là những tháng ngày nằm dài ở viện ông đã suy nghĩ rất nhiều về bản thân mình. Nhưng nghĩ gì thì nghĩ quanh đi quẩn lại cũng chỉ nhằm vào một câu hỏi đau đáu: mấy chục năm qua mình đã sống như thế nào?
          Về thiên chức làm chồng, làm cha xét cho cùng ông cho rằng mình đã không làm được thật trọn vẹn. Hơn hai mươi năm làm vợ, làm chồng, có với nhau bốn mặt con mà tổng cộng thời gian sống bên nhau chỉ được vài ba tháng. Mọi việc trong nhà, trong họ, chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con cái phó mặc cho đôi vai tảo tần của vợ. Họa hoằn lắm thì gửi về nhà vài chục đồng lương, có dạy bảo con thì cũng dăm câu ba điều khuôn sáo, chúng có nghe, có làm theo hay không cũng chẳng biết. Ông cũng tự biện hộ cho mình là do hoàn cảnh thời chiến nhưng rồi từ trong thâm tâm ông đánh giá mình chưa phải là người chồng tốt, người cha tốt. Nhiều lúc nằm im nhìn cái dáng lặng lẽ, nhẫn nhục của vợ đi lại phục vụ mình mà ông thấy lòng đắng đót. Ông sẽ phải làm gì đây để đền đáp lại bà?
          Còn một điều nữa chiếm nhiều thời gian suy nghĩ nhất của ông là: ông đã là một người chỉ huy như thế nào? Là một người đã đi nhiều, đọc nhiều và chịu khó chiêm nghiệm từ lâu ông đã tự bắt mình phải phấn đấu theo những tiêu chuẩn của một người làm tướng mà sử sách đông tây kim cổ đã tổng kết. Tựu trung lại ông thấy những tiêu chí “trí, dũng, nhân, tín, trung” mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã nêu ra trong pho “Binh thư yếu lược” là đầy đủ và khái quát nhất. Là người rất nghiêm khắc với mình ông nhận thấy bản thân cũng đã ít nhiều theo được những tiêu chí đó.
          Nói về “trí” không dám tự nhận mình là đã có thừa nhưng ông biết mình cũng đã tích lũy được một số tri thức cũng như kinh nghiệm hết sức quý giá. Được như vậy trước hết là nhờ một quá trình học hỏi nghiêm túc theo lời dạy của Bác Hồ ngày ông được gặp Bác sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Lúc ngồi học trong trường thì cố học “hết chữ của thày”, chỗ nào chưa biết, chưa rõ thì hỏi đến cùng, hỏi cho bằng được. Lúc ra công tác thì học từ thực tế, học những người đồng đội, rồi chiêm nghiệm, tổng kết. Với sự học hỏi, nghiên cứu không ngừng ông đã cùng các đồng đội của mình đã đặt những viên gạch đầu tiên cho lý luận sử dụng xe tăng, thiết giáp mang những nét đặc thù Việt Nam khác hẳn những gì mà các ông tiếp thu được bên nước bạn. Lý luận đó đã được kiểm chứng trong trận Tà Mây- Làng Vây và một số trận đánh nữa ở Lào. Tuy vậy, với ông như thế vẫn còn chưa đủ nên ông mới quyết định đi chiến trường để trực tiếp chỉ huy, để tận mắt chứng kiến xe tăng của mình chiến đấu qua đó có thêm thực tế để bổ khuyết cho những gì còn thiếu. Ông không quá tự mãn nhưng cũng biết rằng cho đến giờ tri thức về sử dụng xe tăng ở Việt Nam thì khó có ai có thể qua được mặt ông. Tuy nhiên ông cũng biết tri thức là vô hạn mà đầu óc con người thì có hạn, trong khi đó thực tế lại thay đổi từng ngày từng giờ nên việc học hỏi phải không ngừng nghỉ. Điều đó thì ông vẫn đang thực hiện, ngay cả bây giờ khi đang nằm viện đầu óc ông có lúc nào ngừng chiêm nghiệm, suy nghĩ về những trận đánh mà ông và các đồng đội của ông đã trải qua đâu.
          Còn về “dũng” ư? Không dám nhận mình là người tung hoành ngang dọc giữa nơi trận mạc, đánh đâu thắng đó như các danh tướng xưa nay nhưng ông cũng tự thấy mình là người có dũng khí, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì dù khó khăn, ác liệt đến đâu cũng chẳng từ nan mà chỉ có tìm mọi cách để hoàn thành. Từ lúc làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng chỉ với giáo mác, súng trường nhưng cũng đã dẫn đầu anh em trong đơn vị lao vào đồn giặc mà chẳng so đo tính toán. Cho đến lúc được bổ nhiệm lên những chức vụ cao hơn ông vẫn không ngần ngại xông vào chỗ hòn tên mũi đạn. Cái dũng ở ông còn được thể hiện ở chỗ ông dám bày tỏ chính kiến của mình và cũng rất kiên quyết bảo vệ chính kiến của mình dù rằng có đôi khi chính kiến đó không hợp ý cấp trên. Ông có thể tự hào về điều đó.
          “Trung” thì không có gì phải bàn cả. Là người có chút chữ nghĩa ông đến với cách mạng một cách tự giác và bằng nhận thức của mình. Vì vậy suốt hai chục năm qua ông tin yêu và phục tùng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Lý tưởng của Đảng cũng là lý tưởng sống của ông và ông đã nguyện một lòng theo Đảng đến cùng dù khó khăn gian khổ đến đâu.
          “Tín” cũng vậy. Ông là người biết giữ chữ tín đối với tất cả mọi người. Từ anh em họ mạc ở quê đến con cháu trong nhà, từ cấp trên đến cấp dưới khi ông đã hứa cái gì là quyết làm cho bằng được. Nếu không thực hiện được thì phải có giải thích rõ ràng nguyên nhân vì sao chứ không bao giờ để cho lời hứa trôi vào quên lãng.
          Chí có chữ “Nhân” là làm ông băn khoăn nhiều nhất. Có hiểu biết sâu sắc về Hán tự và văn hóa phương Đông ông hiểu chữ “Nhân” có ý nghĩa rất khái quát, rất rộng, rất sâu xa. Nhân đó là nhân văn, nhân bản, nhân đạo, là cách làm người, là cái cách đối xử giữa con người với con người. Hiểu đấy, biết đấy nhưng làm theo được thật khó. Nói cho công bằng ông là người rất thương người, thương cha mẹ, vợ con, thương đồng chí, đồng đội nhưng cái cách thương của ông cũng hơi khác thường, đúng như kiểu người xưa: “thương cho roi cho vọt”. Thương đấy nhưng bên ngoài lại tỏ ra rất nghiêm khắc, nghiêm khắc đến mức khắt khe. Cũng chẳng có mục đích gì ngoài mong muốn cho mọi người hoàn thiện hơn lên, tốt đẹp hơn lên, giỏi giang hơn lên. Có lẽ cũng vì thế mà ông là người rất hà tiện lời khen? Ngay cả con cái ông cũng vậy, chúng ngoan ngoãn, tự lập, học giỏi mà có mấy khi được nghe một lời khen của bố. Còn ông mà đã chê thì bây giờ tự ông cũng nhận thấy là... hơi quá lời, thậm chí có khi nghe như chì chiết. Và có lẽ chính vì vậy mà những người xung quanh ông chỉ sợ ông mà không yêu ông, chỉ làm theo ông vì ông là cấp trên mà không yêu quý ông như một người cha, một người anh lớn. Các con ông cũng thế, có việc gì cần nói với bố hay bố gọi hỏi cũng chỉ dăm câu, ba điều là lỉnh mất. Những lúc ấy ông cũng thấy buồn. Nhưng biết làm sao được, bản tính trời sinh mà. Phương ngôn Trung Quốc có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Ông tự dặn mình phải cố gắng sửa chữa nhưng cũng biết rằng sẽ rất khó khăn.
          Gần ba tháng trời nằm điều trị ở 108 các vết thương trên người quyền tư lệnh Đào về cơ bản đã lành. Bên mắt bị mất đã được các bác sĩ lắp vào đó một con mắt giả trông cũng không đến nỗi nào, bên mắt còn lại thị lực đã được khôi phục một phần. Mấy cái xương sườn bị gãy cũng đã liền nhưng phổi thì hơi yếu, thỉnh thoảng thở còn khó khăn. Mọi cái tiến triển có vẻ tốt nhưng khi lần đầu tiên đứng trước tấm gương trong buồng vệ sinh ông không khỏi giật mình vì những thay đổi trên khuôn mặt mình. Một vết sẹo dài từ chân tóc chẻ đôi lông mày trái và mi mắt kéo xuống tận gò má làm cho bộ mặt vốn bình thường đã khó gần của ông nay lại thêm nét dữ tợn. Biết vậy đồng chí chủ nhiệm khoa điều trị cán bộ cao cấp an ủi ông:
- Với đà này thì chẳng mấy chốc anh sẽ được ra viện thôi. Riêng về đôi mắt tôi sẽ đề nghị bên khoa mắt thửa cho anh một cặp kính đặc biệt, vừa đảm bảo tăng thị lực cho mắt phải, vừa che đi con mắt bên trái- Ông cười- Như thế cũng còn đẹp trai chán.
Ông Đào không nói gì nhưng ngay ngày hôm sau đã thấy được mời lên khoa mắt thử kính. Sau khi thử cặp kính làm riêng cho mình ở khoa mắt ông thừa nhận đồng chí trưởng khoa có lý. Đôi mắt kính to, lại hơi râm nên che đi được gần hết vết sẹo bên mắt trái làm cho ông trông đỡ dữ tướng hơn. Ngay chiều đó ông chính thức xin ra viện, lại còn yêu cầu chính ủy Ngọc và các đồng sự nói giúp. Cuối cùng, thể theo nguyện vọng của ông bệnh viện đồng ý cho ông về bệnh xá cơ quan dưỡng bệnh.

             ***

          Quyền tư lệnh Đào về cơ quan được mấy hôm thì đến lượt tham mưu trưởng Dương nhập viện. Căn bệnh đau bụng từ hồi ở Đường Chín ra thỉnh thoảng tái phát ông cũng chỉ xin vài viên thuốc an thần, giảm đau. Nhưng lần này thì đau quá ông buộc phải xuống bệnh xá. Chủ nhiệm quân y binh chủng đã nhiều lần đề nghị ông đi kiểm tra ông không chịu. Nhân dịp này anh kiên quyết đưa ông đi khám bệnh, lại còn trực tiếp “áp tải” ông lên 108 để khám.
          Vừa mới nhìn qua tấm phim X quang và mấy bản kết quả xét nghiệm, chủ nhiệm phòng khám đã yêu cầu ông nhập viện ngay và làm tất cả thủ tục để mổ càng sớm càng tốt. Thấy bảo mình phải mổ tham mưu trưởng Dương tỏ vẻ ngạc nhiên:
          - Tôi làm sao mà phải mổ? Suốt hai năm nay thỉnh thoảng nó đau một tý, uống vài viên thuốc vào là khỏi thôi mà.
          Chủ nhiệm phòng khám lắc đầu:
          - Không được! Trước thế nào tôi không biết. Còn hôm nay anh không mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng đấy!
          Ông Dương vẫn cười như không có chuyện gì xảy ra:
          - Đề nghị bác sĩ cho biết tôi bị làm sao?
          Chủ nhiệm phòng khám nhăn mặt:
          - Anh bị làm sao à? Cái túi mật của anh nó sưng lên bằng nắm đấm kia kìa- Tay anh ta chỉ vào một vùng sáng trên tấm phim X quang rồi lắc đầu ngán ngẩm- Tôi cũng chẳng biết tại sao các anh lại coi thường mạng sống của mình đến vậy. Giá như hồi mới bị đau anh đến đây ngay thì bây giờ chắc không phải mổ, còn hôm nay không mổ không được.
          Biết là không thể tránh được cuộc phẫu thuật ông Dương chỉ còn biết nhăn nhó:
          - Còn bao nhiêu việc đang chất đống lên đấy!
          Người bác sĩ cười:
          - Anh cứ yên tâm! Mổ xong rồi anh về tha hồ mà làm.
          Không ai ngờ là bệnh của tham mưu trưởng Dương lại nặng đến thế. Các bác sĩ cũng định cố gắng bảo toàn cái túi mật cho ông nhưng không thể và cuối cùng đã đi đến quyết định cắt toàn bộ túi mật. Chắc là vì khi mới nhiễm bệnh không được điều trị kịp thời, kết hợp với những cơn sốt rét rừng và điều kiện sống khắc nghiệt ở chiến trường Đường Chín đã gây ra hậu quả ấy. Khi biết túi mật của mình đã bị cắt hoàn toàn ông Dương lo lắm, không biết rồi đây mình sẽ thế nào. Thấy ông lo lắng vị bác sĩ điều trị chỉ cười:
          - Anh cứ coi như mình là người tiêu hoang ấy thôi mà. Người ta làm ra dùng không hết thì cho vào đó dự trữ, lúc nào thiếu bỏ ra dùng. Còn anh bây giờ thì làm ra bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu không có chỗ dự trữ nữa- Anh đổi sang giọng an ủi- Nhưng không sao! Chỉ cần anh tuân theo một số quy định về ăn uống, sinh hoạt thì sức khỏe vẫn đảm bảo. Tôi đảm bảo anh còn sống đến trăm tuổi ấy chứ.
          Nghe thì nghe để đấy chứ tham mưu trưởng Dương biết rằng sắp tới đối với ông sẽ là những ngày khó khăn, nhất là khi binh chủng Thiết giáp của ông đang có triển vọng phát triển mạnh mẽ với nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp hơn. Trong khi đó quyền tư lệnh thì bị thương chưa khỏi hẳn, còn tham mưu trưởng thì lại như thế này! 
          Ngày ra viện về cơ quan, chủ nhiệm chính trị Thu sang thăm lại nói đùa:
          - Từ nay ông bạn cứ yên tâm hoạt động ở hậu phương thôi, còn chiến trường để đấy cho chúng tôi.
          Không biết đó là câu đùa vô tình hay hữu ý nhưng tham mưu trưởng Dương thì buồn lắm.

           ***

          Không chỉ tham mưu trưởng Dương thấy buồn mà quyền tư lệnh Đào cũng vậy. Có hai cán bộ chủ chốt về quân sự mà lại đều yếu rớt như thế này thì làm sao cáng đáng nổi công việc. Kinh nghiệm hai chục năm làm chỉ huy ông biết yêu cầu về sức khỏe đối với những người cán bộ quân sự là rất cao. Có khỏe mới chịu được những áp lực của công việc, mới vượt qua được những thử thách cả về trí lực và thể lực kéo dài trong nhiều ngày của một trận đánh, một chiến dịch và nói rộng ra là của cả cuộc chiến này. Vì vậy ngoài việc thường xuyên dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ và tham gia những công việc vừa sức, quyền tư lệnh Đào dành nhiều thời gian cho việc luyện tập thân thể. Ông sưu tầm những bài tập thể dục dưỡng sinh cũng như những bài vật lý trị liệu để đưa vào chương trình luyện tập hàng ngày. Không biết có phải vì vậy hay không nhưng chỉ sau hơn tháng về cơ quan sức khỏe của ông đã tiến triển khá rõ rệt, lá phổi trái bị thủng giờ đây đã gần trở lại bình thường, khi hít sâu vào không còn thấy đau nữa.
          Về công việc ông không còn sùng sục đi đơn vị được nữa nhưng tất cả các cuộc họp, cuộc hội thảo ở cơ quan thì tham gia đầy đủ. Thời giờ còn lại chủ yếu ông dành để đọc và bổ cứu những tài liệu chiến thuật do anh em Tổ nghiên cứu của phòng tham mưu biên soạn để sắp tới đưa vào ban hành chính thức. Cũng may giai đoạn này các hoạt động tác chiến trên các chiến trường tạm lắng xuống, ta tạm thời không mở những chiến dịch lớn và vì vậy xe tăng cũng tạm thời án binh bất động.
          Về phía tham mưu trưởng Dương vừa ở bệnh viện về là lao ngay vào công việc chỉ đạo phòng tham mưu hoàn chỉnh bản “kế hoạch phát triển lực lượng tăng thiết giáp giai đoạn 1970- 1975” trong đó tập trung vào nhiệm vụ chính là đưa các đơn vị xe tăng vào bổ sung cho các chiến trường trọng điểm. Ngoài ra bản kế hoạch cũng đề cập đến việc xây dựng các nhà trường đào tạo cán bộ và thành viên kíp xe một cách chính quy hơn.
          Bản kế hoạch vừa được đưa sang cho quyền tư lệnh Đào, ông mới kịp xem qua một lượt thì có điện của Tổng tham mưu trưởng gọi lên gặp ở thị trấn Tam Đảo. Đút luôn tập bản thảo vào cặp quyền tư lệnh Đào gọi chủ nhiệm chính trị Thu cùng đi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét