Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 3


Gọi là hội trường nhưng thực ra là phòng họp của bộ phận quản lý trường bắn. Đó là một căn phòng chừng hơn hai chục mét vuông, trong đó kê chín bộ bàn ghế thành ba hàng, phía trên là bàn chủ tọa. Bức tường phía trước dăng kín các loại bản đồ, sơ đồ phục vụ cho cuộc diễn tập. Đây chính là nơi Bộ tư lệnh Thiết giáp định giới thiệu về cuộc diễn tập với Tổng Tham mưu trưởng và các đại biểu trước khi tiến hành thực binh nhưng ông đã không vào mà lên thẳng đài chỉ huy trường bắn. Sau khi xem lướt qua một số sơ đồ, bảng kẻ Tổng Tham mưu trưởng quay về bàn chủ tọa. Vừa ngồi xuống ông đã nói ngay:
- Nào! Vừa rồi chúng ta đã được xem Thiết giáp diễn tập thực binh, lại được tham quan một số trang bị rất hiện đại. Còn bây giờ mời các đồng chí cho ý kiến!- Hất cằm về phía vị đại tá tóc bạc phơ ông cười- Bên khoa học quân sự cho ý kiến trung tâm đi!
Cục trưởng cục khoa học quân sự có vẻ như đã chuẩn bị sẵn nên ngay lập tức đứng dạy nâng cuốn sổ tay đang mở sẵn lên:
- Kính thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Trước khi xây dựng kế hoạch diễn tập lần này chúng tôi cũng đã có một số buổi làm việc với Bộ tư lệnh Thiết giáp để thống nhất về ý định diễn tập. Qua theo dõi công tác chuẩn bị cũng như quá trình diễn tập thực binh của binh chủng Thiết giáp chúng tôi thấy về cơ bản đã đạt được mục đích đề ra. Chúng ta đã thấy được sức mạnh và khả năng chiến đấu của một phân đội bộ binh cơ giới. Các bộ phận xe tăng, xe thiết giáp, bộ binh, công binh… cũng đã có sự hợp đồng chặt chẽ với nhau, thời cơ và cách thức tổ chức cho bộ binh lên, xuống xe chính xác, nhịp nhàng. Việc tổ chức, chỉ huy hỏa lực chặt chẽ, kết hợp được sức mạnh của các loại vũ khí, tiêu diệt mục tiêu nhanh. Qua cuộc diễn tập này chúng ta cũng có thể nhận thấy cách đánh của bộ binh cơ giới như chúng ta đã xây dựng nên là phù hợp, chỉ cần rèn luyện thêm cho thuần thục là có thể đưa các đơn vị này đi chiến đấu được. Tất nhiên đây mới chỉ là một cuộc diễn tập, khoảng cách của nó đối với thực tế chiến đấu còn khá xa nhưng chúng ta cũng có thể khẳng định việc tổ chức bộ binh cơ giới là cần thiết và trong tương lai đây sẽ là một lực lượng đột kích mạnh, có khả năng độc lập tác chiến cao, tốc độ tiến công nhanh- Hạ quyển sổ xuống ông ngẩng lên nhìn quanh một vòng- Tuy nhiên theo chúng tôi cũng còn một số vấn đề cần tiếp tục khắc phục như sau. Một là, vấn đề tổ chức thông tin liên lạc giữa lực lượng bộ binh dưới đất với bộ phận trên xe. Hiện tại chúng ta chưa có các loại máy bộ đàm chuyên dùng cho việc này nhưng theo tôi đề nghị binh chủng Thiết giáp nghiên cứu một số phương pháp thông tin đơn giản cũng có thể khắc phục được. Hai là, về công tác hiệp đồng của các lực lượng tham gia chiến đấu cũng cần phải được tổ chức cho chặt chẽ, nhịp nhàng hơn, đảm bảo khoảng cách hợp lý giữa xe tăng với xe thiết giáp, giữa xe thiết giáp với bộ binh v.v… Và thứ ba, do đặc điểm hệ thống phòng thủ của địch hiện nay trên chiến trường miền Nam chủ yếu là phòng ngự trong cứ điểm nên theo chúng tôi ta nên thay chỉ tiêu “tốc độ tiến công” bằng chỉ tiêu “thời gian hoàn thành nhiệm vụ”. Một vấn đề nữa cũng cần nghiên cứu thêm là việc xác định nhiệm vụ và khả năng chiến đấu của đơn vị này, để nó hoàn toàn độc lập tác chiến hay phối hợp với bộ binh thuần túy. Nếu hiệp đồng chiến đấu với bộ binh thuần túy thì phương pháp cụ thể như thế nào, lực lượng mỗi bên ra sao v.v… Ngoài ra cũng còn phải nghiên cứu thêm về chiến thuật phòng ngự, chốt giữ trận địa sau khi đánh chiếm được. Theo chúng tôi đây sẽ là một tình huống phổ biến sẽ xảy ra sau này. Báo cáo thủ trưởng và các đồng chí, ý kiến của bên khoa học quân sự của chúng tôi là như vậy. Hết đấy ạ!
Tổng Tham mưu trưởng nhíu mày hơi có vẻ đăm chiêu:
- Đúng là còn rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thêm, loại hình tổ chức này đối với chúng ta còn quá mới mẻ- Nhưng rồi ông nhanh chóng trở lại vẻ dứt khoát hàng ngày- Được! Rồi chúng ta sẽ vừa thực hành sử dụng vừa nghiên cứu tiếp. Bây giờ tôi muốn nghe ý kiến của các tư lệnh mặt trận.
Một đại biểu không đeo quân hàm đứng dạy, ông cất giọng miền Trung nằng nặng:
- Kính thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Qua theo dõi cuộc diễn tập vừa rồi tôi thấy rất phấn khởi vì sự lớn mạnh của binh chủng Thiết giáp nói riêng và của quân đội ta nói chung. Trong điều kiện hiện nay việc cho ra đời những đơn vị có sức đột kích mạnh và khả năng độc lập tác chiến cao là rất cần thiết để tiến tới đánh những đòn quyết định nhằm nhanh chóng giành thắng lợi. Chứng kiến cuộc diễn tập vừa rồi tôi thừa nhận sức mạnh chiến đấu của bộ binh cơ giới là rất cao và đặc biệt là nó khắc phục được một nhược điểm cố hữu trong tác chiến hiệp đồng binh chủng giữa xe tăng và bộ binh trong thời gian vừa qua là hai lực lượng thường xuyên bị tách rời nhau, không hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau được. Tuy nhiên để sử dụng có hiệu quả cho lực lượng này tôi nhận thấy rằng công tác bảo đảm kèm theo sẽ rất phức tạp, đòi hỏi khối lượng lớn, tính đồng bộ cao. Vì vậy, trước khi đưa nó vào chiến trường chúng ta cần đánh giá một cách đầy đủ hơn về khả năng bảo đảm các mặt. Phải dứt khoát có bảo đảm tốt mới đưa vào sử dụng. Hết ý kiến!
Gương mặt Tổng Tham mưu trưởng lại tỏ ra đăm chiêu. Quả thật đây cũng là vấn đề mà ông đã suy nghĩ đến nhiều. Bảo đảm không tốt mà đưa những đơn vị loại này vào chiến trường thì chẳng khác nào “đem con, bỏ chợ”. Một cánh tay khác giơ lên, Tổng Tham mưu trưởng lặng lẽ gật đầu. Một đại biểu có nước da xanh sạm đặc trưng của sốt rét rừng đứng dạy, ông nói một cách giản dị:
- Thưa các đồng chí! Tôi công nhận bộ binh cơ giới là một loại hình đơn vị có khả năng độc lập tác chiến cao. Tuy nhiên theo tôi có lẽ chỉ nên sử dụng nó một cách độc lập trong những nhiệm vụ tương đối đặc biệt như thọc sâu, vu hồi trên một phạm vi rộng. Còn trong trường hợp tiến công địch trong công sự vững chắc tôi nghĩ rằng vẫn phải kết hợp với bộ binh truyền thống mới có thể giải quyết được, nhất là trong giai đoạn đánh địch bên trong làm chủ trận địa. Các đồng chí hãy thử hình dung đơn vị vừa rồi thực hành tiến công một cứ điểm cỡ đại đội địch. Tôi đồng ý rằng các đồng chí sẽ nhanh chóng đột phá và đánh chiếm được đầu cầu, nhưng sau đó thì sao? Với vài tiểu đội bộ binh như thế liệu chúng ta có thể làm chủ được trận địa hay không, nhất là khi địch co cụm và tổ chức phản kích. Vì vậy tôi đề nghị khi sử dụng các đơn vị này vẫn nên kết hợp với bộ binh truyền thống. Hết ạ!
Một cánh tay khác giơ lên. Đó chính là vị sĩ quan ở văn phòng Bộ, người thường xuyên ác cảm với xe tăng từ trước đến nay. Ông Đào nhăn mặt: “không biết hôm nay thằng cha này lại giở bài gì ra nữa đây?”. Được Tổng Tham mưu trưởng cho phép ông đứng dạy liếc nhẹ về phía phó tư lệnh Đào rồi trịnh trọng:
- Kính thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định của một số đồng chí về sức mạnh chiến đấu của lực lượng bộ binh cơ giới chỉ qua một cuộc diễn tập này. Những ý kiến này theo tôi còn nặng về cảm tính vì dù sao đây mới cũng chỉ là cuộc diễn tập một bên, không có đối kháng nên không thể đánh giá cho thật chính xác được. Thực ra, trên thế giới vấn đề sử dụng bộ binh cơ giới cũng còn khá mới mẻ và chưa có nhiều tài liệu tổng kết nhưng qua những gì tôi được biết thì hiệu quả của nó cũng không cao như người ta kỳ vọng vào nó. Ngay ở chiến trường Việt Nam này thôi, khi Mỹ triển khai áp dụng chiến thuật “thiết xa vận” mà thực chất của nó là sử dụng rộng rãi bộ binh cơ giới trên chiến trường cũng đã gặp phải thất bại nặng nề khi ta tìm ra đối sách thích hợp. Vì vậy tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí đại diện Cục khoa học quân sự là còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm về cách đánh, về khả năng hoàn thành nhiệm vụ, về công tác bảo đảm, về tổ chức hiệp đồng giữa các thành phần v.v… của loại hình đơn vị này. Và do đó có lẽ còn quá sớm để đánh giá về nó cũng như đưa vào tham chiến, có lẽ chỉ nên để nó ở ngoài này làm dự bị cho Bộ mà thôi. Báo cáo, hết ạ!
Ý kiến vừa rồi như một gáo nước lạnh dội vào phòng họp làm không khí trong hội trường lặng hẳn đi. Tư lệnh Lân ngỗi thẫn thờ, còn phó tư lệnh Đào ngồi cúi mặt xuống cuốn sổ như đang chăm chú đọc cái gì đó, gò má trái ông giật giật liên hồi. Ông tự hỏi: “không biết “tay” này có thù hằn gì với binh chủng Thiết giáp nhà mình hay không mà lần nào ông ta cũng có ý kiến phản đối quyết liệt thế này”. Gương mặt Tổng Tham mưu trưởng vẫn hằn nét đăm chiêu, ông ngẩng lên nhìn về phía hai đại diện của Thiết giáp:
- Thôi, được rồi! Bây giờ mời các đồng chí ở Thiết giáp phát biểu.
Ông Lân hất cằm về phía ông Đào ra hiệu, ông Đào đứng dạy từ tốn: 
- Kính thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Trước hết chúng tôi xin chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đồng chí. Về phía chúng tôi sẽ tiếp thu và sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian ngắn nhất. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo rõ thêm một số chi tiết để các đồng chí hiểu rõ hơn về tình hình của chúng tôi. Cách đây hai tháng, ngày 18 tháng 11 năm 1971 Bộ mới có quyết định chuyển trung đoàn xe tăng H02 thành trung đoàn bộ binh cơ giới. Phải mất gần một tháng tiếp nhận trang bị, tiếp nhận quân từ các nơi chúng tôi mới tạm ổn định được biên chế và bước vào huấn luyện. Như vậy thực ra thời gian huấn luyện của H02 mới chỉ được khoảng hơn hai mươi ngày. Trong khi đó kinh nghiệm thì chưa có, tài liệu cũng rất ít ỏi, cán bộ thì thiếu, số từ bộ binh về thì hầu như chưa có kiến thức gì về binh chủng… nên kết quả thu được cũng còn nhiều hạn chế như các đồng chí đã chỉ ra, rất mong các đồng chí thông cảm. Tuy nhiên quan điểm của chúng tôi thì cho rằng đây là một kiểu tổ chức quân đội rất tiên tiến, phù hợp với điều kiện chiến tranh hiện đại với mức độ ác liệt và tốc độ diễn biến ngày càng cao. Nếu được trang bị đồng bộ, luyện tập chu đáo chúng tôi cho rằng bộ binh cơ giới sẽ có khả năng hoàn thành nhiệm vụ rất cao trên mọi loại địa hình, đặc biệt là trong các trường hợp sử dụng làm lực lượng thọc sâu hoặc vu hồi chiến dịch- Ngừng lại một lát ông quay về phía Tổng Tham mưu trưởng- Về phía chúng tôi có một số đề nghị như sau: một là đề nghị Bộ cho chúng tôi thêm một thời gian nữa để củng cố tổ chức, nâng cấp, cải tiến trang bị, huấn luyện bộ đội và hợp luyện giữa các thành phần với nhau. Hai là ngoài lực lượng cao xạ tự hành trong biên chế chúng tôi muốn xin thêm một số khẩu cao xạ 14 ly 5 hoặc 23 ly để lắp lên xe thiết giáp. Chúng tôi đã tổ chức khảo sát và thấy rằng có thể lắp được hai loại súng này lên nắp buồng truyền động xe PTR50PK. Nếu được như vậy sẽ tăng cường được sức mạnh hỏa lực của xe và cũng nâng cao khả năng tự bảo vệ của đơn vị trước không quân địch. Báo cáo thủ trưởng, hết ạ!
Trầm ngâm một lát Tổng Tham mưu trưởng chậm rãi:
- Cụ thể là các đồng chí cần bao nhiêu thời gian nữa?
Phó tư lệnh Đào trả lời gần như ngay lập tức:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi xin thêm hai tháng nữa ạ!
Lẩm nhẩm như đang tính toán một cái gì đó một lát Tổng Tham mưu trưởng ngẩng lên:
- Anh cho tôi biết tình hình triển khai kế hoạch phát triển lực lượng của binh chủng thực hiện như thế nào rồi?
Vẫn phó tư lệnh Đào:
- Báo cáo thủ trưởng! Chấp hành chỉ thị của Bộ hiện tại chúng tôi đã đưa toàn bộ trung đoàn H03 vào Tây Quảng Bình, đơn vị đã ổn định mọi mặt sẵn sàng bước vào chiến đấu được. Một tiểu đoàn của chúng tôi đã xuất phát vào chiến trường B3, theo báo cáo mới nhất mà chúng tôi nhận được thì chỉ một, hai ngày nữa sẽ vào đến vị trí tập kết. Hai tiểu đoàn nữa đang trên đường vào B2, dự kiến cuối tháng Ba sẽ có mặt. Chúng tôi cũng đang xúc tiến thành lập hai tiểu đoàn nữa, một cho B2 và một cho B1. Về huấn luyện chúng tôi đã nâng cấp tiểu đoàn 10 thành T60 tương đương trung đoàn và đã hoàn thành việc chuyển binh chủng cho số sĩ quan lục quân mới về cùng một khóa sĩ quan chỉ huy và chính trị viên phó đào tạo từ anh em thành viên kíp xe lâu năm. Tóm lại các chỉ tiêu kế hoạch đề ra chúng tôi đều thực hiện đúng tiến độ và có phần sớm hơn một chút.
Tổng Tham mưu trưởng gật đầu tỏ ý hài lòng. Chợt ông ngẩng phắt lên tỏ vẻ hơi ngạc nhiên:
- Thế còn B4 thì sao? Vừa rồi tôi đã điện xuống yêu cầu các anh đưa 2 đại đội vào B4 cơ mà!
Ông Đào hơi ngần ngừ:
- Dạ…! Vấn đề này chúng tôi cũng đã có chuẩn bị. Tuy nhiên qua bàn bạc trong Bộ Tư lệnh thì cũng còn một vài ý kiến muốn đề nghị Bộ nghiên cứu lại.
Tổng Tham mưu trưởng hất mạnh mái đầu bạc:
- Ý kiến thế nào? Các đồng chí cứ trình bày thẳng thắn, đừng ngại gì cả!
Nhìn quanh phòng họp một lượt ông Đào sẽ sàng:
- Báo cáo thủ trưởng! Hầu hết các ý kiến trong Bộ Tư lệnh Thiết giáp là đề nghị Bộ không nên đưa xe tăng vào B4 nữa ạ!
Tổng tham mưu trưởng trừng mắt lên”
- Tại sao? Phải có lý do chứ! Tại sao các mặt trận khác đều đưa xe tăng vào được mà lại không đưa vào B4 được?
Không chút bối rối, phó tư lệnh Đào khúc chiết:
- Báo cáo thủ trưởng, có mấy lý do thế này ạ. Một là, ý định của B4 muốn đưa xe tăng vào A Lưới và từ đó đánh xuống Huế. Tuy nhiên, theo chúng tôi biết thì hiện nay từ A Lưới xuống Huế vẫn chưa có đường cơ động cho xe tăng. Điều đó đã được kiểm chứng khi năm 69 một đại đội của chúng tôi được đưa vào trong ấy nhưng không làm ăn được gì cả. Sau này lại phải kéo ra trong chiến dịch Đường Chín- Nam Lào. Lý do thứ hai là B4 cũng khá gần ngoài này, với B5 thì tuy hai mà một đấy. Trong khi đó ở B5 đã có 1 trung đoàn xe tăng và sắp tới có thể hơn nên theo chúng tôi không nhất thiết phải đưa xe tăng vào B4 ạ.
Tổng Tham mưu trưởng lắc đầu:
- Không được! Các anh nghĩ còn “ngắn” lắm! Đường hôm nay chưa có thì mai sẽ có, năm nay chưa có thì năm sau sẽ có. Đến lúc ấy mới điều động lực lượng vào thì có khi thời cơ lại qua mất- Ông hạ giọng- Vả lại, A Lưới nó có một vị trí hết sức đặc biệt, là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược mà ta với địch phải giành đi, giật lại bao nhiêu lần. Vì vậy, đưa xe tăng vào đó còn có một nhiệm vụ nữa là giữ vững vùng này để làm bàn đạp tiến công xuống đồng bằng. Nếu các anh đưa được xe tăng vào đây rồi đánh xuống Huế thì không khác gì một mũi dao găm đâm vào lưng địch. Các anh hiểu chưa?
Mấy cán bộ xe tăng đều cúi đầu. Đúng là suy nghĩ của họ vẫn chưa đủ tầm thật. Họ chỉ đơn giản nghĩ đến việc đã đưa xe tăng vào là phải đánh được ngay. Vẻ đã nhận thức ra vấn đề tư lệnh Lân đứng dạy:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã hiểu rồi ạ!
Tổng Tham mưu trưởng tỏ vẻ quan trọng:
- Nhớ là phải thực hiện đúng theo yêu cầu của các đồng chí ấy đấy- Ông giơ hai ngón tay lên- Một đại đội xe tăng hạng trung, một đại đội xe tăng bơi nước nhé!
Phó tư lệnh Đào vội đứng dạy:
- Báo cáo thủ trưởng. Chúng tôi tôi đã cho chuẩn bị một đại đội xe T59 và một đại đội xe tăng bơi K63-85, loại mà chúng ta vừa xem ngoài trường bắn vừa rồi ấy. Ngay sau đây chúng tôi sẽ điện vào cho anh em trong đó triển khai.
Tổng tham mưu trưởng gật đầu hài lòng:
- Tốt lắm! Đề nghị của các anh về H02, tôi đồng ý cho thêm hai tháng nữa. Các anh muốn làm gì thì làm nhưng phải khắc phục triệt để những nhược điểm đã được chỉ ra hôm nay. Còn việc sử dụng như thế nào Bộ sẽ quyết định sau. Riêng việc đưa các đơn vị khác vào chiến trường thì phải đảm bảo đúng kế hoạch thời gian- Ông nhấn từng tiếng- Chỉ có nhanh hơn chứ không được chậm hơn!- Quay về phía vị sĩ quan đeo quân hàm xanh da trời ông hất hàm- Bên các anh còn nhiều 14 ly 5 và 23 ly không?
Vị đại biểu phòng không- không quân đứng dạy:
- Báo cáo Tổng Tham mưu trưởng! Mặc dù không còn nhiều nhưng chúng tôi nghĩ rằng có thể đáp ứng được yêu cầu của Thiết giáp.
- Vậy thì Thiết giáp sang làm việc trực tiếp với Phòng không- Không quân nhé, sau đó làm công văn báo cáo để Bộ ra quyết định điều động!- Ông cúi nhìn đồng hồ- Hôm nay ta tạm dừng ở đây! Tôi hy vọng rằng sau hai tháng nữa những yếu kém sẽ được khắc phục triệt để. Còn bây giờ chúng tôi về Hà Nội.
Dứt lời ông đứng dạy, các đại biểu cũng lục tục đứng dạy. Tư lệnh Lân hớt hải lại gần:
- Mời Tổng Tham mưu trưởng và các đồng chí ở lại dùng cơm trưa, giờ cũng đã muộn rồi!
Tổng tham mau trưởng lắc đầu nhưng miệng cười thật tươi:
- Cảm ơn các anh! Để dịp khác vậy!

Ông dứt khoát bắt tay rồi bước nhanh ra chiếc xe con đã chờ sẵn ngoài cửa hội trường. Chỉ một loáng sau đoàn xe đã mất hút ngoài cổng để lại một luồng bụi dài phía sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét