Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

NẶNG NỀ NHƯ VẬY XE TĂNG VƯỢT BÃI LẦY NHƯ THẾ NÀO?

Xe tăng vượt qua bãi lầy thế nào?
Xe tăng T-90 của Nga thực hành vượt lầy.

Với trọng lượng lên đến vài chục tấn, các địa hình lầy thụt luôn là một hiểm họa đối với xe tăng.

Mặc dù có trọng lượng lớn song nhờ diện tích tiếp xúc với mặt đất cũng tương đối lớn nên áp suất trung bình lên mặt đất của xe tăng cũng không lớn lắm, thường dao động trong khoảng 0,8- 0,9 KG/cm2.
Vì vậy, so với các loại xe bánh lốp khả năng vượt qua những địa hình có chất đất mềm, lầy thụt... của xe tăng có phần trội hơn. Tuy nhiên, khi mà chất đất quá yếu, lượng bùn loãng có độ sâu lớn... thì lợi thế trên cũng không giúp cho xe tăng vượt qua được mà sẽ rơi vào tình trạng bị sa lầy.
Đặc trưng chính của sa lầy là xe tăng bị chìm sâu trong bùn lầy, nếu vẫn tiếp tục khởi xe thì hai dải xích sẽ bị quay trượt trong bùn, không đủ khả năng kéo xe tăng chuyển động được nữa.
Nguyên nhân của tình trạng này là do lực kéo bám của hai dải xích vốn được tạo nên từ ma sát giữa dải xích với mặt đường nay gần như bằng 0 nên không truyền được động lực của động cơ xuống mặt đường để đẩy xe đi.
Nhìn chung, sa lầy trong bất kỳ tình huống nào cũng nguy hiểm, nhất là trong chiến đấu hoặc hành quân chiến đấu.
Xe tăng vượt qua bãi lầy thế nào? - Ảnh 1.
Xe tăng T-90 của Nga thực hành vượt lầy.
Trong trận đánh Tà Mây đêm 24.01.1968 của Đại đội XT 3, khi vượt ngầm số 5 trên đường xuất kích cả đại đội đã bị lầy. Sau gần 1 đêm cứu kéo, đến sáng mới có 2 xe 558 và 555 vượt qua được để tham gia chiến đấu. Tuy trận đánh thắng lợi song hiệu suất bị giảm đi rất nhiều.
Để khắc phục tình trạng này, trong quá trình trinh sát và chuẩn bị đường cơ động cho xe tăng cần hết sức cẩn trọng, chính xác. Phải căn cứ vào tình hình chất đất cụ thể để có các giải pháp khắc phục như tìm đường vòng tránh, tăng cường đất đá, cành cây v.v... nhằm tăng cường lực bám cho xích xe.
Còn trong trường hợp đã bị sa lầy phải căn cứ tình hình cụ thể để có phương án cứu kéo thích hợp để nhanh chóng đưa xe tăng ra khỏi khu vực lầy thụt tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Có thể áp dụng một trong những giải pháp sau:
Cứu kéo bằng các phương tiện chuyên dùng:
Đó là các loại xe dắt, xe chở tăng... Những loại xe này có bộ tời với dây cáp dài đến hàng trăm mét và có lực kéo khoảng 50 tấn. Khi cần cứu kéo xe sa lầy thì xe kéo phải được cố định chắc chắn bằng lưỡi ben hoặc các khối chèn.
Sau đó móc cáp vào xe bị lầy và dần dần tời lên. Đây là phương pháp an toàn và nhanh nhất song không dễ áp dụng vì không phải lúc nào cũng có sẵn các phương tiện này trong đội hình.
Dùng xe tăng kéo nhau
Theo biên chế, trên bất kỳ xe tăng nào cũng có 2 sợi cáp kéo xe và các vòng nối cáp. Khi có xe sa lầy không tự lên được phải đưa xe kéo đến vị trí thích hợp rồi móc cáp nối hai xe lại với nhau (nếu cần thì phải nối cáp).
Xe tăng vượt qua bãi lầy thế nào? - Ảnh 2.
Xe tăng T-90 của Nga thực hành cứu kéo nhau khi bị xa lầy.
Tiếp đó người chỉ huy cho xe kéo từ từ tiến lên để "căng cáp" nhằm tránh tình trạng giật đột ngột sẽ gây đứt cáp. Trong lúc đó cho xe bị sa lầy khởi động, vào số.
Khi cả hai xe đã sẵn sàng thì chỉ huy cho cả hai xe đồng thời khởi xe, tăng ga để thoát ra khỏi bãi lầy. Trường hợp 1 xe không kéo được có thể "đấu" 2, 3 xe cùng kéo.
Đây là tình huống thường gặp nhất trong hành quân cũng như chiến đấu. Điều cần lưu ý là công tác tổ chức chỉ huy và bảo đảm an toàn. Đã từng có nhiều trường hợp kéo nhau bị đứt cáp, sợi cáp đứt quật vào người lái xe gây thương vong.
Kíp xe tự cứu
Khi không có các phương tiện chuyên dùng hoặc xe bạn đến cứu kéo thì kíp xe buộc phải "tự cứu" nếu không muốn nằm tại chỗ.
Tự cứu bằng "gỗ tự cứu":
Khi có mang theo "gỗ tự cứu" kíp xe có thể sử dụng để tự cứu mình. "Gỗ tự cứu" là những cây gỗ thẳng, dài bằng chiều rộng thân xe và có đường kính khoảng 20- 25 cm, thường được cố định phía đuôi các xe tăng.
Kèm theo đó, trong bộ dụng cụ theo xe của hầu hết các loại xe tăng đều có 2 sợi "cáp tự cứu". Đó là hai khoanh cáp đường kính khoảng 50 cm, ở chỗ nối cáp có vấu để cố định vào hốc lõm của "vú xích".
Khi cần sử dụng, 2 vòng cáp tự cứu này được lắp vào dải xích nhờ vấu cố định trên, sau đó luồn "gỗ tự cứu’ qua 2 khoanh cáp và khởi xe như bình thường. Nhờ có "gỗ tự cứu" làm tăng lực kéo bám của dải xích và đẩy được xe ra khỏi vũng lầy.
Đối với loại xe không có "cáp tự cứu" thì có thể dùng dây cáp kéo xe kết nối "gỗ tự cứu" với 2 dải xích cũng có thể tự cứu được.
Tự cứu nhờ các vật cố định bên ngoài:
Trường hợp không có gỗ tự cứu, kíp xe có thể tự cứu nhờ các vật cố định bên ngoài như gốc cây, trụ bê tông, tảng đá lớn... Để làm được việc này cần chọn một vật cố định chắc chắn phía trước xe rồi vòng sợi cáp kéo xe qua đó.
Đầu kia của sợi cáp (có thể nối vài sợi) được cố định vào một mép dải xích nhờ vòng nối cáp. Tiếp đó cho nổ máy và từ từ khởi xe. Vật cố định sẽ thay thế lực kéo bám không cho dải xích quay trượt nữa và đẩy xe tăng về phía trước.
Vì tình huống sa lầy cũng xảy ra khá thường xuyên trong quá trình khai thác, sử dụng xe tăng nên trong các trường dạy lái xe tăng bao giờ cũng có khoa mục "Cứu kéo xe" nhằm rèn luyện cho học viên làm quen và biết cách xử trí tình huống này trong thực tế.
Nguồn: http://soha.vn/xe-tang-vuot-qua-bai-lay-the-nao-2016091107322391.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét