Vùng ngoại ô Pa- ri nhà cửa khá thưa thớt và rất nhiều cây xanh. Còn quá sớm đối với người Pa- ri (theo lời HDV, ở đây phải 9- 10 giờ họ mới làm việc) nên hầu hết các cửa hàng đều chưa mở cửa. Người đi lại cũng chưa đông lắm song càng đi sâu vào nội đô thì tình trạng ùn tắc cũng bắt đầu xảy ra. Đi sâu vào khu phố cổ có cảm tưởng như đi vào khu phố Tây ở Hà Nội. Những dãy nhà tầm 3- 4 tầng với các ban- công bằng sắt nằm nghiêm ngắn dọc theo từng con phố. Điều khác biệt ở đây là các ngôi nhà đều không có lồng sắt, “chuồng cọp” hoặc gác treo ra ngoài. Càng vào sâu nội đô thì đường càng hẹp so với tiêu chuẩn bây giờ và cũng giao nhau như ô bàn cờ, cứ khoảng vài chục mét lại một ngã tư với đèn xanh, đèn đỏ... Thấy một cái cổng rất cao to hiện ra phía trước, nhà cháu giật mình thốt ra: “Khải hoàn môn?”. Thì ra không phải! Đó chỉ là một cái cổng của một “cửa ô” vào Pa ri- kiểu như ô Quan Chưởng nhà mình mà thôi. Sau này nhà cháu còn gặp khá nhiều cổng kiểu này nữa và không chỉ ở Pa- ri.
Mất gần 2 tiếng cơ động, đoàn mới tới được điểm tham quan đầu tiên: Nhà thờ Đức Bà Pa- ri. Đây là nhà thờ lớn nhất ở Pa- ri nói riêng và nước Pháp nói chung, là nơi đặt Tòa Tổng giám mục của nước Pháp, đã được phong là Vương cung thánh đường... Nhà thờ được xây dựng từ TK XII trên hòn cù lao Île de la Cité giữa dòng sông Sen. Vượt qua ý nghĩa nơi thờ tự thiêng liêng của người Thiên chúa giáo, Nhà thờ Đức Bà Pa- ri đã trở thành một địa điểm tham quan quan trọng của Pa- ri và hầu như du khách nào có dịp đến Pa- ri thì đều ghé thăm nơi đây. Muốn tìm hiểu sâu hơn mời các cụ hỏi bác Gúc!
Lúc này đã là hơn 9 giờ sáng. Trời nắng nhẹ. Những sợi nắng vàng óng như mật ong dường như chỉ làm cho những gương mặt người tươi tắn hơn lên chứ không gay gắt như những tia nắng miền nhiệt đới quê nhà. Bầu trời châu Âu xanh ngăn ngắt, lang thang trên đó là vài đám mây đủ hình dáng. Đi du lịch mà được thời tiết như thế này thì thật tuyệt.
Từ bãi đỗ xe, cả đoàn lục tục theo chân chàng HDV như đàn gà con theo mẹ đi kiếm ăn. Mà cái anh chàng HDV này chắc nó sống lâu năm ở bên này hay sao ấy nên nó đi bộ nhanh lắm. Tuy nhiên, cũng không đáng lo lắm bởi nếu anh có lỡ bước xuống lòng đường khi đã có đèn đỏ thì các lái xe sẽ lập tức dừng lại chờ anh đi qua mới đi tiếp. Công nhận họ là những người kiên nhẫn nhất quả đất!
Khi đoàn nhà cháu đến nơi thì quảng trường trước nhà thờ đã đông nghẹt du khách. Đủ các màu da, đủ các giọng nói, đủ thứ quần áo và trang sức... nhưng tất cả đều rất thân thiện, nhẹ nhàng với nhau. Thấy người khác đang ngắm nghía chụp ảnh, hầu hết mọi người đều chủ động dừng lại hoặc vòng ra sau. Có nói gì với nhau người ta cũng nói nho nhỏ, đủ nghe... Ngay cả các du khách Tàu nổi tiếng to mồm và bất lịch sự ở đâu đó thì đến đây cũng vậy. Đúng là “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, sống trong xã hội văn minh cũng làm cho người ta tiến bộ hơn thì phải!
Đoàn nhà cháu kéo nhau đến “Mốc số 0” ngay trước nhà thờ. Tương truyền: “ai giẫm lên mốc này sẽ có ngày được trở lại Pa- ri” làm cho nó trở nên đông đúc đặc biệt- Ai chả muốn quay lại, phỏng các cụ? Thế rồi nhà cháu cũng giẫm lên mốc được một cái. Để cho chắc ăn nhà cháu quay hẳn một vòng. Chả biết nó có hiệu nghiệm không? Chắc phải chờ chục năm nữa mới biết!
Nhìn chính diện, nhà thờ Đức Bà Pa- ri có hình dáng tương đối giống Nhà thờ lớn Hà Nội với hai tháp chuông không chóp ở hai bên. Tuy nhiên, quy mô, kích thước cũng như trình độ kỹ, mỹ thuật thì có sự khác biệt nhiều. Nó lớn hơn cả về chiều rộng, chiều dài và chiều cao. Những bức tượng, những họa tiết trang trí hết sức sinh động và thật sự đẹp- đẹp đến từng mi li mét. Màu của nó cũng sáng hơn bởi không phải chịu sự tiến công của rêu mốc miền nhiệt đới nư nhà thờ lớn của HN ta.
Để vào tham quan phía trong nhà thờ du khách phải xếp hàng, khi qua cửa phải mở túi để nhân viên kiểm tra an ninh. Vừa bước chân vào qua cửa, một cảm giác choáng ngợp thoáng qua trong người nhà cháu bởi mái vòm cao vút cùng ánh đèn nến lập lòe ở các khám thờ trên chính điện cũng như hai bên. Rất, rất nhiều người thành kính quỳ trước khám thờ, miệng lâm râm cầu nguyện, tay không ngớt làm dấu thánh. Vốn không nặng nề về đức tin cho lắm, hai lính già nhà cháu xem qua một vòng rồi ra sân ngồi ngắm cảnh, ngắm... người. Ông bạn Che Tran lẩm bẩm: “Hình như cả thế giới người ta đổ về đây, ông ạ!”. Có thế thật!
NT Đức Bà nhìn chính diện |
Vòm trần nhà thờ Đức Bà |
NT Đức Bà nhìn nghiêng |
Dẫm chân lên cột mốc số "0" để hy vọng ngày trở lại |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét