Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

GIẺ LAU- CHUYỆN NHỎ MÀ KHÔNG NHỎ!

Vũ khí, phương tiện cơ giới hiện đại: Giẻ lau như của quý!
Hội thi kỹ thuật tăng thiết giáp toàn quân năm 2012. Ảnh: Báo Đồng Nai

Để đảm bảo khai thác, sử dụng các loại trang bị vũ khí một cách hiệu quả thì chúng cần thường xuyên được bảo quản, bảo dưỡng theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Chuyện tưởng nhỏ nhưng mà không nhỏ!
Đúng như vậy! Nhất là đối với các lực lượng được trang bị phương tiện cơ giới hiện đại.
Một trong những nội dung bảo quản, bảo dưỡng trang bị vũ khí (TBVK) là phải lau chùi sạch sẽ. Từ nhỏ và đơn giản như khẩu súng bộ binh đến to lớn và hiện đại như quả tên lửa vượt đại châu hay chiếc tàu ngầm hạt nhân cũng đều yêu cầu như vậy.
Để thực hiện được điều đó, ngoài một số công cụ hỗ trợ như bơm nước cao áp, máy hút bụi... thì nhiệm vụ chính đặt lên những tấm giẻ lau. Vì vậy, những mảnh giẻ lau trong quân đội tưởng như nhỏ mà không hề nhỏ.
Thời kháng chiến chống Mỹ cũng như thời kỳ trước đổi mới (thập niên 90 của thế kỷ XX trở về trước), khi cả nước sống trong chế độ bao cấp thì việc cung cấp giẻ lau cho quân đội thường dựa vào các nguồn sau:
- Từ quân trang "thu cũ, phát mới" của quân nhân trong các đơn vị.
- Thu mua, đổi hiện vật, quyên góp... trong nhân dân.
- Cấp phát từ cơ quan chuyên môn cấp trên cho các khí tài đặc biệt.
Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất xã hội lúc đó nhìn chung là nghèo nàn nên cả ba nguồn cung này đều gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với nguồn tự bảo đảm từ thu quân trang cũ của bộ đội thì vì chất lượng quân trang thời đó thường rất kém (trừ trường hợp quân trang do nước bạn viện trợ), không đáp ứng đủ yêu cầu nên bộ đội phải tận dụng đến mức tối đa mà nhiều trường hợp vẫn phải mặc quần áo vá các kiểu.
Vì vậy, khi thu lại đồ cũ một cái quần có khi chỉ còn cạp, còn áo có khi chỉ là cái cổ áo. Đối với các đơn vị bộ binh thì còn khả dĩ chứ các đơn vị có phương tiện cơ giới thì nguồn cung này chỉ như muối bỏ bể.
Vũ khí, phương tiện cơ giới hiện đại: Giẻ lau như của quý! - Ảnh 1.
Lau chùi bảo quản xe tăng. Ảnh: Văn nghệ Quân đội.
Còn nguồn thu từ trong dân cũng không phải dễ dàng và phong phú gì. Ở cái thời mà mỗi người dân chỉ được phân phối 3 mét vải mỗi năm thì người ta cũng phải tận dụng đến mức tối đa mới tạm đủ nhu cầu mặc cho gia đình.
Người ta vá víu, "pích-kê", lộn trái, lộn phải, lộn trước ra sau... cho đến khi không làm gì hơn được nữa thì mới thải loại. Vì vậy, trong số giẻ mà một mạng lưới thu gom rất rộng lớn của các cơ quan kỹ thuật thu về rồi cấp phát cho các đơn vị thì là một mớ "tả-pí-lù" các loại giẻ rách hết sức đa dạng cả về chủng loại và chất lượng.
Thôi thì đủ thứ trên đời và do cất giữ trong kho lâu ngày nên thường có mùi rất ... khó tả. Tuy nhiên, cũng nhờ phong trào kết nghĩa (mà mục đích chính là để quyên góp giẻ) giữa các đơn vị xe tăng với các nhà trường mà đã nảy sinh nhiều mối tình đẹp giữa cánh lính tăng với các cô giáo trẻ và rất nhiều đôi đã nên duyên.
Trong khi hai nguồn cung kể trên chủ yếu là giẻ rách thì lại có một loại giẻ nữa rất cao cấp mà những ai "sành điệu" về thời trang thời đó cũng phải thèm khát.
Đó chính là những miếng vải bông, những mét vải phin nõn trắng tinh, thơm tho dành cho khí tài quang học và thiết bị điện tử hoặc vải thô dành cho nòng pháo súng và ống phóng tên lửa v.v...
Tuy nhiên, nguồn này cũng rất hạn chế và được quản lý rất chặt chẽ, có định mức cụ thể cho từng đầu khí tài, trang bị và thường được cơ quan Quân khí cấp phát theo ngành dọc trong những ngày làm công tác kỹ thuật.
Trong khi đó, cường độ khai thác sử dụng TBVK lại rất cao, điều kiện sử dụng thường khắc nghiệt, bụi bặm nhiều, các phương tiện hỗ trợ thiếu hoặc không thể triển khai được... nên chỉ trông vào cách lau bằng giẻ.
Mà với một định mức rất khiêm tốn - chẳng hạn mỗi lần bảo dưỡng cấp 1 xe tăng được cấp 2 kg giẻ/ xe, chất lượng lại mủn xì xì thì giẻ lau luôn luôn là một vấn đề nan giải đối với bộ đội các binh chủng kỹ thuật.
Anh em thường phải giặt đi, giặt lại để dùng được nhiều lần. Thời đó các loại chất tẩy rửa cũng vô cùng hiếm nên giặt giẻ cũng không dễ dàng gì. Nếu đơn vị đóng quân tập trung hàng tháng có thể được cấp một số bồ-tạt (pô-tát ăn da - KOH) để giặt giẻ.
Bồ-tạt được hòa nước, đun sôi lên, giẻ được ngâm vào đó vài phút rồi đem ra giặt lại bằng nước lã. Còn nếu không thì rũ qua bằng diesel sau đó giặt lại nhiều lần bằng nước lã mới dùng tạm được.
Giẻ lau như của quý!
Một cảnh tượng thường thấy trên các bờ rào xung quanh doanh trại lính tăng ngày đó là la liệt những miếng giẻ rách muôn hình, vạn trạng đang được phơi phóng và gìn giữ như của quý.
Vũ khí, phương tiện cơ giới hiện đại: Giẻ lau như của quý! - Ảnh 2.
Bảo quản xe tăng ở Lữ đoàn tăng – thiết giáp 22, Quân đoàn 4. Ảnh: QĐND.
Giẻ quý như vậy nên chiều 30/04/1975, khi từ dinh Độc Lập ra chiếm giữ cảng Sài Gòn mỗi xe của Đại đội xe tăng 4 - đơn vị đã húc đổ cổng dinh - đều khuân 1 súc vải về để... lau xe dần!
Ngày nay, các nguồn cung cấp vẫn như vậy song chất lượng giẻ tốt hơn nhiều. Các đơn vị được cấp tiền để tự ký hợp đồng với các địa phương mua quần áo cũ hoặc các doanh nghiệp dệt may để tận dụng sản phẩm thừa.
Thậm chí có cả các cơ sở chuyên sản xuất, cung ứng các loại giẻ lau. Ngoài ra, hầu hết các đơn vị đã có khu kỹ thuật tương đối chính quy nên có thể triển khai các phương tiện hỗ trợ làm sạch như máy rửa xe với vòi phun cao áp, máy hút bụi v.v... nên nhu cầu về giẻ không còn căng thẳng như trước nữa.
Tuy nhiên, chất vải ngày nay thường pha "ny-lon" nhiều quá nên vừa không thấm nước, vừa khó lau sạch... như các loại vải mộc, vải bông ngày xưa.
Nguồn: http://soha.vn/vu-khi-phuong-tien-co-gioi-hien-dai-gie-lau-nhu-cua-quy-20161109175135807.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét