Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

ÂU CHÂU DU KÝ- 19

Ngỡ ngàng Vơ ni dơ

Nói đến Ý, tất nhiên thành phố đầu tiên người ta nhắc đến là Rô ma. Tuy nhiên, còn một thành phố khác cũng nổi tiếng không kém mà mọi du khách khi đến Ý đều muốn đặt chân tới- đó là Vơ ni dơ, gọi theo tiếng Ý là Venezia.
Nằm ở phía đông bắc nước Ý trên bờ biển A đờ ri a tích, được cấu thành bởi 118 hòn đảo, 150 kênh đào, 444 cây cầu nối các đảo với nhau trong một vịnh kéo dài 60km, rộng 4km Vơ ni dơ được nhắc đến với nhiều mỹ từ khác nhau: thành phố của các kênh đào, thành phố sông nước, thành phố tình yêu... với vẻ đẹp thanh bình và lãng mạn bậc nhất châu Âu. Điểm độc đáo có một không hai của nó là thành phố nằm dầm chân trong nước biển, thay vì những đại lộ, những con đường thì ở đây là những con kênh; phương tiện đi lại thì không phải là ô tô, tàu điện mà là những con phà, những chiếc tắc- xi nước- thực chất đó là những chiếc xuồng cao tốc và những chiếc thuyền gondola mũi cong kiểu cách.
Có nhiều giả thuyết về sự hình thành thành phố này. Giả thuyết có sức nặng nhất cho rằng sở dĩ người ta phải xây dựng nơi cư trú trên đầm phá ven biển là để trốn chạy sự xâm lăng của một bộ tộc khác, đồng thời lợi dụng vào sự hiểm trở của địa hình để chống lại sự xâm lăng đó. Thế rồi thành phố lớn dần lên và có lúc đã trở thành một đế chế độc lập, có lúc lại thuộc về nước Áo... Tuy nhiên, dù dưới bất cứ thể chế hay thuộc quốc gia nào thì Vơ ni dơ vẫn cứ hấp dẫn đối với du khách toàn thế giới. Theo như thống kê thì mỗi ngày thành phố này đón khoảng 50.000 du khách.
Để đến Vơ ni dơ hiện nay đã có đường tàu hỏa và đường ô tô (xe nhỏ) vào ga trung tâm. Còn từ đó trở đi thì chỉ có đi bộ và đi thuyền, phà. Vì vậy, đoàn nhà cháu phải gửi xe ở đất liền và lên tàu đi vào thành phố. Sau khi xuống tàu, thày trò nhà cháu phải chen vai thích cánh cùng du khách đủ màu da để về khách sạn. Cái khách sạn cũng nhỏ bé và cũ kỹ như hầu hết ngôi nhà ở đây, chỉ được cái chìa khóa phòng là nặng- phải đến 200g.
Trời vẫn còn khá sớm nên cả đoàn quyết định thuê 2 chiếc tắc xi nước để đi thăm đảo Bu ra nô (nghĩa là Cầu Vồng) ở cách trung tâm gần chục km. Tắc xi luồn lách qua một số ngõ ngách rất cổ kính, cũ xưa của thành phố với những móng đá mòn vẹt, những bậc lên xuống sứt sẹo, đầy rêu... rồi lao ra biển. Ngoài biển ở đây cũng được phân luồng bằng hệ thống cọc gỗ, một số có đèn chiếu sáng nhưng không biết dùng năng lượng gì vì không thấy có dây điện. Dọc đường ra đảo phải đi qua nhiều hòn đảo nhỏ khác, có cả những pháo đài cổ nằm chơ vơ giữa biển. Phải mất đến hơn 20 phút mới đến được đảo Bu ra nô.
Đặc điểm nổi bật của hòn đảo này là các ngôi nhà trên đảo được sơn bằng các màu sơn khác nhau. Cội nguồn của chuyện này được cho là do ở ngoài biển, sương mù rất dày- có khi cả ngày. Vì vậy, để những người đi biển nhận biết được nhà mình, chính quyền của đảo quy định các nhà phải sơn màu khác nhau. Nghĩ bụng, nhiều ông lại muốn cho màu sơn nó nhanh nhạt đi ấy!
Tuy nhiên, giờ đây nghề nghiệp chính của cư dân trên đảo không phải là đánh cá nữa mà chủ yếu là làm hàng thủ công mỹ nghệ và dịch vụ phục vụ du lịch. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng ở đây là hàng thêu ren và mặt nạ. Thú vị nhất là ở đây có một cái tháp chuông nhà thờ nghiêng không kém gì tháp nghiêng Pi dơ. Không biết họ có gia cố gì không chứ cứ để như thế chắc chỉ vài năm nữa là đổ.
Từ Bu ra nô trở về, đoàn nhà cháu cập bến tại quảng trường trung tâm của thành phố- QT San Marko. Marko là vị thánh bảo trợ cho thành phố nên tên của ông được đặt cho quảng trường này. QT hướng ra phía biển, ngay phía ngoài là 2 cột đá lớn. Trên đỉnh cột một bên là tượng con sư tử có cánh- biểu tượng của TP; cột bên kia là tượng một người- vị tổng trấn đầu tiên của TP đang cầm chiếc đinh ba đâm một con cá sấu thì phải. Phía cuối của QT là nhà thờ San Marko, một bên là dinh Tổng trấn, phía sau nhà thờ là QT Napoleon vì khi chinh phục nước Ý ông ta cũng đến đây.
Trên quảng trường San Marko cũng như Napoleon đông nghẹt du khách. Những dàn chim bồ câu dạn dĩ xúm lại bên những ai có chút bánh vụn trong tay. Vốn đã có mấy thứ bánh trong túi nên nhà cháu với ông bạn Che Tran cũng được chim chóc rất mến mộ.
Từ QT trung tâm về khách sạn đoàn nhà cháu đi bằng phà theo Kênh Lớn- được mệnh danh là Đại thủy lộ đẹp nhất hành tinh. Quả thật, nó không hổ với danh xưng ấy. Dọc hai bên bờ của nó là rất nhiều công trình rất đẹp, đủ mọi kiểu dáng, nhiều căn rất kiểu cách và xa hoa. Mặc dù đứng chật như nêm nhưng các du khách cũng không vì thế mà không bấm cò máy ảnh liên tục.
Bữa chiều được bắt đầu bằng món đặc sản Vơ ni dơ: sphaghétty (mỳ Ý) sốt mực và vang Ý. So với các loại mỳ khác, mỳ này có màu đen bóng và vị rất đặc biệt. Và một điều nữa cũng rất đặc biệt là môi, lưỡi và răng của khách đều đen sỳ vì món nước sốt được nấu bằng mực của cá mực.
Buổi đêm Vơ ni dơ cũng sáng trưng và nhộn nhịp chẳng khác ban ngày là bao. Một vài anh chị có máu mặt trong đoàn nhấm nháy nhau đến ca si nô để thử vận may. Anh em nhà cháu đi dạo một lúc rồi về ngủ. Một giấc ngủ rất say cùng những giấc mơ đẹp tại một địa diểm thật tuyệt vời!




















































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét