Mặc dù gần như suốt đêm không
chợp mắt nhưng ông Đào vẫn thấy tỉnh táo lạ thường. Dường như khí thế của cuộc
tiến công như vũ bão của binh đoàn thọc sâu đã tiếp thêm sức mạnh cho cái thân
thể không lấy gì làm khỏe mạnh của ông vậy. Không chỉ có thế, cái mặt lúc nào
cũng khó đăm đăm của ông hôm nay cũng mang một bộ dạng khác hẳn. Ngồi trên xe,
thỉnh thoảng ông còn bật ra một câu nói đùa làm cho trợ lý Hàng, lái xe Năm và
cậu chiến sĩ thông tin cũng phải bật cười.
Đêm qua, lúc có lệnh cho bộ đội
tạm nghỉ, ông không ngủ mà ngồi dựa vào một gốc cây bên đường mở đài nghe. Nửa
đêm về sáng, các đài tiếng Việt hầu như không lên sóng, chỉ có đài Trung Quốc
là mạnh. Nghe một lát thấy chỉ là những tin tức chung chung, ông chuyển về Đài Tiếng
nói Việt Nam. Một giai điệu hùng tráng nổi lên: “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch
giặc thù. Tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô”. Ông nghe mà thấy lòng nao
nao xúc động. Vâng, đúng thế. Hôm nay, ông và các đồng đội của ông sẽ đánh trận
cuối cùng, sẽ tiến về Sài Gòn để thực hiện khát vọng thống nhất, độc lập, tự do
đã nung nấu từ ngàn đời nay của cả dân tộc.
Cái giai điệu ấy còn ngân vang
mãi trong lòng ông, nhất là khi ông đứng ở ngã ba Vũng Tàu lặng nhìn hàng trăm
chiếc xe đủ loại được dẫn đầu bởi những chiếc xe tăng kiêu hùng đang hối hả lao
về phía Sài Gòn. Đúng là một trận cuồng phong không một sức mạnh nào, một thế
lực nào có thể ngăn cản nếu nó không muốn bị cuốn phăng đi. Trong khoảnh khắc
ông chợt nhớ đến Bác Hồ, người Cha già dân tộc, con người mà ông hằng yêu mến,
kính trọng. Người đã không còn nữa để chứng kiến thời khắc hào hùng này, cái
thời khắc mà suốt đời Người vẫn ao ước. Ông Đào chỉ chợt tỉnh khi thấy đoàn xe
của sở chỉ huy tiền phương binh đoàn Sông Hương vọt qua. Đưa vội chiếc đài bán
dẫn cho Hàng đang đứng cạnh, ông bảo:
- Cậu liên tục mở đài Sài Gòn để
theo dõi xem chúng phản ứng thế nào nhé- Bằng những bước chân dứt khoát, ông bước lại
chiếc xe con và mở cửa, trèo lên ghế sau- Năm, cho xe bám sát xe của sở chỉ huy
binh đoàn. Còn cậu, đưa tớ bộ cáp nghe rồi mở đài đi.
Năm nổ máy phóng vụt đi. Anh trổ
tài len lách nên chỉ vài phút sau đã bám kịp đoàn xe của sở chỉ huy binh đoàn
Sông Hương. Đúng lúc ấy, đoàn xe bị ùn lại. Từ phía trước, nhiều tiếng nổ vang
lên. Ông Đào đã chụp bộ cáp lên đầu, miệng lẩm bẩm:
- Cái cậu Nhã này hay thật! Đã
dặn đi, dặn lại không được ham đánh cơ mà.
Hàng rời tai khỏi cái đài, lo
lắng:
- Có chuyện gì thế, thủ trưởng?
Ông Đào nhìn quanh một lát rồi
phán đoán:
- Chắc bọn địch ở Trường sĩ quan
Thủ Đức nó bắn vào đội hình ấy mà. À, được rồi. Cậu Tình đã can thiệp đúng lúc.
Mặc dù đi ở giữa đội hình nhưng
nhờ chiếc máy 2 oát, ông Đào vẫn cơ bản nắm được tình hình phía trước. Sau lần
được nhắc nhở ở Thủ Đức, tiểu đoàn trưởng Nhã đã quán triệt rất tốt cách đánh
của chiến dịch. Anh đã bỏ qua những mục tiêu hay toán địch lẻ tẻ trên đường nên
tốc độ tiến công được đẩy lên rất cao.
Trái tim ông Đào chỉ thật sự thắt
lại khi nghe Nhã báo cáo về tình hình địch ở đầu cầu Sài Gòn. Ông biết, đây là
chốt chặn cuối cùng của địch trên đường tiến vào nội đô. Những kẻ đang cầm cự ở
đây là những kẻ chẳng còn gì để mất nên chắc chắn chúng sẽ chống trả hết sức
điên cuồng. Và điều tệ hại nhất là trong bước đường cùng chúng có thể sẽ phá
cầu. Nếu điều đó xảy ra thì thật sự là một thảm họa. Con sông Sài Gòn rộng mấy
trăm mét sẽ là một vật cản thiên nhiên lớn mà khắc phục được nó không hề dễ
dàng. Không chần chừ, ông dằn giọng:
- Năm, cho xe lách lên phía trước
đi!
Năm hơi ngần ngừ nhưng rồi cũng
vào số và từ từ lách qua dòng xe tải hỗn độn nhích lên phía trước. Đúng lúc ấy,
Hàng lắp bắp:
- Báo cáo thủ trưởng, đài Sài Gòn
phát lời kêu gọi của Dương Văn Minh- Vừa nói anh vừa đưa vội chiếc đài cho ông
Đào.
Ông Đào ghé vội tai vào chiếc
đài, tay vặn tăng âm lượng. Từ chiếc đài vọng ra tiếng nói buồn buồn của Tổng
thống ngụy quyền Dương Văn Minh: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa
giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự
hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì
lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh,
không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ
Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây
chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau
thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của
đồng bào”.
Một thoáng suy nghĩ, ông Đào đột ngột hô:
- Năm, dừng lại!
Xe vừa dừng, ông đã bật cửa cầm chiếc đài xăm xăm
chạy lại chỗ đoàn xe của sở chỉ huy tiền phương binh đoàn. Tướng Ân đang đi đi,
lại lại trên đường tỏ ra vô cùng sốt ruột. Nhác thấy bóng ông Đào, tướng Ân sốt
sắng:
- Có gì thế, anh Đào?
Ông Đào chỉ chiếc đài:
- Có chuyện, anh ạ. Dương Văn Minh vừa lên đài kêu
gọi hai bên buông súng, ở đâu ở nguyên đó để chờ bàn giao chính quyền.
Tướng Ân ngạc nhiên:
- Có chuyện đó à?
Đúng lúc đó, một trợ lý chính trị binh đoàn chạy
lại, tay anh ta cũng cầm một chiếc đài bán dẫn. Không để người trợ lý nói,
tướng Ân xua tay:
- Tớ biết rồi- Trán ông nhăn lại, ông quay sang ông
Đào- Anh nghĩ sao? Có dừng lại không?
Không chần chừ, ông Đào quả quyết:
- Theo tôi, ta cứ việc ta ta làm. Dừng bây giờ là
chết, là mắc mưu chúng đấy.
Tướng Ân gật đầu:
- Đúng! Kiên quyết không dừng lại. Nhờ anh chỉ đạo
giúp anh em xe tăng đẩy nhanh tốc độ tiến công hơn nữa.
Bắt vội tay người đồng đội, ông Đào chạy trở lại xe
của mình. Vừa chui vào xe, ông đã bảo Năm:
- Chạy lên trước đi!- Chụp vội cáp nghe vào tai,
ông bóp công tắc phát- Nghĩa Bình đâu, tôi Tam Đảo đây. Tập trung mọi lực
lượng, nhanh chóng vượt cầu theo kế hoạch.
Khi chiếc xe con của Năm chạy lên đến sau đội hình
xe tăng của tiểu đoàn 5 thì cũng là lúc ông Đào nghe thấy khẩu lệnh xung phong
của Nhã. Biết rằng vật cản đầu cầu đã thông, chốt chặn cuối cùng đã mở và cầu
vẫn còn nguyên ông thở ra một hơi dài khoan khoái. Qua được cây cầu này, chắc
chắn chỉ ít phút nữa cái Phủ đầu rồng của bè lũ ngụy quyền sẽ nằm trong thị
trường kính ngắm của xe tăng.
Như được một đầu kéo cực mạnh lôi đi, đoàn xe gần
400 chiếc của binh đoàn thọc sâu lũ lượt qua cầu. Năm cũng đang nhấn mạnh ga
cho chiếc xe con của mình thì ông Đào dằn giọng:
- Dừng lại!
Năm tấp vội xe vào lề đường rồi dừng lại. Ngay
trước xe anh là một chiếc thiết giáp K63 bị đạn pháo phá tung phần nóc. Trước
đó chừng vài chục mét là hai chiếc xe tăng đang cháy ngùn ngụt. Một số cán bộ,
chiến sĩ đang khẩn trương cấp cứu thương binh. Ông Đào đã nhận ra trong số đó
có trung úy Cán, trợ lý chính sách của lữ đoàn H03. Nhẹ nhàng tiến lại gần
chiếc xe, ông cúi xuống bên Cán:
- Anh em mình hy sinh, bị thương có nhiều không?
Đang thoăn thoắt băng lại vết thương cho một chiến
sĩ nhưng khi thấy trước mặt mình là tư lệnh binh chủng, Cán đứng phắt dậy, anh
nhẩm tính một lát rồi nói bằng cái giọng đẫm nước mắt:
- Báo cáo thủ trưởng, tổng số hy sinh từ sáng đến
giờ của H03 là 10 đồng chí, còn bị thương là 11 đồng chí ạ.
Ông Đào ngạc nhiên:
- Sao? Nhiều thế cơ à? Có 3 xe bị thôi mà.
Cán lắc đầu:
- Dạ, 4 xe ạ. Còn xe 707 của tiểu đoàn 5 bị cháy ở
Thủ Đức nữa. Nguyên xe đó cả 5 đồng chí hy sinh. Xe chỉ huy này 2 đồng chí. Hai
xe tăng kia mỗi xe 1 đồng chí. Còn 1 đồng chí nữa là tiểu đoàn trưởng Nhã.
Ông Đào bỗng thấy sây sẩm mặt mày, miệng lắp bắp:
- Cậu Nhã chết rồi à? Tớ vừa nghe thấy cậu ấy hô
xung phong cơ mà.
Cán đưa tay quệt nước mắt:
- Dạ, đúng thế ạ. Anh ấy nhô người ra ngoài quan
sát và chi huy. Khi thấy thời cơ đến, anh ấy đã ra lệnh xung phong. Nhưng một
viên đạn đã bắn trúng trán anh ấy.
Trấn tĩnh lại một hồi, ông Đào hạ giọng:
- Cậu ấy nằm ở đâu? Đưa tớ lên chỗ cậu ấy đi!
Cán chỉ tay về mảnh đất trống bên trái đường:
- Dạ, chúng tôi đang chuẩn bị mai táng đồng chí Nhã
và các đồng chí hy sinh ở kia ạ.
Ông Đào
nhìn theo tay Cán. Ở đó, mấy chiến sĩ đang khẩn trương đào huyệt. Hàng cũng đã
xách theo chiếc đài xuống đứng cạnh tư lệnh. Ba thày trò rảo bước về phía bãi
đất trống. Phía sau, Năm cũng nổ máy rồi chầm chậm bò theo. Những dòng xe vẫn
nối đuôi nhau không ngớt qua cầu.
Giữa bãi
đất trống, 5 thi hài liệt sĩ đã được bó gọn trong những tấm tăng màu cỏ úa xếp
thành một hàng ngay ngắn. Cán nghẹn ngào:
- Báo cáo
thủ trưởng, chúng tôi định đặt anh em nằm gối đầu lên cầu Sài Gòn, còn mặt nhìn
về quê hương miền Bắc. Thủ trưởng thấy thế có được không ạ?
Ông Đào
không nói gì mà chỉ lẳng lặng gật đầu. Ông ngồi xuống khẽ vạch mảnh tăng trên
mặt của các liệt sỹ ra ra. Tất cả đều còn rất trẻ. Nhiều tuổi nhất chắc là Nhã.
Anh nằm giữa những người đồng đội, những vết máu trên mặt đã được lau sạch.
Trên vầng trán rộng và phẳng là một lỗ đạn sâu hút chỉ nhỏ bằng đầu đũa. Gương
mặt anh thanh thản như người nông dân vừa cày xong thửa ruộng, như người thợ
vừa rời cỗ máy sau ca làm việc. Với người tiểu đoàn trưởng này, ông Đào có
nhiều kỷ niệm nhớ đời. Đó là cuộc gặp gỡ không hẹn mà nên ở Triển lãm chiến
thắng Đường Chín- Nam Lào. Đó là những tháng ngày ác liệt ở chiến trường Quảng
Trị năm 1972… Mới hôm qua thôi, ở đầu cầu Sông Buông ông còn bắt tay anh chúc hoàn
thành nhiệm vụ. Và vừa mới đây thôi, ông vẫn được nghe cái giọng trầm ấm và
quyết đoán khi anh lệnh cho tiểu đoàn xung phong vượt cầu. Từ đôi mắt ông, hai
dòng lệ ứa ra làm mờ cả cặp kính. Đồng ý rằng chiến tranh là có hy sinh, mất
mát. Hai cuộc chiến tranh kéo dài gần ba mươi năm trên đất nước này đã cướp đi
bao nhiêu sinh mạng trai trẻ như các đồng đội của ông đang nằm đây. Nhưng cái
chết của 5 chiến sĩ này vẫn làm ông thấy xót xa quá đỗi. Họ chết khi khoảng
cách đến thắng lợi chỉ còn tính bằng giờ, bằng phút. Ông ngồi lặng đi và chỉ
bừng tỉnh khi người chiến sĩ thông tin đeo cái đài 2 oát lúp xúp chạy tới bên:
- Báo cáo
thủ trưởng, có điện của H03.
Vồ lấy
đôi cáp nghe chụp vội vào đầu, ông Đào cố nén xúc động nhưng vẫn quên mật ngữ:
- Tôi,
Đào đây!
Từ trong
tai nghe vang lên giọng của lữ trưởng Tình, không khìn khịt như mọi khi mà đầy hào
sảng:
- Nghĩa
Bình báo cáo! Nghĩa Bình đã đánh chiếm được dinh Độc Lập. Đại đội trưởng đại
đội 4 đã cắm cờ trên nóc dinh. Chính ủy Văn đang đưa Dương Văn Minh ra đài phát
thanh tuyên bố đầu hàng. Báo cáo hết!
Ông Đào
thở ra một hơi dài khoan khoái. Thế là mục tiêu chủ yếu của chiến dịch này, của
cả cuộc chiến này đã bị đánh chiếm. Cuộc trường chinh dằng dặc ba mươi năm đã
đến cây số cuối cùng. Một cảm giác lâng lâng khó tả trào lên trong lòng ông. Cố
nén nghẹn ngào, ông bóp công tắc phát rồi bình thản:
- Xin cảm
ơn các đồng chí! Nhớ bố trí đội hình đề phòng địch phản kích. Tôi sẽ vào ngay!
Trao trả bộ
cáp nghe cho người chiến sĩ thông tin, ông Đào quay lại ngắm nhìn gương mặt 5
liệt sĩ rồi nhẹ nhàng giắt lại các mảnh tăng. Năm huyệt mộ đã đào xong, màu đất
phù sa sông Sài Gòn nâu sẫm chẳng khác mấy màu đất quê hương ông ven sông Hồng.
Quay lại phía Cán, ông hạ giọng:
- Mai
táng cho anh em cẩn thận rồi lập sơ đồ mộ chí cụ thể vào nhé. Tớ đi đây. Lúc
nào xong việc tớ sẽ ra thắp hương cho anh em.
Khi mấy
thầy trò lên đến chỗ chiếc xe con thì một đoàn xe tăng đang phăm phăm lao tới. Dường
như đã nhận ra người đứng bên đường là tư lệnh binh chủng, chiếc xe tăng đi đầu
giảm tốc độ rồi dừng hẳn lại. Từ trên xe, trưởng phòng tác chiến Phùng và một cán
bộ nhảy xuống chạy đến trước mặt ông Đào. Nhìn người cán bộ chạy cạnh Phùng,
ông Đào thấy có nét quen quen. Phùng đã tới trước mặt tư lệnh, anh đứng nghiêm:
- Báo cáo
tư lệnh, đây là mũi thọc sâu của binh đoàn Mê Kông. Vì địch đã phá mất cầu Mới
nên buộc phải vòng ra xa lộ. Còn đây là đồng chí Cân, chính trị viên đại đội
của tiểu đoàn 21.
Ông Đào
đưa tay bắt tay Cân. Một ánh chớp lóe lên trong trí nhớ. Thì ra đây là cậu
chiến sĩ hay thơ của đại đội 9 năm nào. Ông hồ hởi:
- Chào
đồng chí! Thế là tất cả chúng ta lại gặp nhau ở Sài Gòn.
Nhìn về
đoàn xe tăng vẫn đang gầm gừ nổ máy phía sau, Cân nhỏ nhẹ:
- Xin
phép thủ trưởng, chúng tôi phải đi ạ.
Giữ bàn
tay của Cân lại, ông Đào nhắc:
- Này,
dinh Độc Lập bên H03 nó chiếm rồi. Các cậu vào đấy cẩn thận không bắn nhầm nhau
đấy.
Một thoáng
buồn hiện lên trên mặt người cán bộ trẻ. Nhưng rồi anh lại tươi lên ngay:
- Báo cáo
thủ trưởng, chúng tôi còn các mục tiêu khác nữa ạ.
Anh quay
người chạy lên xe mà không hề biết người trưởng xe thân yêu của mình đang nằm
cách đó chỉ vài chục mét.
Đợi cho
đoàn xe tăng và hơn chục chiếc xe tải chở quân đi qua hết, ông Đào bảo Năm:
- Cho xe
chạy!
Chiếc xe
con hòa lẫn vào dòng xe lên cầu Sài Gòn. Đến đỉnh cầu, tầm mắt bỗng mở rộng hẳn
ra. Ông Đào đang say sưa ngắm nhìn thì Hàng hào hứng:
- Báo cáo
tư lệnh, đài Sài Gòn lại phát rồi ạ.
Ông Đào
giật lấy chiếc đài trong tay Hàng rồi vặn to núm âm lượng lên. Từ trong chiếc
đài, một giọng miền Trung hơi vấp váp phát ra: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân
dân cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới
dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên
dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội sinh
viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái… Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành
phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin
giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài
Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…”
Chiếc đài lặng đi một lát,
ông Đào vặn to hết cỡ nút âm lượng nhưng vẫn không thấy gì. Gí sát chiếc đài
vào tai vẫn không thấy động tĩnh gì, ông xua tay bảo Năm:
- Dừng xe lại!
Năm vừa táp chiếc xe vào sát một bên thành cầu và dừng
lại thì từ chiếc đài đột ngột vang lên giọng nói của Dương Văn Minh: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống
chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng
không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài
Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa
phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam”
Ông Đào thở dài khoan khoái. Thế là
xong. Chính quyền tối cao của ngụy quyền Sài Gòn đã phải đầu hàng vô điều kiện.
Tiếng nói trong đài lặng đi, nghe rõ cả tiếng lịch kịch của bàn ghế rồi một
giọng nói khác vang lên: “Trong tinh thần
hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả
các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở
lại sinh hoạt bình thường. Chuyên viên của các cơ quan hành chính quay trở về
vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng”.
Lại vài tiếng lịch kịch nữa rồi từ chiếc đài vang lên một
giọng nói miền Trung dõng dạc và ấm áp: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải
phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải
phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh,
Tổng thống chính quyền Sài Gòn”
Tiếng nói trong đài vừa dứt, trợ lý chính trị Hàng đã hớn
hở reo lên:
- Tiếng anh Bùi Văn, tư lệnh ạ!
Một cảm giác lâng lâng khó tả dâng lên trong lòng ông
Đào. Những cán bộ, chiến sĩ của ông thật dũng cảm, thật thông minh và sáng tạo.
Chính họ đã dẫn đầu đội hình chiến đấu ở tất cả các hướng về đây; chính họ đã
cắm lá cờ bách chiến, bách thắng của dân tộc lên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền;
và cũng chính họ đã biết đưa Tổng thống ngụy quyền sang đài phát thanh tuyên bố
đầu hàng để kết thúc cuộc chiến càng nhanh càng tốt. Đặt chiếc đài xuống ghế,
ông Đào bước xuống xe phóng tầm mắt về phía thành phố Sài Gòn. Trong ánh nắng
dìu dịu của buổi trưa cuối Xuân, những mái nhà lợp tôn lô xô lấp lóa vừa lạ,
vừa quen. Từ trong các ngõ hẻm, những dòng người tấp nập kéo ra, trên tay nhiều
người phấp phới những lá cờ giải phóng nửa xanh, nửa đỏ. Phía dưới cầu, dòng
sông Sài Gòn vẫn lững lờ chảy, những giề lục bình hoa tím ngắt vẫn lặng lẽ trôi
như ngàn năm nay vẫn vậy. Ngay bên cạnh ông, xen vào giữa những chiếc xe chở
đầy bộ đội là những chiếc xe ca, xe tải, xe lam, xe xích- lô máy… chở đầy dân đang
lũ lượt kéo về thành phố. Xe nào cũng có một lá cờ giải phóng cắm ngay phía
trước. Những người dân chen nhau chật cứng trên xe nhưng gương mặt họ thì tươi
cười rạng rỡ. Thấy mấy anh bộ đội đứng trên cầu, họ vẫy tay chào tíu tít. Tất
cả thật thanh bình như chưa hề có một trận kịch chiến vừa mới xảy ra ở chính nơi đây. Ông Đào đột
ngột quay mặt về phía sau, trên bãi đất trống bờ bắc sông, năm ngôi mộ mới đen
thẫm đã thành hình.
Bất giác, hai dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt
khắc khổ của ông Đào.
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét