Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

TẠI SAO PHÁO CHÍNH XE TĂNG LIÊN XÔ THƯỜNG TO HƠN XE TĂNG CÁC NƯỚC KHÁC?

Công bố đáp án và trao giải: Tại sao pháo chính xe tăng Nga luôn có cỡ nòng lớn hơn các dòng xe tăng nước khác?
Xe tăng chiến đấu chủ lực Armata T-14 mới nhất của Nga với pháo chính cỡ nòng 125mm và có thể trang bị pháo cỡ lớn hơn. Ảnh: Ivan Sekretarev/AP.

Có lẽ đây là câu hỏi tương đối khó vì nó liên quan cả đến vấn đề kỹ thuật lẫn học thuyết quân sự,... nên chưa có nhiều bạn tham gia, nhưng hầu các câu trả lời đều "chất". Nhóm chuyên gia công bố đáp án và quyết định trao thưởng như sau.

Xe tăng là loại phương tiện chiến đấu quan trọng trong quân đội hầu hết các nước, có thể tham chiến cả trong tiến công và phòng thủ.
Sở dĩ như vậy là vì xe tăng có những thế mạnh mà các phương tiện khác không có. Các thế mạnh đó tập trung thành 3 nhóm. Đó là hỏa lực mạnh, sức cơ động việt dã cao và khả năng phòng hộ (tự bảo vệ trước vũ khí của đối phương) lớn.
Các đặc trưng cơ bản của 3 thế mạnh trên thể hiện như sau:
- Sức mạnh hoả lực: thể hiện qua số lượng, chất lượng, cỡ nòng của pháo trên xe, bao gồm nhiều thông số như tốc độ bắn nhanh, độ chính xác, tầm bắn xa nhất, tầm bắn gần nhất, sức công phá của đạn...
- Sức cơ động: Là tính năng rất quan trọng quyết định hiệu quả chiến đấu của xe tăng, bao gồm các thông số như tốc độ tối đa, tốc độ chiến đấu trên các địa hình, khả năng vượt vật cản, khả năng vượt dốc, khả năng vượt sông, tầm hoạt động xa nhất, tính việt dã...
- Khả năng phòng hộ: đây là thông số về tính chất tự bảo vệ của xe gồm các yếu tố về số lượng, chất lượng, độ dày, vật liệu, hình dáng và vị trí bố trí của các lớp vật liệu vỏ thép để bảo vệ xe...
Các xe tăng hiện đại ngoài nhiều lớp vỏ thép và các vật liệu tổng hợp còn các phương tiện bảo vệ khác như giáp phản ứng nổ, thiết bị bảo vệ chủ động...
Ngoài ra còn có các phương tiện chống phóng xạ cho trường hợp chiến tranh hạt nhân và hệ thống tuần hoàn, lọc khí chống vũ khí hoá học, sinh học.
Thông thường, các xe tăng được chế tạo nhằm đảm bảo một cách tương đối hài hòa các thế mạnh trên. Tuy nhiên, tùy theo quan điểm sử dụng xe tăng của từng quốc gia, từng giai đoạn người ta có thể ưu tiên phát triển một vài thế mạnh trong 3 thế mạnh đó.
Cũng chính từ sự khác biệt này mà hình thành nên những trường phái khác nhau trong nghiên cứu phát triển, chế tạo xe tăng.
Trên thế giới hiện nay hình thành 2 trường phái chính là: Trường phái xe tăng Liên Xô (mà Nga hiện nay là quốc gia kế tục) và Trường phái xe tăng Phương Tây (trong đó Mỹ giữ vai trò chủ đạo).
Xuất phát từ học thuyết quân sự Xô Viết: “Xây dựng LLVT nhằm mục đích chính là để bảo vệ Tổ quốc, chống lại mọi kẻ thù xâm lược” với chiến trường chủ yếu diễn ra trên chính lãnh thổ của mình (có giai đoạn là cả khối Vác-sa-va).
Do vậy, quan điểm chủ đạo trong Trường phái xe tăng Liên Xô là hết sức chú trọng phát huy sức mạnh hỏa lực, còn hai yếu tố kia có phần xem nhẹ hơn. Họ xác định, trong 3 thế mạnh trên thì duy nhất thế mạnh hỏa lực là chủ động tiêu diệt đối phương nên cần phải ưu tiên.
Để thực hiện điều đó thì một yếu tố mang tính chất quyết định là uy lực của vũ khí chính - khẩu pháo trên tăng, trong đó cỡ nòng pháo giữ vai trò chủ yếu.
Khi tăng cỡ nòng thì tầm bắn sẽ xa hơn, viên đạn sẽ có trọng lượng lớn hơn, sơ tốc lớn hơn và động năng cũng lớn hơn... nên hiệu lực sát thương, phá hủy mục tiêu cũng cao hơn.
Ngoài ra, cỡ nòng pháo lớn cũng tạo điều kiện tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo (đối với các xe tăng hiện đại hiện nay).
Chính vì lẽ đó, khi thiết kế người ta đã sử dụng cỡ pháo lớn nhất có thể để đặt lên xe. Đó là cơ sở lý luận của trường phái này.
Bên cạnh đó, trường phái này còn có cơ sở thực tiễn hết sức sống động - đó là thực tế các trận chiến đấu trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (CTVQVĐ) cũng như các cuộc đụng độ sau đó.
Trong CTVQVĐ, để chống lại những Tập đoàn quân xe tăng hùng hậu của phát-xít Đức (trong đó đa số là xe tăng Panzer III lắp pháo 50mm) người ta bắt buộc phải đưa lên xe tăng những loại vũ khí có cỡ nòng lớn hơn, uy lực mạnh hơn vũ khí của đối phương.
Đó chính là các dòng tăng T34-76 và IS. Với cỡ pháo 76mm, ở giai đoạn đầu của cuộc chiến thì ưu thế của T34-76 rất lớn, song khi quân Đức đưa xe tăng loạt Tiger vào tham chiến đã áp đảo trở lại loại xe này.
Ngay lập tức, phía Liên Xô lắp pháo 85 mm lên để cho ra đời T34-85 mới lấy lại được ưu thế.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi xe tăng M26 của Mỹ đã lắp pháo 90 mm (loại xe này ra đời cuối Thế chiến 2, đã đánh bại T34-85 tại Chiến tranh Triều Tiên) thì LX nghiên cứu phát triển dòng tăng T54 với pháo 100 mm...
Cuộc chạy đua vẫn tiếp tục và cho đến nay, ưu thế về cỡ pháo trên tăng vẫn thuộc về xe tăng của Liên Xô (và hiện nay là của Nga). Cỡ pháo lớn nhất trên xe tăng hiện nay là 125 mm lắp trên T64, T72, T80, T90 và cả Armata-T14 nữa.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS với pháo chính có cỡ nòng 125mm đang được Nga tích cực quảng bá.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS với pháo chính có cỡ nòng 125mm đang được Nga tích cực quảng bá.
Còn cỡ pháo lớn nhất của xe tăng Âu Mỹ hiện nay là 120 mm.
Tất nhiên, sự gia tăng cỡ nòng cũng có giới hạn của nó bởi nó kéo theo rất nhiều hệ lụy như: tăng kích thước của cơ cấu hãm lùi - đẩy lên làm tăng kích thước xe, tăng trọng lượng đạn, giảm cơ số đạn, tốc độ bắn chậm v.v...
Dường như, cỡ nòng 125 mm (phía Nga - Xô) và 120 mm (phía Âu - Mỹ) đã là cỡ nòng tối ưu để lắp trên tăng.
Với Mỹ và đồng minh trên cơ sở chiến lược toàn cầu, quân đội của họ được xây dựng nhằm đủ khả năng can thiệp vào mọi “điểm nóng” trên phạm vi toàn thế giới trong thời gian ngắn nhất.
Vì vậy, họ chú trọng ưu tiên phát triển hải quân và không quân - nhất là ưu tiên phát triển đội tàu sân bay đông đảo và hiện đại.
Bên cạnh đó họ cũng rất chú trọng nghiên cứu phát triển xe tăng vì đó là yếu tố không thể thiếu trong phương thức tác chiến “không- biển- bộ” của họ.
Có lẽ vì phải tính đến những cuộc viễn chinh xa xôi nên ngược lại với trường phái xe tăng Liên Xô, trường phái xe tăng Phương Tây chú trọng nhiều hơn đến sức cơ động (bao gồm cả tiện nghi cho kíp sử dụng) và khả năng phòng hộ.
Chính vì vậy các xe tăng của khối này thường có vỏ giáp dày, trọng lượng lớn, cơ số đạn nhiều... song khả năng cơ động vẫn cao nhờ động cơ công suất lớn.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEP Abrams với pháo chính cỡ nòng 120mm.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEP Abrams với pháo chính cỡ nòng 120mm.
Ngoài ra, họ rất coi trọng việc ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào hỗ trợ cho các hoạt động của kíp xe được nhẹ nhàng, thuận tiện hơn.
Chẳng hạn, cùng một thế hệ với nhau, trong khi lái xe T-54 phải gò lưng kéo cần lái với lực kéo 35-40 Kg thì xe M48 đã được điều khiển bằng vô-lăng rất nhẹ nhàng (hình dáng vô lăng xe M48 trông gần giống vô-lăng các xe đua Công thức 1 hiện nay);
Một số xe đời sau còn có hộp số vi sai cho phép 1 băng xích tiến, 1 băng xích lùi để quay tại chỗ với bán kính chỉ bằng ½ chiều rộng thân xe.
Vì những lẽ trên, chỉ cần quan sát một cách sơ lược chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy:
- Xe tăng Liên Xô (Nga) thường có kích thước nhỏ gọn, chiều cao thấp, trọng lượng không lớn lắm song cỡ pháo thường lớn hơn xe tăng Âu Mỹ cùng thế hệ.
- Xe tăng Âu - Mỹ thường có kích thước lớn, hình dáng kềnh càng, trọng lượng cũng lớn, khả năng cơ động rất tốt song cỡ pháo thường nhỏ hơn xe tăng Liên Xô (Nga) cùng thế hệ một chút.
Ví dụ: Xe T54 chỉ cao 2,40m, rộng 3,27 m, nặng 36 tấn nhưng pháo có cỡ nòng 100 mm. Còn xe M48 của Mỹ cao 3,10 m, rộng 3,65 m, nặng 49,60 tấn nhưng pháo chỉ có 90 mm./.
Nguồn: http://soha.vn/quan-su/cong-bo-dap-an-va-trao-giai-tai-sao-phao-chinh-xe-tang-nga-luon-co-co-nong-lon-hon-cac-dong-xe-tang-nuoc-khac-20151015183552722.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét