Đó là bộ phận trông như một đoạn ống phình ra trên nòng pháo xe tăng. Tác dụng của nó là hút khói thuốc phóng từ trong xe ra sau mỗi phát bắn.
Với tác dụng như vậy, bầu hút khói được lắp đặt trên hầu hết các loại pháo trên xe tăng hiện tại.
Sở dĩ phải có bầu hút khói là vì khi bắn thuốc phóng của đạn pháo sẽ cháy sinh ra khí thuốc phóng áp lực lớn để đẩy viên đạn về phía trước.
Áp suất cao nhất của khí thuốc phóng có thể đạt đến 3000 kG/cm2 và tạo cho đầu đạn một sơ tốc (vận tốc đầu đạn khi chợt ra khỏi miệng nòng pháo) hàng nghìn m/s.
Quá trình đầu đạn chuyển động về phía trước cũng là quá trình nòng pháo bị đẩy về phía sau, khi đầu đạn rời khỏi miệng nòng cũng là lúc pháo lùi hết cỡ và tiến lên, lúc này khóa nòng pháo tự động mở ra nhờ năng lượng của bộ phận đẩy lên.
Sự chênh lệch giữa áp suất thuốc phóng tồn dư trong lòng nòng pháo với áp suất không khí trong xe sẽ đẩy số khí thuốc phóng này vào trong xe gây khói và làm tăng nồng độ một số khí có hại trong buồng chiến đấu như CO, CO2, H2S...
Các loại khí này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tầm quan sát cũng như hoạt động của các thành viên trong xe. Trong thực tế chiến đấu đã có một số trường hợp chiến sĩ nạp đạn bị ngất sau khi pháo bắn liên tục một số phát đạn.
Để giảm thiểu lượng khí (khói) thuốc phóng chảy vào trong xe người ta đã chế tạo và lắp đặt lên nòng pháo bộ phận “bầu hút khói”. Đó chính là đoạn phình to trên nòng pháo mà ta quan sát thấy từ bên ngoài.
Cấu tạo của bầu hút khói này gồm có:
- Vỏ: làm bằng thép, dày từ 1- 2mm, có đường kính lớn hơn đường kính ngoài nòng pháo 20-30 mm.
- Các lỗ xiên phía sau: Số lượng 4- 8 cái tùy theo cỡ pháo.
- Van một chiều: kiểu viên bi, lắp trên các lỗ xiên phía sau Các lỗ xiên phía trước có vòi phun hướng về đầu nòng pháo.
Nguyên lý làm việc của nó như sau:
Khi áp lực thuốc phóng đẩy đầu đạn vượt qua hàng lỗ xiên phía sau thì khí thuốc phóng sẽ đẩy các viên bi của van một chiều mở ra và chui vào trong bầu hút khói cho đến khi áp suất trong đó đạt đến một giá trị nhất định thì các van một chiều đóng lại.
Khi đầu đạn vượt qua hàng lỗ xiên phía trước sau đó ra khỏi nòng pháo thì áp suất trong lòng nòng pháo nhanh chóng giảm xuống.
Khối khí thuốc phóng nằm trong lòng bầu hút khói có áp suất cao hơn nên theo các vòi phun phụt về phía trước tạo nên một vùng có áp suất âm cuốn theo số khí thuốc phóng còn lại trong lòng nòng pháo ra ngoài.
Mặc dù có cấu tạo khá đơn giản song bầu hút khói rất hữu ích nên được lắp đặt rất phổ biến ở pháo trên tăng. Còn đối với pháo mặt đất do không gian không bị bó hẹp như trên xe nên không cần thiết cho lắm và hầu như các pháo mặt đất không lắp bộ phận này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét