Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

BÃO THÉP 1- CƠN LỐC ĐẦU MÙA- Kỳ 23


Ăn trưa xong tiểu đoàn trưởng Nam kéo Vĩnh và một cán bộ nữa đi cùng, còn lại cho nghỉ ngơi và chuẩn bị cá nhân. Dẫn đường cho các anh là một chiến sĩ trẻ măng người nhỏ thó nhưng tỏ ra rất nhanh nhẹn. Men theo con đường mòn dọc bờ sông khoảng hơn một tiếng thì gặp một con suối. Người chiến sĩ bộ binh chỉ tay xuống dòng nước trong xanh và nói:
- Suối La La đấy! Từ đây vào bản chỉ khoảng mười phút nữa thôi.
Con suối mùa khô nước cạn lội qua được, càng đi vào cây cối càng rậm rạp hơn. Chừng mười phút sau đã thấy thấp thoáng những ngôi nhà sàn lụp xụp nằm dọc theo bờ suối. Chỉ tay vào một ngôi nhà nằm ở ngay đầu bản người chiến sĩ nói:
- Nhà xã đội trưởng đấy! Anh ấy tên là Hồ Măng. Nhưng chắc giờ này không có nhà.
Đúng như vậy! Trong nhà chỉ có một cậu bé chừng hơn mười tuổi người nhỏ quắt, đen thui nằm co quắp bên bếp lửa đang âm ỉ cháy giữa nhà. Thấy người lạ đi vào cậu ta choàng tỉnh nhưng vẫn nằm yên giương đôi mắt lờ đờ ngái ngủ lên nhìn. Người chiến sĩ bộ binh hỏi nhỏ:
- Cha đi đâu cháu?
Chừng như đã nhận ra người quen, cậu bé ngồi dậy:
- Cha đi rãy!
Người chiến sĩ bộ binh ngồi xuống cạnh cậu bé, anh móc trong túi quần ra phong lương khô đưa cho cậu bé:
- Đi gọi cha về đây cho chú được không?
Đưa tay cầm vội lấy phong lương khô mắt cậu bé sáng lên:
- Được!
Nói rồi cậu chạy vụt đi như một mũi tên. Người chiến sĩ cúi xuống thổi bếp cho cháy lên rồi bảo:
- Các anh ngồi lại đây cho ấm! Rãy gần đây thôi mà.
Ngồi xuống cạnh bếp lửa Vĩnh tò mò đưa mắt nhìn căn nhà. Cũng là nhà sàn nhưng không giống với những ngôi nhà sàn to cao, chắc chắn của bà con người Mường những nơi anh đã có dịp đi qua. Nó thấp, nhỏ, lụp xụp và hình như không có mộng mẹo gì cả thì phải. Các cột nhà chỉ là những thân cây có chạc. Xà, kèo chỉ gác lên đó rồi buộc lại bằng dây rừng. Sàn nhà là phên nứa đặt lên trên những thân cây nhỏ nên đi lại cứ bùng nhà, bùng nhùng. Các bức vách quây xung quanh cũng là phên nứa. Quanh nhà chẳng thấy có tài sản gì đáng giá. Ngay trên bếp lửa giữa nhà là một cái giàn được treo lên mái nhà bằng bốn sợi dây, trên đó lủng củng xoong nồi, bát sắt, ca Mỹ, mấy bắp ngô giống, mấy con cá khô, vài túm ớt và nhiều nhất là những mẩu gì đó dài chừng gang tay, to bằng ngón tay cái trông như những khúc rễ cây. Chắc là bếp lửa được đốt suốt ngày đêm nên mái nhà và tất cả mọi thứ trên cái giá treo đều đen thui một màu bồ hóng. Thấy Vĩnh cứ săm soi mấy cái mẩu đó trên giá người chiến sĩ bộ binh với tay lấy một mẩu xuống:
- Lõi sắn đấy mà- Anh bẻ đôi mẩu lõi sắn ra, một màu trắng của tinh bột hiện ra chỗ bị bẻ gãy- Bà con ở đây ăn ngô, sắn là chủ yếu. Sắn tươi đào về, bóc vỏ xong họ nạo thành lát mỏng nấu với rau thành một món giống như cháo để ăn, còn phần lõi để lên đây cho khô đi làm nguồn dự trữ. Lúc nào ăn chỉ cần đem giã dập, bỏ xơ đi và nấu lên. Nói chung bà con ở đây khổ lắm- Anh kết luận.
Không ai nói gì. Người nào cũng thấy bùi ngùi trước sự nghèo khổ của bà con.
Đợi chừng mười lăm phút thì thấy một người đàn ông cao, gầy, đen trũi rất khó đoán tuổi đang rảo bước về phía ngôi nhà. Mặc dù đã cuối tháng Chạp ta, trời khá lạnh mà trên người anh chỉ có độc cái khố và tấm áo bộ đội cũ. Đến cách cửa nhà vài bước anh đã bỏ cái tẩu thuốc to đùng trên miệng ra và hồ hởi:
- Chào các bộ đội!
Người chiến sĩ bộ binh đứng dạy:
- Chào đồng chí xã đội trưởng!
Vào hẳn trong nhà, hạ cái gùi trong lổng chổng mấy củ sắn và con dao quắm xuống anh sà vào bên bếp lửa:
- Bộ đội tìm mình có việc gì thế?
Người chiến sĩ bộ binh chỉ vào mấy người đi cùng:
- Đây là các bộ đội công binh. Họ muốn nhờ Hồ Măng giúp đỡ đấy!
Tiểu đoàn trưởng công binh hơi nhổm dậy bắt tay người xã đội trưởng:
- Chào anh Hồ Măng! Chúng tôi muốn nhờ Hồ Măng giúp đỡ một việc.
Hồ Măng cười phô hàm răng ám khói khuyết mấy cái răng cửa:
- Bộ đội nói đi! Việc gì mình làm được mình sẽ giúp.
Sau một hồi nghe Nam trình bày người xã đội trưởng tỏ ra đã hiểu:
- Mình hiểu rồi! Bộ đội muốn mình đưa đi xem sông Sê- Pôn chỗ nào sâu, chỗ nào nông chứ gì? Được thôi! Bản mình có thuyền, có cả mảng nữa. Bọn mình giấu ở dưới bờ sông đó. Lúc nào cần thì lấy ra thôi.
Thêm một lúc bàn bạc nữa họ đã thống nhất được kế hoạch công tác. Hồ Măng sẽ cử hai du kích đi trước bằng thuyền độc mộc làm nhiệm vụ cảnh giới và đối phó với địch khi chúng phát hiện ra. Số còn lại sẽ đi bằng mảng nứa phía sau khoảng 50 mét. Tất cả phải ăn mặc giống như đồng bào và sẽ được trang bị lưới làm như đi đánh cá. Súng ống phải giấu dưới lòng thuyền, mảng và phủ lá cây lên. Thấy máy bay trinh sát thì cứ việc làm như đang mải đánh cá. Trường hợp gặp địch phục kích sẽ nhảy xuống nước, dùng be thuyền và mảng làm vật chắn để đánh lại. Còn việc thăm dò lòng sông chủ yếu bằng sào, những chỗ không chắc chắn sẽ phải cho người lặn xuống để thăm dò. Đồng thời phải hiệp đồng với các tổ trinh sát bám địch của bộ binh nhờ họ giúp đỡ.
Chiều muộn họ chia tay và hẹn nhau sáng sớm mai sẽ gặp lại ở chân đồi Pê Sai.

***

Buổi sáng cuối năm miền sơn cước thật lạnh lẽo. Sương mù từ mặt sông lãng đãng tràn lên làm tăng gấp bội cái lạnh. Trong bộ trang phục của người Vân Kiều cả mấy cán bộ, chiến sĩ cứ run lên cầm cập. Nhìn bộ dạng của mấy anh bộ đội xã đội trưởng Hồ Măng bật cười:
- Bộ đội rét hung hả? Nhưng một lúc sẽ quen thôi mà- Nghĩ ngợi một lát anh bảo- Thôi! Hay đợi một lúc nữa cái mặt trời lên đi cũng được.
Thấy bản thân mình cũng đang rét không chịu được Nam đành phải đồng ý. Anh bảo mọi người ngồi tụm lại bàn thảo thêm kế hoạch và đặc biệt là cách xử trí khi có tình huống xảy ra.
Đợi thêm một lúc nữa thì sương mù đã tan bớt, có một chút nắng hửng lên thì Nam quyết định lên đường. Nhìn mấy chú bộ đội vẫn co ro vì lạnh Hồ Măng tỏ ra thông cảm:
- Nếu bộ đội vẫn còn rét thì lấy áo mà mặc cũng được nhưng phải xé tay áo và túi ngực đi- Anh làm bộ giật cái túi ngực- Và phải bôi lem vào.
Được lời như cởi tấm lòng mấy anh em quay vào dùng dao găm cắt hai ống tay áo, xé túi ngực và lấy tro than bếp bôi nhọ nhem lên quần áo. Vĩnh nhìn Hòa đen đã diện bộ xong cười ngất:
- Bây giờ thì cậu đúng là người Vân Kiều chính cống rồi!
Hòa đen cũng trả đũa:
- Bây giờ thì đại phó cũng thành ông “bọ” thật sự rồi!
Ngồi trên mảng cùng với Hồ Măng là Nam, Vĩnh, Hòa đen và một chiến sĩ công binh tên Dũng. Bốn khẩu AK đặt trên mặt mảng và được phủ bằng đống lá cây tươi, tấm lưới và mấy cái rọ đánh cá. Mảng cứ để nước đẩy đi để ước tính tốc độ cơ động khi cho xe trôi theo dòng nước, còn hai chiến sĩ giả đò chống sào nhưng nhiệm vụ chính là đo chiều sâu lòng sông. Hồ Măng có nhiệm vụ chỉ đường, giới thiệu đặc điểm từng khúc sông. Nam và Vĩnh có nhiệm vụ xác định dòng chảy chính cùng những chướng ngại cần khắc phục để tính toán khối lượng công việc phải làm.
Con sông biên giới Sê- Pôn mùa khô nước trong văn vắt như lọc. Bờ bên đất Lào là dãy Cô Rốc sừng sững nhiều chỗ lấn sát bờ sông tạo thành một bức thành dựng đứng cao vài mét. Bên phía Việt Nam là những dãy đồi cỏ tranh lúp xúp lơ thơ những lùm cây bụi nối tiếp nhau. Dưới làn nước trong văt những đàn cá bơi lội nhởn nhơ, chỉ khi thấy mảng tới gần mới tỏa ra lao vút đi như tên bắn.  Đúng là “sơn thủy hữu tình”. Sẽ thơ mộng biết bao nếu đây là một buổi đi chơi trên sông. Còn bây giờ chẳng ai có lòng dạ nào mà ngắm cảnh.
Rời chân đồi Pê Sai cái mảng nứa theo sức đẩy của dòng nước trôi lừ đừ, êm ả. Hồ Măng ngồi chồm hỗm trên mảng, cái tẩu thuốc to đùng vẫn dính trên miệng làm trễ cả môi dưới. Có vẻ như anh đã thuộc lòng về con sông này nên chẳng cần nhìn xuống nước vẫn nhắc nhở hai chiến sĩ chống sào cho mảng đi vào chỗ sâu nhất. Chỉ tay vào hai bờ sông dựng đứng Hồ Măng nói:
- Bộ đội nhớ nhé! Cứ chỗ nào bờ sông dựng đứng như thế này thì sông càng sâu, nước chảy càng mạnh mà cá cũng nhiều lắm.
Quả đúng như vậy, đã gần một cây số xuôi dòng giữa hai bờ sông dựng đứng mà hai cái khấc đánh dấu độ sâu tối thiểu của hai cây sào lúc nào cũng ngập dưới nước. Nam và Vĩnh tỏ ra phấn khởi lắm, nếu cứ như thế này thì công việc của họ sẽ thuận lợi biết bao.
  Gần trưa, mặt trời đã lên cao. Một chút nắng đã hửng lên. Những cơn gió thổi dọc theo lòng sông đã làm tan bớt sương mù, tầm nhìn đã được mở rộng hơn. Mọi người đang chăm chú làm công việc của mình thì Hồ Măng đứng hẳn lên nghe ngóng. Anh vội đưa cho Nam và Vĩnh mỗi người một cái rọ cá rồi bảo:
- Cứ bình tĩnh nhé! Có thằng “tàu càng” đang bay tới đấy! Ai đang làm gì cứ làm, đừng chú ý tới hắn.
Vừa dứt lời đã thấy tiếng o o từ trên trời vọng xuống. Một chiếc OV10 hai thân đang lừ lừ bay dọc theo triền sông từ phía Làng Vây lên. Chắc nó biết lực lượng phòng không của ta ở đây không có nên nó bay thật thấp, thỉnh thoảng đảo qua đảo lại soi mói. Hai du kích trên chiếc thuyền độc mộc phía trước vẫn đang cắm cúi ra vẻ mải miết với công việc của mình. Hồ Măng cầm tấm lưới đánh cá lên rải xuống một bên mảng, miệng vẫn nhắc:
- Cứ kệ hắn! Đừng ai nhìn lên nhé.
Trong bụng tuy hơi run nhưng thấy thái độ bình tĩnh của Hồ Măng nên mấy anh em cũng vững dạ. Chiếc OV10 bay tiếp lên trên một đoạn rồi vòng lại. Hồ Măng bảo Vĩnh cùng xúm lại kéo lưới lên. Đúng là đoạn sông này lắm cá thật. Mới thả giả vờ có một lúc mà đã có mấy con mắc lưới. Những con cá to gần bằng bàn tay bị kéo lên nằm vật mình trên mảng choanh choách, vẩy cá sáng lên lấp lánh trong nắng. Chắc không thấy có gì đặc biệt chiếc OV10 chuyển hướng sang hướng tây. Một lát sau đã thấy một tốp phản lực kéo đến và nhào xuống. Những cột khói bốc cao và những tiếng bom nổ ùng oàng dội đến. Hồ Măng lẩm bẩm:
- Chắc hắn đánh bên đường Chín đó. 
Đi thêm một đoạn nữa nhìn về phía trước thấy lòng sông bỗng rộng hẳn ra, hai bên bờ không còn dựng đứng như trước nữa. Hồ Măng bảo:
- Những chỗ hai bên bờ thoải như thế này thì lòng sông sẽ cạn hơn, mà nước cũng chảy chậm hơn.
Quả thật, cái mảng nứa cũng đang trôi chậm hẳn lại. Nam hỏi nhỏ:
- Hồ Măng chỉ cho bọn mình biết chỗ nào sâu nhất đi.
Hồ Măng chỉ tay về phía bờ bên Lào:
- Phía bên này thì nước sâu hơn nhưng ở dưới nhiều đá lắm.
Nam quả quyết:
- Các cậu cứ chống sào cho đi về bên ấy xem sao.
Quả nhiên hai vạch khấc đánh dấu trên sào giờ không còn ngập sâu trong nước nữa mà đang dần trồi lên, có chỗ độ sâu chỉ còn chừng một mét. Dưới làn nước trong vắt có thể nhìn thấy lổng chổng những hòn đá nằm dưới đáy. Hòn to thì như con voi, hòn bé cũng bằng cái cối đá lỗ. Nam lo lắng hỏi Vĩnh:
- Như thế này xe các ông có qua được không?
Vĩnh lắc đầu:
- Kiểu này thì trôi cũng không qua được mà có nổ máy đi qua cũng không xong vì sẽ bị “đội bụng”.
Chiếc mảng tiếp tục lừ đừ trôi chừng vài trăm mét nữa thì lòng sông lại thu hẹp lại và độ sâu dần dần tăng lên như trước. Nam quyết định:
- Bây giờ chống ngược lên theo bờ bên kia xem sao.
Cả Hòa và Dũng cùng nắm chặt cây sào đẩy mạnh. Chiếc mảng quay đầu ngược lại và ì ạch ngược dòng từng tý một. Hồ Măng vẫy tay ra hiệu cho hai du kích phía trước dừng lại đợi. Tuy nhiên phía bên này cũng chẳng khá hơn. Lòng sông chỉ còn chưa đầy một mét mà đá ở dưới cũng nhiều, có điều đá ở phía bên này nhỏ hơn phía bên kia. Nam nhìn Vĩnh thấy Vĩnh ngán ngẩm lắc đầu anh quyết định:
- Các cậu cho mảng về dòng bên kia rồi cắm sào cho dừng lại nhé!- Đợi cho cái mảng dừng hẳn Nam tiếp- Bây giờ ta phải xuống kiểm tra cụ thể xem đá ở dưới đó thế nào, có vần được hay không?
Hai chiến sĩ cởi áo ngoài rồi nhảy ùm xuống sông. Cả hai lặn ngụp một hồi rồi trồi cả lên. Hòa đen bám vào mép mảng, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập:
- Những hòn nhỏ thì có thể vần được. Nhưng những hòn to thì chịu. Chắc phải đông người may ra mới lay được nó.
Nhìn đi nhìn lại đoạn sông như ước tính khối lượng công việc Nam bảo:
- Thôi được rồi! Các cậu lên đi!




Chiếc mảng lại tiếp tục trôi xuôi dòng. Hồ Măng vẫy tay ra hiệu cho chiếc thuyền độc mộc tiếp tục tiến. Lại thêm một bãi cạn nữa rồi lòng sông thu hẹp hẳn lại. Tốc độ dòng chảy tăng hẳn lên, có chỗ lòng sông sâu gần ngập cây sào. Đã nghe tiếng nước réo ào ào phía trước. Hồ Măng chỉ tay về phía phát ra tiếng nước réo và bảo:
- Đấy là Vực Tang, đi qua đó khó hung! Mỗi khi phải đi qua chỗ này bọn mình cực lắm.
Cả mấy cặp mắt cùng chăm chú nhìn về phía trước. Có cảm tưởng những dãy núi hai bên bờ sông đang muốn chồm vào nhau để nhập lại làm một. Hai bờ sông dựng đứng lởm chởm những đá là đá. Dòng sông như bị bóp chẹt lại và đang cố gắng vùng vẫy để thoát ra khỏi sự chèn ép của hai khối núi. Tất cả mấy anh em đều lặng đi như bị ngợp trước khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên. Trong một thoáng Vĩnh bỗng liên tưởng đến truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Bỗng Hồ Măng đứng dạy dành lấy cây sào trong tay Hòa đen và lên tiếng nhắc:
- Mọi người ngồi cho chắc vào!
Ngay phía trước đã nhìn thấy lô nhô những mỏm đá nằm chắn ngang dòng chảy. Dòng nước vùng vãy lách qua những khối đá réo lên ào ào và bắn tung tóe. Nam bảo Hồ Măng cho mảng cập sát bờ rồi dừng lại. Anh ngán ngẩm:
- Chỗ này khó xơi đây!
Đợi cho mảng dừng hẳn mấy anh em trèo lên một gộp đá đứng nhìn. Thì ra đây là một cái ghềnh. Những khối đá từ hai bên sườn núi đổ ập xuống đây chia cắt lòng sông thành nhiều dòng nhỏ. Độ chênh cao của mực nước trên và dưới ghềnh chỉ chừng hơn một mét nhưng vì dòng chảy bị thu hẹp lại nên tốc độ chảy của dòng nước tăng lên đột ngột. Phía trước hai du kích vẫn đang khéo léo chèo lái đưa chiệc thuyền độc mộc len qua những khối đá để xuống phía dưới. Hồ Măng chỉ tay về phía chiếc thuyền:
- Khi đi qua chỗ này bọn mình phải lách vậy đó!
Chăm chăm nhìn theo con thuyền Nam hỏi Vĩnh:
- Anh thấy có thể lách qua như thế kia được không?
Vĩnh lúc lắc đầu:
- Tốc độ chảy thì không lo nhưng dòng chảy này quá hẹp nên xe sẽ không luồn lách qua được.
Nam gặng:
- Nếu chúng tôi phá đá cho rộng dòng chảy ra thì qua được chứ?
Vĩnh gật đầu:
- Tất nhiên là qua được! Nhưng anh định làm thế nào?
Nam cười hồ hởi:
- Phá đá mở đường là nghề của chúng tôi mà. Anh cứ yên tâm!- Quay về phía Hồ Măng anh hỏi- Hồ Măng, đoạn dưới kia có dễ đi hơn không?
Hồ Măng gật đầu:
- Ồ! Dễ đi thôi mà! Từ đây đến Làng Troài chỉ có một chỗ như thế này và một chỗ nước cạn nữa thôi- Hồ Măng đưa tay chỉ về một mỏm núi của dãy Cô Rốc chìa ra sát bờ sông phía trước- Đó! Chỗ mỏm núi kia kìa, cũng nhiều đá như chỗ này nhưng dễ đi hơn. Nhưng bây giờ không đi xuống đó được đâu. Nguy hiểm lắm! Muốn đi phải đợi trời tối.
Nam đồng ý. Anh bảo Hồ Măng đưa mảng xuống dưới ghềnh rồi tấp vào một bụi cây rậm rì nghỉ ăn cơm đợi trời tối sẽ đi tiếp. Trong lúc hai du kích cùng Hòa, Dũng lúi húi nướng mấy con cá Nam lần mò ra bờ ghềnh. Anh săm soi từng tảng đá và nhẩm tính khối lượng công việc cần làm rồi lúi húi ghi vào cuốn sổ nhỏ vẫn để trong túi ngực. Trong lúc đó Vĩnh đứng trên một mỏm đá cao nhìn bao quát cả khúc sông. Quả thật nếu đưa được xe tăng theo dòng sông này để tiến công Làng Vây từ hướng nam thì thật sự là một bất ngờ rất lớn dành cho quân địch. Anh thầm cảm phục tầm nhìn và quyết định táo bạo của các thủ trưởng cấp trên. Tuy nhiên để đạt được mục đích đó sẽ có rất nhiều việc phải làm.

***

Mấy vắt cơm được tăng cường xâu cá nướng theo cách của người Vân Kiều nhanh chóng hết veo. Mặt trời đã khuất sau dãy Cô Rốc. Sương mù đã bắt đầu lan tỏa trên mặt sông. Màn đêm nhanh chóng ập xuống. Con sông biên giới mất hẳn vẻ thơ mộng ban ngày, thay vào đó là một sự bí hiểm đầy thách thức. Hồ Măng trấn an mọi người:
- Đừng lo mà! Bọn mình đi đêm ở đây nhiều rồi. Cứ đi theo cái thuyền kia là trúng giữa dòng đó.
Theo kế hoạch buổi tối con thuyền độc mộc vẫn đi trước nhưng khoảng cách sẽ rút lại còn chừng mười lăm, hai mươi mét. Hồ Măng sẽ có cách để liên lạc với hai du kích trên thuyền.
Thấy trời đã tối hẳn Nam ra lệnh cho xuất phát. So với ban ngày việc xác định mực nước khó khăn hơn vì không còn nhìn thấy vạch khấc độ sâu trên cây sào. Hòa và Dũng phải ước lượng là chính, thỉnh thoảng lại phải nhảy xuống để kiểm tra. Nhưng đúng như Hồ Măng đã nói, đoạn sông phía sau ghềnh đá khá sâu, có lẽ chính vì vậy nên được gọi là Vực Tang. Ngồi trên mảng căng mắt nhìn về phía trước để dẫn đường, thỉnh thoảng quờ tay xuống nước Hồ Măng thì thầm:
- Bộ đội yên tâm đi! Vực Tang này sâu lắm, mà nhiều cá hung! Hồi bọn Mỹ chưa đóng đồn Làng Vây bọn mình vẫn xuống đây đánh cá đấy! Có lần bắt được con cá to bằng thằng con mình cơ.
          Lòng sông bỗng thu hẹp dần, bóng núi hai bên như đang tiến gần lại. nghe tiếng nước đổ ào ào phía trước Hồ Măng bảo:
          - Sắp đến một chỗ nhiều đá nữa đấy bộ đội à! Cứ ngồi cho chắc nhớ!
          Nam hỏi nhỏ:
          - Có khó đi như chỗ hồi chiều không?
          Hồ Măng cười:
          - Ồ! Không khó bằng nhau đâu. Chỗ này cũng nhiều đá nhưng nước chảy chậm hơn. 
Nam quyết định:
- Hồ Măng cứ cho mảng dừng lại để bọn mình xem nhé!
- Được thôi!- Hồ Măng trả lời. Anh đứng dạy giả tiếng cú kêu một hồi rồi dành lấy cây sào trong tay Hòa.
Chỉ vài phút sau đã thấy hiện ra mấy tảng đá đen trũi như một bầy voi nằm phủ phục giữa dòng nước. Hồ Măng đẩy mạnh cây sào, cái mảng nứa tấp sát vào một hòn đá to. Ở đó chiếc thuyền độc mộc cùng hai du kích đã dừng lại từ lúc nào.
Đêm cuối năm tối như hũ nút nên dẫu có căng hết mắt ra nhìn cũng không thấy rõ được luồng lạch nên Nam và Vĩnh phải lần mò xuống tận nơi. Bằng cảm nhận của bàn tay các anh thấy dòng nước không chảy mạnh như ở cái ghềnh lúc chiều, chắc độ chênh cao không lớn và luồng lạch cũng rộng hơn. Vĩnh bảo nhỏ Nam:
- Cái này chắc đỡ khó khăn hơn cái lúc chiều.
- Đúng vậy- Nam xác nhận.
 Đúng lúc đó từ phía trước rộ lên những tiếng nổ của đạn tiểu liên. Có thể phân biệt rõ ràng tiếng “rẹt rẹt” tiểu liên cực nhanh AR15 và tiếng điểm xạ từng nhịp chắc nịch của súng AK. Nhưng cũng bất ngờ như khi bắt đầu, cuộc chạm súng nhanh chóng kết thúc. Hồ Măng cao giọng:
- Lên bờ tìm chỗ nấp ngay! Nó kích liền ngay giờ đó!
Nam và Vĩnh vội vàng leo ngược vào bờ. Vừa chúi mình sau một gộp đá thì những loạt đạn pháo không biết từ đâu đã dội xuống ngay chỗ vừa mới xảy ra đụng độ và khu vực xung quanh. Một quả rơi sát ngay ghềnh đá làm nước bắn lên tung tóe, mảnh đạn bay viu víu chém vào đá nghe chói cả tai. 
Trận pháo kích kéo dài khoảng mười phút thì kết thúc. Màn đêm trở lại yên tĩnh đầy bí hiểm. Bỗng nhiên bầu trời phía cứ điểm Làng Vây rực sáng, một chùm bốn, năm quả pháo sáng vừa được bắn lên soi sáng cả một vùng. Chùm này chưa tắt chùm khác đã được bắn lên. Hồ Măng thì thầm:
- Bọn giặc ở Làng Vây bắn để soi đường cho tụi biệt kích ấy mà. 
Thật may, chút ánh sáng ấy cũng đủ để cho toán trinh sát quan sát rõ cái ghềnh đá và đoạn sông phía trước. So với cái ghềnh ban chiều cái ghềnh này đỡ dữ dội hơn nhiều, luồng lạch rộng hơn và tốc độ chảy của nước cũng chậm hơn. Còn khúc sông phía trước hình như rộng ra thì phải. Hồ Măng chỉ tay về phía trước:
- Bộ đội à! Chỗ này là Pe Rang. Đi thêm chừng hai cái rãy nữa là đến Làng Troài. Ở đó con sông quặt về hướng tay trái mình nè, chỗ đó phình ra rộng hung- Anh khoát tay ra hiệu rất lớn- Có cả một bãi cát to Mỹ vẫn xuống chở về xây đồn đó. Giờ bộ đội tính sao?
Nam hơi ngần ngừ. Dù sao lính công binh cũng không mấy khi tiếp cận gần địch như thế này nên anh đang phân vân không biết có nên đi tiếp hay không. Vì vậy Nam đưa ra một câu thăm dò:
- Hay là mình quay về?
Hồ Măng hơi giật giọng:
- Sao lại quay về? Bộ đội không cần đi coi tiếp nữa à?
Nam vội phân trần:
- Không phải! Bọn mình rất cần coi tiếp nhưng mình sợ đi sẽ đụng biệt kích.
Hồ Măng cười:
- Không sợ! Đụng với bộ đội tụi chúng rút hết về đồn rồi mà.
Có vẻ người xã đội trưởng này rất hiểu tính nết bọn địch ở đây. Nghĩ vậy Vĩnh bàn góp:
- Có lẽ Hồ Măng nói đúng đấy. Ta cứ đi tiếp đi anh Nam ạ!
Nam gật đầu quả quyết:
- Thế thì ta tiếp tục đi!
Mấy anh em tiếp tục lên đường. Nhờ những chùm pháo sáng của địch bắn lên liên tục việc trinh sát khúc sông này thuận lợi hơn nhiều. Hồ Măng bảo hai chiến sĩ chống sào cho mảng đi sát vào bờ phía tay phải vì bên đó sâu hơn mà lại lợi dụng được bóng tối của bờ sông.
Đúng như lời Hồ Măng đã nói. Con sông biên giới về đến đây đã làm một cuộc đổi dòng ngoạn mục. Đang chảy theo hướng Nam Bắc nó đột ngột quay ngoắt về hướng Tây. Dòng nước thúc vào ngọn đồi phía trước rồi đổi hướng chảy làm lòng sông đột nhiên mở rộng ra gấp hai đến ba lần và hình thành một bãi bồi dài hàng trăm mét ở phía đối diện. Hồ Măng thì thào:
- Bãi cát Làng Troài đó!
Nam cũng thì thầm hỏi:
- Bây giờ có lên đó được không?
Hồ Măng bảo:
- Được chớ! Nhưng để mình lên đó trước. Nếu nghe mình làm tiếng cú kêu thì bộ đội hãy lên nghe!
Thấy Nam gật đầu Hồ Măng trườn xuống nước cùng một du kích bơi rất nhẹ nhàng về hướng bãi cát đen ngòm lau lách. Chừng mười phút sau mấy anh em đã nghe thấy mấy hồi cú rúc từ phía trước. Nam thì thầm:
- Hòa ở đây giữ mảng! Còn mấy anh em mình vừa bơi vừa kiểm tra độ sâu và tốc độ chảy nhé! Anh Vĩnh nhớ phải kiểm tra chất đất chỗ bến lên đấy!
Dứt lời Nam trườn xuống nước, theo sau anh là Vĩnh và Dũng. Hòa chống sào cho mảng tấp sát vào bờ. Cậu sốt ruột căng mắt nhìn về phía trước nhưng chẳng thấy gì. Mãi một lúc lâu sau mới thấy mấy cái đầu đang nhấp nhô bơi ngược trở lại không một tiếng động. Hòa đưa tay kéo từng người một lên mảng.
Vừa ngồi yên chỗ trên mảng Hồ Măng đã hỏi:
- Bộ đội coi thế đã được chưa? Có cần coi thêm nữa không?
Trao đổi nhỏ với Vĩnh một lát Nam quyết định:
- Hôm nay thế là tốt rồi. Bây giờ mình về Hồ Măng nhé.
Chặng đường về tuy khá mệt vì phải đi ngược nước nhưng đối với Hòa và Dũng thì lại là một dịp may vì người ấm hơn nhiều. Trên mảng Nam bàn với Vĩnh:
- Như vậy ta đã nắm được sơ bộ tình hình. Ngày mai tôi sẽ cho cánh kỹ thuật bên tôi đi khảo sát và tính toán cụ thể. Ngoài mấy bãi cạn và hai cái ghềnh anh thấy còn chỗ nào cần khắc phục không?
Vĩnh cười:
- Thì các ông cứ khắc phục hết mấy chỗ ấy là chúng tôi đã biết ơn các ông nhiều lắm rồi.
  Như chợt nhớ ra điều gì Nam vỗ vai Hồ Măng:
- Hồ Măng này! Bọn Mỹ hay pháo kích như hồi nãy không?
Hồ Măng quay đầu lại gật:
- Thường à! Đêm nào nó chả kích. Ít thì một lần, nhiều thì đếm không hết à. Có hôm nó còn cho máy bay lên ném bom nữa đấy.
Nam có vẻ phấn khởi:
- Vậy thì ta cứ bố trí sẵn thuốc nổ, đợi khi nào nó pháo kích ta sẽ điểm hỏa. Hồ Măng thấy thế có được không?
Người xã đội trưởng gật mạnh đầu:
- Được chớ!- Anh chợt hạ giọng- Nhưng mình không biết bộ đội định phá đá làm gì. Nếu phải bí mật thì đừng nói. Mình không giận đâu!
Nam và Vĩnh nhìn nhau. Mới chỉ hơn một ngày tiếp xúc nhưng hai anh biết rằng không còn việc gì phải giữ bí mật với người xã đội trưởng này. Nam cười:
- Bọn mình mở đường cho xe tăng đánh Làng Vây.
Hồ Măng ngạc nhiên:
- Xe tăng? Làm sao xe tăng đi được theo đường này?
Nam chỉ Vĩnh:
- Xe tăng của bộ đội Vĩnh biết bơi mà!
Hồ Măng xuýt xoa:
- Thế thì chết cha thằng Mỹ rồi!

Gần sáng hôm ấy họ về đến Pê Sai an toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét