Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 4


          Đã sang tháng ba ta tiết trời không còn lạnh giá nữa. Mới chưa đến sáu giờ đã thấy đằng đông hừng sáng báo hiệu một ngày ấm áp, đẹp trời. Đoàn cán bộ xe tăng gần chục người cùng một tổ trinh sát của mặt trận do một sĩ quan phụ trách thành một hàng dọc lầm lũi đi dọc theo đường Chín trong làn sương sớm vẫn còn đang phảng phất đây đó. Đang ở bên đất Lào và còn khá xa vùng chiến sự nên tốc độ hành quân khá nhanh. Mới gần trưa đoàn đã đến Lao Bảo. Các chiến sĩ trinh sát cho đoàn dạt vào bên đường dừng lại nghỉ giải lao và ăn trưa dưới một lùm cây.
          Khi thấy Phúc thông báo là đã qua biên giới vào đất Việt Nam quyền tư lệnh Đào chợt thấy một cảm giác khác lạ dấy lên trong lòng: “thế là bây giờ mình mới chính thức đặt chân lên mảnh đất chiến trường miền Nam”. Ngơ ngẩn đứng nhìn quanh quất một lát ông hỏi Phúc:
          - Thế biên giới đâu? Cột mốc đâu?
          Phúc lắc đầu:
          - Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi nghe anh em ở trong này lâu người ta bảo trước ở đây cũng có một cái cột mốc, nhưng rồi bom đạn chà xát lâu ngày nên bây giờ chẳng còn dấu tích gì. Nhưng đây đúng là biên giới rồi đấy. Chỗ bằng phẳng kia là sân bay dã chiến Lao Bảo. Còn chỗ chòm cây xanh xanh kia là nhà tù cũ, lui xuống một tý nữa là đến sông Sê Pôn.
          Nhìn theo cánh tay Phúc chỉ quyền tư lệnh Đào chỉ thấy một chòm cây xanh um. Ông tự dặn lòng khi quay về nhất định phải ghé qua nơi ngày xưa các chiến sĩ cách mạng tiền bối và những người yêu nước đã bị bọn đế quốc thực dân đày ải.
          Bữa cơm trưa đạm bạc của chiến trường vừa xong thì người phụ trách tổ trinh sát đứng dạy dõng dạc:
          - Đề nghị các thủ trưởng chú ý! Từ đây trở đi là vùng chiến sự nên chúng ta phải hết sức cảnh giác. Tổ chúng tôi sẽ đi trước có trách nhiệm dò đường và dọn mìn lá. Các đồng chí sẽ thành một hàng dọc, mỗi người cách nhau 10 đến 15 mét và phải đi theo đúng vệt đường chúng tôi đã đi- Anh ta đến trao cho mỗi người trong đoàn một cái gậy sặt không biết chặt từ lúc nào và nói to- Nếu các đồng chí thấy trên đường còn sót mìn lá thì dùng gậy hất ra xa, nó sẽ không nổ đâu. Trường hợp địch đánh phá vào đội hình thì phải nhanh chóng ẩn nấp, đợi hết đợt bắn phá lại đi tiếp. Trường hợp gặp địch phục kích thì nhanh chóng chiếm địa hình có lợi để đánh trả. Nếu có dấu hiệu địch đổ bộ đường không thì nhanh chóng cơ động ra khỏi khu vực địch đổ bộ càng xa càng tốt. Các thủ trưởng còn hỏi gì không?
          Quyền tư lệnh Đào bảo Phúc:
          - Cậu hỏi xem chỗ cứ điểm Làng Vây hiện giờ do ai kiểm soát? Có lên đấy một tý được không?
          Phúc nhắc lại câu hỏi, người chỉ huy trinh sát có vẻ nắm rất vững tình hình:
          - Khu vực cứ điểm Làng Vây hiện do một tiểu đoàn bộ binh của ta chốt giữ. Nếu các thủ trưởng muốn ghé qua đấy chúng tôi sẽ đưa lên. Tuy nhiên để đảm bảo kế hoạch trinh sát thì chỉ được dừng ở đấy ít phút thôi ạ.
          Thấy quyền tư lệnh Đào gật đầu Phúc nói:
          - Nhất trí! Các đồng chí, chuẩn bị xuất phát!
          Nhìn động tác của tổ trinh sát phía trước quyền tư lệnh Đào thấy rất yên tâm. Đúng là được thực tế chiến trường rèn luyện những người lính sẽ trưởng thành rất nhanh dù tuổi đời của họ còn rất trẻ.
          Tầm ba giờ chiều thì đoàn cán bộ xe tăng đến khu vực Làng Vây. Chỉ cần vài ám hiệu nho nhỏ giữa người chỉ huy trinh sát với các chiến sĩ chốt tiền tiêu ở điểm cao 230 đoàn đã được tự do đi vào cứ điểm. Quyền tư lệnh Đào vừa đi vừa chăm chú nhìn như muốn tìm lại dấu tích trận đánh cách đây chưa đầy một tháng. Nhưng dẫu có mỏi mắt cũng chẳng thấy gì. Ngay sau khi thất thủ quân địch đã dùng không quân, pháo binh đánh phá cấp tập vào đây như muốn hủy diệt tất cả để quên đi mối hận thua trận. Những hố bom, hố đạn pháo nham nhở khắp nơi, đất đá bị cày xới vụn ra như cám. Cánh bộ binh chốt giữ ở đây phải đào hầm mới và tận dụng các súc gỗ, bao cát còn vương vãi xung quanh để xây dựng công sự chiến đấu.
          Lên đến đỉnh điểm cao 320 quyền tư lệnh Đào bảo mọi người dừng chân tại khu vực sở chỉ huy. Đồng chí tiểu đoàn trưởng bộ binh niềm nở đón tiếp đoàn cán bộ xe tăng, anh cho biết mặc dù địch đã ném rất nhiều bom đạn xuống khu vực này song căn hầm ngầm của chỉ huy địch vẫn còn gần như nguyên vẹn và vẫn được các anh sử dụng làm sở chỉ huy. Anh cho biết:
          - Báo cáo các đồng chí! Khi ta làm chủ Làng Vây, một số địch đã chui vào cố thủ trong căn hầm này. Gọi hàng chúng không ra nên ta đã dùng năm chục cân bộc phá để đánh nhưng chỉ sập một ngăn, còn ngăn chính vẫn không việc gì và hơn chục tên cả Mỹ lẫn ngụy vẫn ở trong đó. Buổi chiều, khi quân ta tạm lui ra xa tránh hỏa lực hủy diệt chúng đã trốn ra và được giải thoát.
          Quyền tư lệnh Đào khom mình chui vào cửa hầm và đi sâu vào bên trong, nhìn những bức tường bê tông dày hàng mét ông tấm tắc:
          - Đúng là mạnh vì gạo, bạo vì tiền!
          Quay lên trên đỉnh hầm chỉ huy quyền tư lệnh Đào phóng tầm mắt nhìn bốn phía, ông lớn tiếng:
          - Anh Hải đâu? Lên giới thiệu sơ qua tình hình địa hình và diễn biến trận đánh nào. Mời các anh đứng gần lại đây!
          Sau khi sơ lược giới thiệu các điểm cao và địa hình liên quan xung quanh cứ điểm Hải dõng dạc:
          - Báo cáo thủ trưởng! Theo kế hoạch chiến đấu được mặt trận thông qua thì đại đội 9 tiến công từ hướng nam, đại đội tôi từ hướng tây. Hướng đánh của đại đội tôi thì các thủ trưởng đã vừa đi qua. Sau khi đánh chiếm đầu cầu tôi cho một trung đội đánh xuống phía nam để diệt đại đội 102, tôi dẫn các xe còn lại đánh tràn qua đại đội 103 để vào đây. Còn đại đội 9 thì tạm dừng ở bãi cát Làng Troài- Hải đưa tay chỉ xuống đám cây chuối và lau sậy xanh um phía nam cứ điểm- Sau đó xung phong theo con đường kia. Vì vậy chỉ sau khi qua cửa mở một chút các anh ấy đã tiếp cận được sở chỉ huy địch. Khi chúng tôi còn cách đây chừng hơn trăm mét đã thấy xe đại đội trưởng đại đội 9 lao thẳng vào sở chỉ huy. Lúc đó là khoảng ba giờ sáng ngày bảy tháng Hai.
          Quyền tư lệnh Đào quay sang người tiểu đoàn trưởng bộ binh:
          - Đồng chí có biết anh em xe tăng để lại một xe hỏng ở chỗ nào không?
          Tiểu đoàn trưởng bộ binh chỉ tay về phía nam:
          - Báo cáo thủ trưởng, ở chỗ kia ạ! Cái xe hỏng được các anh ấy vùi xuống một hố bom và lấp đất lên nhưng khi bọn địch ném bom lại hở ra.
          Quyền tư lệnh Đào hạ giọng nhưng rất cương quyết:
          - Ta xuống chỗ đó đi!
          Cả đoàn cán bộ lặng lẽ theo chân người tiểu đoàn trưởng bộ binh lần xuống chân đồi. Còn cách vài chục mét đã thấy hiện lên hình hài một cái tháp pháo, trông như một nấm mộ lẻ loi giữa sườn đồi nham nhở những hố bom, hố pháo. Mặc dù nòng pháo đã bị cụt vì bộc phá, màu sơn tháp pháo cũng đã bị cháy đen nhưng ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ bên sườn tháp pháo vẫn hiện lên đầy thách thức. Đến trước cái tháp pháo im lìm nhô lên giữa lòng đất cả đoàn dừng lại cúi đầu như mặc niệm. Quyền tư lệnh Đào cũng đứng lặng im, mắt ông thấy cay cay. Có thể nói đây là chiếc xe tăng Việt Nam đầu tiên hy sinh tại chiến trường. Cùng với nó chắc là còn có một vài người đồng đội của ông nữa. Vẫn biết chiến tranh là có tổn thất nhưng mất mát nào mà chẳng đau lòng. Trách nhiệm của ông và những người lãnh đạo, chỉ huy là phải làm sao cho những tổn thất là ít nhất. Im lặng cúi đầu chừng một phút quyền tư lệnh Đào trở lại vẻ lạnh lùng, kiên quyết thường ngày:
          - Thôi! Bây giờ ta tiếp tục lên đường- Đưa tay bắt tay người tiểu đoàn trưởng bộ binh ông nói- Cảm ơn đồng chí! Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ.
         
           ***

          Sau gần một tuần hôm thì đi ngày, lúc lại đi đêm, khi quan sát từ xa, có lúc đến sát hàng rào cứ điểm đoàn cán bộ xe tăng đã nắm tương đối vững tình hình địa hình cũng như quân địch trong toàn bộ khu vực Khe Sanh. Đặc biệt ở Tà Cơn đoàn đã dành hẳn ba ngày đêm để trinh sát cụm cứ điểm này. Họ đã trèo lên đỉnh Ché Riêng quan sát Tà Cơn từ hướng tây nam. Ở đây cả đoàn đều thống nhất nhận định: “nếu đưa được xe tăng lên đó làm trận địa bắn trực tiếp thì chắc như đánh đáo, bắn phát nào trúng phát đó”. Họ cũng vòng lên phía bắc để nghiên cứu khả năng lợi dụng sông Rào Quán tiếp cận địch như sông Sê Pôn hay không nhưng rồi thấy rằng rất khó thực hiện. Tuy nhiên có một con đường từ biên giới Lào Việt hướng về đây nên có thể đưa xe tăng theo đó hình thành một mũi tiến công từ hướng bắc. Cũng chính ở ngoài hàng rào cứ điểm Tà Cơn họ đã thoát chết trong gang tấc vì bom B52 dội xuống sát sau lưng.
          Sau khi đã thực hiện hết các nội dung trong kế hoạch trinh sát quyền tư lệnh Đào quyết định quay về. Sau gần một tuần đi bộ vã trèo đèo, lội suối, với thức ăn chủ yếu là lương khô, nước lã ai cũng thấm mệt chỉ mong nhanh về đến căn cứ để tắm giặt và ngủ bù một giấc.
          Tuy nhiên chuyến trở về của đoàn không được suôn sẻ như dự tính. Khi đoàn về ngang qua cứ điểm Làng Vây thì một trận pháo kích dữ dội bất ngờ dội xuống một ngọn đồi khá bằng phẳng phía đông bắc cứ điểm, cách cứ điểm khoảng hai ki- lô- mét. Người chỉ huy nhóm trinh sát vội đưa cả đoàn dạt vào ẩn nấp trong dãy công sự chiến đấu của tiểu đoàn bộ binh đang chốt giữ tại đây. Nhổm hẳn người lên quan sát quyền tư lệnh Đào hỏi người phụ trách nhóm trinh sát:
          - Tại sao nó lại pháo kích vào đấy? Lúc ta đi qua có thấy quân mình ở đấy đâu?
          Người chỉ huy trinh sát nhíu mày:
          - Có khả năng chúng chuẩn bị đổ bộ đường không. Thông thường trước khi đổ bộ chúng vẫn bắn pháo hoặc ném bom thế để dọn bãi.
          Quyền tư lệnh Đào gặng:
          - Nhưng chúng đổ xuống đó làm gì?
          Người chỉ huy trinh sát bối rối:
          - Thực tình tôi cũng không biết- Ngẫm nghĩ một lát anh mới tiếp- Theo tôi có lẽ chúng đổ xuống đấy để chiếm lại Làng Vây.
          Quyền tư lệnh Đào gọi đoàn trưởng Lãm lại gần, ông hối hả:
          - Nhắc anh em kiểm tra vũ khí, chuẩn bị chiến đấu cùng bộ binh.
          Người chỉ huy trinh sát góp ý:
          - Báo cáo thủ trưởng, theo tôi có lẽ ta nên nhanh chóng rời khỏi chỗ này. Thực ra chúng muốn chiếm lại đây cũng không phải dễ, chắc chắn chúng phải chiếm lại khu Làng Vây cũ làm bàn đạp rồi mới đánh sang đây được. Mà ở Làng Vây cũ ta cũng có lực lượng chốt giữ ở đấy.
          Trong thâm tâm của quyền tư lệnh Đào ông cũng thấy đề nghị của người chỉ huy trinh sát khá là hợp lý. Tuy nhiên ông lại muốn nhân dịp này quan sát tận mắt một thủ đoạn chiến thuật rất mới đang được bọn Mỹ sử dụng. Mấy hôm nay qua theo dõi các đài nước ngoài ông biết Mỹ đang chuẩn bị đưa sư đoàn không vận số 1, đơn vị thiện chiến nhất của quân đội Mỹ, được mệnh danh là sư đoàn “kỵ binh bay” ra tác chiến ở khu vực Làng Vây. Rất có thể đây là bọn chúng và không loại trừ việc các đơn vị của ông sẽ phải chạm trán với bọn này nên ông quyết định:
          - Đồng chí Lãm cứ nhắc anh em sẵn sàng! Còn ta sẽ dừng lại đây ít phút đợi xem hành động của bọn chúng thế nào. Các anh chú ý quan sát nhé!
          Đúng như dự đoán của người chỉ huy trinh sát. Sau khoảng mười lăm phút cấp tập thì pháo binh chuyển làn về phía Làng Vây cũ. Khi khói bụi của đạn pháo trên ngọn đồi vẫn còn đang bốc lên cuồn cuộn thì hàng đoàn máy bay trực thăng đã hùng hổ lao tới. Mấy chiếc trực thăng vũ trang bay lượn vòng ngoài xả đại liên và phóng hỏa tiễn xuống khu vực Làng Vây cũ, còn từng tốp ba chiếc một sà xuống đỉnh đồi. Khi chúng chưa đáp hẳn xuống mặt đất thì từ trong máy bay bọn lính dù đã ào xuống, chúng nhanh chóng tản ra và máy bay lại bốc lên ngay rồi lao về hướng đông. Một tốp khác lại đáp xuống, mỗi đợt chỉ mất khoảng một phút. Quyền tư lệnh Đào thầm nghĩ: “mỗi máy bay chở một tiểu đội, mỗi đợt đổ xuống được một trung đội, ba đợt là một đại đội, chín đợt là một tiểu đoàn. Như vậy chỉ cần chừng mười phút chúng đã đổ xuống được một tiểu đoàn. Quả là lợi hại!”. Người chỉ huy trinh sát đứng phía sau nói nhỏ:
          - Báo cáo thủ trưởng! Có lẽ đây gần Tà Cơn nên chúng không chở theo pháo. Chứ tôi đã có lần thấy khi đổ bộ chúng còn cho cả bọn Si- núc chở theo mấy khẩu đội pháo đến nữa cơ.
          Ông Đào không nói gì mà đưa ống nhòm lên chăm chú quan sát hành động của bọn địch. Sau khi đã đủ đổ quân mấy chiếc trực thăng vũ trang vẫn tiếp tục bay vòng vòng trên cao trợ chiến, còn bọn lính dù đang lúp xúp tiến về phía trại Làng Vây cũ. Chúng vừa đi vừa bắn như đổ đạn vào những căn nhà còn sót lại ở bìa làng.  Đã nghe thấy tiếng súng AK của quân ta nổ từng nhịp ngắn đĩnh đạc, bọn lính dù vội nằm dán mình xuống sau những mô đất. Một lát sau pháo lại trùm lên cả khu trại. Ông Đào thầm nghĩ: “lại vẫn chiến thuật lấy thịt đè người đây mà” rồi quay người lại hỏi người chỉ huy trinh sát:
          - Thế nào! Bây giờ ta có thể đi được không?
          Người chỉ huy trinh sát vội trả lời:
          - Dạ, đi được ạ! Bọn nó đang tập trung vào Làng Vây cũ nên không để ý gì đến đây đâu.
          Quyền tư lệnh Đào đứng thẳng lên quả quyết:
          - Vậy thì ta tranh thủ đi đi!
          Trên đường về mọi suy nghĩ của quyền tư lệnh Đào chỉ tập trung vào mỗi vấn đề có thể dùng xe tăng đánh địch đổ bộ đường không hay không. Với khả năng cơ động cao, sức phòng hộ tốt và hỏa lực tự thân rất mạnh ông tin rằng hoàn toàn có thể làm được điều đó. Nếu phán đoán được khu vực địch có khả năng đổ bộ đường không sẽ bố trí sẵn xe tăng ở khoảng cách thích hợp. Khi địch dọn bãi sẽ cho xe tăng xuất kích đến gần. Khi địch bắt đầu đổ bộ xe tăng sẽ xung phong, hỏa lực pháo 76 và cao xạ 12 ly 7 hoàn toàn có thể tiêu diệt được bọn trực thăng đang sà xuống đổ quân. Còn bọn địch vừa mới được đổ xuống chưa có công sự, vật cản sẽ là mồi ngon cho hỏa lực súng máy và xung lực của xích sắt. Lý tưởng nhất là đánh được lúc chúng đang đổ quân. Còn trường hợp địch đã đổ quân xong thì có lẽ cũng giống như tiến công địch phòng ngự lâm thời mà thôi. Vấn đề đặt ra là phải phán đoán chính xác được vị trí đổ quân của chúng mà thôi. Ngoài ra vấn đề giữ bí mật khi cơ động lực lượng vào vị trí tạm dừng cũng phải hết sức chú ý. Tuy nhiên cũng không được chủ quan với trực thăng vũ trang, không loại trừ chúng có trang bị tên lửa chống tăng. Nếu đúng như vậy thì cần phải có hỏa lực phòng không bảo vệ vòng ngoài.
          Miên man với những ý nghĩ ấy trong đầu quyền tư lệnh Đào cứ cắm cúi đi chẳng để ý gì đến xung quanh. Mãi đến khi người chỉ huy trinh sát đề nghị mọi người dừng lại nghỉ ông mới biết đã về đến Lao Bảo. Hạ chiếc ba lô trên lưng xuống quyền tư lệnh Đào phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Ngay trước mắt ông là sân bay Lao Bảo đã bỏ hoang lâu ngày chỉ thấy bạt ngàn cỏ tranh. Ông thầm nghĩ: “nếu bọn địch muốn mở rộng vùng kiểm soát và đẩy quân ta về bên Lào thì sau khi đánh Làng Vây thế nào chúng cũng sẽ phải chiếm khu vực này và đây sẽ là điểm đổ quân lý tưởng của chúng. Biết đâu đây chính là địa điểm để ông thử nghiệm cái ý tưởng vừa mới manh nha trong đầu”. Ông gọi đoàn trưởng Lãm, trưởng phòng Phúc và người chỉ huy trinh sát lại gần:
          - Các anh mở bản đồ ra tôi xem nào!
          Đoàn trưởng Lãm trải rộng tấm bản đồ địa hình xuống trước mặt quyền tư lệnh Đào. Ông chăm chú nhìn một hồi lâu rồi hỏi:
          - Có con đường nào đi vào khu nhà lao mà không phải qua sân bay không?
          Người chỉ huy trinh sát nhanh nhảu:
          - Báo cáo thủ trưởng! Từ chỗ cột mốc mà hôm trước ta ngồi nghỉ có một con đường dọc bờ sông Sê Pôn đi vào khu nhà lao cũ ạ.
          Quyền tư lệnh Đào gật gật đầu, miệng lẩm bẩm:
          - Tốt! Thế thì tốt!
          Cả ba anh em đều ngạc nhiên vì không hiểu quyền tư lệnh bảo cái gì tốt nhưng không dám hỏi.

          Nghỉ ngơi một lúc nữa cả đoàn lại lên đường. Sẩm tối thì đoàn về đến sở chỉ huy của đoàn 198. Ngày hôm sau quyền tư lệnh Đào và các cán bộ cơ quan bộ tư lệnh tiền phương trở về sở chỉ huy mặt trận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét