Trên chiếc xe tăng mang số hiệu 380, tôi đã cùng đồng đội đi suốt chiều dài đất nước và có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Kết thúc chiến tranh, tôi được cử đi học sĩ quan rồi gắn bó với nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo sĩ quan và chiến sĩ của Binh chủng TTG cho đến năm 2008 mới nghỉ hưu sau 37 năm phục vụ quân đội.
Đã đi qua một đoạn cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, chứng kiến bao đồng đội của mình ngã xuống giữa tuổi 20, được may mắn trở về dù không còn nguyên vẹn, tôi luôn canh cánh trong lòng một món nợ tinh thần đối với những người đồng đội của mình. Tôi luôn nghĩ rằng, chính nhờ có những hy sinh ấy mà mình được sống, trở về. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau này, sự hy sinh ấy thật lớn lao. Đơn cử như Đại đội 4 của tôi, tính từ khi vào chiến trường cho đến khi Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc Lập mới chỉ có 3 năm nhưng đã có 10 cán bộ, chiến sĩ nằm lại dọc đường chiến đấu. Đối với một đại đội xe tăng, quân số trên dưới 40 người thì đó là một tỷ lệ không hề nhỏ. Nhìn rộng ra, cả lữ đoàn, rồi toàn quân, toàn dân... đã có biết bao người hy sinh đổ máu mới có được đất nước thống nhất, độc lập hôm nay.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt (thứ 2, bên trái) cùng đồng đội trong ngày gặp mặt. 
Rồi còn nữa, bao người chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với đời thường không nghề nghiệp, không tài sản, nhọc nhằn bới đất lật cỏ mưu sinh... Trong khi đó, có nhiều người, nhất là giới trẻ còn hiểu biết rất sơ sài về sự hy sinh, gian khổ mà những người lính đã phải chịu đựng, vượt qua. Những suy nghĩ đó, món nợ tinh thần đó thôi thúc tôi phải viết, phải kể cho hậu thế biết đồng đội tôi đã sống và chiến đấu như thế nào để không bao giờ lãng quên sự hy sinh của họ.
Chính vì vậy, khi còn đang công tác tôi đã tranh thủ thời gian viết một số bài báo về con đường mà tôi và các đồng đội đã đi qua như: “Cây số cuối cùng”, “Màn pháo hoa đẹp nhất trong đời”... (Báo Quân đội nhân dân các năm 2003-2005). Đặc biệt, trong cuộc vận động viết "Ký ức mùa Xuân đại thắng" do Báo Quân đội nhân dân phát động năm 2005, bài viết “Lời xin lỗi không bao giờ kịp nói” của tôi đã được tặng giải B. Những thành công nho nhỏ đó đã động viên, khích lệ tôi vượt qua mặc cảm của một sĩ quan tham mưu-chỉ huy chưa từng được qua một lớp viết văn, viết báo nào để theo đuổi chí nguyện của mình.
Năm 2007, tôi nhận giấy báo nghỉ hưu khi mới 54 tuổi. Mặc dù là thương binh song sức khỏe của tôi còn khá tốt. Trong thời gian tại ngũ, tôi cũng đã tham gia học đại học tại chức và có trong tay tấm bằng Đại học Kinh tế Quốc dân. Cũng đã có lời mời của anh em bè bạn về một công việc nào đó khi chính thức nghỉ hưu. Tuy nhiên, tôi từ chối và quyết định sẽ dành những năm tháng còn lại của đời mình để trả món nợ tinh thần trước các đồng đội đã hy sinh vì nước-trước hết là những đồng đội trong chính tập thể nhỏ bé, thân thương của mình-Đại đội Xe tăng 4.
Vậy là tôi ngồi viết cuốn sách đầu tiên của đời mình, cuốn “Hành trình đến Dinh Độc Lập” với một tâm niệm hết sức giản dị mà tôi đã ghi ở lời tựa: “Cho đến giờ-hầu như mọi người dân Việt Nam đều biết về câu chuyện những chiếc xe tăng 843 và 390 của Đại đội 4 thuộc Lữ đoàn Xe tăng 203 đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã kéo lá cờ bách chiến bách thắng của dân tộc Việt Nam lên nóc Dinh trưa ngày 30-4-1975. Nhưng mấy ai biết được hành trình mà Đại đội 4 ấy đã đi qua từ lúc rời khỏi hậu phương miền Bắc vào Nam chiến đấu để đến được cái đích cuối cùng đầy vinh quang ấy. Hành trình đến ngày chiến thắng đó chẳng hề dễ dàng như có người đã từng suy nghĩ. Về không gian, nó trải dài hàng nghìn cây số, về thời gian là nghìn ngày có lẻ cùng với bao mất mát, hy sinh, anh hùng và hèn nhát, cao thượng và thấp hèn, vinh quang và cay đắng… Cuốn sách này của một chiến sĩ trong đại đội viết ra xin kể về hành trình đó, như một nén tâm nhang thắp cho những người đã khuất và cũng là món quà tặng cho những người đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với đời thường”.
Sáu tháng sau, bản thảo hoàn thành. Thô ráp, trần trụi, mộc mạc... như lính kể chuyện lính nhưng nó đã được Nhà xuất bản QĐND chấp nhận và đưa vào phát hành năm 2008 (cũng cuốn này, sau được Nhà xuất bản Trẻ tái bản có bổ sung, sửa chữa ấn hành với tựa đề “Bút ký lính tăng-Hành trình đến Dinh Độc Lập”-năm 2015, 2016). Thành công đó làm tôi tự tin hơn về sự lựa chọn của mình. Biết quỹ thời gian của mình không phải là vô tận, tôi dồn sức tranh thủ viết. Những năm tiếp theo, tôi hoàn thành 4 tập bộ tiểu thuyết sử thi “Bão Thép” viết về Binh chủng TTG của mình. Tiếp đó là một số truyện ký và hàng trăm bài báo nhưng đều chung một chủ đề: Cuộc sống, chiến đấu, hy sinh của những người lính TTG như: “Tự truyện của mãnh hổ đường số Chín”, “Mũi lao thép”, “1 chọi 10-Trận đấu tăng bi tráng”... Một người bạn thân thấy vậy đã tặng tôi mấy câu thơ. Tôi thấy thích và thật sự cảm ơn anh: Cả đời làm bạn cùng cây súng/ Hưu rồi mới chập chững văn chương/ Trả món nợ tình-Bao đồng đội/ Vẫn còn nằm lại chốn sa trường!
Những cuốn sách, những bài báo cùng với nhiều chuyến đi về lại chiến trường xưa để tri ân đồng đội, đồng chí, đồng bào... đã giúp tôi trả phần nào “món nợ tinh thần” trước sự hy sinh vô bờ bến của những đồng đội mình. Nhưng tôi biết rằng, dẫu có bỏ cả đời này, cả kiếp này đi chăng nữa cũng chẳng thể nào trả hết món nợ đó được. Chỉ biết cố gắng hết sức mình mà thôi!
Đại tá NGUYỄN KHẮC NGUYỆT, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380, Đại đội Xe tăng 4, Lữ đoàn 203
Nguồn: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/suot-doi-tri-an-su-hy-sinh-cua-dong-doi-506289