Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 3


Có tiếng gõ cửa. Ông Đào nhổm dậy. Cửa hé mở, một nhân viên nhà tàu xuất hiện nói nhỏ: “Còn mười phút nữa sẽ chuyển tàu. Các đồng chí chuẩn bị hành lý đi là vừa”. Ông Đào gật đầu cảm ơn rồi quay sang định gọi Kiệm dậy thì đã thấy tham mưu trưởng của mình lồm cồm bò dậy, tỉnh như sáo:
- Thế là sắp về đến nhà rồi!- Anh vươn vai mấy cái rồi quay về phía phó tư lệnh, Kiệm hỏi như rất vô tình- Anh có định về thăm nhà mấy ngày không?
Biết tỏng bụng dạ của anh chàng này ông Đào lạnh lùng:
- Ở nhà chắc đang nhiều việc lắm nên có lẽ ta về thẳng đơn vị đã.
Kiệm giãy nảy lên như đỉa phải vôi:
- Không được! Đi đường xa mệt mỏi thế này phải nghỉ ngơi mấy ngày đã chứ, thủ trưởng.
Ông Đào vẫn làm mặt nghiêm:
- Đi trên toa hạng nhất như thế này thì có gì mà vất vả. Đi như thế này thì có mà đi quanh năm cũng được.
Kiệm tiu nghỉu nét mặt:
- Thì gần một năm bơ sữa cộng sản chủ nghĩa thủ trưởng cũng phải cho anh em chúng tôi xả hơi một tý chứ.
Ông Đào cười, con mắt lành lấp lánh đầy tinh quái:
- Thì cứ nói thẳng ra thế có được không, chứ cứ quanh co với lý do lý trấu nghe khó lọt tai lắm.
Kiệm hý hửng:
- Vậy anh định cho chúng tôi nghỉ mấy ngày?
Ông Đào trở lại vẻ nghiêm nghị thường ngày:
- Còn phải xem tình hình ở nhà thế nào đã mới quyết định được.
Chừng như muốn nài nỉ thêm nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt sắt đá của đoàn trưởng, Kiệm đành làm thinh. Ông Đào đã đứng dậy lôi chiếc va li trên ngăn hành lý xuống. Thấy Kiệm vẫn ngồi thần ra, ông giục:
- Thu xếp hành lý đi chứ! Còn ngồi ngẩn ra đấy làm gì?
Kiệm cười:
- Thì có bao nhiêu đâu mà thu xếp, thủ trưởng.
Đúng như vậy thật. Với 80 rúp phụ cấp một tháng thì ăn đã gần hết, lấy đâu ra mà mua nhiều đồ. Vì vậy, hành lý của cả đoàn nhìn chung khá gọn nhẹ. Với ông Đào, ngoài cái va ly đoàn 871 cho mượn và gói sách chỉ có thêm một hộp các tông đựng cái máy khâu cũ. Đây là do ông chiều lòng vợ chứ thực ra ông cũng chẳng thiết tha gì. Đã mấy chục năm nay, bà Hạnh nhà ông chỉ ước ao có được cái máy khâu để may vá cho cả nhà. Con thì đông, lại đang tuổi ăn tuổi lớn. Phiếu vải thì có hạn, mỗi năm không đủ may cho mỗi đứa một bộ quần áo mới. Thế là cứ con chị thải ra thì con em dùng. Tuy nhiên, cũng cần phải sửa sang lại cho nó vừa vặn. Với lại khi quần áo bị rách có cái máy khâu miếng vá nó cũng đẹp hơn. Thật là một mơ ước hết sức giản dị và thiết thực. Vì vậy, gần cuối khóa học ông bảo mấy anh em học viên đào tạo đi mua giúp cái máy khâu. Thấy ông đưa ra 60 rúp họ cười: “Thế này thì chỉ có mua hàng “còm”!”. Ông ngơ ngác: “Sao lại hàng còm. Còm là cái gì?”. Đến lúc nghe bọn họ giải thích ông mới biết “còm” là cách anh em mình nói tắt để chỉ cửa hàng đồ cũ “com- mi- xi- on- nưi”. Đó là nơi mà các lưu học sinh Việt Nam hay đến để mua hàng. Chả thế mà trong hội lưu học sinh Việt Nam hồi đó có câu ca: “Ăn nhanh, đi chậm, hay cười. Hay mua đồ cũ là người Việt Nam”. Kể cũng xót xa thật nhưng biết làm sao. Đất nước còn nghèo, lại đang có chiến tranh. Được đi học nước ngoài, ở chỗ an toàn rồi, lại có tiền mua hàng về thì dẫu có là đồ cũ cũng còn hơn chán vạn đồ bên nhà mình, còn kêu ca gì nữa. Thế là ông gật: “Còm cũng được. Miễn là có cái máy khâu cho bà ấy đạp”. Cũng phải đến hai chủ nhật đi lùng sục họ mới khuân về được cho ông một cái máy khâu cũ của Tiệp Khắc. Nhìn chiếc máy khâu sơn màu sữa còn khá mới, có đủ chân máy, phụ tùng và động cơ điện ông thấy vui lắm. Ít nhất lần này ông đã làm cho bà được toại nguyện.
Kiệm cũng đã lôi đồ đoàn của mình ra sắp trên giường. So với phó tư lệnh Đào thì đồ của Kiệm có vẻ lỉnh kỉnh hơn. Một phần là vì anh mua chiếc xe đạp “cuốc” và mấy cái quạt tai voi nên nó khá cồng kềnh. Một phần cũng vì cái tính dễ dãi nên mấy anh em học viên đào tạo nhờ chuyển giùm ít quà về cho gia đình. Kiệm nhận tất nhưng nhắc đùa: “Các cậu gửi cái gì không ăn được ấy!”.

Từ phía đầu tàu một hồi còi dài vọng lại. Thêm một hồi còi nữa. Con tàu giảm dần tốc độ. Đã thấy những bóng đèn vàng vọt phía ngoài cửa sổ. Bên ngoài hành lang toa tàu đã xuất hiện những bước chân bước vội và tiếng líu ríu gọi nhau.
Tàu dừng hẳn. Kiệm hé mở cánh cửa cúp- pê nhưng rồi đóng sập lại ngay. Ngoài cửa, cả đoàn người tay xách, nách mang đang kẹt cứng. Phó tư lệnh Đào an ủi:
- Thôi! Cứ bình tĩnh. Anh em người ta nhiều đồ, để người ta xuống trước một chút cũng được.
Kiệm không nói gì nhưng có vẻ hơi bực bội, anh quay sang bên kia nâng cánh cửa sổ lên thò đầu nhìn ra ngoài. Dưới ánh đèn nê-on vàng đục, nhà ga BT trông khá là khiêm tốn. Trên sân ga người đông nghịt, í ới tiếng gọi nhau, cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt. Một chiếc xe ba gác chở đầy hàng từ phía cuối đoàn tàu phăm phăm tiến lại. Người kéo xe luôn mồm hô lên những tiếng vô nghĩa. Những người đứng trên đường “ke” vội dạt cả ra.
Hai cậu phiên dịch tỏ ra là những người có kinh nghiệm. Để lại đồ đạc trên tàu cả hai đã chen được qua đám người đông đặc trên hành lang để xuống sân ga. Thò đầu vào cửa sổ một cậu bảo:
- Thủ trưởng đưa va- ly đây, em đỡ xuống cho!
Có vẻ như đây là cách làm tiện lợi nhất. Chỉ một loáng sau toàn bộ đồ đạc của cả đoàn đã chất thành một đống tướng dưới sân ga. Bỏ ra hai bao thuốc lá cộng với vài câu thuyết phục bằng cái giọng Bắc Kinh rất chuẩn của mấy anh em, anh xe ba- gác đã vui lòng chở giúp đống đồ về đến đúng dưới cửa sổ toa tàu mới. Không chỉ thế, anh còn nhiệt tình bốc giúp hàng đưa lên toa. Dưới đôi tay vạm vỡ cuồn cuộn cơ bắp của người đánh xe, mấy cái va- ly nặng trịch chỉ còn như một thứ đồ chơi nhẹ bẫng. Cũng như lúc đưa hàng xuống, chỉ vài phút đồ đạc của cả đoàn đã lên hết toa. Tuy nhiên, việc tìm chỗ để cho số hàng hóa này không dễ chút nào. Toa khách của đoàn tàu liên vận Việt Nam vẫn chẳng khác toa khách tàu chợ là bao. Không có cúp- pê riêng, không giường nằm. Vẫn là hai hàng ghế ngồi như tàu chợ, khác chăng chỉ ở chỗ các ghế ngồi được bọc da và phủ vải trắng. Giá để hành lý vừa nhỏ, vừa thấp nên đồ đạc đành phải tống vào gầm ghế và để ở khoảng giữa hai chiếc ghế. Một chân co trên ghế, một chân duỗi đặt hờ trên cái va- ly, tham mưu trưởng Kiệm ngao ngán lắc đầu:
- Thế này thì ngủ làm sao được?
Ông Đào nhấp nháy con mắt lành:
- Gớm! Ngáy thi với tàu suốt đêm rồi lại còn đòi ngủ nữa cơ à- Ông nghiêng cổ tay nhìn đồng hồ- Mà cũng gần sáng rồi còn gì! Cũng may mà bây giờ lại được chạy ban ngày.
Con tàu kéo một hồi còi dài rồi lịch kịch dồn toa. Vài giây sau nó giật mạnh một cái rồi tăng dần tốc độ. Đằng đông, những tia nắng đầu tiên của một ngày mới đã ửng lên.

***

Cũng vào lúc đó một chiếc xe con từ trung đoàn bộ H03 chạy đến sân “chiêu đãi sở” thì dừng lại. Người lái xe tắt máy rồi nhảy xuống kiểm tra một lần nữa tình hình xe cộ. Từ trong chiêu đãi sở Nhã chạy vội ra. Anh bắt tay người lái xe rồi ân cần:
- Anh chờ cho một chút. Gớm, các bà ấy chia tay nhau lâu quá.
Người lái xe cười thông cảm:
- Không sao, anh ạ. Cứ để chị ấy thoải mái. Còn sớm mà.
Nhã lật đật quay vào. Anh định nói gì đó nhưng lại thôi và đứng im nhìn vợ và mấy chị em cùng cảnh tíu tít bên nhau.
“Chiêu đãi sở” của Lữ đoàn H03 là một ngôi nhà sáu gian nằm hẻo lánh ở chân quả đồi đặt sở chỉ huy lữ đoàn. Từ sau khi hiệp định Pa- ri được ký kết, trừ tiểu đoàn 397 đang chốt ở Cửa Việt còn đại bộ phận của lữ đoàn co về khu vực Cam Lộ. Xác định sẽ gắn bó lâu dài với vùng đất Quảng Trị này nên ban chỉ huy lữ đoàn đã tổ chức cho bộ đội lao động xây dựng đầy đủ doanh trại, nhà xe và các công trình phục vụ sinh hoạt của bộ đội. Cũng từ đó các cuộc giao tranh chỉ diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là một vài vụ lấn chiếm mở rộng vùng kiểm soát của hai bên nên không khí chiến trường tương đối bình lặng. Đã có một số cán bộ chiến sĩ được về phép và ngược lại, một số vợ con các cán bộ, chiến sĩ đã lặn lội vượt đường xa vào thăm chồng. Không thể để gia đình cán bộ, chiến sĩ cứ tá túc tạm bợ ngoài nhà dân hoặc ở tạm trong doanh trại, Ban chỉ huy lữ đoàn đã quyết định phải xây dựng nên cái “chiêu đãi sở” này. Tên gọi chính thức của nó là như vậy nhưng đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ thì tếu táo gọi đó là “trận địa cối”. Một số khác thì gọi chệch đi là “chiêu đãi khổ” vì cái sự thiếu thốn và hoang tàn của nó. Tuy vậy, từ ngày xây dựng lên lúc nào nó cũng đông khách. Có những chị vào đây “chốt” luôn ba, bốn tháng với quyết tâm phải có cho bằng được “tý gì” mới chịu về. Hiền cũng là một vị khách như thế. Cô cũng đã ở trong này được hơn ba tháng. Vào được hai tháng thì “có kết quả” nhưng cô quyết định ở lại thêm một tháng nữa cho chắc ăn. Biết sắp tới có xe ra đón lữ đoàn trưởng đi họp về, Nhã đã xin cho vợ đi nhờ xe về nhà. Chính ủy Bùi Văn đồng ý ngay tắp lự, anh lại còn đích thân giao nhiệm vụ cho cậu lái xe: “Phải đưa cô ấy về tận nhà rồi hãy sang đón lữ đoàn trưởng- Anh còn nhấn mạnh- Chạy cẩn thận vào đấy, nhớ là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối”. Vì thế, mới tờ mờ sáng hôm nay chiếc xe con của trung đoàn đã có mặt tại sân “chiêu đãi sở”.
Trong nhà, Hiền đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Cô đang chia tay các gia đình “hàng xóm”. Tứ xứ về đây, ở với nhau chưa được bao lâu nhưng anh chị em đã thân thiết với nhau như ruột thịt. Thì cùng cảnh “đất khách, quê người”, lại cùng có hoàn cảnh na ná như nhau nên dễ thông cảm với nhau cũng là thường. Tuy là sáu gia đình, sáu bếp ăn riêng nhưng có cái gì tươi, ngon một chút là họ lại gọi nhau sang mà lấy về tẩm bổ cho chồng. Với cái nết hay lam, hay làm của người phụ nữ Việt Nam, lại có thời gian nên chị em họ đã mang lại một sức sống mới cho khu nhà “chiêu đãi khổ”. Khu đất hoang dưới chân đồi đã biến thành mấy luống rau lúc nào cũng xanh tốt. Những giàn bí, giàn đậu xanh um, quả lúc lỉu. Mấy cái hòm gỗ ngâm giá đỗ xếp dọc hiên nhà. Một đàn gà đông đúc dễ đến vài chục con lớn, bé cung cấp đủ trứng và một phần thịt cho những bữa ăn. Hàng ngày, trong lúc chồng vào đơn vị mấy chị em vừa chăm bón vườn rau, chăm sóc đàn gà… vừa buôn đủ thứ chuyện. Trong đó câu chuyện được mọi người quan tâm nhất là kinh nghiệm “tẩm bổ” cho chồng và cách thức để có được “tý gì”. Thế mà hôm nay Hiền lại phải chia tay những người chị em thân thiết ấy của mình.
Thực ra Hiền cũng mới chỉ ở “chiêu đãi sở” này được hơn một tháng. Chả là sau Hiệp định Pa- ri một thời gian thì Nhã được đi phép. Chuyến phép tròn một tháng ấy làm cả gia đình chứa chan hy vọng. Nhưng Nhã đi rồi, đến kỳ Hiền vẫn thấy ươn mình. Cô thì cũng không nóng ruột cho lắm nhưng mẹ Nhã thì không thế. Hiệp định đã ký kết từ lâu mà anh con cả vẫn “bặt vô âm tín” nên bà biết chẳng còn hy vọng gì nhiều. Linh cảm của một người mẹ mách bà phải có những biện pháp quyết liệt hơn. Vì vậy, ngay sau khi thu hoạch xong vụ chiêm năm vừa rồi bà gọi người đến bán tất cả lợn, gà trong chuồng được hơn trăm đồng bạc. Hiền còn đang ngạc nhiên không hiểu mẹ chồng mình định làm gì thì bà bảo: “Chị bỏ hết công việc lại đấy cho tôi. Còn chị thu xếp vào với anh ấy đi!”. Bà còn moi từ trong gấu áo ra đôi hoa tai “gia bảo” hai đồng cân đưa cho Hiền: “Muốn đi bao lâu cũng được nhưng lần này về tôi phải có cháu bế”. Vừa may, đợt ấy có anh Cường cùng quê đi phép ra, bà lôi Hiền đến tận nhà anh nhờ anh đưa vào Quảng Trị giúp. Thông cảm nỗi lòng của mẹ chồng, bản thân mình thì cũng đã có lúc nghĩ đến cảnh côi cút sau này nên Hiền hoàn toàn đồng ý với bà. Cô dồn dịch, vay mượn bạn bè được thêm gần hai trăm đồng nữa dằn túi để lên đường.
Khi Hiền vào đến nơi thì Nhã vẫn ở nam Cửa Việt. Trong trận đánh địch lấn chiếm hôm 30 tháng Giêng năm 1973, đại đội của Nhã mặc dù chỉ có một xe sang sông được nhưng đã bắn cháy 3 xe M48 và cùng các đơn vị bạn tiêu diệt gọn ba cụm địch đang co cụm trên bãi biển ở Vĩnh Hòa Phường, đẩy chúng về lại vị trí trước khi hiệp định Pa- ri có hiệu lực. Từ hôm đó, đại đội của Nhã nằm lại luôn ở bờ nam sông Cửa Việt để hỗ trợ cho bộ binh bảo vệ vùng giải phóng. Hai đại đội còn lại vẫn bố trí bên bờ bắc để sẵn sàng chi viện. Nhã được bổ nhiệm tiểu đoàn phó nhưng anh vẫn nằm ở bờ nam cùng đại đội cũ của mình. Sở chỉ huy phía trước của tiểu đoàn đặt ở điểm cao 12. Mọi việc hậu cần nấu nướng thì nhờ nhà mẹ Thảnh, ngôi nhà của người mẹ độc thân ngay đầu thôn Phó Hội. Hoàn cảnh của mẹ cũng khá đặc biệt, có hai đứa con trai thì đứa lớn theo cha tập kết ra Bắc, đứa bé ở nhà với mẹ vừa mới đến tuổi thành niên thì bị bắt đi lính Sài Gòn. Mẹ chẳng biết làm thế nào, chỉ biết suốt ngày đêm cầu trời khấn Phật cho anh em chúng đừng có bắn giết lẫn nhau. Dạo còn đang chiến tranh, mẹ cũng bị lùa vào trại tập trung Gia Đẳng. Khi ta giải phóng Cửa Việt là mẹ về nhà mình ngay. Mẹ bảo: “Phải viền nhà miềng chứ! Có chết cũng phải chết ở đây để các con chúng còn biết chỗ mà tìm?”. Thấy mẹ tuổi đã cao, lại vò võ một mình, Nhã bảo anh em vào đó nấu cơm rồi mời mẹ cùng ăn. Không ngờ chính mẹ lại trở thành người quản lý kiêm tiếp phẩm, kiêm cả nuôi quân hết sức chặt chẽ và hiệu quả cho cái bếp “dê bộ” của anh em Nhã. Thực phẩm hồi này không đến nối thiếu thốn cho lắm. Thịt hộp trên cấp đủ tiêu chuẩn. Cánh đại đội 1 lại cắt cử người đi đánh cá đêm với bà con trong thôn nên hôm nào cũng được chia mấy ký cá tươi, đem chi viện “dê bộ” một, hai con. Chỉ thiếu rau. Nhưng chuyện đó với một bà mẹ nghèo đã từng sống ở mảnh đất này gần suốt cuộc đời thì lại quá ư đơn giản. Ngày mới về mẹ cứ lầm lũi nhặt nhạnh góc vườn, bờ tre, chân tường… một lúc là đủ nồi canh. Sau rồi mẹ bảo mấy cậu lính trẻ vỡ hộ đám đất sau nhà rồi rào dậu lại, chỉ nhãng đi chừng nửa tháng đã thấy có rau ăn. Nhã đưa cho mẹ ít tiền nhờ mẹ mua hộ mấy mái gà. Thế là thỉnh thoảng lại có bữa trứng tráng. Cánh lính trẻ yêu quý mẹ thật sự. Lúc rỗi rãi họ đi nhặt nhạnh tôn, ghi, ống cống và đủ thứ táp nham về củng cố ngôi nhà xiêu vẹo và làm cho mẹ một căn hầm vững chãi vào loại nhất. Có vẻ như sự có mặt của anh em Nhã đã làm mẹ tạm quên đi những đứa con đang xa biền biệt của mình. 
Hiền vào không báo trước nên lúc thấy cô bất ngờ xuất hiện trước mặt mình, Nhã đứng ngây ra như trời trồng. Anh như không tin vào mắt mình nữa, còn trong bụng thì rối tinh cả lên vì không biết sẽ xử trí ra làm sao. Dù sao đây vẫn là chiến trường. Chỉ cần đứng lên đỉnh điểm cao 12 kia là nhìn rõ mồn một những tên lính ngụy, những lá cờ ba sọc và ngôi nhà “hòa hợp” của bọn chúng. Ban ngày thì lính tráng hai bên chiến tuyến nói chuyện với nhau bình thường đấy nhưng có khi đêm đến lại choảng nhau chí tử không biết chừng. Vì vậy, đơn vị lúc nào cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Mấy chiếc xe tăng nằm trong hầm trông hiền lành thế kia nhưng lúc nào đạn cũng lên nòng rồi đấy chứ chơi đâu. Thế mà vợ tiểu đoàn phó- người chỉ huy cao nhất của đơn vị ở bờ nam Cửa Việt lại vào đây thì chỉ huy bộ đội thế nào, rồi ăn ở ra làm sao.

Nhìn cái mặt thộn ra của Nhã, chính trị viên phó tiểu đoàn Cường cười lớn: “Quê cứ yên tâm đi. Trước khi đưa cô ấy xuống đây tớ đã qua lữ đoàn báo cáo các thủ trưởng rồi. Các cụ đã không có ý kiến gì lại còn động viên cô ấy xuống đây cho khỏe. Như là đi nghỉ ở Đồ Sơn rồi còn gì”. Mẹ Thảnh thì nhanh nhảu: “Có mỗi mình mẹ lủi thủi, buồn lắm. Bây chừ có con vô đây thì vui quá trời. Nhà đấy, hai đứa cứ tự nhiên. Mẹ ra hầm ngủ, đêm có động dạng gì đỡ phải chạy”. Cũng chẳng còn cách nào khác, Nhã đành phải chấp nhận như một sự đã rồi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét