Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 1


Chương 16

Con tàu liên vận quốc tế lao băng băng trong màn đêm đặc quánh với tốc độ gần 100 ki- lô- mét một giờ, nó chỉ hơi chạy chậm lại khi qua những quãng đường cong hoặc khi vượt qua một cái ga xép nào đó. Tiếng bánh sắt lăn qua những chỗ nối ray tạo thành những âm thanh đều đều, gấp gáp. Thỉnh thoảng chiếc đầu tầu lại hú lên một hồi còi dài như một mũi khoan xọc về phía trước. Bầu trời đêm phương bắc đen kịt, thỉnh thoảng mới thấy có vài ánh đèn đường vàng vọt nhưng chúng lại nhanh chóng trôi qua bên ngoài kính cửa sổ. Đã mười một ngày đêm đoàn cán bộ Bộ tư lệnh Thiết giáp đi học tại Học viện xe tăng Liên Xô về bó chân trên ba cúp- pê tại toa số Hai của đoàn tàu này.
Hơn một năm trước, sau Hội nghị tổng kết các trận đánh của tăng thiết giáp năm 1972, Binh chủng Thiết giáp đã đề nghị lên Bộ Tổng Tư lệnh tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh được tiếp cận với các loại hình chiến dịch với quy mô lớn hơn nhằm chuẩn bị cho thời cơ mới. Thật không ngờ đề nghị đó đã được chấp thuận một cách nhanh chóng. Đoàn cán bộ cơ quan Bộ tư lệnh Thiết giáp do thượng tá Vũ Huy Đào, phó tư lệnh binh chủng đã được cử sang học tập tại Học viện xe tăng mang tên Nguyên soái Ma- li- nốp- xki.
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Bộ đưa ra quyết định ấy. Tận dụng thời cơ con đường chiến lược đã nối thông vào đến tận B2, trong mấy tháng cuối năm 1972 và đầu năm 1973 hàng trăm xe tăng, thiết giáp đã được đưa vào chiến trường. Ở B2 lực lượng tăng thiết giáp đã có gần hai trung đoàn. Tại đó, đoàn M26 được thành lập và có vị trí gần như một Bộ Tư lệnh Thiết giáp của Miền. Trên chiến trường B3 hai tiểu đoàn nữa được đưa vào kết hợp với tiểu đoàn 297 để thành lập trung đoàn H73. Tại B1 trung đoàn N74 cũng đã được thành lập và đã có những chiến thắng đầu tiên khá vang dội. Trung đoàn H03 đã được nâng lên thành lữ đoàn và được chuyển thuộc cho binh đoàn Sông Hương đang trụ vững trên địa bàn trọng điểm Trị Thiên. Đảm nhiệm khu vực nam quân khu Bốn và chiến trường Lào, Bộ đã quyết định thành lập trung đoàn H06. Ngoài ra Bộ cũng đã quyết định thành lập thêm lữ đoàn H15 để cùng H01 làm lực lượng dự bị chiến lược. Sau thời gian củng cố tại Hà Tĩnh, trung đoàn H02 đã được nâng lên thành lữ đoàn và kéo ra Thanh Hóa để tham gia vào đội hình Binh đoàn Quyết Chiến- binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội ta. Vì vậy, việc sử dụng tăng thiết giáp sao cho hiệu quả đòi hỏi cơ quan Bộ Tư lệnh và các đại diện binh chủng ở mặt trận phải đạt đến một tầm cao mới.
Trước tình hình phát triển lực lượng như vậy, tại Hội nghị tất cả các đại biểu đã thống nhất cao quan điểm: “tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ là biện pháp quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị nói riêng cũng như của toàn binh chủng nói chung”. Hội nghị cũng đã thống nhất về những biện pháp để thực hiện quan điểm đó. Cụ thể là: “tranh thủ thời gian, cấp tốc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp”. Có một điểm thuận lợi là Trường sĩ quan Thiết giáp đã chính thức được thành lập với đầy đủ các phòng nghiệp vụ và các khoa chuyên ngành như Chiến thuật, Pháo súng, Xe máy, Thông tin… nên việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp phân đội khá thuận lợi. Tuy nhiên, đối với cán bộ cấp trung, lữ đoàn và cán bộ cơ quan thì khả năng của nhà trường chưa đáp ứng được. Vì vậy Hội nghị thống nhất đề nghị với Bộ tạo điều kiện giúp đỡ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đối tượng này.    
Như người ta thường nói: “các tư tưởng lớn thường gặp nhau”, dường như trên Bộ cũng đã có ý định như vậy. Có lẽ những bộ óc ở Đại bản doanh đã nhận thấy sở trường, sở đoản đội ngũ cán bộ của mình. Họ đã đi lên từ tầm vông, giáo mác. Sở trường của họ là đánh du kích, đánh quy mô nhỏ. Thế mà trong trận quyết đấu cuối cùng phải đánh tan cả một đội quân hàng triệu người cùng với hàng loạt các loại vũ khí trang bị hiện đại mà quan thày của chúng tới tấp bổ sung thì không thể giở các món võ cũ đó ra được. Đó phải là những chiến dịch quy mô binh đoàn, liên binh đoàn tiêu diệt từng quân đoàn, từng vùng chiến thuật của địch. Nhưng chết nỗi, đó lại chính là sở đoản của cán bộ ta. Vậy thì không còn con đường nào khác là phải đi học. Vì vậy, Bộ đã chỉ thị cho Học viện cấp cao liên tục tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp trung, sư đoàn, đặc biệt chú trọng ưu tiên cho các đơn vị ở phía trước. Đồng thời tổ chức đưa một số cán bộ chỉ huy cấp chiến dịch binh chủng hợp thành và cán bộ cơ quan Bộ tư lệnh các quân binh chủng đi tập huấn nước ngoài. Có lẽ đó là lý do chính mà đề nghị của Bộ tư lệnh Thiết giáp được đáp ứng nhanh đến như vậy.
Gần một năm đánh vật với một chương trình học tập khá nặng đã trôi qua nhanh chóng. Mười một ngày trước họ tạm biệt Mát- xcơ- va lên tàu về nước. Và đêm nay, theo đúng lịch trình họ sẽ có mặt tại biên giới nước nhà.
Trong cúp- pê thứ Nhất chỉ có hai người: phó tư lệnh Vũ Huy Đào và tham mưu trưởng binh chủng Lê Xuân Kiệm. Phó tư lệnh Đào thì cuộn cả tấm chăn làm gối kê cao đầu, mắt đăm đăm nhìn ra cửa sổ mặc dù chả thấy gì ngoài một màu đen. Giường bên kia tham mưu trưởng Kiệm vẫn ngáy đều đều, bất chấp những xóc lắc và tiếng động. Mặc dù đã quá nửa đêm nhưng ông Đào chưa hề thấy buồn ngủ, và có lẽ cả đêm nay ông sẽ không ngủ được. Đêm nay ông và các đồng đội của mình sẽ được trở về Tổ Quốc, trở về cái dải đất hình chữ S thân thương mà họ đã phải tạm xa gần một năm qua. Đúng là khi đang sống trên đất nước mình thì cảm thấy mọi cái bình thường. Chỉ đến khi sống ở nước ngoài mới cảm nhận được nỗi niềm của những người bất đắc dĩ phải sống xa Tổ Quốc. Thật đúng là: “Chiều chiều ra đứng bờ sau; Trông về cố quốc lòng đau chín chiều”. Nhất là khi mảnh đất quê hương ấy còn đang ngùn ngụt lửa chiến tranh, khi người thân của chính mình và hàng triệu đồng bào vẫn ngày đêm thấp thỏm trước cái sống và cái chết.
Nếu tính số lần thì đây là lần xuất ngoại thứ tư của ông Đào. Nhưng nếu tính số nước thì đây mới là nước thứ ba ông đến. Lần đầu tiên ông dẫn hơn trăm cán bộ, chiến sĩ sang Trung Quốc học về xe tăng. Hồi đó hòa bình mới lập lại trên miền Bắc chưa được bao lâu, không ít người vẫn còn hy vọng vào một cuộc hiệp thương nào đó giữa hai miền Nam Bắc. Thế mà cũng đã cách đây gần hai chục năm rồi đấy. Có lẽ cái hăng say của tuổi trẻ cộng với niềm háo hức khi được tiếp cận với các loại trang bị vũ khí hiện đại và phương pháp quản lý, rèn luyện bộ đội chặt chẽ của bạn đã làm cho ông và đồng đội chẳng mấy khi có lúc rảnh rỗi mà nhớ nhà. Hai lần sau đi Lào thì áp lực của công việc, mức độ ác liệt của chiến trường, những trận chiến đấu căng thẳng liên tục cũng làm con người ta quên đi nỗi nhớ. Còn lần này thì khác hẳn.
Lần này ông đã được đặt chân đến đất nước Liên Xô vĩ đại, đất nước của hòa bình, đất nước của niềm tin, chỗ dựa vững chắc không chỉ của đất nước Việt Nam nhỏ bé của ông mà còn của cả phe xã hội chủ nghĩa nữa. Ngày còn ở nhà qua phim ảnh, qua đài báo và các bản tin tham khảo của Thông tấn xã Việt Nam, Tổng cục Chính trị ông đã hình dung ra một Liên Xô tươi đẹp và hùng mạnh. Nhưng khi sang đến đó ông vẫn thấy bất ngờ, thậm chí còn bị “choáng ngợp”. Không chỉ bởi sự khoáng đạt của không gian, không chỉ bởi sự kỳ vĩ của các công trình, không chỉ bởi sự hiện đại của trang thiết bị, máy móc mà còn bởi tấm lòng bao dung và tình cảm chân thật của những con người xô- viết mà ông đã từng gặp, từng tiếp xúc.
Quả thật, ngay từ khi đoàn tàu vượt qua biên giới Trung- Xô ông đã thấy ngợp bởi sự hùng vĩ của đất nước có diện tích rộng nhất thế giới này. Đoàn tàu lao đi với tốc độ hàng trăm ki- lô- mét một giờ mà suốt mấy ngày trời chẳng thấy làng mạc, dân cư, chỉ thấy triền miên những cánh rừng bát ngát xen kẽ với những đầm lầy tưởng như vô tận. Ông chợt nhớ đến một câu nói của nhà bác học nổi tiếng Lô- mô- nô- xốp mà ông đã đọc được ở đâu đó: “Nước Nga sẽ mạnh lên từ Xi- bê- ri”. Có lẽ đúng vậy. Dưới những cánh rừng bát ngát kia, dưới những đầm lầy dầy đặc lau sậy kia là bao tài nguyên còn đang yên ngủ. Khi nó được đánh thức, khi nó được khai phá và sử dụng nó sẽ là nguồn sức mạnh vô tận của đất nước này.
Hồi các ông đi đang là mùa thu. Trong khi những cánh rừng lá kim ở Viễn Đông vẫn còn xanh rì một màu xanh bí ẩn thì những cánh rừng sồi, rừng phong ở sâu trong nội địa đã bắt đầu mùa thay lá. Cả đoàn học viên Việt Nam sững sờ ngắm không chán mắt những thảm vàng kỳ bí in bóng xuống hồ Bai- Can mênh mông. Ông như thấy đâu đó bóng dáng Lê- vi- tan đang đứng bên giá vẽ. Thật là tuyệt vời khi được tận mắt chứng kiến “Mùa thu vàng” ở quê hương của nó.
Một cái nữa làm ông Đào thấy ngợp chính là con đường mà đoàn của ông đang đi. Nhìn hai vệt đường ray thẳng tắp dài tít tắp vượt qua đầm lầy, vượt qua núi cao, vượt qua rừng rậm… ông thật sự khâm phục sức lao động vĩ đại của con người. Có quyết tâm, có lý tưởng con người ta có thể làm được những việc tưởng chừng như không thể. Ông chợt liên tưởng đến những cung đường Trường Sơn hiểm trở ở nhà. Đấy! Có ai ngờ trên dải Trường Sơn hùng vĩ nhường ấy lại chằng chịt một mạng đường chiến lược lên đến hàng chục nghìn ki- lô- mét. Có ai ngờ những chiếc xe tăng nặng hàng vài chục tấn mà nay đã có mặt ở khắp các chiến trường… Mà về cuộc chiến tranh này thì có nhiều điều những người nước ngoài không thể ngờ rằng những con người Việt Nam nhỏ bé, có vẻ rất hiền lành và nhẫn nhục đã làm được. Ngay cả một số thày ở Học viện xe tăng Ma- li- nốp- xki cũng thế.
Nghĩ đến đây ông Đào khẽ nhếch mép cười. Ngày đầu tiên đoàn của ông đến Học viện, vừa kịp nhận phòng, đồ đạc còn bừa bộn chưa kịp sắp xếp thì đích thân giám đốc đến thăm. Mọi người cứ cuống cả lên chẳng biết mời giám đốc ngồi vào đâu, nước nôi thế nào… thì chính giám đốc xua tay: “Không cần phải thế! Biết các đồng chí vừa sang, đường xa chắc là vất vả tôi chỉ xuống thăm sức khỏe các đồng chí một chút thôi. Hôm khác Học viện sẽ tổ chức gặp gỡ các đồng chí sau”. Theo các học viên đã từng theo học ở đây từ trước thì đó là một sự kiện đặc biệt. Từ trước đến nay thượng tướng giám đốc Học viện chưa bao giờ trực tiếp đến vấn an một đoàn học viên nào như thế bất kể họ đến từ quốc gia nào. Mà cái học viện này nào có ít học viên quốc tế. Dễ có đến hơn ba mươi quốc gia có học viên đang học tập ở đây mà trong đó có những ông lớn kếch sù về dầu lửa. Học viên đi học mà mỗi tháng tiêu hàng xấp đô- la. Đã quán triệt với nhau từ ở nhà là dù mình có cấp chức gì đến đó cũng chỉ là học viên nên ông và anh em cũng hơi ngại. Tuy nhiên đến hôm Học viện tổ chức đón tiếp chính thức thì mới vỡ lẽ: sở dĩ có sự kiện đặc biệt đó chính là vì những chiến công vang dội của bộ đội xe tăng Việt Nam trước đối thủ là quân đội Mỹ và đồng minh. Khi đã thân mật hơn đồng chí giám đốc Học viện còn bá vai ông mà tâm sự: “Các đồng chí sang đây để học tập. Trách nhiệm của chúng tôi là dạy các đồng chí. Đúng thế! Nhưng không chỉ có vậy! Chính chúng tôi cũng sẽ học hỏi được ở các đồng chí nhiều điều. Chính các đồng chí chứ không phải ai khác đã sử dụng xe tăng xô- viết để chiến đấu với kẻ thù chung của chúng ta là đế quốc Mỹ và các đồng chí đã thắng. Vì thế chúng tôi cũng phải học các đồng chí để đảm bảo nếu chiến tranh xảy ra chúng tôi cũng sẽ thắng Mỹ”. Có lẽ có sự thống nhất chỉ đạo từ trên như vậy nên trong chương trình học tập của lớp ông bố trí khá nhiều thời gian cho các buổi xê- mi- na. Các giáo viên khi lên lớp cũng không truyền đạt kiểu áp đặt một chiều mà thường nêu vấn đề để học viên phát biểu, tranh luận thoải mái rồi mới kết luận. Nhiều khi các đồng chí đó còn hỏi han rất cặn kẽ: “Trường hợp này nếu ở Việt Nam các đồng chí sẽ xử trí thế nào?”. Ngay cả về các loại trang bị cũng vậy. Các giáo viên kỹ thuật của bạn cứ căn vặn: “Loại xe này sử dụng có thuận lợi không? Có ưu nhược điểm gì?” v.v… Đặc biệt câu chuyện tăng thiết giáp của ta đấu nhau với M48 của Mỹ tại Đông Hà và Cửa Việt được các giáo viên bạn quan tâm nhiều nhất.
Ông lại khẽ bật cười thành tiếng khi nhớ lại giờ lên lớp đầu tiên của thiếu tướng An- tô- nốp dạy môn “Lịch sử quân sự”. Vừa vào lớp thày đã xua tay: “Lịch sử quân sự là môn khoa học nghiên cứu các hoạt động quân sự trong quá khứ, chủ yếu là các quy luật của chiến tranh, của đấu tranh vũ trang nhằm rút ra những bài học thiết thực cho việc tổ chức, tiến hành chiến tranh, xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang. Trong lĩnh vực này thì chính Việt Nam các bạn mới là bậc thầy. Mấy nghìn năm lịch sử của các bạn là lịch sử của các cuộc chiến tranh giành độc lập, bảo vệ nền độc lập với đủ các loại kẻ thù. Thế thì tôi có gì để dạy các bạn bây giờ? Vì vậy, từ nay các giờ học của tôi sẽ là giờ chúng ta nói chuyện phiếm”. Lo lắng về kết quả học tập, sợ không vượt qua được kỳ thi cuối khóa thì thày cười: “Các đồng chí không phải lo lắng gì! Có kỳ sát hạch nào cao hơn những thứ các đồng chí đã trải qua ở chiến trường Việt Nam đâu!”. Có lẽ thày cũng là người hài hước cho nên sau khi nhìn đăm đăm vào mặt ông Đào một lát thày trịnh trọng chào: “Chào điện hạ Tổng tư lệnh!”. Ông Đào giật thót mình lắp bắp bằng thứ tiếng Nga bất cần ngữ pháp: “Không! Tôi chỉ là phó tư lệnh binh chủng Thiết giáp thôi ạ!”. Thày vẫn cười: “Tôi là tôi chào Tổng tư lệnh Cu- tu- dốp cơ”. Chợt nhớ tướng quân Cu- tu- dốp cũng có ngoại hình khá giống mình, nhất là một con mắt hỏng nên ông Đào biết là thày đùa và cũng đỡ ngại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét