Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 11


Chuyến công tác của phó tư lệnh Kiệm và đoàn cán bộ, nhân viên kỹ thuật của binh chủng Thiết giáp cho đến lúc này là khá suôn sẻ và thực hiện đúng kế hoạch. Chỉ sau hai ngày đêm, đoàn đã đến địa điểm của lữ đoàn H03 ở Quảng Trị. Dẫu đã có hơn một năm yên tiếng súng nhưng dấu tích những trận đánh ác liệt vẫn còn như nguyên vẹn. Bên những hố bom, hố pháo doanh trại, lán xe của H03 đã được dựng lên khá khang trang, có đủ hội trường, bệnh xá, chiêu đãi sở. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, bữa ăn của bộ đội được cải thiện đáng kể đã làm tăng quan số khỏe lên hơn 90 phần trăm. Một cứ điểm gần như còn nguyên vẹn của chi khu Cam Lộ được anh em sử dụng làm thao trường huấn luyện chiến thuật. Nề nếp sinh hoạt, học tập đã mang dáng dấp của một đơn vị chính quy như hồi còn ở miền Bắc. Nói cho công bằng, phó tư lệnh Kiệm rất hài lòng về công tác quản lý và tổ chức huấn luyện bộ đội ở đây. Sau mấy ngày làm việc và đi khảo sát chung tình hình khu vực Kiệm đã đề nghị với Bộ tư lệnh binh đoàn cho H03 sử dụng thêm một phần khu căn cứ sư đoàn 3 ngụy ở Ái Tử làm thêm một thao trường nữa. Với hệ thống đường sá, kho tàng, công trình xây dựng và hàng rào vật cản gần như còn nguyên vẹn khu vực này rất phù hợp cho nội dung huấn luyện tiến công địch phòng ngự ở thành phố, thị xã mà đoàn của anh đưa vào để tập huấn cho đơn vị.
Kết thúc thời gian làm việc ở H03 đoàn của Kiệm đến tiểu đoàn xe tăng trực thuộc sư đoàn bộ binh C68 ở cao nguyên Xa- ra- van và trung đoàn N74. Nơi nửa tháng, nơi một tuần nên mãi đến đầu tháng 12 đoàn các anh mới tới trung đoàn H73. Được trở lại chiến trường quen thuộc từ hồi đánh Pháp và cũng là nơi mấy năm trước chính mình đã có mặt để chuẩn bị đưa xe tăng vào Kiệm vui lắm. Dọc đường đi Kiệm nói luôn mồm. Không hẳn vì anh vui chuyện mà còn muốn giới thiệu cho các sĩ quan đi cùng về địa hình, khí hậu, thời tiết và những đặc điểm khác của Tây Nguyên. Đối với những sĩ quan mới lần đầu được đặt chân đến vùng đất này như Ngô, Lê và Nguyễn Hữu thì những câu chuyện dọc đường này thật sự bổ ích. Các anh vừa say sưa ngắm nhìn những cao nguyên trải dài, những đỉnh núi cao chót vót, những cánh rừng nguyên sinh xanh um vừa lắng nghe như nuốt từng lời của vị phó tư lệnh đã nhiều năm gắn bó với chiến trường này.
Vào đến H73, chỉ sau một ngày nghỉ ngơi đoàn công tác đã ai vào việc nấy. Một lớp tập huấn cán bộ được tổ chức cấp tốc để các sĩ quan tham mưu giới thiệu những vấn đề mới về chiến thuật. Còn bộ phận thợ kỹ thuật thì bắt tay ngay vào khảo sát và sửa chữa trang bị. Cũng như ở các đơn vị các anh đã đi qua, xe pháo của H73 về cơ bản đã khắc phục được những hư hỏng thông thường, còn những hư hỏng mà đơn vị bó tay chủ yếu là các thiết bị điện và hệ thống thông tin liên lạc. Một tháng qua đi nhanh chóng. Những ngày cuối năm 1974, Kiệm quyết định đưa đoàn công tác của mình rời Tây Nguyên vào B2.
Có vẻ như sức mạnh của không lực Việt Nam cộng hòa đã giảm sút đáng kể sau hai năm quan thày về nước nên không còn đủ sức vươn xa lên kiểm soát các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nữa thì phải. Cũng có thể là do lực lượng phòng không của ta đã được đưa vào sâu hơn nên lũ “lính nhà trời” Sài Gòn kiềng mặt. Vì vậy, trên bầu trời không còn cảnh những chiếc L19 hay OV10 tự do bay lượn, nhòm ngó như trước kia. Các phương tiện vận tải của ta vô tư chạy ban ngày, chỉ khi đi sâu vào gần đến căn cứ Bộ tư lệnh Miền mới phải thực hiện các biện pháp nguỵ trang cẩn thận hơn.
Đang là mùa khô. Những con đường cao nguyên bị hàng vạn, hàng vạn lượt bánh xe lăn qua nghiền thành bột và cứ mỗi chiếc xe qua nó lại cuốn lên thành một đám mây bụi khổng lồ dài vài trăm mét. Ngồi trên xe ai cũng sù sụ một cái khăn mặt dạ dày bò thấm nước quấn ngang mặt để chống bụi mà khi nghỉ giải lao khạc ra vẫn thấy một bãi đờm đỏ khé. Trên những đoạn đường như vậy thì cái máu hay chuyện của phó tư lệnh Kiệm cũng không còn phát huy được nữa. Cũng như các thành viên trong đoàn anh đang phải vất vả chống cự lại những cái xóc kinh người và đám bụi khổng lồ đang trùm lên cả đoàn xe. Cũng còn may là xe đi đầu nên chiếc xe của Kiệm còn đỡ chứ ba xe đi sau thì đúng là một cực hình.
Rời khỏi H73 đã được hai ngày, bây giờ đoàn xe đang chạy trên một cao nguyên trống trải ở vùng ba biên giới. Theo tính toán của Kiệm thì chỉ không đến hai ngày nữa đoàn của mình sẽ vào tới căn cứ của đoàn M26. Trời vẫn xanh trong không một gợn mây. Cỏ cây hai bên đường thì bạc phếch một màu vì bụi. Phía trước là một ngã ba, lái xe Chiến giảm tốc độ, cậu ta nghiêng ngó như muốn xác định xem mình sẽ đi theo đường nào. Ngay cạnh ngã ba là một tấm bảng gỗ cũng bạc phếch vì bụi, trên đó là mấy dòng chữ nguệch ngoạc chắc là viết bằng than. Liếc qua tấm bản đồ trên tay Kiệm hất cằm:
- Cứ đi thẳng!
Chợt trợ lý Lê vỗ vai Kiệm và chỉ vào tấm bảng gỗ bên trái đường:
- Anh Kiệm! Hình như trên cái bảng kia có tên anh kìa.
Kiệm ngơ ngác một chút nhưng rồi cũng bảo Chiến:
- Dừng lại! Đâu? Bảng đâu?
Chiếc xe vừa dừng lại là luồng bụi phía sau trùm lên ngay. Phải mất vài phút mọi người mới nhìn rõ tấm biển. Trên nền gỗ trắng bạc bây giờ hiển hiện dòng chữ: “Bộ tư lệnh B3 cần gặp anh Kiệm Thiết giáp gấp. Đi theo mũi tên chỉ”. Chữ Kiệm to hơn hẳn các chữ khác và được tô đậm, nổi bật hơn hẳn các chữ khác nên Lê đã kịp đọc.
Lột cái khăn lau qua đám bụi trên mặt, Kiệm càu nhàu:
- Sao mấy bố B3 lại biết mình sẽ đi qua đây là mà cắm biển thế này nhỉ?
Ngô bàn góp:
- Chắc anh em dưới H73 báo cáo lên. Nhưng tôi đoán chắc có việc gì đó cần thiết lắm nên Bộ tư lệnh B3 mới làm thế này.
Ba chiếc xe đi phía sau cũng đã dồn lên và dừng lại ngay phía sau xe Kiệm. Mọi người dồn lên túm tụm nhìn tấm biển rồi bàn ra, tán vào. Chủ nhiệm hậu cần Quýt đùa:
- Chắc phó tư lệnh có ông bạn nào ở Bộ tư lệnh B3 muốn chiêu đãi đây mà.
Mọi người cười ồ cả lên. Kiệm nhăn trán suy nghĩ rồi nói:
- Chắc chắn là các anh ấy cần gặp mình rồi. Mà mình đã nhận được tin nhắn thế này thì chắc chắn sẽ phải vào. Nhưng…- anh bỏ lửng câu nói.
Đại diện cơ quan chính trị Nguyễn Tặng tham gia:
- Chắc anh phân vân chỉ mình anh vào thôi hay cả đoàn chứ gì.
Kiệm gật đầu:
- Đúng vậy! Mình thì nhất định phải vào rồi. Nhưng đoàn ta lại còn nhiệm vụ phía trước ở trong B2. Nếu sa lầy ở đây sợ rằng sẽ bị chậm so với kế hoạch.
Chủ nhiệm kỹ thuật Hổ tham gia:
- Theo tôi ta cứ vào cả đấy để xem tình hình thế nào. Nếu anh Kiệm phải ở lại lâu thì chúng tôi lại quay ra để vào B2 trước. Còn nếu chỉ một, hai ngày thì ta đợi đi cùng cũng được. Tiện thể cho anh em nghỉ ngơi tắm giặt một tý chứ hai ngày nay ngập trong bụi rồi. Khó chịu lắm.
Kiệm gật đầu dứt khoát:
- Tôi thống nhất thế này nhé: bây giờ ta cứ vào cả đoàn. Khi đến gần khu vực cơ quan ba xe các anh cứ dạt vào rừng cho anh em nghỉ ngơi, tắm giặt đi. Sau khi tôi vào gặp các anh ấy ta sẽ quyết định tiếp.
Mọi người lục tục về xe. Cả đoàn xe rẽ trái nhằm hướng dãy núi xanh rì phía trước. Càng đi xa đường tuyến cây cối càng rậm rạp và đỡ bụi hơn hẳn.

*

Không còn phải quấn khăn chống bụi nữa nhưng từ lúc đó Kiệm cứ im như thóc trái hẳn với bản tính của anh. Thực ra, trong đầu Kiệm suy nghĩ rất lung. Không hiểu có chuyện gì quan trọng mà Bộ tư lệnh B3 lại muốn gặp mình như vậy. Không lẽ trong thời gian công tác ở H73 đoàn mình có vấn đề gì sơ xuất. Chắc chắn là không. Kế hoạch công tác được thực hiện đầy đủ. Mọi yêu cầu sửa chữa của H73 đã được đáp ứng, số đầu xe chiến đấu được nâng lên đáng kể. Hay là Bộ có nhiệm vụ gì đột xuất giao cho mình. Chắc cũng không phải. Đoàn có mang theo đài 15 oát, ngày nào cũng làm việc với Bộ tư lệnh cơ mà, có việc gì thông qua Bộ tư lệnh Thiếp giáp truyền đạt được ngay. Vậy thì chỉ còn chuyện nhiệm vụ của xe tăng trong thời gian sắp tới. Anh chợt nhớ đến cuộc gặp Tổng Tham mưu trưởng trước khi đi công tác, đồng chí đã dặn đại ý “Cố gắng làm cho tốt, Đông Xuân này ta làm ăn lớn đấy”. Vậy thì chỉ còn việc đó thôi.
Đúng như vậy. Vừa gặp nhau, sau vài câu chào hỏi Tư lệnh B3 đã cho Kiệm biết cơ quan tham mưu của B3 đang có cuộc hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu Đông Xuân 1975 theo chỉ thị của Bộ. Hội nghị đang thảo luận và có nhiều ý kiến khác nhau. Khi nghe H73 báo cáo đoàn công tác của Binh chủng đã rời đơn vị và đang trên đường vào B2 nên muốn mời phó tư lệnh Thiết giáp vào để tham khảo ý kiến. Nghe thủng câu chuyện, Kiệm ngần ngừ:
- Thú thực với anh, tôi thì không ngại gì. Tuy nhiên, thiết giáp chúng tôi cũng đã có đại diện ở đây rồi. Đó là những anh em đã công tác ở trong này lâu năm và rất có kinh nghiệm về sử dụng xe tăng, có gì anh cứ yêu cầu anh em người ta đề đạt. Còn tôi chỉ là người đi công tác qua, đã nắm được tình hình gì đâu mà tham gia ý kiến. Vả lại, chúng tôi còn có nhiệm vụ ở B2 nên không thể nấn án ở đây lâu được.
Tư lệnh B3 ôn tồn:
- Không phải là tôi không tin anh em cơ quan binh chủng ở đây. Vừa rồi các anh ấy đã tham mưu cho chúng tôi sử dụng xe tăng đánh một số trận ở Chư Nghé, Đắc Pét giành thắng lợi rất hiệu quả. Tuy nhiên, nhiệm vụ lần này có khác. Nặng nề hơn rất nhiều và quy mô cũng lớn hơn rất nhiều nên muốn tham khảo ý kiến của các anh. Còn thời gian thì cũng không dám giữ các anh lại lâu, chỉ một, hai ngày thôi mà.
Nghe đến đánh lớn hơn máu trong người Kiệm như sôi lên, anh tỏ ra quan tâm:
- Anh cho biết cụ thể hơn xem nào?
Tư lệnh B3 hạ giọng vẻ bí mật:
- Thế này anh ạ! Khi nhận nhiệm vụ tác chiến Đông Xuân 75 này, căn cứ vào thực lực của mình chúng tôi xác định sẽ tiến hành một số chiến dịch cấp sư đoàn tăng cường nhằm vào một số mục tiêu như Gia Nghĩa, Đức Lập là vừa. Suốt hàng tháng nay cán bộ các cấp đã đi chuẩn bị chiến trường theo hướng ấy. Thế rồi, đùng một cái ngoài Bộ điện vào chỉ thị cần nghiên cứu thêm mục tiêu Buôn Ma Thuột. Mà Buôn Ma Thuột nó to lắm, anh ạ. Nếu Gia Nghĩa, Đức Lập là con nai con hoẵng thì Buôn Ma Thuột nó phải là con voi, nó là thủ phủ hậu phương của quân khu Hai này mà. Muốn động được vào nó chắc phải dồn lực cả B3 này, trong đó xe tăng các anh có khi phải dùng đến quy mô trung đoàn. Vì vậy, chúng tôi phải tổ chức hội nghị này để mở rộng dân chủ tìm biện pháp thực hiện nhưng cũng đang bí- Nhìn thẳng vào mắt Kiệm, anh cười thân mật- Anh ở ngoài đó, gần mặt trời hơn nên anh em chúng tôi cũng muốn tham khảo ý kiến. Vậy thôi! Anh cố gắng ở lại nhé!
Thấy Tư lệnh B3 đã nói đến mức như vậy nên Kiệm đành gật đầu:
- Thế cũng được! Vậy để tôi phổ biến tình hình cho anh em trong đoàn rồi sẽ vào tham gia họp với các anh.
Sau khi giao nhiệm vụ cho anh em trong đoàn tổ chức nghỉ ngơi và bảo dưỡng xe cộ, khí tài Kiệm quay ngay vào phòng họp. Cuộc họp có mặt đầy đủ các cán bộ chủ chốt của cơ quan tham mưu B3 và đã tiến hành được hai ngày. Sau một buổi ngồi nghe Kiệm nhận thấy ý kiến các cán bộ đang hình thành hai phe. Một phe kiến nghị với Bộ tiếp tục cho B3 mở các chiến dịch tiến công Gia Nghĩa, Đức Lập. Lý do mà phe này đưa ra là khả năng của mặt trận chỉ đủ sức đánh những mục tiêu như vậy là vừa tầm. Vả lại, toàn mặt trận đã nghiên cứu chuẩn bị chiến trường ở các khu vực này khá kỹ rồi. Nếu chuyển sang tiến công Buôn Ma Thuột sẽ phải đi chuẩn bị chiến trường lại. Ngoài ra, để cơ động lực lượng vào đánh Buôn Ma Thuột sẽ rất khó khăn. Phe thứ hai thì thống nhất với chỉ đạo của Bộ. Biết là khó khăn đấy nhưng chắc chắn với tầm nhìn của trên thì phải có một lý do gì đó mới chỉ định mục tiêu như thế chứ. Hơn nữa, phải đánh những mục tiêu lớn như Buôn- Ma- Thuột thì mới tạo được sự đột biến trên chiến trường chứ cứ “mần ba cái vụ lẻ tẻ” như cũ thì lại “vẫn đâu đóng đấy” thôi. Vấn đề đặt ra bây giờ là tìm biện pháp để thực hiện mà thôi. Sau gần hai ngày thảo luận thì phe thứ nhất có vẻ như đang chiếm ưu thế.
Ngồi nghe thảo luận, Kiệm thấy hơi buồn vì anh nhận thấy tầm nhìn của các cán bộ ở đây vẫn có phần chưa được cập nhật. Không phải ngẫu nhiên mà trên Bộ lại đưa ra một quyết định như vậy. Rõ ràng là với cách bố trí lực lượng “nhẹ ở giữa, nặng hai đầu” của địch thì chắc chắn Đông Xuân năm nay ta sẽ nhằm vào Tây Nguyên để đánh trận mở màn. Mà đã là trận mở màn thì chí ít cũng phải một thị xã lớn như Pley Cu, Kon Tum hoặc Buôn Ma Thuột mới tạo nên được một hiệu ứng nào đó chứ mấy cái thị xã nhỏ như Gia Nghĩa, Đức Lập thì cũng lại chỉ như mọi năm mà thôi. Trong khi đó, ngay tại Tây Nguyên này địch cũng đang rất chú trọng phòng thủ phía bắc mà trọng điểm là Kon Tum, Pley Cu, còn ở phía nam lực lượng bố trí khá mỏng. Thế mà lực lượng của B3 so với mấy năm trước đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Trong tay Bộ tư lệnh có đến 3 sư đoàn bộ binh, hai trung đoàn pháo, hai trung đoàn phòng không, một trung đoàn xe tăng và một số đơn vị trực thuộc khác. Vì vậy, nếu chỉ so sánh đơn thuần về lực lượng ta hoàn toàn có đủ sức để đánh Buôn Ma Thuột. Tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn, nhất là về cơ động lực lượng. Nhưng khó khăn nào mà chả có giải pháp.
Cuối buổi chiều, khi thấy mọi người thảo luận đã khá nhiều mà chưa đi đến thống nhất, Tư lệnh B3 đứng dạy:
- Báo cáo các đồng chí! Chúng ta thảo luận cũng đã nhiều nhưng chưa đi đến nhất trí quan điểm được. Bây giờ, xin mời đồng chí Lê Xuân Kiệm, phó tư lệnh binh chủng  Thiết giáp có ý kiến với hội nghị- Ông cười hóm hỉnh- Xin nói thêm là đồng chí Kiệm chỉ đi công tác qua đây thôi. Nhưng trước khi đi vào đây, đồng chí đã được gặp và trực tiếp nhận nhiệm vụ từ đồng chí Tổng tham mưu trưởng nên chúng tôi đã mời đồng chí tham dự với hội nghị chúng ta. Xin mời anh Kiệm!
Kiệm đứng dạy từ tốn:
- Thưa toàn thể các đồng chí! Được sự đồng ý của các đồng chí trong Bộ tư lệnh tôi xin phép được tham gia một số ý kiến mang tính chất cá nhận thôi ạ. Trước hết, theo tôi cả hai nhóm ý kiến của các đồng chí đều có cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. Tuy nhiên, tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên mà cấp trên lại chỉ thị cho chúng ta nghiên cứu mục tiêu Buôn Ma Thuột. Chắc chắn rằng phải có một lý do nào đó rất quan trọng, rất cần thiết tập thể Bộ Chính trị, tập thể Quân ủy trung ương mới đi đến quyết định đó. Vì vậy, theo tôi chúng ta không nên bàn cãi là có nên đánh hay không mà nên tập trung vào tìm biện pháp thực hiện là hơn. Còn theo nhận định của tôi đây không phải là một nhiệm vụ bất khả thi. Với cách bố trí nhẹ ở giữa, nặng ở hai đầu thì quân địch trên chiến trường này đang tập trung ở hướng Kon Tum, Pley Cu. Vì vậy, mặc dù là thủ phủ hậu phương của Tây Nguyên nhưng lực lượng địch phòng ngự ở đây cũng không quá mạnh. Trong khi đó lực lượng của B3 mấy năm qua đã lớn mạnh lên rất nhiều. Chúng ta lại có một thời gian dài chuẩn bị, huấn luyện, diễn tập… nên tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tiến công Buôn Ma Thuột thành công bằng một chiến dịch hợp đồng binh chủng quy mô lớn- Sau khi phân tích thêm một số thuận lợi, khó khăn Kiệm nhấn mạnh- Theo tôi, để chiến dịch thành công chúng ta nên tiến hành theo hai bước. Bước một, sử dụng khoảng một sư bộ binh tăng cường tiến công tiêu diệt Đức Lập. Sở dĩ phải diệt “thằng” này trước bởi vì diệt được nó ta sẽ cơ động lực lượng thuận lợi hơn. Mặt khác, nó ở cách Buôn Ma Thuột có 14 ki- lô- mét. Nếu không diệt nó trước nó sẽ có thể ứng cứu rất đắc lực cho Buôn Ma Thuột khi bị tiến công. Ngay sau khi diệt được Đức Lập ta sẽ nhanh chóng đưa lực lượng áp sát Buôn Ma Thuột và đồng loạt nổ súng tiến công các mục tiêu trong thị xã bằng hợp đồng binh chủng. Riêng về xe tăng, theo tôi cần phải sử dụng tập trung cả trung đoàn H73 cho chiến dịch này- Nhìn quanh một vòng Kiệm hạ giọng- Tuy nhiên, trên đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của tôi. Còn việc quyết định thế nào thì xin mời các đồng chí tiếp tục thảo luận. Hết ý kiến!
Ngồi nán lại nghe thêm một vài ý kiến nữa Kiệm lại gần Tư lệnh B3 xin phép được tiếp tục chuyến công tác. Tư lệnh B3 thân mật:
- Chuyện công tác của anh đã có kế hoạch rồi, tôi không dám giữ. Nhưng cũng rất mong anh hoàn thành nhanh và quay ra đây với chúng tôi. Tôi tin rằng Tây Nguyên xuân này sẽ có nhiều chuyện lớn đấy- Ông chợt hạ giọng- Cũng xin báo với anh, tôi vừa nhận được điện của trên cho biết trong B2 đã mở chiến dịch Đường 14- Phước Long. Anh vào trong ấy cố gắng đúc kết lấy một ít kinh nghiệm đánh thành phố, thị xã rồi ra giúp chúng tôi nhé.
Kiệm mở to đôi mắt. Thế thì anh càng phải vào trong đó nhanh hơn. Xiết chặt tay người đồng đội, anh gật đầu:

- Hứa với anh, xong việc ở B2 tôi sẽ quay ra ngay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét