Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 37


Trong khi đó tiểu đoàn của Nhã đang trú quân ở khu vực miếu Bái Sơn. Sau khi nằm lại ở Tân Vĩnh một thời gian để hỗ trợ cho bộ binh chiến đấu giữ thị xã Quảng Trị thì đơn vị của Nhã được điều về tập trung tại đây để củng cố. Có về ở tập trung tại đây mới biết tổn thất trong cả hai đợt chiến dịch vừa qua lớn biết chừng nào. Không một đơn vị nào còn đủ một phần hai số xe so với biên chế, những cái còn lại cũng thương tích đầy mình. Tổn thất về người tuy không lớn lắm nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đã thế, chắc là công tác tiếp nhận viện trợ ở ngoài Bắc cũng gặp khó khăn do bị Mỹ phong tỏa các cảng biển nên dù thiếu hụt vậy nhưng các đơn vị chỉ được bổ sung rất nhỏ giọt. Như đại đội của Nhã chỉ còn bốn xe nay cũng chỉ được bổ sung có “nhõn” một xe theo cách nói của Kỳ. Liên “triết gia” thì bình luận: “Thế cũng tốt chán rồi! Còn hơn là không có gì cả!”.  
Với Nhã, được như thế cũng là quá tốt rồi. Cho đến giờ anh mới thấm thía hơn cái câu “quân cốt tinh, không cốt nhiều” mà mình đã được nghe nhiều lần từ hồi nảo, hồi nào. Nhiều mà làm gì khi dúm dụm với nhau để đến nỗi thằng bị cháy, thằng bị băt sống như hôm đánh Phượng Hoàng. Sau này, nhiều lúc nghĩ lại Nhã vẫn thấy xót xa. Lúc ấy, giá như một xe chiếm địa hình có lợi trên sườn điểm cao 52 thì mấy cái xe tăng địch ra phản kích kia sẽ biến thành miếng mồi ngon chứ sao mà làm mưa, làm gió được. Nhưng trong chiến tranh không có chữ “giá như”. Tất cả những sự dốt nát, ngờ nghệch đều đã phải trả giá. Cái còn lại may ra chỉ là những kinh nghiệm cho các thế hệ sau mà thôi.
 Hiểu sâu sắc điều đó nên Nhã cố gắng tranh thủ thời gian này để nâng cao sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Một mặt anh đề nghị trung đoàn tăng cường một số thợ sửa chữa để cùng anh em lái xe trong đơn vị khắc phục bằng hết những hư hỏng từ lớn đến nhỏ của xe máy và vũ khí. Một mặt anh tập trung huấn luyện bổ sung những kiến thức mà anh thấy cần thiết cho từng nhóm thành viên. Trong các buổi huấn luyện ấy thì việc trao đổi kinh nghiệm được coi là phần trọng điểm. Chính vì vậy các buổi học trở nên rất sinh động và sôi nổi.
Đúng lúc ấy thì tin hiệp định Pa- ri chuẩn bị được ký kết ào đến. Đi đến đâu cũng thấy lính tráng bàn ra, tán vào chuyện hiệp định. Học cũng bàn tán. Bảo dưỡng xe cũng bàn. Đang ăn cũng nhồm nhoàm vừa nhai vừa nói. Đêm đã chui vào hầm rồi cũng vẫn không dứt ra được. Pháo thủ Thủy thì cứ toang toác:
- Hiệp định ký rồi! Có khi Tết này ta được về phép ấy chứ, các “quê” nhỉ?
Nghe đến chuyện này pháo hai Kỳ hào hứng lắm, cậu ta lắp bắp:
- Có thật thế không, anh “quê”? Từ hồi đi đến giờ em chưa được về nhà lần nào. Giá Tết này mà được về thì sướng phải biết.
Liên “triết gia” thì luôn tỏ vẻ nghi ngờ mọi thứ:
- Các “quê” làm gì mà vội “phởn” thế! Tớ thì nghĩ rằng chẳng có gì thay đổi cả. May ra thì bom đạn ít đi một chút mà thôi.
Thủy trợn mắt:
- Sao “quê” lại bảo không có gì thay đổi là thế nào? Không thay đổi thì ký làm cái quái gì? Mà ký được đâu có dễ?
Liên vẫn điềm đạm:
- Thế “quê” không thấy bọn ngụy nó vẫn còn sống nhăn răng ra đấy à? Nó còn ở đấy thì ta còn phải đánh nhau. Thế thì có khác gì bây giờ đâu nào?
Cả Thủy và Kỳ ngẩn mặt ra:
- Thế thì chán nhỉ!
Nghe các thành viên cứ bàn ra tán vào không biết đến bào giờ mới dứt ra được Nhã đành lên tiếng:
- Cậu Liên nói đúng nhưng mà chưa đủ! Phải nói là việc ký hiệp định Pa- ri sẽ tạo ra sự thay đổi rất to lớn trong cục diện chiến lược chứ. Trước hết là ta sẽ đuổi được thằng Mỹ cút về nước. Vì vậy, tuy vẫn phải đánh nhau nhưng chỉ phải đánh với thằng ngụy thôi. Mà thằng Mỹ đã rút rồi thì bom đạn, phi pháo chắc cũng sẽ không dồi dào như trước nữa. Mà thôi, các cậu cũng ngủ đi! Ngày mai còn nhiều việc phải làm đấy.
Giục chiến sĩ đi ngủ nhưng rồi chính Nhã lại trằn trọc mãi không ngủ được. Tận trong sâu thẳm cõi lòng anh cũng hy vọng hiệp định Pa- ri sẽ sớm mang lại hòa bình cho đất nước. Và thế nào anh cũng sớm được gặp lại Hiền.

***

Những tin tức về việc chuẩn bị ký kết hiệp định Pa- ri về Việt Nam đến với Hòa lúc anh đang ở Vĩnh Thạch. Sau một thời gian ở lại Triệu Phong hỗ trợ các đơn vị bộ binh chống lại cuộc hành quân “Lam Sơn 72” của địch, đơn vị của Hòa đã được kéo ra ngoài này để củng cố. Đối với Hòa cũng như toàn thể anh em trong đơn vị khi nhận quyết định này thì đúng như người “sắp chết đuối vớ được cọc”. Nằm ở Triệu Phong mấy tháng mùa mưa đơn vị anh đã thật sự kiệt quệ về mọi mặt. Xe hỏng đằng xe. Người ốm đằng người. Việc vận chuyển khí tài, lương thực, thực phẩm và cả đạn dược, nhiên liệu đều hết sức khó khăn. Đang bí rì rì thì có lệnh rút ra. Không nói ra miệng nhưng Hòa như trút được gánh nặng. Còn đám lính trẻ thì khỏi phải nói, nhất là cậu Toản. Cái miệng nó cứ bô bô: “lại được lên thiên đường rồi!”.
Ra nằm đây hơn tháng tình hình đã được cải thiện nhiều. Đáng kể nhất là sức khỏe bộ đội đã phục hồi khá nhanh. Toàn lính trẻ, dứt sốt một cái, ăn trả bữa vài hôm là lại sức ngay. Cậu nào cậu nấy đã thấy sắc hồng trở lại trên má. Mấy cái xe BTR- 50 PK rách nát đưa ra được chuyển ngay cho đại đội sửa chữa trung tu và lắp cao xạ 23 ly. Còn đại đội Hòa nhận về một xe tăng bơi K63- 85 cùng năm chiếc thiết giáp K63 vừa xuất xưởng đại đội sửa chữa. Tuy là xe mới được sửa chữa nhưng theo nhận xét của lính tráng thì cũng chỉ ở dạng “méo mó có hơn không” chứ cũng “tã” lắm rồi. Với Hòa anh cho thế là được. Thực tâm anh khoái mấy cái K63 này hơn vì hỏa lực bản thân của nó có khẩu trọng liên 12 ly 7 khá mạnh, lại có cửa sau nên khi tác chiến thuận lợi hơn. Chỉ bực cái nó bơi cứ như con chó sặc nước, nhất là “thằng” nào không may mất hộp xích thì không cả bơi được nữa. Đã thế lại có một xe tăng trong đội hình, với một khẩu pháo 85 ly, một khẩu 12 ly 7, một khẩu đại liên 7 ly 62 nên sức mạnh hỏa lực được tăng lên gấp bội. Nói tóm lại, với Hòa thì mọi thứ đều tốt đẹp nếu không có hai chuyện không như ý xảy ra.
Chuyện thứ nhất là anh phải chia tay với Nhật và Toản. Vừa mới ra Vĩnh Thạch được ít ngày thì Bộ tư lệnh giao cho H02 thành lập một tiểu đoàn để đưa vào B1. Yêu cầu của trên là phải ưu tiên lựa chọn những thành viên có kinh nghiệm đưa đi đợt này vì họ sẽ phải độc lập hành quân vào và độc lập chiến đấu ở một chiến trường khó khăn, ác liệt vào loại nhất. Vì vậy, dẫu rất muốn nhưng Hòa cũng không làm sao giữ được Nhật và Toản ở lại với mình. Ngày chia tay, chỉ thấy Toản có vẻ bịn rịn, còn Nhật vẫn tươi tỉnh như thường. Cậu ta còn toe toét: “Quả đất tròn mà anh! Thế nào rồi anh em mình chả gặp lại nhau. Có khi còn được gặp nhau ở Sài Gòn ấy chứ!”. Ngoài Nhật và Toản một số thành viên cũ khác cũng bị rút đi, một loạt chiến sĩ mới từ miền Bắc bổ sung vào. Vì vậy Hòa thêm bận bịu vì phải tập trung huấn luyện bổ sung cho số anh em này. Cũng may, lái xe Thu và xạ thủ Dịp của cái xe 059 mà anh chọn làm xe đại đội trưởng cũng là lính cũ và ít nhiều có kinh nghiệm nên Hòa cũng đỡ vất vả.
Còn chuyện thứ hai làm anh đau đầu thì vừa đơn giản lại vừa cực kỳ phức tạp, lắm lúc làm anh ăn không ngon, ngủ không yên. Đó chính là việc giải quyết mối quan hệ với cô dân quân Vĩnh Thạch làm sao cho ổn thỏa. Hôm vừa chân ướt chân ráo từ Triệu Phong ra đến Vĩnh Thạch cô đã làm cho anh hoảng hồn vì cách thể hiện tình cảm của mình. Trước mặt toàn thể đại đội và số anh em tại hậu cứ ra đón, cô lao vào ôm chặt lấy anh mà khóc như một người vợ đón người chồng vừa từ cõi chết trở về. Số anh em ở hậu cứ cho biết từ hôm các anh vượt sông Cửa Tùng lần thứ hai không hôm nào cô không sang hỏi thăm tin tức của Hòa. Cô nói với mọi người rằng anh đã yêu cô và hẹn sẽ trở về với cô ngay khi có dịp. Câu chuyện cứ thế râm ran cả trung đoàn, Hòa thì chẳng biết thanh minh thế nào với mọi người. Cái cậu Toản lại còn nhấm nháy: “em nó thích thì anh cứ chiều nó một cái. Đi đâu mà thiệt!”. Người không rõ đầu đuôi câu chuyện thì mỉa mai: “sao mà dân vận giỏi thế! Nằm ở đấy có mấy ngày đâu mà đã dính như keo thế rồi?”. Thực tâm Hòa vẫn nhất quyết trung thành với lời nguyền của mình. Vì vậy, hồi nằm ở đây sau cuộc vượt sông lần thứ nhất ra anh đã cố tránh né mọi cuộc gặp gỡ với Thủy. Nhưng nào có được. Cô dân quân miền đất lửa Vĩnh Linh vừa có một tình yêu cháy bỏng với Hòa, vừa có sự dạn dĩ của những người đã nhiều lần đối mặt với cái chết nên cứ lăn xả vào. Đuổi cô về thì không nỡ nhưng ngồi riêng với nhau thì sợ nên lần nào cô sang anh cũng tìm cách đưa ra gặp nhau trước anh em hoặc ít ra cũng gọi Nhật vào giúp sức. Nhiều lúc anh cũng không biết ở mình có cái gì hấp dẫn mà lại làm cô ta chết mê, chết mệt như vậy. Bây giờ Nhật đi rồi, còn lại một mình ở đây có khi cái quyết tâm của anh cũng lung lay mất.
Đúng lúc ấy tiểu đoàn của Hòa có lệnh cơ động vào Cửa Việt để sẵn sàng làm lực lượng phản đột kích khi quân địch lấn ra. Lính tráng thì có hơi phàn nàn: “tưởng rằng ký hiệp định rồi sẽ không phải đi đánh nhau nữa”. Riêng Hòa thì mừng như bắt được vàng. Ít ra anh cũng tránh được cái kiếp nạn này một thời gian.

           ***

Chỉ sau gần một đêm hành quân tiểu đoàn 66 của Hòa đã đến vị trí quy định ở bờ bắc sông Cửa Việt. Theo yêu cầu của mặt trận tiểu đoàn tổ chức thành hai thê đội. Thê đội 1 do Hòa phụ trách gồm 1 xe tăng, 2 xe K63 và 2 xe thiết giáp lắp cao xạ sẽ sang bờ nam ngay. Còn thê đội 2 ở lại bờ bắc sẵn sàng chi viện. Thêm một đêm nữa thê đội 1 của Hòa đã có mặt bờ nam. Đã nắm tương đối chắc địa hình khu vực nên Hòa quyết định chiếc xe tăng cùng 2 xe K63 sẽ bố trí ở điểm cao 12 ngay cạnh thôn Hà Tây. Còn 2 xe cao xạ anh đặt cạnh Vĩnh Hòa Phường làm nhiệm vụ yểm hộ chung cho cả khu vực.
Mặc dù độ cao chỉ có 12 mét nhưng trên bãi biển bằng phẳng điểm cao này vẫn là một vị trí có lợi thế khá lớn về chiến thuật. Đứng trên đó có thể khống chế được một vùng rộng lớn suốt từ Cửa Việt đến tận mạn Thanh Hội, Long Quang. Vừa đến nơi Hòa lệnh cho các xe đào công sự ngay. Cũng may, đất cát nên tang tảng sáng 3 chiếc xe đã nằm gọn trong công sự. Cho anh em ăn sáng và nghỉ ngơi, còn Hòa đứng một mình trên tháp pháo chiếc 704 ngắm nhìn bốn phía. Cuối cùng ánh mắt anh dừng lại ở con sông Cửa Việt mênh mông thấp thoáng đằng xa.
Đã sang cuối tháng Chạp ta, trời đầy mây. Gió mùa đông bắc ù ù thổi từng cơn lạnh buốt. Mặt sông Cửa Việt cuối mùa mưa như nở ra, nhìn hút tầm mắt.
Cửa Việt! Tại sao nó lại là Cửa Việt chứ không phải là một cái cửa gì đó?
Phải chăng con sông này, cửa biển này có nhiều ưu điểm vượt trội nên đã được ưu ái mang cái tên kiêu hãnh ấy? Có lẽ đó là sự thật!
Không phải ngẫu nhiên mà gần 500 năm trước, khi được cử đi trấn thủ xứ Thuận Hóa Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã đưa hạm đội của mình vào đây và quyết định chọn Ái Tử, Trà Liên của xứ này làm nơi xây nên những dinh thự đầu tiên, đặt nền móng cho một thời kỳ mới của xứ Đàng Trong.
Không phải ngẫu nhiên mà từ mấy trăm năm trước ở đây đã dập dìu trên bến dưới thuyền. Đủ thứ sản vật trong Nam, ngoài Bắc, từ Lào đưa sang, từ Trung Hoa, Nhật Bản đưa đến đã được trao đổi ở đây.
Không phải ngẫu nhiên mà trước khi về với tổ tiên Nguyễn Hoàng đã trối lại cho con trai yêu Nguyễn Phúc Nguyên rằng: “Đất Thuận - Quảng phía bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng, sắt; biển có cá, muối. Thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ dựng xây cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi có mặt tại Việt Nam, đế quốc Mỹ đã xây dựng Cửa Việt thành một quân cảng lớn với khả năng tiếp nhận hàng chục tàu cùng một lúc. Nó đã từng là nơi trú đóng của hàng chục tàu chiến thuộc hạm đội 7 của Mỹ mỗi khi vào tham chiến ở Biển Đông. Cũng qua cảng này hàng trăm nghìn tấn trang thiết bị quân sự và hàng quân dụng đã được tiếp tế đưa lên Khe Sanh, Tà Cơn và sang cả đất Lào. Nó cũng là điểm cực đông của hàng rào điện tử mang tên vị bộ trưởng quốc phòng của nước Mỹ đã đẻ ra nó.
Người ta có thể hiểu được những nguồn cơn ấy khi tìm hiểu kỹ về địa thế của vùng đất này.
Quả thật, trên dải đất từ Hoành Sơn vào đến tận Hải Vân không có một con sông nào như sông Cửa Việt, không có một cửa biển nào như Cửa Việt. Là hợp lưu của hai con sông Thạch Hãn và Miễu Giang, hai con sông lớn cùng phát nguyên từ dải Trường Sơn hùng vĩ nên sông Cửa Việt lúc nào cũng dồi dào nước. Chỗ rộng nhất của nó đến gần cây số, đứng bên này nhìn sang bờ bên kia cứ ngút ngát cả tầm mắt. Sông có nguồn từ Trường Sơn, nước lúc nào cũng chảy mạnh nên không bị bồi lấp bao giờ. Chính đó là những điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng Cửa Việt trở thành một cảng biển lớn của miền Trung. Và cũng vì vậy, chỉ gần một ki- lô- mét sông sát biển đã có ba hải cảng được xây dựng. Phía ngoài cùng nằm sát biển là quân cảng chỉ dành riêng cho tàu Mỹ. Lúc nào ở đây cũng có vài chiếc tàu lớn đang tiếp dầu, tiếp đạn hoặc vào bảo dưỡng sau những chuyến hải hành dài ngày trên biển. Trong đó có cả những tuần dương hạm và khu trục hạm tên tuổi lẫy lừng của hạm đội 7. Lui vào bên trong là quân cảng của ngụy. Đây là căn cứ tiếp vận lớn nhất của quân khu Một với hàng nghìn tấn hàng hóa, đạn dược mỗi ngày cho các lực lượng đang chiến đấu ở vùng giáp ranh với miền Bắc xã hội chủ nghĩa của ta. Bên trong cùng là cảng dân sự nằm cách xa hẳn hai quân cảng. Vì là vùng chiến sự ác liệt nên cảng dân sự Cửa Việt không còn sầm uất như xưa mà trở nên hết sức tiêu điều, vắng vẻ.
 Đi dọc theo hai chi lưu của sông Cửa Việt này tàu bè có thể lên đến tận Cam Lộ, Ba Lòng. Đặc biệt là có thể đến được những cứ điểm cực kỳ quan trọng trong hệ thống phòng thủ ở đây là Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị, La Vang. Vì vậy quân cảng Cửa Việt không chỉ là nơi giao nhận hàng hóa quân dụng mà còn là xuất phát điểm của những giang đoàn thủy quân đi càn quét sâu vào hậu cứ của ta. Sau khi ta chiếm được cảng này Cửa Việt trở thành một cửa khẩu lớn tiếp nhận hàng hóa từ hậu phương lớn miền Bắc vào cung cấp cho cả chiến trường Trị Thiên, đồng thời cũng là hải cảng nối liền với quốc tế của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đang có trụ sở tại Cam Lộ.

Với vị trí địa lý và vai trò như vậy, Cửa Việt đã trở thành một trọng điểm trong hệ thống phòng thủ của quân khu Một và là nơi mà cả địch và ta cùng muốn làm chủ. Nói cho công bằng, quyết định triệt thoái Cửa Việt trong tháng Tư năm 1972 là một quyết định hết sức sai lầm của tướng Hoàng Xuân Lãm. Và dường như đã nhận ra điều đó nên Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ mà đích danh là đại tướng Abra- ham cùng với tư lệnh quân khu Một Ngô Quang Trưởng quyết định sẽ chiếm lại Cửa Việt bằng cuộc hành quân mang tên “Tăng- gô- xi- ty”. Với một lực lượng hùng hậu bao gồm lữ đoàn đặc nhiệm vừa thành lập, lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 cùng 3 thiết đoàn 17, 18, 20 lại được chi viện bởi không quân và pháo hạm Hoa Kỳ, Abra- ham và Trưởng hy vọng sẽ tạo nên một sự đã rồi trước khi hiệp định Pa- ri có hiệu lực. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét