Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 2


Con tàu giảm tốc độ rồi dừng hẳn. Có tiếng lao xao của khách lên, khách xuống. Chắc là một ga chính nào đó. Ông Đào vẫn nằm yên không nhúc nhích. Mối quan hệ ở tầm cao nhất giữa hai nhà nước đang có những vấn đề tế nhị và phức tạp từ sau cuộc hội đàm cấp cao Trung- Mỹ năm 1972. Vì vậy từ khi tàu vào lãnh thổ Trung Hoa đến giờ ông và anh em trong đoàn chủ yếu ở trong toa riêng của mình, ít khi ra ngoài. Ngay cả việc ăn uống cũng chọn thời điểm toa ăn vắng vẻ nhất, mấy anh em kéo nhau ra ăn ào một tý cho xong rồi lại về phòng chứ không ngồi lâu ở đó. Mặc dù gần như cả đoàn đều nói tốt tiếng Trung nhưng anh em hầu như không nói chuyện với các nhân viên trên tàu cũng như hành khách. Tuy nhiên, bất chấp những quan hệ phức tạp ở trên những người dân Trung Quốc bình thường vẫn rất cởi mở và thân thiện với các ông.
Tàu vừa dừng thì Lê Xuân Kiệm ngồi phắt dạy hỏi giọng tỉnh như sáo:
- Về đến nhà mình chưa anh?
Ông Đào lắc đầu:
- Chưa đâu! Chắc phải gần sáng mới tới- Ông nghiêng cổ tay xem đồng hồ- Bây giờ mới có hơn một giờ thôi.
Kiệm lại ngả mình xuống giường:
- Thế thì lại được giấc nữa!
Vừa dứt lời Kiệm đã lập tức cất tiếng ngáy.
Ông Đào liếc nhìn người bạn đường của mình rồi bật cười thành tiếng. Thật không hổ danh “con người của hành động”. Kiệm là thế: ăn khỏe, ngủ khỏe và như anh em cơ quan bàn tán thì “cái gì cũng khỏe”. Ông nhớ lại cuộc họp thường vụ hồi đầu năm ngoái để lựa chọn người về thay thế vị trí tham mưu trưởng của ông Dương. Chả là hồi đó trên Bộ đã đồng ý về nguyên tắc sẽ nâng cấp Đoàn 10 thành Trường sĩ quan Thiết giáp. Với kinh nghiệm chỉ đạo huấn luyện lâu năm, sức khỏe lại giảm sút nhiều sau ca mổ cắt túi mật nên Bộ Tư lệnh đã nhất trí đưa ông Dương về trường làm hiệu trưởng. Phải nói rằng đó là một quyết định chính xác và cần thiết. Đã từng học ở nước ngoài, lại có kinh nghiệm quản lý chỉ đạo công tác huấn luyện lâu năm chắc chắn ông Dương sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ người chỉ huy vận hành chiếc “máy cái”- nơi đào tạo ra đội ngũ sĩ quan có chất lượng cao cho binh chủng. Vị trí tham mưu trưởng vì vậy trở nên khuyết. Đã công tác với nhau lâu ngày, hiểu tính tình và khả năng của nhau nên ông và ông Thu đã giới thiệu Kiệm. Tuy nhiên, chính ủy Thạch thì kiên quyết phản đối. Lý do mà chính ủy Thạch đưa ra là lối sống của Kiệm có phần “buông thả, sinh hoạt thiếu nghiêm túc”. Lại có tin đồn Kiệm “quan hệ nam nữ bất chính”, “hủ hóa” với nữ chiến sĩ cơ quan… Tư lệnh Lân thì có vẻ như cũng ủng hộ chính ủy Thạch. Hai bên tranh luận kịch liệt, có lúc gay gắt, cuối cùng phải cho biểu quyết thì “phe” ông thắng vì có thêm phiếu của ông Dương.
Thực tình, ông cũng biết Kiệm có những mặt còn hạn chế. Nhưng ông cũng biết “nhân vô thập toàn”. Trong cuộc đời ai mà tròn trịa được cả mười phân vẹn mười. Ngay cả bản thân mình cũng vậy. Tuy nhiên ông cũng hiểu sở trường và khả năng của Kiệm. Đó là một con người xốc vác, năng động, nắm bắt tình hình và thích nghi nhanh. Nói tóm lại, đó là con người của hành động. Bằng chứng ư? Thì từ sau trận Làng Vây đến lúc đó Kiệm chinh chiến hết chiến trường này đến chiến trường khác đấy thôi. Mà ở đâu cũng thắng lợi, cũng hoàn thành nhiệm vụ. Năm 69 chính anh là đoàn trưởng đoàn 195 sang giúp bạn Lào củng cố trang bị và tổ chức cho lực lượng thiết giáp của bạn đánh thắng trận đầu. Năm 71 thì tham gia từ đầu đến cuối chiến dịch phản công Đường Chín- Nam Lào. Đến lúc cần cán bộ vào B3 để chuẩn bị chiến trường đưa xe tăng vào Kiệm lại lên đường, rồi anh ở lại tham gia tổ chức cho xe tăng đánh thắng trận đầu trên mặt trận Tây Nguyên ở Đắc Tô- Tân Cảnh. Nói chung, trong điều kiện xe tăng đã có mặt tại khắp các chiến trường miền Nam và đang chuẩn bị được sử dụng với quy mô lớn thì mẫu người như Kiệm chính là một tham mưu trưởng lý tưởng. Chính vì vậy mà ông đã đề cử Kiệm vào vị trí ấy. Nhưng đúng là kiểu người như Kiệm rất khó lọt vào mắt xanh những người như chính ủy Thạch.
Lại nói về chính ủy Thạch. Từ chiến trường Quảng Trị ra, ông Đào cứ đinh ninh chính ủy binh chủng sẽ là ông Thu. Thì “chắc như cua gạch” rồi còn gì. Học hành bài bản. Kinh nghiệm làm công tác đảng, công tác chính trị ở binh chủng kỹ thuật không dám nói là có dư nhưng cũng đầy mình. Thì đấy, đã từng là chính ủy trung đoàn xe tăng đầu tiên. Từ khi thành lập binh chủng đến nay thì đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm chính trị. Lại được người tiền nhiệm là ông Ngọc giới thiệu nữa. Vậy thì “bỏ cối giã cũng không trật”. Ấy thế mà lại “trật”. Ông Đào ngỡ ngàng khi về cơ quan lại gặp một vị chính ủy “lạ hoắc”. Cái dáng cao lòng khòng, khuôn mặt dài, xương xương đầy vẻ khắc khổ, nước da thì mai mái. Giá như không có bộ quân phục cùng quân hàm, quân hiệu thì ai cũng tưởng ông nông dân nào trong xóm đi cày qua vào xin nước uống. Tìm hiểu kỹ hơn thì mới biết vị chính ủy này thật sự là một bần cố nông chính cống, trình độ văn hóa mới học xong cấp 1 và cũng được trên điều từ chỗ binh chủng cũ của ông Lân sang. Ông Thu chỉ được bổ nhiệm phó chính ủy. Đến nước này thì ông Đào chỉ biết than trời. Đã đành chính ủy là người đứng mũi, chịu sào về  công tác đảng, công tác chính trị thì thành phần xuất thân là rất quan trọng. Nhưng là chính ủy một binh chủng mà mỗi người lính đều là một nhân viên kỹ thuật thì cũng phải có học vấn và có tầm nhận thức như thế nào đó để mà lãnh đạo người ta chứ. Nhớ lại chuyện mình không được bổ nhiệm dạo trước ông Đào lại thấy buồn. Hình như số cán bộ trong binh chủng được đi đào tạo ở nước ngoài về vẫn chưa được cấp trên tin tưởng cao thì phải(?). Hay là ai đó định củng cố bè cánh đây? Mặc dù ông cố gạt bỏ cái ý nghĩ đó đi nhưng nó vẫn cứ thỉnh thoảng lại hiện về trong đầu ông đày nhức nhối.
Giường bên tiếng ngáy của Kiệm lại rộ lên như muốn đua cùng tiếng bánh tàu hỏa. Ông Đào nhìn sang mỉm cười độ lượng. Càng ngày ông càng nhận thấy lối sinh hoạt thoải mái của Kiệm cũng có cái hay của nó. Thì đấy, hồi ở cơ quan cứ ngày nghỉ, giờ nghỉ là phòng của Kiệm ồn ào như cái chợ. Không chỉ có anh em ở tham mưu hay lên mà cán bộ ở các cơ quan khác cũng thích đến chơi với Kiệm. Thế rồi cải thiện, ca cóng… cứ nháo cả lên. Gọi là cải thiện nhưng thực ra cũng có cái gì đâu. Dăm quả trứng, mấy cây xà- lách, vài quả cà chua… đem nấu nướng rồi xì xụp với nhau. Thường thì thế nào cũng có chai “quốc lủi” kèm theo. Hồi Kiệm mới về cơ quan, ông cũng thấy khó chịu về kiểu sinh hoạt ấy. Có một cái gì đó xô bồ, ẩu tả, “trên không ra trên, dưới không ra dưới”. Nhưng rồi càng ngày ông lại càng nhận thấy điều đó cũng có cái hay. Nhất là những khi không có ai tri âm, tri kỷ để mà tâm sự những buồn vui đang đè nặng trong lòng. Chính những lúc đó ông lại thèm được như Kiệm.
Phía bên kia, Kiệm đã ngừng ngáy nhưng miệng lại tóp tép nhai. Ông Đào lắc đầu cười nhẹ: “không biết lại đang mơ thấy được ăn cái gì đây?”. Chợt nhớ đến vẻ mặt tiu nghỉu của Kiệm hôm ông không đồng ý liên hoan mà buồn cười. Chả là tháng trước, thông qua đại sứ quán, ở nhà có thông báo sang là ông và Kiệm đã được thăng quân hàm. Ông được lên cấp đại tá, còn Kiệm được phong thượng tá. Vừa được tin một cái là Kiệm chạy ngay xuống căng- tin xách một chai vốt- ka to tổ bố về phòng ông, miệng thì ngoác ra tận mang tai: “Chuyến này ta phải làm thật trọng thể anh ạ. Chả gì cũng hai sĩ quan cao cấp được lên quân hàm”. Ông biết Kiệm mừng cũng phải, cái cửa ải từ trung tá lên thượng tá từ xưa đến nay đâu phải ai cũng vượt qua được. Đó là bước chuyển từ cán bộ trung cấp lên cán bộ cao cấp cơ mà. Biết bao nhiêu bước xét duyệt, thẩm tra, lại còn phải báo cáo cả Quân ủy trung ương nữa. Kiệm phấn khởi thế là đúng thôi. Ngay bản thân ông cũng vậy, ít nhiều thì những thành quả mình phấn đấu, mình cống hiến cũng được thừa nhận. Tuy nhiên, nghĩ đến cảnh cái hộp quyên góp “Giúp đỡ Việt Nam đánh Mỹ” vẫn để ở hành lang ký túc xá mỗi kỳ lĩnh lương hàng tháng ông kiên quyết lắc đầu: “Tớ biết đây là việc vui mừng. Nhưng theo tớ ta đừng nên làm gì cả. Đất nước còn đang có chiến tranh. Hàng tháng đến kỳ lĩnh lương toàn bộ học viên các nước anh em còn quyên góp để giúp chúng ta chiến đấu. Thế mà mình lại bày vẽ ra thì có phải là mang tiếng đóng cửa đi ăn mày không? Thôi nhé, để về nhà rồi hãy làm!”. Nghe vậy, Kiệm cũng đồng ý nhưng có vẻ vẫn tiếc rẻ. Tính cách của Kiệm là như vậy. Ồn ào, xốc nổi, thích đám đông. Ngay cả trên chuyến tàu này cũng vậy. Tiếng là ở cúp- pê này nhưng thực ra Kiệm chỉ ở đây lúc ngủ. Còn suốt ngày anh la cà ở hai cúp- pê bên cạnh. Hết tú- lơ- khơ đến cờ tướng, nếu không thì tán gẫu và uống rượu. Mà cũng thật là tài. Đã hạn chế đến mức tối thiểu việc tiếp xúc với nhân viên trên tàu nhưng chẳng biết bằng cách nào họ vẫn kiếm được rượu để uống. Mà rượu ngon hẳn hoi chứ. Có những lúc ông cũng định sang đó nhưng rồi lại thôi bởi ông biết vừa thấy cái mặt của mình xuất hiện lập tức không khí ở đó sẽ thay đổi ngay. Thế là ông lại một mình làm bạn với quyển sách.
Được cái lần này ông “kiếm” được khá nhiều sách, gần đầy một va- ly chứ ít ỏi gì. Mà trong số đó có rất nhiều sách quý, dẫu có tiền cũng không thể mua ở đâu được. Gọi là “kiếm” bởi vì số sách này được thu gom từ rất nhiều nguồn, rất nhiều cách. Thực ra, trong số sách trên thì sách mua là không đáng kể. Nguồn đáng kể nhất là sách xin. Thư viện sách nghệ thuật quân sự của bạn quản lý thì không chê vào đâu được. Toàn bộ tài liệu, sách vở hàng ngày trực nhật đến thư viện mượn đem lên lớp cho học viên sử dụng, đến cuối giờ phải thu lại và mang đến trả cho thư viện không được thiếu một trang. Với cách quản lý đó mà muốn “kiếm chác” một cuốn không dễ một tý nào. Thế nhưng không hiểu số học viên đào tạo Việt Nam bằng cách nào đó vẫn có được một số cuốn thuộc loại quý hiếm dùng để làm bảo bối. Khi thấy thủ trưởng ngỏ ý “xin” họ cũng nể lắm nhưng vẫn ngần ngừ. Chỉ đến khi ông tuyên bố: “số sách này sẽ đem về thư viện để sử dụng chung” thì họ mới mở hầu bao ra một cách thoải mái. Nguồn thứ hai và cũng là nguồn chủ yếu đó là từ đội ngũ giáo viên của học viện. Có lúc qua phiên dịch, có lúc tự ông vừa nói, vừa viết để bày tỏ nguyện vọng của mình về việc nhờ các thày giúp đỡ tìm cho một số sách. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng nhưng ai cũng hiểu và thông cảm với ông, họ cũng giúp ông rất nhiệt tình trong phạm vi có thể. Trong đó, người giúp đỡ ông và đoàn học viên Việt Nam nhiều nhất là thiếu tướng Va- xi- li- ép, chủ nhiệm khoa chiến thuật của học viện. Là đại đội trưởng xe tăng trong Thế chiến Hai, lại đã từng làm chuyên gia ở Việt Nam, đã hiểu sâu sắc những khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong quá trình xây dựng lực lượng tăng thiết giáp nên ông đã hết sức nhiệt tình giúp đỡ đoàn. Ngoài việc tặng toàn bộ số sách vở ông đã thu thập được trong quá trình công tác ông còn hướng dẫn ông Đào làm đơn đề nghị Ban giám đốc Học viện giúp đỡ một số tài liệu. Không biết ông có tác động gì thêm không nhưng trước khi về nước Học viện đã tặng cho đoàn học viên Việt Nam gần ba chục đầu sách quý cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật. Với đống sách ấy, mười một ngày qua ông Đào chỉ đi ra ngoài những lúc không thể đừng được.
Tuy nhiên, ông cũng biết rằng ngoài những loại tài liệu về kỹ thuật thì số còn lại chỉ mang tính chất tham khảo. Thực tế đã chỉ rõ: đặc điểm địa hình, tình hình địch cũng như công tác bảo đảm cho xe tăng, thiết giáp giữa Việt Nam và Liên Xô có nhiều khác biệt dẫn đến cách đánh cũng khác nhau. Ở cấp phân đội nhỏ cách đánh của Việt Nam đã tỏ ra phù hợp và có hiệu quả, đã được kiểm chứng qua hơn 100 trận đánh từ năm 1968 đến đầu năm 1973. Tuy nhiên, việc sử dụng tăng thiết giáp với quy mô lớn thì ta chưa có kinh nghiệm gì. Ngay cả chiến dịch Quảng Trị 1972, tiếng là có hai trung đoàn tham gia nhưng thực tế vẫn là quy mô phân đội. Thì có gì lạ đâu. Hai trung đoàn tham gia chiến dịch nhưng đều bị xé lẻ ra, mỗi tiểu đoàn đi tăng cường cho một sư đoàn bộ binh. Đến lượt mình các tiểu đoàn lại xé nhỏ ra từng đại đội, mỗi đại đội đi phối thuộc với một trung đoàn bộ binh. Như vậy, về thực chất vẫn là tác chiến cấp phân đội. Và lần đi học này cái mà các ông cần nhất chính là điều đó: sử dụng xe tăng thiết giáp quy mô lớn.
Ông Đào bồi hồi nhớ lại hôm đi tham quan cuộc diễn tập hàng năm của quân khu Mát- xcơ- va mà không khỏi chạnh lòng. Đề mục của cuộc diễn tập là sư đoàn bộ binh cơ giới tiến công trong hành tiến, trong đó có tình huống vượt sông bằng sức mạnh để đánh chiếm mục tiêu ở bờ bên kia một con sông. Về mặt địa hình và tình hình địch ông thấy nó nhang nhác như trận Đông Hà hồi đầu tháng Tư năm 1972. Tuy nhiên, về lực lượng sử dụng thì khác nhau “một trời, một vực”. Mở đầu trận đánh cũng là hỏa lực chuẩn bị nhưng ta thì không thể bì được. Không quân cường kích thì ném bom các mục tiêu trong chiều sâu phòng ngự địch. Pháo tầm xa tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly trung bình. Pháo phản lực, pháo bắn thẳng và trực thăng vũ trang thì tiêu diệt các mục tiêu đầu cầu. Suốt gần một tiếng đồng hồ cả khu chiến mù mịt khói bụi với những tiếng nổ nối nhau liên hồi kỳ trận. Trong khi đó các lực lượng được cơ động từ phía sau cách đó hàng chục ki- lô- mét lên. Đi đầu là một phân đội trinh sát trang bị xe thiết giáp ĐM2. Sau khi tiếp cận bờ sông, đánh giá tình hình phân đội này sẽ thông báo về phía sau tình hình địa hình, tình hình địch và mọi thông tin có liên quan đến cuộc tiến công. Tiếp đó là một tiểu đoàn xe tăng hạng nặng. Vừa đến bờ sông, phân đội đi đầu chiếm địa hình có lợi tham gia tiêu diệt các mục tiêu ở bờ sông bên kia để chi viện cho số còn lại chuẩn bị lội ngầm. Ngay sau đó gần chục xe cao xạ tự hành cơ động tới, chúng nhanh chóng triển khai trận địa để bảo vệ bến vượt. Tiếp theo là các đơn vị xe tăng lội nước và xe chiến đấu của bộ binh. Dưới sự yểm hộ của hỏa lực và sự bảo vệ của những giàn pháo phòng không, các đơn vị này vừa đến là lao ngay xuống sông vừa bơi vừa bắn như đổ đạn vào khu vực bến lên. Ngay sau đó lữ đoàn công binh vượt sông có mặt. Hàng mấy chục chiếc xe tải KRAZ chở theo những chiếc phao lớn lần lượt lùi đến sát mép sông thì thả phao xuống. Các chiến sĩ công binh ở dưới nhanh chóng kết nối các phao lại thành một cái cầu. Một chiếc ca- nô cũng được thả xuống từ ô- tô chạy lại kéo đầu kia của cầu phao sang bờ bên kia. Lúc này các phân đội xe tăng bơi và lội ngầm đã tiếp cận được bờ bên kia. Bộ binh được thả xuống ào lên làm chủ đầu cầu. Đầu bên kia của cầu phao vừa được cố định thì phân đội xe tăng hạng nặng ngay lập tức tiến lên. Đằng sau nó là những đoàn xe chở quân, xe kéo pháo, xe tải các loại… ùn ùn kéo tới. Nhìn thì thấy sướng cả mắt nhưng ông cũng biết rằng với khả năng bảo đảm của Việt Nam, binh chủng mình sẽ chưa thể đánh nhau theo cách đó. Có chăng chỉ là rút tỉa từ đó ra những gì thích hợp nhất để vận dụng mà thôi.
Hôm đó, đoàn cán bộ binh chủng hợp thành của thiếu tướng Nguyễn Hữu Ân đang học tại Học viện Bộ Tổng Tham mưu của bạn cũng đến tham quan. Ngồi cạnh ông Đào, tướng Ân cứ xuýt xoa luôn miệng: “Sướng thật đấy! Đánh thế này thì thằng địch nào chịu nổi”. Rồi ông hỏi luôn miệng: “Xe tăng của mình có đánh được thế kia không?”, “để đánh được như thế cần phải có những điều kiện gì?”… Hai người cứ rủ rỉ trò chuyện suốt buổi tham quan. Cuối cùng tướng Ân nắm thật chặt tay ông, giật mạnh: “Hay thật, ông ạ. Có lấy cơ giới làm chủ thế này mới đẩy nhanh được tốc độ tiến công. Các ông phải nghiên cứu và vận dụng vào thực tế của mình cho sát vào. Tôi tin rồi đến lúc sẽ phải đánh như thế này đấy”. Ông Đào mừng thầm. Như thế là nhận thức của những người chỉ huy binh chủng hợp thành về vai trò của binh khí kỹ thuật đã có nhiều chuyển biến. Mà đối với binh chủng của ông thì đó là điều cực kỳ cần thiết.
Ông Đào phấn khởi là phải. Trong cuộc Hội nghị rút kinh nghiệm các chiến dịch năm 1972 của binh chủng các nguyên nhân thành công và thất bại lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ kỹ càng. Một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là hiểu biết về xe tăng của người chỉ huy binh chủng hợp thành còn hạn chế. Chính từ nguyên nhân cơ bản đó đã dẫn đến tình trạng sử dụng không đúng nguyên tắc, không phù hợp với tính năng kỹ chiến thuật của xe tăng, không phát huy được những sở trường và hạn chế được những sở đoản của nó. Dẫn chứng thì nhiều, đầy ra đấy. Nào là việc đưa H02 vào chiến trường quá gấp gáp, khi mà anh em mới huấn luyện được nửa chương trình. Đến khi sử dụng cũng vậy, giao nhiệm vụ cho nó đã gấp rồi lại không có lực lượng bảo đảm gì. Hay như ở An Lộc, có mỗi tiểu đoàn thiếu mà hướng nào, mũi nào cũng muốn có xe tăng thành ra lực lượng bị phân tán, không hỗ trợ được cho nhau… Đã đành ở sở chỉ huy cũng có đại diện xe tăng nhưng qua kinh nghiệm bản thân mình ông Đào biết: người chỉ huy binh chủng hợp thành vẫn là người ra quyết định cuối cùng. Vì vậy, khi thấy đoàn cán bộ binh chủng hợp thành được đi học ở Liên Xô đợt này ông mừng lắm, nhất là khi được nghe câu nói trên thốt ra từ chính miệng người đoàn trưởng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét