Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 47

Vĩ Thanh


14 giờ ngày 30 tháng tư - khi các đơn vị khác đang được nghỉ ngơi tận hưởng niềm vui chiến thắng thì Đại đội 4 lại được giao nhiệm vụ: "Cơ động đánh chiếm cảng Sài Gòn và khống chế mọi sự đi lại trên sông".
Vẫn với tác phong sẵn sàng chiến đấu cao nên chỉ mấy phút sau khi nhận lệnh đại đội đã lên đường được ngay. Rời Dinh Độc Lập toàn đại đội chở theo một số bộ binh, thành một hàng dọc đi về phía mục tiêu. Lúc này đường phố Sài Gòn đã trở nên đông đúc, nhộn nhịp vô cùng. Bà con đứng kín hai bên đường vẫy cờ, vẫy hoa đón mừng nhưng mấy chiếc xe tăng vẫn mải miết đi để lại trên mặt đường nhựa phẳng lì những tảng đất mà hai băng xích đã cuốn lên từ bãi cỏ trước Dinh Độc Lập. Qua một cây cầu đường phố trở nên nhỏ hơn và cũng đông đúc hơn nên đội hình phải đi chậm và rất thận trọng. Và rồi một khung cảnh hỗn độn diễn ra trước mắt những người lính trẻ, hàng đoàn người, cả dân, cả cảnh sát, cả lính... cởi trần trùng trục đang khuân hàng từ trong một cái cổng có hai cánh cổng sắt mở toang ùn ùn kéo ra. Chúng tôi nhận ra đây chính là cổng vào Cảng Sài Gòn và cái đám hỗn độn kia chính là đám hôi của lúc tranh tối tranh sáng. Biết vậy rồi, anh em bộ binh ngồi trên xe giương súng lên trơì bắn từng loạt để dẹp song không ăn thua, họ vẫn nhơn nhơn không sợ. Chắc họ biết bộ đội Giải phóng chỉ bắn dọa mà thôi chứ không bắn vào họ. Một ông già ôm một thùng rượu trong tay đã không tỏ ra sợ hãi mà còn hớn hở cười tung lên xe một chai rượu ngoại... Tình hình có vẻ rất căng. Dù sao đây cũng là tài sản của Nhà nước cần phải bảo vệ. Đại đội trưởng Thận yêu cầu cánh lính bộ binh xuống xe để mở đường cho xe tăng tiến vào cảng. Chỉ đến khi xe 390 vào được cổng cảng và bắn một phát pháo thì tình hình mới được cải thiện. Giữa những ngôi nhà cao tầng, tiếng nổ của trọng pháo 100 ly như dữ dội hơn, tác động của sóng xung kích cũng mạnh hơn thì phải nên hết thảy số người đang hôi của quẳng hàng nằm rạp xuống đất rồi lẳng lặng tản đi. Từ lúc đó toàn bộ khu vực cảng mới yên tĩnh trở lại.
Khi tất cả các xe của đại đội đã vào phía trong bến cảng, đại đội trưởng Bùi Quang Thận cho dàn đội hình hướng pháo ra sông và cắt cử người canh gác các kho hàng, đồng thời đóng hai cánh cổng sắt lại. Trên bến cảng lúc này lổng chổng một đống gỗ súc và mấy chiếc xe du lịch đủ các màu đỗ lộn xộn, các cửa xe mở toang, còn nguyên cả chìa khóa cắm trong ổ. Chắc đây là xe của những người đi di tản bằng đường thủy bỏ lại. Đậu ngay tại cảng là một chiếc tàu vận tải loại nhỏ, trên sườn tàu trắng toát là mấy chữ Trung Quốc đỏ rực nhưng trên tàu không một bóng người. Toàn bộ khu vực cảng cũng không còn một nhân viên nào ở lại làm việc. Còn mười cái nhà kho, những ngôi nhà khung sắt, mái tôn rộng mênh mông trong cảng thì thật là hỗn độn. Hàng hóa bị những người hôi của bới lộn lung tung nhưng còn bạt ngàn, vô thiên lủng và đủ các thứ trên đời. Vốn chẳng mặn mà lắm với các thứ chiến lợi phẩm, cánh lính tăng nhặt mỗi xe một ít vải để bảo dưỡng xe, mấy thứ bát đũa, phích đựng nước và một ít thực phẩm, còn lại sắp xếp tàm tạm rồi đóng chặt cửa lại.
Ngoài bến cảng, mấy chiếc xe tăng pháo đánh thấp gườm gườm chúc xuống lòng sông có tác dụng ngay tức khắc. Thấy hai chiếc tàu nối đuôi nhau chạy ngược sông trung đội trưởng Trị khẽ vẫy tay một cái là cả hai giảm tốc độ rồi từ từ tấp vào cầu cảng. Khi nghe yêu cầu kiểm tra, các chủ tàu lễ phép mang giấy tờ ra trình báo. Họ báo cáo rằng mình là tàu dân sự nhưng bị lính Việt Nam cộng hòa ép phải chở ra Vũng Tàu và bây giờ đang trở về nhà. Thấy mấy chục khẩu súng các loại vứt lộn xộn ở hầm tàu, chúng tôi hỏi thì họ bảo cũng do đám lính đó bỏ lại. Ngoài ra còn một đống quần áo, giày mũ và hai hòm pháo sáng. Chúng tôi khuân tất cả lên bờ. Sau khi kiểm tra thấy giấy tờ hợp lệ đúng như khai báo chúng tôi cho họ đi về nhà. Tuy nhiên, suốt chiều hôm đó cũng chỉ có thêm vài trường hợp nữa cần phải kiểm tra. Có lẽ bà con còn mải đổ ra phố đón mừng Quân giải phóng.  
Chiều xuống dần. Gió lồng lộng thổi. Trên sông từng đám lục bình lặng lẽ trôi. Bình yên quá đỗi. Dường như không hề có một cuộc chiến khốc liệt nào vừa mới xảy ra cả. Như là một chiều trên một bến sông quê nào đó mà thôi. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận gọi cả đại đội ra ngồi sát mép cầu cảng hóng gió và tuyên bố: "Hòa bình rồi! Giờ chúng ta ăn mừng thắng lợi!".  Hai con mực khô vừa nhặt được trong kho đem ra nướng tỏa mùi thơm lừng. Một chai rượu đen mờ chả biết hiệu gì được mở và rót ra một cái bát sắt, cả đại đội chuyền tay nhau uống. Ba thùng pháo sáng thu được cũng được khui ra, cánh lính trẻ thi nhau bắn lên trời. Những chùm pháo sáng lung linh trên bầu trời Sài Gòn tím thẫm như đêm hội hoa đăng mừng chiến thắng. Chai rượu tiếp tục được chuyền tay. Khổ! Lính trẻ, vừa lớn lên là vào chiến trường đã biết bia rượu thế nào đâu, uống vào chỉ thấy nóng ran trong cổ, trong bụng nhưng thật là ngây ngất; cái ngây ngất chắc không phải chỉ vì men rượu.
          Sau những ngày đêm hành quân chiến đấu mệt mỏi, lại có chút rượu vào người, cộng với chỗ nằm thoải mái, mát mẻ trong dãy nhà công vụ của cảng đêm hôm đó chúng tôi ngủ say như chết, tất nhiên là trừ những người làm nhiệm vụ canh gác.

          Sáng 1.5, dẫu ngủ đã mắt rồi nhưng số đông anh em còn nằm rốn mãi mới dậy. Mấy tay pháo thủ vốn đã khoẻ sẵn đang rủ nhau đi chơi phố Sài Gòn. Số còn lại cũng chẳng thiết tha cho lắm bởi Sài Gòn đã ở ngay bên ngoài cổng, lúc nào đi thăm chả được. Nhưng họ đã nhầm! Ngay chiều hôm đó Đại đội 4 có lệnh cơ động. Thành phố lạ, chẳng biết đường cũng chẳng có bản đồ nên cứ bám xe trước mà đi dù chẳng biết đi đâu. Mãi đến khuya thì đội hình mới dừng lại và cũng đến lúc đó lính tráng mới biết mình đang ở trong Tổng kho Long Bình. Thế là hầu hết anh em trong đại đội chưa hề được biết gì thêm về Sài Gòn, về cái thành phố mà họ vừa tham gia giải phóng. Tiếp đó là những ngày bận rộn chuẩn bị xe pháo để tham gia diễu binh mừng chiến thắng, rồi bình công báo công… và bắt đầu có những thay đổi lớn đến với Đại đội 4 này.

 Ngay từ cuối tháng 6 năm 1975.  Bắt đầu có những đợt ra quân đầu tiên trong lộ trình “giải trừ quân bị” sau chiến tranh. Lữ Văn Hỏa, quê Phú Lý, Hà Nam, lái xe 843 là người đầu tiên của đại đội được ra quân. Lý do vì sức khỏe Hỏa rất yếu. Hồi ở hậu cứ sốt rét triền miên, người Hỏa chỉ được một tay xách nặng. Có dạo còn đi tiểu ra nước đùng đục như nước vo gạo. Cùng ra quân với Hỏa còn một vài anh em nữa cũng đều thuộc diện sức khỏe yếu. Lữ Văn Hỏa ra quân rồi, Phòng chính trị mới đưa báo chí xuống phỏng vấn nên không gặp. Thế là bên Chính trị với bên Quân lực cãi nhau, đổ lỗi cho nhau nhưng rồi cũng hòa cả làng.
Tiếp đó một số cán bộ, chiến sỹ trong đại đội được cử đi học tại Trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp như trung đội phó Phạm Xuân Tráng, lái xe Nguyễn Khắc Nguyệt, pháo hai Nguyễn Duy Hòa. Trưởng xe 380 Nguyễn Đình Luông sau khi đi viện về thì được cử đi học quản trị trưởng ở quân đoàn. Về cán bộ cũng có sự thay đổi, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận được đôn lên cán bộ tiểu đoàn. Thay anh làm đại đội trưởng chính là đại đội phó Lê Văn Phượng.
Sang năm 1977, tình hình đại đội tiếp tục có những thay đổi lớn. Các pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên, xe 390 và Thái Bá Minh, xe 843 cũng được điều ra học sĩ quan ngắn hạn ở Trường sĩ quan Tăng Thiết giáp. Số chiến sĩ cũ trong đại đội cũng lần lượt ra quân hoặc chuyển ngành, có người quay về trường tiếp tục giấc mơ đại học nhưng hầu hết lại về với ruộng đồng. Cho đến cuối năm 1977 thì Đại đội 4 đã gồm hầu hết là người mới. Nói một cách nôm na, cái Đại đội đã từng tồn tại một cách hiên ngang, ngạo nghễ ở Đường 72, đã từng đánh một mạch từ Huế, Đà Nẵng vào đến tận Sài Gòn đã thật sự “tan đàn, xẻ nghé”. Không chỉ thế, nó còn dần dần bị rơi vào quên lãng và chỉ được nhắc đến mỗi năm một lần vào dịp 30 tháng tư với tư cách “ăn theo” người đại đội trưởng dũng cảm của mình.
Tuy nhiên, số cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 thuở ấy ở lại phục vụ quân đội cũng không được lâu dài cho lắm. Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, Đại đội phó kỹ thuật Lê Văn Phượng, pháo hai Đỗ Cao Trường sau khi phát triển lên cán bộ cấp tiểu đoàn thì nghỉ hưu vì có một số tiêu chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới. Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ Thái Bá Minh, lái xe Võ Đăng Khoa, pháo hai Nguyễn Duy Hòa… sau khi trở thành sĩ quan được mấy năm người thì chuyển vùng, người thì chuyển ngành ra khỏi quân đội theo nguyện vọng cá nhân. Trung đội trưởng Đậu Minh Tiến, Trưởng xe Nguyễn Đình Luông trưởng thành đến cấp trung tá thì nghỉ hưu. Chỉ có Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và người viết cuốn sách này là phục vụ cho đến những năm 2000 mới về hưu. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận sau khi được đi đào tạo tại Học viện xe tăng Malinovsky (Liên Xô cũ) thì quay về Lữ đoàn 203 công tác. Anh lần lượt trải qua các chức vụ Lữ đoàn phó tham mưu trưởng, Lữ đoàn trưởng. Năm 1999 anh nghỉ hưu với quân hàm đại tá khi giữ chức vụ Chủ nhiệm Tăng Thiết giáp quân đoàn 2. Còn người viết cuốn sách này - một lái xe trong đại đội thì công tác tại Binh chủng Tăng Thiết giáp đến năm 2008 mới nghỉ.
Số cán bộ, chiến sĩ chuyển ngành ra ngoài cũng chỉ có Trung đội phó Bùi Văn Định và pháo thủ Lê Tiến Hùng là tương đối tiến bộ. Cả hai anh đều về học tiếp Đại học Lâm nghiệp. Sau đó Bùi Văn Định trở thành Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Cạn. Còn Lê Tiến Hùng trở thành Giám đốc xí nghiệp nguyên liệu của Nhà máy giấy Bãi Bằng. Lái xe Lữ Văn Hỏa không theo nghề cơ khí nữa mà chuyển sang học Đại học Kinh tế quốc dân song do sức khỏe kém nên cũng về hưu sớm. Số còn lại làm nhiều nghề khác nhau song nhìn chung cuộc sống khá là vất vả, khó khăn.

 Thế rồi có một sự kiện xảy ra đã làm cho câu chuyện của Đại đội 4 được nhắc đến một cách vô cùng sôi nổi song cũng lắm bi hài.
Vâng! Đó là năm 1995 với sự kiện nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder  xuất hiện và bộ phim truyền hình “Những người lính kíp xe 390” ra đời tạo nên một cơn “sốt” trong xã hội. Bốn anh em trong kíp xe tăng 390 đang im lặng trong bóng tối nay bỗng nổi như cồn. Trong ánh hào quang rực rỡ của ánh sáng trường quay, của những cuộc phỏng vấn, của các buổi lễ lạt mít tinh v.v… một vài người trong số đó đã “nói quá say sưa” về chiến công của mình. Cộng với sự vào cuộc của đội ngũ báo chí có phần thiên vị đã tạo nên một dư luận hết sức không hay là: “Dường như đã có một sự tranh công đổ lỗi giữa những người trong cái Đại đội 4 này mà cụ thể là xe 843 cướp công của 390, anh Bùi Quang Thận cướp công của những người khác”. Dư luận này ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn quốc. Thời gian đó, đi đến đâu cũng nghe người ta kháo nhau về câu chuyện này.
Nói cho công bằng, đó là một sự hiểu lầm tai hại của toàn xã hội đối với một sự thật lịch sử. Còn riêng với Đại đội 4 thì cũng tai hại không kém và bị chia rẽ một cách nghiêm trọng. Thật đau xót khi những người đồng đội đã từng vào sinh ra tử với nhau suốt mấy năm trời giữa mưa bom, bão đạn, giữa cái sống cái chết… chỉ vì chút danh tiếng hão huyền mà bây giờ lại coi nhau như người dưng.
Bình tâm lại và phân tích mọi vấn đề, dễ dàng nhận ra rằng sở dĩ có tình trạng trên hoàn toàn là do cách tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan tuyên huấn của chúng ta. Thực ra, diễn biến chiến đấu của trận hành tiến tiến công Dinh Độc Lập ngày 30 tháng tư năm 1975 thì nói chung các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 203 ngày ấy chẳng ai còn lạ gì. Xe nào đến trước, xe nào đến sau, anh Thận xuống xe như thế nào, chuyện vào Dinh ra sao v.v… hầu hết mọi người tường tận cả. Sự kiện đó đã được ghi lại một cách cụ thể trong cuốn “Một số trận chiến đấu của bộ đội Tăng Thiết giáp - Tập 2” do Bộ Tư lệnh Thiết Giáp xuất bản năm 1978 nguyên văn như sau: “11.30 ngày 30-4-1975 phân đội đi đầu lữ đoàn 203 tiến đến trước “dinh Độc Lập”, quân địch không còn tinh thần chống cự. Tăng 390 húc đổ cổng sắt, đại đội trưởng Bùi Quang Thận xông vào dinh nhanh chóng hạ cờ ngụy, treo lá cờ giải phóng lên vị trí cao nhất”- tr. 135. Tuy nhiên, chi tiết này không được khai thác và công bố rộng rãi đã dẫn đến những hệ lụy vô cùng đáng tiếc về sau.
Sở dĩ có tình trạng ấy theo một số nguồn đáng tin cậy sau 30 tháng tư năm 1975, có một chỉ thị miệng từ “trên xuống” là không tuyên truyền về xe 390. Lý do chỉ vì nó là một chiếc T59 do Trung Quốc chế tạo mà quan hệ giữa hai nước lúc đó đang nhanh chóng xấu đi. Thế là người ta chỉ quan tâm đến việc đưa tin ca ngợi hành động cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập của đại đội trưởng Bùi Quang Thận. Còn một lẽ nữa đó là hồi sau chiến thắng ai cũng coi cái chuyện húc cổng Dinh là một cái gì đó hết sức bình thường. Không xe 390 húc thì sẽ có xe khác, cả một lữ đoàn xe tăng mấy chục chiếc ở ngay sau đó mà. Còn cái cánh cổng Dinh thì có vững chãi gì đâu, với cái xe tăng 36 tấn thì nó chỉ cần ẩy khẽ một cái là đổ thôi. Vì vậy, khi thấy người ta chỉ ca ngợi chuyện cắm cờ thì chẳng ai, kể cả kíp xe 390 thắc mắc gì.

 Cũng dễ dàng nhận ra cái sự tuyên truyền của ta mang nặng tính biểu tượng. Với hành động cắm cờ người ta ngợi ca nó như một hành động anh hùng báo hiệu giờ phút cáo chung của chính quyền Sài Gòn. Dần dần, họ lại vô tình đồng nhất việc anh Thận lên cắm cờ với việc xe 843 của anh húc cổng Dinh (anh ấy cắm cờ thì đương nhiên xe anh ấy phải đến đầu tiên). Một số tay thợ vẽ “vườn” của tuyên huấn Binh chủng Tăng Thiết giáp lại vẽ lại tấm ảnh một chiếc xe tăng nằm giữa cổng Dinh và tương lên đó số hiệu 843. Rồi binh chủng Tăng Thiết giáp lại còn đặt hàng số lượng lớn bằng sơn mài để làm quà tặng nữa chứ. Tai hại hơn nữa, các nhà làm sách giáo khoa lại lấy luôn tư liệu tuyên truyền của tuyên huấn làm chính sử đưa vào sách giáo khoa. Vậy là, suốt những năm trước 1995, chẳng ai biết đến sự thật lịch sử đã diễn ra như thế nào và cũng chẳng mấy ai biết đến kíp xe 390.
Thế rồi, sự kiện 1995 ập đến. Báo chí lại một phen ào ạt xung trận nhưng đợt này là ca ngợi xe 390 đã húc đổ cánh cổng Dinh như “húc đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân kiểu mới”. Lại thêm bộ phim truyền hình của đạo diễn Phạm Việt Tùng với những hình ảnh và lời bình có phần “thậm xưng”, nói về hoàn cảnh thực tại của mấy thành viên kíp 390 đã làm dấy lên câu hỏi cho toàn xã hội: “Tại sao những người làm nên chiến công này lại bị đối xử tàn tệ như vậy. Tại sao không ca ngợi họ mà chỉ ca ngợi kíp xe 843…?”. Các anh em nhà ta vốn chân chất, thật thà nên bây giờ được lên đài, lên báo là sướng và tất nhiên cánh nhà báo và MC họ lái đi đâu là cứ thế đi theo. Thậm chí có lúc các anh cũng tin rằng đồng đội của mình đã tranh công của họ. Đó chính là một bi kịch đối với Đại đội 4 xe tăng và làm cho hầu hết anh em trong đơn vị hết sức buồn lòng.

Cũng may, dần dần các anh em hai kíp xe cũng hiểu ra thực chất vấn đề và quan hệ giữa Đại đội trưởng Bùi Quang Thận với Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, giữa kíp xe 843 với 390 đã cải thiện đáng kể. Kể từ đó các anh trở nên thân thiết như xưa - như cái thời chung lung đấu cật ở chiến trường. Khi đã đoàn kết với nhau, các anh bàn với một số anh em còn đang công tác làm thế nào để Đại đội 4 được tuyên dương xứng đáng với thành tích và công trạng của nó. Vừa để lấy lại sự công bằng, vừa là vinh danh các liệt sỹ của đại đội đã anh dũng hy sinh, đồng thời là một cơ hội để kéo mọi người lại với nhau. Nói cho công bằng, với những thành tích của mình Đại đội 4 hoàn toàn xứng đáng với điều đó. Ngay từ năm 1975 cũng đã có ý kiến đề nghị rồi nhưng không biết vì lý do gì mà không được xét. Người thì bảo do các thủ trưởng cấp trên quan niệm: “Lữ đoàn đã anh hùng thì mọi tập thể dưới đó và mọi cá nhân cũng anh hùng rồi, còn đề nghị làm gì”. Người thì bảo do Đại đội 4 làm cháy kho đạn cuối năm 74… Rất may là ý định đó được Ban chỉ huy Lữ đoàn xe tăng 203 hiện tại hoàn toàn ủng hộ.

Và rồi cái gì đến sẽ phải đến. Tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận 2 chiếc xe số 843 và 390 của Đại đội 4 là Bảo vật quốc gia.  Ngày 26 tháng tư năm 2013, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 804/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội 4 xe tăng thuộc Lữ đoàn 203. Tiếp đó, ngày 30 tháng mười năm 2013, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tiếc một điều là người đại đội trưởng dũng cảm đó đã không được tận hưởng niềm vinh dự đó vì anh đã ra đi quá sớm.

Ngày đón danh hiệu Anh hùng của Đại đội 4, gần 30 anh em có dịp được đoàn tụ bên nhau. Có những người gần 40 năm nay mới được gặp nhau. Mừng mừng, tủi tủi. Tất cả đã già đi cùng năm tháng, có người trở nên nổi tiếng và rất nhiều người dường như đã chìm vào quên lãng. Nhưng những câu chuyện về một quá vãng vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng cũng rất mực lãng mạn, hào hùng vẫn nổ như ngô rang. Và người viết cuốn sách này chỉ xin ước một điều - xin thời gian trở lại cho cả Đại đội lại được bên nhau một lần vục khuôn mặt lấm lem vào bồn nước giữa sân Dinh Thống Nhất, rồi tới bên bờ sông Sài Gòn lộng gió để uống rượu, để bắn pháo hoa, để cùng ôm nhau cười và khóc.

                                                                                  Sài Gòn 30.4.1975
                                                                        Hà Nội tháng 12.2006.
                                                                        Bổ sung: Tháng 12.2014.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt
Nguyên chiến sĩ lái tăng số 380, Đại đội 4, Lữ đoàn 203

Hai chiếc xe 843 và 390 húc đổ cổng dinh ĐL (Franxoa DeMunde)

Đại đội XT4 ngày đón nhận danh hiệu AHLLVTND (6.2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét