Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 23



                                                     Chương 14


Cuộc tiến công rộng khắp trên các chiến trường miền Nam những ngày đầu tháng Tư năm 1972 đã làm rung động nước Mỹ. Không thể đưa lục quân trở lại chiến trường Việt Nam, Lầu Năm Góc đành tăng cường yểm trợ tối đa quân ngụy bằng không quân, pháo hạm. 24 tàu chiến trong đó có 4 hàng không mẫu hạm của Hạm đội Bảy áp sát ngoài khơi Việt Nam. Mỗi ngày hàng chục phi vụ B52, hàng trăm lượt chiếc máy bay chiến thuật cùng hàng chục họng pháo cỡ lớn trên tàu cày nát những vùng chiến sự ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ. Chiến dịch ném bom miền Bắc cũng được tăng cường trở lại mà đỉnh điểm là sử dụng B52 đánh phá Hải Phòng- cửa khẩu quan trọng nhất tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Hội nghị Pa- ri có nguy cơ rơi vào bế tắc.
Lợi dụng sự chi viện vô cùng mạnh mẽ về hỏa lực và sự tăng viện của chính quyền trung ương, tướng Hoàng Xuân Lãm đã củng cố được phần nào hệ thống phòng thủ trên mặt trận Quảng Trị. Mặt khác với sự thay đổi chiến thuật quân địch cũng đã phần nào gây được khó khăn cho ta. Sau một số trận đánh không thành công của ta chúng đặt nhiều hy vọng vào lớp vỏ cứng mới hình thành.  
Trước tình hình đó Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sẽ đánh mạnh hơn nữa để giành chiến thắng trên chiến trường, qua đó tạo được lợi thế trên bàn hội nghị. Chấp hành sự chỉ đạo của trên ngày 13 tháng Tư Bộ tư lệnh B2 tổ chức tiến công thị xã An Lộc, tỉnh lỵ tỉnh Bình Long và là một căn cứ quan trọng trên chiến trường miền Đông. Còn ở Tây Nguyên Bộ tư lệnh B3 quyết định mở chiến dịch Đắc Tô- Tân Cảnh từ ngày 24 tháng Tư. Phối hợp với toàn miền Tư lệnh mặt trận Trị Thiên chủ trương mở đợt Hai của chiến dịch tiến công vào hệ thống phòng thủ Đông Hà- Quảng Trị- Ái Tử- La Vang vào cuối tháng Tư. Để đảm bảo chắc thắng, một cuộc họp rút kinh nghiệm đợt Một gồm tư lệnh các cánh quân, chỉ huy các sư đoàn bộ binh và đại diện các quân, binh chủng được tổ chức tại sở chỉ huy mặt trận.
Sau khi tóm tắt tình hình chung, Tư lệnh mặt trận nêu mục tiêu của đợt Hai chiến dịch. Sau đó ông nhấn mạnh:
- So với thời kỳ đầu chiến dịch chúng ta không còn yếu tố bất ngờ, quân địch đã củng cố được một bước thế trận phòng ngự, lại được không quân và pháo hạm của Mỹ yểm trợ rất mạnh mẽ. Vì vậy chúng đã gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn. Nhiệm vụ đề ra trong đợt Hai của chiến dịch là phải phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài để tiến công vào trung tâm hệ thống phòng thủ của địch. Mục tiêu của chúng ta trong đợt Hai này là giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Nếu có điều kiện thì giải phóng một phần tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế. Sau đây mời các đồng chí nghe đồng chí trưởng phòng tác chiến báo cáo tổng hợp tình hình địch. Xin mời đồng chí!
Trưởng phòng tác chiến đứng dậy, anh bước lại gần tấm bản đồ treo trên vách hầm rồi đưa đôi mắt hõm sâu vì thiếu ngủ dài ngày nhìn quanh một lượt:
- Báo cáo các đồng chí! Sau đợt Một của chiến dịch chúng ta đã phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng thủ ngoài cùng và một số cứ điểm quan trọng trong tuyến phòng thủ thứ hai của địch. Về lực lượng địch ta đã xóa sổ trung đoàn 56 của sư đoàn 3 và một số đơn vị cấp tiểu đoàn. Hai huyện Cam Lộ, Gio Linh với hàng chục vạn dân đã được giải phóng. Đó là những kết quả rất lớn mà ta thu được trong đợt Một vừa qua. Tuy nhiên, do địch đã cấp tốc điều động lữ đoàn lính thủy đánh bộ 369, ba liên đoàn biệt động quân số 4, 5, 6 ra tăng cường. Cộng với sự thay đổi về mặt chiến thuật và sự yểm trợ mạnh mẽ của hỏa lực không quân, pháo hạm của Mỹ nên chúng đã tạm thời chặn được các cuộc tiến công ngày Chín tháng Tư của ta. Chúng cũng đã có những động thái tích cực nhằm củng cố lại hệ thống phòng thủ nhằm cố sức giữ lấy Đông Hà, Quảng Trị. Sau đây tôi xin báo cáo chi tiết về tình hình bố trí hiện tại của địch- Cầm cái que chỉ dựng sẵn bên cạnh lên anh tiếp tục bằng cái giọng hơi mệt mỏi- Hiện tại hệ thống phòng thủ của địch ở khu vực này hình thành ba cụm phòng ngự. Cụm chủ yếu vẫn là Đông Hà- Lai Phước với trung tâm là thị trấn Đông Hà và các điểm cao phía tây. Lực lượng địch phòng ngự ở cụm này do trung đoàn 57 của sư đoàn 3 và hai liên đoàn biệt động quân số 4, số 5, hai thiết đoàn 17 và 20 đảm nhiệm. Cụm thứ hai là Ái Tử bao gồm khu kho tàng, hậu cứ, sân bay và sở chỉ huy sư đoàn 3. Lực lượng địch phòng ngự tại đây gồm trung đoàn 2 của sư 3, lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 và thiết đoàn 11. Nhiệm vụ của cụm này là phối hợp chặt chẽ với cụm Đông Hà, bảo vệ bằng được các tiền đồn xung quanh như Phượng Hoàng, Tân Vĩnh, kiên quyết ngăn chặn sự phát triển của ta từ hướng tây xuống và từ phía Thạch Hãn lên. Cụm thứ ba là cụm La Vang- Long Hưng- Quảng Trị có nhiệm vụ ngăn chặn sự tiến công của quân ta từ hướng tây và hướng bắc, kiên quyết bảo vệ thị xã Quảng Trị và đường quốc lộ Một. Lực lượng phòng ngự ở đây bao gồm liên đoàn biệt động quân số 1, lữ đoàn lính thủy đánh bộ 369, hai chi đoàn thiết giáp và hai trận địa pháo hỗn hợp. Về hỏa lực chi viện khoảng 150 lần chiếc B52, 300 lần chiếc phản lực một ngày. Về pháo hạm hiện có khoảng 5 tuần dương hạm, khu trục hạm và 2 tàu sân bay áp sát ngoài khơi Quảng Trị. Vì vậy như các đồng chí đã chứng kiến những ngày vừa qua, có thể nói hỏa lực của chúng rất mạnh. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là địch đã có những thay đổi rất quan trọng về mặt chiến thuật. Nếu như trước đây các đơn vị xe tăng thường được bố trí ở tuyến sau với nhiệm vụ chủ yếu là tăng viện cho các cứ điểm vòng ngoài khi bị tiến công thì nay được xé nhỏ ra để đưa về các cứ điểm vòng ngoài hình thành nên một lớp vỏ cứng. Chiến thuật này là tác phẩm của tướng A- bram, thường được gọi là chiến thuật “trâu rừng”. Xe tăng được đưa xuống các công sự chỉ nhô mỗi tháp pháo lên trở thành một hỏa điểm rất mạnh và chính chúng đã làm ta tổn thất khá lớn hôm mồng Chín vừa qua. Một điểm nữa là việc sử dụng xe tăng của chúng rất linh hoạt, lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ khác, ban ngày ở một chỗ, ban đêm lại di chuyển đến vị trí khác. Để đảm bảo đột phá vào được trung tâm các cụm phòng ngự của địch nhất thiết chúng ta phải phá vỡ được lớp vỏ cứng này. Trên đây là tổng hợp tình hình địch đến thời điểm hiện tại, các đồng chí có gì chưa rõ xin mời cho ý kiến. Hết đấy ạ!
Phòng họp vẫn lặng như tờ, những gương mặt đã dạn dày trận mạc xung quanh dãy bàn đều lộ vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Điều đó chứng tỏ vấn đề mà trưởng phòng tác chiến vừa nêu cũng chính là mối quan tâm lo lắng của mọi người. Thấy không ai có ý kiến gì tư lệnh mặt trận đứng dậy:
- Các đồng chí đã nghe báo cáo về tình hình địch. Sau đây tôi xin nhắc lại nhiệm vụ của các cánh như sau. Cánh bắc vẫn là cánh chủ yếu của mặt trận, có nhiệm vụ tiến công vào cụm phòng thủ Đông Hà- Lai Phước. Cánh Tây là cánh thứ yếu, có nhiệm vụ tiến công cụm phòng thủ Ái Tử- Phượng Hoàng. Cánh nam là cánh phối hợp có nhiệm vụ tiến công cụm phòng thủ La Vang- Long Hưng và cắt quốc lộ Một. Trong đợt Hai này sẽ tăng cường cho các đồng chí tiểu đoàn xe tăng 198 của H02. Cánh Đông là cánh vu hồi có nhiệm vụ thọc sâu dọc duyên hải các huyện Triệu Phong, Hải Lăng để vây hãm địch từ phía đông. Sau khi tiêu diệt được ba cụm phòng thủ trên các cánh quân sẽ hợp điểm tại thị xã Quảng Trị. Ngoài ra cũng xin thông báo để các đồng chí biết, để phối hợp hành động với chúng ta trong đợt này B4 cũng sẽ mở một chiến dịch vu hồi ở phía tây xuống Huế. Nhiệm vụ như thế các đồng chí rõ cả chưa?
Tư lệnh các cánh quân và những người có mặt đồng thanh:
- Rõ!
Tư lệnh mặt trận gật đầu tỏ vẻ hài lòng nhưng nét mặt vẫn trầm ngâm:
- Tuy nhiên, đúng như đồng chí trưởng phòng tác chiến đã nói: vấn đề đặt ra đối với chúng ta bây giờ là phải chọc thủng lớp vỏ cứng bằng xe tăng ở tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch thì mới “sờ” tới được mấy thằng phía trong. Các đồng chí xem có cao kiến gì thì phát biểu đi nào!- Vừa nói tư lệnh mặt trận vừa đưa mắt nhìn mọi người tỏ vẻ khuyến khích, cuối cùng ánh mắt ông dừng lại ở phó tư lệnh Đào- Xe tăng thì sao nào? Nó đã đưa xe tăng đón tiếp các anh rồi đấy, các anh trả lời ra sao?
Phòng họp hơi ồn lên những tiếng xì xào: “xe tăng thì phải lấy xe tăng mà chọi thôi”, “phải đấy, tăng đấu tăng chứ bộ binh làm sao mà diệt được nó ở trong hầm” v.v… Phó tư lệnh Đào từ tốn đứng dậy cất giọng nhỏ nhẹ:
- Báo cáo đồng chí tư lệnh và các đồng chí! Về vấn đề này chúng tôi cũng đã trao đổi và đã tìm ra đối sách. Tuy nhiên cũng rất cần sự chỉ đạo chung của mặt trận và sự phối hợp của các đơn vị bạn…
Tư lệnh mặt trận gật đầu khuyến khích:
- Đồng chí nói cụ thể xem nào! Cần đề nghị gì cũng cứ nói, ta cùng giải quyết.
Phó tư lệnh Đào dõng dạc:
- Sau khi nghiên cứu chúng tôi thấy điểm mạnh của chiến thuật này của địch là xe tăng nằm trong công sự chỉ nhô mỗi tháp pháo lên nên vừa đảm bảo sự chính xác của hỏa lực khi bắn, lại vừa nâng cao được khả năng sống còn. Với cách bố trí như vậy nếu xe tăng ta ở trên mặt đất địch có thể tiêu diệt được từ khoảng 2000 mét, còn về phía ta sẽ rất khó tiêu diệt được xe địch. Vì vậy chúng tôi quyết định cũng cho xe tăng xuống công sự ở khoảng cách khoảng 1000 mét. Lúc này về điều kiện bắn của hai bên là gần như nhau, theo tính toán của chúng tôi thì với những điều kiện đó pháo 100 ly trên T54 của ta chắc chắn sẽ thắng.
Nhiều tiếng “ồ”, “à” rộn lên trong phòng họp. Tư lệnh mặt trận lắc đầu vẻ không tin:
- Nhưng làm sao các anh đưa được xe tăng vào gần thế? Rồi lại còn phải đào công sự nữa chứ? Làm sao vào gần như vậy mà vẫn giữ được bí mật?
Phó tư lệnh Đào vẫn điềm đạm:
- Thế cho nên mới phải nhờ đến thủ trưởng và các đơn vị bạn.
Tư lệnh mặt trận sốt ruột:
- Cần thế nào các anh cứ nói thẳng ra! Có vấn đề gì khó khăn ta sẽ cùng nhau giải quyết.
Phó tư lệnh Đào nhìn thẳng vào mắt tư lệnh mặt trận:
- Dạ! Cũng không có gì nhiều lắm! Chúng tôi chỉ xin tư lệnh cho khoảng 100 viên đạn pháo trong vòng hai tiếng là đủ.
Tư lệnh mặt trận cười lớn:
- Gì chứ trăm quả đạn pháo mà được việc như vậy thì tôi sẵn sàng cho, thậm chí còn hơn. Nhưng anh phải nói cụ thể đi chứ!
Phó tư lệnh Đào tiến lại gần tấm bản đồ:
- Báo cáo tư lệnh và các đồng chí! Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình bố trí của địch chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức xây dựng ba trận địa xe tăng bắn ngắm trực tiếp- Ông cúi xuống vớ lấy cây que chỉ dò dò trên bản đồ- Đó là tại dãy điểm cao 35, 37 ở phía tây Đông Hà và cứ điểm Phượng Hoàng, mỗi trận địa phải đào ba đến bốn hầm xe tăng. Chúng tôi dự kiến sẽ đào hầm xe tăng bằng thuốc nổ. Qua thực nghiệm vừa rồi với 20 ki- lô- gam thuốc nổ thì một tiểu đội công binh sẽ đào xong một hầm trong vòng một tiếng. Để giữ bí mật việc dùng thuốc nổ đào công sự tôi đề nghị mặt trận cho bắn phá hoại vào ba cứ điểm trên trong thời gian chúng tôi cho nổ bộc phá. Sau đó bắn tiếp một đợt nữa để đưa xe tăng vào. Khi pháo binh tiến hành hoả lực chuẩn bị thì lực lượng xe tăng trong công sự này có thể cùng tham gia bắn trực tiếp vào các mục tiêu đầu cầu. Đặc biệt là khi phát hiện xe tăng địch các xe tăng này sẽ phải tiêu diệt ngay. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt xe tăng địch số xe tăng này sẽ tham gia xung phong hoặc chuyển sang làm nhiệm vụ khác.
Tư lệnh mặt trận gật gù:
- Hay đấy! Lấy xe tăng làm pháo bắn ngắm trực tiếp. Hay!- Ông quay về phía tư lệnh pháo binh- Này, ông pháo binh! Đề nghị của thiết giáp thế có đáp ứng được không?
Tư lệnh pháo binh cười:
- Không có vấn đề gì ạ! Tôi sẽ đảm bảo bọn địch trong cứ điểm chỉ còn biết chúi đầu vào công sự mặc các anh muốn làm gì thì làm.
Tư lệnh mặt trận phẩy tay:
- Như thế là được rồi! Còn thời gian, giờ giấc cụ thể hai bên hiệp đồng với nhau nhé!
Đúng lúc đó chiếc máy điện thoại trước mặt tư lệnh mặt trận đổ một hồi chuông, ông cầm tổ hợp lên. Không biết đầu dây kia nói gì chỉ thấy ông “ừ”, “à” mấy tiếng rồi đặt tổ hợp xuống và tươi nét mặt:
- Xin thông báo với các đồng chí một tin vui: mặt trận của ta được trên ưu tiên đưa khẩn cấp một số khẩu đội tên lửa chống tăng B72 vào sử dụng. Có xe tăng trong công sự, lại có cả tên lửa chống tăng thì lớp vỏ của chúng có cứng đến đâu cũng sẽ bị chọc thủng, phải không các đồng chí?
Không ai bảo ai tất cả những người có mặt trong phòng họp đều vỗ tay. Cuộc họp kết thúc trong không khí hết sức phấn khởi.

***

Phó tư lệnh Đào rời hầm họp với một tâm trạng khá vui vẻ. Dù chưa biết kết quả thế nào nhưng phương án đưa xe tăng xuống công sự để chọc thủng lớp vỏ cứng của địch do ông và các đồng đội đưa ra đã được chấp thuận. Nhưng linh cảm của một người chỉ huy cho ông biết phương án đó nhất định thành công. Đó chính là kết tinh của những trăn trở, tìm tòi sau những bài học được rút ra bằng máu của ông và đồng đội. Qua chuyện này ông càng cảm thấy thêm tin tưởng và quý trọng những người đồng đội của mình. Đó là những con người hết sức dũng cảm và cũng hết sức thông minh, sáng tạo. Tự nhiên ông cảm thấy hôm nay trời thật đẹp. Cánh rừng sở chỉ huy hôm nay hình như cũng sinh động hẳn lên. Màu đất ba- dan hôm nay hình như cũng đỏ hơn. Bất giác ông lẩm nhẩm thành lời mấy câu cuối trong bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Nguyễn Hữu, trợ lý tuyên huấn binh chủng vừa được phổ nhạc và phát trên đài. “Phải công nhận cậu này khá thật, nó lột tả hết được những đặc điểm rất cơ bản của bộ đội xe tăng. Có lẽ cần phải biểu dương, khen thưởng và tạo điều kiện để cậu ta phát triển mới được”, ông nghĩ.
Mải suy nghĩ nên ông gần như bị giật mình khi trợ lý Bắc từ trong hầm nhô ra:
- Chào thủ trưởng ạ!
Nhìn nét mặt của Bắc ông linh cảm thấy có chuyện không hay đã xảy ra, ông giật giọng:
- Có chuyện gì thế?
Bắc đưa cho ông một tờ điện đến và nói:
- Báo cáo thủ trưởng, ngoài Bộ Tư lệnh yêu cầu ta thực hiện gấp yêu cầu của B4 ạ!
Ông Đào lẩm bẩm vẻ bực dọc:
- Mấy ông này rỗi hơi hay sao mà cứ nhắc mãi thế này. Mình đã tổ chức đưa hai đại đội vào trong ấy theo yêu cầu của họ rồi cơ mà.
Bắc ngập ngừng:
- Vâng…! Nhưng chỉ có một đại đội đến nơi được thôi thủ trưởng ạ!
Ông Đào trợn mắt:
- Sao! Đại đội nào không đến nơi? Mà sao cậu biết?
Bắc tuôn liền một mạch:
- Báo cáo thủ trưởng, H03 vừa điện lên cho biết: đại đội 8 hành quân đến cây số 34 đường 18 bên Lào thì bị máy bay oanh tạc. Theo các anh ấy báo cáo thì đại đội này đã bị mất sức chiến đấu hoàn toàn. Còn đại đội 4 đã vào đến A Lưới nhưng cũng bị thiệt hại mất 1 xe vì dính B52. Chắc vì vậy nên B4 lại điện ra Bộ, Bộ lại thúc xuống binh chủng và binh chủng lại dội vào đây.
Ông Đào cầm bức điện mà chẳng đọc được chữ nào. Mắt ông thấy cay cay rồi nhòa đi. Mới mon men đến cửa ngõ chiến trường mà đã bị đánh cho tan tác thì thật là chua xót. Nhưng biết làm sao được, chiến tranh nó nghiệt ngã thế đấy. Ông lắc mạnh đầu như muốn xua đi những ảo ảnh rồi chăm chú đọc bức điện. Một lát sau ông quả quyết:
- Cậu điện xuống H03 tổ chức ngay một đại đội đi thay cho đại đội 8.
Bắc nhăn nhó lắc đầu:
- Dạ! Lúc nãy tôi cũng đã sơ bộ trao đổi với các anh ấy như thế nhưng H03 cho biết là toàn trung đoàn không còn một chiếc xe tăng bơi nào cả.
Ông Đào chợt ngớ ra:
- À! Đúng rồi! Sau khi bàn giao 198 đi thì H03 hầu như không có xe tăng bơi- Ông hất cằm- Vậy cậu bảo phải làm thế nào bây giờ?
Bắc ngần ngừ:
- Báo cáo thủ trưởng, hiện tại mình đã dồn gần như hết xe pháo trong kho vào các chiến trường rồi. Hay là thủ trưởng đề nghị lên trên cứ cho B4 dùng tạm một đại đội 4 đi đã. Hoặc nếu có thể thì hoãn cho một thời gian nữa cũng được.
Ông Đào ngẫm nghĩ. Quả thật, ý kiến của Bắc cũng có lý. Sau khi tiểu đoàn 297 vào đến B3, hai tiểu đoàn tiếp theo vào đến B2, binh chủng đã tiếp tục đưa thêm một tiểu đoàn vào B1, một tiểu đoàn vào B3, hai tiểu đoàn nữa cho B2 và hai đại đội cho B4. Còn hai trung đoàn tập trung cho B5 này. Vì vậy, các tổng kho của binh chủng đến thời điểm này gần như đã cạn. Nhưng nhớ lại vẻ mặt của Tổng Tham mưu trưởng khi nói về yêu cầu của B4 hôm xuống tham quan diễn tập, ông lắc đầu:
- Không được! Chắc chắn cấp trên không đồng ý. Kiểu gì ta cũng phải thực hiện bằng được nhiệm vụ này.
Đã biết tính thủ trưởng nên nghe ông Đào nói vậy Bắc biết rằng không còn cách nào khác ngoài việc tìm cách thực hiện, anh đề xuất:
- Hay là ta lấy một đại đội T54 của tiểu đoàn 3 thay vào đó.
Ông Đào lắc đầu:
- Không được!- Nhất thiết phải là một đại đội xe tăng bơi.
Bắc ngạc nhiên:
- Tại sao phải như thế ạ?
Ông Đào hạ giọng:
- Tớ cũng mới biết, ý định của B4 là tổ chức vu hồi vào phía tây Huế bằng 2 mũi. Mũi thứ nhất đánh theo đường 12 xuống. Mũi này sẽ sử dụng đại đội T59. Còn mũi thứ hai sẽ sử dụng đại đội xe tăng bơi, thả trôi theo sông Hương rồi bất ngờ đánh lên. Vì vậy, nhất thiết phải là xe tăng bơi. Cậu hiểu chưa?
Đến lúc này thì Bắc đã hiểu ra vấn đề, anh nhăn trán một lát rồi reo lên:
- Có cách rồi, thủ trưởng ạ!
Ông Đào tò mò:
- Cách gì? Nói đi xem nào!
Bắc hớn hở:
- Báo cáo thủ trưởng, H02 ạ!- Anh láy lại- Lấy của H02 ạ!
Ông Đào gật gù ra chiều suy nghĩ. Đúng là hiện nay H02 vẫn còn một tiểu đoàn nguyên vẹn, trong đó có một đại đội xe tăng bơi. Nhưng nếu lấy đi thì cũng gay vì sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của “nó”. Tuy nhiên, trong trường hợp này đó có lẽ là giải pháp tốt nhất vì sẽ đáp ứng nhanh nhất yêu cầu của B4. Còn để đảm bảo sức mạnh của H02 có thể sẽ đưa tiếp trang bị từ ngoài kia vào. Ông nhếch mép cười buồn: “không ngờ có lúc mình lại rơi vào cảnh giật gấu, vá vai thế này”. Nhưng rồi cuối cùng ông cũng phải đi đến quyết định:
- Cậu điện xuống H02…- Ông lắc đầu- Thôi! Không điện nữa! Chuẩn bị đi! Tối nay tôi và cậu sẽ xuống H02. Ta vừa kiểm tra nắm tình hình công tác chuẩn bị cho đợt Hai, đồng thời giao nhiệm vụ cho “nó” luôn. Cậu cũng điện về Bộ Tư lệnh báo cáo ý định của ta nhé.

- Vâng ạ!- Bắc trả lời và chạy vụt về phía hầm thông tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét