Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 15


Chương 13


Dường như đã qua được cơn hoảng loạn ban đầu nên bọn địch khẩn trương củng cố lại hệ thống phòng thủ đã bị vỡ một mảng quan trọng. Sáng mồng Hai tháng Tư đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra thị sát chiến trường Quảng Trị và chủ trì cuộc họp của Bộ tư lệnh quân đoàn 1 nhằm tìm giải pháp cứu nguy cho chiến trường trọng điểm bậc nhất này. Hắn cao giọng ngợi ca “tinh thần quả cảm vô song của binh lính đồn trú ở vùng biên ải”, khích lệ các lực lượng “tiếp tục tử thủ đến cùng, quyết ngăn chặn bằng được cuộc xâm lăng của Bắc Việt” và hứa “sẽ chi viện tối đa sức người, sức của”. Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ cũng hứa sẽ chi viện tối đa không quân, pháo binh và pháo hạm, kể cả máy bay chiến lược B52. Trung tướng Hoàng Xuân Lãm và chuẩn tướng Vũ Văn Giai thì thề sống thề chết sẽ đẩy lui bằng được “cuộc tiến công của Cộng quân”.
Thực hiện lời hứa của mình, chỉ trong vòng hai ngày Sài Gòn đã tổ chức không vận cấp tốc lữ đoàn lính thủy đánh bộ 369, ba liên đoàn biệt động quân số 4, 5, 6 từ biệt khu Thủ đô, quân khu 2 và quân khu 4 ra tăng viện cho chiến trường nóng bỏng này. Hai tàu khu trục và một tàu sân bay của Hạm đội 7 đã được điều đến vùng biển quân khu 1. Tướng Lãm và tướng Giai cũng đã tổ chức tái phối trí lại lực lượng, chúng tập trung xây dựng cụm căn cứ Đông Hà, Ái Tử, La Vang làm trung tâm cho tuyến phòng ngự mới. Các thiết đoàn 17, 20 chỉ để lại một bộ phận ở trung tâm còn lại được xé nhỏ ra thành các chi đoàn, chi đội tăng cường cho các cứ điểm bên ngoài tạo thành một lớp vỏ cứng.

***

Với nhận định địch tuy đã được tăng cường lực lượng đáng kể nhưng vẫn đang hoang mang tột độ, Bộ tư lệnh mặt trận B5 quyết định đẩy mạnh tiến công không cho địch kịp củng cố hệ thống phòng thủ. Tư lệnh mặt trận quyết định sử dụng cánh bắc tiến công vào cụm địch ở Đông Hà- Lai Phước. Cánh tây tiến công địch ở Ái Tử, khống chế cầu Quảng Trị chặn đường rút lui của địch. Cánh nam đánh địch ở La Vang- Tích Tường, cắt giao thông trên quốc lộ Một từ cầu Nhùng đến cầu Mỹ Chánh. Cánh đông sẽ thọc sâu xuống duyên hải, hỗ trợ nhân dân nổi dậy làm chủ hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng và ngăn chặn không cho địch rút chạy ra biển. Các tiểu đoàn xe tăng 512 và 397 tiếp tục được sử dụng tại cánh bắc và cánh tây. Tiểu đoàn 66 đã được rút ra bắc củng cố lực lượng và tiếp tục làm dự bị cho mặt trận. Ngày Mồng Chín tháng Tư đợt tiến công mới đồng loạt được phát động trên tất cả các hướng.
Tuy nhiên, ngay ngày chiến đấu đầu tiên kết quả thu được không như mong đợi. Quân ta không những không phá vỡ được các cụm cứ điểm mà còn bị thiệt hại khá nặng. Lực lượng xe tăng cũng bị tổn thất khá nhiều. Tiểu đoàn 512 tăng cường cho cánh bắc tiến công Đông Hà, Lai Phước bị xe tăng địch bắn cháy mất 7 xe. Cánh tây báo cáo về một tiểu đoàn bộ binh được tăng cường đại đội xe tăng 1 của tiểu đoàn 397 sau khi đã chiếm được căn cứ Phượng Hoàng lại để địch phản kích lấy lại và bị mất 4 xe… Những tin tức không mấy phấn khởi liên tục dội về làm không khí ở sở chỉ huy mặt trận càng lúc càng thêm nặng nề. Tư lệnh mặt trận quyết định tạm dừng tiến công để rút kinh nghiệm.

***

Từ hôm biết tin tiểu đoàn 66 bị thiệt hại phải đưa ra bắc củng cố phó tư lệnh Đào trở nên khó ngủ, cái đầu thì ong ong như có con gì đang đục khoét bên trong. Lúc nào cũng thấy ông nhăn nhăn nhó nhó. Biết rõ lý do, chính ủy Ngọc thường xuyên an ủi ông rằng “chiến tranh là phải có tổn thất, có trận thắng trận thua, chẳng ai có thể lường trước được hết mọi cái”. Tuy nhiên những lời an ủi ấy hầu như không có tác dụng. Đêm nào ông cũng ôm khư khư cái ra- đi- ô nghe hết đài này sang đài khác đến gần sáng mới chợp măt được một lúc.
Đêm nay cũng vậy, ông lại thao thức. Chiếc ra- đi ô vẫn tiếp tục phát đi các chương trình của nó nhưng đầu óc ông đang để tận đâu đâu ấy. Lúc sẩm tối nhận được báo cáo của H03 về tình hình tác chiến của các tiểu đoàn 512 và 397 mặc dù còn rất sơ bộ nhưng đã làm ông sây sẩm mặt mày. “Thằng” 66 bị thiệt hại nặng còn có thể lý giải được vì lý do tổ chức tiến công theo một loại hình tác chiến hoàn toàn mới trong điều kiện không nắm được tình hình địa hình và địch. Còn các đơn vị của H03 thì đều tiến công địch trong công sự vững chắc, một hình thức tác chiến đã rất quen thuộc với xe tăng, có rất nhiều kinh nghiệm đã được đúc kết và phổ biến cho bộ đội. Hơn thế nữa lại đã có  thời gian chuẩn bị chiến trường khá lâu, địa hình cũng như tình hình địch nắm tương đối chắc. Thế mà lại tổn thất đến gần 50 phần trăm lực lượng thì không thể nào chấp nhận được. Phải có một lý do nào đó chứ? Có lẽ rất cần phải có một cuộc họp rút kinh nghiệm với hai trung đoàn chứ “làm ăn” thế này thì mất mặt quá. Đầu óc ông cứ lan man lật đi lật lại vấn đề tìm lý do của thất bại. Tại chủ quan khinh địch ư? Rất có thể. Cứ nghĩ nó đang hoảng loạn mà tồng tộc lao vào thì chết là phải. Nhưng có lẽ không phải vậy. Trước cái sống cái chết có mấy ai dám chủ quan. Hay là do trình độ của anh em mình? Sức mạnh hỏa lực của T54 và M48 là tương đương nhau, lúc đối mặt chỉ cần nhanh tay hơn một tích tắc là nắm được phần thắng. Nhưng nào đâu đến nỗi vậy, cán bộ chiến sĩ của H03 đa số đã được huấn luyện rất cơ bản từ ngoài kia. Sau khi điều động vào đây lại được huấn luyện bổ sung khá bài bản. Lại còn cái “thằng” 397 nữa, đã đánh chiếm được cứ điểm địch rồi tổ chức phòng ngự lâm thời như thế nào mà đến nỗi bị chúng phản kích đánh cho tơi bời… Những câu hỏi cứ nối tiếp nhau mà không có câu trả lời rõ ràng. Như vậy nhất thiết phải tổ chức rút kinh nghiệm ngay.
Trong lúc đầu óc vẫn lan man với những ý nghĩ tản mạn ấy cái tay của ông theo thói quen vẫn vặn núm tần số chuyển sang đài khác khi vừa hết bản tin thời sự của đài Tiếng nói Việt Nam. Chợt ông nhổm phắt dạy, đài Sài Gòn vừa nhắc đến mấy từ “xe tăng H03”. Ông vội dò lại sóng và vặn to núm âm lượng. Tiếng con “thiên nga” trong chương trình “Nhịp cầu yêu thương” thẽ thọt vang lên:
“Sáng nay ngày 9 tháng Tư năm 1972 các chiến sĩ quân lực Việt Nam cộng hòa trên mặt trận Quảng Trị đã anh dũng tái chiếm được căn cứ Phượng Hoàng, tiêu diệt gọn một chiến đoàn thiết xa của cộng quân Bắc Việt, bắt sống 1 chiến xa T54. Sau đây là danh sách các chiến binh xe tăng cộng sản đã tử thương tại trận. Một: trung úy Ngô Văn Nhã, quê quán Hà Bắc, đại đội trưởng. Hai: trung úy…”
Không kịp cả xỏ dép phó tư lệnh Đào chạy vội sang ngách hầm của chính ủy Ngọc. Ông Ngọc đang nghe chương trình “Đọc truyện đêm khuya” thấy người đồng sự bất ngờ xuất hiện vội nhổm dậy. Ông Đào vặn to âm lượng lên và chỉ vào cái ra- đi- ô trên tay mình ra ý: “hãy nghe”. Chính ủy Ngọc vội tắt ra- đi- ô của mình. Ông giật bắn mình vì những gì nghe được. Một danh sách hơn ba chục cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ cấp bậc, chức vụ, quê quán đang được đọc rành giọt trên đài. Khi danh sách được đọc lại lần thứ hai ông Đào tắt ra- đi- ô, cả hai ngồi trầm ngâm trong ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu trong góc hầm. Cuối cùng chính ủy Ngọc lên tiếng:
- Không thể nào thế được! Cánh tây báo về chỉ mất có 4 xe, làm sao hy sinh cả đại đội được?- Ông bỗng ngước lên nhìn ông Đào, mắt sáng rực- À! Mà tại sao nó lại có danh sách của cả đại đội được nhỉ? Lại còn không thiếu một chi tiết nào, cứ y như là bản trích ngang đơn vị ấy!
Ông Đào gật đầu:
- Tôi cũng thấy lạ! Chắc có chuyện gì uẩn khúc ở đây. Để tôi gọi xuống H03 xem sao!- Nói rồi ông quay lại góc hầm thùng quay máy điện thoại- A lô! Tổng đài đấy hả? Nối giúp máy cho tôi đến H03 xe tăng nhé! Anh Ngọc này! Có lẽ ta phải tổ chức ngay một cuộc họp rút kinh nghiệm chứ cứ để tình trạng này thì gay to. A lô! Anh Đỗ đấy phải không? Anh đã nắm được diễn biến cụ thể trận Phượng Hoàng hôm nay chưa? Chưa à? Tại sao? Thế cơ quan của anh cử đi làm đại diện ở sở chỉ huy bộ binh cũng chưa báo cáo gì về à? Thôi được rồi! Ngay trong đêm nay các anh phải nắm lại tình hình rồi báo cáo cụ thể cho tôi. Tại sao à? Các anh có biết đài Sài Gòn nó đang “biểu dương” lính của anh hay không? Đơn vị nào à? Cái đơn vị đánh Phượng Hoàng ấy! Đại đội trưởng là cậu Nhã ấy? Không thiếu một người nào cả, có đủ họ tên, cấp bậc, chức vụ, quê quán đấy! Kiểm tra ngay đi, ngày mai báo cáo tôi!- Ông bực bội dằn mạnh cái ống nghe xuống.
Quay về hầm, ngả mình xuống chiếc võng ông Đào trừng trừng nhìn lên trần hầm. Đau quá! Đã đành, chiến tranh là phải có mất mát, hy sinh. Nhưng mới chỉ thử lửa sơ sơ mấy trận mà hai trung đoàn xe tăng, quả đấm thép của mặt trận, niềm tin của Bộ Tổng tư lệnh, của các binh chủng bạn lại tan tác đến thế này sao? Tại ai? Tại cái gì? Trách nhiệm của ông đến đâu? Trong đầu ông lại thoáng hiện câu thơ “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” của Tào Tùng. Không! Dứt khoát không phải như vậy! Cuộc chiến đấu mà ông và bao đồng đội của mình đang tiến hành không nhằm để tôn vinh một cá nhân nào cả. Đó là cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Nhưng dù sao cũng thật chua xót. Phải có biện pháp ngay để cải thiện tình trạng này. Vùng dậy khỏi võng, ông vặn to ngọn đèn dầu rồi với tay lấy cuốn sổ. Những cái gạch đầu dòng bằng thứ chữ nhỏ ly ty nhưng cứng cáp mỗi lúc một dày thêm trên trang giấy.

***

Ngay từ sáng sớm chính ủy Ngọc và phó tư lệnh Đào đã bị tư lệnh mặt trận gọi lên. Trái với vẻ trầm tĩnh thường ngày, hôm nay vừa thấy hai cán bộ xe tăng xuất hiện ông đã to tiếng:
- Các anh đã biết chuyện gì xảy ra hôm qua chưa? Đánh đấm thế nào mà để hy sinh cả một đại đội? Lại còn để cho nó nắm được danh sách đem bêu diếu cho toàn thế giới biết thế này?
Hai anh em nhìn nhau rồi cùng cụp mắt xuống. Phó tư lệnh Đào thì chỉ muốn có cái lỗ nẻ bên cạnh để chui ngay xuống đó. Nỗi hổ thẹn dâng lên đến cổ làm cho ông nghẹn lời, mãi sau mới ấp úng:
- Báo cáo tư lệnh! Theo báo cáo của anh em dưới đơn vị thì trong trận này chúng tôi bị mất 4 xe, 3 xe đã về đến vị trí tập kết nên không có chuyện hy sinh cả đại đội được. Tuy nhiên chắc là có điều gì uẩn khúc ở đây, chúng tôi sẽ kiểm tra lại và báo cáo với tư lệnh sau.
Tư lệnh mặt trận vẫn chưa hạ được cơn hỏa:
- Uẩn khúc gì tôi không biết nhưng để lọt tài liệu về tổ chức vào tay địch thì không thể tha thứ được. Lại còn bên cánh bắc nữa, các anh mất bao nhiêu xe?- Ông đay đả- Đấy! Hôm mồng Hai mà cái tiểu đoàn xe tăng lội nước các anh đến đúng giờ thì đâu có đến cơ sự này.
Cả hai cán bộ xe tăng đứng như chôn chân, mặt vẫn cúi gằm xuống chưa biết trả lời thế nào thì xen lẫn tiếng vè vè của chiếc L19 một giọng nói lúc trầm, lúc bổng từ trên trời vọng xuống: “Tôi, Nguyễn Đức Lộ, pháo thủ xe tăng của đại đội 1, tiểu đoàn 397, trung đoàn xe tăng 203 xin có đôi lời gửi đến anh em cán binh Bắc Việt của mặt trận Quảng Trị. Ngày hôm qua, trong trận tiến công cứ điểm Phượng Hoàng đơn vị của tôi đã bị tiêu diệt gần hết. Bản thân tôi cũng bị thương nhưng nhờ sự cứu giúp của các binh sĩ lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 nên tôi đã may mắn sống sót. Được hưởng sự khoan hồng của quân lực Việt Nam cộng hòa tôi đã quyết định đứng về phía chính nghĩa quốc gia. Tôi kêu gọi các cán binh Bắc Việt hãy buông súng đầu hàng, đảm bảo các bạn sẽ được đối xử tử tế và sẽ được trọng dụng”.
Chiếc L19 đã bay sang phía khác nhưng cái điệp khúc ấy vẫn cứ văng vẳng. Tư lệnh mặt trận gầm lên:
- Lại còn cái gì nữa đây? Các anh giáo dục lính tráng thế nào mà đến nông nỗi này? Quả đấm thép bây giờ lại tự đấm vào mặt mình hả? Thôi! Còn đứng đấy làm gì? Về đi! Về mà xem lại mình đi! Trận tới mà các anh làm ăn không ra gì thì tôi xin trả lại bộ, không có xe tăng thiết giáp gì nữa cho nặng nợ.
Hai anh em lủi thủi rời khỏi căn hầm sở chỉ huy. Hình như câu chuyện “một chiến đoàn thiết xa Việt cộng bị tiêu diệt cùng với danh sách hơn ba mươi chiến sĩ xe tăng tử thương” đã được cả cơ quan bộ tư lệnh biết nay lại được màn “chiêu hồi” của một pháo thủ xe tăng phụ họa đã làm mọi con mắt nhìn vào họ khác hẳn. Không biết mọi người nghĩ gì chỉ biết rằng họ đi đến đâu cũng thấy những tiếng xì xào, những cái chỉ trỏ và những ánh mắt đầy vẻ tò mò xen lẫn thương hại, thậm chí khinh miệt. Về đến hầm phó tư lệnh Đào ngồi phịch xuống võng chán nản:
- Rát mặt quá anh Ngọc ạ! Chưa bao giờ tôi thấy nhục nhã như hôm nay.
Chính ủy Ngọc cũng ủ rũ cúi đầu:
- Thật không thể ngờ được mọi chuyện lại tồi tệ đến vậy.
Đúng lúc đó thì trợ lý Bắc xuất hiện. Trái với vẻ xông xáo, hồ hởi mọi ngày mà thay vào đó là một bộ mặt ỉu xìu. Phó tư lệnh Đào mệt mỏi:
- Thế nào? H03 đã báo cáo lên chưa?
- Báo cáo rồi, thủ trưởng ạ!- Bắc vẫn uể oải.
- Cậu nói ngay đi xem nào!- Chính ủy Ngọc nôn nóng.
Bắc chậm rãi:
- Báo cáo các thủ trưởng! Về thiệt hại thực tế của 397 là có ba xe bị bắn cháy, một xe địch bắt sống kéo về Ái Tử để tuyên truyền. Anh em mình cũng chỉ hy sinh hai đồng chí, một bị mất tích chắc là thằng Lộ pháo thủ vừa nói trên máy bay ấy. Tuy nhiên tai hại là cái xe bị địch bắt kéo về lại đúng là xe chính trị viên, trong đó có danh sách trích ngang đơn vị và một số tài liệu khác.
Phó tư lệnh Đào đập hai tay xuống đầu gối:
- Trời ơi là trời!
Điềm đạm như chính ủy Ngọc mà cũng phải thốt lên:
- Ấu trĩ đến thế là cùng? Cậu nào chính trị viên đại đội này ấy nhỉ?
- Hình như là Trần Xuân Hàn thủ trưởng ạ!- Bắc nhăn trán cố nhớ lại.
Phó tư lệnh Đào cau có:
- Cậu nào thì chuyến này cũng phải kỷ luật thật nặng anh ạ! Tôi quyết định thế này: ngày mai ta sẽ tổ chức rút kinh nghiệm đối với hai trung đoàn. Phải triệu tập cả cán bộ các tiểu đoàn và mấy đại đội trực tiếp chiến đấu hôm mồng Chín vừa qua lên để xem các anh ấy giải trình xem đánh đấm như thế nào mà để đến nông nỗi ấy. Anh thấy có được không?
- Tôi đồng ý!
- Vậy cậu Bắc điện xuống cho hai trung đoàn đi!- Phó tư lệnh Đào hất cằm về phía Bắc.
Suốt ngày hôm ấy chính ủy Ngọc và phó tư lệnh Đào ru rú ngồi trong hầm. Họ cũng chẳng thiết ăn uống gì, bữa cơm trưa do công vụ đem về vẫn để nguội ngắt đấy. Ngay cả bức điện từ Bộ tư lệnh gửi vào báo tin tiểu đoàn 171 đã đến B2 và ngay lập tức tham gia chiến dịch, góp phần tiêu diệt chi khu Lộc Ninh cũng không làm cho họ tươi tỉnh hơn chút nào. Chính ủy Ngọc thì nằm dài trên võng vặn hết đài này đến đài kia. Còn phó tư lệnh Đào thì ngồi bó gối nhìn chăm chăm ra khoảng trống trước cửa hầm. Một cảm giác tủi hổ, ê chề chưa bao giờ có đang tràn ngập trong lòng ông. Cái đầu thì vẫn cứ ong ong như búa bổ, con mắt bị thương lúc lúc lại giật lên. Cố tĩnh trí để suy nghĩ nhưng cái đầu vốn luôn tỉnh táo của ông vẫn cứ rối lên như mớ bòng bong. Ông không thể lý giải được một cách rành rẽ đâu là những nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng thảm hại của cái binh chủng mà ông hằng yêu quý, chăm chút và kỳ vọng suốt hàng chục năm qua.
Nhưng nào đâu đã hết. Cuối buổi chiều, khi ông Đào đang ngồi bên cuốn sổ tay ly ty những chữ là chữ để chuẩn bị cho cuộc họp ngày hôm sau thì trợ lý Bắc xuất hiện, anh nói không ra hơi:
- Báo… cáo thủ… trưởng!
Linh cảm thấy có chuyện chẳng lành ông Đào ngẩng phắt đầu lên:
- Gì thế đồng chí?
Bắc lắp bắp lựa lời:
- Dạ! Bên cánh Tây vừa báo cáo về… đêm qua… xe tăng với bộ binh đánh nhầm nhau thủ trưởng ạ!
Như có một mũi dao thọc từ con mắt trái lên đỉnh đầu, phó tư lệnh Đào cố nén cơn đau gắng gượng hỏi:
- Lại còn thế nữa cơ à? Cậu nói cụ thể xem nào!
Bắc đã trấn tĩnh lại, anh rành giọt:
- Báo cáo thủ trưởng! Tin điện về chưa thật cụ thể, chỉ biết rằng đêm qua một đơn vị bộ binh và một đơn vị xe tăng của ta đánh nhầm nhau, hai xe tăng bị bắn cháy, bộ binh cũng bị thương vong một số…
Phó tư lệnh Đào rũ xuống như con gà bị cắt tiết, một tay ông ôm lấy đầu, tay kia xua xua:
- Đồng chí điện xuống H03 nắm cụ thể tình hình rồi báo cáo tôi!

Nỗi đau của phó tư lệnh Đào lên đến đỉnh điểm khi trời gần tối chính ủy Ngọc sang hầm ông với tờ truyền đơn trong tay. Vừa liếc nhìn qua hình ảnh chiếc xe tăng mang số hiệu 385 chở đầy đám lính ngụy đang hươ chân, huơ tay đứng giữa căn cứ Ái Tử ông gần như xỉu đi. Ngay đêm đó phó tư lệnh Đào lên cơn sốt rét. Cả một đống chăn đắp lên người mà ông cứ rên hừ hừ suốt đêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét