Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 20


Những ngày này có thể nói là những ngày vui nhất của Cân. Trải qua hơn hai tháng hành quân vượt gần hai nghìn ki- lô- mét tiểu đoàn anh đã đưa được gần như 100 phần trăm người và xe đến đích. Vừa vào đến nơi chưa đầy một tuần thì đại đội anh đã nhận lệnh tham gia tiến công chi khu Lộc Ninh. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên có xe tăng tham gia ở chiến trường B2, đồng thời là trận đánh mở màn cho chiến dịch Nguyễn Huệ nên Bộ tư lệnh Miền rất quan tâm. Đối với cán bộ chiến sĩ thiết giáp miền Đông thì trận đánh này cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nếu thắng lợi nó sẽ khẳng định sự đúng đắn của chủ trương đưa xe tăng vào tham gia chiến đấu ở các chiến trường xa và sẽ mở ra một thời kỳ mới trong phát triển lực lượng tăng thiết giáp ở đây. Chính vì vậy trận đánh đã được sự quan tâm đặc biệt, chỉ có một đại đội đi chiến đấu nhưng ở sở chỉ huy có đủ mặt cả phái viên mặt trận, đoàn trưởng thiết giáp miền Đông và các cán bộ tiểu đoàn.
Trước sự kỳ vọng của mọi người, khi nhận nhiệm vụ Cân cũng thấy lo lo, nhỡ ra có vấn đề gì thì thật khó ăn, khó nói. Vì vậy, với những kinh nghiệm của chính mình từ hồi đánh Làng Vây và Đường Chín- Nam Lào, Cân đã đề nghị đại đội tổ chức trinh sát thật kỹ mục tiêu, đặc biệt là đường cơ động. Đồng thời cũng phải đề nghị cấp trên tăng cường lực lượng phòng không, tuyệt đối không để kẻ địch làm chủ bầu trời muốn làm mưa làm gió gì cũng được. Những ý kiến đó sau này đều được trên chấp thuận. Đại đội anh đã được bố trí thời gian đi trinh sát mục tiêu tương đối kỹ, ngoài ra cùng tham gia chiến đấu với đại đội anh còn có một trung đội cao xạ tự hành. 
Là một thị trấn gần biên giới Việt Nam- Căm Pu Chia, là cửa ngõ phía bắc của thị xã An Lộc, lại là vùng tranh chấp quyết liệt giữa địch và ta nên lực lượng địch bố trí ở chi khu Lộc Ninh khá mạnh. Đồn trú ở đây có ba tiểu đoàn bộ binh cùng với sở chỉ huy chiến đoàn 9, một thiết đoàn xe tăng và một trận địa pháo binh. Đặc biệt hệ thống công sự, vật cản ở đây được xây dựng rất cơ bản và vững chắc. Kẻ địch hy vọng với lực lượng, phương tiện và cơ sở vật chất như vậy Lộc Ninh sẽ xứng đáng là thành đồng, vách sắt cho An Lộc và cả một vùng rộng lớn dọc quốc lộ 13.
Tuy nhiên, trận đánh đã diễn ra rất thuận lợi. Có lẽ bọn địch đã không thể ngờ tới việc xe tăng Việt Cộng lại có thể có mặt ở một chiến trường xa như vậy nên hết sức hoảng loạn và nhanh chóng tan rã. Sau gần ba tiếng đồng hồ chiến đấu quân ta đã hoàn toàn làm chủ chi khu Lộc Ninh, tiêu diệt và bắt sống hơn 1000 tên địch, trong đó có cả tên đại tá tư lệnh chiến đoàn 9 và 1 cố vấn Mỹ. Chiến thắng Lộc Ninh đã mở toang cánh cửa vào thị xã An Lộc, tạo đà cho chiến dịch Nguyễn Huệ phát triển, cùng với các chiến trường khác làm rung động cả miền Nam. Về phía xe tăng ta chỉ có một xe bị đứt xích do mìn và một xe hư hỏng nhẹ. Cả hai đã được kéo ngay về hậu cứ và nhanh chóng được khắc phục.
Trong cuộc họp rút kinh nghiệm sau trận đánh cả đại đội ai cũng hào hứng, tranh nhau kể về những tình huống xảy ra với xe mình. Không trực tiếp tham gia chiến đấu mà chỉ ở phía sau lo công tác bảo đảm hậu cần và công tác thương binh, tử sĩ nhưng Cân cũng thấy lòng mình rưng rưng một niềm vui khó tả. Ngay sau cuộc họp là buổi liên hoan mừng chiến thắng bằng con lợn Bộ tư lệnh miền thưởng bộ đội xe tăng. Cả tiểu đoàn chìm trong niềm vui tưởng chừng bất tận. Nhớ lại những ngày hành quân gian khổ để hôm nay có chiến thắng này trong Cân bật lên mấy câu thơ. Lẳng lặng về chỗ của mình anh móc vội cuốn sổ tay bất ly thân và nắn nót viết: “Ta đã qua bao nơi, Chưa kịp nhớ tên vì xích lăn gấp gáp, Nghe tiếng đất rung lòng ấm lên hạnh phúc, Mặt trận đây rồi mong đợi tự bao lâu”…
 Đang thả hồn theo những vẫn thơ Cân chợt giật mình vì tiểu đoàn trưởng Nghi bất ngờ xuất hiện sau lưng. Cân chưa kịp chào đã thấy Nghi kéo mình ra một góc xa. Nhìn quanh quất không thấy một ai anh hạ giọng thì thầm:
- Cân này! Cậu Nhã “bị” rồi thì phải!
Cân choáng người, anh lắp bắp:
- Anh nói sao? Anh Nhã bị thế nào? Anh nghe tin ở đâu?
Vẫn đảo mắt nhìn quanh Nhã hạ giọng nhỏ hơn:
- Đêm qua tớ mở lướt qua đài Sài Gòn. Trong tiết mục “Nhịp cầu yêu thương” nó thông báo đã tiêu diệt được một chiến đoàn xe tăng ở Quảng Trị. Nó còn đọc cả một danh sách dài những người hy sinh, trong đó tớ nghe rõ có cậu Nhã nhà ta, đủ cả tên tuổi, quê quán, cấp bậc, chức vụ. Lại còn cả tên vợ nữa chứ. Đúng vợ cậu ấy là cô Hiền phải không?
Cân gật đầu xác nhận:
- Đúng thế! Chị ấy tên là Hiền.
Nghi nhăn trán:
- Nhưng tớ vẫn thấy thế nào ấy. Có cái gì đó không bình thường ở đây. Chả lẽ cậu Nhã mà ấu trĩ đến thế?
Cân vẫn bàng hoàng:
- Anh bảo sao? Không bình thường thế nào?
Nghi nhỏ nhẹ:
- Thì đấy! Cậu cũng biết rồi, đã đi chiến đấu ai lại mang giấy tờ, sổ sách đi. Dẫu có hy sinh cũng chỉ một mẩu giấy ghi họ tên, quê quán là cùng thôi chứ. Đằng này… Mà thôi! Tớ chỉ nói cho mỗi cậu biết tin này thôi đấy, dầu sao ngày xưa các cậu đã ở cùng xe mấy năm. Biết thế nhưng để bụng thôi nhé! Tớ về đây!
Nghi đi rồi Cân bàng hoàng ngồi thụp xuống ngay tại chỗ. Anh thẫn thờ: “Dẫu biết rằng đi chiến trường ai cũng có thể sẽ hy sinh nhưng sao sớm thế, Nhã ơi! Mà không lẽ anh lại nổi tiếng theo cách này”. Chả là hôm đi xem triển lãm chiến thắng Đường Chín- Nam Lào về ông nội Cân cứ tấm tắc khen mãi Nhã và Hòa, ông bảo: “Hai anh này về sau đều nổi tiếng lẫy lừng”. Thấy ông khen bạn mình mà mặt lại lộ vẻ đăm chiêu không vui Cân cứ gặng mãi ông đành nói thật: “Nổi tiếng thì nổi tiếng đấy nhưng là cái nổi tiếng của sự hy sinh”. Nghe ông nội nói Cân cũng bán tín, bán nghi nhưng rồi anh gạt phắt đi. Chả lẽ điều ông nói đã thành sự thật đối với Nhã? Còn Hòa nữa, từ hôm chia tay ở Đoàn Mười anh không có tin tức gì của cậu ta, chỉ biết Hòa được điều về trung đoàn bộ binh cơ giới H02 và cũng đã vào Quảng Trị. Cân thầm mong những gì ông nội nói chỉ là sự phỏng đoán vô căn cứ của người già. Những đồng đội của anh tốt đẹp như thế, thông minh như thế làm sao mà “đi” dễ dàng như vậy.

***

Dưới chân dãy núi Ngọc Tụ sậm đỏ màu ba dan có một người cũng nghĩ như vậy, đó là Thắng. Ngay khi cuộc tổng tiến công nổ ra đại đội 7 của Thắng đã nhận lệnh hành quân từ hậu cứ Tà Sẻng về tập kết ở đây để chuẩn bị tham gia chiến dịch Đắc Tô- Tân Cảnh. Xe cộ đã được củng cố, lính tráng đã được nghỉ ngơi mấy tuần nên cuộc hành quân theo con đường quân sự làm gấp tuy hơi vất vả nhưng cũng khá suôn sẻ. Bọn máy bay thì hình như đang phải tập trung vào mấy đòn nghi binh của Bộ tư lệnh chiến dịch ở gần Kon Tum nên cũng không thấy quấy phá gì. Chỉ mỗi tội bụi. Đất Tây Nguyên cuối mùa khô bị những băng xích nghiền tơi ra rồi cuộn lên tạo thành những đám mây bụi khổng lồ dài hàng cây số. Chiếc xe dắt của tổ kỹ thuật lại đi cuối đội hình nên có bao nhiêu bụi phải hứng tất. Bụi mờ mịt trong không trung. Bụi len vào mọi ngõ ngách trong xe. Bụi táp vào mặt như có người ném. Bụi chui vào khắp người bết lại với mồ hôi biến tất cả thành người da đỏ... Dẫu đã cuốn quanh miệng một cái khăn mặt “dạ dày bò” để lái xe mà lúc khạc ra Thắng vẫn thấy một bãi nước bọt đặc quánh, đỏ sẫm như máu. Đã thế lại phải khắc phục xe hỏng hóc, cứu kéo xe lầy, rệ nên mấy anh em tổ kỹ thuật lúc nào cũng phờ phạc như người mất hồn.
Tuy nhiên, khi vào đến vị trí tập kết rồi thì tổ kỹ thuật lại khá thảnh thơi. Cán bộ đại đội, cán bộ trung đội, một số trưởng xe và lái xe phải đi trinh sát thì tổ kỹ thuật của Thắng lại được ở nhà với nhiệm vụ kiểm tra, khôi phục tình trạng kỹ thuật của trang bị. Ngày thì lụi cụi “đầu dầu, đít mỡ”, chiều đến kiếm cái gì đó “ca cóng”, tối về túm tụm tán gẫu và thay phiên nhau gí tai nghe tin tức từ cái đài “ô- ri- ông- chế”.
Gọi là “ô- ri- ông- chế” vì cái đài này đích thực là sản phẩm của cơ công Chế. Từ khi về làm kỹ thuật viên đại đội, được phụ trách tổ kỹ thuật này Thắng đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về “hoa tay” của mấy anh em trong tổ. Cậu Nhuần thợ điện thì tài viết vẽ. Cứ mỗi lần đại đội tổ chức thi báo tường thì cả tổ tha hồ mà “hưởng sái” vì các trung đội mỗi khi mang báo lên nhờ trang trí hộ đều phải kèm theo cái gì đó bồi dưỡng họa sĩ. Cậu Độ thợ cơ thì có thể biến mọi thứ, từ ống pháo sáng, mảnh máy bay thành ca, thành đĩa, thành hộp đựng thuốc đánh răng… Chỉ với một con dao díp bé tẹo ngồi dũi một lúc trên mặt tấm đuya- ra đã hiện ngay ra một bức họa đẹp như vẽ. Cái điếu cày của cậu ta thì đúng là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Hai con rồng uốn lượn giữa những đám mây rồi chầu vào cái nõ điếu há hốc mồm ra như muốn hít lấy, hít để cái thứ khói ma mị sinh ra từ đó. Kỹ tính như trung đội trưởng Triệu cũng phải buột miệng khen: “tuyệt đẹp”. Tuy nhiên cũng có ý kiến: “đáng lẽ phải lưỡng long chầu nguyệt thì ở đây lại là lưỡng long chầu nõ”. Nghe vậy Độ chỉ tủm tỉm cười mà không phát biểu gì. Riêng cơ công Chế thì mới phát lộ tài năng gần đây. Với hai bánh lương khô Chế đổi được một cái “cây nhiệt đới” của cánh công binh. Lại nhờ Độ gia công một miếng nhôm thành cái loa ôm lấy một tai nghe mũ công tác. Thêm vài buổi kỳ cạch hàn hàn, nối nối Chế đã sản xuất ra một cái đài bán dẫn chính cống. Mỗi tội âm lượng của loa quá nhỏ, khi nghe cứ phải gí sát tai vào. Không có tụ xoay cậu ta tính toán thế nào đó rồi kéo ra ba đầu dây, muốn nghe đài nào thì câu vào đài đó thành ra chỉ nghe được ba đài: đài Hà Nội, đài Giải Phóng và đài Sài Gòn. Cái đầu dây nghe đài Sài Gòn cậu ta giấu kín vào bên trong, chỉ nội bộ tổ mới biết. Và chính nhờ cái đài của Chế này mà Thắng nghe được tin dữ về Nhã và đại đội của anh khi đang nằm dưới chân dãy Ngọc Tụ.
Hôm ấy, ngay khi nghe hết bản tin Thắng nghĩ ngay đến bà mẹ Nhã. Đã từng về nhà Nhã, đã được mẹ Nhã coi như con nên anh hiểu lòng bà. Nhà chỉ có hai con trai, ông anh đã đi chiến trường mấy năm không có tin tức nên bao nhiêu hy vọng về một đứa cháu nối dõi tông đường được bà đặt hết vào Nhã và Hiền. Thế mà đợt phép hồi đưa xe ra triển lãm vẫn chưa có kết quả gì. Không biết tin này mà đến bà có qua khỏi được không. Lại còn Hiền nữa, mới chưa đầy ba mươi tuổi đã trở thành góa phụ.
Nhưng đêm nằm tĩnh trí lại Thắng bắt đầu thấy phân vân. Đã là lính chiến dày dạn cả rồi đi đánh nhau ai lại mang trong người cả cái sơ yếu lý lịch như vậy. Ai chứ chắc chắn Nhã thì không! Mà đây lại là danh sách cả một đại đội chứ đâu có ít. Chắc chắn có vấn đề gì đó không bình thường ở đây. Cuối cùng Thắng khẳng định: “không thể có chuyện đó được”. Hôm Triệu đi trinh sát về, Thắng đem chuyện này nói lại với anh thì Triệu cũng hoàn toàn đồng ý: “cái bọn ấy ngu bỏ mẹ đi. Nói như thế thì ai chả biết là chuyện vớ vẩn”.

***

Nhưng có những người lại không cho đó là chuyện vớ vẩn. Ngày hôm đó chủ nhiệm chính trị Thu được Tổng cục Chính trị gọi lên gặp gấp. Tưởng có chuyện gì hóa ra là cái tin về một chiến đoàn xe tăng bị tiêu diệt và danh sách của một đại đội được phát trên đài Sài Gòn. Tổng cục yêu cầu binh chủng về kiểm tra lại ngay và phúc đáp gấp. Vừa nghe chủ nhiệm chính trị Thu tường trình lại đầu đuôi câu chuyện tư lệnh Lân gầm lên như hổ đói:
- Không biết các ông ấy làm ăn thế nào mà để xảy ra cơ sự này! Chỉ nói là giỏi thôi!- Dường như ông muốn trút hết nỗi bực dọc lên đầu vị cấp phó lúc nào cũng tỏ vẻ coi thường mình- Lúc nào cũng lý thuyết này, kinh nghiệm kia. Giờ thì mới trắng mắt ra.
Đợi cho tư lệnh hạ hỏa một chút chủ nhiệm chính trị Thu mới nhẹ nhàng:
- Báo cáo anh! Về sự việc này trên Tổng cục cũng mới chỉ đặt vấn đề nghi vấn thôi chứ chưa có kết luận gì. Không loại trừ đó là tin vịt. Các anh ấy mới chỉ yêu cầu binh chủng kiểm tra lại và báo cáo cụ thể lên thôi.
Ông Lân vẫn chưa nguôi cơn giận:
- Thế mà bức điện nào ra cũng báo cáo tình hình bình thường. Có mà bình thường cái cục c. ấy!
Chủ nhiệm chính trị Thu vẫn nhỏ nhẹ:
- Thì sự việc này cũng mới chỉ xảy ra một hai ngày nay thôi. Chắc là anh em trong đó người ta còn phải xác minh xem thế nào đã chứ. Tôi tin rằng nếu có chuyện gì đặc biệt nhất định anh Đào anh ấy sẽ báo cáo ra ngay.
Ông Lân vẫn bực dọc:
- Các anh chỉ được cái bênh nhau chằm chặp là giỏi- Tuy nhiên ông cũng đã nguôi nguôi- Thế anh định làm gì vây giờ?
Chắc là đã có phương án đối phó trên đường về nên chủ nhiệm chính trị Thu trả lời ngay:
- Theo tôi trong tình hình này ta phải hết sức bình tĩnh kiểm tra xem thực hư ra sao đã. Trước hết có lẽ phải điện vào trong kia yêu cầu báo cáo thật cụ thể tình hình. Thứ hai là có biện pháp trấn an dư luận, không để cho tin này lan rộng, nhất là trong bộ đội của ta.
Ông Lân vẫn làu bàu:
- Trấn thế quái nào được! Nó đã phát trên đài rồi. Cấm thì cứ cấm mà người ta nghe vẫn cứ nghe. Thế rồi một đồn mười, mười đồn trăm. Tôi đảm bảo chỉ một, hai ngày nữa là khắp nơi người ta biết tin này.
Chủ nhiệm chính trị Thu gật đầu:
- Tôi đồng ý với anh. Vì vậy ta cần kiểm tra cụ thể xem sự việc thế nào rồi mới có biện pháp được.
Đúng lúc ấy đồng chí cơ yếu xuất hiện, nhìn thấy vẻ bực bội trên gương mặt thủ trưởng anh run run:
- Báo cáo tư lệnh! Có điện của tiền phương ạ!
Tư lệnh Lân giật phắt lấy bức điện trong tay người chiến sĩ cơ yếu, ông lướt qua một lượt rồi đưa cho chủ nhiệm chính trị Thu:
- Đây! Anh xem đi! Ấu trĩ đến thế là cùng. Đi đánh nhau lại còn mang theo sổ trích ngang của đơn vị. Mà không biết ông Đào chỉ đạo tác chiến thế nào lại để nó bắt sống được cả xe tăng?- Ông nhướng mắt lên khiêu khích- Mà anh Thu này, có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử có chuyện xe tăng bị bắt sống đấy. Chẳng lẽ chiến sĩ của các anh lại “bỏ của chạy lấy người” hả?
Chủ nhiệm chính trị Thu nín lặng. Một cảm giác khó tả dâng lên trong lòng ông. Chả lẽ đến giờ mà “ông ấy” vẫn chưa coi cái binh chủng này là của chính mình, chiến sĩ xe tăng là chiến sĩ của chính mình. Sao vẫn là “chiến sĩ của các anh”. Tuy nhiên ông cố nén lòng nói thật nhẹ nhàng:
- Có lẽ có chuyện gì đó bất thường xảy ra thôi anh ạ! Tôi có thể khẳng định không bao giờ có chuyện chiến sĩ của chúng tôi lại bỏ của chạy lấy người. Tôi đề nghị một mặt yêu cầu tiền phương báo cáo cụ thể hơn tình huống này. Thứ hai là phải nắm lại cái danh sách đó. Nếu cần thiết phải tổ chức một đoàn cán bộ đến từng gia đình cán bộ, chiến sĩ để giải thích cho họ hiểu.
Tư lệnh Lân buông thõng:

- Tùy anh! Anh muốn làm gì thì làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét