Nhịp
sống cứ diễn ra đều đều, quanh đi quẩn lại là: trực chiến, canh gác, bảo dưỡng
kỹ thuật, khiêng bình điện đi nạp rồi lại khiêng về, lội rừng “cải thiện”, gùi
gạo, sốt rét và đói… trong sự cầm canh, điểm nhịp của bom đạn các loại. Nếu như
trước đây ở quanh khu vực đóng quân của đại đội chủ yếu chỉ có bom đạn do máy
bay ném xuống thì từ ngày địch chiếm lại được Tà Lương quân ta lại có thêm một
món điểm tâm thường xuyên nữa là đạn pháo. Trận địa pháo địch có lẽ đặt ở Động
Tranh và Bình Điền thì phải. Còn bắn vào đâu chắc là do bọn ở Tà Lương chỉ điểm.
Vì vậy, những điểm nghi vấn xung quanh cứ điểm, đặc biệt là những địa điểm ở dọc
đường 12 là được “ăn” pháo thường xuyên nhất. So với các cuộc oanh tạc của các
loại phản lực thì thì món đạn pháo này có phần nguy hiểm hơn vì sự bất ngờ của
nó. Cũng y như bom tọa độ vậy. Chẳng thấy tiếng máy bay, chẳng nhìn thấy dấu hiệu
gì hay quả pháo khói nào cả mà chỉ thấy “oành” một phát là có thể nát một đời
trai rồi. Chính vì vậy, đại đội đã chỉ thị cho các bộ phận một mặt phải củng cố
hầm hào, mặt khác là hạn chế ra ngoài và hết sức chú ý giữ bí mật. Nói thì dễ
song thực hiện không đơn giản chút nào. Để duy trì hoạt động của đơn vị có biết
bao việc phải làm. Mà con người ta có phải là chuột chũi đâu mà lúc nào cũng ở
trong hang.
Mới
chuyển sang đại đội 4 được ít ngày song lái xe Hạnh đã tỏ ra hòa nhập rất nhanh
với đơn vị mới. Dân Thái Bình vốn cần cù, chịu khó, chịu khổ đã quen, lại được
rèn luyện qua quá trình hành quân chiến đấu với đại đội 3 cũng không kém phần
gian khổ, ác liệt nên Hạnh không gặp bất kỳ một sự bỡ ngỡ nào trừ việc phải làm
quen với trang bị mới là chiếc xe tăng T59 mà cậu mới chỉ được nhìn thấy vài lần
hồi học ở trường. Chính vì vậy, ngoài những công việc khác như tất cả mọi người,
Hạnh dành toàn bộ thời gian rỗi rãi để tìm hiểu về người bạn mới của mình. Cũng
may, trung đội trưởng Tiến, lái xe Hỏa cũng như các thành viên cũ của xe 381 đều
là những tay “cứng cựa” nên đã giúp đỡ được cậu rất nhiều về mặt chuyên môn. Có
điều, tất cả những gì cậu được học, được hướng dẫn toàn chỉ là lý thuyết và thực
hành “nguội” mà thôi. Điều kiện trú quân bí mật cách địch có vài cây số thì làm
sao mà thực hành được cơ chứ. Hạnh lấy làm bực về điều đó lắm nên quyết tâm bù
lại bằng cách tăng thời gian thực hành kiểm tra, điều chỉnh và bảo quản, bảo dưỡng
trang bị. Nhưng thực ra cậu cũng chẳng có nhiều thì giờ rỗi vì mấy thành viên
cũ đều đang sốt rét li bì nên gần như mọi việc “thượng vàng, hạ cám” trong xe đều
đến tay của cậu.
Gần
trưa hôm ấy, như thường lệ Hạnh xách bộ xoong nồi ra bếp chuẩn bị nấu cơm. Mặc
dù đã có bếp Hoàng Cầm song để bảo đảm cho củi cháy thật nỏ không một sợi khói
nào, Hạnh cẩn thận rút mấy khúc củi khô trên đống củi dự trữ xuống để bổ nhỏ
ra. Cậu vừa làm vừa vui vẻ huýt sáo vì trưa nay có thêm mấy con cá con nấu canh
chua, chắc mấy bố sốt rét thích lắm đây. Đúng vào lúc Hạnh rướn người vung chiếc
búa bổ củi lên thì một ánh chớp sáng
lòa nháng lên ngay bên cạnh. Cậu gục xuống, chiếc búa vẫn cầm trong tay.
Mặc
dù sốt rét nặng nằm liệt đã mấy ngày song Hỏa vẫn nghe rõ tiếng Hạnh bổ củi và
tiếng huýt sáo của cậu ta. Anh thấy vui vui vì mình có được người phụ tá mới thật
tuyệt vời, thật đáng tin cậy. Tiếng nổ bất ngờ và làn sóng xung kích dội vào hầm
như bão đã làm anh giật bắn mình. Anh thót tim lo cho Hạnh. Dồn hết sức tàn, Hỏa
thều thào:
-
Hạnh ơi, vào hầm đi!
Không
một tiếng trả lời. Nhìn quanh chẳng thấy ai. Trung đội trưởng Tiến thì đi họp,
còn mấy tên kia chắc cố mò sang hầm đại trưởng
nghe ké đài vì dạo này đang chộn rộn chuyện ký kết hiệp định ở Paris. Hỏa cố
nhoài người ra phía cửa hầm và nhìn về phía bếp. Anh choáng người khi thấy Hạnh
nằm sóng soài bên cạnh mấy cái xoong bẹp dúm. Đáng sợ là đầu cậu ta đã nát bươm
và biến dạng hoàn toàn. Quờ tay lấy khẩu súng AK bên cạnh, Hỏa ráng sức mở khóa
an toàn và bắn liền ba phát báo “cấp cứu”. Bắn xong, anh tựa vào thành hầm thở
dốc và lịm đi.
Cái
chết của Hạnh như một lời nhắc nhở đối với tất cả đại đội về sự nguy hiểm của
loại vũ khí này. Một loạt chỉ thị được đưa ra. Một số quy định được nhắc lại.
Quả là mọi người trong đơn vị đã ý thức rõ hơn về tình hình mọi mặt. Song dẫu
có biện pháp đến đâu thì cái gì đến nó vẫn đến. Chỉ vài ngày sau, pháo thủ Căn, cậu chàng suốt
ngày nghêu ngao “Anh vẫn còn chân, chưa bị cưa chân nào…” đã mất một chân cũng do pháo chụp. Tình
hình trong đại đội trở nên rất căng thẳng.
Sự căng thẳng đó chỉ chùng đi vào những ngày
cuối tháng Mười khi có tin Hiệp định Paris sắp được ký kết. Những ngày này lúc
nào chính trị viên Đán cũng ôm khư khư cái đài Xương-mao, anh nghe bằng hết các
bản tin rồi chọn lọc để thông báo cho đại đội. Tối đến các xe bên cạnh cũng
sang túm tụm ở 390 để ngóng tin tức. Nói gì thì nói nếu Hiệp định được ký kết
cuộc sống của họ sẽ có những thay đổi rất lớn lao. Nhưng rồi qua 31 tháng Mười,
hội nghị Paris có vẻ như không đi đến kết quả cuối cùng ai cũng nản. Mấy tay
tham mưu con thì bàn ra tán vào: “cứ nằm lì một chỗ thế này, không “oánh” cho mạnh
vào đời nào nó chịu ký”. Nói vậy nhưng trong thâm tâm ai cũng le lói một niềm
hy vọng.
Về
phía đối phương sau khi chiếm được Tà Lương chúng cũng đã nống ra một vài lần
nhưng bị ta kiên quyết đánh chặn nên lại lui về. Chúng đã tranh thủ thời gian
xây dựng Tà Lương thành một cứ điểm hết sức vững chắc, hy vọng biến nơi đây
thành một tiền đồn bất khả xâm phạm trong tuyến phòng thủ phía Tây thành phố Huế.
Đã
sang cuối mùa mưa nên các cơn mưa cũng thưa thớt dần, mỗi ngày cũng được đôi ba
tiếng le lói ánh mặt trời. Con sông Bồ cũng đỡ hung hãn hơn, mấy tay “sát cá”
đã bắt được đôi ba con chình, những vạt rau dớn, rau sam ngập nước nay đã trồi
lên mạnh mẽ, những bụi tre cũng đẻ nhiều măng hơn. Cái đói gạo cơm được khỏa lấp
bằng măng rừng, hoa chuối cũng đỡ cồn cào trong bụng. Cao trào sốt rét cũng đã
qua, giờ cả đại đội cũng chỉ còn lác đác vài người đang ốm nên cuộc sống của những
người lính “xê Bốn” cũng đỡ vất vả hơn. Pháo hai Cát trong một đêm nằm trên vọng
cảnh giới còn bắn được cả một con beo nhưng ai cũng kêu thịt nó vừa hôi vừa
dai.
Cuộc
sống thường nhật của đại đội lại một lần xao động khi nghe tin Mỹ đánh Hà Nội,
Hải Phòng bằng B52. Đã từng chứng kiến sức tàn phá của bom rải thảm nên ai cũng
lo lắng: “thành phố đất chật người đông như thế mà nó đem B52 ra đánh thì ai mà
sống được?”. Tất cả chỉ thở phào nhẹ nhõm khi biết tin ta đã kịp cho nhân dân
đi sơ tán nên thiệt hại không lớn lắm, và niềm vui vỡ oà khi đài đưa tin Mỹ đã
ngừng ném bom và chịu ngồi lại vào bàn để ký Hiệp định Paris.
Dẫu
Hiệp định Paris chưa chính thức có hiệu lực nhưng đối với những người lính đang
sống ở chiến trường thì đây như một liều thuốc bổ cực mạnh, ngoài cái vui chung
trong niềm vui của toàn dân tộc thì trong sâu thẳm mỗi người đều le lói hy vọng
“sẽ sống trở về”. Từ nay họ sẽ không phải đối mặt với tên đế quốc hàng đầu mà sức
mạnh của nó thì ai cũng đã biết. Từ nay họ sẽ không phải chui rúc suốt ngày
trong những căn hầm như những con chuột. Máy bay, phi pháo của ngụy còn nhưng
so sao được với của Mỹ ngày xưa… Quả thật, từ hôm đó thấy vắng hẳn tiếng OV10
ban ngày và những loạt “tọa độ” giữa đêm khuya. Mối đe dọa đối với họ bây giờ
chủ yếu là những loạt pháo bất ngờ.
Niềm
vui còn được nhân lên gấp bội khi những lá thư đầu tiên mà đại đội nhận được
sau hơn một năm trời kể từ ngày rời khỏi Xuân Mai. Thật là xúc động, những lá
thư đã rong ruổi khắp các nẻo đường để đuổi theo họ, có những lá viết từ cuối
năm ngoái theo địa chỉ của đại đội từ hồi ở Quảng Bình. Một không khí mới đang
ngập tràn trong đại đội, những gương mặt võ vàng vì sốt rét như tươi tỉnh hơn
lên. Đó đây véo von tiếng hát, tiếng cánh lính trẻ trêu chọc nhau. Nghiêm nghị
như chính trị viên Đán mà thỉnh thoảng còn hứng chí chúm môi huýt sáo. Bọn
Tráng, Nguyên huých nhau cười: “nghe như chính trị viên đang rít điếu cày”.
Tuy
nhiên, niềm vui của họ không được mấy ngày: tiểu đoàn truyền đạt mệnh lệnh của
quân khu là phải tăng cường sẵn sàng chiến đấu để chống “lấn chiếm”, kẻ địch sẽ
lợi dụng cơ hội này để mở rộng vùng kiểm soát trước giờ Hiệp định có hiệu lực.
Mà thật vậy, bọn địch ở Tà Lương hình như đã được tăng quân, thỉnh thoảng chúng
cũng cho một tốp ra thăm dò nhưng bị ta chặn đánh quyết liệt lại lui về cứ điểm.
Nếp sống sẵn sàng chiến đấu cao được thiết lập, các công việc khác tạm gác lại,
riêng vọng cảnh giới và các chốt gác được tăng cường 24/24 giờ, xe
máy vũ khí được kiểm tra thường xuyên.
Càng
đến gần ngày 28 tháng giêng năm 1973, ngày Hiệp định Paris có hiệu lực không
khí càng căng thẳng, đại đội cũng nhận được lệnh đi trinh sát Tà Lương để sẵn
sàng tiến công khi có thời cơ. Trong đại đội có nhiều tiếng xì xào: “cứ chửi nó
lấn chiếm sao mình lại cũng lấn chiếm”. Ban chỉ huy đại đội hội ý rồi quyết định
sinh hoạt với từng trung đội để “quán triệt” vấn đề này.
Buổi
họp ở trung đội Một, sau khi đại đội trưởng Thận phổ biến nhiệm vụ và hỏi ai có
ý kiến gì không thì Hợp “vâu”, gọi thế vì nó có hàm răng vổ vào loại nhất đại đội
có ý kiến:
-
Theo như chúng tôi được phổ biến về nội dung Hiệp định là: sau khi Hiệp định đã
ký thì hai bên phải giữ nguyên hiện trạng, tại sao giờ lại nói là phải đánh,
như vậy chẳng hóa ra ta vi phạm hiệp định à?.
Quả
thật, đây là một câu hỏi khá “hắc búa” và cũng là suy nghĩ chung của nhiều người,
nếu không giải quyết tốt thì việc hoàn thành nhiệm vụ sẽ gặp khó khăn. Tuy
nhiên, do đã lường trước được vấn đề nên chính trị viên Đán đã nhanh chóng trả
lời:
-
Như chúng ta đều biết, mục tiêu của cuộc chiến đấu của chúng ta là “đánh cho Mỹ
cút, đánh cho ngụy nhào”, sau khi ký hiệp định Paris chúng ta mới chỉ thực hiện
được phần đầu của mục tiêu là “đánh cho Mỹ cút” còn ngụy quân, ngụy quyền Sài
Gòn vẫn còn đấy, chúng ta vẫn phải tiếp tục chiến đấu để tiêu diệt chúng để đi tới
đích cuối cùng.
Dừng
lại một chút cho mọi người “ngấm” sức nặng của câu nói Đán tiếp:
-
Mà các đồng chí thấy đấy, bọn ngụy đâu có chịu chấp hành nghiêm, từ hôm đó đến
nay chúng đã liên tục vi phạm hiệp định trên khắp miền Nam. Ngay cả ở đây thôi
chúng cũng đã nống ra mấy lần. Nếu ta cứ thụ động chấp hành thì có khi nó lấn
ra đến tận đây rồi ấy chứ; có phải thế không các đồng chí?- Anh nhìn quanh một
lượt rôì chú mục vào Hợp “vâu”, thấy mọi người có vẻ đã chịu anh nhấn mạnh- Vì
vậy, chúng ta không còn cách nào khác là phải tiếp tục đánh mà trước mắt là Tà
Lương này.
Không
ai có ý kiến gì khác, cả ở “bê Hai” cũng vậy. Từ hôm ấy toàn đại đội chuyên chú
vào việc chuẩn bị đánh Tà Lương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét