Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 30


Đúng là “khoai đất lạ, mạ đất quen”. Mới có mấy tháng mà cái rẫy sắn đã tốt um, cây nào cây ấy đã cao ngập đầu, củ đã bằng ngón chân cái. Nhưng thật xót xa. Một góc rẫy đã bị bọn lợn rừng về hỏi thăm, chúng dũi tung lên từng đám. Tức một nỗi nữa là mỗi gốc chúng lại chỉ ăn qua loa những phần ngon nhất còn thì bỏ lại đấy. Máu đi săn trong Cát lại nổi lên. Tối tối, cậu lừ lừ vác súng lỉnh lên rẫy, có ai hỏi đi đâu cũng không chịu trả lời. Hình như những người đi săn có một tín điều như thế thì phải.
Cho đến một hôm, vào tầm ba giờ sáng một loạt đạn liên thanh từ rẫy sắn bỗng rộ lên đánh thức mọi người dậy. Anh em trung đội Hai ở gần rẫy nhất nhanh chân chạy lên, cả bọn hí hửng khiêng về con lợn gần một tạ. Cát vác súng đi sau có vẻ tự hào lắm. Dưới ánh sáng bập bùng của mấy ngọn đuốc dầu diesel, con lợn béo múp nằm bất động như một bao gạo. Bỗng ai đó kêu lên:
- Hình như lợn nhà chứ không phải lợn rừng?
Quả thật, con lợn này chẳng có dáng dấp gì của lợn rừng. Lông nó mềm mại và mượt mà như vẫn thường xuyên được chăm sóc, tắm gội. Người nó thì bầu bĩnh, múp míp chứ không săn chắc và thon dài như lợn rừng. Xấn vào giữa vạch mép lợn ra nhìn không thấy cái răng nanh nào, trung đội trưởng Tự hốt hoảng:
- Đúng là lợn nhà rồi!
Ban chỉ huy đại đội cũng đã có mặt, quản lý Minh thì bảo:
- Em trông con này y như con lợn của tiểu đoàn ấy!
- Có đúng thế không?- Đại phó Phượng gặng.
- Em cũng không chắc lắm nhưng thấy giông giống.
Thế là một quyết định được đưa ra, cứ để đấy sáng mai xem sao. Ngoài ra, sẽ báo cáo với tiểu đoàn là bẫy súng chứ không phải do người bắn.
Sáng hôm sau, trực ban đại đội gọi điện cho “dê bộ” và “xê Ba” thông báo: có con lợn bị trúng “bẫy súng” ở rẫy sắn của “xê Bốn”, đề nghị các đơn vị kiểm tra xem có phải lợn của mình không. Ngay lập tức trợ lý hậu cần của tiểu đoàn có mặt, anh ta nhăn nhó:
- Thế này thì các ông giết tôi rồi! Cái Tết này cả tiểu đoàn trông vào con lợn này đấy! Bây giờ thì biết làm sao đây?
- Rẫy sắn của bọn tôi bị lợn rừng phá bung bét thế kia, săn mãi chẳng được  chúng tôi buộc phải gài bẫy súng chứ để thế mãi ai chịu được. Các ông chuồng trại không cẩn thận để nó sổng ra đi linh tinh vấp bẫy thì các ông phải chịu thôi- Tự liến thoắng tranh luận.
Nghe ra thì Tự cũng có lý nên tiểu đoàn cũng chẳng làm gì được. Vui nhất là anh em chiến sĩ toàn tiểu đoàn, tự nhiên được bữa thịt tươi. Chỉ riêng Cát là tẽn tò, cậu ta ủ ê mất mấy ngày trời và cũng từ bỏ luôn cái máu đi săn.
Rẫy vẫn bị phá, trung đội phó Định xót ruột quá mà động viên mãi Cát không chịu tiếp tục đi săn. Bực mình anh xách súng ra kiểm tra chỗ hàng rào vây quanh rẫy bị lợn phá đổ để ngày mai cho làm lại. Trời mới chạng vạng. Nghĩ rằng giờ này lợn vẫn chưa ra nên Định vẫn khoác súng ở vai, lần theo dấu chân của lũ lợn anh tiến dần đến chỗ hàng rào đổ. Bỗng một tiếng “hộc” hằn học vang lên ngay bên cạnh. Định quay đầu lại: cách anh chừng chục bước chân là một con lợn rừng to tướng đang lừ lừ nhìn anh như muốn ăn tươi nuốt sống, hai cái răng nanh trắng ởn bằng quả chuối rừng nhe ra thật dữ tợn. Không biết do cái gì hay bản năng sống còn thúc đẩy mà Định tuột khẩu AK ra khỏi vai và mở khóa an toàn nhanh thế. Không cần ngắm Định kéo luôn cả băng đạn về phía con lợn. Nó vẫn hộc lên lao về phía Định và chỉ đổ vật xuống khi còn cách anh ba bước chân. Định ngồi thụp xuống, chân tay bủn rủn, mãi sau mới thận trọng tiến lại gần con vật hung hãn kia. Con lợn đã chết, hai phát đạn của anh đã bắn trúng đầu nó.
Nghe tiếng súng cả đại đội kéo ra. Ai cũng vui mừng vì “thủ phạm” vẫn phá rẫy đã bị bắn hạ, và còn vui mừng hơn vì sẽ được mấy bữa ăn tươi. Con lợn được khiêng về, móc vào cân thấy nó nặng hơn một tạ. Định vẫn còn run: “may mà bắn trúng nó ngay từ phát đầu tiên chứ nếu chỉ bắn bị thương hay không trúng thì mình toi rồi”.

Lại một mùa mưa nữa đến. Cũng dai dẳng, dầm dề chẳng khác nào hồi ở bên đường 12, có khác chăng là điều kiện sống của bộ đội đã khá hơn: nhà đã có để ở, tiêu chuẩn cung cấp đầy đủ hơn nên cái đói cũng đỡ hành hạ con người mỗi khi đêm về nằm nghe mưa rơi gió thổi. Tuy vậy bệnh sốt rét thì không thuyên giảm. Số người bị sốt tăng vọt ngay khi bắt đầu mùa mưa như một sự bất khả kháng, cũng may về ở tập trung nên đội ngũ quân y của tiểu đoàn có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, công tác điều trị cũng nhanh hơn và có kết quả hơn.
Trung đội trưởng Tiến đi phép đã vào, số hàng anh mang vào đầy nhóc một chuyến xe. Thôi thì đủ thứ: giấy, bút, sách, vở, thuốc lá, thuốc lào, bánh, kẹo v.v… Hình như toàn đại đội đã nhờ anh mua hàng bằng tất cả những đồng phụ cấp mà họ dành dụm được từ ngày vào chiến trường thì phải. Tiến phải ngồi đọc tên từng người vào nhận cứ như quân nhu phát nhu yếu phẩm vậy. Mấy đứa quê Nghệ An còn có thư và quà vì anh đã đến từng nhà. Sau này mới biết anh chỉ ở nhà được mấy ngày, còn lại cứ rong ruổi suốt trên chiếc xe đạp đến nhà người này người kia và đi nhờ người mua hàng cho đồng đội.
Đợt phép tiếp theo là đại đội trưởng Thận, trung đội phó Trị và Tráng. Nghe nói đợt này ra đại đội trưởng sẽ cưới vợ vì ở nhà nóng ruột lắm rồi. Trị cũng đã hạ quyết tâm sẽ đón cô Thỏa về nhà mình nhưng không biết có được không? Trang nhẩm tính cứ tốc độ này thì độ 3 năm nữa cậu ta mới được đi phép.
Có lẽ vì không còn cái thứ hóa chất gây mưa của Mỹ nên mùa mưa năm 1973 ngắn hơn năm trước. Gần Tết Giáp Dần thì mưa ngớt hẳn, bầu trời đã hửng lên những tia nắng vàng ấm áp. Cái Tết thứ ba trong chiến trường đang đến với những người lính đại đội Bốn.
Tết năm nay so với Tết năm ngoái thì quả là “một trời một vực”. Tiêu chuẩn trên cấp khá phong phú: mỗi người được 7 lạng thịt tươi, 3 cái bánh chưng, 4 bao thuốc lá, 1 lạng kẹo, 1 hộp dứa nước đường và nửa gói chè... Pháo hai Trực bảo:
- Tết thế này còn to hơn Tết ở quê tao đấy!- Nghe nó nói ai cũng nao nao buồn, quả thật còn nhiều vùng quê nghèo lắm.
Những ngày giáp Tết không khí trong đơn vị sôi động hẳn lên, chỗ này trang trí nhà cửa, chỗ kia chuẩn bị gói bánh chưng, chỗ thì lo cành đào cho “hái hoa dân chủ… Trang được giao chủ trì làm số báo tường của chi đoàn đón Tết. Mặc dù đã phát động từ nửa tháng trước mà cậu ta chẳng nhận được bài nào, lên báo cáo chính trị viên phó kiêm bí thư chi đoàn thì Nam nói:
- Anh em mình nó thế đấy, nói thì được chứ viết thì rặn mãi không ra. Chú em chịu khó vậy.
Chẳng còn cách nào khác cậu phải giở cuốn sổ tay “gia bảo” ra nhặt nhạnh lấy mấy bài thơ hợp với không khí Tết, viết một bài xã luận, vẽ vài cái tranh vui và “phịa” ra mấy mẩu truyện cười rồi “tương” hết lên mặt báo. Có ông Trị “họa sĩ” lại đi phép mất nên mọi việc từ trang trí đến chép bài cậu phải làm tất. Thế mà hôm 28 Tết trương lên trông cũng bắt mắt ra phết. Đọc xong bài xã luận và mấy bài thơ Nam hỉ hả bảo:
- Tốt rồi! Có khi nhất tiểu đoàn đấy!
Cái Tết Giáp Dần rồi cũng trôi qua nhanh chóng vì còn biết bao công việc đang chờ phía trước.

Sau Tết ít hôm thì Trị, Tráng đi phép vào. Đại đội trưởng Thận lẽ ra cũng đã phải có mặt nhưng nghe nói anh cưới vợ và xin nghỉ thêm ít hôm nên gần tháng sau mới vào tới nơi. Trung đội trưởng Tiến và Thọ “lái” đi học. Thay thế cho Tiến là Hòa “râu” từ đại đội Ba sang. Còn thay thế cho Thọ là Huấn, cháu ruột của chính trị viên tiểu đoàn Phạm Công Đính. Nghe nói Huấn đang học lái xe cấp 2 ở ngoài Bắc thì được chú xin vào đây để rèn luyện. Chẳng biết ông ấy đã trao đổi những gì với Thận mà anh chuyển Lữ Văn Hỏa sang lái xe mình còn cho Huấn lái xe 381. Trung đoàn 203 đã được bổ sung quân số, trang bị và trở thành lữ đoàn. Đại úy Trác về lại quân khu, tiểu đoàn từ nay đổi tên là tiểu đoàn Bốn thuộc lữ đoàn 203 và do đại úy Phạm Ngọc Bảng làm tiểu đoàn trưởng.
Trung đội trưởng mới Nguyễn Quang Hòa dáng người thấp đậm, khuôn mặt khá điển trai của anh được viền bằng một bộ râu quai nón xanh rì nên có biệt danh là Hòa “râu”. Anh cũng là sinh viên Đại học Lâm nghiệp cùng khóa với Định, Tùng, Hùng, Quý ở đại đội này…Vốn có giọng hát trời phú cho khá hay nên Hòa “râu” véo von suốt ngày. Từ ngày Hòa “râu” về phong trào văn hóa văn nghệ của đại đội mạnh hẳn lên, anh dậy cho chi đoàn không chỉ những bài hát truyền thống mà cả những bài hát rất chi tình cảm như: Tình ca, Những ánh sao đêm… Những buổi sinh hoạt trung đội, đại đội cũng đỡ khô khan hơn.
Đúng là không còn hóa chất gây mưa nên mùa mưa năm 1974 lại càng ngắn hơn, mới cuối tháng 11 mà mưa đã ít hẳn, bầu trời đã hửng lên mỗi ngày một nhiều hơn.

Chắc là sắp có chuyện xảy ra nên Lữ đoàn triệu tập các cán bộ chủ chốt ra họp, đại đội phó Lê Phượng cũng được đi phép dịp này.
Ở đơn vị mọi công việc vẫn diễn ra bình thường. Hôm nay là thứ bảy nên toàn tiểu đoàn thực hiện ngày công tác kỹ thuật.
Như thường lệ ngày công tác kỹ thuật, tiểu đoàn phó Bình đi kiểm tra hai đại đội. Tay chống cây gậy sặt anh thập thững bước trên con đường tắt từ “dê bộ” xuống “xê Bốn”. Tiện đường Bình ghé vào kho đạn trước tiên, thấy quân khí viên Xuyên đang lúi húi dập lửa ở cái giẻ dầu buộc ở đầu cây sặt anh hỏi:
- Cậu làm gì thế?
- Trong này có tổ ong, em vừa chui vào bị nó đốt cho mấy phát. Tức mình em vừa cho nó mồi lửa- Xuyên dừng tay phân trần.
- Kho tàng thế này cậu phải cẩn thận với củi lửa đấy!
Nói rồi Bình đi một vòng qua mấy xe của trung đội Hai ở gần đấy rồi về nhà đại đội. Đúng lúc ấy tiếng kẻng giải lao vang lên, Nam đon đả:
- Mời anh Bình vào đây. Hôm nay ngày kỹ thuật có nước chè sâm bồi dưỡng.
Từ các xe bộ đội cũng lục tục kéo về nhà nghỉ. Những tay nhanh chân đã ôm lấy bàn cờ và bộ tú lơ khơ chơi “tiến lên”, số còn lại ngồi bù khú quanh thùng nước chè sâm có vẻ sôi nổi lắm.
Bỗng “ầm”, một tiếng nổ to như tiếng pháo bắn vang lên phía kho đạn. Đã lâu không nghe tiếng nổ to như vậy tất cả hơi ngớ ra không hiểu chuyện gì. Bản năng người lính chiến trường trong Thận trỗi dậy, anh hô lớn:
- Pháo kích, ra hầm mau!
 Cả Thận, Bình, Nam lao như tên bắn từ trong nhà ra đoạn giao thông hào trước sân. Thận quay đầu nhìn bốn phía, các trung đội cũng nhao cả giao thông hào, tiểu đoàn phó Bình lẩm bẩm:
- Không biết cái gì thế nhỉ?
 Khi mọi người vẫn đang ngơ ngác thì một loạt tiếng nổ nữa lại vang lên. Khói lửa bốc cao từ phía kho đạn, những que thuốc phóng cháy dở phóng lên trời như những mũi tên lửa bay tứ phía. Từ phía trung đội Hai có tiếng hét to:
- Cháy kho đạn rồi!
Lúc này thì toàn đại đội đã lao về phía kho đạn. Nhưng tất cả đều chùn cả lại vì mấy tiếng nổ đanh hơn. Các đầu đạn pháo đã bắt đầu nổ, rồi đạn đại liên cũng thi nhau nổ như ngô rang. Thận hét to át cả tiếng nổ:
- Tránh xa kho đạn ra! Trung đội Hai đâu, cho xe 389 ra khỏi lán ngay! Cho người lên 382 trực, nếu lửa lan đến thì chạy!
Lái xe Nghị nương theo giao thông hào chạy về xe 389 là xe gần kho đạn nhất. Cậu vừa chui được vào xe thì một quầng lửa văng ra ngay cạnh lán xe. Nghị vội nổ máy và đưa xe ra thật xa. Khoa “còi” thì chạy vụt về xe 382, cậu ta mở cửa chui vào ghế lái mà chân tay vẫn run cầm cập.
Những tiếng nổ lớn vẫn dồn dập điểm nhịp trong khi đạn 12 ly 7, đạn K53 nổ liên hồi kỳ trận. Những que thuốc phóng vẫn bay tứ tung. Những mảnh vỏ đạn cũng bị bắn đi xa hàng trăm mét. Thận lại hét:
- Tất cả chuyển đồ trong nhà ra đề phòng cháy nhà!
Quả thật, những que thuốc phóng cháy dở đang bay lung tung nếu cắm vào mái tranh thì nhà cháy là cái chắc.
Đứng dưới giao thông hào quan sát kho đạn cháy Bình hỏi nhỏ:
- Thận này! Kho này chứa bao nhiêu đạn hả?
- Một nửa cơ số anh ạ! Có khoảng hơn trăm viên đạn pháo, còn đạn con thì hàng vạn- Thận đã khản đặc cả cổ lại, không biết vì vừa mới hét to hay vì lo lắng.
- Cũng may là hầm âm chứ làm kho nổi thì hôm nay cháy hết mấy cái lán xe rồi- Bình lẩm bẩm- Mà cậu Xuyên đâu nhỉ?
Nãy giờ chỉ chăm chăm theo dõi kho đạn nổ mọi người quên bẵng quân khí viên Xuyên, không biết cậu ta đang ở đâu hay đang ở trong kho thì “toi” rồi, Thận lại hét to:
- Cậu nào biết Xuyên ở đâu không?
- Anh ấy đang ở dưới nhà “xê bộ” ạ!- Quản lý Minh nhanh nhẩu.
Dưới nhà “xê bộ” Xuyên nằm trùm chăn kín đầu, trống ngực cậu ta đập thình thịch, chân tay thì run cầm cập. Xuyên biết cái tội này của cậu to lắm. Hơn trăm viên đạn pháo và hàng vạn viên đạn con chứ có ít đâu. Chỉ tại mấy con ong chết tiệt làm cậu vừa đau vừa tức nên mới đến nông nỗi này. Xuyên biết rằng không thể nói dối được nữa, không thể đổ cho phá hoại hay gì gì đó vì chính tiểu đoàn phó Bình đã trông thấy cậu ta đang dập lửa sau khi đốt tổ ong.
Vụ nổ kéo dài đến quá trưa mới chấm dứt, quang cảnh xung quanh kho đạn hoang tàn như vừa qua một trận pháo kích, những vạt cây sặt cháy sém, mảnh vỏ đạn và đạn con vung vãi khắp nơi. Cái hầm thùng làm kho nay trông như một hố bom lổn nhổn những đầu đạn chưa kịp nổ. Cả đại đội ngao ngán chẳng ai muốn ăn cơm, bữa ăn tăng cường ngày công tác kỹ thuật rõ ngon mà mâm nào cũng ế.
Sự việc cháy kho đạn ngoài Xuyên bị bắt đi còn kéo theo kỷ luật hàng loạt: tiểu đoàn phó Bình, đại đội trưởng Thận và chính trị viên phó Nam đều nhận kỷ luật vì là những người trực tiếp chỉ huy ngày công tác kỹ thuật hôm đó. Hậu quả của nó cũng làm cái Tết Ất Mão ở đơn vị mất vui, ai cũng cảm thấy như mình có lỗi vì đã để mất một khối tài sản lớn của quân đội, của đất nước nên không thể vui hết mình như những cái Tết trước.
Có một điều hơi lạ so với năm trước là ngay sau Tết đơn vị đã được huy động đi lao động cho quân khu. Cả đại đội chỉ còn sáu, bảy người, chủ yếu là lái xe ở nhà, còn thì đi lao động tất. Công việc chính khi đi lao động là dựng hàng loạt nhà kho dã chiến dọc theo các con đường 73, 74 vừa mới mở sau Hiệp định Paris. Biên chế đại đội cũng có một số thay đổi, chính trị viên phó Nguyễn Ngọc Nam ra lữ đoàn nhận nhiệm vụ mới, Lê Xuân Tự lên thay. Bùi Định cũng chuyển lên tiểu đoàn làm trợ lý tác chiến nên trung đội Hai bây giờ do Phạm Xuân Tráng phụ trách. Bên trung đội Một Hòa “râu” cũng chuyển đi nên Mai Hồng Trị giữ chức vụ trung đội trưởng. Thay cho Huấn lái xe 381 là Hùng, nó có một mảng tóc hất ngược lên để lộ cái trán dô bướng bỉnh nên được gọi là Hùng “bò liếm”. Trưởng xe 380 bây giờ là Nguyễn Đình Luông. Sáu Bùi cũng được đôn lên làm trưởng xe 382, thay cho cậu ta làm pháo thủ xe 386 là Dênh. Đại đội cũng được bổ sung thêm hai pháo hai dự bị người Đông Anh là Khoái và Lực.

Những động thái đó cho thấy một cái gì rất to lớn đang sắp xảy ra.

Đại đội xe tăng 4 huấn luyện tại A Lưới (Ảnh Lê Trí Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét