Ngày hôm sau đại đội được lệnh di chuyển về khu vực Bảo
tàng cổ vật Chàm. Bốn cái xe được đưa vào một con hẻm nằm bên phải bảo tàng, từ
đây có thể nhanh chóng cơ động vào trung tâm thành phố cũng như ra cảng. Nhân
viên bảo tàng chắc đã bỏ đi cả nên chẳng có ai trông nom, cửa giả vẫn mở toang.
Ngay khi mới đến mấy anh em đã rủ nhau vào bảo tàng xem.
Vốn đã được đọc qua về nền văn hóa Chăm Pa nên Trang lại phải trở thành một hướng
dẫn viên bất đắc dĩ. Hùng “bò liếm” và Thọ “pháo” hết sờ nắn bộ ngực đầy đặn của
cô vũ nữ lại mân mê cái “lin ga” to đùng rồi cười khúc khích với nhau.
Sau hai ngày được tiếp xúc với bộ đội người dân thành phố
đã cởi mở hơn, có mấy nhà đã mời bộ đội vào trong nhà nghỉ ngơi, uống nước. Một
ông chủ hàng ăn còn dành cả bếp cho bộ đội nấu cơm, ông còn cho cả rau và gia vị
nên bữa cơm của đại đội cũng tươm tất hơn.
Xe 380 của Luông đỗ ngay trước cửa một ngôi nhà mái tôn,
vách gỗ dáng chừng của dân lao động. Lúc mấy anh em ở bảo tàng về đã thấy trưởng
xe Luông ngồi trong nhà. Ông chủ nhà ra tận xe mời Trang, Thọ, Trực vào nhà uống
nước. Trong nhà ngoài ông già còn hai thanh niên và một cô con gái chừng mười bảy
tuổi. Theo ông chủ nhà giới thiệu thì một anh thanh niên và cô gái là con ông,
anh thanh niên kia là bạn con trai và cả hai đều là thợ điện. Chắc Luông ngồi
trong đó đã lâu nên không khí trong nhà khá cởi mở, chợt thanh niên con ông chủ
hỏi:
- Các anh đánh vào đây bằng đường nào?
- Chúng tôi đi từ Huế vào theo quốc lộ Một!- Luông trả lời.
- Nghĩa là các anh phải vượt qua đèo Hải Vân?- Người
thanh niên tỏ vẻ nghi hoặc.
- Cậu này là lái xe đấy!- Luông chỉ Trang- Cứ hỏi cậu ấy
xem!
- Thật thế không anh?- Anh ta quay sang Trang.
- Thật chứ!- Trang gật đầu khẳng định.
- Nhưng cái xe to và nặng thế kia thì làm sao qua nổi? Ở
trong này mỗi khi phải vượt qua đèo Hải Vân người ta đều sợ lắm, nhiều người chết
ở đấy lắm rồi.
- Thực ra cũng không đến nỗi nào, so với những con đèo
trên Trường Sơn thì chưa thấm vào đâu. Ngay cả trên quốc lộ Một thôi đèo Hải
Vân chỉ dài hơn chứ không hiểm trở bằng Đèo Ngang- Trang vẫn điềm đạm.
- Các anh cũng qua cả Đèo Ngang?- Anh ta vẫn hỏi dồn.
- Đương nhiên rồi! Nhưng phải công nhận phong cảnh cả hai
con đèo đều tuyệt đẹp, một bên là núi cao, một bên là biển rộng, trên là mây
bay, dưới là nước biếc. Chẳng thế mà Bà Huyện Thanh Quan làm được bài thơ hay
thế!- Nhắc đến hai con đèo làm Trang nhớ đến bài thơ “Qua Đèo Ngang”.
- Anh biết bài thơ này à?- Anh ta hơi ngạc nhiên.
- Tôi thuộc từ hồi còn đi học! Một bài thơ rất hay về nội
dung, còn “niêm luật” của nó thì thật là mẫu mực- Rất tự nhiên Trang đọc bài
thơ mà cậu vốn thích- “Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà, Cỏ cây chen đá, lá chen
hoa. Lom khom dưới núi, tiều vài chú; Lác đác bên sông, chợ mấy nhà. Nhớ nước
đau lòng, con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia. Dừng chân đứng lại,
trời, non, nước, Một mảnh tình riêng, ta với ta”.
- Hay quá!- Người thanh niên còn lại nãy giờ im lặng bỗng
thốt lên- Chắc trước khi đi lính anh đã học Văn khoa?.
- Không!- Trang xấu hổ- Tôi mới chỉ học hết lớp mười, bằng
lớp mười hai trong này ấy.
- Sao anh lại biết bài thơ này?
- Có gì đâu? Đây chỉ là một bài thơ trong chương trình
môn văn ở trường phổ thông thôi mà! Ngoài ra thỉnh thoảng tôi cũng tìm đọc những
gì mình thích.
Ông chủ nhà cứ há hốc mồm ra nghe chuyện, có lẽ ông cảm
thấy có rất nhiều cái khác nhau giữa những người lính giải phóng với các sắc
lính mà ông từng biết.
Ngay chiều hôm ấy ông chủ nhà thông báo: “con trai ông và
bạn của nó không phải là thợ điện mà là sĩ quan không quân, cả hai đều đã tu
nghiệp ở Mỹ về, mấy hôm nay vẫn tá túc ở nhà đợi xem tình thế thế nào và trưa
nay đã quyết định ra ủy ban quân quản để trình diện”.
Hai ngày sau, chắc là tình hình ở nội thành đã khá yên ổn
nên đại đội Bốn được lệnh sang bán đảo Sơn Trà rồi ngay sau đó lại cơ động về
căn cứ của sư đoàn Ba tại Khánh Sơn để củng cố mọi mặt chuẩn bị cho những trận
chiến đấu tiếp theo.
Vừa về đến Khánh sơn đã thấy Phượng, Tráng, Bùi, Khoa, và
mấy anh em ở hai xe 382, 389 ra đón. Cả hai pháo hai Khoái và Lực trông đồ dưới
chân Động Truồi cũng đã được đón về đây. Mới xa nhau có một tuần mà đã có biết
bao biến cố xảy ra làm cho người ta tưởng như đã xa nhau hàng tháng, hàng năm.
Căn cứ sư đoàn Ba ngụy được xây dựng khá cơ bản trên một
vùng đồi đất đỏ, những dãy nhà một tầng mái tôn xây ngay hàng thẳng lối làm nhà
ở cho binh lính, còn những nhà xưởng ở đây thì thật tuyệt, cao ráo, rộng rãi,
hàng chục chiếc xe tăng nằm lọt thỏm trong một ngôi nhà.
Việc đầu tiên lữ đoàn tiến hành khi chuyển đến Khánh Sơn
là tổ chức lại cho phù hợp với điều kiện chiến đấu sau này. Theo đó đại đội Bốn
phải chia tay người anh em cùng tiểu đoàn là đại đội Ba để về tiểu đoàn Một, tiểu
đoàn xe chiến đấu xung kích. Cuộc chia tay khá bịn rịn bởi dù sao cũng đã gắn
bó với nhau suốt những năm tháng gian khổ nhất ở chiến trường Trị Thiên Huế. Tiểu
đoàn Bốn được bổ sung một đại đội xe bọc
thép và sẽ cùng tiểu đoàn Năm, một đơn vị lữ đoàn 203 mới tiếp nhận của quân
khu Năm hình thành hai tiểu đoàn tăng thiết giáp bơi nước của lữ đoàn.
Về Khánh Sơn ngày hôm trước thì hôm sau đại đội họp tổng
kết chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chủ nhiệm chính trị lữ đoàn Lê Minh thay mặt Đảng
ủy chỉ huy lữ đoàn xuống dự. Sau phần báo cáo chung của ban chỉ huy đại đội là
rút kinh nghiệm, có mấy ý kiến đều phàn nàn về công tác bảo đảm cơ động. Giá
như hai cây cầu An Nông và Thừa Lưu được khắc phục kịp thời thì đại đội đã hoàn
thành nhiệm vụ được tốt hơn, sớm hơn. Đến phần bình xét khen thưởng, tất cả số
lái xe và gần hết số cán bộ chiến sĩ tham gia đánh Huế và Đà Nẵng đều được đề
nghị thưởng huân chương các loại.
Chủ nhiệm chính trị Lê Minh phát biểu sau cùng, ông nhiệt
liệt biểu dương tinh thần chủ động khắc phục khó khăn của đại đội Bốn nên đã
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong cả chiến dịch, đặc biệt đã góp phần
to lớn trong chiến dịch giải phóng Huế, bắt tù binh thu chiến lợi phẩm ở Thuận
An. Sau đó ông truyền đạt nội dung bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh: “Thần tốc,
thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Khí thế trong đại đội lên cao hừng
hực. Cuối cùng ông kết luận:
- Thực hiện khẩu hiệu “thần tốc” lữ đoàn ta sẽ cùng quân
đoàn hành quân theo trục đường Một vào giải phóng những tỉnh còn lại của miền
Nam, quãng đường dài hàng nghìn cây số. Vì vậy riêng đối với đại đội Bốn là đơn
vị xe cũ nhất thì đồng chí lái xe nào đưa được xe đến tham gia trận đánh cuối
cùng sẽ được tặng một huân chương.
Cả đại đội vỗ tay
rào rào.
Biết chặng đường hành quân sắp tới dài cả nghìn cây số
nên cánh lái xe đại đội Bốn rất lo lắng về tình trạng kỹ thuật của xe. So với
những cái T54B mới cứng của tiểu đoàn Hai và hai đại đội trong cùng tiểu đoàn
này thì 6 cái T59 đã vào chiến trường từ năm 71 của bọn hắn chỉ đáng là đống sắt
vụn. Cái nào cái ấy cóc cáy, mốc thếch bụi đường và khói đạn, cả đại đội không
còn một lá chắn bùn nào nguyên vẹn… Vì vậy cả đơn vị tập trung làm thật đầy đủ
các nội dung bảo dưỡng cấp Hai theo quy định, ngoài ra còn làm thêm một số nội
dung nữa mà họ thấy cần thiết, đặc biệt là đối với hệ thống điều khiển và vận
hành. Ở xe 380 còn mệt hơn vì thiếu người, công việc đang ngập đầu ngập cổ thì
đại đội lại điều mất pháo hai Trực đi. Cậu ta được điều về xe 381 và “lên chức”
pháo thủ, trong khi đó người thay thế chưa thấy tăm hơi đâu. Đã thế Luông lại
suốt ngày họp hành, Thọ thì vừa tranh thủ bảo dưỡng vũ khí vừa cơm nước nên chỉ
có một mình Trang lúi húi ngoài xe suốt hai ngày nay. Mà sao thời tiết kiểu gì
không biết, giữa mùa Xuân lại oi bức đến thế.
Đang chúi mũi vào buồng truyền động Trang bỗng giật mình
vì có tiếng ai đó gõ gõ vào thùng dầu ngoài, chẳng buồn ngẩng mặt lên cậu gắt:
- Rỗi rãi thì đi chỗ khác chơi! Đang bận tối mắt tối mũi
lại còn đến quấy!
Im lặng một lát thì một giọng nói rất nhẹ nhàng cất lên:
- Này! Cho tôi hỏi thăm một tý!
Trang ngẩng bộ mặt nhem nhuốc của mình lên. Trước mắt cậu
là một thân hình loẻo khoẻo khoác trên vai cái ba lô lép kẹp, trên vai là một
cây đàn ghi ta cũ đã bong tróc nhiều chỗ, Trang hất hàm:
- Hỏi gì hỏi nhanh đi!
- Đây là xe 380 do anh Luông làm trưởng xe phải không?
- Phải! Có việc gì thế?- Trang hỏi trong khi tay vẫn
nhoay nhoáy làm việc.
- Tôi là Duyệt, được điều về xe này làm pháo hai.
Trang hơi ngỡ ngàng, pháo hai gì mà người ngợm lại thế
kia. Trong mỗi xe tăng thì đó là một trong hai vị trí mà công việc nặng nhọc nhất:
cái buồng chiến đấu thì hẹp vanh vanh, mỗi viên đạn nặng hơn ba mươi cân người
như thế kia thì làm ăn sao được. Hơi thất vọng về thành viên mới của xe Trang
buông thõng:
- Thế à!
- Anh Luông có nhà không?- Vẫn cái giọng mềm mỏng ấy.
- Ông ấy đi họp chi bộ, còn tôi là Trang lái xe. Thôi được
rồi! Ông cất ba lô lên xe rồi lau mấy khẩu súng đi.
Duyệt đặt cái ba lô và cây đàn lên xe, cậu ta nhún mình
nhảy lên xe rất nhẹ nhàng, chỉ một loáng sau cậu ta đã lau và lắp đâu vào đấy
khẩu 12 ly 7 và hai khẩu đại liên. Trang lại một lần nữa ngỡ ngàng, “tay này
cũng được đấy chứ”, cậu nghĩ bụng. Đến bữa trưa thì cả xe đã thân thiện với
nhau. Người mới đến là Nguyễn Kim Duyệt, dân Hà Nội gốc, nguyên sinh viên Đại học
Nông nghiệp 1.
Ngày 7 tháng tư, tiểu đoàn Bốn và tiểu đoàn Năm lên đường,
đó là hai tiểu đoàn tăng thiết giáp hạng nhẹ, được sử dụng làm phân đội phái đi
trước của quân đoàn, có nhiệm vụ đánh địch, mở đường cho đại quân cánh quân
duyên hải.
Ngày 14 tháng Tư các đơn vị còn lại của lữ đoàn mới xuất
phát. Cuộc xuất quân khí thế lắm, xe nào xe nấy đều có hai chữ “thần tốc” trên
tháp pháo. Ra đến đường Một, gần năm chục chiếc xe tăng hạng trung nối đuôi
nhau chạy trông thật hùng dũng. Tất cả mọi phương tiện đang lưu thông trên đường
đều dạt hẳn về một bên nhường đường, bà con hai bên đường vẫy tay chào mừng thật
là thân thiện.
Cái khí thế hừng hực ấy kéo dài chưa được bao lâu thì bị
giội ngay một gáo nước lạnh: hai nhịp cầu Câu Lâu bị phá mới được lắp tạm bằng
“cầu Mỹ” không đủ tải cho xe tăng qua.
Để đảm bảo cho xe tăng vượt sông Thu Bồn công binh quân
đoàn bố trí một bến phà dã chiến ngay bên cạnh cầu. Con sông Thu Bồn mùa nước cạn
có một cù lao nằm ở giữa, phà phải chạy vòng qua nên mất gần hai tiếng đồng hồ
chiếc xe tăng đầu tiên mới đến bờ bên kia. Trên bờ cả hai tiểu đoàn xe tăng nằm
vạ vật dưới cái nắng mùa khô xứ Quảng. Lữ đoàn phó Dương Xuân Tụ phụ trách hành
quân đi đi lại lại, miệng gầm gừ như con hổ bị nhốt trong cũi:
- Không biết các ông ấy làm ăn thế nào? Đã hiệp đồng như
đinh đóng cột rồi mà có mỗi cái phà con con, hai tiếng một xe thì bao giờ mới
qua hết được sông.
Bên trinh sát của quân đoàn cho biết về phía thượng lưu gần
chục cây số cũng có một cây cầu bê tông. Như bắt được vàng Tụ lệnh cho cả đoàn
xe tăng ngay lập tức hành quân đến đó. Nhưng chạy đến nơi rồi lại đâm thất vọng,
cây cầu tuy là bê tông nhưng quá mảnh dẻ, chiều rộng mặt cầu không bằng chiều rộng
thân xe nhưng vì hai bên không có lan can nên vẫn có thể qua được. Với vẻ không
tin tưởng lắm lữ phó Tụ lệnh cho một xe của đại đội Một đi thử.
Hàng trăm cặp mắt trên bờ dõi theo từng vòng lăn xích của
chiếc xe tăng trên cầu. Nó đã qua được một phần ba. Ai cũng khấp khởi chắc là
qua được thì “ịch” một cái: một nhịp cầu sập một đầu xuống sông, cái xe tăng
chìm gần hết trong làn nước xanh ngăn ngắt chỉ thò mỗi nòng pháo lên như một
cánh tay kêu cứu. Chẳng thể làm gì hơn cả đoàn xe tăng lại lầm lũi quay lại cầu
Câu Lâu chờ phà.
Gần hết ngày hôm sau hai tiểu đoàn mới qua sông hết, đại
đội Bốn là những người qua sông cuối cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét